Các bệnh viện ở Hà Nội tăng giá viện phí
Theo lộ trình tăng giá viện phí của Bộ Y tế, từ ngày 1-8, các bệnh viện ở Hà Nội cũng đã bắt đầu tăng giá 10 loại dịch vụ khám, chữa bệnh và hơn 1.900 loại vật tư, thiết bị y tế.
Đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế được áp dụng theo Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế, nhằm đảm bảo bình đẳng về giá khám, chữa bệnh giữa người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và người có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở khám, chữa bệnh. Việc tăng giá được áp dụng với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã/phường/thị trấn; người bệnh chưa tham gia BHYT; người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Việc tăng giá sẽ chỉ tác động đến các đối tượng chưa tham gia BHYT, hiện chiếm 17,6% dân số Hà Nội, không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo bởi các đối tượng này đã được Nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT (Công an nhân dân, trang 2).
Gia tăng trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết
Thời tiết mưa nắng thất thường khiến số trẻ nhập viện do sốt xuất huyết (SXH), sốt virus, cúm, tiêu chảy do rotavirus có dấu hiệu tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư đang điều trị cho 28 trẻ SXH, có đêm Bệnh viện E tiếp nhận 6 trẻ cấp cứu vì SXH. PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện nhi T.Ư cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay số trẻ đến khám SXH tăng cao gần 10 lần với 185 trẻ. Trong đó hiện có 28 bệnh nhi điều trị nội trú. Đáng chú ý, 5 bệnh nhi trong số này có dấu hiệu cảnh báo vì đã bị biến chứng.
TS Điển cho biết thêm, bệnh viện đã triển khai kế hoạch khám phân loại và thu dung điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các kế hoạch hoạt động được triển khai theo từng cấp độ bệnh nhân nhập viện; các đơn vị khoa khám bệnh; truyền nhiễm; cấp cứu và hồi sức cùng các phòng ban chức năng thực hiện tóm tắt dấu hiệu bệnh, xét nghiệm, điều trị theo mức độ nặng được tập huấn cho các bác sĩ và điều dưỡng. Ngoài ra nhân viên y tế phát tờ hướng dẫn điều trị ngoại trú cho gia đình bệnh nhi để chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cảnh báo kịp thời.
Tại Bệnh viện E, TS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị cho 30-40 trường hợp bệnh nhân nhi mắc các bệnh trên, cao điểm có những ngày 6 bệnh nhi mắc SXH trong đêm.
Lượng bệnh nhi bị SXH cũng tăng. Hiện tại khoa Nhi có 18/42 bệnh nhi đang điều trị SXH. Trong đó, có một bệnh nhân nhi (7 tuổi, ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc SXH nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi. Tuy nhiên, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng. Các bác sĩ ở khoa Nhi căng mình ra túc trực bên bệnh nhi theo dõi sát sao 24/24h, áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt. Đến ngày thứ 8, bệnh nhi mới có dấu hiệu phục hồi, ăn, ngủ được và cắt sốt, tràn dịch màng bụng giảm, các chỉ số sinh hóa dần về bình thường.
Bác sĩ Hiền khuyến cáo, bệnh SXH sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy cha mẹ phải theo dõi sát sao trẻ khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc SXH nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong. Nhằm hỗ trợ bệnh nhân nhi được tốt nhất, hiện khoa có 40 giường bệnh điều trị với đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu hiện đại như máy thở, oxy và khí nén áp lực, các máy theo dõi monitoring, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, siêu âm, điện tâm đồ… cùng với đội ngũ bác sĩ là những bác sĩ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cao hằng ngày chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhi.
Huy động cơ sở y tế ngoài công lập điều trị SXH
Ngày 1/8, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết hiện đang thuận lợi cho dịch SXH gia tăng nhanh. Các quận Hoàng Mai, Đống Đa và nhiều quận huyện khác của Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng bệnh nhân SXH, tích lũy toàn thành phố kể từ đầu năm 2017 xấp xỉ 8.000 người mắc.
Để giảm bớt áp lực cho các bệnh viện đang quá tải bệnh nhân, ngày 2/8 Hà Nội sẽ họp với khối y tế ngoài công lập để chọn các phòng khám có đủ trang thiết bị, nhân lực, đáp ứng điều kiện về danh mục kỹ thuật là chẩn đoán, điều trị ban đầu cho người bệnh SXH tham gia tiếp nhận bệnh nhân.
Đồng thời, để chủ động phòng chống dịch, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh; nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh của cộng đồng bắt đầu từ tháng 8/2017, Hà Nội yêu cầu các quận, huyện trọng điểm về SXH cũng như những địa phương có nguy cơ cao về dịch bệnh này phải thành lập được các đội xung kích diệt bọ gậy tại khu dân cư với số lượng từ 8 đến 10 người/đội (Tiền phong, trang 6).
Liên thông kết quả xét nghiệm: Liên thông nhưng không phải xét nghiệm nào cũng công nhận
Theo quy định của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trung ương (thuộc Bộ Y tế) sẽ liên thông kết quả xét nghiệm từ ngày 1-8-2017. Bệnh nhân N.T.H. (61 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) vào Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư hôm 28-7 do sốt xuất huyết nặng, nhiễm trùng máu, nghi ngờ viêm nội tâm mạc. Trước đó, người bệnh này được chuyển từ BV Đa khoa Quốc Oai lên BV Tim Hà Nội với chẩn đoán viêm nội tâm mạc.
BV Tim Hà Nội khám, xác định người bệnh không bị viêm tâm mạc. Người bệnh được chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới T.Ư để điều trị sốt xuất huyết và nhiễm trùng máu. Tại đây, các bác sĩ công nhận luôn kết quả siêu âm tim ở BV Tim Hà Nội trước đó và chỉ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu về liên quan đến nhiễm trùng máu, sốt xuất huyết.
Càng uy tín, độ tin cậy càng cao
Theo BS Nguyễn Trung Cấp - trưởng khoa cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, việc công nhận kết quả siêu âm tim của bệnh nhân H. giúp giảm thời gian thăm khám của cả bác sĩ và tiết kiệm chi phí điều trị. Dựa trên kết quả này, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đưa ra phác đồ điều trị phù hợp ngay mà không phải mất thời gian kiểm tra, đánh giá lại.
BS Cấp cho biết việc công nhận kết quả xét nghiệm giữa các BV đã được thực hiện từ lâu nhưng không phải BV nào, xét nghiệm nào cũng được công nhận. Việc công nhận kết quả xét nghiệm hay phải làm lại xét nghiệm phụ thuộc chủ yếu vào uy tín của BV, của phòng xét nghiệm và sự nhạy cảm của bác sĩ điều trị.
Thường những BV nào có phòng xét nghiệm đáng tin cậy thuộc tuyến trung ương - hoặc là BV tuyến địa phương nhưng chuyên khoa sâu, thì có thể bác sĩ sẽ công nhận kết quả xét nghiệm mà không buộc bệnh nhân phải làm lại nữa.
BS Trần Thành Vinh - trưởng khoa sinh hóa BV Chợ Rẫy - cho biết không phải đợi đến lúc có quy định của Bộ Y tế về liên thông các kết quả xét nghiệm giữa các BV tuyến trung ương thì các BV mới công nhận kết quả của nhau.
Trước đó, dù chưa có quyết định của Bộ Y tế, những người bệnh đã được xét nghiệm ở những BV có phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO (thể hiện trên phiếu xét nghiệm) thì BV Chợ Rẫy vẫn công nhận kết quả.
Dĩ nhiên những BV chuyên khoa, có xét nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực nào đó mà những BV xung quanh không có những xét nghiệm này thì phải công nhận kết quả xét nghiệm từ BV chuyên khoa.
Tại BV Thống Nhất TP.HCM, kết quả xét nghiệm của người bệnh từ BV trung ương trực thuộc Bộ Y tế như BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược... đều được các bác sĩ BV Thống Nhất tham khảo, đối chiếu các xét nghiệm, chứ không nhất thiết chỉ định làm xét nghiệm lại.
