Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/10/2019

  • |
T5g.org.vn - Nhóm bị cáo tổ chức mang thai hộ ở Hà Nội lĩnh án; Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng giảm; Chuyên gia bác bỏ khả năng lây lan vi-rút lạ gây ra viêm cơ tim…

 

Thứ "dịch bệnh" ác hiểm, reo rắc hoang mang, lo lắng trong xã hội

Những tin đồn thất thiệt, thông tin bịa đặt… về những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường, trước hết cho chính những người reo rắc thông tin vi phạm pháp luật này và lớn hơn là gây hoang mang, lo lắng cho cộng đồng.

Tung tin thất thiệt gây hoang mang, lo lắng

Từ vài ngày nay, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về một loại bệnh truyền nhiễm chết người do một loại “virus lạ” nguy hiểm gây ra khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Đó là những thông tin về loại virus lạ gây bệnh “viêm cơ tim” có thể làm chết người trong một thời gian khá ngắn sau khi nhiễm phải.

Trong đó, tài khoản Facebook có tên B.L. chia sẻ về cái chết của hai người phụ nữ mà theo chủ tài khoản này là trước đó vẫn khỏe mạnh nhưng đột ngột ra đi chỉ cách nhau 2 ngày với triệu chứng giống nhau như: sốt rét, sốt cao, không thể cứu chữa do… mắc virus lạ.

Tương tự, một tài khoản Facebook khác cũng chia sẻ về trường hợp bệnh nhân ở khu vực Tây Sơn, Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) “chết do nhiễm virus lạ” với cùng biểu hiện như hai nữ bệnh nhân trên. Tài khoản này thậm chí còn thông tin rõ là trường hợp trên đã “được đưa vào Bệnh viện Đại học Y truyền nước và Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng không qua khỏi sau 2-3 ngày”.

Rất đáng chú ý là những tài khoản mạng xã hội khi thông tin về các trường hợp tử vong đều cùng khẳng định nguyên nhân gây ra cái chết của các bệnh nhân là một loại “virus lạ”, hay còn gọi là “virus viêm cơ tim”. Theo họ, loại virus này có khả năng tấn công thẳng vào cuống tim, lây lan nhanh chóng và có thể… “làm chết người hàng loạt”.

Những thông tin trên đây đã khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Bởi đối với y học, rất nhiều người biết rằng, viêm cơ tim là một bệnh lý phức tạp, người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào từ trẻ nhỏ cho tới người cao tuổi. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này có nguy cơ tử vong rất cao nếu chuyển thành viêm cơ tim cấp mà không được điều trị kịp thời.

Thế nhưng, những thông tin lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội về các trường hợp tử vong “do nhiễm virus lạ” gây bệnh “viêm cơ tim” lại là những thông tin toàn toàn không chính xác. Giới chuyên môn có thẩm quyền, trong đó có các bác sỹ thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã khẳng định thông tin “virus gây viêm cơ tim là virus lạ” là không chính xác.

Theo giới chuyên môn, hiện có nhiều loại virus có thể gây ra viêm cơ tim, có thể là các virus gây bệnh thông thường như virus cúm,  Coxakie virus… thậm chí cả virus sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tỷ lệ gây viêm cơ tim của các virus này cực hiếm và hầu hết những trường hợp nhiễm virus là lành tính, diễn biến tự khỏi trong một vài ngày, chỉ một tỷ lệ vô cùng nhỏ tấn công vào tim gây viêm cơ tim nên những trường hợp nhiễm virus viêm cơ tim hoàn toàn ngẫu nhiên.

Các giáo sư, bác sĩ tại Viện Tim mạch Quốc gia thuộc Bệnh viện Bạch Mai, cũng nhất trí với đồng nghiệp ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khi khẳng định, thông tin xuất hiện “virus lạ viêm cơ tim gây chết nhiều người” hoàn toàn không có cơ sở. Các bác sĩ đầu ngành về tim mạch ở Viện Tim mạch Quốc gia nhấn mạnh, cho tới thời điểm hiện nay, giới chuyên môn chưa phát hiện bất cứ bất thường nào về mặt dịch tễ cũng như chưa có nghiên cứu nào hay công bố nào cho thấy có virus đặc hiệu gây ra viêm cơ tim, vì thế người dân không nên hoang mang, lo lắng.

Công bố thông tin không đúng thẩm quyền sẽ bị xử lý nghiêm

Sự lên tiếng kịp thời của giới chuyên môn để bác bỏ thông tin “virus lạ” gây  ra các trường hợp tử vong vì bệnh “viêm cơ tim” đã giúp trấn an dư luận, không để sự hoang mang, lo lắng lan rộng trong dư luận cũng như người dân. Tuy nhiên, cơ quan hữu trách cũng vẫn cần vào cuộc tìm hiểu việc đưa những thông tin chưa kiểm chứng, không đúng sự thật lên mạng xã hội mới đây nhằm động cơ, mục đích gì?

Với nước ta hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, việc công bố các thông tin liên quan tới dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hay nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng con người, đều được quy định rất chặt chẽ. Chỉ có những cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật mới có quyền công bố các thông tin về dịch bệnh. Bất cứ cá nhân hay tổ chức nào không có thẩm quyền mà công bố những thông tin này đều bị xem xét, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Sở dĩ cần phải có quy định chặt chẽ về việc công bố dịch bệnh bởi điều này có thể dẫn tới những ảnh hưởng rất lớn tới từ cuộc sống thường nhật của người dân cho tới sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư, du lịch… thậm chí cả an ninh trật tự và ổn định xã hội. Một thông tin sai lệch, thiếu chuẩn xác chứ chưa nói sai sự thật, thất thiệt, bịa đặt với dụng ý xấu, ý đồ đen tối đều có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường.

Thế nhưng, đáng tiếc là dù pháp luật đã có những quy định rõ ràng, chặt chẽ và trên thực tế đã có những trường hợp tung tin thất thiệt về dịch bệnh lên mạng xã hội bị xem xét, xử lý, song vẫn có những người “điếc không sợ súng” hoặc cố tình vi phạm pháp luật với động cơ, mục đích xấu. Mới đây nhất, Cơ quan An ninh Chính trị nội bộ thuộc Công an tỉnh Quảng Bình đầu tháng 10 này đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Hoàng Thanh Huyền (23 tuổi, ở phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới) số tiền 12,5 triệu đồng vì đã tung tin đồn thất thiệt “vi khuẩn ăn thịt người Whitmore” lên mạng xã hội Facebook. Trước đó, cơ quan chức năng ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh cũng đã xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi tung tin đồn thất thiệt về sán lợn và dịch tả lợn châu Phi lên mạng xã hội.

Vì vậy, bên cạnh việc lên tiếng kịp thời của cơ quan và giới chức có thẩm quyền cũng như công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân và toàn xã hội cũng cần phải xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm pháp luật, reo rắc hoang mang, lo lắng trong xã hội, làm ảnh hưởng tới cuộc sống bình yên, môi trường đầu tư kinh doanh, du lịch và đặc biệt là hình ảnh, uy tín của đất nước.

Trong trường hợp xử lý vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe, rất cần xử lý nghiêm minh hơn theo quy định pháp luật (đều đã có quy định) đối với những kẻ cố tình vi phạm pháp luật, nhất là nhằm mục đích xấu xa, đê hèn. Không xử lý nghiêm minh, những tin đồn thất thiệt rất có thể lây lan thành thứ bệnh dịch ác hiểm gây hại cho người dân và đất nước. (An ninh Thủ đô, trang 17).

 

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng giảm

Chiều 28-10, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 21 đến 27-10), trên địa bàn thành phố ghi nhận 770 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 61 trường hợp so với tuần trước). Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 8.416 ca mắc sốt xuất huyết nhưng chưa có trường hợp tử vong. Hiện, 95,5% ca mắc sốt xuất huyết đã khỏi và được xuất viện.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thời gian qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu chững lại, số ca mắc mới sốt xuất huyết đã giảm hơn so với những tuần trước đó.

Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã không được chủ quan mà phải tiếp tục duy trì biện pháp phòng bệnh, thường xuyên tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi, khống chế kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

* Như Báo Hànộimới đã đưa tin, trong hai ngày 26 và 27-10, trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo) lan truyền thông tin về hai phụ nữ cũng là hai đồng nghiệp ở khu vực phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) tử vong do vi rút lạ gây viêm cơ tim. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm khẳng định, theo kết quả điều tra xác minh, hai trường hợp này không có mối liên quan nào về mặt dịch tễ.

Dù cùng tử vong do viêm cơ tim nhưng ở hai trường hợp này không có sự lây lan từ người này sang người kia. Nguyên nhân gây viêm cơ tim có thể do nhiễm vi rút, vi khuẩn, độc tố, ký sinh trùng, hóa chất… Biến chứng của viêm cơ tim ở thể nặng có thể làm tổn thương cơ tim vĩnh viễn, gây suy tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim, đột tử.

Ngoài ra, theo điều tra dịch tễ, hiện bệnh viêm cơ tim không có dấu hiệu gia tăng bất thường. Không có vi rút nào gọi là viêm cơ tim và không có bệnh nào mang tên viêm cơ tim vi rút. Do đó, người dân không nên hoang mang, lo lắng. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Phẫu thuật cho cháu bé bảy tuổi bị dị tật hiếm gặp

Thông tin từ Bệnh viện T.Ư Huế, ngày 28-10, cho biết, các bác sĩ tại bệnh viện vừa tiến hành phẫu thuật thành công ca bệnh khó, hiếm gặp trên thế giới về dị tật hốc mắt xa và bất sản xương cánh mũi cho cháu Lê Lam P. (7 tuổi), trú tại quận 12 (TP Hồ Chí Minh).

Trước đó, ngày 19-9, Bệnh viện T.Ư Huế đã tiếp nhận bệnh nhi P. đến nhập viện. Ông Lê Viết T. (bố cháu P.) cho biết, từ khi sinh ra, cháu P. đã bị dị tật hai mắt xa, bất sản xương cánh mũi và hở hàm ếch. Cháu đã được khâu hở hàm ếch từ lúc 7 tháng tuổi. Sau khi bàn bạc, Ban Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế đã yêu cầu các bác sĩ điều trị làm đầy đủ các xét nghiệm và hội chẩn với GS McKay McKinnon đến từ Đại học Y khoa Chicago (Mỹ), một chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tạo hình đang làm việc tại bệnh viện nhằm phối hợp phẫu thuật các ca u khó và phức tạp.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện T.Ư Huế, dị tật bẩm sinh hốc mắt xa và bất sản xương cánh mũi là một dị tật hiếm gặp ở trẻ em. Theo các y văn trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh rất thấp, chiếm tỷ lệ < 0,1%, và hiện chỉ có báo cáo từng ca riêng lẻ, chưa có tỷ lệ thống kê nhất định. Điều trị cho dị tật bẩm sinh này đòi hỏi được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, để đưa hai mắt trẻ lại gần nhau và tái tạo xương cánh mũi. (Nhân dân, trang 5).

 

Chuyên gia bác bỏ khả năng lây lan vi-rút lạ gây ra viêm cơ tim

Đó là khẳng định của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành lĩnh vực tim mạch sau khi trên mạng xã hội những ngày gần đây lan truyền thông tin lây lan vi-rút lạ gây viêm cơ tim và làm chết người trong thời gian ngắn. Các chuyên gia đều cho rằng đó là thông tin không có cơ sở, do đó, người dân không nên hoang mang.

Theo PGS, TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), tính tới thời điểm hiện tại, Viện Tim mạch quốc gia chưa phát hiện bất cứ bất thường nào về mặt dịch tễ; chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào đột biến có tính chất quy luật như lời đồn.

Không thể khẳng định sốt cao, sốt rét là do vi-rút lạ hay vi-rút viêm cơ tim lây lan làm chết người, bởi bệnh viêm cơ tim có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Việc phát hiện, chẩn đoán viêm cơ tim cũng phải dựa trên xét nghiệm, thăm khám cụ thể có tính khoa học. Đáng chú ý, cho tới giờ chưa có nghiên cứu hay công bố nào cho thấy có vi-rút đặc hiệu gây ra viêm cơ tim. Viêm cơ tim cũng mang tính chất cá thể, không lây lan và cũng không phát triển thành dịch.

Theo PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có rất nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim, có thể do vi-rút (rất nhiều loại có liên quan, từ loại vi-rút gây cảm cúm thông thường đến viêm gan B và C...); vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn gây bệnh bạch hầu); ký sinh trùng; nấm, thuốc (phản ứng dị ứng hoặc độc hại; hóa chất hoặc chất phóng xạ…).

Việc điều trị viêm cơ tim được thực hiện theo nguyên nhân. Không có phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim, chỉ có một số biện pháp cơ bản giúp ngăn ngừa bệnh như: Thực hiện vệ sinh cá nhân; tránh những hành vi nguy cơ cao để giảm khả năng bị nhiễm trùng cơ tim, không sử dụng ma túy bất hợp pháp; giảm đến mức thấp nhất tiếp xúc với côn trùng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm, nhất là những người suy giảm miễn dịch, có bệnh lý mạn tính… Đến ngay cơ sở y tế nếu có triệu chứng đau ngực và khó thở khi đang có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm vi-rút... (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 7: “Sau 2 ca tử vong do viêm cơ tim: Nhận biết đề không hoang mang”.

 

Rước họa do tự ý sử dụng lại toa thuốc

Toa thuốc do bác sĩ kê chỉ có giá trị một lần tại thời điểm kê toa. Tuy nhiên, hiện nhiều người sau khi được bác sĩ chữa khỏi bệnh một thời gian, bệnh tái phát với các triệu chứng giống như trước, đã tự ý dùng lại toa thuốc cũ. Thậm chí, có người còn sử dụng toa thuốc của người khác khi thấy có tiền sử bệnh giống nhau, thay vì đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc. Tình trạng này đã để lại hậu quả khôn lường.

Đừng làm thay bác sĩ

Mới đây, Bệnh viện (BV) Da liễu TPHCM tiếp nhận bệnh nhân N.L.A. (47 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng đỏ da tróc vảy toàn thân; các khớp chân, tay, gối sưng to, biến dạng.

Theo lời kể của bệnh nhân, lúc đầu những mảng da bị bong tróc ở tay, nghĩ là bệnh viêm da thông thường như trước nên đã lấy toa thuốc cũ để mua về uống. Khi dùng được một tháng thì bệnh phát nặng hơn, toàn thân sưng đỏ, các khớp sưng to.

Anh A. đến BV Da liễu thì bác sĩ xác định anh bị vảy nến chứ không phải mắc bệnh chàm như trước… BV Da liễu thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, nhưng trước khi đến BV, phần lớn đều đã tự ý mua thuốc bên ngoài và lầm tưởng là bệnh zona.

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng tái sử dụng toa thuốc cũng là thói quen thường gặp ở nhiều bậc phụ huynh. Thậm chí nhiều bà mẹ còn tin vào những hội nhóm trên mạng xã hội, tin những “bác sĩ Google” để tìm các bài thuốc chữa bệnh cho con.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Nhi đồng 1, cho biết tỷ lệ phụ huynh tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ tại nhà trước khi đưa tới BV chiếm từ 80% - 90%.

“Việc tự ý sử dụng thuốc có thể đẩy trẻ vào trạng thái nguy hiểm. Rất nhiều bệnh như sởi, sởi cấp tính ở trẻ em, bệnh viêm màng não, viêm cơ tim do virus... có triệu chứng khởi đầu giống bị cảm, nếu không phát hiện kịp thời, sẽ kéo dài thời gian điều trị của bé, thậm chí có nguy cơ tử vong”- bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay.

Theo các chuyên gia y tế, người dân cần cảnh giác và thận trọng trong việc thu thập những thông tin về sức khỏe, bài thuốc, toa thuốc sưu tầm trên các trang mạng xã hội.

Việc tự dùng thuốc, sử dụng toa thuốc của người khác áp dụng cho mình là rất nguy hiểm, có thể làm bệnh nhẹ trở thành nặng hơn vì không được chữa trị bằng thuốc đúng cách. Mỗi toa thuốc chỉ dành cho một cá nhân cụ thể, dùng trong thời điểm cụ thể.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, cho hay thuốc uống dù đúng bệnh, nhưng phải có liều lượng nhất định, sử dụng đúng lứa tuổi, cân nặng, kể cả thuốc bổ.

Nếu uống quá liều lượng sẽ làm trầm trọng bệnh, gây ra bệnh khác. Kể cả thuốc bôi da cũng phải sử dụng theo đúng lứa tuổi. Bởi cùng một bệnh, nhưng đối với trẻ em và người lớn bôi thuốc khác nhau. Hơn nữa, cùng một bệnh, nhưng tùy vào vị trí tổn thương trên cơ thể mà bác sĩ chỉ định các loại thuốc bôi khác nhau.

“Để kê toa không phải chuyện đơn giản. Đó là kết quả của quá trình thăm khám - chẩn đoán - đưa ra phác đồ điều trị và phải được thực hiện bởi người có chuyên môn. Chính vì vậy, khi bị bệnh, người dân bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn khám và chỉ định điều trị cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui khuyến cáo.

Tái diễn tình trạng bán thuốc không toa

Từ tháng 4-2019, ngành y tế TPHCM chính thức thực hiện đề án Tăng cường kiểm soát kê toa thuốc và bán thuốc kê toa. Trong đó, tập trung kiểm tra việc kê toa và bán thuốc kháng sinh không toa. Tuy nhiên, đến nay việc người dân sử dụng toa thuốc cũ hoặc không cần trình toa thuốc để mua vẫn thường xuyên diễn ra ở bất cứ hiệu thuốc nào.

Trong vai phụ huynh có con ốm, phóng viên đã đến một tiệm thuốc trên đường Thống Nhất (quận Gò Vấp). Tại đây, người bán chỉ hỏi khách hàng về triệu chứng bệnh mà không hỏi về việc đã đi khám bệnh và có toa thuốc không.

Chỉ hơn 10 phút, có 8 khách hàng khác đến mua thuốc và hầu hết đều kể triệu chứng để người bán thuốc bắt bệnh, bán thuốc. Thậm chí, cả những bệnh như đái tháo đường, đau bao tử, đau xương khớp, sốt siêu vi... cũng được bán thuốc mà không có toa.

Tại một cửa hàng dược phẩm trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), khi phóng viên kể sơ qua tình trạng sức khỏe của mình bị sốt, viêm họng, ho có đờm đã 1 tuần.

Người bán thuốc không cần hỏi toa, nhanh chóng đưa ra mấy loại thuốc đặc trị hạ sốt, chống viêm và 3 vỉ kháng sinh, dù trên hộp thuốc có ghi dòng chữ cảnh báo: “Thuốc bán theo toa”.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sử, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, tỷ lệ bệnh nhân vào cấp cứu do tự mua thuốc chữa bệnh khá nhiều, mỗi năm có hàng chục ca. Nhiều ca bị biến chứng, rối loạn nội tiết, giảm sức đề kháng, thậm chí có trường hợp nhiễm trùng nặng, nguy hiểm đến tính mạng. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

TPHCM chấn chỉnh quản lý dịch vụ thẩm mỹ

Liên quan đến tình trạng nhiều cơ sở thẩm mỹ lén lút thực hiện các dịch vụ không được phép, tiềm ẩn nguy cơ gây tai biến nghiêm trọng, đặc biệt là 2 sự cố y khoa liên tiếp tại 2 bệnh viện thẩm mỹ khiến 2 người tử vong mới đây, UBND TPHCM vừa có chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP.

Cụ thể, UBND TP giao UBND các quận huyện tăng cường quản lý, hậu kiểm sau cấp phép đối với các cơ sở đăng ký kinh doanh các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (thêu, phun, xăm trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu (hair salon)…

Kiên quyết không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép nhưng lại quảng cáo và thực hiện các dịch vụ, thủ thuật, phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân xảy ra trên địa bàn quản lý.

Về việc xử lý vi phạm, UBND TP yêu cầu các quận huyện chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở quảng cáo, đào tạo, hoạt động dịch vụ thẩm mỹ không phép.

Sở Y tế được giao tăng cường công tác kiểm tra đối với các bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thực hiện hậu kiểm sau công bố đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên toàn TP.

UBND TP chỉ đạo Sở Y tế chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở không phép, cơ sở hoạt động quá phạm vi chuyên môn được cho phép, cơ sở vi phạm về quảng cáo khám, chữa bệnh, kể cả đề nghị các cơ quan có thẩm quyển xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả xử lý vi phạm sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh. ((Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Tăng cường kiểm soát chi tiêu khám chữa bệnh BHYT

Bảo hiểm xã hội TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM về việc tăng cường quản lý và kiểm soát chi tiêu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn TP cuối năm 2019. Theo BHXH TP, 9 tháng đầu năm 2019, chi phí khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn TP gia tăng mạnh so với năm 2018 (chi phí nội tỉnh tăng trên 8%, ngoại tỉnh tăng 12%) và đã sử dụng đến 84% dự toán được giao cho cả năm.

Ngoài những nguyên nhân khách quan do thay đổi chính sách (thông tuyến, tăng lương…) còn có nguyên nhân chủ quan do các cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện tốt việc quản lý chi tiêu trong khám chữa bệnh BHYT theo đúng chỉ đạo của UBND TP; lựa chọn và sử dụng thuốc chưa hợp lý, chưa tiết kiệm (tỷ lệ chi phí sử dụng biệt dược gốc cao nhất nước); chỉ định dịch vụ kỹ thuật còn rộng rãi..

Để đảm bảo việc quản lý và sử dụng hiệu quả chi khám chữa bệnh BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2019, đồng thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong việc thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội TP đề nghị các sở ngành và cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường quản lý và kiểm soát chi tiêu khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn TP những tháng cuối năm 2019 để đảm bảo chi tiêu hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Những thách thức cần giải pháp quyết liệt trong công tác dân số hiện nay

Công tác dân số ở nước ta, khởi đầu từ năm 1961 nhưng chỉ sau Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (NQTW 4) năm 1993 về Chính sách DS-KHHGĐ mới có sự thay đổi về chất và đạt được những thành tựu ấn tượng. Để giải quyết khó khăn và đạt được mục tiêu về dân số trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, việc triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nếu không có sự thay đổi, việc đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết này đề ra đến năm 2030 vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Từ sinh sản bản năng đến "sinh đẻ có kế hoạch"

Mức sinh sau nhiều thập kỷ giảm chậm, nhiều kỳ Đại hội Đảng không đạt được mục tiêu thì sau Nghị quyết TW 4 đã giảm nhanh và hiện nay đã đạt và duy trì được mức sinh thay thế.

Nếu trước đây, trung bình mỗi phụ nữ hết tuổi sinh đẻ có khoảng 7 con thì từ năm 2005 đến nay, chỉ tiêu này chỉ còn khoảng 2 con. Mô hình "Gia đình 2 con" đã trở nên phổ biến. Mục tiêu mà chính sách DS-KHHGĐ theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua đã đạt được, sớm hơn 10 năm so với thời điểm năm 2015 mà NQTW 4 đề ra. Kết quả giảm sinh của nước ta đã vượt trội so với trình độ phát triển.

Năm 2005, số con trung bình của một bà mẹ ở các nước đang phát triển là 2,8, các nước kém phát triển nhất là 4,3, cao hơn nhiều so với Việt Nam. Từ sinh sản bản năng, tự nhiên, đến nay người Việt Nam đã làm chủ trong lĩnh vực này, tức là "sinh đẻ có kế hoạch", chủ động và có trách nhiệm, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Đây là bước chuyển có tính cách mạng trong lĩnh vực sinh sản. Thành tựu nói trên tác động to lớn và tích cực đến tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia đình hạnh phúc. Chính vì vậy, ngay từ năm 1999 Liên Hợp Quốc đã tặng Giải thưởng Dân số cho Việt Nam. Đó là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về thành công của Chương trình DS-KHHGĐ ở nước ta.

Có thể rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu từ chính sách giảm sinh thành công của Việt Nam. Một là, có Nghị quyết chuyên đề về Công tác dân số của Đảng và quan trọng hơn là cụ thể hóa Nghị quyết này thông qua Luật pháp, Chiến lược, Chương trình, Dự án về dân số. Hai là, xây dựng bộ máy độc lập, chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ. Đến nay, nước ta đã 8 lần thay đổi mô hình bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ. Nhưng giai đoạn (1992-2002), Việt Nam xây dựng bộ máy độc lập, chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ, mức sinh giảm tới 11,8%o. Đây là giai đoạn mức sinh giảm mạnh nhất, (các giai đoạn khác, cũng 10 năm, mức sinh giảm tối đa chỉ có 3,8%o). Ba là, đảm bảo đủ kinh phí, quản lý kinh phí theo Chương trình mục tiêu Quốc gia và tập trung kinh phí cho địa phương. Bốn là, giải pháp cơ bản để thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam không phải là hành chính, mệnh lệnh, ép buộc mà là vận động, tuyên truyền và giáo dục. Năm là, cung cấp phương tiện, dịch vụ KHHGĐ đa dạng, đa kênh, đa hình thức (miễn phí, bán rẻ, bán theo giá thị trường) và theo phương châm "Đưa dịch vụ kế hoạch hoá gia đình đến tận người dân".

Nghị quyết 21-NQ/TW chỉ rõ khó khăn, thách thức và giải pháp trong tình hình mới

Bước sang thế kỷ 21, ngoài đạt được mức sinh thay thế từ năm 2005, dân số nước ta xuất hiện nhiều đặc điểm mới: Mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức nghiêm trọng; hình thành cơ cấu dân số vàng; dân số già hóa nhanh; phân bố dân số ngày càng không đồng đều, dân số có xu hướng tập trung vào thành phố và một số vùng; chất lượng dân số tăng lên nhưng chưa cao.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 về "Công tác dân số trong tình hình mới" của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII đã đề ra mục tiêu: "Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững". Mục tiêu này được cụ thể hóa thành 24 chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2030. Trong khi đó, trước đây, NQTW 4 về "Chính sách DS-KHHGĐ" năm 1993 chỉ đề ra 1 mục tiêu cụ thể: "Mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con".

Điều này cho thấy công tác dân số đến năm 2030 và từ đó trở đi, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong lời khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII là:"Vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc".

Những quan điểm mới, mục tiêu mới và hệ thống giải pháp của công tác dân số ở nước ta đã được soi sáng trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương Đảng. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết này gần 2 năm qua cho thấy công tác dân số đang đứng trước những thách thức lớn.

Cần cụ thể hóa và đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW vào cuộc sống

Trước hết, để thực hiện chính sách dân số mới mà trọng tâm là "Dân số và Phát triển" phải đổi mới tư duy về chính sách dân số. Điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy dân số chỉ là giảm sinh, là KHHGĐ, gần 60 năm qua đã "ăn sâu" trong tâm trí người dân và cán bộ quản lý. Vì vậy, giải pháp then chốt, đi trước là đẩy mạnh truyền thông, vận động về Dân số và Phát triển, về Nghị quyết 21-NQ/TW. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động này chưa đủ mạnh nên nhiều cán bộ quản lý, thậm chí là trong ngành Dân số cũng chưa thật hiểu thấu đáo Nghị quyết quan trọng này.

Thứ hai, là chậm cụ thể hóa Nghị quyết 21-NQ/TW. Ngay sau khi có Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động và giao các Bộ, Ủy ban xây dựng 42 Đề án để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Nhiều Đề án được yêu cầu trình trong năm 2018 và 2019 nhưng đến nay chưa Đề án nào đáp ứng được yêu cầu này. Cần lưu ý rằng, trước đây chỉ sau NQTW4 hơn 5 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt "Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000".

Thứ ba, về mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số, Nghị quyết số 21-NQ/TW yêu cầu phải "phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ". Trọng tâm của thời kỳ này là "Dân số và Phát triển", nhưng tổ chức bộ máy hiện nay chưa thống nhất, đang đi theo hướng tinh gọn, "y tế hóa" có thể không phù hợp với "trọng tâm công tác dân số" hiện nay. Việc các đơn vị Dân số từ Trung ương đến cơ sở trực thuộc cơ quan Y tế cùng cấp, với nhân sự ngày càng "mỏng dần"; có thể quản lý các lĩnh vực mang tính chuyên môn nghiệp vụ y tế như: KHHGĐ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh... nhưng khó khăn trong việc điều phối các lĩnh vực "Dân số và Phát triển" khác như: Tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; di cư và phân bố dân cư hợp lý... Tổ chức bộ máy quản lý dân số thay đổi nhiều nên cán bộ không yên tâm với công việc, một số địa phương không giữ được cán bộ cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác.

Thứ tư, về kinh phí cho công tác dân số. Trước đây chỉ thực hiện một mục tiêu, một chỉ tiêu giảm sinh nhưng ngay sau khi NQTW 4 được ban hành, đầu tư từ ngân sách Trung ương cho công tác dân số năm 1993 so với năm 1992 tăng gần 3 lần, còn năm 2012 tăng gấp 36 lần, đạt 970 tỷ. Hiện nay, giải quyết những vấn đề Dân số và Phát triển, với mục tiêu cụ thể gồm 24 chỉ tiêu, Nghị quyết số 21-NQ/TW yêu cầu "Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách" và "bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số" nhưng ngân sách của Trung ương lại giảm mạnh, thậm chí năm 2018 chỉ còn 289 tỷ, tức là chỉ gần 30% so với năm 2012. Kinh phí không chỉ giảm mà còn được cấp rất chậm đã tạo ra cú sốc lớn trong việc thực hiện chính sách dân số rộng lớn. Bên cạnh đó, nguồn tài trợ quốc tế và huy động nguồn lực xã hội cho công tác này gần như không đáng kể.

Thiếu kinh phí, ngay các tỉnh miền núi, vốn được ưu tiên bố trí nguồn lực, nhiều hoạt động của công tác dân số phải cắt; phương tiện tránh thai, phương tiện dùng cho các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số... luôn thiếu hoặc chậm đã hạn chế kết quả của công tác này.

Nếu không có sự thay đổi, khó đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa VII năm 1993 về Chính sách DS-KHHGĐ với những giải pháp quyết liệt, thể hiện trong 5 bài học kinh nghiệm đã trình bày ở trên, đã đạt được mục tiêu sớm 10 năm. Với những khó khăn, thách thức trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW vừa qua, nếu không có sự thay đổi, việc đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết này đề ra đến năm 2030 vẫn còn là một câu hỏi lớn. Rõ ràng, "đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp" như Nghị quyết 21-NQ/TW yêu cầu là một đòi hỏi cấp bách hiện nay. (Gia đình & Xã hội, trang 6).

 

Xe cứu thương hoạt động chui

Dù chưa được cấp phép nhưng Công ty TNHH dịch vụ y tế 115 Sài Gòn - Phú Yên vẫn mở dịch vụ xe cứu thương, cho nhân viên vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên để 'câu' bệnh nhân.

Vào tận bệnh viện hoạt động

Từ phản ảnh của người dân, sáng 24.10, PV Thanh Niên vào vai người nhà bệnh nhân (BN) để liên hệ với Công ty TNHH dịch vụ y tế 115 Sài Gòn - Phú Yên. Gọi số điện thoại cấp cứu 0333.315.xxx, chúng tôi được một người đàn ông nghe máy. “Anh tắt máy đi, em cho nhân viên của em liên lạc với anh bây giờ”, người đàn ông này nói.

Chưa đầy 5 phút sau, một phụ nữ dùng điện thoại di động số 0935.649.xxx gọi vào số máy của PV và cho biết hiện đang ở tầng 5 Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Yên và hẹn gặp. Qua tiếp xúc, người phụ nữ này giới thiệu tên Linh, nhân viên Công ty 115 dịch vụ y tế Sài Gòn - Phú Yên và giới thiệu về công ty qua một số hình ảnh trên điện thoại; đồng thời hướng dẫn PV cách chuyển viện không qua BV mà vẫn được thanh toán bảo hiểm y tế (?).

Sau đó, bà Linh đưa PV Thanh Niên ra cổng BV để giới thiệu về xe cứu thương sẽ chở BN chuyển viện. Chiếc xe này đậu cách cổng BV chừng 10 m, BS 51B - 295... Xem xe xong, PV quay lại BV để làm hợp đồng dịch vụ. Trong hợp đồng này, người đại diện Công ty 115 dịch vụ y tế Sài Gòn - Phú Yên là ông Nguyễn Thanh Phú Sỹ Sơn, chức vụ giám đốc. Theo thỏa thuận, giá dịch vụ vận chuyển cứu thương có 1 y tá đi theo từ BVĐK tỉnh Phú Yên đến một BV ở TP.HCM là 5,2 triệu đồng. Hợp đồng này đã được ông Sơn ký, đóng dấu sẵn.

Không chỉ hoạt động chui, một cán bộ hưu trí ở ở P.9, TP.Tuy Hòa bức xúc: “Xe cứu thương của Công ty 115 dịch vụ y tế Sài Gòn - Phú Yên đỗ trước trụ sở công ty tại 40 Tân Trào, P.9 (TP.Tuy Hòa), rồi rửa xe để nước tràn ra đường. Xe cứu thương chở người bệnh, người chết mà rửa xe để nước tràn ra đường trong khu dân cư, như vậy là không hợp vệ sinh, dễ gây dịch bệnh”.

Ngoài ra, cũng theo phản ánh của người dân, rác thải y tế (kim tiêm, dây truyền dịch…), tuy được công ty bỏ vào bao bì nhưng sau đó lại để những người nhặt rác thải lục tìm, khiến rác thải y tế rơi vãi ra ngoài, làm mồi cho côn trùng bu đậu.

Hoạt động khi chưa có giấy phép

Trả lời Thanh Niên, bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc BVĐK tỉnh Phú Yên, cho biết tình trạng xe cấp cứu của Công ty dịch vụ y tế 115 Sài Gòn - Phú Yên đậu gần cổng BV, người của công ty vào BV “câu” BN..., BV đã báo cáo lên Sở Y tế để xử lý; BV sẽ cho người giám sát việc người của công ty này vào BV ký hợp đồng với BN.

Ông Nguyễn Ngọc Nha, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế tỉnh Phú Yên), khẳng định: “Đến giờ, Sở Y tế tỉnh Phú Yên chưa cấp phép cho Công ty 115 dịch vụ y tế Sài Gòn - Phú Yên hoạt động tại Phú Yên. Ông Sơn chỉ mới đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên”. Ông Nha nói thêm, khi phát hiện xe cứu thương hoạt động chui, ngày 16.8 Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân phối hợp cùng Thanh tra Sở Y tế tỉnh Phú Yên làm việc với ông Nguyễn Thanh Phú Sỹ Sơn, Giám đốc Công ty dịch vụ y tế 115 Sài Gòn - Phú Yên, thì ông Sơn thừa nhận thiếu sót do chưa hiểu biết pháp luật nên hứa sẽ khắc phục.

Trong khi đó, ông Phan Văn Thiền, Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Phú Yên, nói qua buổi làm việc, ông Sơn đã thông báo dừng hoạt động dịch vụ cứu thương cho đến khi được Sở Y tế tỉnh Phú Yên cấp phép (nhưng thực tế vẫn hoạt động - PV).

Chiều 28.10, làm việc với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Phú Sỹ Sơn thừa nhận việc cho nhân viên vào BVĐK tỉnh Phú Yên, hoạt động vận chuyển BN khi chưa được Sở Y tế tỉnh Phú Yên cấp phép là sai, nhưng vì đã đầu tư và không thể cho nhân viên nghỉ việc nên mới làm vậy (!?). Ông Sơn xin rút kinh nghiệm và cho biết đang hoàn thiện thủ tục để Sở Y tế tỉnh Phú Yên cấp phép. Ngoài ra, ông Sơn còn cho hay công ty đã ký hợp đồng với 5 nhân viên, trong đó 3 nhân viên có chứng chỉ hành nghề; giá dịch vụ công ty là 5,2 triệu đồng/chuyến vận chuyển từ Phú Yên đi TP.HCM.

Quảng bá hình ảnh dễ gây nhầm lẫn

Trên trang web capcuuphuyen.com quảng bá nhiều hình ảnh dễ gây nhầm lẫn giữa Công ty 115 dịch vụ y tế Sài Gòn - Phú Yên với Trung tâm cấp cứu 115 của tỉnh Phú Yên.Theo ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Phú Yên, tháng 4.2019, Sở Y tế tỉnh Phú Yên đã yêu cầu công ty này gỡ thông tin, hình ảnh không chính xác trên website, nhưng đến nay vẫn chưa gỡ.

Trên trang này có thông tin chưa chính xác về lễ khai trương Trung tâm cấp cứu 115. Đây là trung tâm cấp cứu của nhà nước thuộc Sở Y tế. Theo ông Hưng, Sở TT-TT tỉnh Phú Yên sẽ chỉ đạo Thanh tra Sở vào cuộc kiểm tra. (Thanh niên, trang 5)

 

Nhóm bị cáo tổ chức mang thai hộ ở Hà Nội lĩnh án

TAND TP Hà Nội vừa kết thúc phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm 5 bị cáo trong đường dây tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Đây là lần đầu tiên, TAND TP Hà Nội mở phiên toà xét xử nhóm bị cáo bị truy tố về tội danh này. 5 bị cáo trong vụ án gồm: Cai GuoLin (SN 1982, quốc tịch Trung Quốc), Cai GuoFang (SN 1965, quốc tịch Trung Quốc), Triệu Thị Hằng (SN 1978, trú tại Thanh Hóa), Hoàng Thị Thu Trang (SN 1992, trú tại Hưng Yên) và Nguyễn Thị Ngọc (SN 2000, trú tại Bắc Ninh) bị truy tố về tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187 BLHS năm 2015).

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, Cai GuoLin làm việc tại bệnh viện tư nhân hiếm muộn và thụ tinh ống nghiệm tại Trung Quốc, do GuoYong làm chủ. Đầu tháng 9-2018, GuoYong giao nhiệm vụ cho Cai GuoLin và Cai GuoFang sang Việt Nam tìm người mang thai hộ. Thực hiện được mục đích trên, thông qua giới thiệu của bác sỹ Apo (quốc tịch Trung Quốc, hiện chưa xác định được nhân thân), GuoYong đã chỉ đạo Cai GuoLin đến phòng khám Thiên Hòa (tại số 73, phố Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) gặp Hoàng Thị Thu Trang là y tá kiêm phiên dịch của phòng khám.

Tại đây, Cai GuoLin nói cho Trang biết về mục đích sang Việt Nam để tìm người mang thai hộ và nhờ Trang làm phiên dịch trong suốt quá trình tuyển chọn, giao dịch và đi cùng các phụ nữ mang thai hộ sang Campuchia để cấy phôi. Trang đồng ý và cùng Cai GuoLin gặp Triệu Thị Hằng. Hằng đã giới thiệu Ninh Thị Thơm (SN 1988, ở quận Long Biên, Hà Nội) gặp Cai GuoLin và Trang để các bị cáo tổ chức cho Thơm mang thai hộ thành công, sau đó Cai GuoFang sang Việt Nam đón Thơm về Trung Quốc dưỡng thai.

Đầu tháng 11-2018, Hằng tiếp tục giới thiệu cho Trang thêm Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Thùy Dương, Lê Thị Huệ, Hoàng Khánh Ly, Trần Thị Nhung, Hà Thị Quyên và một phụ nữ tên Linh (chưa rõ nhân thân) đến Campuchia mang thai hộ. Ngày 11-12-2018, GuoLin cùng Trang, Hằng, Ngọc và các chị Nguyễn Thùy Dương, Lê Thị Huệ, Hoàng Khánh Ly, Trần Thị Nhung, Hà Thị Quyên đi bằng đường hàng không vào TP Hồ Chí Minh ở tại Khách sạn Kiều Hương (phường 6, quận 3) chờ đi Campuchia cấy phôi.

Còn chị Linh đi cùng GouFang bằng đường bộ vào TP Hồ Chí Minh nhưng sau đó đã bỏ đi vì không đồng ý mang thai hộ cho nhóm của GuoLin. Ngày 13-12-2018, do lo sợ bị nhóm người Trung Quốc lừa bán nên Nguyễn Thùy Dương đã gọi điện báo về gia đình nhờ trình báo cơ quan Công an. Nhận được tin báo, Công an quận 3, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu những người trên về trụ sở để xác minh, làm rõ. Từ đây, hành vi phạm tội của 5 bị cáo trên đã bị lật tẩy.

Tại phiên xử, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như trên. HĐXX xác định, hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng nên phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội. Nhưng do các bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, có ý thức khắc phục hậu quả nên cần giảm nhẹ một phần hình phạt cho phù hợp với chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam.

Với phán quyết trên, HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Cai GuoLin 36 tháng tù và nộp phạt 30 triệu đồng; Cai GuoFang 30 tháng tù và nộp phạt 30 triệu đồng; Triệu Thị Hằng và Hoàng Thị Thu Trang cùng mức án 20 tháng tù và nộp phạt 20 triệu đồng; Nguyễn Thị Ngọc 15 tháng tù và nộp phạt 10 triệu đồng cùng về tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Ngoài hình phạt tù và phạt tiền, các bị cáo còn bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. (Công an Nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang