Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/7/2017

  • |
T5g.org.vn - Bác sĩ kể chuyện hiểu sai về sốt xuất huyết; Ngăn chặn viêm gan B phát tác bằng thực phẩm tự nhiên; Bị sốt nên kiêng ăn gì?; Đông Nam Á - điểm nóng của dịch sốt xuất huyết; Đêm trực buồn...!

 

Bác sĩ kể chuyện hiểu sai về sốt xuất huyết

Trong tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát hiện nay, với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở BV đa khoa tỉnh Long Anh, tôi xin kể về những trường hợp bệnh nhân cùng người nhà vấp phải những hiểu lầm về bệnh này với mong muốn cảnh tỉnh nhiều người, nhằm tránh dẫn đến khó khăn cho công tác điều trị của bác sĩ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Bị SXH một lần sẽ không bị lại

Mới đây, một phụ nữ từ thị xã Kiến Tường dắt theo con gái sáu tuổi đến phòng khám của tôi. Chị lo lắng kể con gái chị cứ bị sốt hầm hầm từ ba bữa nay. Thấy con vừa sốt, nghĩ mùa mưa, thời tiết thất thường thì người lớn, con nít bị cảm sốt là chuyện bình thường, chị ra nhà thuốc mua thuốc cảm sốt cho con uống nhưng cơn sốt không giảm mà ngày càng tăng. Sau khi bé gái được tôi thăm khám và chẩn đoán bé mắc bệnh SXH, người mẹ đã rất ngạc nhiên cho biết cách đây hai năm con chị đã bị SXH, phải nằm bệnh viện tỉnh sáu ngày mới khỏi. Chị thắc mắc rằng nghe nhiều người nói ai đã bị SXH một lần trong đời rồi thì sẽ không bao giờ mắc lại căn bệnh này nữa mà tại sao con chị lần này lại bị SXH.

Đúng là SXH là bệnh tạo miễn dịch suốt đời, ai đã mắc bệnh rồi thì không mắc nữa nhưng trong thực tế, vì virus gây bệnh SXH hiện nay có đến bốn chủng nên một khi bạn đã bị SXH rồi thì không có gì bảo đảm bạn sẽ không mắc bệnh lại bởi một chủng virus gây SXH khác. Như vậy mỗi người có thể sẽ mắc SXH bốn lần trong cả đời người.

Giảm sốt là hết bệnh

Bé Thanh Nghị bảy tuổi, ngụ huyện Tân Trụ nhập viện trong tình trạng tay chân lạnh, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Qua kiểm tra, tôi nhận thấy mạch cháu đập nhanh, huyết áp hạ. Tôi khai thác bệnh sử thì cha cháu cho biết con mình bị sốt ba ngày trước đó. Đến ngày thứ tư bé hết sốt nhưng lừ đừ, ăn kém, xuất hiện nhiều nốt xuất huyết dưới da kèm theo tình trạng mệt mỏi. Thằng bé than đau đầu và sáng nay bỗng dưng bé bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, tay chân lạnh. Cha cháu xin cho con mình nhập viện cấp cứu.

Sau khi được tôi cho biết bé Nghị bị SXH chuyển nặng, cha cháu hỏi tại sao bé đã hết sốt, tức là hết bệnh SXH mà bây giờ bệnh lại đột ngột chuyển nặng. Đây là hiểu lầm tai hại mà người nhà bệnh nhi SXH thường mắc phải. Bởi vì thông thường, với bệnh SXH, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt trong ba ngày đầu tiên. Nhưng thời gian nguy hiểm nhất của bệnh là từ ngày thứ tư trở đi. Chính giai đoạn này có thể gây ra tình trạng nặng của bệnh với những biểu hiện như tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp hạ, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam và có thể có cả đi tiêu ra máu và nôn ra máu, nếu không chữa trị kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.

SXH lây qua đường tiếp xúc

Thanh Tú, 20 tuổi, nhà ở TP Tân An xin nhập viện điều trị SXH ở ngày thứ ba. Cô gái kể cô có đứa em trai 11 tuổi vừa dứt bệnh SXH cách đây một tuần. Trong thời gian em trai bệnh, Tú và người nhà cố gắng không tiếp xúc trực tiếp với em trai. Cô hỏi tại sao cô lại có thể lây bệnh SXH từ em trai mình.

Đây thực ra là sự hiểu biết lệch lạc về đường lây SXH. Không ít người nghĩ rằng SXH lây bệnh giống như ho gà, cảm cúm. Hiểu đúng phải là bệnh SXH không lây trực tiếp bằng con đường hô hấp hay dịch tiết của người bệnh mà nó được lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn. Loài muỗi này chích hút máu người bệnh SXH, sau đó chích người lành sẽ làm cho người lành mắc bệnh.

Uống thuốc Aspirin khi bị SXH

Trường hợp bé Duy Khang, chín tuổi, ngụ huyện Châu Thành thì nghiêm trọng hơn. Bé nhập viện trong tình trạng tiêu phân đen, nôn ra máu, xuất huyết dưới da và than đau bụng vùng thượng vị. Qua khai thác tình hình bệnh trạng của bé, tôi được biết trước đó bốn ngày bé bị sốt 39-40 độ, đau người, đau cơ khớp, đau đầu. Mẹ cháu tự mua thuốc Aspirin pH8 về cho con uống. Bé Khang có giảm sốt chút ít và cứ thế bé được mẹ cho uống Aspirin cho đến hôm nhập viện.

Rõ ràng người mẹ không am hiểu về loại thuốc bị cấm kỵ này đối với bệnh SXH. Bởi vì Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ sốt rất tốt nhưng với bệnh SXH, loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể gây nên xuất huyết dạ dày, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 10).

 

Ngăn chặn viêm gan B phát tác bằng thực phẩm tự nhiên

Viêm gan B là bệnh gây ra bởi siêu vi khuẩn viêm gan B. Virus này được truyền qua tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể của người bị bệnh. Khi bị nhiễm trùng mãn tính, có thể gây nguy cơ tử vong do xơ gan và ung thư gan. Một số nguyên nhân gây viêm gan B có thể là quan hệ tình dục không an toàn từ nhiều bạn tình, truyền bệnh từ người mẹ sang con trong khi sinh, tái sử dụng kim tiêm và ống tiêm mà không tiệt trùng, sử dụng dao cạo và các vật tương tự bị nhiễm bệnh. Một số triệu chứng thông thường có thể là cúm nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, đau bụng nhẹ, khó chịu dạ dày, nôn mửa, buồn nôn, ăn mất ngon, đau cơ thể. Tuy nhiên, bạn có thể giảm những triệu chứng của bệnh này bằng cách bổ sung những thực phẩm sẵn có trong nhà bếp:

Gừng

Trà gừng được chế biến từ củ gừng nên khi tiêu thụ mỗi ngày có thể giúp người mắc bệnh viêm gan B phục hồi nhanh chóng. Bạn cũng có thể trực tiếp uống nước gừng sau mỗi bữa ăn để đạt được kết quả tốt nhất.

Tỏi

Tỏi rất giàu các chất chuyển hóa, các axit amin và có thể giúp diệt virus viêm gan B. Bạn có thể nhai tỏi mỗi ngày giúp bảo vệ gan. 

Củ cải đường

Củ cải đường có hàm lượng dinh dưỡng cao và rất hữu ích cho bệnh nhân viêm gan B. Củ cải rất giàu sắt, kali, axit folic, mangan, canxi, đồng và một số vitamin như A, B và C. Tất cả các khoáng chất này giúp thúc đẩy tái tạo các tế bào bị tổn thương trong gan, giảm sưng và đau. Củ cải có khả năng giải độc gan và cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Phương pháp chữa bệnh tại nhà đơn giản là uống 2 ly nước ép củ cải tươi mỗi ngày.

Cam thảo

Cam thảo có đặc tính kháng virus và chống oxy hóa tuyệt vời giúp tiêu diệt virus viêm gan B và giúp bạn nhanh chóng phục hồi. Một phương thuốc rất đơn giản là nhai một miếng cam thảo 2-3 lần mỗi ngày.

Củ nghệ

Củ nghệ có chứa chất bảo vệ gan khỏi độc tính, bệnh tật và giúp gan hoạt động tốt. Chất chống oxy hóa của nghệ cũng giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh gan. Nghệ cũng có thể ngăn ngừa sự nhân lên của virus viêm gan trong cơ thể. Hãy thêm nhiều bột nghệ vào các món ăn hàng ngày của bạn. 

Lá ôliu

Lá ôliu có vô số các đặc tính chữa bệnh. Hợp chất chính trong lá ôliu là một chất hóa học được gọi là oleuropein, có tính chống virus và chống nấm mạnh. Điều này giúp diệt siêu vi khuẩn viêm gan B một cách nhanh chóng và hiệu quả cũng như tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Cho lá ôliu vào 1 cốc nước và đun sôi, sau đó thêm khoảng một thìa cà phê lá ôliu khô vào. Ngâm trong 10 phút, sau đó lọc lấy nước uống ít nhất 3 lần một ngày. Nếu bạn không có lá ôliu, bạn cũng có thể mua viên nang 500mg chiết xuất từ lá ô liu.

Những thực phẩm nên tránh 

Bệnh nhân nên ăn các loại thực phẩm giàu đạm (thịt cá, trứng, sữa...), đường và                  vitamin như hoa quả tươi, sữa chua...; giảm tối thiểu các thức ăn có mỡ, các món xào, rán; Hạn chế ăn các món cay dễ kích thích như ớt, hồ tiêu, tỏi, gừng. Không uống rượu, bia vì đồ uống có cồn.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Khi chế biến thực phẩm cần nấu kỹ, dễ ăn và dễ tiêu hóa, ăn nhiều bữa trong ngày. Hạn chế các thực phẩm quá bổ dưỡng, nên ăn ít thịt. Các thực phẩm thích hợp với bệnh nhân viêm gan là bột mì, gạo tẻ, đậu tương, đậu đen, đậu xanh... (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Bị sốt nên kiêng ăn gì?

Sốt là phản ứng của cơ thể với nhiễm trùng. Người bị sốt cần bổ sung dinh dưỡng, chống mất nước, tăng cường hệ miễn dịch, nhưng cũng cần hạn chế một số thực phẩm làm tăng thân nhiệt, khó tiêu hóa.

Đồ ăn uống cần tăng cường

Uống nhiều nước: Khi cơ thể bị mất nước, các virus, vi khuẩn thường phát triển mạnh  hơn. Khi sốt, bạn nên uống nhiều nước lọc hơn bình thường để bổ sung lượng nước đã mất đi. Việc bù đủ nước khi sốt sẽ giúp người ốm không bị kiệt sức, các độc tố trong cơ thể cũng sẽ được loại bỏ nhanh và dễ dàng hơn. Ngoài ra, cũng nên thay nước lọc bằng nước đun sôi để nguội pha với hydrit hoặc oresol để bù điện giải.

Ăn thức ăn lỏng: Súp, bún, phở, đồ ăn loãng dễ nuốt được nấu cùng với thịt gà, thịt lợn, thịt bò sẽ góp phần bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, chống lại mất nước và viêm nhiễm.

Nước hoa quả, sinh tố: Các loại trái cây như cam, chanh, dâu tây, xoài, chuối… là lựa chọn ưu tiên với người bị sốt. Trái cây vừa cung cấp thêm vitamin cho cơ thể, vừa giúp giảm sốt, bù đắp lại các chất điện giải đã bị mất. 

Ăn nhiều rau xanh: Những thực phẩm quen thuộc như cà chua, rau mồng tơi, rau muống, rau cải, rau dền… chế biến dưới dạng luộc, nấu canh đều có lợi ích hạ nhiệt nhất định.

Sữa chua: Sữa chua cũng là một món ăn có lợi khi bị ốm hoặc sốt, chúng sẽ giúp bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột, giúp cơ thể khỏe hơn, tiêu hóa tốt hơn, tránh mắc thêm các bệnh khác.

Thực phẩm cần hạn chế

Nước đá, nước lạnh: Nước lạnh không làm giảm sốt, nhất là trong trường hợp đường tiêu hóa bị giảm sút thì việc uống nước quá lạnh cũng sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe.

Uống trà: Chất ta-nin trong trà sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên. Uống nhiều trà và uống trà quá đậm đặc sẽ làm cho não ở trạng thái bị kích thích, làm tăng huyết áp dẫn đến làm tăng thêm nhiệt độ cơ thể người bệnh.

Trứng: Bình thường trứng là một thực phẩm rất bổ dưỡng cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên ăn trứng khi bị ốm bởi trứng có nhiều protein sẽ làm cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên không phát tán ra ngoài được, do vậy sốt càng cao và lâu khỏi.

Mật ong: Mật ong là một loại thuốc bổ cho cơ thể, tuy nhiên, nếu uống quá nhiều mật ong khi bị sốt rất dễ đến cơ thể bị tăng thêm nhiệt độ.

Ăn tỏi, ớt, tiêu: Các gia vị cay, đồ ăn cay làm sản xuất rất nhiều nhiệt trong cơ thể, chính vì thế, đây cũng là lý do mà những người đang bị sốt nên hạn chế các thực phẩm cay nóng (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Đông Nam Á - điểm nóng của dịch sốt xuất huyết

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hạng sốt xuất huyết là một trong những loại bệnh do virus lây truyền qua muỗi gây ra có mức độ ảnh hưởng và tốc độ lây lan nhanh nhất thế giới, với sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trên toàn cầu cao gấp 30 lần chỉ trong vòng 50 năm qua.
Ước tính hơn 2,5 tỷ người (tương đương khoảng 30% dân số thế giới) có nguy cơ nhiễm bệnh. Mỗi năm, có khoảng 390 triệu người mắc bệnh, trong đó có 500.000 người mắc sốt xuất huyết Dengue - một dạng bệnh nghiêm trọng hơn - gây ra 25.000 ca tử vong hằng năm. Tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết cũng tăng đột biến trong những thập kỷ gần đây. Không chỉ gia tăng về số lượng ca bệnh, dịch bệnh còn mở rộng phạm vi về mặt địa lý. Trong khi chỉ có 9 nước phải đối mặt với những đợt dịch nghiêm trọng trước năm 1970, đến nay sốt xuất huyết đã xuất hiện tại hơn 100 quốc gia ở Châu Phi, Châu Mỹ, Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong số đó, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong danh sách 30 nước và vùng lãnh thổ có số ca nhiễm sốt xuất huyết Dengue cao nhất thế giới, có tới 9 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, lần lượt là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Lào, Singapore. Sốt xuất huyết Dengue cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại khu vực, cao hơn so với tỷ lệ tử vong do sốt rét.
Tiến sĩ Mohammad Jamsheed, chuyên gia tư vấn của WHO về các bệnh nhiệt đới tại Đông Nam Á cho biết, 60% người mắc sốt xuất huyết Dengue mang mầm bệnh có nguy cơ lây lan nhưng không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Cũng theo WHO, nguyên nhân chính gây tử vong do sốt xuất huyết tại khu vực là do bệnh nhân nhập viện quá muộn, khi bệnh đã diễn biến xấu và thường bị nhầm lẫn với sốt thông thường. Tỷ lệ này càng tăng cao tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực không có sẵn các trang thiết bị hỗ trợ điều trị bệnh. Cái chết của nam diễn viên nổi tiếng Thái Lan Tridsadee Sahawong (37 tuổi) sau 2 tháng hôn mê vì sốt xuất huyết vào năm 2016 là hồi chuông cảnh tỉnh đối với cộng đồng khi bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tại Lào, số ca nhiễm sốt xuất huyết Dengue đã đạt tới mức kỷ lục trong năm nay, đặc biệt là ở thủ đô Viêng Chăn. Trong khi đó, tại Việt Nam, gần 50.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue đã được phát hiện kể từ đầu năm 2017, trong đó TP Hồ Chí Minh được coi là điểm nóng. Bên cạnh những tác động về sức khỏe, tốn kém chi phí điều trị, sốt xuất huyết còn ảnh hưởng tới sự phát triển chung của khu vực, trong đó ngành Du lịch Đông Nam Á đang đứng trước thách thức không nhỏ. Các du khách tỏ ra lo ngại trước nhiều điểm du lịch nổi tiếng nằm tại các vùng rừng núi, ẩm thấp, hay không có các biện pháp phòng chống muỗi hiệu quả. Đại học Y tế Công cộng Pittsburgh (Mỹ) cho biết, độ ẩm và nhiệt độ cao, điều kiện sống còn nhiều hạn chế và nhận thức chưa đúng về mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết đã tạo điều kiện cho dịch bệnh lan rộng và khó kiểm soát tại Đông Nam Á, nhất là trong chu kỳ El Nino được dự báo bắt đầu vào tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay và kéo dài đến hết năm. Nếu các mô hình dự báo cho thấy bệnh có nguy cơ bùng phát, các chính phủ cần sớm bắt đầu chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân, vệ sinh môi trường sống, khoanh vùng và dập dịch để ngăn ngừa virus lây lan (Hà Nội mới, trang 3).

 

Đêm trực buồn...!

Đã khuya, mình cứ hy vọng mọi việc sẽ bình yên, nhưng nhiều sự việc đến trong đêm quá bất ngờ và thật đau lòng.

3 giờ sáng…

Đã khuya, mình cứ hy vọng mọi việc sẽ bình yên, nhưng nhiều sự việc đến trong đêm quá bất ngờ và thật đau lòng. Không biết nói gì hơn, nhìn bệnh nhân tới cấp cứu, dù không phải người thân mà mình cứ nuốt nước mắt vào trong…

Ca 1: Một thanh niên tầm 20 tuổi nhập viện vì đa chấn thương đầu, mặt. Nhiều vết thương dài, sâu, xé nát khuôn mặt trẻ trung kia chỉ vì một chai bia từ bàn bên cạnh bay tới với những mảnh thủy tinh sắc nhọn. Nghe người thân kể, cậu bé mới từ quê lên thành phố được đúng 1 tuần, 11 giờ đêm nay đi nhậu cùng đám bạn và bất ngờ sự việc diễn ra như thế…

Khi mình xử lý vết thương, thấy ngoài những chỗ rách da ngọt, bén, sắc thì vùng mi mắt đã bị rách toác. Mình cứ cầu mong rằng vết thương không đụng tới được nhãn cầu. Nhưng hỡi ôi, kết quả từ CT scan lại cho điều không mong muốn: Cậu bé đã bị vỡ nhãn cầu. Mình đau lòng thay, vì có khả năng từ nay, con mắt ấy khó có thể hồi phục giống như xưa. Chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Chợ Rẫy, hy vọng ở nơi ấy, các đồng nghiệp của mình sẽ đem lại chút niềm tin và ánh sáng cho cậu bé này.

Ca 2: Vừa cấp cứu cho thanh niên trên thì một ca bệnh nặng ập đến. Thanh nữ mới 25 tuổi, từ Bệnh viện Tân Phú chuyển tới trong tình trạng hôn mê hoàn toàn, không người thân, mạch rời rạc, yếu, huyết áp tụt, tay chân lạnh ngắt.

Nhìn mặt em mà lòng mình đầy trắc ẩn. Có vẻ trước đây em từng là một nữ sinh xinh xắn, đáng yêu, nhưng hiện tại, trên băng ca này lại là một khuôn mặt sưng phù nề toàn bộ, hai hốc mắt bầm tím, hôn mê hoàn toàn…

Chỉ ít phút sau, một người tự nhận là người anh quen biết vội vã đến. Mắt anh ta ngấn lệ và kể về chuyện tình của cô gái và người bạn trai nọ. Rồi cô gái bị người yêu đánh…

Vài tiếng sau, một người xưng là bác lò dò vào cấp cứu tìm gặp cháu gái. Người bác không thể nhận ra cô gái nằm trên chiếc băng ca với khuôn mặt bầm tím kia lại là cháu gái mình. Gia đình ở quá xa, biết tin này liệu có yên tâm mà ngủ?

Và hỡi ôi, vì lý do gì mà người bạn trai kia nỡ nào dẫn cô gái đi chơi đêm nay rồi lại đánh đập dã man, bị chấn thương nặng, anh ta đưa cô bé vào Bệnh viện Tân Phú rồi bỏ trốn khi biết bạn gái mình đã đi vào hôn mê. Kết quả CT scan lại cho điều không mong muốn nữa: giập não, phù não nửa bên trái. Còn gì nữa tuổi thanh xuân, còn gì nữa hỡi cô nữ sinh tuổi 25...

Một chuyện tình buồn và kết cục đau thương…

Mình xong 2 ca cấp cứu thì trời cũng tang tảng sáng. Vừa mệt vừa đói, nhưng mình cũng chẳng còn nghĩ đến ăn mà lòng chỉ trĩu nặng nhiều điều…

Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, chỉ vì những điều vụn vặt không đáng có mà có thể từ bỏ ánh sáng của đôi mắt hay tuổi xuân của mình ra đi mãi mãi.

Đau lòng lắm cho những nhân viên y tế chúng tôi. Tuy bên ngoài chúng tôi có vẻ lạnh lùng, không bộc lộ cảm xúc, nhưng trong thâm tâm, khi chúng tôi phải cấp cứu và điều trị cho những ca bệnh tương tự thì ai cũng đau, cũng buồn cho số phận của những bệnh nhân đến trong đêm trực.

Tiếc thay, cộng đồng mạng và những “anh hùng bàn phím”… đã và đang ném đá ngành y ơi, các bạn cứ chực chờ sơ hở của chúng tôi mà dùng mọi cách xé toạc nó ra. Các bạn dùng những ngôn từ để thổi bùng thêm những sơ suất và khoét sâu vào nỗi đau của chúng tôi. Liệu các bạn có thấu được tình người khi chúng tôi hàng ngày, hàng đêm phải tiếp nhận và xử lý những ca bệnh nặng? Và đứng trước mỗi ca bệnh nặng oan trái như thế, lần nào chúng tôi cũng đau lòng… Những gì các bạn đã và đang làm đã khiến không ít nhân viên y tế chúng tôi buồn nản... (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang