Hỗ trợ người dân vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế
Ngay khi Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực, khoảng 10% dân số tỉnh Bình Phước bị cắt giảm thẻ bảo hiểm y tế đã tác động rất lớn tới việc thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân, cũng như mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân của tỉnh Bình Phước.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh có khoảng 100.817 người (tương ứng khoảng 10% dân số) không được tiếp tục hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế khi áp dụng Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết những đối tượng này là người có cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là người dân tộc thiểu số, điều này làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh của người dân. Hiện dân số toàn tỉnh Bình Phước khoảng 1.018.076 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 195.635 người/41 dân tộc thiểu số, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh.
Điều chỉnh việc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế
Tại buổi trao thẻ bảo hiểm y tế tặng các hộ gia đình người dân tộc thiểu số của huyện Bù Đăng (Bình Phước), anh Hoàng Văn Hiến (ở thôn 6, xã Đường 10) xúc động chia sẻ: Hai vợ chồng anh đều không có thu nhập cố định, chỉ đi làm thuê. Trước đây, gia đình anh được Nhà nước phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí dành cho người dân tộc thiểu số sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, hộ gia đình anh Hiến cũng như nhiều người dân trong vùng không thuộc đối tượng được phát thẻ bảo hiểm y tế.
Với nguồn thu nhập bấp bênh, vợ chồng anh và con gái 20 tuổi không có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế, lúc nào các thành viên trong gia đình cũng lo lắng mỗi lần phải đi đến bệnh viện, dù chỉ là bệnh nhẹ. Nay anh thuộc đối tượng được cấp bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định của tỉnh cho nên nỗi lo lắng cũng bớt đi phần nào.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Phước Lăng Quang Vinh cho biết: Khi Quyết định 861 của Chính phủ ra đời, các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với các xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế của người dân tại khu vực này cũng bị ảnh hưởng, gần 15% dân số trên địa bàn tỉnh không có thẻ bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội tỉnh đã báo cáo vấn đề này với UBND tỉnh và nhận được sự hỗ trợ từ các ban, ngành, đoàn thể, cho tới các nhà hảo tâm. Để tháo gỡ khó khăn, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16 ngày 9/11/2022 quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn. Theo thống kê, đến hết tháng 10/2022, số người tham gia bảo hiểm y tế là 821.998 người, đạt 89,8% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao thực hiện. Độ bao phủ đến tháng 10/2022 đạt 81,3% dân số, “Tuy chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm, nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành mục tiêu 92% dân số có thẻ bảo hiểm y tế”-Phó Giám đốc Lăng Quang Vinh khẳng định.
Góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước Lê Thị Thanh Loan cho biết: Thời gian qua, cùng với tập trung tuyên truyền các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm trong chi tiêu để mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là bảo hiểm y tế hộ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Từ năm 2020, Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã ban hành kế hoạch thành lập mô hình điểm “Chi/tổ phụ nữ thực hành tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế-vì sức khỏe phụ nữ”, từ đó nhân rộng trong những năm tiếp theo.
Từ 13 mô hình điểm được thành lập từ năm 2020 đến nay, các cấp hội đã thành lập được 18 mô hình, với sự tham gia của hơn 1.000 thành viên, hỗ trợ 1.354 thẻ bảo hiểm y tế, trị giá 1,089 tỷ đồng cho hội viên, phụ nữ khó khăn. Qua hơn ba năm, mô hình đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho gia đình hội viên phụ nữ khi ốm đau, bệnh tật, giúp chị em vượt qua khó khăn và góp phần tăng cường, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Hơn nữa, mô hình còn làm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của hội viên, phụ nữ về việc thực hành tiết kiệm mua bảo hiểm y tế, nâng cao ý thức và chủ động đi khám, chữa bệnh vì sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình cùng hướng tới mục tiêu tham gia bảo hiểm y tế toàn dân. Thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các chương trình từ thiện, vì an sinh xã hội, các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh đã tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ, từ năm 2018 đến nay đã tặng hơn 2.000 thẻ bảo hiểm y tế trị giá 1,609 tỷ đồng cho phụ nữ và trẻ em khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới...
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Phước Lăng Quang Vinh cho biết, từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể để triển khai tốt hơn chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã rà soát cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân bị cắt giảm thẻ theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh được thông qua tại kỳ họp thứ bảy ngày 9/11/2022, dự kiến gần 77.000 người được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế, góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2022 đạt hơn 92% dân số.
Ngành bảo hiểm tỉnh tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. (Nhân dân, trang 4).
Bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu sốc từ rất sớm
Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành phía Bắc. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện điều trị cho hơn 100 trường hợp SXH nặng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 - 20 bệnh nhân nặng nhập viện.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết trong số các bệnh nhân SXH tử vong được nghiên cứu, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm, trong đó có 4 ca ngưng tim.
Thống kê tại bệnh viện này trong 6 tháng qua có 15 ca sốt xuất huyết tử vong, trẻ nhất là em bé 13 tuổi, người lớn tuổi nhất ngoài 80. Đa số do bệnh nhân nhập viện muộn, chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ tuyến dưới, khi tới đây đã không thể cứu chữa.
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận 2 ca tử vong, đều là nam, 31 và 38 tuổi, có địa chỉ tại Hà Nội. Khi được chuyển đến từ bệnh viện tuyến dưới ở ngày thứ 5 và 7 của bệnh, cả hai đã rơi vào tình trạng sốc. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) nhưng tình trạng bệnh quá nặng, cả 2 tử vong sau 6 ngày điều trị.
Một điểm đáng báo động mà các bác sĩ nhận thấy ở bệnh nhân trong đợt dịch năm nay là lượng lớn bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Điều này khác biệt với những mùa dịch trước. Trường hợp tử vong mới nhất là bệnh nhân nữ, 22 tuổi, có dấu hiệu thừa cân, được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng rất nặng: sốc, xuất huyết, thiếu máu nặng và đã từng một lần ngừng tim. Dù bác sĩ đã tìm đủ mọi cách để điều trị, hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi. “Không ít bệnh nhân chủ quan, không đến viện kịp thời là nguyên nhân dẫn đến việc tăng tỉ lệ diễn biến nặng và tử vong trong vụ dịch năm nay”, bác sĩ Phúc nói.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Hà Nội và nhiều địa phương đang trong tình trạng lưu hành nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19, virus Adeno, cúm A, cúm B với triệu chứng chồng chéo. Bệnh nhân đồng nhiễm nhiều bệnh, còn bác sĩ các tuyến dễ chẩn đoán nhầm, không điều trị đúng, kịp thời.
Nguy cơ bệnh nặng khi tái mắc
Thực tế có rất nhiều bệnh nhân SXH không hề xuất huyết nhưng bị giảm tiểu cầu rất nặng và tử vong. “Trung bình một người có thể mắc SXH đến 4 lần trong đời. Đặc biệt, SXH tái nhiễm lần 2 thường nặng hơn lần đầu, thậm chí có thể gây tử vong”, TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) nói.
Nguyên nhân tái nhiễm được các bác sĩ chỉ ra là bệnh SXH do virus Dengue gây ra gồm type là D1, D2, D3 và D4. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do virus dengue type D1 và D2 gây nên, sau đó là D3 và D4. Sau khi mắc SXH, người bệnh sẽ có miễn dịch trọn đời với type virus đã mắc nhưng không có miễn dịch chéo với các type virus còn lại. Do đó, người bệnh vẫn có thể bị SXH tái nhiễm với các tuýp virus khác.
Các chuyên gia truyền nhiễm cho hay, ở lần mắc SXH thứ 2, thứ 3 hoặc thứ 4 bệnh nhân mắc bệnh do các type huyết thanh khác. Khi đó, cơ thể người bệnh tồn tại song song 2-3 loại kháng thể. Các loại kháng thể này có thể xảy ra xung đột gây nên phản ứng sốt, đau mỏi, tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, thậm chí là trụy tim.
PGS Cường khuyến cáo, mắc SXH trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt cao cần được hạ sốt, giảm đau nhưng nên tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, ibuprofen, vì nó có thể gây chảy máu; không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử, cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.
“Nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đấy là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện”- PGS Cường lưu ý. (Tiền phong, trang 6).
Nguy cơ hiếm muộn vì khuyết sẹo vết mổ cũ
Các bác sĩ khuyến cáo chị em có chu kỳ hành kinh kéo dài nên đến cơ sở y tế để thăm khám, đặc biệt là đối với phụ nữ đã trải qua sinh mổ. Bởi rất có thể đây là dấu hiệu do vết khuyết sẹo mổ lấy thai gây ra.
"Đây là bệnh lý không chỉ mang đến nguy cơ hiếm muộn mà còn gây phiền hà và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chị em" - bác sĩ Lê Như Ngọc, khoa phụ sản Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng, khuyến cáo.
Chịu đựng bất tiện kéo dài vì chuyện... tế nhị
Đi khám sức khỏe tổng quát để xin việc, chị H.H. (36 tuổi, trú tại phường Cẩm Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vô tình phát hiện bệnh lý khuyết sẹo mổ lấy thai.
Khi sinh mổ đứa con thứ hai vào năm 2016, chị H. liên tục gặp tình trạng hành kinh kéo dài. Vốn nghĩ đây là "chuyện phụ nữ" nên chị âm thầm chịu đựng.
Hơn nữa từ khi mổ lấy thai cho đến khi gặp sự cố là hơn một năm nên chị chẳng nghĩ có liên quan gì đến vết mổ cũ. Tính ra thời gian từ khi có bệnh lý cho đến khi phát hiện, chị H. phải chịu đựng sự bất tiện suốt hơn năm năm trời.
"Kết thúc giai đoạn cho con bú tôi mới gặp tình trạng hành kinh kéo dài nên nghĩ cơ địa mình có vấn đề. Tôi mua thuốc tây rồi đông y uống mấy năm liền mà không biết do sẹo mổ thai gây ra. Đến khi gặp bác sĩ mới phát hiện ra" - chị H. nói.
Không riêng chị H. mà gần đây tại Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng thường xuyên gặp tình trạng chị em phải chịu chu kỳ hành kinh kéo dài nhiều năm trời.
Mới đây, chị H.T. (37 tuổi, trú tại huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đến thăm khám tại bệnh viện vì chu kỳ hành kinh kéo dài hơn 20 ngày trong một tháng kèm với đau bụng âm ỉ mới phát hiện vết khuyết sẹo mổ cũ.
Chị cho biết đã chịu đựng tình trạng này kể từ khi sinh mổ em bé thứ hai, tính từ năm 2015 đến nay đã được bảy năm.
Việc rong kinh kéo dài khiến cuộc sống của chị gặp nhiều khó khăn, bất tiện. Ngoài việc khó chịu trong người thì chuyện chăn gối của vợ chồng cũng ảnh hưởng khiến chị từ bỏ e ngại quyết tâm đi viện.
Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận kết quả siêu âm đầu dò tử cung có đoạn sẹo mổ cũ với hình ảnh khuyết đáy sẹo kích thước 8x7x13 mm ở tử cung kèm ứ dịch.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định khuyết sẹo mổ cũ từ lần mổ bắt con là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hiện tại. Chị T. được tư vấn nhập viện, chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật nội soi tạo hình đoạn vết mổ lấy thai.
Coi chừng khi "đòi" mổ bắt con
Bác sĩ Lê Như Ngọc cho biết khuyết sẹo mổ lấy thai là bệnh lý có dấu hiệu gia tăng trong thời gian vừa qua do có nhiều người chọn phương pháp mổ bắt con.
Nguyên nhân của bệnh lý là do sự phục hồi không tốt sẹo ở đoạn eo tử cung. Thông thường khuyết sẹo mổ lấy thai xuất hiện khi tình trạng mất liên tục của nội mạc tử cung, một phần hay toàn bộ lớp cơ thành trước eo tử cung gây ra sự hình thành túi dịch.
"Khuyết sẹo vết mổ cũ thường biểu hiện qua tình trạng chu kỳ hành kinh 3 - 4 ngày đầu rất bình thường nhưng sau đó rong kinh sẽ kéo dài, mỗi lần ra ít máu nâu sẫm kèm tức bụng nhẹ.
Triệu chứng là rất dễ nhận biết nhưng nhiều người lại không nghĩ là bệnh vì đôi khi nó xuất hiện sau 3 - 5 năm sau thời kỳ sinh mổ nên có trường hợp chị em chịu đựng tình trạng này kéo dài hơn 10 năm vì không nghĩ đây là bệnh lý" - bác sĩ Ngọc nói.
Theo bác sĩ Ngọc, bệnh lý này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vì rong kinh kéo dài và đặc biệt nguy hiểm hơn khuyết sẹo vết mổ cũ dẫn đến khó có thai cho lần sau, gây hiếm muộn.
Trong trường hợp thăm khám, điều trị bằng thuốc thất bại, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Khi can thiệp, có trường hợp người bệnh có tình trạng tử cung dính chặt vào thành bụng trước, trong khi bàng quang treo rất cao kèm với tình trạng tụ dịch ở vết khuyết sẹo.
Để xử trí được tình huống này, thông thường ê kíp bác sĩ phải tiến hành kết hợp cả phương pháp mổ nội soi buồng tử cung và nội soi ổ bụng.
Có nhiều trường hợp các bác sĩ phải bóc tách thật cẩn thận, gỡ dính từng ít một để giải phóng tử cung, đẩy bàng quang xuống thấp. Đồng thời cắt lọc đoạn cơ tử cung tại vị trí sẹo cũ, khâu phục hồi vết sẹo mà không gây tổn thương thêm cho tử cung cũng như các cơ quan lân cận. (Tuổi trẻ, trang 6).
Hy vọng sống cho bệnh nhân ung thư máu
Khoảng 60% bệnh nhân ung thư ghép tế bào gốc sống được trên 5 năm. Kể từ ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tuỷ xương vào năm 2006, đến nay Việt Huyết học – Truyền máu Trung ương đã ghép được gần 600 ca, trong đó 2/3 là ghép tế bào gốc máu đồng loại (từ anh chị em ruột, cha mẹ, máu dây rốn).
Giá 1 ca ghép tế bào gốc ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với nước ngoài. Hầu hết những kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực huyết học – truyền máu trên thế giới đang được thực hiện tại Việt Nam, đặc biệt là các liệu pháp điều trị cho người mắc bệnh máu ác tính, trong đó liệu pháp tế bào gốc tạo máu đã mang lại hiệu quả cao điều trị cao cho người bệnh.
Hoàng Thị Diệu Thuần (SN 1978, quê ở Nghệ An) là trường hợp chiến thắng bệnh nhân ung thư máu nhờ ghép tế bào gốc thành công. Diệu Thuần phát hiện ung thư máu khi cô 18 tuổi, vừa từ Nghệ An ra Hà Nội học đại học. 7 năm chống chọi với bệnh hiểm nghèo, sau rất nhiều đợt truyền hoá chất, dùng thuốc nhắm đích, đã có lúc cô gái này suy yếu đến mức gia đình chuẩn bị lo hậu sự khi không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị trước đó.
Cơ hội duy nhất để cứu sống cô gái trẻ là ghép tế bào gốc. Kết quả thật tuyệt vời, sau 10 năm ghép tế bào gốc, Diệu Thuần đã hồi phục hoàn toàn như người bình thường. Sau 17 năm mắc ung thư máu và ghép tế bào gốc, cô gái ấy vẫn “Như hoa hướng dương” trở thành một người chị thân thiết của trẻ em ung thư máu, tham gia vào rất nhiều hoạt động tình nguyện và cô là người sáng lập ra Mạng lưới vì trẻ em ung thư… hoạt động rất hiệu quả.
Năm 2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tuỷ xương đã thực hiện thành công tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tháng 5/2008, Viện tiếp tục triển khai ghép tế bào gốc đồng loại, đánh dấu một kỷ nguyên mới, đưa ghép tế bào gốc trở thành một phương pháp điều trị đầy triển vọng, đem lại cơ hội khỏi bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học. Năm 2014, ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (không cùng huyết thống) đầu tiên ở Việt Nam đã được thực hiện thành công tại Viện, đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân.
Đặc biệt, ghép tế bào gốc còn là phương pháp điều trị có hiệu quả cao với bệnh nhân suy tuỷ xương. Tỷ lệ mọc mảnh ghép ngày thứ 30 sau ghép đạt 100%; ước tính tỷ lệ sống thêm toàn bộ và sống thêm không bệnh 5 năm sau ghép lần lượt là 84,8% và 91% (với bệnh nhân suy tuỷ xương được ghép tế bào gốc máu ngoại vi từ người hiến cùng huyết thống phù hợp hoàn toàn HLA). Ca ghép tế bào gốc đồng loài đầu tiên được thực hiện vào năm 2008 và ghép cho bệnh nhân suy tuỷ xương được tiến hành từ tháng 10/2020. Đến nay, sau 12 năm, bệnh nhân suy tuỷ xương đầu tiên được ghép tế bào gốc tại Viện vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh.
Theo TS.BS Bạch Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Huyết học – Truyền máu Việt Nam cho biết, đối với những bệnh nhân ung thư máu, nếu điều trị đơn thuần, thời gian sống đến 5 năm khoảng 20-30%, nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, tỉ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên tới 50-60%. Vì vậy, ghép tế bào gốc tạo máu có thể coi là phương pháp điều trị tối ưu giúp nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, di truyền có cơ hội khỏi bệnh, quay lại cuộc sống bình thường.
BSCKII Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: Ghép tế bào gốc đồng loài hiện nay là phương pháp duy nhất có thể điều trị khỏi suy tuỷ xương. Để ghép tế bào gốc cho người bệnh suy tủy xương, lựa chọn tối ưu là nguồn tế bào gốc của anh chị em ruột hòa hợp HLA hoàn toàn. Bên cạnh đó, còn có thể ghép từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng, ghép nửa hòa hợp (haplotype) hoặc ghép máu dây rốn kết hợp với ghép nửa hoà hợp.
Hiện nay, chi phí ghép tế bào gốc tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp ghép, nguồn tế bào gốc, tình trạng nhiễm trùng, biến chứng, mức hưởng BHYT… của người bệnh. Một ca ghép tế bào gốc tự thân khoảng từ 100 – 200 triệu đồng; ghép tế bào gốc đồng loài cùng huyết thống phù hợp HLA khoảng 400 – 600 triệu đồng (nguồn tế bào gốc được lấy từ máu dây rốn hoặc máu ngoại vi, tủy xương của anh chị em ruột; ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng khoảng 600-800 triệu; ghép tế bào gốc nửa hoà hợp (ghép haplotype – từ nguồn tế bào gốc của bố/mẹ hoặc anh chị em ruột nửa hoà hợp) khoảng 600 -700 triệu đồng; ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng từ 1 tỷ – 1,2 tỷ đồng.
Có những ca chi phí ghép tế bào gốc có thể thấp hơn hoặc cao hơn. Chi phí ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thấp hơn rất nhiều so với ở nước ngoài. Theo các bác sĩ, trải qua hơn 10 năm triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc, các bác sĩ đã không ngừng cập nhật các tiến bộ của thế giới, đặc biệt là tại Viện Sức khỏe Hoa Kỳ để ứng dụng các phác đồ điều trị và kỹ thuật mới nhằm hạn chế tối đa các biến chứng sau ghép. (Công an Nhân dân, trang 4).