Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/11/2022

  • |
T5g.org.vn - 18 học sinh ở Cao Bằng ngất do bị rối loạn phân ly; Lấy khối bướu nặng 1,1kg từ bé trai 3 ngày tuổi; Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh; Số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn tăng, thêm 2 ca tử vong…

 

18 học sinh ở Cao Bằng ngất do bị rối loạn phân ly

Ngày 29-11, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng có thông tin chính thức về việc 18 học sinh tại Trường Tiểu học Cốc Pàng (xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) tự nhiên ngất. Qua xác minh, sự việc xảy ra vào ngày 24-11, gồm 2 nam và 16 nữ.

Ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng, cho biết, kết quả khám lâm sàng ban đầu xác định, các em mắc chứng rối loạn phân ly tập thể, điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý và giáo dục. Hiện các em đang được theo dõi sức khỏe tại nhà, nâng cao tâm lý và bổ sung dinh dưỡng. Trước sự việc trên, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng đã về địa phương hướng dẫn các giáo viên xử lý khi xảy ra ca bệnh tương tự.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3-0,5% dân số. Trẻ mắc chứng bệnh trên là do trẻ sống trong môi trường giáo dục không thích hợp, cha mẹ quá nuông chiều hoặc quá khắt khe với con.

Các triệu chứng của rối loạn phân ly rất đa dạng, xuất hiện và kết thúc đều đột ngột thành từng cơn. Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các điều kiện gây sang chấn. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Cảnh giác với bệnh liên cầu khuẩn lợn

Bệnh liên cầu khuẩn lợn xảy ra rải rác quanh năm, nhưng cứ đến mỗi dịp cuối năm, bệnh lại có xu hướng gia tăng. Điều đáng nói, bệnh liên cầu khuẩn lợn không chỉ xảy ra với những trường hợp ăn tiết canh sống, nem sống, thịt tái sống mà cả những người giết mổ lợn, làm thịt lợn, bán thịt… cũng có nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thịt có mầm bệnh.

Nguy kịch sau khi mổ lợn chết

Những ngày cuối tháng 11 này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân (ở tỉnh Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Trước đó, người này có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Cách thời điểm vào viện vài ngày, nhà hàng xóm có lợn ốm chết, người đàn ông này đã tham gia mổ lợn để lấy thịt cho cá ăn. Sau đó, nam bệnh nhân bị sốt và rơi vào rối loạn ý thức rất nhanh.

Sau khi được người thân đưa đến cơ sở y tế gần nhà, bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương do tình trạng quá nặng. Tại đây, tình trạng bệnh nhân sốt cao, rối loạn ý thức, rơi vào hôn mê. Bệnh nhân có xuất huyết tại tay và chân. Do tình trạng nguy cấp, bệnh nhân lập tức được đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau 4 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tỉnh táo, nhưng ý thức chưa trở lại bình thường.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo về trường hợp của nam bệnh nhân N.T.M (60 tuổi, ở huyện Chương Mỹ) mắc liên cầu khuẩn lợn. Đáng lưu ý, 14 ngày trước khi khởi phát bệnh, ông M. không ăn lòng lợn, tiết canh, không tham gia giết mổ lợn, gia đình cũng không chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, ông là người thường xuyên nấu ăn trong gia đình.

Báo cáo của CDC Hà Nội cho thấy, trong năm 2022, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 3 ca mắc liên cầu khuẩn lợn (tăng 2 ca so với cùng kỳ năm 2021). Các bác sĩ lưu ý, không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến cho người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, các vết trầy xước trên da.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Nguyễn Trung Cấp, liên cầu khuẩn lợn là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ lợn. Khi ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn chưa được nấu chín, như: Tiết canh, nem chua, nem chạo… dễ mắc liên cầu khuẩn lợn.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cảnh báo, bệnh này diễn biến cực kỳ nhanh chóng, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng. Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu nhiễm khuẩn đã nặng.

Phòng bệnh là biện pháp tốt nhất

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.

Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng nhiều người dân còn rất chủ quan với bệnh này. Thống kê của ngành Y tế cho thấy, bệnh liên cầu khuẩn lợn xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch, bệnh có xu hướng gia tăng. Bởi, trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để liên hoan tổng kết cuối năm, ăn Tết. Thậm chí, nhiều nơi có tập tục ăn bát tiết canh cho may mắn. Chính vì thế, số ca mắc liên cầu khuẩn lợn thường tăng lên ở thời điểm này.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Nguyễn Trung Cấp, mọi người thường có quan điểm sai lầm khi cho rằng, lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào, thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

“Thông thường, vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn thường cư trú ở vùng họng của lợn, mà không gây bệnh cho con vật. Do đó, những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu. Tỷ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn lợn không triệu chứng trong một đàn lợn chiếm 60-100%”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

Với các bác sĩ thì cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là nên phòng bệnh. Bởi, khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Do đó, theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện chưa có vắc xin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.

Để chủ động phòng, chống bệnh liên cầu khuẩn lợn, theo Cục Y tế dự phòng, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Đặc biệt, không nên sơ chế thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Khi có biểu hiện mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra cảnh báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Centrum 50+ Dietary Supplement Product và Centrum Dietary Supplement Product vi phạm Luật Quảng cáo.

Cụ thể, tại trang thương mại điện tử chiaki.vn của Công ty cổ phần Thương mại Chiaki (có địa chỉ tầng 1, tòa nhà 24 T3 Thanh Xuân Complex, số 6 phố Lê Văn Thiêm, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) có đăng quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Centrum 50+ Dietary Supplement Product và Centrum Dietary Supplement Product gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng.

Cả hai loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe nêu trên đều do Công ty TNHH Glaxosmithkline Hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe Việt Nam (địa chỉ ở tầng 16, tòa nhà Metropolitan, số 235 đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Hiện, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh và sẽ công khai kết quả xử lý trên website Cục An toàn thực phẩm và Cổng công khai y tế. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Tình dục không an toàn làm gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm người trẻ

Thống kê mới nhất cho biết: Gần 50% số ca nhiễm HIV phát hiện mới tại Việt Nam là những người dưới 29 tuổi.

Hình thái lây nhiễm HIV đã thay đổi

Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến tháng 10 năm nay, cả nước có 220.580 người nhiễm HIV còn sống; tích lũy từ năm 1990 đến nay có 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong.

Từ năm 2020 đến nay, dịch HIV có xu hướng gia tăng. Nếu như giai đoạn từ năm 2017 - 2019 mỗi năm phát hiện hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV, thì 2 năm qua VN có hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo mỗi năm.

Đáng chú ý, xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Nam giới trong nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV có xu hướng giảm từ năm 2012 đến nay, hiện nhóm này chiếm 9%. Những năm gần đây, người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm trẻ tuổi và số nhiễm ở nhóm này tăng nhanh. Năm 2022, có tới gần 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm dưới 29 tuổi. Số phát hiện mắc nhiều là các tỉnh phía nam, đặc biệt là TP.HCM (28%) và ĐBSCL (26%). Tỷ lệ HIV mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm từ 84 - 86%). Một số địa phương báo cáo có 60 - 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Cục Phòng chống HIV/AIDS thông tin: Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng rõ rệt, tỷ lệ nhiễm mới cao và tăng lên từng năm. MSM và nhóm chuyển giới (TG) được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm HIV mới được ước tính hằng năm trong thời gian tới.

Tình dục không an toàn

“Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022, từ ngày 10.11 - 10.12. Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong 10 tháng năm nay, cả nước phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong là 1.378. Đáng lưu ý, số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (chiếm 48,6%) và 30 - 39 (chiếm 28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%).

Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2021, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15 - 24 tuổi chỉ chiếm 39,8%; ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15 - 24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%. Như vậy, nhóm tuổi này có kiến thức, thái độ rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra chung của người dân VN 15 - 49 tuổi là 80% ở cả hai chỉ số trên.

Cùng với kiến thức về HIV/AIDS hạn chế, ở nam nhóm tuổi 15 - 24 có nhiều hơn 1 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai... (Thanh niên, trang 15).

 

Ghép tế bào gốc đồng loại có thể điều trị khỏi bệnh suy tủy xương

Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2022 đã được Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư tổ chức trong hai ngày 24 - 25.11 tại Hà Nội.

Dịp này, các nhà khoa học trong nước và quốc tế có các phiên báo cáo về các chuyên đề: truyền máu, tế bào gốc, đông máu, thalassemia, miễn dịch - di truyền - sinh học phân tử…

Báo cáo tại hội nghị, bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, cho biết ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị có hiệu quả cao với bệnh nhân suy tủy xương. Tỷ lệ mọc mảnh ghép ngày thứ 30 sau ghép đạt 100%; ước tính tỷ lệ sống thêm toàn bộ và sống thêm không bệnh 5 năm sau ghép lần lượt là 84,8% và 91% (với bệnh nhân suy tủy xương được ghép tế bào gốc máu ngoại vi từ người hiến cùng huyết thống phù hợp hoàn toàn). Người bệnh suy tủy xương thể nặng có tỷ lệ tử vong 25% trong vòng 4 tháng đầu và 50% trong vòng 1 năm nếu không ghép tế bào gốc.

Ghép tế bào gốc đồng loại hiện nay là phương pháp duy nhất có thể điều trị khỏi suy tủy xương. Để ghép tế bào gốc cho người bệnh suy tủy xương, lựa chọn tối ưu là nguồn tế bào gốc của anh chị em ruột hòa hợp hoàn toàn. Bên cạnh đó, còn có thể ghép từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng, ghép nửa hòa hợp hoặc ghép máu dây rốn kết hợp với ghép nửa hòa hợp. Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã ứng dụng phương pháp truyền khối bạch cầu hạt để hỗ trợ chống nhiễm khuẩn trong giai đoạn người bệnh sau ghép chờ phục hồi bạch cầu hạt trung tính. Khối bạch cầu được gạn tách từ người thân cùng nhóm máu với người bệnh thông qua hệ thống máy tách tự động. Kỹ thuật này góp phần quan trọng giúp giảm nguy cơ tử vong và nâng cao khả năng thành công trong ghép tế bào gốc ở người bệnh suy tủy xương.

Theo PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, trong nước, các nhà khoa học, các bác sĩ đã thực hiện được đa phần những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và trên thế giới đang thực hiện như: điều trị đích bằng các thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân; có những chương trình phòng bệnh tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh mắc các bệnh máu di truyền. Tới đây, trong nước sẽ tập trung vào những kỹ thuật mới nhất mà trong khu vực và trên thế giới đang phát triển như: ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, điều trị tế bào, điều trị nhắm đích bằng thuốc mới… Những trị liệu đó giúp tiên lượng, điều trị chính xác hơn nhiều so với trước đây, giúp người bệnh cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống và khỏi bệnh trong một số trường hợp. (Thanh niên, trang 15).

 

Năm 2023, sẽ thanh tra 7 cuộc về lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế

Năm 2023 tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức 41 cuộc thanh tra về hàng loạt vấn đề, trong đó có 7 cuộc về lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế, 6 cuộc thanh tra về phòng chống tham nhũng…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký quyết định ban hành kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Y tế nhằm đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế để kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo kế hoạch này, trong năm 2023, Bộ Y tế sẽ tổ chức 41 cuộc thanh tra. Riêng Thanh tra Bộ Y tế tổ chức 23 cuộc; các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện 18 cuộc. Cụ thể:

Thanh tra Bộ Y tế sẽ tổ chức 4 cuộc thanh tra về lĩnh vực y tế dự phòng và an toàn thực phẩm; tổ chức 6 cuộc thanh tra với lĩnh vực khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế.

Cùng đó, tổ chức 7 cuộc thanh tra với lĩnh vực dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; tổ chức 6 cuộc thanh tra hành chính, phòng chống tham nhũng và tiếp dân, xử lý đơn thư.

Đối với các đơn vị được giao thanh tra chuyên ngành, năm 2023 sẽ tổ chức 2 cuộc thanh tra chuyên ngành tại Cục Y tế dự phòng quanh việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vaccine.

Cục Quản lý Dược sẽ thực hiện 2 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc và việc tuân thủ các tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc (GPs).

Cục Quản lý Môi trường Y tế thực hiện 4 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế...

Cục Quản lý khám, chữa bệnh có 4 cuộc thanh tra quản lý nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề và cấp giấy phép hoạt động; thanh tra việc tổ chức thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và chấp hành pháp luật về khám chữa bệnh.

Tại Cục An toàn thực phẩm có 2 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Tại Tổng cục Dân số có 4 cuộc thanh tra việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án, mô hình về dân số - kế hoạch hoá gia đình... (An ninh Thủ đô, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 11: “Thanh tra hàng loạt hạng mục y tế”.

 

Số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn tăng, thêm 2 ca tử vong

Trong tuần qua (tính đến hết 25-11), số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng 4,1% so với tuần trước đó và ghi nhận tới 02 bệnh nhân tử vong.

