Quy định cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh trong lĩnh vực y tế
Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2024 có bổ sung quy định điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng... Cụ thể, Luật mới yêu cầu thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ thông qua xét hồ sơ sang kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề.
Theo đó, điều kiện cấp mới giấy phép hành nghề bao gồm một số điều khoản như được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 24 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 hoặc có giấy phép hành nghề được thừa nhận theo quy định tại Điều 29 của luật này. Người hành nghề phải có đủ sức khỏe để hành nghề; đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý, người xin cấp giấy phép hành nghề không thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Điều 20 của luật này.
Với việc cấp mới giấy phép hành nghề đối với các chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền, điều kiện là phải có giấy chứng nhận lương y hoặc giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Đồng thời, người được cấp phép phải đáp ứng điều kiện quy định như: Có đủ sức khỏe để hành nghề; Đáp ứng năng lực tiếng Việt đối với người nước ngoài theo quy định của Chính phủ; Không thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Người đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề nộp hồ sơ theo quy định nêu trên cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề phải cấp mới giấy phép hành nghề trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không cấp mới giấy phép hành nghề phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp cần xác minh tài liệu có yếu tố nước ngoài trong hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề thì thời hạn cấp mới là 30 ngày kể từ ngày có kết quả xác minh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).
Bộ Y tế đề xuất gói BHYT bổ sung
Bộ Y tế đang dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Theo đó, có đề xuất quy định gói BHYT bổ sung là BHYT tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia BHYT bắt buộc...
Yêu cầu gì đặt ra với gói BHYT bổ sung?
Hiện nay, tại Việt Nam có 2 hình thức BHYT, đó là:
Thứ nhất, BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT.
Quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho đối tượng theo quy định của Luật BHYT, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.
Thứ hai, bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm (thường được gọi là BHYT thương mại) mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như BHYT xã hội. Mặc dù có mức phí thường cao hơn so với BHYT bắt buộc nhưng bảo hiểm sức khỏe có nhiều lựa chọn cho người tham gia do đa dạng gói quyền lợi theo khả năng đóng.
Theo ThS Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, loại hình BHYT đang thực hiện là chính sách BHYT an sinh xã hội, bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước đảm bảo để nâng cao chăm sóc sức khỏe toàn dân.
"Chúng ta đang hướng tới bao phủ BHYT toàn dân. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn phát triển BHYT bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn"- ThS Trần Thị Trang thông tin.
Nhấn mạnh chính sách BHYT bổ sung là một trong những điểm quan trọng trong Nghị quyết 20, đảm bảo tính tiên tiến, hội nhập quốc tế trong xây dựng chính sách, ThS Trần Thị Trang cho hay, gói BHYT bổ sung nhằm xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT, tăng quyền lợi, giảm chi từ "tiền túi" của người bệnh.
Ông Nguyễn Trí Dũng - phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế thông tin, Hiện nay, Bộ Y tế đang dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Theo đó, có đề xuất quy định gói BHYT bổ sung là BHYT tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia BHYT bắt buộc.
Gói BHYT bổ sung sẽ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu hoặc dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp tham gia cung cấp các gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người bệnh có điều kiện, có nhu cầu"- ông Dũng nhấn mạnh.
Về mức phí cho BHYT bổ sung, ông Dũng thông tin hiện nay sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với BHYT bắt buộc.
BHYT bổ sung tăng thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ
TS Nguyễn Khánh Phương – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế nêu rõ, BHYT tư nhân/thương mại là mô hình BHYT tự nguyện, hoạt động ngoài tổ chức BHYT xã hội, mức phí tham gia được xác định theo nguy cơ sức khỏe của mỗi cá nhân do một tổ chức có tư cách pháp nhân không thuộc nhà nước điều hành theo phương thức vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận.
Theo phân tích của TS Khánh Phương, BHYT bổ sung tăng thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ, đồng thời thêm cơ chế tài chính trả trước, góp phần giảm chi tiền túi. Hình thức này còn phát huy thế mạnh của công ty bảo hiểm thương mại về tiềm lực tài chính, nghiệp vụ bảo hiểm, kinh nghiệm quản lý của các công ty đa quốc gia và quan trọng hơn nữa là góp phần làm đa dạng hóa các gói bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý thể chế hóa việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội, tuy nhiên cần quy định rõ vai trò và mối liên hệ giữa BHYT thương mại và BHYT xã hội, đồng thời Luật pháp hóa các nguyên tắc quản lý nhà nước đối với liên kết, quy định chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước"- TS Khánh Phương nói
Đồng thời Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế cũng nhấn mạnh thêm cần xây dựng và triển khai thí điểm Đề án liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội, trong đó cũng cần chú trọng việc truyền thông, cung cấp thông tin cho người dân hiểu rõ về quyền lợi được hưởng khi có sự liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội. (Sức khoẻ & Đời sống trang 3).
Bộ Y tế sẽ ban hành tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám chữa bệnh
Ngày 29-11, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện E tổ chức chương trình góp ý dự thảo Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản với sự tham gia của mạng lưới quản lý chất lượng bệnh viện miền Bắc.
Thông tin tại đây, TS.BS Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, sau 10 năm áp dụng 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, diện mạo của nhiều bệnh viện thay đổi tích cực.
Cũng tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, lộ trình để xây dựng Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện, triển khai Luật khám chữa bệnh dự kiến như sau: Ban hành Tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào quý I năm 2024; Ban hành Tiêu chuẩn chất lượng nâng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào quý I năm 2025; Ban hành Tiêu chuẩn chất lượng đối với các chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật từ năm 2024.
Về nội dung, căn cứ, kế thừa nội dung 83 tiêu chí đang áp dụng, phương án xây dựng Tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám chữa bệnh tới đây chia thành 2 bộ: Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản và Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện nâng cao.
Theo đó, Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản sẽ được dự thảo dựa trên nội dung các tiêu chí từ mức 1 đến mức 3. Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện nâng cao sẽ được dự thảo nội dung các tiêu chí từ mức 4 (tiệm cận với bệnh viện quốc tế trong khu vực châu Á) và các tiêu chí mức 5 (tiệm cận với bệnh viện quốc tế trên thế giới).
Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, tất cả các bệnh viện trên toàn quốc sẽ phải bắt buộc hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản để được duy trì hoạt động. Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ công bố danh sách công khai các bệnh viện đạt tiêu chuẩn cơ bản để người dân có quyền lựa chọn nơi khám chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc gia trở lên.
TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc Bệnh viện E cho rằng, Bộ Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện cơ bản được xây dựng và áp dụng vào thực tiễn sẽ giúp hệ thống các bệnh viện đạt tiêu chuẩn của quốc gia và hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, hướng tới mục tiêu các bệnh viện Việt Nam vươn tầm, đón nhiều hơn những người bệnh trên thế giới đến khám chữa bệnh… (An ninh Thủ đô, trang 8).
Hơn 54 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số CCCD
Theo BHXH Việt Nam về thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm, tính đến ngày 14.11.2023, Hệ thống đã xác thực hơn 93,7 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 84,7 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, chiếm 96% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về dân cư.
Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 132 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
Về nhiệm vụ triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến nay, toàn quốc đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai quy trình KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số ĐDCN/CCCD) với hơn 54 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số ĐDCN/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
Tính đến ngày 14.11.2023, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 334.397 hồ sơ thuộc 2 nhóm TTHC liên thông là “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”. Trong đó, có 329.643 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 4.754 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp mai táng.
Về triển khai các DVC, tính đến ngày 14.11.2023, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho 299.434 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ; tiếp nhận và xử lý 4.817 giao dịch đăng ký, đóng BHXH tự nguyện; tiếp nhận và xử lý 33.682 trường hợp đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT, gia hạn thẻ BHYT… (Lao động, trang 4).