Hơn 98% người dân TP.HCM có kháng thể phòng ngừa Covid-19
Một nghiên cứu tại TP.HCM chỉ ra rằng hơn 98% người dân TP.HCM có kháng thể ngừa Covid-19, do đó, người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi nên đi tiêm vắc xin để đảm bảo miễn dịch ngăn ngừa bệnh.
Sáng 28.11, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, công trình khoa học điều tra cắt ngang khảo sát tình hình miễn dịch cộng đồng của người dân TP đối với vi rút SARS-CoV-2, do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện vào tháng 9.2022 cho thấy, có hơn 98% người dân TP.HCM có kháng thể phòng ngừa Covid-19.
Theo người đứng đầu Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu quan trọng và rất thiết thực đó là triển khai công trình nghiên cứu khoa học để đánh giá mức độ miễn dịch cộng đồng của người dân TP để biết được tỷ lệ người dân có miễn dịch chống lại vi-rút SARS-CoV-2 (do đã mắc bệnh hoặc do đã tiêm vắc xin). Việc làm này có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở khoa học để thuyết phục người dân phải tiêm vắc xin nếu tỷ lệ có kháng thể chưa cao, đồng thời cũng là cơ sở khoa học để kêu gọi người dân tiêm nhắc lại theo đúng quy định để duy trì khả năng miễn dịch nếu tỷ lệ có kháng thể tại thời điểm khảo sát đã ở mức bảo vệ cộng đồng.
Do đó, vào tháng 9.2022, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên có bảo đảm tính đại diện cao về độ tuổi (từ 0 đến trên 70 tuổi), giới tính và các khu vực địa lý khác nhau trên địa bàn TPHCM.
Tổng cộng có 839 đối tượng đã được thu thập mẫu huyết thanh để tiến hành đo các kháng thể kháng protein N (anti-N protein) nhằm đánh giá tỷ lệ người dân đã từng nhiễm SARS-CoV-2 và tỷ lệ người dân có kháng thể kháng protein S (anti-Spike protein) nhằm đánh giá người dân đã có kháng thể phòng ngừa, bảo vệ do được chủng ngừa Covid-19 hoặc nhiễm bệnh trước đó.
Kết quả cho thấy, có 88,2% trong tổng số 839 mẫu thu nhận có kháng thể kháng N protein; có đến 98,7% người dân đã có kháng thể kháng protein S từ nhiễm tự nhiên hoặc đã tiêm vaccine.
“Từ đây có thể kết luận rằng tính đến tháng 9.2022, đã có 88% người dân TP.HCM đã từng nhiễm SARS-CoV-2. Dựa vào tình hình dịch tễ chung của TP.HCM và thời điểm mở cửa trường học là sau tết Nhâm Dần (tháng 3.2022), cùng lúc với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, có thể nhận định làn sóng Omicron là tác nhân chính của việc nhiễm tự nhiên ở người dân trên địa bàn TP.HCM”, lãnh đạo Sở Y tế nhận định.
Sở Y tế cho rằng, có đến 98,7% người dân đã có kháng thể kháng protein S (từ nhiễm tự nhiên hoặc do tiêm vắc xin). Tỷ lệ này cũng khá tương đồng ở tất cả các địa bàn được khảo sát của TP.
Tỷ lệ cao người dân có kháng thể cho biết độ phủ của vắc xin cũng như vai trò của nhiễm tự nhiên trong việc tạo kháng thể kháng SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Chỉ còn một tỷ lệ rất nhỏ (1,3%) người dân là không có kháng thể kháng protein S (nồng độ kháng thể ở mức dưới ngưỡng phát hiện của kỹ thuật xét nghiệm). Tuy nhiên điều này cũng không đồng nghĩa với việc họ không được bảo vệ trước SARS-CoV-2 vì đợt khảo sát này không đánh giá đáp ứng miễn dịch tế bào (nếu đã có đáp ứng miễn dịch tế bào thì ngay sau khi vi rút xâm nhập vào cơ thể, các tế bào Lympho B nhớ sẽ kích hoạt lập tức và sản xuất ra kháng thể, đồng thời các tế bào Lympho T cũng kích hoạt và tiêu diệt vi rút).
Khi phân tích nồng độ kháng thể kháng protein S ở nhóm tuổi 12 trở xuống, kết quả cho thấy nhóm này có xu hướng thấp hơn so với các nhóm tuổi còn lại. Điều này cũng phù hợp với thực tế về độ phủ vắc xin ở nhóm này thấp hơn so với các nhóm tuổi còn lại. Tuy nhiên, mức ngưỡng nồng độ kháng thể dương tính là bao nhiêu thì bảo đảm đạt mức độ bảo vệ trước biến chủng Omicron hiện nay các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tìm hiểu, chưa có đủ cơ sở khoa học để xác định.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khảo sát diễn tiến huyết thanh học cộng đồng trong đợt tháng 12.2022 và mối liên quan giữa dữ liệu về kháng thể với mức độ nặng của bệnh theo các nhóm tuổi trên địa bàn TP để có thể xem xét đánh giá thêm mức độ hiệu quả của miễn dịch cộng đồng đối với SARS-CoV-2. (Thanh niên, trang 15).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 4: “TPHCM: Hơn 98% người dân có kháng thể SARS-CoV-2”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Hơn 98% người dân TP.HCM có kháng thể ngừa COVID-19”; Nông thôn ngày nay, trang 3: “98,7% người dân TPHCM có kháng thể ngừa COVID-19”.
Tiêu chảy do ô nhiễm vi sinh có thể gây tử vong
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, tại VN, số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp từng xếp thứ 4 trong 10 nguyên nhân dẫn đầu của bệnh nhân nhập viện.
Tiêu chảy cấp tùy theo đặc tính gây bệnh của tác nhân và cơ địa của người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi... Diễn biến của bệnh phức tạp, nếu được cấp cứu, điều trị kịp thời sẽ khỏi bệnh, thường không để lại di chứng.
Nếu không được phát hiện, điều trị sớm sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tuần hoàn… có thể tử vong (đối với người già, mắc bệnh mạn tính, trẻ em…). Trong cộng đồng, tiêu chảy cấp có thể biểu hiện là những ca bệnh lẻ tẻ, cũng có thể thành vụ dịch bệnh hoặc vụ ngộ độc thực phẩm.
Nguyên nhân của hội chứng tiêu chảy cấp rất phong phú, có thể do tác nhân sinh học (vi khuẩn và độc tố, vi rút đường tiêu hóa, ký sinh trùng, vi nấm), do tác nhân hóa học (các độc tố tự nhiên, hóa chất độc nhưng hay gặp nhất là do vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn gây bệnh hay gặp như Salmonella, Streptococcus, E.coli, Staphylococcus aureus, Vibrio cholerae, Vibrio parahaemolyticus, Shigella…; vi rút rota, giun, sán…), hóa chất độc hại (thuốc bảo vệ thực vật, chất hóa học độc hại sinh ra do thực phẩm biến chất…), độc tố tự nhiên (nấm độc, độc tố cá nóc, cóc, độc tố gây tiêu chảy cấp ở hải sản, độc tố nấm mốc…).
Nguy cơ tiêu chảy cấp trong cộng đồng liên quan rất chặt chẽ và tăng cao trong điều kiện khí hậu, ô nhiễm môi trường sống, nguồn thực phẩm bị ô nhiễm, nguồn nước ăn uống thiếu và không bảo đảm vệ sinh, điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm, vệ sinh chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân không bảo đảm, thói quen tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Để ngừa tiêu chảy cấp do thực phẩm, cần lựa chọn rau củ quả, thịt cá, thực phẩm đã qua chế biến, đồ uống phải có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực phẩm tươi sống phải được sơ chế sạch sẽ trước khi chế biến, nấu ăn. Thức ăn nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi nấu.
Nếu thức ăn chín đã quá 4 giờ mà không được bảo quản (giữ liên tục nóng trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C), phải nấu kỹ lại trước khi ăn. Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn để sơ chế, nấu ăn; không để có sự tiếp xúc giữa thực phẩm sống và thức ăn chín, thức ăn ăn ngay; không dùng chung dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm sống và thức ăn chín. Thực hiện ăn chín, uống chín; không ăn tái, ăn sống thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn như tiết canh, gỏi ca...
6 nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm
- Giữ vệ sinh sạch sẽ
- Bảo quản riêng biệt thức ăn chín và sống
- Nấu kỹ thức ăn
- Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp
- Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống
- Luôn nhớ rửa tay thật sạch trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn. (Thanh niên, trang 15).
Báo động gia tăng bệnh không lây nhiễm
Bệnh không lây nhiễm (KLN) được xem là một trong những vấn đề sức khỏe thời đại, khi số người mắc bệnh không ngừng gia tăng, để lại hậu quả nặng nề nhưng nhiều người dân vẫn chưa ý thức được mức độ nguy hiểm.
Bệnh diễn tiến âm thầm
Thời gian gần đây, chị Võ Minh Tâm (32 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) thường xuyên cảm thấy cơ thể mệt mỏi, sụt cân, da sạm đen… Đi khám, chị được bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu. Kết quả, lượng đường trong máu của chị Tâm là 120mg/Dl, bác sĩ kết luận chị bị tiền đái tháo đường, nếu không điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động thì sẽ chuyển sang đái tháo đường type 2. Tương tự, 2 tháng nay, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (45 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn. Do hơi thừa cân và hay nhậu nhẹt nên anh Tuấn nghĩ mình mắc bệnh tiêu hóa. Tuy nhiên, sau khi đến bệnh viện, các bác sĩ đã chuyển anh sang khoa tim mạch để điều trị.
Theo số liệu điều tra năm 2021 của Bộ Y tế, các bệnh KLN ở Việt Nam đang có sự gia tăng đáng báo động. Cụ thể, có khoảng 17 triệu người dân bị tăng huyết áp, chiếm 26,2% dân số. Đái tháo đường cũng chiếm tỷ lệ 7,06% dân số, tức là có 4,6 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Ước tính đến năm 2045, có 6,3 triệu người bị đái tháo đường và 7,9 triệu người bị tiền đái tháo đường. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chiếm 4,2% dân số và khoảng 354.000 người mắc bệnh ung thư. Như vậy, có khoảng 23 triệu người dân Việt Nam mắc bệnh KLN. Đặc biệt, các bệnh lý tim mạch đang có xu hướng tăng mạnh. Theo GS-TS-BS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ người dân mắc các bệnh tim mạch tăng lên, trong đó tăng nhiều nhất là tai biến mạch máu não và bệnh động mạch vành.
Với việc gia tăng mắc các bệnh lý KNL, tình trạng tử vong, tàn tật và gánh nặng bệnh tật cũng đang trở nên đáng báo động. Thống kê cho thấy, số người tử vong do các bệnh KLN chiếm khoảng 81% tổng số các ca tử vong, tỷ lệ người dưới 70 tuổi tử vong do các bệnh KLN là 41,3%, gánh nặng bệnh tật do bệnh KLN chiếm khoảng 73,7%.
Thay đổi lối sống trước khi quá muộn
Các chuyên gia cho rằng, lối sống, thói quen sinh hoạt ảnh hưởng lớn đến sự gia tăng của các bệnh KLN. Đây là những bệnh cần điều trị suốt đời và theo dõi trong thời gian dài, điều này làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng. Các bệnh KLN phổ biến có chung 4 yếu tố nguy cơ, đó là hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý (như ăn thừa muối, dư béo, thiếu rau xanh…). Một khảo sát toàn quốc về các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh KLN công bố năm 2020 cho thấy, 50,6% nam giới hút thuốc, 77% nam giới uống rượu bia. Tỷ lệ dân số thừa cân là 15,6%, và 18,9% dân số bị tăng huyết áp. Đáng chú ý, hầu hết nam giới tại Việt Nam có một nguy cơ và hơn một nửa có từ 2 nguy cơ trở lên. Những yếu tố nguy cơ này đa phần tập trung ở những người trẻ. Do đó, tỷ lệ mắc các bệnh KLN đang gia tăng báo động ở bệnh nhân trẻ.
GS-TS-BS Nguyễn Lân Việt nhìn nhận, bệnh KLN thường là những căn bệnh diễn tiến âm thầm và không có nhiều dấu hiệu rõ ràng để người mắc có thể phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu hiểu đúng về bệnh, mỗi người có thể tự phòng tránh và biết được những nguy cơ để tầm soát từ sớm, hạn chế nguy cơ mắc phải cũng như giảm thiểu tàn tật và tử vong sớm do những căn bệnh này gây ra. Để điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm, cần 2 yếu tố chính: đó là sự hiệu quả của các phương pháp điều trị và sự tuân thủ của người bệnh. Sau khi bệnh nhân điều trị ổn định những cơn đau cấp thì cần duy trì điều trị ở giai đoạn sau đó. Vì phải điều trị bệnh trong một thời gian dài, chi phí cao, do vậy bệnh nhân nên mua bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình.
Để phòng tránh sự xuất hiện của các bệnh KLN, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, như bỏ thuốc lá, tăng cường vận động thể lực, tích cực tham gia thể dục thể thao, hạn chế rượu bia và có chế độ ăn uống hợp lý... Trong đó, hạn chế muối, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, đồ xào rán, đồ uống ngọt, có gas, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi… Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý KLN.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa có quyết định hỗ trợ TPHCM triển khai gói can thiệp thiết yếu về bệnh KLN trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của WHO, thông qua hệ thống y tế cộng đồng. Với cách làm này, trạm y tế phường, xã cùng với mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là nơi triển khai các hoạt động tầm soát, chăm sóc các bệnh KLN cho cộng đồng. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Khai giảng khóa đào tạo ngành y chuẩn Châu Âu
Sáng 28-11, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khai giảng lớp Y Việt-Đức năm học 2022 - 2023. Dịp này, trường thành lập Chi hội Hữu Nghị Việt - Đức trực thuộc Hội Hữu nghị Việt - Đức TPHCM. Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, Trường Đại học Y khoa Johannes Gutenberg, Đại học Mainz - CHLB Đức.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch bày tỏ mong muốn thế hệ tân sinh viên của khoa Y Việt - Đức sẽ cố gắng phấn đấu học tập tốt, trở thành những bác sĩ giỏi, làm cầu nối về chuyên môn và văn hoá cho Việt Nam và CHLB Đức. Hợp tác quốc tế luôn là một trong những thế mạnh của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Trường đã và đang có những chương trình hợp tác trung hạn và dài hạn với nhiều đối tác nước ngoài.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y học Phạm Ngọc Thạch thông tin, Khoa Y Việt - Đức là mô hình đào tạo hợp tác y khoa theo chuẩn châu Âu duy nhất tại Việt Nam, nhằm đào tạo bác sĩ y khoa trình độ châu Âu. Theo đó, sinh viên sẽ học 5 năm tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và 15 tháng thực hành trong bệnh viện tại CHLB Đức.
Khóa đào tạo đầu tiên có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt 100% gồm 26 bác sĩ. Trong đó, có 23 bác sĩ làm việc tại CHLB Đức và 3 bác sĩ trở về công tác tại Việt Nam. Tổng sinh viên đã tốt nghiệp 3 khóa năm 2013, 2014, 2015 là 58 bác sĩ. Hiện tại, 54 bác sĩ đang làm việc và học chuyên khoa Sau đại học và 4 bác sĩ tiếp tục làm việc tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một chương trình đào tạo sinh viên y khoa tại Việt Nam kết hợp với một đại học y khoa của Đức được công nhận và có trình độ tương đương với chương trình học Y khoa ở Đức. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Dự trữ đủ thuốc dịp Tết
Ngày 28-11, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có công văn về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu các sở t tế các tỉnh thành phố trong cả nước chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc. Đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến; chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, phục vụ công tác cấp cứu; phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 và thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa đông - xuân như: sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa.
Đồng thời chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.
Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Đặc biệt chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành, tình trạng găm hàng, tăng giá và xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện.
Các doanh nghiệp, nhà thuốc kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24 giờ để kịp thời đáp ứng nhu cầu thuốc của người bệnh.(Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Bộ Y tế yếu cầu không để thiếu thuốc, tăng giá đột biến dịp Tết”; Công an Nhân dân, trang 1: “Không để thiếu thuốc, tăng giá đột biến trong dịp Tết”.
Nguy cơ ''bệnh chồng bệnh'' ở người cao tuổi
Hiện đang là thời điểm lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm, như: Sốt xuất huyết, cúm, Covid-19, vi rút hợp bào hô hấp (RSV)… Vì vậy, người cao tuổi, nhất là những người có các bệnh mạn tính dễ đối mặt với nguy cơ “bệnh chồng bệnh” do hệ miễn dịch bị suy giảm.
Dễ tái phát và nhiễm bệnh nặng
Mắc sốt xuất huyết và được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng tiểu cầu giảm thấp xuống 3G/L (ở mức độ nghiêm trọng) nhưng không có dấu hiệu xuất huyết, ngay lập tức, bà N.T.M.H. (65 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) được bác sĩ chỉ định truyền tiểu cầu. Bệnh nhân H. chia sẻ: “Tôi từng mắc Covid-19, lại đang phải sử dụng thuốc điều trị tiểu đường và tim mạch. Khi biết mình mắc sốt xuất huyết, tôi vô cùng lo lắng. May mắn, được cấp cứu kịp thời, nên hiện sức khỏe của tôi đã hồi phục”.
Hiện, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm. Khác với những mùa dịch trước, năm nay có một lượng lớn bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Trong 15 ca tử vong do sốt xuất huyết được ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương từ đầu tháng 5-2022 đến nay, trường hợp nhiều tuổi nhất là 82 tuổi. Nguyên nhân tử vong là do bệnh nhân nhập viện muộn, không thể cứu chữa.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong, có đến 50% bệnh nhân có dấu hiệu sốc từ rất sớm. Nhiều ca rơi vào tình trạng sốc từ ngày thứ 3 của bệnh, trong khi thông thường, tình trạng này xảy ra ở ngày thứ 5 đến ngày thứ 7.
“Người cao tuổi, người có bệnh nền chính là đối tượng dễ bị nặng khi mắc sốt xuất huyết. Thế nhưng, người dân lại cho rằng, cứ phải có triệu chứng xuất huyết thì mới là sốt xuất huyết. Trong khi trên thực tế, nhiều bệnh nhân không có biểu hiện xuất huyết nhưng vẫn giảm tiểu cầu và tử vong. Do đó, người dân cần vào bệnh viện sớm hơn, từ khi có dấu hiệu sốt, đợi đến khi có xuất huyết thì bệnh đã trở nặng”, bác sĩ Phạm Văn Phúc lưu ý.
Không chỉ sốt xuất huyết, thời điểm này, số người mắc cúm hay các bệnh viêm đường hô hấp khác cũng đang gia tăng. Với người cao tuổi, khi hệ hô hấp bị tổn thương do một mầm bệnh thì rất có thể họ sẽ đồng nhiễm hoặc bội nhiễm thêm 2-3 tác nhân khác.
Bà Đ.T.T. (61 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cấp cứu trong tình trạng ho nhiều, đau tức vùng ngực, suy hô hấp, tím tái. Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định trợ thở bằng máy. Cách đây 2 tuần, bà T. mắc cúm A và được gia đình đưa đến một bệnh viện ở gần nhà khám và điều trị. Chỉ vài ngày sau khi sức khỏe bình phục và được xuất viện về nhà, bà lại tái phát cơn ho nặng hơn, khó thở và phải tái nhập viện. Lần này, kết quả xét nghiệm cho thấy, bà T. nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (RSV).
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi trung ương, thời điểm này, số lượng bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan đến đường hô hấp gia tăng. Bệnh nhân có thể mắc bệnh giống lần trước hoặc có thể khác lần trước nên cần đến gặp bác sĩ để được khám và đánh giá chính xác.
“Lá chắn“ chống lại bệnh tật
Người bệnh có bệnh lý tim mạch, nếu mắc thêm một bệnh lý truyền nhiễm thì tỷ lệ tử vong có thể tăng cao lên 5 lần. Người có bệnh lý nền về hô hấp mắc cúm, phế cầu… tăng nguy cơ tử vong lên 12 lần. Nếu người có đồng thời cả 2 bệnh nền hô hấp và tim mạch, khi mắc thêm một bệnh truyền nhiễm thì nguy cơ tử vong tăng 20 lần. Không chỉ nhiễm một vi rút hoặc vi khuẩn, người cao tuổi, người có bệnh nền còn rất dễ bị bội nhiễm. Chính vì vậy, người cao tuổi cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp, như: Đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm hô hấp, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý... Mặt khác, tiêm vắc xin tăng cường đề kháng hệ hô hấp là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có đến 1,5 triệu người tử vong vì các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà có thể dự phòng bằng vắc xin. Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC khuyến cáo, người cao tuổi, người có bệnh nền cần tiêm vắc xin phòng bệnh càng sớm càng tốt. Đây chính là “lá chắn” vững chãi để chống lại bệnh tật. Người cao tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng viêm phổi, như: Phế cầu, cúm mùa, Covid-19… Riêng vắc xin cúm cần tiêm nhắc lại hằng năm. Ngoài ra, người cao tuổi, người có bệnh nền cũng cần tiêm vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván để tăng cường miễn dịch.
“Sau 3 năm dịch Covid-19, số người cao tuổi quan tâm đến những vắc xin để phòng bệnh ngày càng nhiều. Bởi, khi tiêm một mũi vắc xin không chỉ giúp bản thân tránh khỏi bệnh truyền nhiễm đó mà còn giúp phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng, đồng thời giảm chi phí và gánh nặng y tế”, bác sĩ Bùi Thanh Phong nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 5).
Dồn tổng lực thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, nghĩa là để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng…
Sáng 26/11/2022, tại Bắc Ninh, Bộ Y tế phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh đã tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 (1/12).
Phấn đấu đạt 3 mục tiêu 95-95-95 hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 03 mục tiêu 95-95-95 là:
1. 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình;
2. 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV;
3. 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.
Đến nay mục tiêu 95 thứ 3 đã đạt được là 96%. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỷ lệ này. Hai mục tiêu đầu lần lượt là 86% và 80%. Điều này cho thấy, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn nhiều việc cần làm để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Tình hình dịch HIV từ năm 2020 đến nay đang có xu hướng gia tăng. Nếu trước đây giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, Việt Nam phát hiện khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV mỗi năm thì trong 02 năm qua, mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV, nhưng mỗi năm vẫn có hơn 13.000 trường hợp nhiễm mới HIV được báo cáo.
Đáng lưu ý là xu hướng dịch HIV đang thay đổi: Từ lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu chuyển sang lây truyền HIV qua đường tình dục. Trong các trường hợp nhiễm mới HIV, có 85% là nam giới và gần 50% trong độ tuổi trẻ (16-29 tuổi). Nam quan hệ tình dục đồng giới là nhóm nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay. Tại một số địa phương, có 60% đến 80% số người nhiễm HIV mới được phát hiện là nam quan hệ tình dục đồng giới.
Áp dụng nhiều mô hình sáng kiến trong phòng chống HIV
Thời gian qua, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; thực hiện mở rộng độ bao phủ và cung cấp các dịch vụ HIV có chất lượng; thực hiện các giải pháp đảm bảo tính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS như huy động nguồn tài chính từ Quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách địa phương thông qua Đề án bảo đảm tài chính về phòng, chống HIV/AIDS tại từng tỉnh, thành phố.
Nhiều mô hình, sáng kiến về các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng triển khai để phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới. Những thành công, kinh nghiệm, thực hành tốt của Việt Nam đã được lựa chọn để báo cáo, chia sẻ với các quốc gia khác trên các diễn đàn Quốc tế. Ước tính từ năm 2001 đến nay, việc triển khai các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS đã cứu được hơn 960.000 người không bị nhiễm HIV tại Việt Nam.
Ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng UNAIDS, Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, nhờ duy trì liên tục vai trò lãnh đạo, cam kết và các hành động mạnh mẽ, quyết liệt trong phòng, chống HIV/AIDS – bao gồm trong hai năm vất vả phòng, chống COVID-19 vừa qua – Việt Nam đã thành công trong việc đẩy mạnh hơn nữa việc đưa vào thí điểm và triển khai mở rộng các sáng kiến mới, lấy con người làm trọng tâm trong phòng, chống HIV/AIDS, trở thành điểm sáng trong áp dụng các sáng kiến mới.
Có thể kể đến đề án cấp phát thuốc methadone nhiều ngày, sáng kiến phân phát test để tự xét nghiệm HIV qua mạng internet, cấp phát thuốc ARV nhiều ngày và tốc độ mở rộng rất ấn tượng độ bao phủ dịch vụ dự phòng HIV trước phơi nhiễm HIV (PrEP) mà gần đây nhất là phát động chương trình cung cấp PrEP từ xa… Những bước tiến này sẽ không thể đạt được nếu thiếu cam kết chính trị và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ trong phòng chống HIV của Việt Nam.
Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng
Đó là chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay. Chủ đề này phù hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam khi mà các bạn trẻ là lực lượng cần quan tâm trong thời gian tới để đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Điều này có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động, tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị:
- Lãnh đạo các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đầu tư, phân bổ ngân sách bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
- Đoàn thanh niên các cấp cần nâng cao nhận thức cho thanh niên về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS. Mỗi đoàn viên, thanh niên phải là một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống HIV/AIDS. Mỗi tổ chức đoàn phải có các sáng kiến, các mô hình phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, hiệu quả, thân thiện với thanh niên. Trong đó chú ý nhóm thanh niên trẻ tuổi trong khu vực trường học, khu công nghiệp.
-Ngành y tế tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS: Người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận sớm với xét nghiệm HIV; người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với điều trị bằng thuốc kháng virus và điều trị các bệnh đồng nhiễm HIV/Lao, HIV/Viêm gan C.
-Đẩy mạnh truyền thông và can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV; tổ chức đánh giá kết quả triển khai Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày; mở rộng cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày sau thí điểm...
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã tặng quà cho trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Nâng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu: Không để tác động đến người nghèo
Theo khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện công lập tại Dự thảo Thông tư của Bộ Y tế, giá khám bệnh cao nhất có thể lên tới 300 nghìn đồng/lượt và chi phí giường bệnh tối đa lên đến 3 triệu đồng/ngày. Làm thế nào để bệnh nhân nghèo không bị ảnh hưởng là bài toán mà chính các bệnh viện cũng chưa tìm ra đáp án chung.
Liên quan đến Dự thảo Thông tư hướng dẫn đang được Bộ Y tế xây dựng, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu là phù hợp với thực tiễn. Theo ông, cần có hướng dẫn chung của Bộ Y tế để thống nhất giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trên toàn quốc để áp dụng đồng bộ, tránh tình trạng mỗi bệnh viện một giá và xảy ra tình trạng tận thu.
Theo giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, giá khám bệnh theo yêu cầu dành cho những người có điều kiện lựa chọn và tình nguyện chi trả khi mong muốn được khám bởi các giáo sư, bác sĩ mà người bệnh tin tưởng, hoặc được nằm phòng riêng. Đây là yêu cầu thực tiễn đang diễn ra.
"Các dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản khác đã có giá do Nhà nước quy định, giá khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Số đông người bệnh đến khám và điều trị vẫn được cơ sở y tế đảm bảo chăm sóc sức khỏe chu đáo. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ không có chuyện xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu rồi bỏ rơi người nghèo hoặc người khám bệnh bảo hiểm y tế” - TS.BS Nguyễn Tri Thức nói.
Cho rằng, việc xây dựng giá khám bệnh theo yêu cầu cần phải căn cứ theo thực tiễn của các bệnh viện, TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng TPHCM nói: “Việc xây dựng giá không nên cào bằng mà phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng bệnh viện. Bệnh viện được đầu tư hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại và bác sĩ giỏi chuyên môn cần có mức giá tốt hơn so với bệnh viện đã xuống cấp. Nếu đưa ra khung giá cố định thì có bệnh viện sẽ bị thiệt nhưng có bệnh viện sẽ được hưởng lợi”.
TS Phan Minh Hoàng còn cho rằng, tác động của việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu là cần thiết. Khi giá dịch vụ khám chữa bệnh cải thiện thì người có tiền sẽ được hưởng dịch vụ tương xứng với khả năng tài chính. Các bệnh viện sẽ tăng thêm được nguồn thu và tái cấu trúc cả về cơ sở vật chất lẫn chuyên môn của toàn bệnh viện, giúp cho người nghèo cũng được hưởng lợi từ chính sách này.
Tuy hưởng ứng việc xây dựng khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu theo Dự thảo của Bộ Y tế nhưng BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) cho biết sẽ không vội vàng áp dụng.
“Đây là nhu cầu chính đáng của cả người dân và cơ sở y tế từ trước đến nay và cũng tạo điều kiện để bệnh viện công tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho cán bộ viên chức và người lao động.
Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, đời sống nhân dân cũng còn nhiều khó khăn. Nếu thông tư được ban hành, áp dụng, chúng tôi cũng chỉ đưa ra mức giá vừa túi tiền của người dân để phục vụ số đông trong cộng đồng. Việc nâng cao chất lượng là quan trọng nhưng nếu cơ sở vật chất, hạ tầng, chuyên môn không tốt thì người bệnh sẽ không đến”, BS Khanh nhận xét.
Cần tính đúng, tính đủ
Trong khi đó, giám đốc một bệnh viện hạng 1 tại TPHCM (xin giấu tên) cho rằng, việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu không thể giải quyết được khó khăn của bệnh viện.
Hiện nay, lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị theo bảo hiểm y tế chiếm từ 80 đến 90% lượng bệnh nhân đến khám. Số lượng bệnh nhân cần thụ hưởng dịch vụ theo nhu cầu chỉ chiếm khoảng 10 - 20%, nếu áp dụng theo khung giá mới của dự thảo đang lấy ý kiến thì khoản thu ở mức cao nhất từ dịch vụ chiếm khoảng 25% trong tổng nguồn thu của một cơ sở y tế.
Mặt khác, khi giá khám theo yêu cầu tăng thì khả năng đáp ứng của người bệnh sẽ giảm. Nguồn thu tăng thêm của các bệnh viện để cải thiện đời sống và giữ chân cán bộ y tế bằng phương án này là rất khó. Do đó, điều chỉnh giá dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện công chỉ giải quyết được bài toán thống nhất giá dịch vụ đang áp dụng thu chung trên cả nước.
Để giải quyết căn cơ khó khăn của các bệnh viện hiện nay, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho rằng có giá dịch vụ theo yêu cầu thì tốt nhưng điều quan trọng để tháo gỡ khó khăn chung của các bệnh viện là những yếu tố cấu thành giá khám chữa bệnh nói chung phải được tính đúng, tính đủ, được bảo hiểm y tế chi trả. (Tiền phong, trang 10).
Nghiêm cấm lập khống hồ sơ, chứng từ thanh toán bảo hiểm y tế
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện chỉ thực hiện kê đơn, cấp thuốc khi có người bệnh BHYT đến khám, điều trị, nghiêm cấm hành vi lập khống hồ sơ, chứng từ thanh toán BHYT.
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành công văn số 5291/SYT-NVY về việc tăng cường kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), thực hiện dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2022 gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn.
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi người bệnh có thẻ BHYT, quản lý và sử dụng hiệu quả kinh phí khám, chữa bệnh BHYT, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm việc đối chiếu thẻ BHYT (thẻ giấy, thẻ điện tử) và giấy tờ tùy thân của người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh theo đúng quy định.
Đồng thời, khẩn trương triển khai tiếp đón khám bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp.
Đặc biệt, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở chỉ thực hiện kê đơn, cấp thuốc khi có người bệnh BHYT đến khám, điều trị; nghiêm cấm hành vi lập khống hồ sơ, chứng từ thanh toán BHYT;
Thực hiện chỉ định dịch vụ xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế hợp lý, phù hợp với tình trạng bệnh và theo hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế ban hành. Rà soát bệnh nhân nội trú nằm viện theo đúng yêu cầu chuyên môn.
“Giám đốc/thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh BHYT chịu trách nhiệm trước pháp luật và Sở Y tế nếu để xảy ra tình trạng lập hồ sơ, chứng từ khống thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại đơn vị” - văn bản của Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh. (An ninh Thủ đô, trang 6).