Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/9/2022

  • |
T5g.org.vn - Bão lũ còn diễn biến khó lường, Bộ Y tế yêu cầu cung ứng đủ thuốc chữa bệnh, duy trì phòng chống dịch; Đa số trẻ nhiễm virus Adeno sẽ tự khỏi bệnh; Lập đường dây nóng hỗ trợ an ninh bệnh viện; ...

 

Bão lũ còn diễn biến khó lường, Bộ Y tế yêu cầu cung ứng đủ thuốc chữa bệnh, duy trì phòng chống dịch

Những tháng cuối năm 2022 thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta dồn dập trong tháng 10 và 11/ 2022. Bộ Y tế yêu cầu cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu, duy trì phòng chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết...
Ngày 26/9, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm 2022.

Theo Bộ Y tế trong những ngày qua tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn kéo dài, nhiều nơi xảy ra ngập lụt sâu, gây chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Nghệ An đã xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng.

Theo Trung tâm Dự báo khi tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 27 - 29/9 tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên có mưa to, có nơi mưa rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tinh miền núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp là rất cao.

Mặt khác, những tháng cuối năm 2022 thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta dồn dập trong tháng 10 và 11/ 2022.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai những tháng cuối năm 2022, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của địa phương, đơn vị, đặc biệt lưu ý lũ quét, ngập lụt tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ; Duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức phòng chống lụt, bão.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng cuối năm 2022; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ trong thiên tai, không để bị động, bất ngờ.

Chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn khi có tình huống;

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương căn cứ nhu cầu thực tế đề xuất với UBND tỉnh, thành có văn bản đề nghị gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hóa chất khử khuẩn (Chloramin B, Aquatabs) từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định.

Đồng thời tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất nhu cầu với Bộ Y tế nhu cầu bảo đảm y tế của địa phương (nếu có) (qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phỏng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế; ĐT: 0913431927 (đ/c Minh), Email: phongchongthientai@moh.gov.vn) (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Đa số trẻ nhiễm virus Adeno sẽ tự khỏi bệnh

BS. Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh do virus Adeno gây ra. Tuy nhiên, đa số bệnh sẽ tự hết, cách điều trị cũng như điều trị bệnh viêm hô hấp do virus".
Số ca mắc virus Adeno ngày càng tăng cao khiến phụ huynh không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con em lúc giao mùa. Tuy nhiên, theo chia sẻ của BS. Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), phụ huynh không cần quá lo lắng về virus Adeno và nguy cơ trẻ nhiễm phải virus Adeno.

Được biết, virus Adeno là loại virus hợp bào gây bệnh về hô hấp ở người đặc biệt rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Virus Adeno lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn, thời gian ủ bệnh khoảng 8 - 12 ngày. Khi nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng như sốt cao, ho, khó thở, thở khò khè, rối loạn tiêu hóa...

Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng: "Không nên so sánh tỷ lệ bệnh nhân nhiễm virus Adeno với 2 năm trước do 2 năm trước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số trẻ bị mắc bệnh hô hấp tương đối ít. Nếu muốn biết bệnh hô hấp tăng đột biến hay không thì nên so sánh với năm có số ca bệnh đông nhất của bệnh hô hấp theo mùa.

Cũng theo bác sĩ Khanh, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị virus Adeno, đa số bệnh nhân nhiễm bệnh đều có thể tự khỏi bệnh. Cách điều trị bệnh cũng giống như điều trị bệnh viêm hô hấp do virus gây ra. Chỉ nhập viện khi thực sự cần thiết để tránh xảy ra tình trạng bội nhiễm.

"Những trẻ mắc các bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh não, bệnh phổi mạn tính, hệ miễn dịch yếu, nhiễm vi trùng đặc biệt là vi trùng kháng thuốc rất dễ trở nặng khi nhiễm bệnh. Phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới nhóm trẻ này vì trẻ rất dễ mắc bệnh, khi nhiễm virus thì rất dễ trở nặng" - bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Cho tới nay, vẫn chưa có vaccine phòng virus Adeno vì virus này có rất nhiều chủng. Vậy nên, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là:

Rửa tay, khử khuẩn thường xuyên;

Cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ chất và ngủ đủ giấc để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ;

Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cần thiết;

Người lớn khi bị cảm nên đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với trẻ nhỏ để tránh trẻ bị nhiễm bệnh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).


Kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng từ sau đại dịch COVID-19

Tình trạng kháng kháng sinh trên toàn thế giới, nhất là tại Việt Nam ngày càng trầm trọng từ sau đại dịch COVID-19, gây áp lực lớn lên sức khỏe cộng đồng. Thông tin được đưa ra tại hội thảo "Kháng kháng sinh: Cơ hội và thách thức" diễn ra mới đây.
Theo các chuyên gia, ngoài gánh nặng tài chính từ việc điều trị kéo dài do kháng kháng sinh, chúng ta còn phải đối mặt với khả năng trong tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô.‏

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC Hoa Kỳ cho biết, trong năm đầu tiên của đại dịch, hơn 29.400 ca tử vong vì nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh. Trong số này, gần 40% bệnh nhân bị bội nhiễm kháng thuốc khi họ đang ở bệnh viện. ‏

‏Ở Việt Nam, một số cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh gây ra gánh nặng trong điều trị, đời sống kinh tế xã hội… Tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh ngày càng tăng sau đại dịch COVID-19.

Giải thích cho vấn đề này, TS. Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng phải thở máy, ECMO… dẫn đến tăng tình trạng bội nhiễm, phải dùng nhiều kháng sinh phối hợp, tăng số ca kháng thuốc. 

Để giảm thiểu gánh nặng do kháng kháng sinh mang lại, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đề xuất một số giải pháp hạn chế tình trạng kháng kháng sinh trong bệnh viện như tiếp tục triển khai các hoạt động đánh giá và giám sát tính kháng kháng sinh trên toàn bộ hệ thống các bệnh viện, mở thêm các lớp đào tạo, tập huấn phiên giải kết quả vi sinh cho các bệnh viện thuộc mạng lưới giám sát kháng kháng sinh…‏

Nhiều khuyến nghị khác cũng được đưa ra bao gồm: Tăng cường công tác giám sát và quản lý thuốc trên thị trường; Chú trọng công tác đào tạo sinh viên tại các trường đại học thuộc hệ thống Y Dược; Nâng cao vai trò của cơ quan truyền thông và mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng kháng sinh đúng cách…‏

‏Ngoài ra, tiêm phòng vaccine COVID-19 cũng là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ bản thân, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh gia tăng sau đại dịch. 

Kháng kháng sinh là một mối nguy cơ ảnh hưởng tới toàn thế giới. Để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh, cần sự hợp tác liên ngành với chiến lược tổng thể với các nhiệm vụ, giải pháp căn bản, ưu tiên.

Tầm nhìn đến năm 2045 là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc của các vi sinh vật và giảm tác động của kháng thuốc đối với sức khỏe con người, động vật và sự phát triển kinh tế - xã hội. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 14).

 

Giảm thiểu tỷ lệ mắc, tử vong do sốt xuất huyết

Số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 224.771 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 92 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng hơn 4 lần, số ca tử vong tăng 72 trường hợp. Khu vực miền nam, miền trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong ở mức cao. Tại Hà Nội, số ca mắc cũng gia tăng và đã có trường hợp tử vong.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 56.870 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng hơn 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 23 trường hợp tử vong, tăng 19 ca so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, từ ngày 12/9 đến 18/9, thành phố ghi nhận 2.657 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 2,8% so với trung bình bốn tuần trước đó; số bệnh nhân điều trị nội trú giảm 21%, điều trị ngoại trú tăng 17%. Hầu hết các quận, huyện đều có số ca mắc giảm so với số ca mắc trung bình bốn tuần trước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự báo năm 2022, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mở rộng khu điều trị, chuẩn bị trang thiết bị, thuốc để thu dung bệnh nhân và điều trị ca nặng. Thời gian qua, bệnh viện đã thu dung điều trị và cứu sống thành công nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để giảm tỷ lệ tử vong cần chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ, tăng cường hội chẩn và chuyển viện an toàn.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Đa số ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta hiện nay là ở các tỉnh phía nam. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu, giao thương đi lại và đô thị hóa thiếu kiểm soát. Các năm 2020, 2021, số ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta nói chung, khu vực phía nam nói riêng rất thấp do thời điểm đó đang xảy ra đại dịch Covid-19, việc đi lại giữa các vùng giảm tối đa, nhất là trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, năm 2022, sốt xuất huyết bùng phát trở lại, số ca mắc chỉ thấp hơn năm 1998 (năm dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành tại Việt Nam).

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt; đến nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bên cạnh đó, nguồn lực phòng, chống sốt xuất huyết không ổn định, nhất là thiếu đầu tư nguồn lực cho phòng ngừa chủ động. Trong khi đó, 50% tỉnh, thành phố khu vực phía nam thiếu hóa chất diệt muỗi. Việc thiếu nhân viên y tế, cộng tác viên tại cộng đồng khiến cho việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết thiếu tính bền vững.

Tại Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây. Từ ngày 16 đến 22/9, toàn thành phố ghi nhận 890 trường hợp mắc sốt xuất huyết và một trường hợp tử vong; số ca mắc tăng 17,1% so với tuần trước đó. Các bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Thanh Oai (105 ca), Đan Phượng (69 ca), Thanh Trì (69 ca), Thạch Thất (55 ca), Hà Đông (52 ca), Thường Tín (51 ca) , Hoàng Mai (50 ca)... Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 3.913 ca mắc, trong đó có bốn trường hợp tử vong; số ca mắc tăng gấp 4,2 lần so với số ca mắc cùng kỳ năm 2021. Tuýp vi-rút Dengue lưu hành chủ yếu là DENV1 và DENV2, DENV4. Ngành y tế Hà Nội dự báo, số trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ tiếp tục gia tăng do đang trong cao điểm mùa dịch.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tập trung kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, nhất là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao; giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ; đồng thời tổ chức tập huấn hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue cho các quận, huyện.

Ngoài ra, các địa phương cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại khu vực nguy cơ cao… Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời trường hợp sốt xuất huyết; dự trù thuốc, trang thiết bị sẵn sàng điều trị cho người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu ngành y tế các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh, chú trọng hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết nhằm hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong trên địa bàn.

Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy và thực hiện các biện pháp như: thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt bọ gậy; loại bỏ vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi… để diệt muỗi. Người dân tích cực phối hợp ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà. .

 

Lập đường dây nóng hỗ trợ an ninh bệnh viện

Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an vừa có văn bản gửi Trưởng phòng PC06 các tỉnh, thành về tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện (BV), cơ sở khám chữa bệnh.

Theo đó, lãnh đạo C06 đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác nắm tình hình theo chức năng của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, nhất là đối với những địa bàn có BV, cơ sở khám chữa bệnh thường xuyên xảy ra các vụ việc liên quan an ninh trật tự.

Chủ động cung cấp, củng cố số điện thoại đường dây nóng và xây dựng phương án, kế hoạch giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh trật tự có thể xảy ra.

Lãnh đạo C06 cũng đề nghị cảnh sát phản ứng nhanh tại địa phương luôn đảm bảo quân số, phương tiện, công cụ hỗ trợ và tổ chức thường trực 24/7 để tiếp nhận các tin báo đến số điện thoại 113, cũng như nhanh chóng, kịp thời điều động cán bộ, chiến sĩ và phương tiện có mặt tại hiện trường để giải quyết xử lý ban đầu có hiệu quả các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại các BV và cơ sở khám chữa bệnh, nhất là đối với hành vi đe dọa tính mạng, sức khỏe của nhân viên y tế, bác sĩ, cản trở hoạt động khám chữa bệnh và các hoạt động công tác chuyên môn khác của đơn vị.

Trước đó, ngày 9.8, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ Công an đề nghị tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự BV. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết thời gian qua tại các BV liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người bệnh, người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế làm mất trật tự, an ninh, an toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, tinh thần, tính mạng của nhân viên y tế. (Thanh niên, trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang