Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Hút thuốc lá 10 năm liên tục, người đàn ông bị nhồi máu cơ tim; Bộ Y tế cảnh báo hệ lụy nghiêm trọng khi lạm dụng khí N2O, cần kiểm soát triệt để…

 

Cơ chế đặc thù sẽ giúp “nâng tầm” y tế Thủ đô

Trong quá trình góp ý sửa đổi Luật Thủ đô, người dân và các chuyên gia về y tế cơ sở rất quan tâm, đề xuất và mong muốn phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân. Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh, để “nâng tầm” ngành Y tế Thủ đô, phải có cơ chế đặc thù.

Một câu hỏi được nhiều người nêu ra là phải đặt vấn đề người dân đang muốn gì đối với ngành Y tế? Thực ra, người dân luôn mong muốn khi khỏe mạnh vẫn được chăm sóc để không bị bệnh, khi bị bệnh thì được tiếp cận kịp thời dịch vụ y tế chất lượng và chăm sóc toàn diện.

Tuy nhiên, hệ thống y tế của thành phố trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhân lực ngành Y tế Thủ đô còn thiếu và yếu, tỷ lệ y, bác sĩ của thành phố trên số dân còn thấp. Đáng nói, chưa giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải ở một số bệnh viện và chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến...

Theo bác sĩ Trần Việt Anh (Trường Đại học Y Hà Nội), trong lộ trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), rất cần thiết nghiên cứu một số chính sách đặc thù giúp phát triển y tế Thủ đô theo nguyên lý y học gia đình. Trong đó, cần huy động sự tham gia của các đơn vị y tế ngoài công lập hiện đang sở hữu một số lượng nhân sự y tế lành nghề dồi dào. Chính sách cần hướng tới mục tiêu xây dựng được một môi trường làm việc công khai, minh bạch, công bằng với các nhân viên y tế để giúp họ toàn tâm, toàn ý tham gia trong chuỗi cung ứng dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô trong kỷ nguyên hậu đại dịch Covid-19.

“Để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực chất lượng từ hệ thống y tế ngoài công lập, cần có chính sách ưu đãi đặc thù cho phép khu vực này tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ chăm sóc ban đầu bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, cần xây dựng giá dịch vụ và cơ chế thanh toán chi phí cung cấp dịch vụ y tế ngoài giờ, thí điểm khoán chi phí trên đầu thẻ bảo hiểm y tế, các gói dịch vụ y tế theo yêu cầu tại tuyến y tế cơ sở...”, bác sĩ Trần Việt Anh kiến nghị.

Trên thực tế, 80% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân là ở tuyến cơ sở, 15% có nhu cầu chăm sóc ở tuyến 2 (tuyến tỉnh), chỉ 5% có nhu cầu chăm sóc ở tuyến 3 (tuyến trung ương). Tuy nhiên, hiện nay, người dân đang sử dụng dịch vụ thăm khám không cần thiết, nhiều bệnh nhân do thiếu tin tưởng về chất lượng ở tuyến dưới nên đã lên bệnh viện tuyến trên.

Về việc này, Tiến sĩ Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng, cần thiết nâng cao chất lượng hệ thống y tế Thủ đô để đảm đương được vai trò của cả 3 tuyến khám, chữa bệnh cho người dân.

Là công dân đã sinh sống trên địa bàn Hà Nội hơn 20 năm, ông Nguyễn Ngọc Dũng (ở quận Hà Đông) kỳ vọng, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đáp ứng yêu cầu, mong muốn của nhân dân về phát triển y tế Thủ đô hiện đại, tập trung vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế gia đình, bởi luật hiện hành mới chỉ có 1 điều quy định đơn giản về y học gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng cũng đề xuất, y học gia đình phải đẩy mạnh, nhưng phải có lộ trình, với cơ chế đặc biệt không những tạo động lực cho y tế gia đình phát triển mà còn phải bảo đảm bảo hiểm y tế chi trả mới có thể thu hút người dân chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo được sự liên thông để bác sĩ có thể theo dõi xuyên suốt sức khỏe, tiến triển bệnh qua những lần khám, so sánh từng chỉ số xét nghiệm, lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân ở cả 3 tuyến. Điều này còn giúp bệnh nhân chủ động quản lý sức khỏe dễ dàng, tiết kiệm chi phí. (Hà Nội mới, trang 3).

 

Bộ Y tế cảnh báo hệ lụy nghiêm trọng khi lạm dụng khí N2O, cần kiểm soát triệt để

Theo Bộ Y tế, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O) có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt trong giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười; sử dụng lâu sẽ dẫn đến tự kỉ, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể; sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm khí Nitơ Oxyd (N2O).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế nhận được thông tin tại một số địa phương xuất hiện tình trạng mua bán, sử dụng 'bóng cười' có chứa khí Nitơ Oxyd (N2O) nhất là tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí...

Bộ Y tế cho hay, khí Nitơ Oxyd (tên hóa học là Dinitrogen monoxyd) có công thức hóa học là N2O, là hóa chất được sử dụng trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...); đồng thời được sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm (có trong danh mục phụ gia thực phẩm của Ủy ban thực phẩm quốc tế - Codex); và đang được nghiên cứu sử dụng để an thần, giảm đau trong nha khoa.

Tuy nhiên, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O) có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là trong giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười; sử dụng lâu sẽ dẫn đến tự kỉ, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể; sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác... Đồng thời có thể có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Để tăng cường công tác quản lý đối với khí Nitơ Oxyd (N2O) theo quy định pháp luật, phòng chống việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các hoạt động sau:

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh, sang chiết sản phẩm khí Nitơ Oxyd (N2O) bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý hóa chất cũng như quản lý phụ gia thực phẩm.

Các công ty phải khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí Nitơ Oxyd (N2O) làm phụ gia thực phẩm; việc thanh tra, kiểm tra các quy định về an toàn thực phẩm nói chung ưu tiên kiểm tra việc khai báo kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu trước khi thông quan, kiểm tra việc tuân thủ các quy định tại Thông tư số 25/2019/TT- BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế (Bảo đảm truy xuất được người bán và người mua), xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí Nitơ Oxyd (N2O).

Cùng đó, tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O).

Ban hành các quy định theo thẩm quyền để ngăn ngừa và xử lý việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O) nhất là tại các điểm vui chơi, giải trí như các quán bar, vũ trường, quán karaoke, rạp chiếu phim, công sở, trường học...

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm khí Nitơ Oxyd (N2O) nhằm bảo đảm kiểm soát triệt để nguy cơ lạm dụng, sử dụng sai mục đích, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh theo đúng quy định.

Trên thực tế thời gian qua, báo Sức khỏe & Đời sống đã có nhiều lần phản ánh, thông tin việc giới trẻ lạm dụng sử dụng 'bóng cười' và những hệ lụy nghiêm trọng về sức khoẻ khi lạm dụng khí N2O. Đã có không ít trường hợp phải nhập viện điều trị dài ngày vì tổn thương tủy cổ, tê yếu tay chân do ngộ độc khí N2O, loạn thần... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 4: “Kiểm tra, kiểm soát sử dụng khí N2O ở các điểm vui chơi”.

 

Gia hạn gần 10.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Từ đầu 2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố 5 đợt gia hạn với tổng số gần 10.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị quyết số 80/2023/QH15.

Để đảm bảo nguồn cung thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội, Cục Quản lý Dược đã ký quyết định công bố Danh mục 25 thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước và nước ngoài có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15.

Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tính đến thời điểm này, đây là đợt gia hạn thứ 5 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.

Cũng dịp này, Cục Quản lý Dược đã công bố danh mục 83 thuốc biệt dược gốc đợt 2 năm 2023.

Như vậy, từ đầu 2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố 5 đợt gia hạn với tổng số gần 10.600 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị quyết số 80/2023/QH15.

Cùng đó, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm.

Trước đó, Cục Quản lý Dược cũng đã nhiều lần thực hiện cấp lại số đăng ký có hiệu lực 3 năm hoặc 5 năm theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của nhân dân.

Theo Bộ Y tế, hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại.

Tại buổi tọa đàm - trao đổi về truyền thông y tế do Bộ Y tế tổ chức mới đây, TS Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ kiêm Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng bộ Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã quyết liệt tháo gỡ những "nút thắt" về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế góp phần khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế, cụ thể:

Tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để đảm bảo nguồn cung về thuốc;

Đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; Ban hành các Thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc;

Tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép;

Chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan; Thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuốc Bộ;

Đẩy nhanh tiến độ mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công bố công khai thông tin thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ đấu thầu. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) thực hiện ghép gan trở lại

Ngày 26-6, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) đã thực hiện ghép gan trở lại sau thời gian tạm ngưng.

Bệnh nhi được ghép gan là bé trai 11 tuổi (ngụ tỉnh Bình Định) bị teo đường mật, đã phẫu thuật Kassai lúc 1 tháng tuổi. Người cho gan là mẹ của bệnh nhi. Ê kíp ghép gan cho bệnh nhi này là các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong khâu lấy gan từ người cho.

Trước đó, ngày 23-5, Báo SGGP đăng tải bài viết: “Bệnh viện tạm hoãn ghép gan vì phòng mổ cũ”, phản ánh thực trạng nhiều phụ huynh có con được chỉ định ghép gan nhưng không được ghép, buộc phải ra Hà Nội để thực hiện.

Nguyên nhân là Bệnh viện Nhi đồng 2 chờ đề án thẩm định ghép tạng, thiếu nguồn tạng để cấy ghép; số lượng phòng mổ ít, nhân lực còn thiếu... (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Hút thuốc lá 10 năm liên tục, người đàn ông bị nhồi máu cơ tim

Ngày 26/6, theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), bệnh nhân Dương Văn T. (31 tuổi, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử hút thuốc lá 10 năm liên tục, mỗi ngày hút từ nửa bao đến 1 bao thuốc lá, nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau tức ngực trái âm ỉ.

Các xét nghiệm thăm dò phát hiện tình trạng đái tháo đường, men tim tăng nhẹ. Đáng chú ý, kết quả điện tim không có biến đổi bất thường, nhịp xoang đều, không có dấu hiệu nhồi máu cơ tim đặc hiệu.

Trong quá trình theo dõi sát tình trạng và làm lại xét nghiệm men tim, sau 2h, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau ngực, vã mồ hôi trở lại, huyết áp tụt 60/40mmgHg, nhịp tim chậm 39 lần/phút.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã xử trí nâng huyết áp, chuyển thẳng bệnh nhân đến phòng can thiệp tim mạch đặt máy tạo nhịp tim tạm thời với điện cực trong buồng tim. Kết quả chụp mạch vành phát hiện động mạch vành phải tắc hoàn cuối đoạn 1.

Ekip can thiệp mạch vành của ThS.BS Đinh Danh Trình – Phó Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy đã thực hiện can thiệp nong bóng, đặt 1 stent vào động mạch vành phải để tái thông dòng chảy cho mạch vành tưới máu cơ tim cải thiện.

Ngay sau can thiệp, cơ tim hồi phục hoàn toàn, nhịp tim quay về nhịp xoang đều 80 lần/phút, bệnh nhân thoát nguy kịch. Sau 24h can thiệp, bệnh nhân được rút điện cực máy tạo nhịp tạm thời, không còn đau ngực, chỉ số sinh tồn ổn định.

Ths.BS Đinh Danh Trình cho biết: “Bệnh cảnh tắc động mạch vành cấp tính chiếm 0.37% tới 2.96% các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Tắc động mạch vành là một tình trạng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến cố như nhồi máu cơ tim do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim, tàn phế, thậm chí tử vong.

Thực tế những biến chứng tim mạch nặng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người trẻ, đặc biệt lứa tuổi dưới 40 hầu hết là những người hút thuốc lá nhiều. Nam bệnh nhân tuổi còn trẻ nhưng có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim như béo phì, đái tháo đường chưa phát hiện, hút thuốc lá nhiều năm với số lượng lớn…".

BS Trình nhấn mạnh, hút thuốc lá gây vữa xơ động mạch. Theo thời gian, các mảng xơ vữa lớn dần lên gây hẹp lòng mạch tại một hay nhiều nhánh động mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi cơ tim. Nếu tắc các mạch máu lớn hoặc tắc mạch trên phạm vi rộng, gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não…thậm chí là ngừng tim.

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

Theo lời khuyên của bác sĩ, để giảm nguy cơ tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim ở người trẻ, cần có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn mỡ và nội tạng động vật, ăn đủ rau quả, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng tâm lý, điều trị tốt các bệnh lý nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…

Cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ đều đặn cũng như khám chuyên khoa tim mạch khi có các triệu chứng bất thường để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý động mạch vành, giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim và các biến chứng của nó.

Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như đau tức vùng ngực, khó thở, toát mồ hôi lạnh, nôn, choáng váng… thì cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để chẩn đoán và can thiệp điều trị nhồi máu cơ tim kịp thời.

Đối với những bệnh nhân trẻ tuổi hoặc những người đã mắc bệnh tim mạch cần phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng phù hợp, tập thể dục đều đặn, cân đối công việc và cuộc sống. (Công an Nhân dân, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang