Lo ngại biến chứng của dịch bệnh truyền nhiễm dịp cuối năm
Các chuyên gia y tế cảnh báo diễn biến khó lường của dịch bệnh trong những tháng cuối năm, đồng thời lưu ý nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, các bệnh truyền nhiễm có thể biến chứng với nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, số mắc sởi nhập viện đang tăng, cả trẻ em lẫn người lớn, không phân biệt giới tính. Anh Đ.V.T (30 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) là một trong những bệnh nhân này. Anh T.cho biết đã bị sởi 4 ngày, chỉ khi bị ho, phát ban khắp người kèm đau mắt, chảy nước mắt nhiều mới vào viện điều trị.
Theo TS. Đỗ Duy Cường –Trưởng Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), bất cứ ai không có miễn dịch (chưa tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi.
Trẻ em không được tiêm vaccine phòng bệnh có nguy cơ mắc sởi và các biến chứng cao nhất, thậm chí có thể tử vong. Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng cũng nhiều nguy cơ.
Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục từ 39 - 40 độ C. Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho, tiêu chảy; có những chấm nhỏ màu đỏ, sung huyết trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to.
Không chỉ có nhiều bệnh nhân sởi, những ngày qua, BV Bạch Mai còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc quai bị. Chị P.T.H.H (35 tuổi, ở Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết chị bị sốt, đau đầu, sưng mang tai một tuần trước khi nhập viện.
Trước đó con trai và chồng chị đều đã mắc quai bị, nhưng chị không đi khám tại cơ sở y tế mà tự mua kháng sinh về uống nhiều ngày vẫn không đỡ. Tới khi có biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn thì chị mới vào viện. Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm xác định chị bị viêm màng não do virus.
TS. Đỗ Duy Cường cho biết, quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại Paramyxo-virus tấn công chủ yếu các tuyến ngoại tiết, thông thường là tuyến nước bọt mang tai. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh khi họ ho, hắt hơi.
Bệnh nhân quai bị có khả năng lây truyền virus 3 ngày trước khi có biểu hiện bệnh cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh và thời gian ủ bệnh 1-2 tuần. Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não- màng não...
“Teo tinh hoàn là nỗi lo lắng lớn nhất của nam giới trưởng thành khi mắc quai bị. Bởi khi virus tấn công, tinh hoàn sưng to gấp 2 - 3 lần bình thường, người bệnh rất đau. Sau 7 ngày, dù không điều trị, phần lớn tinh hoàn cũng sẽ giảm sưng đau và trở về bình thường. Nếu được điều trị bằng các thuốc chống viêm, giảm đau, tình trạng sưng đau sẽ giảm nhanh hơn. Tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi sát đề phòng biến chứng teo tinh hoàn về sau”-TS Cường nói.
Thời tiết thất thường hiện cũng là điều kiện cho dịch cúm phát triển. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân quan tâm phòng bệnh này, đặc biệt khi mới đây đã phát hiện virus cúm A(H7N9) độc lực cao có thể lây truyền và gây chết ở động vật.
Việc có chủng độc lực cao của virus cúm A(H7N9) làm tăng nguy cơ lây lan virus cúm A(H7N9) lây truyền từ gia cầm sang người, bởi việc đào thải virus cúm A(H7N9) từ gia cầm cao hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với chủng virus độc lực thấp. Kết quả nghiên cứu của GS. Yoshihiro Kawaoka (Trường Đại học Tokyo) công bố vào tháng 10-2017 cho thấy chủng virus cúm A(H7N9) độc lực cao tiềm ẩn nguy cơ gây đại dịch” -Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết.
Trong khi đó, Trung Quốc đã phát hiện gần 60 mẫu bệnh phẩm cúm A(H7N9) độc lực cao ở môi trường hoặc gia cầm và 25 mẫu bệnh phẩm trên người. Điều này rất đáng lo ngại khi việc buôn bán, vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam khá phổ biến, nhất là những tháng cuối năm. (Công an nhân dân, trang 1).
Phát triển bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh, thành: Những tín hiệu lạc quan
Hiện có 8 bệnh viện (BV) trực thuộc Sở Y tế TPHCM tham gia làm BV hạt nhân cho 38 BV vệ tinh của 19 tỉnh, thành ở phía Nam. Đây là hoạt động nằm trong Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2016-2020 của Bộ Y tế, với mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, tạo sức bật mạnh mẽ cho các BV tuyến dưới, góp phần giúp người dân thuận lợi hơn trong việc khám chữa bệnh.
Thực hiện nhiều kỹ thuật khó
Ở tuổi ngoài 70, ông Trần Đình Nhơn (ngụ tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) từng bị nhồi máu cơ tim cấp, sau khi được can thiệp tim mạch tại BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, sức khỏe của ông đã ổn định và có thể làm được những công việc nhẹ như chăm sóc cây, dọn dẹp nhà cửa. “Tôi biết các bác sĩ của BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã được chuyển giao kỹ thuật đặt stent can thiệp chỗ tắc nghẽn động mạch vành, lại thêm gia đình không có người chăm sóc nếu như phải về TPHCM nằm viện, nên tôi đã đặt niềm tin và theo điều trị tại đây. Hiện tôi thấy sức khỏe mình ổn định hơn nhiều”, ông Nhơn chia sẻ.
Không phải đi xa, tiết kiệm nhiều chi phí mà vẫn được chữa khỏi bệnh là những lợi ích mà người dân tại Lâm Đồng và các tỉnh phụ cận đang hưởng lợi, từ khi Đơn vị Tim mạch can thiệp BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đi vào hoạt động theo Đề án BV vệ tinh chuyên ngành can thiệp tim mạch từ BV Nhân dân Gia Định. Đề án bắt đầu triển khai từ tháng 10-2015, với 10 y bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản. Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Ngọc Hiệp, Trưởng khoa Khám bệnh cấp cứu - Đơn vị Tim mạch can thiệp, cho biết: “Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đơn vị đã triển khai can thiệp cho 387 trường hợp. Tỷ lệ thành công về mặt giải phẫu là 97,49%; tỷ lệ thành công về mặt lâm sàng 96,65%; tỷ lệ tử vong sau can thiệp chương trình 1,1%. Trong số bệnh nhân, có một số là khách du lịch đến Đà Lạt bị nhồi máu cơ tim cấp, đã được cấp cứu, can thiệp kịp thời”.
Ngoài triển khai can thiệp tim mạch, hiện nay đơn vị đã triển khai thêm can thiệp mạch máu não, tắc mạch trong u xơ tử cung, tắc mạch tiền liệt tuyến. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hiệp, BV tự xử lý đối với ca thông thường, còn những ca khó thì phối hợp các bác sĩ tại BV Nhân dân Gia Định cùng tiến hành can thiệp. Nhiều trường hợp nhồi máu cấp được can thiệp kịp thời trong khoảng “thời gian vàng”, không phải trải qua giai đoạn rủi ro trên đường chuyển viện như trước đây.
Còn theo Phó Giám đốc BV Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Nguyễn Văn Thanh, cuối năm 2016, đơn vị được BV Nhi đồng 2 TPHCM khảo sát đặt BV vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc điều trị bệnh nhi. Sau gần 1 năm chuẩn bị, đến nay BV Bà Rịa đã sẵn sàng từ cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực để tiếp nhận những kỹ thuật cao do BV Nhi đồng 2 chuyển giao. “Điều này sẽ giúp bệnh nhi được chẩn đoán và điều trị ngay tại tỉnh nhà, giảm thời gian và chi phí; đồng thời giảm tải cho bệnh viện tuyến trên”, bác sĩ Thanh thông tin.
Tăng cường hỗ trợ chuyên môn
Thực hiện Đề án giảm tải BV, từ năm 2013 Bộ Y tế đã triển khai Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2020. Đến nay, BV vệ tinh đã phủ sóng hầu hết các tỉnh, thành. Đề án này chính là chiếc áo mới khoác lên cho BV tuyến dưới và đem lại hiệu quả giảm tải rõ rệt, tăng sự hài lòng của người bệnh.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện sở đã cử 8 BV trực thuộc sở là Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, Nhân dân 115, Ung bướu và Chấn thương chỉnh hình tham gia làm BV hạt nhân cho 38 BV vệ tinh của 19 tỉnh, thành ở phía Nam. Đây là những BV đại diện các vùng miền, đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, chuyên môn, có tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến lên BV hạt nhân cao. Các lĩnh vực được chuyển giao chủ yếu là nhi, chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, sản khoa...
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết Bộ Y tế đã yêu cầu các BV phải thực hiện tốt công tác xây dựng dự án và lập kế hoạch triển khai, để đem lại lợi ích thiết thực cho các BV vệ tinh, đặc biệt là cho nhân dân các địa phương được thụ hưởng dự án. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các BV tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các BV. Hiện cả nước có 22 BV hạt nhân với 98 BV vệ tinh nằm trong Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2016-2020, gồm 10 chuyên ngành là nội, ngoại - chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Hóa trị toàn thân - liệu pháp hiệu quả điều trị ung thư
Cùng với tiến bộ của khoa học, hiện có nhiều liệu pháp điều trị ung thư khác nhau tùy theo loại bệnh, giai đoạn. Tuy nhiên, hóa trị toàn thân vẫn là liệu pháp nhắm trúng đích cho hiệu quả tích cực.
Ung thư là từ chỉ chung nhiều loại bệnh khác nhau, tùy theo cơ quan mắc bệnh (phổi gan, dạ dày, hạch…) và tùy loại tế bào bị bệnh. Đặc trưng chung của tất cả các bệnh ung thư là có sự tăng sinh không kiểm soát của tế bào, thường tạo khối bướu và di căn (lan tràn) trong cơ thể, khiến người bệnh tử vong do: bướu to chèn ép, hoại tử, xuất huyết, nhiễm trùng, suy kiệt...
Cùng với tiến bộ của khoa học, hiện có nhiều liệu pháp điều trị ung thư khác nhau tùy theo loại bệnh, giai đoạn. Tuy nhiên, hóa trị toàn thân vẫn là liệu pháp nhắm trúng đích cho hiệu quả tích cực.
Để điều trị ung thư, khi bệnh ở giai đoạn sớm hoặc loại bệnh có thể mổ được thì phẫu thuật thường là điều trị chủ yếu. Xạ trị thường dùng trong một số trường hợp do vị trí bướu (như ung thư vòm họng, ung thư não) và mang ý nghĩa hỗ trợ cho phẫu thuật. Cả phẫu thuật và xạ trị được coi là điều trị tại chỗ, giúp điều trị bệnh khi còn khu trú hoặc chỉ mới phát triển trong phạm vi “vùng”, khu trú.
Khi bệnh nhân ung thư giai đoạn trễ, diễn tiến toàn thân, không thể phẫu thuật hay xạ trị như bệnh bạch cầu (ung thư máu), lymphôm (ung thư hạch)... thì hóa trị mới giúp kiểm soát một phần hay triệt để bệnh. Hóa trị là phương pháp đưa thuốc vào cơ thể thường qua đường tĩnh mạch hay đường uống, được coi là một biện pháp mang tính chất toàn thân. Thuốc tác động vào tế bào gây chết tế bào ung thư. Hóa trị phát huy tác dụng nhiều nhất khi tế bào phân chia nhiều, nhanh (đây là đặc điểm thường gặp ở các tế bào ung thư). Tuy nhiên, hóa trị cũng gây chết các tế bào bình thường của cơ thể, nhất là các tế bào phân chia nhanh như tế bào niêm mạc, tế bào nang tóc… Vì vậy bệnh nhân vào hóa trị thường bị rụng tóc hay loét niêm mạc.
Trong 20 năm qua, có nhiều tiến bộ mới trong các liệu pháp toàn thân điều trị ung thư. Đó là liệu pháp “nhắm trúng đích phân tử” (molecular targeted therapy) với việc sử dụng các kháng thể đơn dòng (thuốc ức chế). Phần lớn các thuốc nhắm trúng đích đều đặc hiệu hơn hóa trị thông thường, nghĩa là tiêu diệt chuyên biệt tế bào bướu mà lại ít gây độc lên các tế bào lành, và cải thiện tỷ lệ đáp ứng ngoạn mục. Hiện nay, xét nghiệm sinh học phân tử ở một số đơn vị điều trị ung thư tại Việt Nam đã có khả năng chẩn đoán được một số đột biến, phục vụ cho điều trị nhắm trúng đích. Một tiến bộ mới nhất trong điều trị ung thư là liệu pháp miễn dịch (immunotherapy). Lúc mới manh nha, tế bào ung thư sẽ bị tế bào miễn dịch của cơ thể tiêu diệt. Dần dần, tế bào ung thư đã phát triển được các cơ chế “lẩn tránh” hệ miễn dịch của cơ thể, thậm chí còn lợi dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để giúp ung thư phát triển. Do đó, hướng mới trong điều trị miễn dịch là “khóa” các chốt kiểm soát miễn dịch (vốn bị tế bào ung thư lợi dụng), từ đó phục hồi lại chức năng của các tế bào miễn dịch bình thường của cơ thể. Kết quả là chính tế bào miễn dịch của cơ thể sẽ tiêu diệt ung thư. Thành tựu rõ nhất là các thuốc ức chế chốt kiểm soát miễn dịch như pembrolizumab, nivolumab trong điều trị ung thư phổi, ung thư da (loại melanôm)…
Hiện nay, một số đơn vị chuyên khoa ung bướu đã có đầy đủ các trang thiết bị và các thuốc cần thiết để có thể triển khai tốt việc hóa trị toàn thân, liệu pháp nhắm trúng đích cho bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân ung thư giai đoạn trễ có thể được điều trị cho kết quả khả quan hơn rất nhiều, tiên lượng bệnh được cải thiện và người bệnh có nhiều hy vọng kéo dài sự sống hơn. Đối với ung thư giai đoạn sớm, phối hợp điều trị bằng các phương pháp kinh điển (như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hỗ trợ) đã tốt, thì nay kết quả cũng khả quan hơn, nhiều loại ung thư có thời gian lui bệnh kéo dài hơn, thậm chí được xem là chữa khỏi. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Thêm phòng khám bác sĩ gia đình cho khu chung cư
Hệ thống Y khoa Hoàn Mỹ vừa đưa vào hoạt động Phòng khám bác sĩ gia đình thứ 2 dành cho khu chung cư, căn hộ tại dự án Masteri Thảo Điền (quận 2).
Ngoài các hoạt động khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, phòng khám còn cung cấp các dịch vụ theo mô hình chuẩn của y học gia đình: Lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho hộ gia đình; bác sĩ khám và cập nhật hồ sơ sức khỏe định kỳ 3 tháng/lần; cho lời khuyên để tầm soát bệnh hoặc điều trị bệnh cho các thành viên trong gia đình...
Người dân còn được tham gia miễn phí các buổi hội thảo tư vấn sức khỏe định kỳ, các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe về các bệnh lý với các bác sĩ chuyên ngành. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Thêm một trường đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục
Chiều 27-11, tại Hà Nội, Trường đại học Y tế Công cộng (ĐHYTCC) tổ chức đón nhận Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục; ra mắt Tạp chí Khoa học Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển. |
Tại buổi lễ, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam) đã công bố, trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho Trường ĐHYTCC vì đã đạt mười tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. GS, TS Bùi Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường ĐHYTCC cho biết, nhà trường luôn xác định việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục vừa là mục tiêu vừa là giải pháp chiến lược đào tạo, phát triển; khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy kiểm định chất lượng là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường kiểm định thường xuyên và kiểm định chương trình theo chuẩn quốc tế. Hiện nay,trường có 11 mã ngành đào tạo với nhiều lĩnh vực như: Y tế công cộng, xét nghiệm y học dự phòng, công tác xã hội, dinh dưỡng… Thời gian qua, Trường ĐHYTCC không chỉ đào tạo chuyên sâu, tập trung mà còn đào tạo đa dạng tại địa phương, đào tạo từ xa. Trường là cơ sở đào tạo đầu tiên và duy nhất trong các cơ sở đào tạo nhân lực y tế ở Việt Nam có hai chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng của Hệ thống bảo đảm chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (Chương trình thạc sĩ y tế công cộng năm 2016 và Chương trình thạc sĩ quản lý bệnh viện năm 2017). (Nhân dân, trang 5).
Giảm 95% thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm, tiết kiệm 3.700 tỷ đồngTheo dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 38/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), tới đây, khoảng trên 90% sản phẩm thực phẩm không cần phải làm các thủ tục hành chính như hiện nay. Chiều 27-11, tại Bộ Y tế đã tổ chức họp để cho ý kiến lần cuối vào bản dự thảo Nghị định 38/NĐ-CP sửa đổi. Do thay thế tới 20/25 điều so với Nghị định 38 hiện hành nên ở cuộc họp này, Ban soạn thảo đã quyết định không dùng tên là Nghị định 38 sửa đổi nữa mà sẽ trình Chính phủ ban hành một nghị định mới để thay thế Nghị định 38/NĐ-CP. Giảm tối đa thủ tục Dự thảo Nghị định mới quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP này được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc điều chỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, song vẫn trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, điểm mới đầu tiên trong nghị định mới này so với quy định hiện hành là doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận. Căn cứ công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật. Đặc biệt, có một số mặt hàng sẽ được miễn công bố. Thứ hai, thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm cũng thay đổi. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tới đây, chỉ còn 3 nhóm mặt hàng phải đăng ký công bố sản phẩm gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dinh dưỡng y học; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Trong 3 nhóm thực phẩm phải đăng ký công bố sản phẩm nói trên, cũng chỉ có một số nhóm mặt hàng phải công bố chứ không phải toàn bộ sản phẩm nằm trong nhóm đó. “Với quy định trên, theo tính toán của Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương, có khoảng 95% sản phẩm thực phẩm không cần phải tiến hành các thủ tục về mặt hành chính. Nếu làm được theo đúng tinh thần này thì có thể tiết kiệm được 1,8 triệu ngày công và hơn 600 tỷ đồng” – Thứ trưởng Bộ Y tế nói. Điểm mới thứ ba là thay đổi quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh để đảm bảo ATTP, tiệm cận với các phương thức quản lý chung trên toàn cầu. Đó là mở rộng diện các doanh nghiệp không cần phải có giấy xác nhận đủ điều kiện ATTP cũng như mở rộng đối tượng các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Theo đó, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các cơ sở sơ chế sản phẩm ban đầu, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống… sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP mà được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm. “Tất cả quy định mới này nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính. Song để triển khai hiệu quả mà vẫn đảm bảo ATTP, sẽ phân cấp triệt để cho chính quyền các địa phương” – ông Long nhấn mạnh. Cắt 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành Điểm nhấn lớn nhất trong dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 38 hiện hành là sẽ có sự thay đổi căn bản trong quy định kiểm tra nhà nước về ATTP. Bộ Y tế cho biết, trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành thì nay sẽ mở rộng diện không cần kiểm tra, chẳng hạn như các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở… Phương thức kiểm tra cũng có sự thay đổi đột phá. Cụ thể, với kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ), cơ quan chức năng sẽ chỉ tiến hành kiểm tra xác suất, tối đa 5% hồ sở trên tổng số lô hàng do hải quan lựa chọn ngẫu nhiên... “Với việc thay đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành như trên thì tới đây, khoảng 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành. Điều này giúp tiết kiệm được khoảng 7 triệu ngày công và khoảng 3.000 tỷ đồng” – ông Nguyễn Thanh Long nêu rõ. Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sẽ tiếp tục phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, NN&PTNT theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối. Riêng với một số doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm giao thoa thuộc thẩm quyền quản lý của 2 Bộ trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào, cơ quan đó sẽ quản lý. “Với những đổi mới “cách mạng” kể trên, theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế trung ương thì nếu Nghị định mới này được thông qua, khi thực hiện chúng ta sẽ tiết kiệm được 12 triệu ngày công và khoảng 3.700 tỷ đồng” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ: “Những đổi mới ở đây chỉ là giảm tối đa về mặt hành chính, còn đảm bảo ATTP, đảm bảo sức khỏe nhân dân vẫn luôn là mục đích cao nhất mà chúng ta hướng tới”. Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cùng đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp tham dự đều đánh giá cao và cơ bản thống nhất cao với các nội dung trong dự thảo Nghị định này. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ sớm trình Chính phủ xem xét, ký ban hành. (An ninh Thủ đô, trang 3).
Dịch sởi vào mùa, người lớn cũng mắc bệnhChỉ tính riêng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 10 trường hợp mắc sởi. Theo Sở Y tế Hà Nội, đây là thời điểm mà dịch sởi đã vào mùa với số mắc cao so với các thời điểm còn lại trong năm. Đáng chú ý, đã có cả người lớn cũng phải nhập viện vì mắc bệnh này. Hầu hết bệnh nhân chưa tiêm đủ vaccine TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ 20 đến 26-11), bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố tiếp tục giảm 95 trường hợp so với tuần trước đó (với 353 ca được ghi nhận). Lũy tích từ đầu năm 2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 37.146 trường hợp mắc SXH (7 trường hợp tử vong) nhưng hiện 99% số bệnh nhân đã khỏi, chỉ còn lại 395 bệnh nhân vẫn đang điều trị tại các bệnh viện. Trong khi dịch SXH có thể coi như đã được khống chế thì ngược lại, số ca mắc sốt phát ban dạng sởi vẫn đang có xu hướng gia tăng. Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp mắc sởi mới. Lũy tích số mắc sốt phát ban dạng sởi trên toàn thành phố từ đầu năm 2017 đến nay là 208 trường hợp, trong đó có 73 trường hợp dương tính với sởi, 1 ca tử vong. Hầu hết trường hợp mắc sởi vừa qua chưa tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh này. Từ đầu tháng 11 đến nay, khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho 4 trường hợp người lớn bị sởi. Hiện tại, khoa này vẫn đang điều trị cho một bệnh nhân nam (30 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) bị mắc sởi, biến chứng khá nặng. Theo TS Đỗ Duy Cường, bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi. Tương tự, tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 80 ca sởi, trong đó có 30 ca là bệnh nhân ở Hà Nội, trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc bệnh là trẻ gần 9 tháng tuổi. 30% trẻ mắc sởi có biến chứng Trước diễn biến của một số dịch bệnh, trong đó có dịch sởi, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, các bệnh viện trực thuộc tăng cường công tác vệ sinh môi trường, tổ chức rà soát đối tượng tiêm chủng để nâng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vaccine sởi trong cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao sức đề kháng cho trẻ em, nhất là chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vaccine phòng bệnh sởi. Theo các bác sĩ, dù phần lớn bệnh nhân sởi có thể tự khỏi, tuy nhiên sau khi mắc bệnh, khả năng miễn dịch bị suy giảm nặng, từ đó tạo cơ hội cho nhiều bệnh khác dễ dàng xâm nhập, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Ở người lớn mắc sởi, biến chứng do suy giảm miễn dịch cũng nặng nề không kém ở trẻ em. TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc sởi và có các biến chứng do sởi cao nhất, thậm chí có thể tử vong. Khoảng 30% trẻ em bị sởi xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng. Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não. Do vậy, điều quan trọng là cần theo dõi chặt diễn biến bệnh của trẻ để phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà trẻ vẫn còn sốt. Liên quan đến dịch bệnh này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cảnh báo, tốc độ lây lan của sởi nhanh và mạnh hơn nhiều so với SXH. Chỉ cần người bệnh ho, hắt hơi là bệnh sẽ phát tán virus ra xung quanh. Do vậy, khi có bệnh nhân sởi, các cơ sở y tế cần tổ chức cách ly ngay cả những ca nghi ngờ, những ca sốt phát ban dạng sởi… để phòng tránh dịch lây lan. Thêm một bệnh nhân nhập viện vì liên cầu lợn Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp phải nhập viện điều trị do liên cầu lợn, bệnh nhân sống tại Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), nâng tổng số mắc từ đầu năm 2017 lên 23 ca, 4 trường hợp tử vong. (An ninh Thủ đô (trang 7). Số ca mắc mới sốt xuất huyết giảm hơn 90%Ngày 27-11, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 20 đến 26-11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 353 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 90,1% so với tuần cao điểm của tháng 8-2017), trong đó có 4 quận, huyện không ghi nhận bệnh nhân; 20 quận, huyện có số mắc giảm. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 37.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Hiện nay, số bệnh nhân khỏi bệnh lên tới 99%, chỉ còn 395 người đang điều trị tại các bệnh viện... Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tuần qua, nhiệt độ miền Bắc giảm mạnh góp phần hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, các địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại những khu vực phát sinh ca bệnh và ổ dịch mới. Ngoài sốt xuất huyết, trong tuần qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 10 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 73 ca dương tính với sởi (tăng 71 ca so với năm 2016), trong đó có 1 ca tử vong. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi. (Hà Nội mới, trang 1). |