Gia tăng tỷ lệ sinh con thứ ba ở nhóm dân cư có trình độ cao
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ - Bộ Y tế), xu hướng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong 3 năm (2015 - 2017) tăng thấy rõ. So sánh năm 2015 và 2016, trong 6 vùng trên cả nước, có 1 vùng giữ nguyên; 2 vùng tăng (tăng nhiều, 0,4 và 0,6 điểm phần trăm) và 3 vùng giảm (giảm ít, 2 vùng giảm 0,2 và 1 vùng giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhưng 2 năm 2016 - 2017, xu thế sinh con thứ ba lại tăng rõ rệt. Trong 6 vùng, chỉ có 1 vùng giữ nguyên (bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung); 5 vùng còn lại đều tăng, và tăng rất nhiều, trong đó trung du và miền núi phía bắc tăng 2,7 điểm phần trăm; vùng Tây nguyên tăng mạnh nhất với 3,2 điểm phần trăm.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê đã ước tính tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của năm 2018 là 20,9%, tương đương với mức cao nhất (20,8%) xảy ra năm 2005. Mức tăng 3,6% so với năm 2017 cũng là mức tăng cao kỷ lục, cao hơn với mức tăng của cả thời kỳ 5 năm trước (3,1% trong giai đoạn 2012 - 2017). Đáng chú ý, biến động về sinh con thứ ba trở lên lại thường xảy ra ở nhóm dân cư có trình độ văn hóa cao và ở cả cán bộ, đảng viên. Điều này dễ tạo hiệu ứng trong xã hội về sinh con thứ ba trở lên.
Đại diện của Tổng cục DS-KHHGĐ cho hay mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW khẳng định cần duy trì, ổn định mức sinh thay thế và tiến tới ổn định quy mô dân số. Do vậy, trong những năm tới, cần theo dõi chặt chẽ và đánh giá phân tích kỹ về chỉ tiêu mức sinh, đặc biệt là tỷ lệ sinh con thứ ba, nhằm sớm đề ra những giải pháp kịp thời.
Ngày 28.8.2018, Ban Chấp hành T.Ư cũng đã ban hành quy định về việc kết nạp đảng viên, trong đó có tiêu chí về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Trong đó, có quy định về các trường hợp không xem xét kết nạp lại và kết nạp vào Đảng, cụ thể như: đảng viên sau khi bị đưa ra khỏi Đảng lại vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; quần chúng đã vi phạm chính sách DS-KHHGĐ trong trường hợp sinh con thứ 5 trở lên… (Thanh niên, trang 4).
Rét đậm, bệnh đột quỵ tấn công cả người trẻ
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Nội – Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, thời tiết rét đậm như hiện nay, số người đến khám và cấp cứu do tai biến mạch máu não (đột quỵ) tăng cao.
Theo bác sĩ Tuấn, tai biến mạch máu não đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam và là một trong những bệnh gây tử vong cao nhất. Đột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi, trước đây thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng hiện có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi.
Đáng chú ý, đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động. Thống kê cho thấy tỷ lệ này tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Ở Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đã và đang điều trị nhiều trẻ mắc bệnh này. Tại Bệnh viện Việt Đức mỗi tháng tiếp nhận khám và điều trị cho hàng trăm trường hợp bệnh nhân mắc bệnh.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, đột quỵ não còn là tình trạng thiếu máu đột ngột đến một phần não, làm cho các tế bào não thiếu oxy và chết gây nên các rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác... Sự gián đoạn của quá trình cung cấp máu và oxy lên não có thể do tắc mạch, huyết khối động mạch não hoặc vỡ mạch máu não. Tình trạng đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh cũng bất ngờ làm khởi phát bệnh. Theo cơ chế sinh học, dưới ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã bị biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong và các biến chứng vô cùng nặng nề.
Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, những dấu hiệu của bệnh có thể rất nhẹ, nhưng cũng có khi rất nặng, như liệt mặt, liệt tay, liệt chân. Khi có những dấu hiệu trên cần đưa ngay bệnh nhân vào bệnh viện càng sớm càng tốt, bởi trong “giờ vàng” (dưới 4,5 tiếng) khả năng điều trị hiệu quả cao.
Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não có thể do mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, mỡ máu… nhưng không được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, những thói quen có hại như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lười vận động, chế độ ăn nhiều chất béo... cũng là những yếu tố nguy cơ gây nên đột quỵ.
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm, thời tiết đang rét đậm như hiện nay, mọi người, nhất là những người già, người có bệnh không tập thể dục ngoài trời sớm, cần giữ ấm toàn thân, ăn uống đủ chất dinh dưỡng tránh nguy cơ bị bệnh tim mạch. Đặc biệt, tránh lạm dụng rượu bia bởi nếu uống nhiều trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm khiến huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ.
Theo thống kê, có khoảng 90% người bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt, liệt các dây thần kinh sọ não, tê bì cảm giác nửa người) sau đột quỵ. Di chứng này gây khó khăn cho bệnh nhân về sinh hoạt, đi lại hàng ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân liệt nằm lâu ngày có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: cứng khớp, loét các điểm tì đè, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu... thậm chí tử vong. (Tiền phong, trang 6).
Phát triển bền vững, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân
Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội đã giao chỉ tiêu cho Chính phủ “bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT”. Tuy nhiên, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2019, cả nước đã có 85,39 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 90% dân số. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội BÙI SỸ LỢI (trong ảnh) đã có những đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội, cũng như mục tiêu hướng tới BHYT toàn dân. Phóng viên: Với những kết quả đạt được về diện bao phủ, công tác tổ chức thực hiện BHYT đã có nền tảng tương đối vững chắc, qua thực tế giám sát ở các địa phương, theo đồng chí tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90% đã đi vào thực chất?
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi: Có thể nói Nghị quyết 68 của Quốc hội đáp ứng được yêu cầu quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội của chúng ta, trong đó BHYT được coi là một trụ cột. Với tỷ lệ bao phủ toàn dân tới 90% tham gia BHYT, đó là một thành công lớn, là mục tiêu mà chúng ta đã phấn đấu để đạt được, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Qua công tác giám sát, chúng tôi thấy số liệu thống kê đang phản ánh đúng tình hình thực tế triển khai BHYT trên cả nước. Nếu như cách đây khoảng 5 đến 10 năm, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ tham gia BHYT là rất khác nhau giữa các địa phương, ngay cả những tỉnh đồng bằng, gần sát Hà Nội, như Nam Định vào năm 2012 mới đạt được khoảng hơn 40%, chưa được 50%... Nhưng đến nay, rất mừng là tỷ lệ người dân tham gia BHYT bao phủ đồng đều trên toàn quốc.
Phóng viên: Nhưng trên thực tế, vẫn còn không ít khó khăn trong việc tiến tới BHYT toàn dân, theo đồng chí, có những vấn đề gì đáng chú ý khi thực hiện chính sách BHYT ở cơ sở?
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi: Qua thực tế giám sát việc triển khai chính sách BHYT tại các địa phương, tôi cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề chúng ta cần phải giải quyết. Thứ nhất, số người tham gia tăng, độ bao phủ lên tới 90%, nhưng vấn đề quan trọng là trong 90% dân số có thẻ BHYT, số lượng người dân được Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách chiếm tỷ trọng rất cao, chiếm tới hơn 60%. Điều này có nghĩa, ngân sách đang chi cho BHYT rất lớn, và Quỹ BHYT của chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách.
Thứ hai, việc phát triển chính sách BHYT và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Một số vùng, miền điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc chăm sóc sức khỏe vẫn chưa đạt yêu cầu. Người dân được tham gia BHYT, nhưng chất lượng dịch vụ y tế cho vùng sâu, vùng xa vẫn chưa cao, dẫn đến có sự chênh lệch về hưởng lợi của dịch vụ BHYT. Đã có thời điểm, chúng ta phải “báo động” tình trạng người nghèo đang tham gia BHYT để tạo cơ hội cho người có điều kiện và người ở vùng đồng bằng được hưởng quyền lợi cao hơn.
Và cuối cùng, mặc dù tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt khoảng 90%, nhưng vẫn còn khoảng 10% dân số tham gia BHYT. Con số 10% này mới là điều đáng lưu ý. Hộ gia đình, người có thu nhập cao… là những người hoàn toàn có khả năng tham gia BHYT để làm cho Quỹ BHYT tăng lên, nhưng họ lại chưa tham gia, mà chủ yếu tham gia các gói bảo vệ sức khỏe của bảo hiểm thương mại hoặc có một bộ phận người dân có đời sống cao lại khám, chữa bệnh ở nước ngoài... Điều này thể hiện quan điểm chung là bao phủ toàn dân, nhưng bộ phận cần tham gia để cho nguồn quỹ tăng lên, bảo đảm công bằng xã hội lại hạn chế, đòi hỏi phải có giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Phóng viên: Theo đồng chí, chúng ta phải làm thế nào để phát triển bền vững, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân?
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi: Tôi cho rằng, phát triển BHYT bền vững phải thỏa mãn được hai yêu cầu rất cơ bản. Một là, phải bao phủ đến mọi người, hay còn gọi là BHYT toàn dân, để không ai phải đi khám, chữa bệnh mà không có BHYT. Thứ hai là, phải bảo đảm bền vững về tài chính. Đây là vấn đề rất quan trọng, có thể thấy độ bao phủ thì lớn, nhưng nguy cơ “vỡ quỹ” lại cao, bởi thực trạng hiện nay đang là “đóng thì ít, hưởng thì nhiều”, cùng chia sẻ lại thấp, thậm chí là không có. Nếu không giải quyết được vấn đề này, BHYT không thể bền vững được.
Vì thế, với tỷ lệ bao phủ 10% còn lại, chúng ta cần tập trung vận động, tuyên truyền, làm sao để đối tượng này có thể tham gia vào hệ thống BHYT của cả nước, điều đó sẽ giúp nguồn quỹ tăng lên. Thứ hai là, mức đóng hiện nay của chúng ta đang là 4,5% mức lương cơ sở; nhưng Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 cho phép là 6%, cho nên chúng ta hoàn toàn có dư địa. Nhưng nếu tăng nhanh, cũng sẽ gây áp lực cho người dân, cho doanh nghiệp, vì vậy cần có lộ trình.
Phóng viên: Vậy theo đồng chí, làm thế nào để có sự cân bằng giữa việc đạt mục tiêu về độ bao phủ BHYT, vừa bảo đảm quyền lợi người tham gia đồng thời bảo đảm sự an toàn của nguồn quỹ?
Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi: Thời điểm trước năm 2015, hiện tượng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT diễn ra phổ biến, nguồn Quỹ BHYT sử dụng chưa hiệu quả dẫn tới chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh BHYT chưa cao. Trong những năm vừa qua, quy mô, tốc độ bao phủ BHYT tăng nhanh, đó là vì chất lượng khám, chữa bệnh đang từng bước được nâng cao. Tôi đánh giá rất cao sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, chúng ta thay đổi được thủ tục hành chính, tinh thần, thái độ của cán bộ ngành y tế, của y, bác sĩ, người lao động trong ngành. Đặc biệt là BHXH Việt Nam cùng với ngành y tế đã thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giám định BHYT để kiểm soát tình trạng trục lợi, lạm dụng BHYT tại các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, trong chừng mực nào đó, cần đánh giá cao sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân, dù còn chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng đã dần trở thành đối trọng để các cơ sở y tế công lập cũng phải quyết tâm đổi mới, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. Chúng ta phải đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ tiêu bao phủ BHYT là HĐND, UBND các địa phương đều giao chỉ tiêu để tổ chức triển khai thực hiện từ xã, huyện, quận, thị xã, thành phố đến Trung ương. Các khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá làm rất tốt, tôi cho rằng, đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển BHYT bền vững.
Và cuối cùng, sự phát triển bền vững quan trọng nhất của BHYT là phải bảo đảm sức khỏe, sự hài lòng tốt nhất trong nhân dân, đây cũng là yếu tố hấp dẫn để thu hút những đối tượng chưa tham gia BHYT sẽ tham gia vào hệ thống. Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện cơ chế tài chính y tế rất công minh và hiệu quả, giúp cho hệ thống BHYT bền vững hơn.
Phóng viên: Cảm ơn đồng chí! (Nhân dân, trang 4).
Không tự ý dùng thuốc kháng virus trị cúm
Oseltamivir tôi còn được biết đến với cái tên khá quen thuộc trong mùa cúm này, đó là tamiflu, loại thuốc mà mọi người đang đề cập tới rất nhiều khi dịch cúm đang hành hoành.
Là một loại thuốc chống virus, oseltamivir có tác dụng ức chế enzym có vai trò thiết yếu giải phóng các hạt virus cúm type A và type B mới được hình thành trong tế bào bị nhiễm và làm virus lan truyền khắp cơ thể.
Các bạn cần lưu ý, oseltamivir chỉ nên dùng trong các trường hợp: Điều trị cúm typ A và B ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên và cho người lớn, đã có triệu chứng điển hình của cúm không quá 48 giờ (2 ngày), trong thời gian có cúm virus lưu hành. Chỉ định được khuyến cáo đặc biệt đối với người có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi hoặc có 1 trong những bệnh sau: Bệnh hô hấp mạn kể cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim - mạch nặng trừ bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường) và dự phòng cúm (trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm và trong thời gian có dịch cúm) cho người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt đối với người có nhiều nguy cơ (chưa được bảo vệ hữu hiệu bằng vắc-xin cúm, nhân viên y tế chăm sóc trực tiếp người bệnh và có thể bắt đầu dùng oseltamivir trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm). Việc dùng thuốc cần do bác sĩ chỉ định.
Nhiều người nghe thấy có tác dụng chống cúm của oseltamivir tôi, nên đã mua thuốc về uống phòng và rất nhiều người bệnh sợ biến chứng của cúm cũng đã tự ý tìm đến với oseltamivir tôi mà không có chỉ dẫn của thầy thuốc, dẫn tới tình trạng dùng thuốc khi chưa cần thiết gây tốn kém và nếu không may còn gặp bất lợi không mong muốn gây hại cho người dùng.
Một số bất lợi thường gặp như: buồn nôn, nôn, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy hay nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt... hoặc nặng hơn có thể gây viêm gan, thận cấp; ảnh hưởng đến máu làm giảm bạch cầu, tiểu cầu. Như vậy là lợi bất cập hại...
Với những trường hợp được bác sĩ chỉ định dùng oseltamivir, người bệnh cần chú ý về cách uống thuốc sao cho đạt hiệu quả cao nhất: Đối với dạng thuốc viên nên uống với nhiều nước; phải uống đủ liều và đủ thời gian quy định ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm; phân khoảng cách giữa các liều uống phải đều nhau trong ngày để duy trì nồng độ thuốc trong máu ổn định. Trẻ em dưới 12 tuổi nên dùng thuốc dạng nước và phải dùng thìa hoặc dụng cụ đong bán kèm thuốc để đong thuốc nước cho đúng liều lượng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Cứu sống bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa ồ ạt
Chiều 26.12, BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết ê kíp nội soi bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa dưới ồ ạt, có nguy cơ tử vong cao, nhờ can thiệp qua nội soi bằng clíp kẹp cầm máu.
Bệnh nhân là ông N.V.C (65 tuổi, ngụ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Khoảng hơn một tuần trước, bệnh nhân được nội soi đại tràng và có can thiệp cắt polyp đại tràng tại một bệnh viện tư nhân. Đến ngày 24.12, bệnh nhân đi tiêu ra phân đen lẫn máu đỏ tươi lượng nhiều nên nhập viện tại Bệnh viện tỉnh Sóc Trăng. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng phát hiện khung đại tràng ứ đọng nhiều máu tươi. Tình trạng xuất huyết tiêu hoá diễn tiến nặng, bệnh nhân lơ mơ, suy hô hấp được thở máy, sử dụng vận mạch nâng huyết áp, truyền máu, chống toan.
Do bệnh nặng, bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Tại đây, qua hội chẩn các chuyên khoa, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa dưới ồ ạt chưa rõ nguyên nhân, sốc giảm thể tích, suy hô hấp, rối loạn động máu/cắt polyp đại tràng. Bệnh nhân được tiếp tục thở máy, truyền dịch, truyền 3 khối hồng cầu từ 350ml máu toàn phần, 4 đơn vị huyết tương...
Sau hồi sức tích cực, sinh tồn bệnh nhân có cải thiện. Ê kíp nội soi do bác sĩ Phan Văn Tiển (Khoa nội soi) đã tiến hành nội soi đại tràng cấp cứu tại giường cho bệnh nhân.
Kết quả nội soi trực tràng cho thấy máu đỏ tươi toàn bộ trực tràng bơm rửa sạch rất khó khăn. Quá trình nội soi bác sĩ phát hiện 3 ổ loét đường kính 1-12mm, có ổ loét máu đang chảy rỉ rả. Đặc biệt gần góc gan một ổ loét to đường kính 2,5cm có nhú mạch máu to, rịn máu đỏ tươi. Ê kíp đã tiến hành kẹp 3 clíp cầm máu cho bệnh nhân, sau kẹp tình trạng chảy máu được khống chế.
Đến chiều 26.12, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, không tiêu máu đỏ thêm, niêm hồng, bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tiếp tại Khoa Nội tiêu hóa.
Theo BSCK2 Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, hiện nay nội soi đại tràng là cách chẩn đoán đầu tiên có thể phát hiện vị trí chảy máu trong 74 - 82% các trường hợp. Qua nội soi đại tràng có thể thực hiện các kỹ thuật cầm máu như chích cầm máu, đốt cầm máu bằng điện hay plasma argon, kẹp clíp cầm máu, thắt cầm máu bằng vòng thun hay thòng lọng. Can thiệp nút mạch cũng là một phương pháp trong điều trị cầm máu xuất huyết tiêu hóa dưới. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).