Theo BS Trương Quang Anh Vũ - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất, việc liên thông xét nghiệm là cần thiết nhưng bác sĩ điều trị vẫn có thể cho người bệnh xét nghiệm lại tùy theo diễn tiến của bệnh và phác đồ điều trị.
Xét nghiệm lại một số trường hợp
Ông Dương Đức Hùng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai - cho biết việc thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV tuyến trung ương như hiện nay không phải là các BV này công nhận tất cả kết quả xét nghiệm của nhau.
Chỉ một số xét nghiệm có tính bền vững nếu có kết quả từ BV trước sẽ không phải thực hiện lại, nhưng có những chỉ số thường xuyên thay đổi như công thức máu, men gan phải làm lại, thậm chí là xét nghiệm về nhóm máu vẫn cần phải làm lại trong trường hợp người bệnh phải truyền máu.
BS Anh Vũ ví dụ: một người bệnh đã được xét nghiệm công thức máu tại một BV tuyến trung ương trước đó khoảng 1-2 tuần với một bệnh cảnh khác, không có biểu hiện nhiễm trùng nhưng lần này người bệnh đến khám tại BV Thống Nhất vì một triệu chứng sốt, theo dõi tình trạng nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi, thì lúc ấy bác sĩ vẫn phải chỉ định cho người bệnh làm lại công thức máu. Bởi vì với tình trạng nhiễm trùng, nhiễm siêu vi thì công thức bạch cầu, tiểu cầu, thậm chí hồng cầu thay đổi rất nhanh trong một thời gian ngắn.
Hoặc một người bệnh đái tháo đường có mức đường huyết không ổn định đang được theo dõi, điều trị thì đường huyết phải làm lại chứ không thể tham khảo kết quả xét nghiệm từ tuần trước.
BS Cấp cho biết thêm, đối với cùng một loại bệnh thì độ tin cậy kết quả xét nghiệm được phân hạng khác nhau. Những bệnh viện nào đạt chứng chỉ ISO 15189 thì mức độ tin cậy kết quả xét nghiệm sẽ cao hơn những nơi không có chứng chỉ, chưa đạt tiêu chuẩn.
Liên thông xét nghiệm ở BV Trung ương Huế
Ông Phạm Như Hiệp, giám đốc BV Trung ương Huế, cho biết hiện BV đang triển khai việc liên thông kết quả xét nghiệm với 37 BV còn lại thuộc Bộ Y tế. Việc liên thông kết quả xét nghiệm đã được BV Trung ương Huế thực hiện từ rất lâu trước đó.
Những xét nghiệm đơn gian như chụp X-Quang, siêu âm, chụp Scan... thì đều được BV chấp nhận liên thông.
Các BV trực thuộc Bộ Y tế (liên thông nhóm phòng xét nghiệm mức 1 và ISO 15189 )
* Tại TP.HCM: 1 - BV Chợ Rẫy; 2- BV Thống Nhất; 3- BV Đại học Y dược; 4- BV Răng hàm mặt T.Ư;
* Tại TP Hà Nội: 5- BV Bạch Mai; 6- BV K; 7- BV Hữu Nghị; 8- BV Nhi T.Ư; 9- BV Hữu nghị Việt Đức; 10- BV Lao và bệnh phổi T.Ư; 11- BV Mắt T.Ư; 12- BV Nội tiết T.Ư; 13- BV Phụ sản T.Ư; 14- BV E T.Ư; 15- BV Tai mũi họng T.Ư; 16- Viện Răng hàm mặt quốc gia; 17- Viện bỏng Lê Hữu Trác; 18- Viện Lão khoa quốc gia; 19- Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia; 20- Viện Da liễu quốc gia; 21- Viện Huyết học - truyền máu T.Ư; 22- BV Tâm thần T.Ư1;
* Tại các tỉnh: 23- BV Đa khoa T.Ư Huế (Huế); 24- BV Tâm thần T.Ư2 (Đồng Nai); 25- BV C Đà Nẵng (Đà Nẵng); 26- BV Đa khoa T.Ư Cần Thơ (Cần Thơ); 27- BV Phong - da liễu T.Ư Quy Hòa (Quy Nhơn); 28- BV Lao và bệnh phổi T.Ư Phúc Yên (Vĩnh Phúc); 29- BV Điều dưỡng - phục hồi chức năng T.Ư (Thanh Hóa); 30- BV 71 TQ (Thanh Hóa); 31- BV Đa khoa Thái Nguyên (Thái Nguyên); 32- BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh); 33- BV Đa khoa T.Ư Quảng Nam (Quảng Nam); 34- BV Hữu nghị VN - Cuba - Đồng Hới ( Quảng Bình); 35- BV Phong - da liễu T.Ư Quỳnh Lập (Nghệ An)... (Tuổi trẻ, trang 14).
Khống chế không để dịch lớn xảy ra
Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình được thực hiện tại các tỉnh, thành phố trong cả nước với kinh phí 19.380 tỷ đồng.
Theo đó, Chương trình có 8 dự án thành phần gồm: Dự án phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến; Dự án tiêm chủng mở rộng; Dự án dân số và phát triển; Dự án an toàn thực phẩm; Dự án phòng, chống HIV/AIDS; Dự án bảo đảm máu an toàn và phòng, chống một số bệnh lý huyết học; Dự án quân dân y kết hợp; Dự án theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế.
Mục tiêu cụ thể mà các dự án hướng tới là đến năm 2020 khống chế tỷ lệ chết/mắc hàng năm do sốt xuất huyết < 0,09%; 20% số người mắc ung thư khoang miệng, vú, cổ tử cung, đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm; bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi hằng năm đạt trên 95%; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm... (An ninh Thủ đô, trang 2).
38 bệnh viện Trung ương liên thông kết quả xét nghiệm: Người bệnh đỡ tốn tiền, giảm phiền hà
Bắt đầu từ sáng 1-8, 38 bệnh viện tuyến Trung ương bắt đầu triển khai thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau. Qua ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, dù số lượng xét nghiệm của bệnh nhân đã thực hiện tại các bệnh viện khác trước đó được công nhận chưa nhiều song cũng phần nào giảm được chi phí, hạn chế được thời gian chờ đợi và sự bức xúc của người bệnh.
Phụ thuộc chủ yếu vào bác sĩ
Chuẩn bị cho việc liên thông kết quả xét nghiệm đợt này, thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã rà soát, đánh giá lại chất lượng của phòng xét nghiệm nhằm nâng cấp, hoàn thiện theo chất lượng ISO 15189 mà Bộ Y tế đề ra.
TS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, chỉ những xét nghiệm nào thực hiện tại các phòng xét nghiệm đã đạt chuẩn ISO bệnh viện mới công nhận. Hơn nữa, không phải tất cả các xét nghiệm mà người bệnh đã thực hiện tại các bệnh viện khác trước đó (kể cả phòng xét nghiệm có chất lượng tương đương) cũng đều được công nhận bởi nhiều chỉ số xét nghiệm chỉ có giá trị sử dụng trong một thời gian rất ngắn. Còn những xét nghiệm có thể sử dụng được dài ngày hơn như vi khuẩn bệnh lao, nhóm máu, chức năng gan thận… nếu người bệnh đã có rồi sẽ không phải xét nghiệm lại. Mặt khác, bệnh viện cũng chỉ đạo áp dụng việc liên thông kết quả xét nghiệm một cách linh hoạt tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào tình trạng bệnh.
Tương tự, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, trung bình mỗi ngày thực hiện khoảng 5.000 xét nghiệm. Theo bác sĩ Trịnh Xuân Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh, bác sĩ lâm sàng là người có quyền quyết định cuối cùng và phải chịu trách nhiệm trong việc chấp nhận hay không chấp nhận sử dụng các xét nghiệm mà người bệnh đã thực hiện từ bệnh viện khác chuyển đến. Cũng vì thế, chỉ những kết quả xét nghiệm được thực hiện từ các phòng xét nghiệm có chất lượng chuẩn tương đương nhau thì các bác sĩ mới an tâm sử dụng, bởi nó liên quan đến sức khỏe của người bệnh.
