Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/11/2019

  • |
T5g.org.vn - Có hay không virút lạ 'mê' trẻ em?; Bé trai 6 tuổi vỡ gan do cành cây xuyên thành ngực, may mắn được cứu sống; Dùng thuốc và ăn uống tùy tiện, cụ ông xuất hiện 2 khối bã khủng trong dạ dày; Thực hiện tự chủ tài chính: Phát huy tính năng động của các bệnh viện

 

Có hay không virút lạ 'mê' trẻ em?

Virút "lạ" này chính là virút hợp bào hô hấp. Một vài tuần qua, các bệnh viện nhi tại TP.HCM điều trị tích cực cho nhiều ca viêm tiểu phế quản nặng do virút hợp bào hô hấp gây ra.

Phải dùng thiết bị hỗ trợ đường thở

Ngày 26-11, tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, tiếng "tít tít" từ các thiết bị y tế phát ra liên tục, nhiều bệnh nhi phải gắn ống dẫn từ các thiết bị này đến mũi. Một số bệnh nhi còn được các bác sĩ dùng dây vải buộc hai cánh tay rồi nối đến thành giường nhằm cố định các vị trí kim tiêm, tránh xê dịch khi trẻ xoay chuyển.

Bé T.A. (12 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) phải nằm viện hơn 2 tháng qua với các thiết bị hỗ trợ đường thở vì viêm tiểu phế quản, biến chứng viêm phổi nặng. Trong khi trước đó gia đình bé cứ ngỡ bé bị cảm thông thường.

Chị L.T.M.H. (23 tuổi) - mẹ bé T.A. - cho biết lúc phát bệnh bé sốt cao, ho liên tục, thở khò khè, các dấu hiệu này mỗi ngày một trầm trọng. Sau đó, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, nhập viện tại đây một tháng mà bệnh tình không thuyên giảm. Lo lắng, gia đình đề nghị chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP, tiếp tục điều trị cho bé T.A. hơn 1 tháng qua. Sau hơn 2 tháng dài chống chọi với bệnh viêm tiểu phế quản, hiện sức khỏe bé A. dần ổn định.

Trường hợp bé T. thì đã hơn một tháng kể từ khi chào đời, bé T. phải nằm gần một tháng vì bị viêm tiểu phế quản. Hiện tình trạng bé vẫn còn nặng, phải thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi), phải theo dõi sát sao.

Theo thống kê của khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng TP, hiện khoa đang điều trị khoảng 100 bệnh nhi điều trị nội trú, ngoại trú mắc các bệnh lý hô hấp. Trong đó có hơn 20 bệnh nhi nhiễm virút hợp bào hô hấp điều trị nội trú phải thở oxy, thở NCPAP, thậm chí thở máy. So với những tháng trước, số ca trẻ mắc bệnh lý này đã giảm nhưng lại xuất hiện nhiều ca bệnh rất nặng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), TS Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp bệnh viện này - cũng cho biết khoa đang điều trị nhiều bệnh nhi viêm tiểu phế quản dù đang ở thời điểm cuối mùa.

Dễ lây lan và "ưa" trẻ con

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - cho hay virút hợp bào hô hấp gây bệnh quanh năm, thường bùng phát từ tháng 8 đến tháng11. Chúng lây lan rất nhanh trong cộng đồng, gây bệnh cả người lớn và trẻ em qua tiếp xúc trực tiếp, chạm phải chất dịch hay hít phải không khí có nhiễm virút (Tuổi trẻ, trang 15).

 

Thực hiện tự chủ tài chính: Phát huy tính năng động của các bệnh viện

Việc thực hiện giao quyền tự chủ và chính sách xã hội hóa ngành y đã giúp cho các bệnh viện phát triển, mở rộng các dịch vụ kỹ thuật hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần giúp bệnh nhân thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng cao, không phải vất vả ra nước ngoài chữa bệnh.

Là một trong những đơn vị thực hiện tự chủ tài chính, GS.TS. Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, cơ chế tự chủ đã phát huy tính năng động của bệnh viện, khuyến khích và tạo điều kiện trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phát triển các hoạt động sự nghiệp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại, đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Đồng thời, Giám đốc Bệnh viện K cũng thẳng thắn nêu rõ, thực hiện tự chủ không có nghĩa là chạy theo lợi ích kinh doanh, tìm mọi cách tăng nguồn thu, điều quan trọng nhất là tạo uy tín để thu hút người dân, người bệnh đến với bệnh viện; xem người bệnh là trung tâm. Do vậy, ngoài công tác chuyên môn, triển khai dịch vụ kỹ thuật mới, trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, đổi mới tinh thần thái độ phục vụ tiến đến sự hài lòng của người bệnh, môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, an ninh đều hết sức quan trọng. Chính vì thế, bệnh viện luôn chú trọng việc đào tạo, đào tạo liên tục và đào tạo lại đội ngũ y, bác sĩ, người lao động về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp để nâng cao chất lượng phục vụ, sánh ngang với các bệnh viện trong khu vực và quốc tế, làm sao để người Việt Nam không mất hàng tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh.

Bệnh viện Nhi TW cũng đã thực hiện tự chủ tài chính nhiều năm qua. Theo ông Trịnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TW, cơ chế tự chủ tài chính giúp bệnh viện chủ động nguồn tài chính, đáp ứng đầy đủ và kịp thời các hoạt động chuyên môn, phát triển chuyên môn kỹ thuật; triển khai dịch vụ kỹ thuật mới chuyên sâu.

Bệnh viện cũng đã dành nguồn kinh phí để nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trên thế giới cũng như cải tiến kỹ thuật để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh... Từ tự chủ tài chính, bệnh viện đã dành một nguồn kinh phí đáng kể để đào tạo cán bộ tại chỗ, đào tạo cán bộ, viên chức của mình. “Với việc tăng sự hài lòng của người bệnh qua từng năm, bệnh viện đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong nâng cao chất lượng bệnh viện, hiện đang đạt 4,25 điểm trong Bộ 83 Tiêu chí chấm điểm của Bộ Y tế. Là bệnh viện đầu ngành về nhi khoa, Bệnh viện Nhi TW luôn trong tình trạng quá tải, nhưng hiện bệnh viện đã đạt đến chuẩn 4 sao. Cơ chế tự chủ tài chính đã giúp đời sống cán bộ, nhân viên y tế, người lao động được nâng lên”, ông Hải thông tin.

Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện chính sách tự chủ bệnh viện, ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc thực hiện giao quyền tự chủ và chính sách xã hội hóa ngành y đã giúp cho bệnh viện phát triển, mở rộng các dịch vụ kỹ thuật hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực góp phần giúp bệnh nhân được khám chữa bệnh với chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc tự chủ tài chính giúp bệnh viện làm chủ được về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các kỹ thuật mới hiện đại.

Nhờ thực hiện Nghị định 43/NĐ-CP, hoạt động liên doanh, liên kết xã hội hóa trang thiết bị y tế đã lựa chọn được liên doanh liên kết hiện đại, tiên tiến, mới 100% có giá trị lớn mà ngân sách nhà nước chưa đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, trình độ chuyên môn của bệnh viện, đồng thời có thể giúp cho bệnh nhân phát hiện được các bệnh hiểm nghèo mà không phải tốn kém khi ra nước ngoài khám chữa bệnh. Việc thực hiện tự chủ cũng góp phần làm đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh theo yêu cầu như khám yêu cầu theo chuyên khoa, khám và điều trị trong ngày, khám tại khoa khám bệnh theo yêu cầu, giường bệnh theo yêu cầu (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Dùng thuốc và ăn uống tùy tiện, cụ ông xuất hiện 2 khối bã khủng trong dạ dày

Ngày 27-11, các bác sĩ khoa Nội soi - Thăm dò chức năng (Bệnh viện E) đã tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nam (71 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có 2 khối bã thức ăn “khủng” trong dạ dày do thói quen ăn uống và sử dụng thuốc đông y tùy tiện. 

Theo như người nhà bệnh nhân, cách đây không lâu, người bệnh có xuất hiện những cơn đau âm ỉ ở vùng thượng vị. Do có tiểu sử ho ra máu, nên bệnh nhân đã dùng thuốc để cầm máu. Tuy nhiên, cơn đau không thuyên giảm mà có chiều hướng tăng. Gần đây, bệnh nhân xuất hiện những cơn đau quặn, đầy bụng, ăn kém, không tiêu, gầy sút, nôn ra nhiều dịch màu xanh đen… nên gia đình đưa đến Bệnh viện E cấp cứu. Kết quả nội soi cho thấy, bệnh nhân bị loét thực quản do trào ngược nhiều, viêm loét hang vị-ống môn vị.

Điều bất ngờ là trong quá trình nội soi, bác sĩ đã phát hiện ra 2 khối bã thức ăn màu xanh đen, kích thước lớn 5cm và 3 cm, tròn nhẵn, cứng chắc trong dạ dày người bệnh.

Qua hỏi bệnh được biết, thời điểm trước khi nhập, bệnh nhân ăn nhiều quả hồng ngâm. Các bác sĩ nhận định, không loại trừ khả năng bệnh nhân uống thuốc đông y, khi vào dạ dày bột thuốc quyện cùng với các thức ăn khó tiêu đã tạo nên những khối bã thức ăn kết dính “khủng” gây loét dạ dày. Thông thường những dị vật bã thức ăn lớn trong dạ dày như vậy thì bệnh nhân phải phẫu thuật mới lấy ra được. Rất may trong trường hợp này, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, các bác sĩ đã tiến hành cắt gắp khối bã thức ăn qua nội soi ống mềm và đưa ra ngoài qua đường miệng bệnh nhân thành công.

Các bác sĩ khuyến cáo, để dự phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, người dân (nhất là người cao tuổi) nên ăn thức ăn nấu chín, mềm, nhai kỹ, uống đủ nước, tập thể dục đều đặn… Cùng đó, không nên sử dụng tùy tiện các loại thuốc dạng bột hoặc dạng sắc để tránh gây phản tác dụng, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Bé trai 6 tuổi vỡ gan do cành cây xuyên thành ngực, may mắn được cứu sống

Ngày 28-11, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ của viện này vừa cấp cứu bệnh nhi Sùng A.C ( 6 tuổi, Lai Châu) được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên trong tình trạng nguy kịch, chấn thương gan độ IV.

Qua tìm hiểu, bé trai này bị tai nạn ngã cây, một cành cây chọc vào mạn sườn phải, đâm xuyên từ thành ngực qua cơ hoành vào ổ bụng trượt trên tĩnh mạch chủ dưới, xuyên từ mặt trên gan phải đến rốn gan, gây chảy máu và tổn thương nghiêm trọng.

Khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ tại khoa Điều trị tích cực Ngoại - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành hồi sức cho trẻ, truyền máu và chụp phim CT 128 dãy. Kết quả cho thấy gan phải của bé C có ổ đụng dập, có tổn thương động mạch và tĩnh mạch gan, cần phải phẫu thuật cấp cứu ngay.

TS.BS Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, đồng thời cũng là người trực tiếp phẫu thuật cho bé C cho biết, trong quá trình phẫu thuật, nhận thấy đây là dạng tổn thương phức tạp, lá gan không thể bảo tồn nên các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt gan phải để cứu tính mạng của cháu bé.

Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ căng thẳng. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và  phối hợp của ê kíp phẫu thuật, ca phẫu thuật đã diễn ra suôn sẻ. Dù vậy, do tình trạng sức khỏe bé C. rất yếu, sau phẫu thuật bệnh nhi phải nằm hồi sức tích cực suốt12 ngày trong tình trạng nguy hiểm. Cháu bị suy gan, suy thận, rối loạn đông máu. May mắn, sau thời gian được các bác sĩ tích cực chăm sóc, hiện tại bé C đã qua giai đoạn nguy kịch. Cháu tỉnh táo, có thể tự thở và nói chuyện được (An ninh thủ đô, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang