Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/05/2018

  • |
T5g.org.vn - 3 trẻ sốc, co giật sau uống thực phẩm chức năng oresol; Điều chỉnh mức đóng BHXH, BHYT từ ngày 1.7 như thế nào?; Kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc để kiểm soát chất lượng, giá thuốc; Hưởng ứng tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá năm 2018; Sẽ xây dựng trung tâm y tế trên đảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa)…

 

Điều chỉnh mức đóng BHXH, BHYT từ ngày 1.7 như thế nào?

Từ ngày 1.7, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng/tháng (theo Nghị quyết 49 của Quốc hội), do đó sẽ thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức đóng và mức hưởng bảo hiểm y tế được điều chỉnh.

Những đối tượng sẽ tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ ngày 1.7 gồm: người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người hưởng lương theo chế độ nhà nước quy định, người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết luật BHXH 2014 quy định, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Riêng với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đóng theo mức lương cơ sở từng thời kỳ. Tỷ lệ đóng BHXH của NLĐ bằng 8% mức tiền lương tháng.

Cách tính như sau: đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc là 1,39 triệu đồng/tháng (bằng lương cơ sở mới). Công thức tính: 1,39 triệu x 8% = 111.200 đồng/tháng. Đối với các đối tượng hưởng tiền lương do nhà nước quy định số tiền đóng được tính theo công thức: (lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở 1,39 triệuđồng/tháng) x 8%.

Trong trường hợp, nếu NLĐ trong doanh nghiệp, người hưởng lương theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định có tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao hơn 27,8 triệu đồng (tức hơn 20 lần mức lương cơ sở mới) thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc chỉ bằng 20 lần mức lương cơ sở, tức là tối đa 1,39 triệu đồng x 20 x 8% = 2,224 triệu đồng/tháng.

Đối với người đi làm việc ở nước ngoài đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc thì mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ trước khi đi nước ngoài làm việc. Nhưng nếu chưa từng tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia nhưng đã hưởng BHXH 1 lần thì mức đóng bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở. Như vậy, mức đóng trong trường hợp này là (1,39 triệu đồng x 2) x 22% = 594.000 đồng/tháng.

BHXH VN cho biết từ ngày 1.7 tới, mức đóng bảo hiểm y tế của một số đối tượng như: người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, hộ gia đình… sẽ điều chỉnh từ 58.500 đồng/tháng lên 62.550 đồng/tháng. Mức hưởng bảo hiểm y tế cũng có thay đổi, trong đó: số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm tài chính làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm (6 tháng lương cơ sở) sẽ điều chỉnh tăng từ 7,8 triệu đồng lên 8,34 triệu đồng; chi phí cho 1 lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở cũng sẽ điều chỉnh tăng từ 195.000 đồng lên 208.500 đồng. Ngoài ra, mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho 1 lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 58,5 triệu đồng lên 62,55 triệu đồng (Thanh niên, trang 4).

 

Kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc để kiểm soát chất lượng, giá thuốc

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc.

Thông báo nêu rõ, việc thực hiện kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc là giải pháp quan trọng, cần thiết nhằm triển khai các chỉ đạo về tăng cường hiệu quả quản lý thuốc tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/ 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng. Với việc kết nối này, các cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc, tăng cường công khai minh bạch trong quản lý thuốc...

Việc kết nối các cơ sở cung ứng sẽ làm thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm soát thuốc đối với cơ quan quản lý, các cơ sở cung ứng thuốc và cơ sở y tế, đòi hỏi có quyết tâm cao của ngành y tế và chính quyền các địa phương. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí ở Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận và sự ủng hộ của các cơ sở y tế, cơ sở cung ứng thuốc và của nhân dân trong thực hiện giải pháp này.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian từ nay đến hết tháng 6 năm 2018, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc triển khai trước tại các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hưng Yên, rút kinh nghiệm, nêu ra các yêu cầu quản lý chuyên môn để Tập đoàn Viễn thông Quân đội hoàn thiện về kỹ thuật trước khi triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì hoàn thiện tài liệu hướng dẫn, tập huấn (bằng văn bản, video...) bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân liên quan đều được hướng dẫn cụ thể, chi tiết về thực hiện kết nối, không để bất cứ cơ sở nào không kết nối do không được tập huấn, hướng dẫn; đồng thời nghiên cứu, sớm có quy định về hình thức, biện pháp xử lý các trường hợp cơ sở không tham gia kết nối; lưu ý có giải pháp phù hợp đối với các đối tượng là quầy thuốc, tủ thuốc ở vùng nông thôn không có máy tính kết nối mạng, kết nối bằng điện thoại di động thay cho máy vi tính...

Bộ Y tế tổ chức triển khai trên toàn quốc việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc vào đầu tháng 7/2018. Phấn đấu trong năm 2018, hoàn thành việc kết nối đối với các nhà thuốc và trạm y tế xã; trong năm 2019 hoàn thành đối với các quầy thuốc, tủ thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc còn lại trên phạm vi cả nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát các thông tư về vấn đề quản lý, sử dụng thuốc, khắc phục tình trạng mua bán thuốc, dùng thuốc không theo đơn, lạm dụng kháng sinh, quy định các loại thuốc bắt buộc phải kê đơn và có lộ trình thực hiện về kê đơn đối với các loại thuốc khác (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Hưởng ứng tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá năm 2018

Hàng năm được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5.

Nhằm đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và quần chúng đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá.

Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) muốn thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch. Tổ chức Y tế thế  giới cũng kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời và hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về  tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Tại các tỉnh, thành phố từ ngày 25 đến 31 tháng 5 đều có các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá như treo băng zôn, khẩu hiệu, Tổ chức phổ biến Luật PCTH thuốc lá, đăng tải các thông tin về tác hại của thuốc lá/thuốc lào/thuốc lá điện tử đối với sức khỏe; các tấm gương điển hình về bỏ thuốc và vận động mọi người bỏ thuốc tại cộng đồng; phát các tin bài về lợi ích của môi trường không khói thuốc lá trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trên đài phát thanh, truyền hình tỉnh và hệ thống loa phát thanh xã phường...

Tại thành phố Đà Nẵng sáng ngày 27-5-2018, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ tổ chức lễ mít tinh tại Nhà hát Trưng Vương, thành phố Đà Nẵng.

Mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá năm 2018 tại Bộ Y tế sẽ diễn ra chiều ngày 31-5-2018 tại Bộ Y tế, 138 A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Sẽ xây dựng trung tâm y tế trên đảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa)

Ngày 25-5-2017, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) ra đời với số vốn đầu tư  41 tỷ đồng từ góp sức của nhân dân khắp mọi miền đất nước.

Với 12 nhân viên y tế túc trực thường xuyên và các trang thiết bị hiện đại, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa có đủ năng lực để giải quyết những cấp cứu căn bản nội khoa và ngoại khoa, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cấp cứu trong khuôn khổ “thời gian vàng” của các bệnh lý. 

Thống kê trong 1 năm, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa tiếp nhận gần 3.000 lượt khám chữa bệnh và 200 lượt điều trị nội trú, tăng gấp 10 lần so với trước đây. Một năm qua, nơi đây đã thực hiện 396 ca phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp như mổ đẻ, tai biến mạch máu não, đa chấn thương...

Đặc biệt, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã thực hiện phẫu thuật áp xe trung thất - một thể nhiễm trùng nặng mà trước kia nếu có mắc phải nghĩa là đã mang “án tử”. Tính trung bình mỗi ngày Trung tâm thực hiện 1 ca phẫu thuật. 

“Đây là thành công bước đầu đáng khích lệ của một trung tâm y tế giữa biển khơi. Điều này cho thấy những tín hiệu lạc quan trong công tác chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa cũng như ngư dân đang sản xuất, đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết. 

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, việc xây dựng thêm các trung tâm y tế tại một số đảo lớn của quần đảo Trường Sa là rất cần thiết. Sắp tới, Bệnh viện Quân y 175 sẽ xây dựng một trung tâm y tế tại đảo Phan Vinh (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Tiếp tục phiên xét xử vụ tai biến chạy thận tại BVĐK Hòa Bình: Luật sư chỉ ra 4 vi phạm liên quan đến tố tụng

Ngày 28/5, HĐXX TAND TP. Hòa Bình xét xử vụ tai biến chạy thận làm chết 9 người tại BVĐK tỉnh Hòa Bình bước sang tuần làm việc thứ 3. Trước đó, các luật sư lần lượt đưa ra các quan điểm bào chữa cho các bị cáo và đều cho rằng, Viện Kiểm sát đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và chứng minh rằng các bị cáo không có tội… Phiên tòa đang được sự quan tâm của người dân cả nước.

Vi phạm nghiêm trọng về tố tụng

Trong tất cả các vụ án nói chung thì điều đầu tiên mà luật sư thường đề cập đến trước tiên luôn là vấn đề tố tụng. Theo đó, Luật sư Phạm Quang Hòa (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn) đã chỉ ra 4 vi phạm nghiêm trọng liên quan đến tố tụng trong vụ án này. Một là: Vi phạm việc luận tội tại phiên tòa - Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Hai là: Vi phạm xác định tư cách người tham gia tố tụng. Điều rất đặc biệt của vụ án này là trong quá trình tiến hành tố tụng của vụ án này đã không có bất kỳ một người nào tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng. Đa số những người đang được coi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án đã được các cơ quan tiến hành tố tụng TP. Hòa Bình xác định hoàn toàn không phù hợp với quy định của Pháp luật được quy định rất cụ thể tại Điều 65 - Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Ba là: Vi phạm quy định về Đối chất - Theo quy định tại Điều 189 BLTTHS 2015. Việc Cơ quan điều tra đã không cho thực hiện việc đối chất trong vụ án này đã thể hiện rõ rằng trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện không đúng các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và đây chính là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bốn là: Vi phạm về việc xác định sự thật khách quan của vụ án - Quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Đặc biệt, với tinh thần cải cách tư pháp, sau phần bào chữa của Luật sư Phạm Quang Hòa, đã có nhiều diễn biến mới tích cực hơn; HĐXX và VKS đều có sự thay đổi theo hướng tôn trọng ý kiến của luật sư. Ông Trần Văn Thắng - Trưởng phòng Vật tư - TBYT; bà Bùi Thị Phương Thuý - Phó trưởng Phòng Tài chính Kế toán) và bà Vũ Thị Thục - nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán lập tức bị triệu tập đến toà. Đây cũng là 3 người đầu tiên được xác định với tư cách là nhân chứng tại phiên xử là một thắng lợi bước đầu trong việc chứng minh không đủ căn cứ buộc tội các bị cáo, đặc biệt là Trần Văn Sơn.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Tại tòa, ý kiến các luật sư đề nghị HĐXX khởi tố vụ án hình sự, khởi tố nguyên Giám đốc bệnh viện, nguyên Trưởng phòng Vật tư - TBYT và Giám đốc Công ty Thiên Sơn về các tội danh: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; Vi phạm Luật Đấu thầu; Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước. Luật sư cũng cho rằng, cơ quan công tố đã vi phạm nghiêm trọng việc tố tụng, không thu thập chứng cứ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Nhiều luật sư đề nghị được mời chuyên gia về lĩnh vực chạy thận nhân tạo đến toà để làm rõ các vấn đề chuyên môn và trách nhiệm của những người liên quan theo Quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, HĐXX bác bỏ những đề nghị này vì cảm thấy “không cần thiết”.

Nói về việc xuất cảnh của ông Dương - nguyên Giám đốc bệnh viện, công tố viên khẳng định không có cơ sở cấm xuất cảnh bởi ông Dương không phải là bị can, bị cáo hay người sắp bị khởi tố. Cơ quan điều tra và đại diện viện xác định tư cách ông Dương là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chứ không phải nhân chứng.

Cũng trong tuần qua, Luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, việc đưa 3 bị cáo ra xét xử chỉ là phần ngọn của vấn đề. Bởi vậy, luật sư kiến nghị cần mở rộng về vấn đề pháp lý của đơn nguyên thận nhân tạo xem đã thành lập đúng pháp luật hay chưa?

Trước đó, bên hành lang Quốc hội, Bộ ttrưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay phiên tòa sơ thẩm đang diễn ra và xung quanh có nhiều ý kiến khác nhau nên Bộ vẫn theo dõi sát diễn biến. Trong thời gian diễn ra phiên tòa, đại diện của Bộ cũng có mặt theo dõi và trả lời rõ các câu hỏi có liên quan của HĐXX (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Tự chủ tài chính phải song song đảm bảo an toàn cho người bệnh

Với chủ đề “Tự chủ tài chính, an toàn người bệnh, an ninh bệnh viện trong quản lý chất lượng bệnh viện”, Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc năm 2018 đã luận bàn đến những vấn đề "nóng" của ngành y.

Ngày 25/5, tại TP Thanh Hóa, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc năm 2018 với chủ đề “Tự chủ tài chính, an toàn người bệnh, an ninh bệnh viện trong quản lý chất lượng bệnh viện” với sự tham gia của nhiều chuyên gia y tế nước ngoài và hàng trăm nhà quản lý bệnh viện khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, GS. TS  Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế ghi nhận hoạt động của Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc đã có những tác động tích cực đến hệ thống của các bệnh viện. Sự gắn kết, hợp tác, hỗ trợ giữa các bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, các trường đại học, cao đẳng y tế trong chuyên môn, trong đào tạo nguồn nhân lực đang góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành y tế, nhất là các kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý các bệnh viện, các thông tin về chuyên môn, thông tin về quản lý kinh tế bệnh viện luôn được cập nhật và thường xuyên chia sẻ.

Thông qua hội nghị này, Thứ trưởng mong muốn có thêm nhiều kinh nghiệm quý từ thực tế quản lý, điều hành các hoạt động tại các bệnh viện từ trung ương đến địa phương được trao đổi, chia sẻ để đưa ra các giải pháp hữu ích nhất, nhằm giúp cho các giám đốc bệnh viện có cách nhìn mới, tư duy mới và vận dụng phù hợp, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành tại bệnh viện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời cũng giúp cho việc quản lý và ban hành các chính sách về y tế của các cơ quan quản lý nhà nước phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển. Trong phát biểu tại đêm Gala chào mừng hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong thời gian gần đây, qua đi công tác thực tế tại 63 tỉnh, thành phố, tại các trạm y tế, bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện rồi bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố… đã có nhiều thay đổi về hình thức và chất lượng. “Qua hỏi thăm người dân đang khám chờ khám chữa bệnh, người nhà bệnh nhân tại các cơ sở y tế này cho thấy, đa phần đã bày tỏ sự hài lòng hơn khi được khám chữa bệnh trong môi trường xanh-sạch-đẹp và thoáng mát hơn, được nhận nụ cười của cán bộ y tế nhiều hơn”- Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại về chất lượng y tế vẫn chưa đồng bộ giữa các tuyến, vấn đề an ninh bệnh viện, an toàn người bệnh vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện, tai biến y khoa... cho ngành Y tế phải quyết tâm nhiều hơn nữa mới có thể thực hiện được các chỉ tiêu đề ra trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các bệnh viện phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực để xây dựng bệnh viện phát triển bền vững trở thành những Trung tâm Y tế có cơ sở hạ tầng được mở rộng, chỉnh trang, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đội ngũ cán bộ có chất lượng và chuyên môn chuyên sâu, có đủ khả năng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới.

Các bệnh viện cần ưu tiên cho các trọng tâm, lĩnh vực sau: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ cán bộ công chức để nâng cao chất lượng dịch vụ; Nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, quản lý tài chính phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu quản lý bệnh viện trong tình hình mới; Tăng cường công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ theo hướng đồng bộ, chất lượng cao, chuyên sâu, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng khi thực hiện tự chủ tài chính; Đẩy mạnh thực hiện an ninh, an toàn bệnh viện trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện

“Mục tiêu mà các bài trình bày của các chuyên gia, nhà quản lý đều hướng tới nâng cao chất lượng của bệnh viện, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ phấn đấu mang đến sự hài lòng, an toàn và chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân”- PGS.TS Nguyễn Quốc Anh nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, về tài chính và tự chủ tài chính dù viện phí đã được điều chỉnh tăng, nhưng là vấn đề cần giải quyết đối với các cơ sở khám chữa bệnh. Việc các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính sẽ có những áp lực về nguồn thu, nhưng không chấp nhận lạm dụng dịch vụ y tế, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

“Lạm dụng dịch vụ y tế là vấn đề nhạy cảm, chúng ta khó chịu khi bị nhắc nhở nhưng thực tế có tồn tại ít nhiều, do đó tự chủ tài chính không chỉ là lo tăng nguồn thu mà còn phải khắc phục tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế còn tồn tại ít nhiều”- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.

Tại hội nghị, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng, tự chủ tài chính các bệnh viện được quyết định về nhân lực, cân đối thu chi, do đó đòi hỏi các bệnh viện hài hòa giữa quyền lợi các bên, tăng nguồn thu nhưng phải tương xứng và chất lượng khám, điều trị bệnh. Tự chủ tài chính vẫn phải đảm bảo tối đa an toàn người bệnh. Mà an toàn người bệnh không chỉ là mổ xẻ hay trong quá trình sử dụng dịch vụ y tế mà ngay cả nhà vệ sinh cũng có thể là nơi không an toàn.

Là hoạt động thường niên không thể thiếu tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao tặng 50 triệu đồng cho Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao tặng sách chuyên ngành cho các bệnh viện tham dự hội nghị và trao Bằng khen của Bộ Y tế cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của câu lạc bộ (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

3 trẻ sốc, co giật sau uống thực phẩm chức năng oresol

Thay vì bù nước cho con bằng thuốc oresol theo đúng chỉ định của bác sĩ, phụ huynh lại cho con uống thực phẩm chức năng dạng oresol. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, loại TPCN này chỉ đóng gói dạng 10ml nhìn như thuốc, rất dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng; uống vào sẽ không giải quyết được tình trạng mất nước mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng. Khoa Nhi (BV Bạch Mai) thời gian gần đây tiếp nhận một số trẻ nhập viện trong tình trạng mất nước độ 3, tụt huyết áp, tiền sốc, co giật. Theo các bác sĩ, nguyên nhân được xác định là do trẻ không được bù nước đúng cách khi bị tiêu chảy.

Theo lời kể của một người nhà bệnh nhi, đứa con 11 tháng tuổi của chị đang rất bụ bẫm, nhanh nhẹn nhưng chỉ sau hơn 1 ngày tiêu chảy thì môi nhợt, sốt, lả đi, chân tay lạnh ngắt. Trước đó, ngày 14/5, hai mẹ con chị đều bị tiêu chảy, chị có ra hiệu thuốc mua men và nước điện giải để bù nước. Hai mẹ con uống hết 1 chai và 4 – 5 gói pha với 200ml nước trong gần 3 ngày thì thấy con lả đi, môi nhạt. Con mỗi ngày đi ngoài khoảng hơn 10 lần, nhất là sau khi ăn, uống sữa đi rất nhiều toàn nước. Gia đình vội đưa con vào viện cấp cứu, được chẩn đoán đoán mất nước độ 3 vì tiêu chảy cấp. Sau khi vào viện, trẻ vẫn tiếp tục sốt cao, co giật, và phải chọc dịch não tủy.

Theo các bác sĩ, đây chỉ là 1 trong 3 bệnh nhi vào viện cấp cứu vì mất nước nặng do tiêu chảy cấp thời gian gần đây. Đáng nói, cả 3 cháu vào viện trong tình trạng sốt cao mất nước độ 3, tụt huyết áp, tiền sốc, co giật. Cả 3 đều liên quan đến việc bù nước không đúng cách, bù nước bằng TPCN dạng oresol chứ không phải là thuốc oresol.
Trước đó không lâu, dư luận cũng đã từng xôn xao câu chuyện về một bệnh nhi sốt, tiêu chảy mất nước, đã được bác sĩ khám, kê đơn dung dịch bù nước điện giải và hướng dẫn bà mẹ về nhà cho bé uống, theo dõi triệu chứng. Tuy nhiên, bà mẹ lại ra hiệu thuốc mua một loại TPCN dạng oresol để bù nước, không rõ là loại gì. Khi về nhà cho bé uống nhưng triệu chứng cứ xấu dần đi cho đến khi hoảng hốt phát hiện cháu lờ đờ không phản ứng. Trẻ vào viện trong tình trạng trụy tim mạch, không cứu được. Đây là câu chuyện đau lòng cảnh báo đến tất cả các bậc cha mẹ không tự ý dùng thuốc, TPCN cho trẻ tránh hậu quả đáng tiếc.

Tuyệt đối không dùng TPCN dạng oresol để bù nước

Hiện nay trên thị trường xuất hiện một loại TPCN công thức y như Oresol - vốn dùng bù nước cho trẻ tiêu chảy, được đóng gói dạng 10ml và được quảng cáo tốt hơn cả Oresol thông thường. Song theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, đây là liều lượng không đúng, dùng loại TPCN này sẽ ko giải quyết được tình trạng mất nước và dễ nguy hiểm tính mạng. Với trẻ cần bù nước điện giải cần phải đúng cách, đúng liều lượng, nồng độ thích hợp nếu không sẽ gây tác dụng ngược.

"Oresol vốn là một loại thuốc dùng cho trẻ em bị tiêu chảy, thường được đóng gói để pha thành dung dịch 1000ml, 500ml, 200ml nhằm phù hợp với lứa tuổi. Đã uống Oresol là phải uống hàng trăm ml trở lên mới có tác dụng bồi phụ nước. Vậy mà loại TPCN này chỉ đóng gói dạng 10ml nhìn như thuốc, rất dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Trong trường hợp trẻ em bị tiêu chảy, mất nước trầm trọng mà lại sử dụng loại TPCN này sẽ không giải quyết được tình trạng mất nước mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng"- PGS. Dũng cảnh báo.

Trên thực tế, các bác sĩ đã từng gặp nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng sốt, co giật, vật vã kích thích. Hỏi bệnh sử và khám, các bác sĩ phát hiện cháu bé bị tiêu chảy và được mẹ cho uống dung dịch Oresol nhưng pha sai nồng độ... Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong.

"Dù chưa thể khẳng định các cháu mất nước do dùng TPCN dạng oresol, nhưng các cháu bị mất nước nặng, trụy mạch đều liên quan đến cái này. Vì thế, là một bác sĩ điều trị, tôi đề nghị có lẽ không nên cho sản xuất dạng này, bởi rất nguy hiểm cho trẻ con do người ta nhầm lẫn tưởng TPCN dạng oresol cũng là thuốc oresol. Bởi trẻ khi bị tiêu chảy, cần dùng oresol dạng thuốc. Nếu sản xuất, phải ghi chữ thật to kể người dân không nhầm lẫn. Hơn nữa, oresol dạng TPCN lại đắt hơn oresol thường, nên người ta dễ nhầm tưởng nó sẽ tốt hơn"- PGS. Dũng nói.

Cách dùng đúng Oresol cha mẹ nào cũng cần biết

Tại BV Nhi Trung ương cũng từng tiếp nhận bệnh nhân bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao). ThS.BS Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu – Chống độc, BV Nhi Trung ương cho  biết, tăng natri máu là dấu hiệu của mất nước trong tế bào, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng thần kinh nguy hiểm và có thể gây teo não. Các triệu chứng thần kinh lâm sàng thường gặp gồm: mệt mỏi, rối loạn tri giác, hôn mê, co giật. Nguyên nhân dẫn tới việc tăng natri máu trong trường hợp này là do gia đình đã pha oresol không đúng cách.

Do đó, để dùng Oresol an toàn cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh đừng chủ quan với việc bù nước và điện giải cho trẻ. Cần đọc kĩ hướng dẫn cách dùng, liều lượng... nếu hướng dẫn pha với 200 ml thì cần pha chính xác 200 vì như thế sẽ đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ, pha quá ít hay nhiều nước hơn cũng sẽ nguy hiểm, thậm chí tử vong. Chỉ sử dụng dung dịch đã pha trong 24h, bảo quản kĩ càng tránh nhiễm bẩn bởi lẽ, dung dịch có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu, điều này cũng gây nguy hiểm, thậm chí tử vong. Tuyệt đối không được chia nhỏ gói thuốc hoặc bẻ đôi viên thuốc rồi pha vì rất có thể các thành phần không đồng nhất và dễ gây nhầm lẫn thể tích khi pha. Không được đun sôi dung dịch đã pha vì khi đó sẽ làm mất các phẩm chất của thuốc, bay hơi làm tăng độ thẩm thấu. Không pha với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ. Nên pha với nước lọc đun sôi để nguội.

Cha mẹ cần chú ý theo dõi các dấu hiệu triệu chứng của trẻ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào cần đưa con đến cơ sở y tế khám và xử trí kịp thời (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Nắng nóng, gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở người cao tuổi

Thời tiết nắng nóng khiến người già vốn có sức đề kháng kém rất dễ mắc bệnh. Điều đáng nói, dấu hiệu nhiễm bệnh ở người cao tuổi không rõ rệt nên họ thường chủ quan, không điều trị kịp thời hoặc tự ý mua thuốc về uống dẫn đến bệnh nặng thêm. Trong khi nếu biết cách, người cao tuổi vẫn có thể phòng bệnh một cách hữu hiệu.
Những thói quen dễ gây bệnh 
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trong những ngày nắng nóng, lượng bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội tăng nhẹ so với thời điểm bình thường, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Riêng Khoa Cấp cứu của bệnh viện, trung bình mỗi ngày có từ 40 đến 50 ca bệnh nặng nhập viện, chủ yếu là người cao tuổi bị suy tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ, viêm phổi… mà nguyên nhân chủ yếu do thời tiết gây ra.
 Bác sĩ Nguyễn Xuân Tú, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tim Hà Nội) cho biết, nắng nóng gây ra trở ngại lớn với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch. Có những bệnh nhân vừa xuất viện đã phải nhập viện lại do khó thở, mất nước... Bởi mùa hè người cao tuổi bị ra mồ hôi nhiều, nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải. Mất nhiều nước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch như: Tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt…

Thậm chí, vào mùa hè, người cao tuổi cũng có thể bị cảm lạnh do chế độ sinh hoạt hằng ngày không hợp lý. Chẳng hạn đang đi ngoài nắng về lại tắm ngay hoặc ra vào phòng điều hòa, từ trong xe ô tô bước ra ngoài trời nắng đột ngột... Ở trường hợp nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên, như viêm họng, viêm mũi, nếu nặng dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi.
Tương tự, Bệnh viện Lão khoa trung ương trung bình mỗi ngày khám từ 300 đến 350 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh liên quan đến tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… 
Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, trong các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp, đột quỵ ở người cao tuổi xảy ra vào mùa hè chiếm một tỷ lệ đáng kể, do cơ thể mất nước sẽ làm tăng độ kết dính trong máu dẫn đến khả năng xuất hiện các cục máu đông - nguy cơ gây ra đột quỵ. 
Mặt khác, nhiều người thường có thói quen tránh nắng nóng bằng cách vào siêu thị, trung tâm thương mại… Khi đi từ khu vực ngoài trời có nhiệt độ từ 36 đến 40 độ C vào trong nhà, nơi còn 17-21 độ C, nhiệt độ cơ thể sẽ hạ tức thì, mồ hôi không thoát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh. Biểu hiện nhẹ là lờ đờ, mệt mỏi, nói lắp, đau đầu, chóng mặt; nặng thì nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, có thể dẫn đến trạng thái hôn mê, đột quỵ. 
Nắng nóng kéo dài còn khiến đồ ăn, thức uống rất dễ hỏng, ôi thiu, nhiễm khuẩn... gây ra tiêu chảy cấp. Người già bị tiêu chảy cấp nếu không bù nước, điện giải kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.
Còn Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), vào thời điểm nắng nóng tiếp nhận hàng chục bệnh nhân hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đến khám mỗi ngày. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương, Phụ trách Trung tâm cho biết, những bệnh nhân viêm phế quản, giãn phế quản hoặc hen mạn tính dễ tái phát khi thay đổi nhiệt độ nóng, lạnh đột ngột; nhất là hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng người cao tuổi. Vì vậy, vào những ngày nắng nóng, bảo đảm nhiệt độ trong phòng không quá chênh lệch so với nhiệt độ ngoài phòng chính là biện pháp phòng tránh hữu hiệu những bệnh liên quan đến đường hô hấp. 
Không sử dụng thuốc tùy tiện 
Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh lưu ý, ở người cao tuổi biểu hiện bệnh thường dễ bị nhầm lẫn, khó nhận diện nên nhiều gia đình và ngay cả bệnh nhân thường hay chủ quan, bỏ qua triệu chứng nhẹ. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân cao tuổi nhập viện khi bệnh đã tiến triển nặng, cộng thêm bệnh mạn tính ở tuổi già rất nguy hiểm. Điều đáng nói là nhiều người khi thấy cơ thể mệt mỏi đã tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh. Việc dùng kháng sinh không đúng chỉ định, bệnh không những không khỏi mà còn gây hại cho sức khỏe.
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cũng khuyến cáo, đa số người dân vẫn tùy tiện mua thuốc huyết áp tại các hiệu thuốc về sử dụng mà không theo đơn của thầy thuốc. Trong khi đó, mỗi người cao huyết áp có cách điều trị và bị những bệnh đi kèm khác nhau. Trường hợp tăng huyết áp mà lại bị hen phế quản thì không thể sử dụng thuốc như người tăng huyết áp mà nhịp tim nhanh, suy tim, tiểu đường. Vì vậy, người bệnh phải đi khám để bác sĩ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp.
Để phòng bệnh mùa nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Xuân Tú khuyến cáo, người già cần phải uống đủ nước (từ 1,5 đến 2 lít nước/ngày) và không nên chờ khi có cảm giác khát mới uống, bổ sung thêm nước hoa quả và tuyệt đối không uống nước có gas, có cồn. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của người cao tuổi cần bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng, các loại rau tươi, trái cây để tăng sức đề kháng. 
Người già cần tránh ra ngoài trời nắng trong khoảng từ 10h đến 16h, là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Tốt nhất nên bật điều hòa ở mức từ 25 đến 27 độ C (chênh lệch không nên vượt quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời). 
Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi. Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ (Hà Nội mới, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang