Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/8/2018

  • |
T5g.org.vn - Bỏ quy định ghi chứng minh thư của bố/mẹ trên đơn thuốc của trẻ; Bệnh viện Nhi T.Ư ghép gan thành công 2 ca liên tiếp; Ðiều kiện thanh toán chi phí thuốc của người tham gia BHYT

 

Bỏ quy định ghi chứng minh thư của bố/mẹ trên đơn thuốc của trẻ

Sau 7 tháng có hiệu lực, bắt đầu từ 15-10-2018, quy định khi đưa trẻ dưới 6 tuổi đi khám, bố mẹ phải mang chứng minh thư để khi kê đơn thuốc ngoại trú cho trẻ, các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin vào đơn thuốc, sẽ bị bãi bỏ.

Đây là quy định mới của Bộ Y tế vừa ban hành trong Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

Trước đó, theo Thông tư 52/2017/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành cuối năm 2017 về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, có quy định về nội dung kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi và được áp dụng từ 1-3-2018. Bộ Y tế lý giải quy định này nhằm quản lý việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay, gây hệ quả kháng kháng sinh trầm trọng.

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng áp dụng, quy định đã bộc lộ nhiều điều không phù hợp. Tại các cơ sở y tế, các bác sĩ không thể từ chối khám cho bệnh nhi khi bố mẹ hoặc người giám hộ không mang chứng minh thư hoặc thẻ căn cước. Vì từ chối là vi phạm quyền trẻ em, hơn nữa, nhiều phụ huynh phản ứng vì quy định này gây phiền hà và làm chậm trễ thêm thời gian để các bác sĩ khám cho trẻ. Các bác sĩ nhi khoa cũng cho rằng quy định này khó khả thi, gây nhiều phiền hà, rắc rối cho người đưa trẻ đi khám, chữa bệnh và ngược lại với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính của Nhà nước.

Một điểm mới nữa tại Thông tư mới ban hành, Bộ Y tế qui định việc kê đơn thuốc gây nghiện phải do bác sĩ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh điều trị nội trú thực hiện. Số lượng thuốc mỗi lần kê đơn tối đa là 10 ngày. Đồng thời, khoa dược của các bệnh viện phải cung ứng thuốc gây nghiện cho người bệnh ngoại trú trong trường hợp trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở bán thuốc gây nghiện. (Công an nhân dân, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Hà nội mới, trang 5; An ninh thủ đô, trang 3).

 

Bệnh viện Nhi T.Ư ghép gan thành công 2 ca liên tiếp

Ngày 28/8, TS Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan Mật (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết trong thời gian ngắn kỷ lục, chỉ cách nhau 1 ngày bệnh viện đã thực hiện 2 ca ghép gan cho 2 bệnh nhi.

Bệnh nhân đầu tiên 4 tuổi bị teo mật bẩm sinh, xơ gan, nguy cơ tử vong cao. Ca ghép gan cho bệnh nhi hoàn thành sau 12 tiếng với 1 phần gan từ người cho là bà nội bệnh nhi. Sau mổ, bệnh nhân nhiễm khuẩn, sốt nhiễm trùng nặng, vàng da… nên việc điều trị vô cùng khó khăn. TS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại cho biết: “Vấn đề thải ghép, tắc mạch hoặc nhiễm khuẩn được đặt ra, sau khi hội chẩn, chúng tôi quyết định điều trị theo hướng nhiễm trùng, tập trung điều trị nhiễm khuẩn theo hướng vi khuẩn và nấm. Sau 2 tuần tình trạng bệnh nhân biến chuyển, các xét nghiệm chức năng gan cải thiện nhiều”. Bệnh nhi này đã được xuất viện chiều 28/8.

Bệnh nhân thứ 2 là bé trai 15 tuổi bị bệnh Wilson, đã điều trị 5 năm, bị xơ gan giai đoạn cuối, đủ tiêu chuẩn ghép gan. Ca ghép kéo dài 20 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân nhận nửa gan phải từ người chú ruột. Hai ca ghép diễn ra dưới sự phối hợp của kíp phẫu thuật viên và nhân viên y tế khoảng 50 người với chuyên gia ghép tạng Chin Su Liu và cộng sự đến từ Đài Loan.

TS Dương cho biết thêm, Bệnh viện Nhi là một trong những bệnh viện đầu tiên tiến hành ghép gan của Việt Nam, đến nay BV đã ghép được 13 ca. Cơ hội sống sau 5 năm ghép là 80- 90%. TS Đặng Ánh Dương cho biết, ghép gan là kỹ thuật cao, cần sự phối hợp lớn của các khoa. Hiện tại khoa Gan mật quản lý 980 hồ sơ bệnh gan mật khác nhau, tỷ lệ nhóm teo mật bẩm sinh hơn 300 hồ sơ, tỷ lệ cần khoảng 30% cần ghép gan. Số phải ghép khoảng vài chục bệnh nhi mỗi năm. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện để ghép gan. Bác sĩ Hoa cho hay, ghép gan ở Mỹ 280.000 USD, tại Bệnh viện Việt Đức 1,5 tỷ đồng. Hai ca ghép lần này tại Bệnh viện Nhi T.Ư hết hơn 500 triệu đồng/ca và được bảo hiểm y tế hỗ trợ một phần. (Tiền phong, trang 5).

 

Ðiều kiện thanh toán chi phí thuốc của người tham gia BHYT

Tại dự thảo Thông tư ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc tân dược thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) , Bộ Y tế đề xuất Danh mục thuốc hóa dược và sinh phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT gồm 1.049 hoạt chất và Danh mục thuốc phóng xạ, đồng vị phóng xạ và hợp chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT gồm 59 tên thuốc phóng xạ, đồng vị phóng xạ và hợp chất đánh dấu.

Các trường hợp không được Quỹ BHYT thanh toán

Theo dự thảo, Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua vào của cơ sở KCB theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua thuốc, phù hợp với phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Quỹ BHYT thanh toán trong trường hợp chỉ định thuốc phù hợp với chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được cấp phép hoặc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Trường hợp không có chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được cấp phép, không có trong hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế nhưng cần thiết trong điều trị và không có thuốc thay thế, Bộ Y tế sẽ lập Hội đồng để xem xét cụ thể từng trường hợp.

Cũng theo dự thảo, Quỹ BHYT không thanh toán đối với các trường hợp: Chi phí các thuốc đã được kết cấu vào giá của dịch vụ kỹ thuật, khám bệnh, ngày giường điều trị (ví dụ: các thuốc gây tê, gây mê, dịch truyền sử dụng trong phẫu thuật, thủ thuật hay thuốc cản quang dùng trong chẩn đoán hình ảnh, các thuốc tẩy trùng và sát khuẩn) hoặc giá thu trọn gói theo ca bệnh theo quy định hiện hành; Phần chi phí của các thuốc có trong danh mục đã được ngân sách nhà nước hoặc các nguồn khác chi trả; Thuốc có trong danh mục sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học; Các thuốc, lô thuốc đã có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi của cơ quan có thẩm quyền.

Quy định đối với nhóm thuốc điều trị ung thư

Theo dự thảo, các dạng đồng phân hóa học khác hoặc các dạng muối khác của hoạt chất (kể cả dạng đơn chất và dạng phối hợp đa chất, trừ vitamin và khoáng chất) có trong danh mục thuốc đều được quỹ BHYT thanh toán nếu có cùng tác dụng điều trị với dạng hóa học hay tên thuốc ghi trong danh mục thuốc.

Thuốc được xếp nhóm này dùng điều trị bệnh thuộc nhóm khác được quỹ BHYT thanh toán nếu có chỉ định như đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt.

Trường hợp theo chỉ định chuyên môn, người bệnh chỉ sử dụng một phần lượng thuốc trong đơn vị đóng gói nhỏ nhất (ví dụ: thuốc dùng trong chuyên khoa nhi, chuyên khoa ung bướu) và lượng thuốc còn lại không thể sử dụng được (ví dụ: không có người bệnh có cùng chỉ định, lượng thuốc còn lại không đủ liều lượng, quá thời hạn bảo quản của thuốc) thì quỹ BHYT thanh toán toàn bộ theo giá của đơn vị đóng gói nhỏ nhất.

Các thuốc có ký hiệu dấu (*) là thuốc phải được hội chẩn trước khi sử dụng. Trường hợp cấp cứu phải hội chẩn chậm nhất vào ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp thuốc kháng sinh có ký hiệu dấu (*) được quỹ BHYT thanh toán khi thực hiện đúng quy trình hội chẩn khi kê đơn theo quy định về hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện của Bộ Y tế.

Đối với các thuốc trong nhóm điều trị ung thư, chỉ được sử dụng điều trị ung thư tại các cơ sở KCB có chức năng điều trị ung thư (bao gồm cơ sở ung bướu, huyết học truyền máu và y học hạt nhân; các khoa, đơn vị ung bướu, huyết học truyền máu và y học hạt nhân trong viện, bệnh viện chuyên khoa hoặc đa khoa) và phải do bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề, phạm vi hoạt động chuyên môn là ung bướu hoặc huyết học truyền máu chỉ định.

Trường hợp sử dụng điều trị các bệnh khác không phải ung thư: quỹ BHYT thanh toán theo đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc của bệnh viện. Trường hợp chưa có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị thì phải hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Trường hợp chưa có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị và không có bác sĩ chuyên khoa ung bướu phải được hội chẩn dưới sự chủ trì của lãnh đạo bệnh viện trước khi chỉ định sử dụng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).

 

Dán cao trị mụn, bé 2 tuổi bị hoại tử da nguy kịch

Nghĩ con chỉ mọc mụn bình thường, gia đình đã cho uống thuốc kháng sinh kèm dán cao nhưng trẻ không đỡ, ngược lại còn bị áp xe hoại tử vùng bụng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận trường hợp cháu Đ.H.T, 2 tuổi, trú tại Kiêu Kỵ - Gia Lâm nhập viện trong tình trạng sốt cao (39 độ C), quấy khóc, sút cân. Ngay sau đó bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám và được chẩn đoán hoại tử da do áp xe vùng bụng trái.

Mẹ cháu T. cho biết: “Thời gian gần đây thấy con xuất hiện mụn ở vùng bụng trái nên tôi có mua thuốc cho cháu uống nhưng càng ngày mụn càng to dần khiến gia đình lo lắng. Nghe mọi người mách dán cao sẽ đỡ thế nhưng, sau khi dán cao mụn của cháu lại to hơn khiến bề mặt dán cao vỡ loét".

Sau khi nhập viện tại khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, cháu T. đã được sơ cứu băng bó uống thuốc hạ sốt dùng máy hút dịch ra (dịch mủ màu tối – nặng mùi). Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng, cháu T. được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp cắt lọc da cân cơ thành bụng trái tiếp đó dùng máy hút áp lực âm để bảo tồn vùng da thành bùng cho cháu và dùng thuốc kháng sinh theo phác đồ điều trị.

Theo các bác sĩ, trị liệu hút áp lực âm tính là phương pháp thúc đẩy quá trình liền vết thương, giúp loại bỏ dịch tiết, giảm phù nề, cải thiện dòng máu đến mô và thúc đẩy quá trình liền vết thương, đã được ứng dụng rộng rãi trong điều trị các vết thương mạn tính, khó lành.

Ngoài ra, trong một số trường hợp bỏng sâu nhiều hoại tử ngóc ngách phức tạp (bỏng điện cao thế…): trị liệu hút áp lực âm cũng được sử dụng để làm sạch vết thương, cải thiện tuần hoàn tại chỗ và giúp hình thành mô hạt sớm. Với ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, giá thành rẻ, tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Đẩy nhanh quá trình liền thương. Sử dụng cho tất cả các vết thương khuyết da phần mềm không có tổn thương xương, mạch máu.

Với trường hợp bệnh nhân như trên, bác sĩ Hoàng Thị Phương Lan – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ khuyến cáo: “Da của trẻ em rất nhảy cảm và dễ bị tổn thương khi bị tác động. Chính vì vậy nếu gia đình thấy có bất thường trên da của trẻ đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi không nên dán các loại thuốc cao dán bởi các loại cao dán này có chứa các hóa chất gây bỏng da của trẻ và sẽ dẫn đến hoại tử da. Nên đưa trẻ đi khám khi có dấu hiệu bất thường để các bác sĩ tư vấn và có hướng điều trị hiệu quả nhất". (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

Quy định hành bệnh nhân?

BS Vân cho biết việc nhận thuốc ARV mỗi tháng một lần đối với người điều trị ổn định (hàng ngàn người trên địa bàn TP) là gây khó khăn cho người đi làm ăn xa, người đi biển dài ngày.

Phác đồ điều trị bệnh viêm gan B, HIV quy định bệnh nhân có thể kiểm tra lại 3 tháng 1 lần, nhưng thông tư mới nhất của Bộ Y tế quy định kê toa thuốc ngoại trú chung cho tất cả các loại bệnh chỉ 1 tháng, muốn có thuốc uống, người bệnh phải quay lại bệnh viện.

Phản ánh với Thanh Niên, bệnh nhân (BN) N.T.S (51 tuổi, ngụ Đồng Tháp) cho biết đã tái khám bệnh viêm gan B tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) 3 lần. “Nếu quy định cho phép 3 tháng tái khám 1 lần, kê toa (khi bệnh ổn định) sẽ đỡ tốn tiền xét nghiệm, siêu âm và giảm chi phí đi lại rất nhiều, đặc biệt là phải mất ngủ cả đêm, cả ngày dài ngồi chờ tại BV, rất mệt”, BN S. phản ánh. Một BN khác ngoài 60 tuổi, ngồi bên cạnh cũng cho biết nhà có 3 người viêm gan B, C, mỗi tháng phải thuê xe từ An Giang lên TP khám bệnh rất tốn kém.

Không nên cứng nhắc

TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết BV này là một trong những BV tiếp nhận, điều trị BN viêm gan B nhiều nhất khu vực phía nam. Năm 2017 BV tiếp nhận 48.000 người viêm gan B điều trị ngoại trú (61% ở các tỉnh thành khác), trong đó 50% chuyển qua mạn tính, tức khoảng 24.000 người phải điều trị thuốc đặc hiệu kháng vi rút. Đó là chưa kể BN điều trị tại các BV khác.

Theo TS-BS Hùng, khi BN mắc viêm gan B mạn tính điều trị chưa ổn định thì tùy theo tình hình bác sĩ (BS) sẽ hẹn BN tái khám để điều chỉnh thuốc. BN viêm gan B mạn tính uống thuốc đặc trị gần như cả đời. Trước tháng 3.2018, BN đã điều trị ổn định thì có thể hẹn tái khám 3 tháng mỗi lần theo phác đồ để xem tổn thương gan, đánh giá chức năng thận và kê đơn điều trị tiếp.

Tuy nhiên, Thông tư 52/2017 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ tháng 3.2018) quy định về kê đơn thuốc hóa học, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có quy định cho toa thuốc không quá 1 tháng. Theo TS-BS Hùng, điều này gây khó khăn cho nhiều BN.

“Với người không bận công việc, nhà gần BV mỗi tháng đi khám để được kê đơn thuốc thì không vấn đề gì. Còn số đông BN từ các tỉnh, mỗi lần lên TP là phải bỏ công việc, mất thời gian, tốn tiền (nhiều hơn tiền thuốc). Chưa kể một số người đi làm ăn xa, lâu ngày như: ngư dân, thủy thủ, đi rừng, buôn bán hoặc làm việc tại các nước trong khu vực... không có điều kiện tái khám mỗi tháng. Nếu chỉ kê đơn một tháng như quy định thì khả năng cao người bệnh sẽ không tuân thủ điều trị hoặc tự mua thuốc ở những nơi kinh doanh thuốc không đúng quy định (không bán theo đơn thuốc) với nguồn gốc thuốc và bảo quản thuốc khó kiểm soát”, TS-BS Hùng nói và cho biết thêm hiện nhiều người một tháng lên BV một lần nhưng không cần phải siêu âm, xét nghiệm gì, chỉ cần đơn thuốc để đi mua.

Ngoài ra, thuốc trị viêm gan B còn dùng để điều trị dự phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con với thời gian theo hướng dẫn của Bộ Y tế là khoảng 3 tháng trước và sau sinh. Có những bà mẹ gần tới ngày sinh hoặc mới sinh vài hôm thì tới ngày tái khám, nếu không kê đơn quá 1 tháng thì làm sao họ tái khám để có thuốc uống?

Theo TS-BS Hùng, phác đồ điều trị HIV, thuốc có thể cho kéo dài 3 tháng để tăng sự tuân thủ, nhưng thông tư trên cũng chỉ quy định cho toa thuốc 1 tháng. Quy định đơn thuốc cho 1 tháng có thể phù hợp với nhiều bệnh mạn tính, nhưng với bệnh viêm gan B mạn tính và nhiễm HIV thì có khó khăn.

“BV đã từng gửi công văn đến Cục Quản lý khám, chữa bệnh về vấn đề xin được kê đơn kéo dài cho 2 loại bệnh trên nhưng chưa nhận được ý kiến phản hồi”, TS-BS Hùng cho biết.

BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết thêm vừa qua có nhiều ý kiến đề xuất cho thuốc 1, 2 tháng, 3 tháng đối với BN viêm gan B. Nhưng BV Chợ Rẫy thì cho rằng BN nên đến BV kiểm tra 1 tháng/lần để đánh giá tác dụng của thuốc. Tuy nhiên, không nên quá cứng nhắc là cho thuốc 1 tháng hay bao lâu, bởi thời gian tái khám, cho thuốc cần theo đánh giá của BS điều trị.

Đề xuất cấp ARV 3 tháng cho BN điều trị HIV ổn định

Ngày 6.8 vừa qua, BS Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, có công văn gửi các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS về việc thực hiện điều trị ARV (một phương pháp điều trị HIV) nhanh (trong ngày) và khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày cho BN điều trị ARV ổn định.

Theo trung tâm, Bộ Y tế đã có quy định về tiêu chuẩn xác định người bệnh điều trị ARV ổn định. Những người đủ tiêu chuẩn như trên thì có thể tái khám, kê đơn cấp thuốc ARV với số lượng sử dụng tối đa 3 tháng (90 ngày). Những trường hợp khác thì tái khám định kỳ hằng tháng hoặc sớm hơn, số lượng thuốc được kê đơn và cấp tối đa 1 tháng.

Tiếp đó đến ngày 16.8, trung tâm có công văn gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đề nghị 2 cơ quan này phản hồi chính thức cho TP.HCM biết việc TP áp dụng cấp thuốc ARV 3 tháng cho BN theo tiêu chuẩn như trên để TP thực hiện.

Trả lời Thanh Niên, BS Vân cho biết việc nhận thuốc ARV mỗi tháng một lần đối với người điều trị ổn định (hàng ngàn người trên địa bàn TP) là gây khó khăn cho người đi làm ăn xa, người đi biển dài ngày. Đồng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM (người có nhiều kinh nghiệm trong điều trị HIV), nói: “BN bị nhiễm HIV điều trị ổn định rồi thì chỉ có bấy nhiêu đó. Theo tôi, nên định kỳ tái khám 3 tháng một lần đỡ hành BN lên xuống. Trong 3 tháng uống thuốc nếu có gì BN sẽ trở lại tái khám”. (Thanh niên, trang 2).

 

Hà Nội: Triển khai phần mềm khảo sát sự hài lòng của người bệnh

Ngày 28-8, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, để thực hiện việc đánh giá về hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập, Sở Y tế đã xây dựng và triển khai phần mềm khảo sát sự hài lòng và không hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh tại các bệnh viện.

Việc khảo sát thực hiện thông qua các thiết bị cài đặt phần mềm được lắp đặt và sử dụng hằng ngày tại các bệnh viện. Nội dung đánh giá sẽ dựa vào 5 nhóm yếu tố, gồm khả năng tiếp cận dịch vụ tại cơ sở y tế; sự minh bạch thông tin và thủ tục khám bệnh, điều trị; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế; kết quả cung cấp dịch vụ.

Trong tháng 9-2018, Sở Y tế sẽ triển khai thí điểm tại 5 bệnh viện: Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Hà Đông và Đa khoa Đống Đa. Dự kiến tháng 10-2018, sẽ triển khai đồng bộ tại các bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội. (Hà nội mới, trang 5; An ninh thủ đô, trang 3).

 

Bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân dịp nghỉ lễ Quốc khánh

Ngày 28-8, Bộ Y tế có Công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về bảo đảm công tác y tế và an ninh trật tự trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh (2-9). Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các sở, ban, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, trang, thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phòng, chống các dịch bệnh có thể xảy ra... (Nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang