Trao vật tư y tế của Quốc hội Việt Nam tặng nghị viện một số nước
Chiều 28-5, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trao vật tư y tế của Quốc hội Việt Nam tặng nghị viện một số nước châu Phi, Trung Đông (gồm An-giê-ri, I-ran, Mô-dăm-bích, Pa-le-xtin, Nam Phi) và Hội Chữ thập đỏ Ấn Độ.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, trong quá trình ứng phó đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu từ nhiều quốc gia bạn bè, cộng đồng quốc tế. Với tinh thần hợp tác quốc tế, nhằm chia sẻ một phần khó khăn với nghị viện các nước châu Phi, Trung Đông và nhân dân các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, hy vọng món quà của Quốc hội Việt Nam sẽ góp phần giúp nhân dân các nước sớm chiến thắng đại dịch.
Thay mặt đại sứ các nước nhận vật tư y tế, Đại sứ Pa-le-xtin tại Việt Nam Xa-a-đi Xa-la-ma đánh giá cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam; bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với tình cảm, sự giúp đỡ quý báu mà Quốc hội, nhân dân Việt Nam dành cho nghị viện và nhân dân các nước.
* Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa có Quyết định số 643/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, tổng mức chi tối đa không quá 50% kinh phí dự phòng theo quyết định giao dự toán năm 2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đối tượng hỗ trợ gồm: Đoàn viên, NLĐ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bị mất việc, thiếu việc làm dẫn đến mất thu nhập, thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành (1.490.000 đồng/tháng), có hoàn cảnh khó khăn tại thời điểm xét hỗ trợ và không nằm trong đối tượng được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
* Ngày 28-5, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã bàn thảo về vấn đề quản lý người xuất, nhập cảnh, tổ chức công tác cách ly đối với các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao và người thân vào Việt Nam làm việc, sinh sống, học tập; giáo viên người nước ngoài, lưu học sinh; đưa người Việt Nam từ nước ngoài về nước; quản lý phi hành đoàn, tổ bay quốc tế; xem xét ý kiến về việc tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế... Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, GS,TS Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn hết sức phức tạp.
Việc đón các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào làm việc; đưa người Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch về nước... dẫn tới nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trong nước là rất lớn. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục phải quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định.
Ban Chỉ đạo thống nhất yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ các phi công, thành viên tổ bay quốc tế; quản lý chặt các khách sạn cũng như những người làm việc tại khách sạn được sử dụng để tổ chức cách ly phi hành đoàn quốc tế theo đúng quy định. Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế cử các đội phản ứng nhanh đến kiểm tra ngay các khách sạn đang được sử dụng để tổ chức cách ly tổ bay, phi hành đoàn quốc tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có)… Thống nhất chưa mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam; chưa bàn về thời gian mở cửa du lịch trở lại. Chỉ khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế khi đáp ứng đủ điều kiện và bước đầu chỉ nên tổ chức thí điểm đón khách du lịch đến một số đảo, song song với đó phải có các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ cho người dân địa phương và du khách trong nước...
* Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, tính đến 18 giờ, ngày 28-5, Việt Nam trải qua 42 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 8.869 người. Tính đến chiều 28-5, trong số người mắc Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, hiện có tám người có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với vi-rút SARS-CoV-2; 17 người có kết quả âm tính 2 lần trở lên với vi-rút SARS-CoV-2.
* Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”. Bản hướng dẫn tập trung vào một số nội dung như: Trách nhiệm của người lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động, ban quản lý ký túc xá; trách nhiệm của người làm công tác y tế tại cơ sở lao động trong phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thông qua bộ chỉ số, từ đó có các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng lây nhiễm dịch.
* Ngày 28-5, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.
Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo PCD Covid-19 Bộ Quốc phòng, đánh giá, thời gian qua, các đơn vị trong toàn quân đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên đồng thời làm tốt công tác PCD, nhất là các quân khu 3,5,7,9 và Bộ đội Biên phòng. Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị và mức độ nguy cơ để triển khai các biện pháp vừa PCD vừa thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2020 trong trạng thái bình thường mới, kiên quyết không để dịch lây lan vào quân đội.
* Ngày 28-5, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản thống nhất miễn, giảm tiền sử dụng nước sạch trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 cho các đối tượng sử dụng nước sạch do Công ty cổ phần Cấp nước và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi cung cấp. Thời gian áp dụng miễn, giảm ba tháng liên tục (từ tháng 4 đến tháng 6-2020). Cụ thể, đối tượng được miễn toàn bộ 100% tiền sử dụng nước sạch đối với các cơ sở được dùng làm nơi cách ly tập trung của TP Đà Nẵng; hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn được phê duyệt mà lượng nước sử dụng không quá 10 m3/tháng.
* Chiều 28-5, tại Bệnh viện dã chiến TP Sa Đéc (Đồng Tháp), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp đã trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian theo dõi cách ly tập trung đối với một công dân Lào và 114 công dân Việt Nam trở về từ Phi-li-pin. Quá trình cách ly 14 ngày tại Bệnh viện dã chiến TP Sa Đéc, các công dân được cán bộ y tế theo dõi sức khỏe hằng ngày và được bảo đảm đời sống sinh hoạt theo đúng quy định của Bộ Y tế. (Nhân dân, trang 8).
Phòng chống dịch COVID-19: Siết chặt quản lý tổ bay, chưa mở cửa du lịch quốc tế
Tại cuộc họp diễn ra sáng ngày 28/5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, các thành viên tham dự cuộc họp đã tập trung thảo luận kỹ về hai nội dung liên quan đến siết chặt quản lý tổ bay và cho ý kiến về du lịch quốc tế
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã bàn thảo về vấn đề quản lý người xuất nhập cảnh, tổ chức công tác cách ly đối với các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao và người thân vào Việt Nam làm việc, sinh sống, học tập; giáo viên người nước ngoài, lưu học sinh; đưa người Việt Nam từ nước ngoài về nước; quản lý phi hành đoàn, tổ bay quốc tế; xem xét ý kiến về việc tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế;…
Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế chia sẻ: Chúng ta đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh trong nước nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn hết sức phức tạp. Trong bối cảnh chúng ta đón các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào làm việc; đưa người Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch về nước, dẫn tới nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trong nước là rất lớn.
“Với những người làm công tác phòng, chống dịch, chúng tôi lại cảm thấy lo ngại hơn. Vì chỉ cần để lọt 1 ca bệnh xâm nhập vào trong nước mà không kịp thời phát hiện sẽ dẫn tới tình trạng dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục phải quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Tán thành quan điểm này, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng đề nghị tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh; tổ chức cách ly tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định. Các ý kiến đề nghị giao Bộ Quốc phòng tổ chức tiếp nhận quản lý cách ly đối với các lưu học sinh vào Việt Nam học tập.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng các bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phòng, chống dịch (bao chặt bên ngoài, nới lỏng bên trong) để tổ chức thực hiện cách ly thành viên tổ bay quốc tế, chuyên gia, lưu học sinh vào Việt Nam theo đúng quy định, vì nguy cơ xâm nhập rất cao.
Ban Chỉ đạo thống nhất yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quản lý chặt chẽ các phi công, thành viên tổ bay quốc tế; đặc biệt phải quản lý chặt chẽ các khách sạn cũng như những người làm việc tại khách sạn được sử dụng để tổ chức cách ly phi hành đoàn quốc tế theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế cử các đội phản ứng nhanh đến kiểm tra ngay các khách sạn đang được sử dụng để tổ chức cách ly tổ bay, phi hành đoàn quốc tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có)…
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho biết: Vừa qua chúng ta đã tiến hành khởi động lại du lịch nội địa. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn,… đã cung cấp nhiều chương trình khuyến mại, sản phẩm hấp dẫn đối với du khách trong nước. Qua đó, du lịch nội địa đã có tăng trưởng tương đối tốt, thậm chí có những khách sạn đã đạt công suất tới 100%. Đây là những tín hiệu rất lạc quan đối với du lịch nội địa.
Đối với ý kiến về tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế sau đại dịch COVID-19, các thành Ban Chỉ đạo thống nhất chưa mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam; chưa bàn về thời gian mở cửa du lịch trở lại.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thống nhất cho rằng, chỉ khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế khi đáp ứng đủ điều kiện và trước tiên chỉ xem xét đón khách đến từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh và bước đầu chỉ nên tổ chức thí điểm đón khách du lịch đến một số đảo, song song với đó phải có các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ cho người dân địa phương và du khách trong nước.
Về đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang cho phép đón du khách nước ngoài đến du lịch ở đảo Phú Quốc. Ban Chỉ đạo giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bàn bạc, trao đổi cụ thể, thống nhất với tỉnh Kiên Giang về thời điểm, lộ trình mở cửa và các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ, báo cáo lại Ban Chỉ đạo xem xét. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Tiếp tục quản lý chặt người nhập cảnh để phòng chống dịch Covid-19
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) cho biết, ngày 28.5, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Từ ngày 16.4 đến nay, 42 ngày VN không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số 327 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại VN, 187 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. 278/327 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. 8.869 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe.
GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, đánh giá trong nước đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh nhưng nguy cơ ca bệnh xâm nhập rất lớn. Thời gian tới cần tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định vì chỉ cần để lọt 1 ca bệnh xâm nhập vào trong nước mà không kịp thời phát hiện thì dịch có thể bùng phát trong cộng đồng.
Về đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang cho phép đón du khách nước ngoài đến du lịch tại đảo Phú Quốc, BCĐ giao Bộ VH-TT-DL xem xét, thống nhất với tỉnh Kiên Giang về thời điểm, lộ trình mở cửa và các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ, báo cáo BCĐ xem xét.
Virus corona tổng hợp tối 28.5: Mỹ vượt mốc 100.000 ca tử vong, ngành hàng không lao đao. (Thanh niên, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Quản lý chặt người nhập cảnh đề phòng dịch Covid-19”.
Cầu nối trong công tác dân số
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là công việc thường xuyên của các cộng tác viên (CTV) dân số trên địa bàn tỉnh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, chế độ đãi ngộ thấp, nhưng với lòng nhiệt tình, sự kiên trì, thông thạo địa bàn, hoàn cảnh từng gia đình, những CTV dân số vẫn ngày đêm âm thầm làm cầu nối, giúp người dân nâng cao nhận thức về công tác DS-KHHGĐ.
Gần 20 năm gắn bó với công tác dân số, chị Nguyễn Thị Liên, CTV dân số thôn Đại Nam 2, xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) đã đến nhà từng hộ dân để tuyên truyền về chính sách dân số của Đảng, Nhà nước. Chị luôn dành nhiều thời gian để tuyên truyền về tình trạng mất cân bằng giới tính, Luật Bình đẳng giới, vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai. Nhờ đó, nhận thức của người dân về chính sách DS-KHHGĐ được nâng lên đáng kể.
Toàn thôn chị phụ trách có 80 cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ nhưng đã có trên 80% các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai. Nhiều năm liền, thôn Đại Nam 2 không có người sinh con thứ 3 trở lên. Ngoài công việc là CTV dân số, chị Liên còn kiêm nhiệm vụ CTV y tế của thôn. Mặc dù công việc bận rộn, thù lao 1 tháng chẳng là bao, song với sự hăng hái, tận tụy và nhiệt huyết, chị Liên cùng các CTV dân số ở xã Đại Trạch vẫn đang cống hiến hết sức mình để hoàn thành tốt công tác DS-KHHGĐ ở địa phương, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Chị Lê Thị Hoài, sinh năm 1954, đã có 22 năm làm CTV dân số thôn Tây Cổ Hiền, xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) cho biết: Những ngày đầu làm công tác dân số, chị gặp không ít khó khăn. Đến các hộ tuyên truyền, có gia đình vui vẻ tiếp chuyện, nhưng cũng không ít gia đình tỏ vẻ khó chịu, bởi nhiều người còn quan niệm phải có con trai để "nối dõi tông đường”. Chị phải rất kiên trì vận động, thuyết phục, đưa ra những điển hình gia đình sinh ít con, con một bề hạnh phúc, thành đạt để để phân tích cho bà con hiểu. “Mưa dầm thấm lâu”, nhiều người đã hiểu hơn về công việc của chị, công tác tuyên truyền cũng vì thế mà thuận lợi hơn. Nhờ đó, trong những năm qua, các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ xã giao, thôn Tây Cổ Hiền đều đạt và vượt, không có trường hợp sinh con thứ 3, phần lớn người dân đã hiểu và chấp nhận mô hình gia đình ít con.
Đó chỉ là 2 trong số 1.738 CTV DS-KHHGĐ trên toàn địa bàn tỉnh. Với tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, các CTV dân số đã và đang góp phần rất lớn vào ổn định về cơ cấu, quy mô dân số của địa phương. Với sự vào cuộc tích cực của đội ngũ những người làm CTV dân số cơ sở, đến nay, mức tăng dân số tự nhiên duy trì ở tỷ lệ 0,94%, tỷ suất sinh là 14,56‰, giảm 0,51‰ so với năm 2018. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 2.408 cháu, chiếm tỷ lệ 18,45%, giảm 0,2% so với năm 2018.
Là “cánh tay nối dài” của ngành dân số, CTV dân số gần dân, sát cơ sở, hiểu được các phong tục tập quán của người dân nên phát huy tốt vai trò truyền thông, vận động nhân dân thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ. Họ là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ ở cộng đồng. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn. Trước năm 2020, hàng tháng, mỗi CTV chỉ được hưởng phụ cấp 100 nghìn đồng, từ năm 2020 trở lên thì mỗi CTV được hưởng phụ cấp 150 nghìn đồng/tháng. Vì phụ cấp quá ít ỏi làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của đội ngũ làm CTV, nhiều CTV có cuộc sống quá khó khăn dẫn đến bỏ việc hoặc tham gia không nhiệt tình.
Vai trò của CTV dân số là không thể thiếu. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền để các CTV dân số yên tâm, góp phần đưa công tác DS-KHHGĐ đạt được hiệu quả cao. (Gia đình & Xã hội, trang 6).
Y bác sĩ Việt Nam phải tăng thời gian làm thêm 3,65 giờ/ ngày trong mùa dịch Covid-19
PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, môi trường làm việc của các cán bộ y tế nói chung và của điều dưỡng, nữ hộ sinh nước ta nói riêng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại đến sức khỏe.
Đặc biệt, giai đoạn xảy ra dịch Covid-19 vừa qua, nhiều cán bộ y tế đã phải làm thêm giờ trong thời gian dài, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sự an toàn và sự cân bằng cuộc sống-công việc của người lao động.
Cụ thể, khảo sát mới nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam đối với 70 công đoàn cơ sở trực thuộc trong thời gian chống dịch Covid-19 cho thấy, số giờ làm việc của cán bộ y tế gia tăng đáng kể, trung bình 3,65 giờ/ngày.
Bà Thanh Bình cho biết, một trong những nguyên nhân là do tình trạng thiếu điều dưỡng viên. Nếu như tỷ lệ bác sĩ/điều dưỡng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 1/4 thì tại nước ta hiện mới chỉ đạt 1 bác sĩ/1,4 điều dưỡng.
Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế năm 2019 cũng cho thấy, 87,4 % cán bộ y tế cho rằng công việc luôn đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, áp lực công việc nặng nề, căng thẳng hơn rất nhiều so với các ngành khác;
Nguy hiểm hơn là môi trường làm việc độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp và phơi nhiễm bệnh tật; thời điểm làm việc thường xuyên trái với quy luật sinh học (trực đêm)… (An ninh Thủ đô, trang 2).
"Việt Nam là chuẩn mực trong cuộc chiến chống Covid-19"
Tờ Globe and Mail của Canada ngày 27-5 đăng bài đánh giá “thành tích của Việt Nam trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 là đặc biệt nổi bật, có thể nói là độc nhất vô nhị” và gọi đây là “chuẩn mực trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19”.
Theo bài viết, Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ cuối tháng 4-2020. Bệnh nhân số 91, một công dân Anh, 43 tuổi, phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines, hiện đang được hỗ trợ sự sống tại một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh và việc cứu bệnh nhân 91 đã trở thành ưu tiên của Việt Nam. Tình trạng của bệnh nhân này từng xấu đến mức đã có thời điểm chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động.
Bài viết nhấn mạnh thành công của Việt Nam không phải ngẫu nhiên. Việc có chung đường biên giới dài 1.450km với Trung Quốc và thường xuyên đón du khách từ Vũ Hán khiến Việt Nam có thể đối diện tình trạng "quá tải" các ca nhiễm.
Tuy nhiên, Việt Nam đã hành động nhanh chóng và không chờ đến những cảnh báo chính thức từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước khi đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động kinh tế và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, áp dụng các biện pháp truy dấu tiếp xúc và cách ly.
Giáo sư về bệnh truyền nhiễm Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam hành động mau lẹ vì đã nhận thức rõ các mối nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm chưa được kiểm soát. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã phải chống chọi với sự bùng phát của dịch SARS, cúm gia cầm, sởi, sốt xuất huyết và dịch tay-chân-miệng. Người Việt Nam ý thức rõ về mối de dọa của các bệnh truyền nhiễm và biết rằng cần phải xử lý sớm dịch bệnh. Việt Nam đã chuẩn bị tốt.”
Một báo cáo về cách ứng phó của Việt Nam với đại dịch Covid-19, do Giáo sư Thwaites cùng khoảng 20 bác sỹ và nhà khoa học soạn thảo, đã kết luận rằng lệnh giãn cách xã hội được ban hành sớm, cộng với xét nghiệm trên diện rộng, truy dấu tiếp xúc và cách ly bắt buộc đối với người đã tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2 là những yếu tố giúp làm nên thành công của Việt Nam. Biện pháp truy dấu tiếp xúc và cách ly đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh gần một nửa số ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng bệnh.
Tính đến đầu tháng 5-2020, hơn 200.000 người đã được cách ly trong các doanh trại, các khách sạn hay tại nhà.
Giáo sư Thwaites cho biết nỗ lực truy dấu dịch bệnh của Việt Nam không phụ thuộc vào công nghệ tinh vi, mà theo cách “cổ” của dịch tễ học. Phần lớn các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Việt Nam là người nhập cảnh, trong đó có cả các công dân Việt Nam. Giáo sư Thwaites cũng bày tỏ tin tưởng về độ chính xác của những thống kê số ca nhiễm thấp và không có trường hợp tử vong do Covid-19 tại Việt Nam, khi ông được tiếp cận với số liệu chính thức và qua chuyến thăm các bệnh viện. (An ninh Thủ đô, trang 20).
Đeo khẩu trang quá lâu, phổi có thể tổn thương
Đeo khẩu trang quá lâu, khẩu trang quá bí… có thể làm tổn thương các tế bào phổi do việc hít thở mạnh liên tục gia tăng áp lực cho phổi, dẫn đến các bệnh về đường hô hấp.
Trẻ em dễ bị tổn thương
Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản vừa đưa ra khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên đeo khẩu trang cho các bé dưới 2 tuổi vì có thể tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe. Trong thông báo trên website của mình, Hiệp hội Nhi khoa Nhật Bản nhấn mạnh, việc đeo khẩu trang cho trẻ sơ sinh có thể khiến các bé khó thở vì trẻ sơ sinh có ống khí quản hẹp. Việc khó thở sẽ khiến cho hệ thống hô hấp của bé làm việc quá sức, dẫn tới tăng nguy cơ ngạt thở. Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, có rất ít ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là trẻ nhỏ, đặc biệt là tại các trường học và cơ sở trông giữ trẻ. Do vậy, không cần thiết phải đeo khẩu trang cho các bé sơ sinh này.
PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khuyến cáo này hoàn toàn có cơ sở vì hệ hô hấp của trẻ rất yếu và dễ bị tổn thương. Nếu đeo khẩu trang, nhất là các loại khẩu trang quá bí và đeo lâu, dễ làm trẻ bị ngạt thở, rất nguy hiểm. Bởi khi đeo khẩu trang, không khí lưu thông vào phổi qua đường thở bị gián đoạn, khiến người đeo phải hít thở mạnh hơn. Việc hít thở mạnh như vậy sẽ làm tăng lực hô hấp, khiến phổi phải căng ra để hoạt động liên tục, tạo áp lực lên phổi rất lớn. Nó giống như một chiếc máy bơm, nếu cứ bơm với áp lực quá mạnh và bơm liên tục thì sẽ đến lúc máy bị quá tải, có thể cháy máy.
Trẻ càng nhỏ thì phổi càng yếu, hoạt động quá tải càng khiến phổi dễ bị tổn thương. Do đó, việc đeo khẩu trang cho trẻ dưới 2 tuổi cần có sự cân nhắc về thời gian và lựa chọn loại khẩu trang đặc thù. Tốt nhất là hạn chế đeo khẩu trang, thay vào đó để bảo vệ trẻ, không nên cho trẻ đến nơi đông người, nơi có nguy cơ mầm bệnh cao. Có thể dùng các loại khăn, mũ chụp rộng, thoáng để bảo vệ trẻ khi có việc cần ra ngoài. Sau khi ra ngoài thì nhỏ nước muối vào mũi, họng trẻ.
Chọn loại khẩu trang thoáng
Đối với trẻ lớn hơn, trẻ đã đi học mầm non hay tiểu học, việc đeo khẩu trang cũng cần được lưu ý để tránh làm tổn thương phổi. Nên chọn loại khẩu trang vải thông thoáng, có 2 - 3 lớp, đủ để chặn giọt bắn, bụi khói, nhưng cũng không quá bí làm cản trở đường thở của trẻ. Không sử dụng loại khẩu trang quá bí như khẩu trang y tế cho trẻ nhỏ. Không đeo khẩu trang quá lâu trên 2 tiếng liên tục. Không cho trẻ vừa chạy nhảy vừa đeo khẩu trang. Đã từng có những trường hợp ngất xỉu, thậm chí tử vong khi vừa đeo khẩu trang vừa chơi đùa chạy nhảy do không khí vào phổi bị hạn chế, phổi phải làm việc liên tục, quá mức khiến các tế bào phổi bị tổn thương, không đưa oxy kịp vào cơ thể dẫn đến tử vong.
PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng, việc trẻ đeo khẩu trang là cần thiết để phòng bệnh, bảo vệ cơ thể khỏi khói, bụi ô nhiễm, song cần được sử dụng đúng cách. Đặc biệt, trong khi tình trạng ô nhiễm không khí đang nghiêm trọng ở các thành phố lớn, nhiều phụ huynh chọn mua khẩu trang N95 lọc bụi mịn để cho trẻ đeo. Tuy vậy, loại khẩu trang này rất bí, đeo lâu có thể khiến trẻ bị mỏi mệt, do đó không nên lạm dụng.
Khi chọn khẩu trang cho trẻ, cha mẹ có thể thử để biết loại khẩu trang đó có thông thoáng không, có làm tắc bí đường thở của trẻ hay không. Ví dụ, đối với khẩu trang vải, ngửi xem có mùi lạ của hóa chất có thể gây dị ứng hay không. Thử chụp vào mũi, miệng và thở. Nếu thấy không khí lưu thông bình thường thì có thể sử dụng. Ngược lại, nếu thấy bức bí, không khí khó thoát qua lớp vải thì không nên dùng. Đối với khẩu trang y tế, chỉ sử dụng ở nơi có nguồn bệnh, nơi nguy cơ lây nhiễm cao, chứ không sử dụng ở những nơi khác như trường học, công viên hay khi tham gia giao thông… (Khoa học & Đời sống, trang 1).
Công tác tuyên truyền tác hại của thuốc lá, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2014-2019
Ngay sau khi được thành lập, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã hỗ trợ kinh phí cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tác hại thuốc lá và pháp luật về PCTHTL cho nhiều nhóm đối tượng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng.
Sau 6 năm, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã triển khai xây dựng các mô hình địa điểm không khói thuốc như "thành phố du lịch không khói thuốc", "khách sạn không khói thuốc", "điểm du lịch không khói thuốc… đã có 4 thành phố xây dựng mô hình "thành phố du lịch không khói thuốc" là thành phố Hạ Long, Nha Trang, Hội An, Vũng Tàu.
Thông qua hỗ trợ cho các sáng kiến PCTHTL, một số mô hình xây dựng môi trường không khói thuốc lá được thực hiện như Hội Y tế công cộng Việt Nam trong vận động mạng lưới cộng tác viên y tế công cộng và người cao tuổi tuyên truyền PCTHTL.
Hội Y tế Công cộng Việt Nam kiện toàn mạng lưới PCTHTL ở tuyến cơ sở, sử dụng người cao tuổi tình nguyện làm trung tâm, chương trình huy động những Người cao tuổi còn khoẻ mạnh, minh mẫn và tình nguyện đóng góp cho cộng đồng, mỗi hội viên được giao phụ trách truyền thông cho một cụm hộ gia đình, được truyền thông về PCTHTL, quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng và ngôi nhà không khói thuốc.
Mô hình được triển khai tại 4 xã thuộc tỉnh Thái Bình, Đồng Tháp. Trung tâm Doping và Y học thể thao - Tổng cục Thể thao thực hiện tuyên truyền và xây dựng địa điểm thi đấu thể thao trong nhà không khói thuốc lá. Các sáng kiến PCTHTL được tổ chức hoặc lồng ghép trong các chương trình, sự kiện của Bộ ngành, địa phương như: “Tổ ấm không khói thuốc” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy ban Dân tộc xây dựng môi trường không khói thuốc lá cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ; Festival biển không khói thuốc tại Nha Trang, Tàu du lịch không khói thuốc tại Khánh Hoà...
Việc duy trì thường xuyên các thông điệp đã tác động vào nhận thức của mỗi người để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và những người xung quanh. Khi sự nhận thức sâu sắc họ sẽ thay đổi hành vi: hạn chế hút thuốc, bỏ thuốc, nhắc nhở những người xung quanh tôn trọng họ và những người xung quanh, thực thi đúng các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Đánh dấu sự thành công của Việt Nam trong công tác PCTHTL, Bộ Y tế Việt Nam đã nhận giải thưởng của Tổ chức Y tế thế giới cho những đóng góp to lớn trong lĩnh vực PCTHTL nhân 10 năm thực hiện Công ước khung kiểm soát thuốc lá (2015) và giải thưởng quốc tế của Quỹ Bloomberg về công tác theo dõi giám sát của Việt Nam về PCTHTL (2018).
Ngoài ra, 27 tập thể và 35 cá nhân đã được Bộ trưởng Bộ Y tế trao bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCTHTL. Đặc biệt, 2 thành phố du lịch Hội An và Hạ Long đã được Liên minh PCTHTL Đông Nam Á trao bằng khen công nhận thành phố du lịch không khói thuốc.
Năm 2020, Chiến dịch toàn cầu Ngày Thế giới không thuốc lá do Tổ chức Y tế thế giới phát động chọn chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020: “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”.
Để bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo có hệ thống của ngành công nghiệp thuốc lá. (Công an Nhân dân, trang 4).
Bệnh viện Nhân dân 115 xác lập 3 kỷ lục châu Á
Một năm sau ngày xác lập 7 kỷ lục Việt Nam, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp tục xác lập 3 kỷ lục châu Á.
Ngày 28-5, giáo sư viện sĩ Hoàng Quang Thuận - chủ tịch hội đồng sáng lập Tổ chức kỷ lục Việt Nam - đã trao 3 kỷ lục châu Á cho Bệnh viện Nhân dân 115 về các thành tựu đạt được trong phát triển chuyên môn, kỹ thuật y tế.
Ba kỷ lục châu Á được xác lập có 2 kỷ lục tập thể, gồm bệnh viện đầu tiên của Việt Nam phẫu thuật u não cho bệnh nhân 67 tuổi bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive; bệnh viện đầu tiên đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của hội đột quỵ châu Âu về điều trị đột quỵ.
Kỷ lục cá nhân được trao cho bác sĩ Chu Tấn Sĩ - trưởng khoa ngoại thần kinh. Ông là chuyên gia được mệnh danh là "bàn tay vàng phẫu thuật thần kinh", người đầu tiên phẫu thuật u não bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive, dưới sự hỗ trợ của GS Amin Kassam - phó chủ tịch Viện phát triển thần kinh Aurora (Mỹ). Kỷ lục này được đánh giá mở ra một bước tiến mới trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật thần kinh.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ chia sẻ kỷ lục này được xác lập bắt nguồn từ ca phẫu thuật u não cho nữ bệnh nhân 67 tuổi (quê Tây Ninh) bằng hệ thống Robot Modus VSynaptive. "Kỷ lục tất nhiên theo thời gian sẽ bị xô đổ. Và tôi rất mong muốn điều này sẽ đến sớm hơn, và kỹ thuật này sẽ trở thành phẫu thuật thường quy trong ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới", ông Sĩ nói.
Trước đó, trong năm 2019, Bệnh viện Nhân dân 115 đón nhận 7 kỷ lục Việt Nam, trong đó gồm có 4 kỷ lục tập thể và 3 kỷ lục cá nhân.
Bác sĩ Phan Văn Báu - giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - chia sẻ để đạt được sự ghi nhận mang tính "lịch sử" này, bệnh viện đã ấp ủ nhiều năm, ứng dụng công nghệ, thường xuyên cử chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật thần kinh đến các trung tâm thần kinh lớn của thế giới tập huấn, học hỏi kinh nghiệm.
"Thành công và sự ghi nhận này hết sức vinh dự. Nhưng điều vui hơn cả là chúng tôi đã thực hiện được mục tiêu tối thượng là cứu sống bệnh nhân", bác sĩ Báu nói. (Tuổi trẻ, trang 4).
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới. trang 6: “Bệnh viện Nhân dân 115 xác lập 3 kỷ lục Châu Á”; Công an Nhân dân, trang 2: “Bệnh viện Nhân dân 115 xác lập 3 kỷ lục Châu Á”.