Tránh "bẫy nghèo" do tăng viện phí
Từ ngày 1.6, giá các dịch vụ y tế đối với người chưa tham gia bảo hiểm y tế sẽ tăng, nên làm tăng gánh nặng tài chính với người tự chi trả khi khám chữa bệnh. Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết:
Lộ trình giá dịch vụ công trong đó có giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP, cụ thể: đến năm 2016, giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018, giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020, giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Giá dịch vụ KCB áp dụng cho đối tượng chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng như người có thẻ BHYT đều thực hiện theo lộ trình trên.
Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02). So với lộ trình quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP thì giá dịch vụ áp dụng cho người chưa có thẻ BHYT đang bị chậm.
Thông tư 02 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2017 nhưng không phải là đến ngày 1.6.2017 tất cả các bệnh viện (BV) trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này, mà Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các BV thuộc Bộ Y tế, BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc các bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các BV thuộc địa phương quản lý và các BV do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng 2 trở xuống.
Thời điểm thực hiện tại mỗi đơn vị, địa phương sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự quyết định của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, Thông tư 02 có quy định đến hết 2017 phải thực hiện mức giá này trên cả nước. Trước mắt, từ 1.6 tới, khoảng 50 BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành sẽ điều chỉnh tăng.
Mức tăng giá dịch vụ được tính như thế nào? Ước tăng khoảng bao nhiêu phần trăm so với giá hiện đang áp dụng?
Theo ước tính của chúng tôi, so với giá dịch vụ KCB hiện đang áp dụng cho người không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT khi tăng từ 1.6 có tính thêm chi phí tiền lương (bao gồm cả phụ cấp đặc thù theo Quyết định 73/QĐ-TTg). Mức tăng so với hiện tại khoảng 50%. Nhưng đây chỉ là mức tăng về giá dịch vụ y tế không phải tăng tổng chi phí cho KCB (bởi vì trong tổng chi phí KCB thì tiền thuốc, máu dịch truyền chiếm khoảng 60 - 70%). Do đó, sau khi tăng giá dịch vụ y tế thì tổng chi phí khi KCB với người tự chi trả ước tăng trung bình khoảng 10%.Thưa ông, có khoảng bao nhiêu người sẽ chịu tác động của tăng giá dịch vụ y tế từ 1.6 tới?
Hiện nay đã có 81,7% dân số với gần 76 triệu người đã có thẻ BHYT. Như vậy, chỉ còn khoảng 18% dân số chưa tham gia BHYT sẽ chịu tác động của thông tư này.
Bộ Y tế có nói đến vấn đề: tiền túi của người dân chi cho viện phí làm tăng nguy cơ “Bẫy nghèo do chi phí y tế”, “chi trả chi phí y tế ở mức thảm họa”. Ông nhận xét về vấn đề này, tỷ lệ tiền túi chi cho y tế hiện là bao nhiêu, đã được cải thiện như thế nào trong các năm qua?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN đánh giá thì chi phí cho y tế từ tiền túi người dân hiện chiếm 39,5% chi phí của mỗi gia đình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân không tham gia BHYT. Chúng ta không có quy định về tỷ lệ tiền túi như thế nào thì ở mức an toàn không bị “bẫy nghèo” nhưng theo khuyến cáo của WHO, nếu tỷ lệ này ở mức dưới 30% thì sẽ đạt mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Các giải pháp được thực hiện như thế nào để giảm thiểu số người có thể nghèo hóa hoặc rơi vào tình huống chi trả “chi phí y tế ở mức thảm họa”?
Giải pháp chính để giảm thiểu số người có thể nghèo hóa hoặc rơi vào tình huống chi trả chi phí y tế ở mức thảm họa là tham gia BHYT. Thời gian vừa qua, việc thực hiện đối với người chưa có thẻ BHYT chậm hơn, nhằm để họ có thêm một khoảng thời gian cân nhắc thấy được tính nhân văn, lợi ích của BHYT để tham gia BHYT. Vì vậy, việc ban hành Thông tư 02 cũng nhằm mục tiêu để mọi người dân thấy được cần phải tham gia BHYT để đề phòng không may ốm đau sẽ được Quỹ BHYT chi trả, hạn chế chi trả từ tiền túi khi KCB.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng đã thực hiện một số giải pháp như: nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người cận nghèo (hiện nay Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tối thiểu 70%, nếu các địa phương có khả năng ngân sách thì có thể hỗ trợ tới 100%); nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50 - 70% (hiện nay Nghị định 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tối thiểu 30%, nếu các địa phương có khả năng ngân sách thì có thể hỗ trợ thêm để khuyến khích người dân tham gia BHYT); khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các bộ/ngành báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách y tế của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo, phấn đấu đạt 100% số người cận nghèo tham gia BHYT...
Bác sĩ chưa “mặn” với thuốc bình ổn giá
Ngày 27.5, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có báo cáo tổng kết chương trình bình ổn giá thuốc năm 2016 -2017 và kế hoạch triển khai bình ổn giá thuốc năm 2017 - 2018. Theo đó, năm 2016 - 2017, tại TP có 14 doanh nghiệp (DN) dược tham gia chương trình bình ổn giá thuốc, cung cấp 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước với 176 hoạt chất, 563 mặt hàng (tăng 12 mặt hàng so với năm 2015 - 2016). Thuốc trong chương trình đảm bảo điều trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều. Tổng số nhà thuốc tham gia bán thuốc bình ổn giá lên 4.016 điểm bán, trong đó có 3.252 nhà thuốc tư nhân, 120 nhà thuốc bệnh viện và 643 nhà thuốc - đại lý thuốc thuộc DN. Số điểm bán thuốc đã chiếm khoảng 80% số điểm bán thuốc lẻ trên địa bàn TP. Giá bán thuốc bình ổn thấp hơn giá thị trường ít nhất 5 -10%. Doanh thu của các công ty cũng đạt hơn 78 tỉ đồng, đứng nhóm đầu là Công ty TNHH liên doanh Stada - VN, Công ty cổ phần Pymepharco.
Mặc dù đã có kết quả tích cực từ chương trình, nhưng theo đánh giá của Sở Y tế TP thì còn một số bác sĩ điều trị chưa thật sự quan tâm đến việc kê đơn thuốc bình ổn giá trong điều trị. Một số nhà thuốc còn chưa chủ động trong việc lấy đầy đủ thuốc bình ổn và giới thiệu thuốc bình ổn cho người dân sử dụng. Doanh số bán được còn thấp so với nhu cầu thuốc nội vì danh mục thuốc bình ổn chưa có nhiều các thuốc chuyên khoa đặc trị. Một số DN dược tham gia chương trình bình ổn ngay từ những ngày đầu chương trình (năm 2011), thì nay đã được sở hữu và điều hành bởi các DN nước ngoài, mà một số DN nước ngoài không “mặn mà” với chương trình.
Từ thực tế đó, lãnh đạo Sở Y tế TP đặt ra kế hoạch năm 2017 - 2018: Ngoài tăng thêm DN sản xuất thuốc tham gia chương trình thì Sở sẽ tăng cường chỉ đạo, nhắc nhở các bác sĩ điều trị trong việc kê đơn thuốc sản xuất trong nước, thuốc bình ổn cho bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú; duy trì việc đưa nội dung kê đơn sử dụng thuốc nội vào công tác thi đua, khen thưởng của các BV. Thứ đến là nâng cao năng lực của các DN tham gia chương trình, động viên DN tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ bào chế, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng chủng loại thuốc, phong phú về mẫu mã, phát triển mạnh hệ thống phân phối, giao hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu dùng thuốc của người dân trên địa bàn TP. (Thanh niên (trang 6).
Cẩn trọng với những dấu hiệu bất thường để tránh tử vong do sốt xuất huyết
Khi bị sốt xuất huyết, nhiều người cho rằng, chỉ cần hết sốt là khỏi bệnh. Thế nhưng, thực tế thì đa phần các ca tử vong lại xuất hiện sau khi cơ thể đã hạ nhiệt.
Khi hạ sốt, đừng chủ quan
Dù không phải là tháng cao điểm của sốt xuất huyết, thế nhưng, mới đây, tại Hà Nội, một sinh viên Học viện Ngân hàng đã tử vong vì căn bệnh này. Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nguyên nhân là bệnh nhân bị sốc dengue (sốc do sốt xuất huyết). Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, sốc dengue thường xảy ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh.
Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm khi bị sốt xuất huyết, ngay khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, chúng ta cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám. Việc truyền dịch tại nhà hay các phòng khám tư nhân cũng cần tuyệt đối tránh vì có thể gây tử vong tại chỗ.
Đây là giai đoạn sốt đã hạ nhiệt và mọi người thường cho rằng như thế là đã khỏi bệnh nên chủ quan trong việc chữa trị. Thế nhưng, thực tế đó lại là thời kỳ nguy hiểm nhất. Ở thời kỳ này, cơ thể người bệnh có thể phục hồi nếu được chăm sóc tốt, song cũng có thể diễn tiến xấu với các biểu hiện như: mệt lả, buồn nôn, đau tức vùng gan, đau bụng, tiểu ít… Nếu không được cấp cứu kịp thời, nó có thể gây suy đa phủ tạng, và thậm chí là tử vong chỉ sau vài tiếng đồng hồ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, sốc do sốt xuất huyết thường xảy ra nhiều hơn ở người già và trẻ nhỏ vì đây là đối tượng có sức đề kháng yếu, thế nhưng, nếu lơ là với bệnh, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Vì vậy, khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường như: sốt cao, có những ban đỏ ngoài da, đau các khớp, các hốc mắt, đi ngoài phân đen… thì bạn cần cảnh giác.
Dễ nhầm lẫn với bệnh khác
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận trên 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Trường hợp nữ sinh trên là ca tử vong đầu tiên của thành phố trong năm và cũng là cảnh báo trong việc phòng chống sốt xuất huyết. Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết không phải là bệnh nặng và hoàn toàn có thể điều trị khỏi ngay từ giai đoạn đầu. Thế nhưng, biểu hiện bệnh thường không đặc thù nên dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, từ đó khiến người bệnh chủ quan.
Xét về mặt cảm quan, cả hai loại sốt này đều gây sốt cao, mắt đỏ, mệt mỏi, chán ăn… Tuy nhiên, sốt xuất huyết thường khó hạ nhiệt dù đã dùng thuốc hạ sốt. Trong khi đó, sốt phát ban thì đáp ứng tốt với thuốc. Ngoài ra, sốt xuất huyết thường kèm theo chảy máu chân răng, tay chân lạnh. Đặc biệt, nếu dùng tay căng phần da có chấm đỏ, nếu ban đỏ mất đi và xuất hiện lại sau khi buông tay thì đó là sốt phát ban. Ngược lại, nếu những ban đỏ này vẫn còn thì đó là sốt xuất huyết.
Về lý thuyết, sự khác biệt trên có thể dễ dàng nhận biết, thế nhưng, chúng ta không nên chủ quan. Do đó, sau 2 ngày nếu thấy các triệu chứng sốt vẫn kéo dài, cơ thể lại mệt mỏi, li bì thì cần đến bệnh viện để thăm khám ngay. Khi bị sốt, cho dù do bất cứ nguyên nhân nào thì người bệnh cũng cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
Để tăng sức đề kháng, bạn cần tăng cường các loại nước chanh, cam… vì nó có chứa nhiều vitamin C, có tác dụng hỗ trợ tốt cho hệ miễn dịch. Thêm vào đó, để tránh mất nước do sốt, bạn cần uống nhiều nước và bổ sung thêm các loại dung dịch bù nước như: oresol, hydrid… Đặc biệt, với sốt xuất huyết, việc uống nước càng cần được chú trọng hơn vì bệnh này thường khiến máu bị cô đặc, khó lưu thông, dễ dẫn đến sốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng bệnh vẫn là quan trọng nhất. Do đó, nếu phát hiện người nhà bị bệnh thì cần cách ly, tránh mầm bệnh lây lan. Đối với khu vực đã có những trường hợp mắc bệnh thì cần hạn chế tiếp xúc. Ngoài ra, để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm ngay khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, chúng ta cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám. Việc truyền dịch tại nhà hay các phòng khám tư nhân cũng cần tuyệt đối tránh vì có thể gây tử vong tại chỗ.
“Sốc dengue (sốc do sốt xuất huyết) thường xảy ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh. Đây là giai đoạn sốt đã hạ nhiệt và mọi người thường cho rằng như thế là đã khỏi bệnh nên chủ quan trong việc chữa trị. Thế nhưng, thực tế đó lại là thời kỳ nguy hiểm nhất”.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, (Bệnh viện Nhi Trung ương) (An ninh Thủ đô (trang 8).
Phòng tránh 2 dịch bệnh bùng phát vào mùa hè
Thời tiết mùa hè nóng nực là điều kiện rất thuận lợi cho một số vi khuẩn sinh sôi mạnh mẽ và dễ lây lan, bùng phát thành dịch. Dưới đây là 2 loại bệnh dịch phổ biến nhất vào đầu mùa hè này:
Đau mắt đỏ
Mùa hè là thời điểm dịch đau mắt đỏ thường xuất hiện và lây lan rất nhanh. Đặc biệt, trước tình hình thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay thì dịch đau mắt đỏ rất có khả năng bùng phát trở lại.
Do đó, để chủ động phòng bệnh bạn cần tuân thủ một số điều sau: Mang kính khi đi ra đường để hạn chế không khí ô nhiễm, vi khuẩn, virus bệnh tấn công; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, không đưa tay lên dụi mắt; Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác đặc biệt là mắt kính, khẩu trang, thuốc nhỏ mắt; Thường xuyên vệ sinh mắt, mũi, họng bằng các loại thuốc nhỏ chuyên dụng; Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.
Bệnh đường ruột, tiêu chảy
Vi khuẩn gây các bệnh đường ruột, tiêu chảy xâm nhập vào cơ thể nhiều nhất qua đường thức ăn, nước uống hay tay bẩn. Đây là căn bệnh dễ mắc phải và rất nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Để phòng tránh bệnh hiệu quả, cần thực hiện đúng theo các điều sau: Ăn chín, uống sôi, đậy kỹ đồ ăn thức uống, không nên ăn thức ăn để quá lâu; Khi ăn thức ăn ngoài đường phố nên chọn nơi đảm bảo vệ sinh; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Đặc biệt chú ý lau dọn nhà bếp, nhà vệ sinh thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. (An ninh Thủ đô (trang 8):
Đẩy mạnh phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng
Thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) rất khó phát hiện và được coi là "nạn đói tiềm ẩn". Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thể lực, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn; cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em.
Tại Việt Nam, tuy đã giảm đáng kể tỷ lệ thiếu VCDD nhưng tình trạng thiếu VCDD hiện vẫn còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng và có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền trong cả nước. Nguyên nhân do chế độ ăn của người dân không đáp ứng đủ nhu cầu VCDD của cơ thể. Thiếu VCDD có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng… ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Một số bệnh thiếu VCDD đã được ghi nhận như: thiếu vi-ta-min A,B1,D,C,K,B12, a-xít pho-lich và các khoáng chất như i-ốt, sắt, kẽm, măng-gan, xê-len…
Thống kê cho thấy, tỷ lệ thiếu vi-ta-min A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới năm tuổi ở nước ta hiện ở mức 13%, có sự chênh lệch giữa các vùng; thậm chí một số địa phương miền núi, tỷ lệ này lên tới 16,1%. Theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015 cho thấy 32,8% số phụ nữ có thai, 25,5% số phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, 27,8% số trẻ em dưới năm tuổi bị thiếu máu, tỷ lệ thiếu máu có xu hướng giảm nhưng giảm ở mức chậm. Tình trạng thiếu kẽm là rất cao khi có tới 80,3% số phụ nữ có thai, 63,6% số phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và 69,4% số trẻ em dưới năm tuổi bị thiếu kẽm ở mức nặng. Tình trạng thiếu vi-ta-min D rất phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và ở 21% đến 37% ở trẻ em, trong khi đó mức tiêu thụ vi-ta-min D và can-xi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng mới chỉ đạt 1% và dưới 43% nhu cầu khuyến nghị.
Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết T.Ư trong thời gian 2010 - 2015 cho thấy tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 đến 10 tuổi là 9,8%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%, mức trung vị i-ốt niệu là 8,4 mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu i-ốt mà nước ta đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8 đến 10 tuổi là dưới 5% và mức trung vị i-ốt niệu ≥ 10 mcg/dl; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hơn 90%.
Phòng, chống thiếu VCDD là một cuộc chiến bền bỉ nhằm nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân. Đây được coi là một trong sáu mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011 - 2020. Hàng loạt các giải pháp đang được tích cực triển khai như: Bổ sung VCDD cho các đối tượng có nguy cơ cao, là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu VCDD; tăng cường VCDD vào thực phẩm là giải pháp trung hạn; đa dạng hóa bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu VCDD một cách lâu dài và bền vững. Việc bổ sung VCDD cho các đối tượng có nguy cơ cao được thực hiện một năm hai lần, trong đó Ngày vi chất dinh dưỡng (1 và 2-6) được tổ chức đồng loạt tại hơn 11 nghìn trạm y tế trong cả nước với các hoạt động cho trẻ uống vi-ta-min A bổ sung kết hợp tẩy giun.
Tăng cường VCDD vào thực phẩm là chủ động đưa thêm vào một lượng nhất định một hoặc một số loại VCDD vào thực phẩm được nhiều người ăn nhất. Đây là biện pháp đơn giản, thuận tiện, hiệu quả dễ đạt được độ bao phủ cao và tính bền vững. Tăng cường vi chất vào thực phẩm đã áp dụng ở nhiều nước, được coi là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất, được các tổ chức: Y tế thế giới, Lương nông LHQ, Quỹ nhi đồng LHQ… khuyến nghị các nước áp dụng để thanh toán thiếu VCDD. Thực phẩm bắt buộc tăng cường VCDD như: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt; bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần như dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vi-ta-min A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp... Hiện đã có hơn 100 nước trên thế giới quy định bắt buộc tăng cường VCDD vào thực phẩm. Với khả năng của công nghiệp chế biến tập trung và hiện đại, việc tăng cường VCDD vào muối ăn, bột mì, dầu ăn, xì dầu không gây ra những thay đổi bất lợi về mầu sắc, mùi vị, thời gian sử dụng của thực phẩm.
Nhằm thực hiện hiệu quả giải pháp bổ sung VCDD vào thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường VCDD vào thực phẩm. Theo đó, bắt buộc thực hiện tăng cường bốn loại vi chất là: i-ốt, sắt, kẽm và vi-ta-min A vào những thực phẩm như muối ăn, bột mì và dầu thực vật. Sau hơn một năm thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm, nước tương, dầu ăn, bột nêm, muối ăn đã bắt đầu lựa chọn, bổ sung VCDD vào thực phẩm. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp chưa đồng thuận với lý do bổ sung vi chất vào thực phẩm làm ảnh hưởng tới cảm quan của sản phẩm và thời gian sử dụng sản phẩm ngắn, ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp... Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan yêu cầu các đơn vị sản xuất thực phẩm cần thực hiện nghiêm quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến nghị người dân nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng; khuyến khích sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu VCDD, lựa chọn các thực phẩm tăng VCDD; thực hiện cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu… (Nhân dân, trang 5).
Kiểm tra, báo cáo việc lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
Liên tiếp trong thời gian qua, báo chí phản ánh thông tin Kiểm toán Nhà nước phát hiện lãng phí trong việc mua sắm thiết bị khám, chữa bệnh. Cùng với đó là tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế đang diễn ra khá nhức nhối. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra thông tin báo nêu liên quan đến việc mua sắm thiết bị khám, chữa bệnh và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Trước ngày 15-6, Bộ Y tế phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung các báo đã đưa tin. Đồng thời, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.
Trước đó, báo cáo chuyên đề về công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 do Kiểm toán Nhà nước công bố ngay ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV cho thấy có hàng ngàn trang thiết bị y tế trị giá hàng trăm tỷ đồng phải “đắp chiếu”.
Còn về tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế, thông tin báo chí phản ánh cho thấy có gần 2.800 người có thẻ BHYT có tổng số lượt khám hơn 160.000 (bất kể ngày cuối tuần, lễ và tết). Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc phát hiện gần 200 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám chữa bệnh trở lên với số tiền trên 7,7 tỷ đồng. Cá biệt có trường hợp bệnh nhân đã đi khám 58 lần tại 15 cơ sở y tế, tổng chi phí hết hơn 30 triệu đồng, tính ra mỗi ngày khám 2-3 lần tại các cơ sở y tế được chẩn đoán và cấp thuốc điều trị các bệnh lý khác nhau như tăng huyết áp, bệnh hô hấp… (Sài gòn giải phóng, trang 7).
Cứu sống mẹ con sản phụ bị vỡ tử cung
Tối 27-5, Bệnh viện đa khoa khu vực Đinh Quán (Đồng Nai) cho biết vừa phẫu thuật cứu sống mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Hậu (35 tuổi, ngụ xã Cát Tiên, huyện Tân Phú) bị vỡ tử cung, thai nhi chui vào ổ bụng.
Trước đó, khoảng 10h cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận sản phụ Hậu (thai 39 tuần 3 ngày, con thứ 3) nhập viện trong tình trạng bị đau bụng dữ dội, mất nhiều máu.
Các bác sĩ phát hiện tim thai vẫn bình thường nhưng tử cung của sản phụ đã bị vỡ, tình trạng nguy kịch và chỉ định phẫu thuật khẩn cấp để cứu mẹ con.
Khi phẫu thuật, kíp mổ phát hiện thai nhi lọt ra ngoài tử cung và chui vào ổ bụng theo vết mổ cũ bị vỡ.
Các bác sĩ đã đưa thai nhi ra và hồi sức khẩn cấp để cứu bé. Sau đó, khâu tử cung bị vỡ, truyền máu và hồi sức tích cực giúp sản phụ qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Sông Cửu Long, phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, nhận định đây là một ca đặc biệt, do hai lần trước sinh mổ, khi mang thai lần 3, vết mổ căng và bị vỡ khiến thai nhi theo đó lọt vào ổ bụng. Trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng mẹ con sản phụ do mất máu.
Cũng theo bác sĩ Long, sau khi được phẫu thuật sản phụ đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn ổn định và có thể xuất viện trong khoảng 10 ngày tới (Thanh niên, trang 6).