Tại Bệnh viện E, PGS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cũng chia sẻ, bệnh viện đã công nhận rất nhiều kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của nhiều bệnh viện khác. Song nhiều khi cùng một máy xét nghiệm nhưng thực hiện ở hai bệnh viện khác nhau lại cho kết quả khác nhau, do đó cũng có những xét nghiệm bắt buộc phải làm lại để bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Rõ ràng, để thực hiện hiệu quả việc liên thông kết quả xét nghiệm, vai trò của người thầy thuốc hết sức quan trọng. Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Phạm Tuấn Dương phân tích, bác sĩ lâm sàng phải có kiến thức để đánh giá được chất lượng xét nghiệm khi quyết định việc có công nhận kết quả xét nghiệm hay không, mặt khác cũng phải công tâm, tránh lạm dụng xét nghiệm để bảo vệ người bệnh.
Sẽ kiểm tra, giám sát việc liên thông
Theo Bộ Y tế, nguyên tắc liên thông là các phòng xét nghiệm y học đạt cùng mức chất lượng (chất lượng tương đương) thì được liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau; phòng xét nghiệm có mức chất lượng thấp phải công nhận kết quả của phòng xét nghiệm đạt mức cao hơn. Đối với các phòng xét nghiệm đã đạt ISO 15189, chỉ áp dụng liên thông các xét nghiệm có trong danh mục mà Bộ Y tế ban hành và đã được công nhận chất lượng. Bác sĩ lâm sàng là người quyết định việc sử dụng kết quả xét nghiệm liên thông…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, bước đầu Bộ Y tế thí điểm mỗi chuyên ngành có 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm. Trong tháng 8 này, Bộ Y tế sẽ kiểm tra, giám sát, đánh giá, thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế.
Về lộ trình cụ thể, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, sau khi liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện tuyến Trung ương từ ngày 1-8 thì đến năm 2020, sẽ liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
“Việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh (do không phải làm lại xét nghiệm), kiểm soát được việc lạm dụng xét nghiệm, nhất là giảm chi phí và phiền hà cho bệnh nhân khi khám chữa bệnh” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh (An ninh Thủ đô, trang 6).
Giảm nỗi lo bệnh tật
Bất kể ai bước chân vào bệnh viện hoặc cơ sở y tế để khám chữa bệnh, nỗi lo ngại ám ảnh nhất là trải qua hàng loạt các xét nghiệm.
Nếu không xét nghiệm thì bác sĩ không thể có kết quả để chẩn đoán bệnh và có phương án điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, nỗi khổ của người bệnh kéo dài nhiều năm nay nằm ở chỗ những kết quả xét nghiệm mà họ đã có được ở các bệnh viện tuyến dưới, thậm chí của ngay bệnh viện lớn đều phải làm lại từ A đến Z, bởi không đủ độ “tin cậy”. Nhưng từ đầu tháng 8 này tình trạng bất hợp lý, gây phiền phức và tốn kém này hy vọng sẽ chấm dứt.
Theo đó, 38 bệnh viện Trung ương sẽ chính thức liên thông kết quả xét nghiệm. Quyết định này được người bệnh vui mừng đón nhận, bởi cùng một lúc đạt được 3 mục đích: nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng “loạn” xét nghiệm, quan trọng hơn cả là giảm thiểu chi phí nhiều khi vô lý, tùy tiện và giảm phiền hà cho người bệnh. Đương nhiên, muốn đạt được liên thông kết quả xét nghiệm, đòi hỏi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đều phải có phòng thí nghiệm đảm bảo chất lượng tương đương.
Theo tính toán, khi thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, ước tính chỉ cần giảm được 1% số lượng xét nghiệm phải thực hiện, thì có thể giảm tới 5 triệu lượt xét nghiệm. Trong khi đó, thống kê cho thấy, các bệnh viện có xu hướng “chạy đua” xét nghiệm như một nguồn thu… được phép. Thời gian gần đây, tình trạng lạm dụng xét nghiệm đã gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là mượn cớ xét nghiệm để trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Chỉ riêng năm 2016, số lượng xét nghiệm đạt tới con số “kỷ lục” 500 triệu. Thử làm một con tính, mỗi xét nghiệm giá 50 nghìn đồng thì mỗi năm sẽ phải chi trả tới khoảng 237 tỷ đồng.
Thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm của 38 bệnh viện Trung ương có thể tính được cụ thể hàng trăm tỷ đồng tiết kiệm. Song ý nghĩa và giá trị còn lớn hơn nhiều. Người bệnh sẽ giảm đáng kể tiền bạc, thời gian chầu chực chờ đợi kết quả, nhất là sẽ nhẹ được gánh nặng phiền hà, gây khó dễ trong khi trĩu nặng nỗi lo bệnh tật, tính mạng (An ninh Thủ đô, trang 6).
Đến năm 2020, khống chế tỷ lệ chết do sốt xuất huyết dưới 0,09%
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020.
Các mục tiêu gồm: Chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm; bảo đảm cung cấp máu, an toàn truyền máu và phòng, chống hiệu quả một số bệnh lý huyết học; khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; duy trì mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường công tác kết hợp quân dân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng biên giới, biển đảo và vùng trọng điểm an ninh quốc phòng.
Chương trình có 8 dự án thành phần, được thực hiện tại các tỉnh, thành phố trong cả nước với kinh phí 19.380 tỷ đồng. Mục tiêu cụ thể mà các dự án hướng tới là đến năm 2020 khống chế tỷ lệ chết/mắc hằng năm do sốt xuất huyết dưới 0,09%; 20% số người mắc ung thư khoang miệng, vú, cổ tử cung, đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm; bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi hằng năm đạt trên 95%; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm... (Hà Nội mới, trang 1).
Bàn giao sổ BHXH: Minh bạch quá trình đóng bảo hiểm của người lao động
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, đến đầu tháng 7/2017, cả nước đã bàn giao được gần 2,8 triệu sổ BHXH cho người lao động (NLĐ)...
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, đến đầu tháng 7/2017, cả nước đã bàn giao được gần 2,8 triệu sổ BHXH cho người lao động (NLĐ) trên tổng số 12 triệu sổ BHXH phải bàn giao (không bao gồm khối lực lượng vũ trang), đạt khoảng 22,1%. Việc trao sổ BHXH cho NLĐ giữ nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ một cách tích cực hơn. NLĐ tự quản lý sổ BHXH không chỉ nắm rõ được các thông tin về quá trình tham gia BHXH của bản thân mà còn chủ động hơn trong việc thực hiện giải quyết các chế độ BHXH theo luật định… (Hà Nội mới, trang 1).
Hơn 13 triệu sổ BHXH sẽ được bàn giao cho NLĐ
Theo báo cáo của Ban Sổ - Thẻ (BHXH Việt Nam), ngay khi có chủ trương trả sổ BHXH giao cho NLĐ quản lý, BHXH các tỉnh đã khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn rà soát và bàn giao sổ BHXH; tổ chức tập huấn cho BHXH cấp huyện và các đơn vị sử dụng lao động. Đồng thời, thành lập các tổ chỉ đạo, tổ thẩm định, tổ nhập liệu và tổ chức tuyên truyền đến đơn vị sử dụng lao động và NLĐ để phối hợp cơ quan BHXH thực hiện rà soát, bàn giao sổ BHXH; phát động phong trào thi đua hoàn thành trước thời hạn nhiệm vụ bàn giao sổ BHXH cho NLĐ ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
Hiện, công tác rà soát sổ được toàn ngành BHXH khẩn trương thực hiện, dự kiến đến hết năm 2018, hơn 13 triệu sổ BHXH sẽ được cơ quan BHXH phối hợp doanh nghiệp bàn giao tận tay NLĐ.
Ông Chu Minh Tộ - Trưởng ban Sổ - Thẻ cho biết, vẫn còn không ít khó khăn vướng mắc trong công tác bàn giao sổ cho NLĐ. Bởi, hiện vẫn còn một số cơ quan BHXH tỉnh chưa nhập hết quá trình đóng BHXH của NLĐ vào cơ sở dữ liệu hoặc dữ liệu đã nhập nhưng chưa đầy đủ, chưa chính xác. Vì vậy, phải nhập, rà soát dữ liệu sau đó mới in phiếu đối chiếu quá trình đóng BHXH để chuyển cho đơn vị sử dụng lao động, NLĐ đối chiếu xác nhận; hay một số đơn vị người lao động làm việc tại các chi nhánh ở các tỉnh khác không có mặt tại đơn vị để ký phiếu mẫu và ký nhận sổ BHXH...
“Đây là những nguyên nhân làm chậm tiến độ bàn giao sổ BHXH. Ngoài ra, tại một số tỉnh, công tác trả sổ chưa được quan tâm, tổ chức thực hiện còn chưa sát sao, chưa quán triệt đến tận cán bộ quận, huyện...”, ông Chu Minh Tộ nói.
Để bảo đảm tiến độ và chất lượng dữ liệu, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị và BHXH các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, bàn giao sổ BHXH cho NLĐ. Kiểm tra, rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu người tham gia BHXH trong phần mềm quản lý. Đồng thời, phải đánh giá chất lượng công tác rà soát, bàn giao sổ BHXH cho NLĐ để rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Một trong những bước cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH
Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, việc trao sổ BHXH cho NLĐ quản lý là một trong những bước cải cách thủ tục hành chính của ngành BHXH. Theo đó, cơ sở dữ liệu về toàn bộ quá trình tham gia BHXH của NLĐ đã được cơ quan BHXH nhập liệu vào Hệ thống dữ liệu điện tử và liên tục cập nhật, bảo đảm việc cấp lại sổ BHXH cho NLĐ thuận tiện nhất trong trường hợp sổ BHXH bị hỏng hoặc thất lạc.
“Quy định này nhằm minh bạch thông tin về quá trình đóng BHXH, hạn chế tình trạng các DN trốn đóng, nợ đọng BHXH cũng như có trường hợp doanh nghiệp đã “giam” sổ BHXH của NLĐ khi xảy ra tranh chấp lao động, gây khó khăn phức tạp cho cả cơ quan BHXH và NLĐ trong quá trình giải quyết các chế độ BHXH”, ông Trần Đình Liệu nói.
Cũng theo ông Trần Đình Liệu, khi NLĐ tự quản lý sổ BHXH cũng sẽ có cơ sở yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trách nhiệm đóng BHXH cho mình kịp thời; đồng thời ngăn ngừa tình trạng NLĐ bị trích trừ tiền lương để đóng BHXH nhưng chủ sử dụng lao động không nộp tiền về cơ quan BHXH, trốn trách nhiệm đóng thuộc chủ sử dụng lẫn phần đóng của NLĐ mà họ không hay biết.
Không chỉ vậy, tự quản lý sổ BHXH của mình, NLĐ khi nghỉ việc sẽ kịp thời được giải quyết chế độ BHXH, BHTN hoặc có ngay sổ BHXH để tiếp tục tham gia, cộng nối quá trình đóng BHXH khi đi làm việc tại DN khác.
Cũng theo thông tin của cơ quan BHXH, cơ sở dữ liệu về toàn bộ quá trình tham gia BHXH của NLĐ đã được cơ quan BHXH nhập liệu vào Hệ thống dữ liệu điện tử và liên tục cập nhật, đảm bảo việc cấp lại sổ BHXH cho NLĐ thuận tiện nhất trong trường hợp sổ BHXH bị hỏng hoặc thất lạc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).
Hiệu quả của vắc-xin
Tiêm chủng cứu sống hàng triệu người và được công nhận là một trong những can thiệp về sức khỏe thành công nhất và hiệu quả nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, hàng năm trên thế giới vẫn còn 19,4 triệu trẻ em chưa được chủng ngừa. Những thông tin về vắc-xin và tiêm chủng từ những nguồn tin không chính thống là không chính xác, dẫn đến những hiểu lầm không đáng có của các bậc cha mẹ. Hậu quả là một số trẻ không được tiêm chủng có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Cần hiểu đúng về vắc-xin và đừng bỏ lỡ cơ hội cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh.
Tính an toàn của vắc-xin
Tất cả các loại vắc-xin trước khi sử dụng kể cả vắc-xin dịch vụ hay vắc-xin sử dụng trong TCMR phải được cấp phép lưu hành đều phải đạt được các yêu cầu kiểm tra rất nghiêm ngặt, về tính an toàn và hiệu lực và thường xuyên được đánh giá, theo dõi trong quá trình sử dụng.
Vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Vắc-xin bảo vệ trẻ em khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, Rubella... Trẻ em và các đối tượng khác không được tiêm chủng dễ bị mắc bệnh, để lại di chứng và thậm chí tử vong.
Tiêm chủng đồng thời nhiều loại vắc-xin trong thành phần vắc- xin phối hợp không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của trẻ, giúp làm giảm sự khó chịu cho trẻ đồng thời tiết kiệm thời gian và giảm chi phí. Khi một đứa trẻ bị cảm thông thường thì chúng còn tiếp xúc với nhiều kháng nguyên hơn là từ vắc-xin.
Nếu chúng ta không tiêm chủng, bệnh tật sẽ quay trở lại
Ngay cả khi vệ sinh và môi trường sống tốt hơn, nguồn nước an toàn và vệ sinh hơn, các bệnh truyền nhiễm vẫn sẽ lan truyền. Nếu chúng ta không tiêm chủng, các bệnh truyền nhiễm đã không còn phổ biến nữa như bạch hầu, sởi, ho gà, bại liệt sẽ nhanh chóng quay trở lại.
Năm 2014, dịch sởi bùng phát ở Việt Nam với hàng ngàn ca mắc, trong số đó không ít trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Tại một số địa phương miền núi khó khăn có tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn xuất hiện rải rác các ổ dịch nhỏ như dịch bạch hầu tại Bình Phước, dịch ho gà tại Cao Bằng.
Những thành quả đạt được của Việt Nam nhờ vắc-xin trong năm vừa qua
Năm 2016 là năm thứ 17 liên tiếp Việt Nam bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 11 duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên phạm vi cả nước. Bệnh sởi và bệnh Rubella đã được khống chế, không để xảy ra dịch trên toàn quốc. Năm 2016 là năm ghi nhận tỷ lệ mắc sởi thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây với chỉ 46 ca mắc sởi trên cả nước.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi 98,0%, tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai 90,9% và tỷ lệ tiêm vắc-xin uốn ván cho nữ 15-35 tuổi đạt 94,2%, đạt các chỉ tiêu kế hoạch được Bộ Y tế giao. Tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan b liều sơ sinh 68,0% tương đương so với kết quả năm 2015. Hoạt động tiêm vắc-xin sởi - Rubella và DPT 4 cho trẻ 18 tháng tiếp tục được các địa phương quan tâm và đẩy mạnh. Số trẻ được tiêm vắc-xin sởi - Rubella trong năm 2016 đạt tỷ lệ 94,6%. Tiêm bổ sung vắc-xin sởi - Rubella cho đối tượng 16 và 17 tuổi trên toàn quốc đã được triển khai từ tháng 3 đến tháng 6/2016 tại 15.721 điểm tiêm chủng, trong đó có 8.447 điểm tiêm tại trạm y tế và 3.718 điểm tiêm tại trường học. Kết quả có 1.787.588 đối tượng được tiêm vắc-xin sởi - Rubella, đạt tỷ lệ 94,9% và đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Chuyển đổi thành công vắc-xin bại liệt 3 týp (tOPV) sang sử dụng vắc-xin bại liệt 2 týp (bOPV) từ tháng 6/2016 theo chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu.
Công tác giám sát bệnh trong TCMR được tăng cường và hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là giám sát bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi. Các phòng thí nghiệm tại các Viện VSDT/Pasteur đã thực sự đóng góp cho công tác chẩn đoán sớm để có hoạt động đáp ứng kịp thời. Công tác an toàn tiêm chủng được tăng cường, hệ thống dây chuyền lạnh tại các tuyến được trang bị thêm tủ lạnh và thiết bị theo dõi nhiệt độ tự động, góp phần tăng cường công tác bảo quản và vận chuyển vắc-xin.
Với những nỗ lực và thành công trên, Chương trình TCMR của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thu hút được sự hỗ trợ của Chính phủ các nước và các Tổ chức quốc tế (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).