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần 47 vừa qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.435 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) mới, 2 ca tử vong tại quận Đống Đa và huyện Thanh Trì. Số ca mắc mới tăng 4,1% so với tuần trước đó.

Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần như Hà Đông (207), Đống Đa (133), Thanh Trì (115), Thanh Oai (92), Chương Mỹ (85)...

Cộng dồn đến hết ngày 25-11, thành phố ghi nhận 14.872 ca mắc SXH, 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, ca mắc tăng 4,5 lần, tử vong tăng 18 ca (3.265/0).

Mặt khác, toàn thành phố đã ghi nhận 1.160 ổ dịch, hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện.

Một số ổ dịch nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài có thể kể đến: Thôn Bủng - Phùng Xá, Thạch Thất; thôn Vinh Lộc 1, Phùng Xá, Thạch Thất; Thanh Thần, Thanh Cao, Thanh Oai; Thao Nội, Sơn Hà, Phú Xuyên...

Đáng chú ý, qua kết quả kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch SXH cho thấy, hoạt động xử lý ổ dịch tại một số địa phương chưa hiệu quả. Vì thế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác xử lý ca bệnh, ổ dịch SXH, không để ổ dịch diễn biến kéo dài. Kiên quyết xử lý các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị còn để tồn tại các yếu tố nguy cơ gây dịch SXH… (An ninh Thủ đô, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tăng”.

 

Xử lý nghiêm việc đầu cơ, tăng giá thuốc trong dịp Tết 2023

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu các Sở Y tế trực thuộc Trung ương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật trực thuộc Sở khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc. Cùng với đó, sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

Chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, phục vụ công tác cấp cứu; phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19; thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán cũng như thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông - Xuân như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa.

Đồng thời chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.

Yêu cầu Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành, găm hàng, tăng giá... và xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện.

Các doanh nghiệp, nhà thuốc kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm trực bán thuốc 24/24h và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu thuốc của người bệnh. Không được đầu cơ, tăng giá thuốc trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Sở Y tế các tỉnh có trách nhiệm phân công cán bộ chuyên trách trực 24/24h trong các ngày nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để theo dõi, nắm bắt tình hình và đảm bảo cung ứng thuốc trên địa bàn. Báo cáo về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/12/2022 để tăng cường công tác phối hợp (Đề nghị cung cấp tên và số điện thoại cán bộ chuyên trách).

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động liên hệ với các cơ sở cung ứng thuốc để đặt hàng, theo dõi tiến độ giao hàng, khẩn trương thực hiện mua sắm bổ sung khi có nguy cơ thiếu thuốc hoặc giao hàng không kịp tiến độ. Triển khai kế hoạch dự trữ thuốc đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh. Không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, không lợi dụng dịp tết để tăng giá thuốc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Lấy khối bướu nặng 1,1kg từ bé trai 3 ngày tuổi

Ngày 29-11, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết vừa phẫu thuật lấy thành công khối bướu nặng 1,1kg cho bé trai 3 ngày tuổi, nặng 4kg được chuyển từ Bệnh viện Từ Dũ.

Bệnh nhi được phát hiện mang khối bướu ở đầu mặt cổ khi mẹ khám thai ở tháng thứ 6. Quá trình theo dõi ghi nhận khối bướu to dần, nguy cơ xuất huyết nên bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ quyết định chấm dứt thai kỳ sớm và chuyển qua bệnh viện để can thiệp.

Theo ThS-BS Huỳnh Thị Phương Anh, Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, thở oxy qua mũi, sinh hiệu ổn. Khối bướu ở vùng mặt cổ ngực rất to, đẩy cột sống sang trái, vùng cổ lệch hẳn về một bên.

Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, đây là khối bướu dị dạng bạch huyết, kích thước khổng lồ, chèn ép khí quản, bao bọc các bó mạch lớn, tuyến giáp, khí quản, thực quản. Khối bướu lớn dần, có dấu hiệu xuất huyết nên các bác sĩ quyết định phẫu thuật khi trẻ được 3 ngày tuổi.

Ca mổ kéo dài 4 giờ (thay vì 8 giờ như kế hoạch), kết quả khối bướu bạch huyết lấy ra có cân nặng 1,1kg. Các phẫu thuật viên đã kiên trì và tỉ mỉ bóc tách hơn 90% bướu, phần còn lại bám ở trung thất được tiêm một loại thuốc để gây xơ hóa. Hiện bé đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức sơ sinh, ăn uống qua đường miệng, sinh hiệu ổn định. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang