Người bị viêm gan C tại Việt Nam sẽ được mua thuốc điều trị bằng 1% giá bán tại Mỹ
Bộ Y tế đã đạt được thỏa thuận với công ty dược phẩm Mỹ về cung ứng thuốc viêm gan C giá rẻ cho người bệnh trong nước. Chiều 26.4, Bộ Y tế cho biết, đã đạt được thỏa thuận với công ty dược phẩm Mỹ về cung ứng thuốc viêm gan C giá rẻ cho người bệnh trong nước. Đây là kết quả đạt được sau khi Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường có buổi làm việc với đại diện của một công ty dược phẩm của Hoa Kỳ hiện là chủ sở hữu bằng sáng chế một số thuốc mới điều trị viêm gan C.
Theo đó, hai bên thống nhất một số biện pháp nhằm tăng cường tiếp cận thuốc điều trị viêm gan C (bao gồm cả thuốc biệt dược và thuốc generic) tại Việt Nam trong đó có thỏa thuận, công ty này đảm bảo sẽ cung cấp đủ thuốc điều trị viêm gan C – 3 loại thuốc cho Việt Nam với giá thấp nhất, chỉ bằng 1% giá thuốc phát minh hiện đang bán cho thị trường Mỹ. Đồng thời công ty cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp dược Việt Nam sản xuất thuốc điều trị viêm gan C để có giá thuốc thấp hơn giá nhập khẩu cũng như hỗ trợ nghiên cứu tương đương sinh học đối với thuốc generic sản xuất tại Việt Nam so với thuốc sản xuất tại Mỹ...
Đổi lại, Bộ Y tế sẽ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc theo hình thức cấp phép nhanh cho các thuốc điều trị viêm gan C do công ty này (công ty phát minh, đăng ký và sản xuất); đồng thời, sẽ báo cáo Chính phủ xem xét việc đưa thuốc điều trị viêm gan C vào các chương trình y tế công cộng.
Nhà sản xuất này cũng sẽ cung cấp cho Bộ Y tế danh sách các công ty dược nước ngoài được cho phép sản xuất nguyên liệu hoặc thành phẩm thuốc điều trị viêm gan C của công ty theo hình thức giấy phép tự nguyện. Căn cứ vào danh sách, Bộ Y tế sẽ xem xét cho phép nhập khẩu thuốc từ các cơ sở sản xuất này để tăng tính cạnh tranh, giảm giá thuốc generic nhập khẩu.
Công ty này cũng cam kết bảo đảm hoặc có cơ chế bảo đảm các thuốc điều trị viêm gan C, cung cấp cho thị trường Việt Nam theo một trong các hình thức nêu trên, đáp ứng các tiêu chí chất lượng, an toàn, hiệu quả theo các quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về dược.
Theo các chuyên gia, viêm gan C là bệnh phổ biến ở Việt Nam với khoảng gần 4 triệu người đang mang virus viêm gan C (chiếm 4%- 7% dân số). Bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa, phòng bệnh chủ yếu là các biện pháp chung như quan hệ tình dục an toàn, sàng lọc máu, các chế phẩm của máu, sử dụng bơm kim tiêm một lần…
Do chi phí điều trị khá cao, trong khi bệnh lại không có triệu chứng điển hình nên người bệnh thường chỉ phát hiện khi bệnh tiến triển thành xơ gan và ung thư gan. Giới chuyên môn khuyến cáo người dân có thể phát hiện sớm tình trạng nhiễm virus viêm gan qua xét nghiệm máu trong các lần khám sức khỏe định kỳ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Từ 1/6, điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ theo lộ trình
Để đảm bảo quyền lợi về tài chính của mình trong chăm sóc sức khỏe, người dân cần và nên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Để đảm bảo quyền lợi về tài chính của mình trong chăm sóc sức khỏe, người dân cần và nên tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là khuyến cáo được các chuyên gia về lĩnh vực BHYT và tài chính y tế dành cho những người dân chưa tham gia BHYT khi từ ngày 1/6 tới đây, giá của hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh đối với người chưa tham gia BHYT...
Bệnh nhân sử dụng kỹ thuật cao, phải chi 100% từ tiền túi là rất lớn
Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1/6/2017 các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí 3 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam cho biết, điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT đã được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí KCB. Như vậy khoản tiền người KCB không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, ví dụ như chụp PET/CT chi phí tối đa đã lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng...
Sẽ triển khai thành 3 đợt
Theo Bộ Y tế, với những đơn vị tự chủ về tài chính, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ thực hiện từ ngày 1/6. Các cơ sở KCB tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sẽ thực hiện vào tháng 8, tháng 10 hoặc tháng 12/2017.
Để hạn chế những tác động, việc thực hiện giá viện phí mới sẽ triển khai thành 3 đợt trong năm nay. Trước tiên, viện phí mới áp dụng tại 20 địa phương có mức tham gia BHYT trên 85% (Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang...), sau đó thực hiện ở 20% địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT trên 80% và đợt 3 dự kiến thực hiện vào cuối năm ở các tỉnh còn lại.
Lộ trình tăng giá dịch vụ y tế này đã có độ “trễ” rất nhiều theo Luật BHYT
Theo ông Lê Văn Phúc, thực tế thì lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này đã có độ “trễ” rất nhiều theo Luật BHYT, bởi sau 1 năm giá dịch vụ y tế dành cho khoảng gần 20% dân số chưa có thẻ BHYT này mới đuổi kịp giá của những người đang KCB BHYT. Hiện nay, người chưa tham gia BHYT khi đi KCB vẫn đang trả mức giá thấp hơn nhóm dân số có thẻ BHYT, bởi giá dịch vụ y tế dành cho người chưa có thẻ BHYT chỉ mới kết cấu 3 yếu tố chi phí trực tiếp: Chi phí thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế phục vụ KCB; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ. Chưa kể, giá các dịch vụ y tế này vẫn đang được quy định tại các Thông tư có mức giá khá “lạc hậu” so với thời giá hiện nay như Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH ban hành từ năm 2006, Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC năm 2012.
Trong khi đó, trong năm vừa qua, quỹ BHYT đã chi trả phần lớn chi phí thay cho những người KCB BHYT mức giá dịch vụ y tế kết cấu cả tiền lương, phụ cấp theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc.
Tại sao lại có độ trễ về thời gian cho nhóm đối tượng này? Ông Phúc cho hay, đó là vì Chính phủ muốn tạo thời gian chuyển tiếp cần thiết cho những người chưa tham gia BHYT thực hiện trách nhiệm của mình trong chủ trương BHYT toàn dân. Giá dịch vụ y tế hiện nay dù được điều chỉnh thì cũng mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí. Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn đang được thực hiện song song với việc thay đổi cơ chế tài chính y tế, Chính phủ sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp cho người dân thông qua hỗ trợ tham gia BHYT thay vì rót ngân sách vào các BV.
Bộ Y tế cho biết đang phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách cấp tiền lương cho các BV hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Hiện người cận nghèo được hỗ trợ 70-100% chi phí mua thẻ BHYT. Các địa phương cũng nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để tham gia BHYT (đang hỗ trợ tối thiểu 30%). (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Nhiều sai phạm ở cơ sở y tế tư nhân
Sáng 27-4, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác Bộ tiến hành kiểm tra đột xuất một số phòng khám đa khoa tư nhân.
Tại phòng khám Raffles Medical (167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3), trực thuộc Công ty TNHH Sức khỏe trọn đời tại TPHCM. Đoàn kiểm tra ghi nhận phòng khám trang thiết bị đầy đủ, phòng bệnh sạch sẽ, tuân thủ nghiêm túc các quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, giá khám khá cao, bình quân trên 2 triệu đồng/ một lượt khám cơ bản 30 phút.
Kiểm tra phòng khám Đa khoa Nguyễn Trãi (277, Nguyễn Trãi, quận 1). Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám không có bác sĩ làm việc, sổ sách ghi chép bệnh án ghi không đầy đủ thông tin, không đủ hồ sơ theo dõi, sai quy chế. Các mẫu hồ sơ không đúng quy định và không có đơn thuốc. Đặc biệt, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động nhưng chỉ có bệnh án, đơn thuốc bằng tiếng Việt mà không có bệnh án được ghi bằng tiếng Trung. Bộ phận xét nghiệm thiếu và yếu, các bác sĩ khám bệnh tại các khoa chuyên môn hầu như vắng mặt. Lý giải về tình trạng này, đại diện phòng khám cho biết: do nhân viên lễ tân còn mới, chưa được tập huấn đầy đủ nên vẫn còn nhiều sai sót, không biết ghi chép mấy ngày qua một cách cụ thể, chỉ khi khám bệnh thì bác sĩ mới ghi chép chi tiết hơn. Trước lý do đó của phòng khám, đoàn đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ 10 bộ hồ sơ bệnh của 1 trước đó (ngày 26-4 – PV). Tuy nhiên, phòng khám đã mất nhiều thời gian để tìm và đưa ra những tư liệu được yêu cầu. Kết quả cho thấy toàn bộ 10 hồ sơ bệnh án cũng chỉ ghi họ tên của bệnh nhân, không có địa chỉ; thiếu thông tin chung về khám ban đầu, lý do và những triệu chứng đến khám bệnh... Nghiêm trọng hơn là không có chỉ dẫn hoặc thông tin phác đồ điều trị.
Bức xúc trước thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế TPHCM giám sát chặt, xử lý vi phạm tại phòng khám này và tuyệt đối yêu cầu phòng khám chỉ được thực hiện các kỹ thuật Sở đã phê duyệt, không thực hiện quảng cáo các dịch vụ kỹ thuật không được phép.
Chiều cùng ngày, sau buổi kiểm tra các phòng khám tư nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về công tác quản lý y tế trên địa bàn. Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong năm 2016 Sở Y tế đã thanh tra 8.622 cơ sở, trong đó có 790 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt lên đến gần 10 tỷ đồng. Tiến hành kiểm tra 143 phòng khám đa khoa, phát hiện 24 cơ sở vi phạm hành chính, tước giấy phép hoạt động 4 cơ sở. Triển khai kiểm tra 14 phòng khám có yếu tố nước ngoài thì cả 14 cơ sở vi phạm trong đó có 2 cơ sở bị tước giấy phép hoạt động. Trong 4 tháng đầu năm 2017, ngành y tế TPHCM đã tiến hành 35 cơ sở, trong đó có 34 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, ngành y tế TPHCM cũng đánh giá, hoạt động của các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh nước ngoài hiện còn nhiều sai phạm. Việc chấp hành pháp luật một bộ phận người hành nghề, các doanh nghiệp chưa nghiêm. Cá biệt có những cơ sở đã bị xử lý phạt tiền nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Thậm chí có cơ sở đang trong thời gian đình chỉ hoạt động nhưng không chấp hành mà vẫn lén lút hoạt động, thông qua việc quảng cáo trên internet và giao dịch với bệnh nhân thông qua mạng xã hội. Ngoài ra, có trường hợp người nước ngoài hoạt động khám chữa bệnh nhưng không đăng ký, sử dụng người phiên dịch không đúng với nhân sự đã đăng ký đã được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép. Có cơ sở khám chữa bệnh không có người phiên dịch có văn bằng chuyên môn về y tế hoặc bằng chuyên môn được làm giả. Khi đoàn kiểm tra đến, có cơ sở sử dụng bác sĩ Trung Quốc nhưng không hợp tác với đoàn mà né tránh, trốn khỏi phòng khám…
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính đến nay trên địa bàn TP có 47 bệnh viện tư nhân trong đó có 21 bệnh viện đa khoa và 26 bệnh viện chuyên khoa; 196 phòng khám đa khoa tư nhân trong đó có 21 phòng khám đa khoa có liên quan đến yếu tố nước ngoài 12 phòng khám đa khoa đăng ký người hành nghề với quốc tịch Trung Quốc, 9 phòng khám đa khoa đăng ký người hành nghề với các quốc tịch như: Argentina, Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Israel, Philippine, Anh, Ucraina,…). (Tiền phong, trang 2; Thanh niên, trang 8; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Cẩn trọng tiêm hormon ức chế dậy thì sớm
Dậy thì sớm ở trẻ đang là vấn đề được quan tâm khi trẻ hiện có nhiều dấu hiệu của dậy thì sớm. Trên mạng xã hội xuất hiện không ít thông tin cảnh báo và đưa ra lời khuyên hãy đưa trẻ đi tiêm hormon kìm hãm dậy thì sớm, nhằm giúp trẻ phát triển đúng độ tuổi của mình.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), dậy thì sớm xuất hiện ở bé gái trước 8 tuổi và ở bé trai trước 10 tuổi và chia ra làm hai loại là dậy thì giả và dậy thì thật. Trẻ dậy thì giả sẽ có những biểu hiện bên ngoài như đang dậy thì thật, đối với bé gái thì ngực phát triển to, có lông vùng kín nhưng tử cung lại không phát triển, không rụng trứng và không có kinh; đối với bé trai thì mọc lông bộ phận sinh dục, tinh hoàn phát triển nhưng không sản xuất được tinh trùng. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng dậy thì giả ở trẻ. Như u não, viêm não gây nên những tác động từ não xuống các vùng tiết ra hoóc-môn kích thích sự phát triển của các bộ phận như buồng trứng, tinh hoàn. Một loại nữa là các bệnh ở thận, thượng thận cũng tiết ra hoóc-môn nên cũng có thể sinh ra biểu hiện dậy thì”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng đưa ra lời khuyên, nếu trẻ có biểu hiện dậy thì sớm thì nên đưa đi khám để biết được nguyên nhân. Nếu là dậy thì giả từ những bệnh lý như u não, u thượng thận thì phải chữa trị ngay. “Đối với trẻ dậy thì sớm thật thì nó chỉ ảnh hưởng đến tâm lý là phần nhiều nên cha mẹ nên có sự hướng dẫn và dạy dỗ để trẻ hiểu rõ. Ngoài ra, nó cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể vì có thể hoóc-môn tăng trưởng sản xuất không kịp, làm trẻ lùn vì các đầu xương đã đóng kín sớm, nếu vào bệnh viện thì sẽ có thuốc can thiệp để giảm quá trình dậy thì, giúp trẻ lớn đạt mức”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
TS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho rằng, hiện nay trẻ (cả nam và nữ) tuổi dậy thì sớm bắt đầu sớm hơn so với trước kia. “Hiện nay đối với nữ, các dấu hiệu dậy thì thường bắt đầu từ 8 tuổi, còn nam là 9 tuổi. Như vậy, nếu xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước độ tuổi đó sẽ được coi là dậy thì sớm. Ngược lại, nếu nữ sau 13 tuổi, nam sau 14 tuổi mà chưa dậy thì thì sẽ được coi là muộn”, TS Thảo cho hay.
Theo đó, dấu hiệu dậy thì ở nữ thường xuất hiện các biểu hiện như vùng tuyến vú phát triển, bắt đầu có lông mu, thay đổi tâm lý… còn nam thường là vỡ tiếng, dương vật phát triển, xuất hiện ria mép, trứng cá, lông mu…
Ngoài ra, vấn đề mà các bậc phụ huynh thường hay lo lắng nhất, đó chính là sự phát triển vượt trội ở tuyến vú đối với các bé gái nên hốt hoảng cho đi khám. Đối với trường hợp này, TS Thảo cho rằng: “Kể cả đối với trẻ có tuyến vú phát triển trước 8 tuổi nhưng khi đi khám tuổi xương vẫn bình thường, tử cung, lông mu không phát triển thì đó không được coi là dậy thì sớm”.
Tiêm hormon phải theo chỉ định bác sĩ
TS Bùi Phương Thảo cho rằng, việc tiêm hormon ức chế dậy thì phải được chỉ định cũng như theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa. Có một số trường hợp, dù các bác sĩ nội tiết đã hướng dẫn và tư vấn không cần thiết phải tiêm hormon ức chế dậy thì, nhưng gia đình vẫn tự ý ra ngoài tiêm thuốc ức chế dậy thì với hy vọng sau này chiều cao của con sẽ tăng lên. Việc dùng hormon ức chế dậy thì không đúng chỉ định sẽ làm cho trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ. Theo bác sĩ Thảo, những trẻ có dậy thì sớm (nữ dưới 6 tuổi và nam trước 9 tuổi) thì nên tiêm hormon để ức chế dậy thì. Còn những trường hợp nữ dậy thì sớm từ 6 đến 8 tuổi, hoặc trên 8 tuổi thì tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ giải thích cho gia đình và bệnh nhân.
Bác sĩ Thảo phân tích: “Với bé gái dưới 6 tuổi đã dậy thì, khi tiêm hormon làm kìm hãm dậy thì sớm sẽ có hai cái lợi. Về ngắn hạn, sẽ giúp ức chế phát triển các đặc tính sinh dục phụ như: kìm hãm sự phát triển của tuyến vú, lông mu, khả năng có kinh nguyệt… từ đó giúp trẻ tập trung vào việc học, hòa đồng cùng bạn bè, tránh bị xâm hại tình dục. Về lâu dài việc tiêm hormon sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao sau này. Bởi, nếu không tiêm hormon thì xương bị ảnh hưởng, trực tiếp ở đây là tuổi xương phát triển trước tuổi thực”. Còn đối với những trường hợp 6-8 tuổi, hoặc trên 8 tuổi, TS Thảo cho rằng, điều trị ức chế dậy thì không phải là nhất thiết. Nếu điều trị thì chỉ có thể giúp giải quyết được những vấn đề ngắn hạn như kìm hãm sự phát triển đặc tính sinh dục phụ, làm chậm thời gian phát triển tuyến vú, lông mu, còn về mặt cải thiện chiều cao thì không còn nhiều, thậm chí không có.
Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm ngày càng gia tăng, TS Thảo cho rằng, ngoài nguyên nhân tổn thương thần kinh trung ương gây dậy thì sớm, còn có các yếu tố khác như: môi trường, dinh dưỡng, lối sống… sẽ khiến trẻ dậy thì sớm hơn. Theo đó, trẻ thừa cân béo phì hay những trẻ tiếp cận với thông tin, internet, mạng xã hội từ khi còn nhỏ cũng là nguyên nhân thúc đẩy dậy thì sớm. (Tiền phong, trang 6).
14 tỷ đồng thuốc đặc trị hết date do “qui trình trời ơi”!
Gần 20 ngàn viên thuốc tài trợ chữa bệnh ung thư phải tiêu huỷ vì hết date trong khi người bệnh …nằm mơ cũng không dám mơ có được, chung qui cũng bởi hai chữ: "qui trình". Một qui trình...mất thời gian!. Hết date thì phải đổ bỏ, trách nhiệm ở khâu nào, tới đâu, sẽ làm rõ tới đó! Chỉ còn lại, nỗi cay đắng cho bệnh nhân, có thuốc mà chẳng được dùng!
Trong kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP về việc kiểm tra công tác “thực hành tiết kiệm chống lãng phí” tại các bệnh viện (BV) công, mới được công bố cho thấy, cả ba BV: Bệnh viện Truyền Máu và Huyết học TP Hồ Chí Minh, BV Ung bướu, và BV Phạm Ngọc Thạch đều có những sai phạm cần chấn chỉnh. Nhưng trong đó nổi bật lên là việc tại BV Truyền Máu và Huyết học TP Hồ Chí Minh có đến 19.997 viên Tasigna 200mg thuốc đặc trị ung thư, đã hết hạn sử dụng từ tháng 5-2015 với tổng trị giá là 13.998.639.889 đồng (theo đơn giá tháng 8/2015 là 700.037 đồng/viên- tư liệu thanh tra). Đây là số thuốc được viện trợ dưới hình thức viện trợ phi dự án bằng thuốc điều trị bệnh Bạch cầu mãn dòng tuỷ (CML). Được biết, theo chương trình, 3 bên gồm BV Truyền máu và huyết học TP, Tổ chức The Max Foundation-Mỹ, Công ty Novartis Pharma Services AG-Thuỵ Sỹ lập biên bản ghi nhớ Chương trình hỗ trợ bệnh nhân VN dùng thuốc theo thoả thuận tài trợ. The Max là tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ bệnh nhân sống chung với căn bệnh ung thư máu và ung thư hiếm từ các nơi trên Thế giới. Với vai trò là thẩm định hồ sơ bệnh nhân đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chương trình. BV chịu trách nhiệm làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để được phê duyệt nhập khẩu hàng hoá này vào Việt Nam viện trợ miễn thuế. Phối hợp với The Max và Novartist tại Việt Nam trong việc chỉ định nguồn lực, thực hiện và quản lý các chương trình viện trợ.
Tuy nhiên, cội nguồn của việc thuốc quí giá mà bị hết date, theo phía BV cung cấp cho đoàn Thanh kiểm tra, thì trước 6 tháng, Khoa Dược căn cứ vào số lượng bệnh nhân hiện tại và số dự kiến tăng lên mỗi tháng để lập dự trù số thuốc sử dụng trong 1 năm và gửi cho Công ty Novartis. Khi SX xong số thuốc yêu cầu, công ty gửi thư hiến tặng thuốc cho BV; theo đó BV có văn bản trình lên Sở y tế cho tiếp nhận lô thuốc, nếu được UBND và Sở kết luận cho phép thì BV lập thủ tục Hải quan để nhận thuốc. Khoa Dược có trách nhiệm nhập thuốc về kho đúng qui định và để lưu trữ hay sử dụng, bác sĩ cũng căn cứ vào hồ sơ bệnh án kết quả xét nghiệm của bệnh nhân mà đưa thuốc về kho hoặc cấp phát cho các khoa.
Về phía nhà viện trợ, ngay khi sản xuất xong thuốc đã có thư hiến tặng thuốc và phía BV nhận được vào ngày 15-7-2013. Nhưng quy trình để nhập thuốc về đến BV mất quá nhiều thời gian. Cụ thể ngày 27-8-2013, BV gửi dự trù thuốc dùng trong 6 tháng đầu năm 2014 cho Cty Novartis Việt Nam. Ngày 28-11-2013, BV có văn bản gửi Cục Quản lý dược xin được tiếp nhận thuốc viện trợ. Ngày 27-12-2013 Cục quản lý dược ban hành giấy phép lưu hành cho lô thuốc Tasigna của công ty Novartis Pharma service AG Thuỵ Sĩ có hạn dùng 24 tháng (thực tế lô hàng này sản xuất khoảng tháng 5-2013 và đến lúc này đã hết 7 tháng hạn sử dụng). Nhưng dù sao thì dự trù của BV là cho 6 tháng đầu năm 2014 nên nguyên nhân chính được xác định là từ sau giai đoạn này.
Ngày 30-12-2013, BV có văn bản gửi Sở Y tế xin chấp nhận cho BV thực hiện chương trình thuốc Tasigna (Vitanoa). Đến ngày 10-3-2014, Sở Y tế có văn bản gửi UBND thành phố và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP HCM xin chấp nhận cho BV tiếp nhận lô hàng trên. Ngày 24-6-2014, UBND TP có quyết định phê duyệt việc tiếp nhận lô hàng viện trợ. Đến ngày 14-7-2014, Cục Quản lý dược có văn bản đồng ý để BV tiếp nhận lô hàng thuốc trên.
Đến lúc này, chính thức kế hoạch sử dụng thuốc 6 tháng đầu năm 2014 đã “phá sản”, nhưng thuốc vẫn chưa thể về kho BV vì Hải quan lại “viện dẫn” Thông tư số 47/2010/TT-BYT ngày 29-12-2010 của Bộ Y tế để không cho BV tiếp nhận thuốc: “…thuốc viện trợ nhân đạo có hạn dùng bằng hoặc dưới 24 tháng thời hạn dùng còn phải tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày tới cảng VN”. BV lại lại phải viện dẫn Điều 7, Thông tư số 45/2011/TT-BYT về việc: sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2010/TT-BYT ngày 29-12-2010: “….Trường hợp thuốc có hạn dùng 24 tháng thì hạn dùng còn lại từ ngày đến cảng VN tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc”. Và đến lúc này, lô hàng mới được thông quan và về kho BV vào ngày 13-8-2014.
Thế nhưng, cũng trong tháng 8-2015, Sở Y tế lại buộc phải có văn bản đồng ý cho BV huỷ bỏ 19.997 viên thuốc Tagisna 200 mg, tuy nhiên đến thời điểm Thanh tra TP làm việc, BV vẫn còn chưa tiến hành huỷ 19. 997 viên thuốc trên?.
Gần 20 ngàn viên thuốc có giá trị gần 14 tỷ đồng hết date đã là thông tin bất ngờ về việc cần thiết của thuốc với bệnh nhân. Thế nhưng, còn bất ngờ hơn cả đó là ở một “qui trình” chuyển thuốc về tới tay người bệnh. Từ tháng 11-2013 đến tháng 8/2014, tức là đã mất hơn một năm trong khi đó Tasigna 200mg là loại thuốc có hạn sử dụng là 24 tháng. Viên thuốc có giá hơn 700 ngàn đồng/ viên mà phải tiêu huỷ, không ai đau xót hơn chính là những bệnh nhân bị bệnh Bạch cầu tuỷ mạn. Bởi liều dùng với họ là 3-4 viên/ngày.
Nếu không nằm trong chương trình miễn phí hoặc không có BHYT chi trả, họ sẽ phải trả từ 2-3 triệu/ngày. Với người bệnh ung thư, buộc phải tuân thủ điều trị thì thuốc với họ còn được quí hơn vàng. Tuy so với tổng giá trị viện trợ của chương trình (gần 809 tỷ) thì con số 14 tỷ chưa phải là lớn, nhưng nếu so với giá trị kinh tế của một gia đình bệnh nhân thì sự hỗ trợ ấy quí giá biết nhường nào! Còn nếu tính, số tiền đó để trả lương cho một công chức thì tính ra, đủ cho khoảng 4-5 Chuyên viên làm … cả đời, kể từ khi nhận việc cho đến khi …về hưu.
Từ những kết quả trên, Thanh tra TP HCM đề nghị Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan tới việc làm chậm trễ thủ tục phê duyệt số thuốc trên, đồng thời tiến hành rà soát, báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng với các khoản tài trợ, viện trợ bằng tiền, bằng hiện vật còn kết dư hoặc không có nhu cầu sử dụng tại các BV công và trong toàn ngành y tế trong việc tiếp nhận, xử lý hàng viện trợ.
Theo kết quả của đoàn Thanh tra thành phố báo cáo UBND TP HCM, từ năm 2014-2015, BV Truyền Máu và Huyết học TP Hồ Chí Minh đã nhận hàng hoá viện trợ phi chính phủ từ công ty Novartis Pharma Service AG Thuỵ Sĩ bằng 2 loại thuốc Tasigna và Glivec tổng giá trị thuốc viện trợ năm 2014 là 287.420.413.079 đồng, năm 2015 là 521.444.293.875 đồng.
Qua kiểm tra chứng từ nhập khẩu và kho, ghi nhận, năm 2014 BV nhập kho 34.608 viên Tasigna 200mg và 604.320 viên Glivec 100mg. Năm 2015, BV nhập 90.944 viên Tasigna 200 mg và 984.000 viên Glivec 100 mg. (Công an nhân dân (trang 7).
Dừng thanh toán bảo hiểm y tế với thuốc kháng sinh do bệnh viện hiểu sai
Về việc một số bệnh viện vừa đột ngột dừng thanh toán nhiều loại thuốc BHYT, Bộ Y tế cho biết sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét từng trường hợp cụ thể để không ảnh hưởng tới bệnh nhân ... (An ninh Thủ đô, trang 6).
Một BV nhận làm chân giả cho bé bị cắt chân oan uổng
“Nếu em Trần Trúc Giang (16 tuổi, ở Đồng Tháp) có nhu cầu làm chân giả thì BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM sẽ thực hiện”. Sáng 26-4, BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, cho biết thông tin trên.
Theo BS Ánh, bệnh viện hiện đang áp dụng kỹ thuật làm chân giả thế hệ mới nên giúp người mang chân giả di chuyển dễ dàng, không đau. “BV cũng đã làm chân giả cho một số trường hợp như em Giang và tất cả đều hài lòng” - BS Ánh cho biết thêm.
Trước đó, ngày 11-4, Giang được đưa vào BV Đa khoa huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) điều trị với chẩn đoán trật khớp gối, theo dõi chèn ép động mạch khoeo chân phải do té xe. Bác sĩ tại bệnh viện này đã tiến hành nẹp cổ chân cho Giang.
Do quá đau nhức nên hôm sau (12-4) Giang được chuyển tới BV Đa khoa tỉnh Đồng Tháp rồi tiếp tục được chuyển lên BV Chợ Rẫy (TP.HCM). Do hoại tử bàn chân phải, tắc động mạch khoeo phải, trật khớp gối phải nên BV Chợ Rẫy phải cắt chân Giang.
Hiện tại, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đang chờ kết luận chính thức của hội đồng chuyên môn và sẽ kiểm điểm trách nhiệm của những cá nhân liên quan.
Được biết do hoàn cảnh khó khăn nên Giang nghỉ học, đi làm phụ giúp cha mẹ. Sau tai nạn, Giang mong được hỗ trợ lắp chân giả để tự đi lại và kiếm sống. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).
Bổ nhiệm Giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ
Chiều ngày 27/4/2017, Thứ trưởng BYT Nguyễn Viết Tiến đã công bố quyết định của Bộ trưởng BYT về việc bổ nhiệm Giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ. Theo đó, ông Nguyễn Minh Vũ, BSCKII, Phó Giám đốc BV BVĐK Trung ương Cần Thơ giữ chức vụ Giám đốc BV . Thời gian giữ chức vụ là 5 năm, kể từ ngày 1/5/2017. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).