Khốn khổ vì xét nghiệm
Xét nghiệm để chẩn đoán bệnh là một trong những quy trình y tế quan trọng, nhưng lâu nay hầu hết các bệnh viện (BV) chưa thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm của nhau, cũng như chưa có được quy chuẩn thống nhất về xét nghiệm. Sự chậm trễ này khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn, vất vả khi đi khám chữa bệnh. Hơn nữa, do thiếu quy chuẩn nên nhiều cơ sở khám chữa bệnh đang lạm dụng các chỉ định về xét nghiệm, gây tốn kém, lãng phí cho người bệnh.
Chồng chéo xét nghiệm
Phòng xét nghiệm của BV Đống Đa (Hà Nội) đã gần trưa vẫn đông bệnh nhân. Nhiều người tỏ ra ngao ngán, mệt mỏi khi phải chờ đợi quá lâu. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Dũng P. (ở Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Tuần trước, tôi khi khám ở BV Thường Tín, các bác sĩ xét nghiệm và chẩn đoán tôi bị viêm gan B. Thực sự tôi bất ngờ trước kết quả này. Vì thế, hôm nay tôi tới đây để khám lại cho chắc. Ai ngờ, BV yêu cầu làm lại toàn bộ các xét nghiệm, khám chữa bệnh như trước, mất nhiều thời gian và tốn kém quá”. Trong khi đó, lặn lội đưa bố từ Hòa Bình lên khám bệnh tại BV Thanh Nhàn, chị Thanh (ở Kim Bôi, Hòa Bình) bức xúc: “Dù BV huyện và tỉnh Hòa Bình đều cho kết quả xét nghiệm bố tôi bị sỏi mật, nhưng khi lên BV Thanh Nhàn khám, bác sĩ vẫn yêu cầu làm lại toàn bộ xét nghiệm. Tại sao các BV không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau mà cứ bắt người bệnh đi lại nhiều lần chỉ để lấy máu, nước tiểu, chụp X-quang..., vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc của người bệnh”.
Tình trạng người dân khi tới khám bệnh tại BV phải thực hiện không ít xét nghiệm khác nhau, dù trước đó ít ngày họ đã làm tại một BV khác là rất phổ biến. Nguyên nhân là vì hiện nay, hầu hết các BV đều chưa công nhận kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của lẫn nhau, mà chỉ có thể coi kết quả xét nghiệm của BV khác là tham khảo. Hơn nữa, rất nhiều người bệnh khi tới BV khám phải trải qua hàng loạt công đoạn xét nghiệm máu, nước tiểu, bệnh phẩm, X-quang, siêu âm - mà trong đó có nhiều công đoạn chẳng liên quan gì tới triệu chứng bệnh tật người bệnh đang mắc. Bức xúc và mệt mỏi hơn khi cùng một xét nghiệm nhưng kết quả giữa các cơ sở khám chữa bệnh lại có sự “vênh nhau”, không thống nhất khiến cho người bệnh rất hoang mang, khổ sở, vì không biết đâu để lựa chọn nơi chữa bệnh. Thậm chí, không ít trường hợp vì kết quả xét nghiệm không chuẩn xác đối với các căn bệnh xã hội như HIV, lậu, giang mai, đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người bệnh, tới gia đình, công việc của họ.
Cần sớm có quy chuẩn
Theo lãnh đạo một số BV lớn ở Hà Nội, trên cơ sở kết quả xét nghiệm, bác sĩ mới đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, nhưng lâu nay vẫn chưa có được một chuẩn thống nhất về xét nghiệm. Trong khi đó, mỗi BV lại sử dụng các trang thiết bị, hóa chất dùng để xét nghiệm khác nhau, chất lượng nguồn nhân lực cũng không đồng nhất nên khó có thể chấp nhận kết quả của nhau. Thậm chí, có lãnh đạo BV còn thẳng thắn cho biết, nhiều khi việc chỉ định xét nghiệm không hẳn là do chưa tin cậy kết quả xét nghiệm của BV khác, mà là vì nguồn thu của BV.
Theo quy định của Bộ Y tế, các BV phải thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm hàng năm, đồng thời phải tham gia các chương trình ngoại kiểm nhằm kiểm soát chất lượng, đối chiếu và so sánh kết quả xét nghiệm của đơn vị với kết quả xét nghiệm của nhiều phòng xét nghiệm khác trên cùng một mẫu, cung cấp bằng chứng công nhận phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng GS-TS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, cho biết hiện mới chỉ có 1/3 số cơ sở y tế tiến hành ngoại kiểm chất lượng xét nghiệm, nên những sai sót liên quan đến vấn đề nhân lực, máy móc xét nghiệm chậm được khắc phục. Hơn nữa, cả nước mới chỉ có khoảng 50 phòng xét nghiệm thuộc các cơ sở y tế, BV đạt chuẩn ISO 15189: 2012 về chất lượng và năng lực của phòng xét nghiệm y tế.
Để giải quyết tình trạng “loạn” xét nghiệm, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học theo 5 mức (rất tốt - tốt - khá - trung bình khá - trung bình và chưa xếp hạng) để đánh giá việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng và thực hiện cải tiến chất lượng xét nghiệm. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ sớm thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV, giảm lãng phí tiền của và sức khỏe cho người bệnh. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế đã yêu cầu 122 BV tuyến trung ương và các BV hạng 1 rà soát, lập kế hoạch thực hiện chuẩn bị cho liên thông kết quả xét nghiệm. Trước mắt, bắt đầu từ tháng 7 tới sẽ thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm của 38 BV trực thuộc Bộ Y tế. Các BV hạng 1 và tương đương sẽ thực hiện liên thông công nhận kết quả xét nghiệm trước ngày 1-1-2018.
Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm, các BV trên toàn quốc thực hiện khoảng 450 triệu xét nghiệm các loại; trong đó, các BV tuyến trung ương thực hiện hơn 90 triệu xét nghiệm, BV tuyến tỉnh, thành phố thực hiện hơn 250 triệu xét nghiệm. Chỉ riêng năm 2016, các cơ sở y tế trong cả nước đã thực hiện 516 triệu xét nghiệm các loại. Số lượng xét nghiệm tại các cơ sở y tế đều tăng trung bình 10%/năm.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến, các thiết bị xét nghiệm đầu tư từ nguồn xã hội hóa, liên doanh đặt máy với yêu cầu lợi nhuận cũng là một yếu tố thúc đẩy chỉ định xét nghiệm quá mức. Do đó, khi quyết định đầu tư máy móc xét nghiệm, giám đốc BV cần cân nhắc quy mô, nhu cầu khám chữa bệnh để trang bị thiết bị phù hợp, khai thác đúng yêu cầu điều trị, tránh việc chỉ định xét nghiệm để đạt chỉ tiêu của đối tác. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Khẩn trương đồng bộ hóa dữ liệu giám định BHYT
Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế đặt kế hoạch đến ngày 30-6 tới, các bệnh viện (BV) tuyến trung ương và tuyến tỉnh phải kết nối hoàn thiện, đồng bộ dữ liệu giám định BHYT trong phần mềm ứng dụng quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; các BV tuyến huyện phải hoàn thiện trước ngày 31-8:
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, hiện nay, hệ thống này đang gặp phải một số vướng mắc như hệ thống danh mục dùng chung thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế chưa chính xác, chưa đầy đủ, thay đổi thường xuyên, khiến công tác cập nhật tại các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Lắp ki-ốt để khảo sát ý kiến người bệnh
Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ triển khai lắp đặt hệ thống ki-ốt khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV) công lập trên địa bàn TP, bắt đầu từ ngày 27-3.
Hệ thống ki-ốt được kết nối mạng, chứa 15 câu hỏi. Khi người bệnh bấm vào thì thông tin được chuyển ngay đến lãnh đạo BV nhằm giúp BV biết được những công đoạn nào trong quy trình khám chữa bệnh tại khoa khám bệnh của BV mà người bệnh còn chưa hài lòng, để từ đó có các biện pháp cải tiến hoặc chấn chỉnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Cồn công nghiệp pha vào rượu sẽ vô cùng nguy hiểm
Theo Th.S Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, 3 tháng qua, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận điều trị cho 34 ca ngộ độc rượu có chứa methanol, trong đó 9 ca bị tử vong. Phần lớn số bệnh nhân ngộ độc rượu là ở Hà Nội, trong độ tuổi từ 20 - 60 tuổi và nguyên nhân được xác định do lạm dụng rượu, uống quá nhiều.
Dưới góc độ một chuyên gia hóa học, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết methanol thực chất là cồn công nghiệp, là chất rất độc, với lượng nhỏ cũng đã gây mù mắt, nhiều hơn có thể tử vong.
Lý giải nguyên nhân khiến rượu có chứa methanol, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh chỉ rõ là do trong quá trình sản xuất rượu dùng nguyên liệu có nhiều tạp chất, đặc biệt là hành vi dùng cồn công nghiệp có lượng methanol cao để pha chế vào rượu nhằm mục đích kiếm lời, loại rượu này rất rẻ tiền nhưng mức độ độc rất cao và thường gây chết người. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Năm 2016 có 69 ca phản ứng nặng sau tiêm chủng
Kết quả giám sát phản ứng sau tiêm chủng năm 2016 ghi nhận 69 trẻ gặp tai biến sau tiêm tại 24 tỉnh, thành trong đó 22 cháu tử vong. Trong 69 cháu gặp tai biến nặng có 4 trẻ tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B, 2 ca sau sử dụng vắc xin viêm gan B và BCG, 4 ca liên quan đến vắc xin sởi – rubella, 1 ca liên quan vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, số còn lại liên quan vắc xin 5 trong 1 ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib. Báo cáo của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia ngày 27.3 tại Hội nghị tiêm chủng toàn quốc được BYT tổ chức cho biết như trên ... (Thanh niên, trang 2, Tuổi trẻ, trang 14).
70 trạm y tế tại TP. HCM không có bệnh nhân đến khám
Chiều ngày 27.3, Bộ trưởng BYT Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc với Sở Y tế TP. HCM và các BV về phát triển mô hình bác sĩ gia đình. Tại cuộc làm việc, đại diện Q1, Q2, đều than dù có triển khai phòng khám BSGĐ nhưng danh mục thuốc của trạm quá ít; xét nghiệm, siêu âm không được BHYT thanh toán; hồ sơ quản lý bệnh nhân theo mô hình BSGĐ thì làm bằng tay, có nơi làm bệnh án điện tử nhưng không liên thông với tuyến trên… vì thế người bệnh mãn tính đến trạm y tế khám 1-2 lần rồi bỏ lên tuyến trên… (Thanh niên, trang 4).
Phòng khám tư nhân: Kiểm tra là ra sai phạm
Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ chết người tại các phòng khám (PK) ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội, trong đó có cả PK có bác sĩ nước ngoài. Sau những vụ việc này, Sở Y tế thành phố đã tổng kiểm tra, rà soát các PK tư nhân và phát hiện rất nhiều vi phạm. Công tác quản lý lĩnh vực này đã bộc lộ nhiều bất cập. |
||||
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cùng đoàn kiểm tra vừa kiểm tra đột xuất hoạt động của Phòng khám chuyên khoa răng- hàm- mặt BIOTIS, có địa chỉ tại B002, tầng 1 khu đô thị The Mannor Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm. Phòng khám này trực thuộc Công ty TNHH nha khoa BIOTIS do bác sĩ Y-ang Chang Chun - người Hàn Quốc chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật. Theo giấy phép hoạt động được Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 25-8-2014, phòng khám chỉ được phép khám, chữa bệnh cho người Hàn Quốc tại Việt Nam và thực hiện các kỹ thuật: Khám, chữa bệnh thông thường, cấp cứu ban đầu các vết thương hàm mặt; làm các tiểu phẫu sửa sẹo vết thương nhỏ dài dưới 2 cm ở mặt; nắn sai khớp hàm; điều trị laser bề mặt; chữa các bệnh viêm quanh răng; chích, rạch áp xe, lấy cao răng, nhổ răng; làm răng, hàm giả; chỉnh hình răng miệng; chữa răng và điều trị nội nha; tiểu phẫu thuật răng miệng. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, phòng khám có niêm yết giá dịch vụ X quang, kỹ thuật Implant nhưng cả hai dịch vụ kỹ thuật này đều không được cấp phép. Ngoài ra, phòng khám cũng chưa thực hiện đúng quy định về quy chế chuyên môn như xử lý rác thải chưa đúng quy định, chưa phân loại rác; một số loại thuốc như thuốc chống sốc, thuốc gây tê đã hết hạn sử dụng, không xây dựng quy trình chuyên môn kỹ thuật, không có phác đồ chống sốc, cấp cứu. Dù không đăng ký nhưng vẫn tiếp đón, khám, chữa bệnh cho người Việt Nam. Trước những vi phạm này, đoàn kiểm tra đã lập biên bản đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của BIOTIS. Một đoàn khác do Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền làm trưởng đoàn đã kiểm tra đột xuất Phòng khám đa khoa Nhân Ái Hà Nội (số 709 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện phòng khám thực hiện một số kỹ thuật không nằm trong danh mục kỹ thuật đăng ký và được phê duyệt. Cùng với đó là một số thiết bị y tế lắp đặt tại đây không nằm trong danh mục được phê duyệt. Đáng chú ý, trong giấy phép đăng ký hoạt động có ba bác sĩ quốc tịch Trung Quốc, trong đó hai bác sĩ đã về nước trước Tết Nguyên đán không tham gia làm nữa, nhưng chưa rút giấy phép hoạt động tại phòng khám. Bác sĩ Trung Quốc còn lại không có mặt tại phòng khám, dù trong giấy đăng ký có hoạt động. Phòng khám đăng ký hoạt động sáu chuyên khoa, nhưng tại thời điểm kiểm tra trong giờ hành chính chỉ có hai bác sĩ chuyên khoa nội và chuyên khoa ngoại có mặt, do vậy không đủ điều kiện hoạt động của một phòng khám đa khoa. Phòng khám này cũng đã bị đình chỉ hoạt động và phải làm việc với Thanh tra Sở Y tế vào ngày 23-3 để làm rõ sự việc. Cùng thời điểm, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt 91 triệu đồng và đình chỉ hoạt động phòng khám đa khoa Thái Hà (số 11 Thái Hà, quận Đống Đa) do không bảo đảm điều kiện về nhân lực để khám, chữa bệnh dưới hình thức phòng khám đa khoa. Đoàn kiểm tra cũng tước chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (do Bộ Y tế cấp) đối với bác sĩ Vương Sùng Anh (quốc tịch Trung Quốc), chuyên khoa sản; đình chỉ hoạt động một bác sĩ Trung Quốc khác là Oang Chong Inh do hành nghề quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 3.000 cơ sở y tế tư nhân, trong đó có 53 phòng khám đa khoa, chuyên khoa có bác sĩ nước ngoài. Thời gian này, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế tổng kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài, trong đó chú trọng việc tuân thủ quy định về chuyên môn, phạm vi hành nghề... Vi phạm mà các phòng khám hay mắc là quảng cáo quá nội dung được cấp phép; hành nghề quá phạm vi chuyên môn; vi phạm quy chế chuyên môn; phòng khám sử dụng thuốc, vật tư y tế không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng... Số lượng phòng khám lớn, sai phạm nhiều, nhưng công tác quản lý còn bất cập. Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường, cán bộ làm công tác thanh tra của Sở chỉ có... ba người, cho nên phần lớn công tác thanh tra, kiểm tra được giao cho phòng y tế các quận, huyện, thị xã. Thực tế, tại các quận, huyện, thị xã, cán bộ phòng y tế cũng chỉ dưới mười người lại phụ trách khối lượng công việc lớn từ quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ sở thẩm mỹ, dược, mỹ phẩm đến các phòng khám tư nhân. Trình độ nghiệp vụ của các cán bộ y tế tuyến cơ sở còn hạn chế, việc thanh tra, kiểm tra mới chỉ dừng lại ở khâu kiểm tra thủ tục hành chính. Trong khi đó, các phòng khám tư nhân có nhiều mánh khóe để qua mặt cơ quan chức năng, việc kiểm tra, giám sát càng khó khăn. Trước thực trạng này, bên cạnh việc xử lý nghiêm các phòng khám để xảy ra vi phạm, ngành y tế Hà Nội và chính quyền các quận, huyện, thị xã cần sớm có giải pháp khắc phục những bất cập trong công tác quản lý các phòng khám ngoài công lập, đưa hoạt động của các cơ sở này vào khuôn khổ, bảo đảm an toàn cho người dân đến khám, chữa bệnh. (Nhân dân, trang 9).
Vẫn khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Cân nhắc sử dụng biệt dược để giảm chi phí điều trị
|