An toàn thực phẩm bữa ăn tập thể cho công nhân: Bao giờ hết lo?
LTS: Nhiều vụ công nhân bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn ở công ty xảy ra trên cả nước trong tháng 6 và tháng 7-2019 một lần nữa cho thấy, chất lượng, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể vẫn là nỗi lo lớn. Đặc biệt, với một thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp như Hà Nội, nếu không quản lý chặt chẽ, nhất là khâu kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm, thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn cho công nhân sẽ luôn hiện hữu.
Bài đầu: Bất an suất ăn công nhân
Bữa ăn là nguồn cung cấp dinh dưỡng giúp tái tạo sức lao động. Suất ăn với chi phí thấp chẳng những nghèo dinh dưỡng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng suất ăn của công nhân.
Khó kiểm soát nguồn thực phẩm
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 4.256 bếp ăn tập thể, trong đó có 457 bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 37 bếp ăn tập thể, lực lượng chức năng đã phát hiện 7 bếp ăn vi phạm quy định an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 56 triệu đồng; đồng thời ghi nhận 1 vụ ngộ độc tập thể tại bếp ăn một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, vi phạm chủ yếu là các bếp ăn tập thể chưa thực hiện các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, nhận thức của người chế biến còn hạn chế và đặc biệt, nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Còn theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khoảng 70% số vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cả nước thời gian qua là do sử dụng suất ăn từ nơi khác chuyển đến phục vụ công nhân. Ông Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho rằng, mùa hè nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cao hơn so với thời điểm khác trong năm. Hơn nữa, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng, nên khó kiểm soát về chất lượng, an toàn.
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội chỉ có hơn 20% doanh nghiệp có bếp ăn tự nấu phục vụ công nhân, còn lại là ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp với các đối tác. Mặc dù các đơn vị cung cấp suất ăn đều xuất trình được đầy đủ hồ sơ pháp lý, hợp đồng cung cấp thực phẩm, nhưng chính chủ doanh nghiệp cũng băn khoăn về sự trung thực của nhà cung cấp.
Bà Hà Linh Chi, đại diện Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) cho biết, qua kiểm tra đơn vị nhận thầu dịch vụ bếp ăn của công ty, họ đều có hợp đồng nhập thực phẩm. Tuy nhiên, công ty không thể kiểm soát được thực phẩm đầu vào có đúng như trong hợp đồng hay không. Thậm chí, công ty đã sử dụng cả bộ test nhanh để kiểm tra độ an toàn của thực phẩm, song biện pháp này cũng không bảo đảm tuyệt đối.
Tương tự, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) giãi bày, để chăm lo 3 bữa ăn ca trong một ngày cho 4.300 lao động, doanh nghiệp đã thành lập Ban An toàn, vệ sinh thực phẩm gồm 14 người, chịu trách nhiệm về chất lượng của các bữa ăn. Cái khó của công ty là không tìm được nguồn thực phẩm tin cậy, cung cấp số lượng lớn, thường xuyên, nên đã phải hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn sẵn. Vì vậy, điều lo nhất vẫn là nguồn gốc, chất lượng thực phẩm.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long) cho biết thêm, nhà cung cấp suất ăn cho 500 công nhân của doanh nghiệp đã cam kết thực hiện tốt các khâu như: Cải tiến thực đơn hằng tuần, bảo quản thức ăn khi vận chuyển... Phía công ty cũng thành lập Ban Giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm. Song, cơ bản vẫn là sự tin tưởng vào ý thức, trách nhiệm của nhà cung cấp, bởi việc giám sát chủ yếu dựa vào cảm quan khó có thể phân biệt được thực phẩm sạch và thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Khi được hỏi về chất lượng bữa ăn của công nhân, chị Trần Thị Ngà, công nhân Công ty Denso Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long), cũng bày tỏ sự lo lắng: "Công ty đã quan tâm đến suất ăn cho công nhân với thực đơn đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, về nguồn gốc thực phẩm thì người lao động không được biết, nên vẫn có phần bất an trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm tiềm ẩn…".
Chi phí thấp, khó bảo đảm an toàn
Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có 3.262/4.182 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở thực hiện bữa ăn ca cho người lao động, với mức trung bình là 25.000 đồng/suất. Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở đưa nội dung bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể. Công đoàn cơ sở đã phát huy được vai trò của mình trong tổ chức các bữa ăn cho công nhân; thường xuyên kiểm tra, giám sát đầu vào của thực phẩm; xem xét chế độ dinh dưỡng của suất ăn... Tuy nhiên, có nơi chất lượng bữa ăn còn thấp (giá trị thật chỉ từ 13.000 đồng đến 15.000 đồng/suất) và đầu vào thực phẩm hầu hết doanh nghiệp “khoán” cho đơn vị thuê chế biến nên khó bảo đảm an toàn.
Do giá trị suất ăn thấp, nhiều cơ sở phải lựa chọn thực phẩm rẻ tiền, kém chất lượng... Đây chính là nguyên nhân khiến thực phẩm sạch khó tiếp cận được với các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp. Theo ông Vũ Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Khánh Long, nhiều công ty cung ứng thực phẩm đầu tư quy trình sản xuất khép kín, hệ thống máy móc hiện đại, nhà kho bảo quản đạt tiêu chuẩn để sản phẩm làm ra được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Thế nhưng, khi “chào hàng” tại các bếp ăn tập thể lại ít được lựa chọn, vì giá thành cao hơn thực phẩm ngoài thị trường.
Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, giá thực phẩm trên thị trường ngày càng tăng, nhưng chi phí suất ăn dành cho công nhân ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất còn thấp. Nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng một phần do những suất ăn giá rẻ, nguồn thực phẩm kém chất lượng. Đáng nói, một số cơ sở cung ứng suất ăn công nghiệp ở xa bếp ăn tập thể nên mất nhiều thời gian vận chuyển, trong khi phương tiện không bảo đảm, đã làm ảnh hưởng chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng…
Khi những bất an về chất lượng thực phẩm còn hiện hữu, thì phải có giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm ở những bếp ăn tập thể. (Hà Nội mới, trang 1)
Thông tin giá khám, chữa bệnh đặc biệt 4 triệu đồng/giường/ngày: Nhiều bệnh viện bất ngờ
Ngày 29/7, tin từ Bộ Y tế cho biết Bộ đang rà soát dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Dự kiến từ ngày 1/10/2019, những quy định này sẽ được thực hiện.
Giá trần phòng dịch vụ 4 triệu đồng/ngày
Theo dự thảo Thông tư, từ ngày 1/10 tới đây, giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng). Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ có mức giá giường từ 900.000 đồng - 3 triệu đồng/ngày.
Giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) tại các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng, thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ, do đơn vị quyết định. Trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết hoạt động dịch vụ, bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh theo yêu cầu không quá 500.000 đồng/lần khám; các cơ sở y tế khác trừ bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, giá không quá 400.000 đồng/lần khám.
Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước (ngoài cán bộ cơ hữu tại đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu), ngoài nước đến khám tư vấn sức khoẻ, đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Giá giường tại các phòng điều trị theo yêu cầu nói trên (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế). Các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng, thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ, do đơn vị quyết định.
Trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết hoạt động dịch vụ: Giá tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng). Ngoài ra, có các mức từ 1,3 - 1,5 - 2,5 triệu đồng/ngày, tương ứng với các loại 4 giường - 3 giường - 2 giường/phòng. Các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1) các tỉnh còn lại giá giường điều trị nội trú dao động từ 600.000- 2 triệu đồng/ngày. Về giá giường điều trị ban ngày do đơn vị quyết định, nhưng tối đa không quá 50% giá giường điều trị nội trú.
Thông tư nêu rõ, sau khi có quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, các bệnh viện phải rà soát lại và điều chỉnh đảm bảo đúng quy định. Nếu chưa đáp ứng yêu cầu sẽ phải hoàn thành trước 30/12/2020.
Bệnh viện chưa nắm được thông tin về dự thảo
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, chưa nắm được thông tin về dự thảo nói trên. Trước thông tin từ 1/10 tới đây Bộ Y tế sẽ áp dụng những quy định mới về giá dịch vụ y tế, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay sẽ tham khảo dự thảo thông tư để biết Bệnh viện Việt Đức có thể đáp ứng đến đâu theo các quy đinh mới.
Ông Giang cho biết thêm, với mức trần 4 triệu đồng/giường/ngày cao hơn nhiều so với giá giường dịch vụ đang áp dụng tại bệnh viện.
Trả lời Tiền Phong, một lãnh đạo của Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, đến ngày 29/7 vẫn chưa nắm được thông tin về dự thảo Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Người này cho biết thêm, đây là vấn đề nhạy cảm, cần phải nắm rõ nội dung mới có thể trả lời dư luận. (Tiền phong, trang 14)
Cùng chủ đề Báo Nhân Dân, trang 5: “Sẽ có quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu”; Báo Lao Động, trang 1: “Giá giường dịch vụ bệnh viện 3 - 4 triệu đồng/ngày, chất lượng có tương xứng ”; Báo An ninh Thủ đô, trang 4: “Giá giường dịch vụ ở bệnh viện công sẽ lên tối đa 4 triệu đồng/ngày”
Hệ thống pháp luật về khám chữa bệnh: Cần sớm sửa đổi và hoàn thiện
Ngày 29-7, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) khu vực phía Nam. Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải sớm sửa đổi Luật KCB theo hướng linh hoạt, không nên quá chi tiết.
Thời gian triển khai luật vừa qua cũng bộc lộ nhiều luật đã bất cập, trở thành rào cản, thậm chí “ghè đá vào chân” trong hoạt động chuyên môn của các thầy thuốc, nhân viên y tế.
Tồn tại nhiều bất cập
Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Luật KCB (có hiệu lực từ ngày 1-1-2011) đã tạo hành lang pháp lý khá thuận lợi cho hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề KCB và giấy phép hoạt động. Tính đến tháng 12-2018, toàn quốc đã cấp chứng chỉ hành nghề cho 363.407 cá nhân và giấy phép hoạt động cho 49.984 cơ sở KCB.
Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 - 14 bước xuống còn 4 - 8 bước, tùy theo loại hình khám bệnh. So với năm 2012, thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám. Thành tựu lớn nhất trong thời gian qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trong quá trình thực hiện Luật KCB cũng đã có những hạn chế, bất cập, một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế. Như: Luật quy định người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải trải qua giai đoạn thực hành, nhưng lại không quy định rõ việc thực hành trong các trường hợp điều chỉnh phạm vi hoạt động chuyên môn; luật quy định việc thừa nhận chứng chỉ hành nghề của nước ngoài nhưng lại không quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thừa nhận cũng như không giao cho cơ quan nào hướng dẫn về vấn đề này…
“Luật KCB quy định thời gian thực hành là 18 tháng đối với bác sĩ, 9 tháng đối với điều dưỡng, trong khi Luật Lao động chỉ quy định chung về thời gian tập sự là 12 tháng”, ông Quang ví dụ sự tréo ngoe trong thực thi Luật KCB.
Cũng theo ông Quang, Luật KCB quy định việc phân tuyến kỹ thuật nhưng Luật Bảo hiểm y tế lại quy định việc áp dụng giá theo hạng bệnh viện, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức hoạt động của các cơ sở KCB…
Chỉnh lý để phù hợp thực tiễn, hội nhập
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất để bổ sung, chỉnh sửa Luật KCB, đáp ứng yêu cầu phát triển mới như: bổ sung quy định về các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quân đội (đội điều trị, bệnh xá, trung tâm y tế, tổ quân y có giường lưu); xem xét đổi tên Luật KCB thành Luật Dịch vụ y tế, trong đó quy định tất cả các đối tượng làm việc chuyên môn y tế phải có giấy phép hành nghề (không phân biệt điều trị hay dự phòng, lâm sàng hay cộng đồng); xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực y tế quốc gia để dự báo và xác định quy mô đào tạo phù hợp; xem xét xây dựng quy trình thanh tra chuyên ngành y tế phù hợp với tính chất đặc thù để khi tác nghiệp phù hợp với thực tế…
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng bác sĩ muốn hành nghề phải thi chứng chỉ, thậm chí phải tổ chức thi nhiều vòng để có sự sàng lọc đảm bảo trình độ chuyên môn.
“Luật KCB ban hành là để áp dụng cho mọi người hành nghề trên đất nước Việt Nam. Do đó, không phải vì hợp tác quốc tế nên các bác sĩ nước ngoài được phép vào nước ta hành nghề mà không phải tuân theo quy định. Đã là hành nghề ở nước ta thì cả bác sĩ nội và ngoại đều phải thi để kiểm chứng năng lực”, PGS-TS Tăng Chí Thượng phân tích.
Cũng theo ông, TPHCM đang phát triển mạnh cấp cứu ngoại viện nhưng để tìm một loại hình chuyên về cấp cứu ngoại viện thì không có, mã đào tạo không có, buộc các bác sĩ phải tham gia. Vì vậy, khi sửa đổi Luật KCB, cần làm thế nào để có nhiều loại hình KCB, giảm bớt áp lực cho tuyến trên.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KCB; tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật về KCB; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về KCB.
Bên cạnh đó, kiến nghị sửa đổi đối với một số nội dung cụ thể trong Luật KCB về các khái niệm trong luật; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của người bệnh; cấp chứng chỉ hành nghề; cấp giấy phép hoạt động; các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh…
Nên cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, đề nghị việc cấp chứng chỉ hành nghề cần có thời hạn, ít nhất là 5 năm và cũng có “độ tuổi” nhất định. Bởi vì có nhiều người đã nằm liệt giường vẫn có thể hành nghề (hành nghề trên giấy tờ, đứng tên trên giấy chứng chỉ hành nghề), các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi chứng chỉ.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng việc nước ta cấp chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn sẽ có thể làm cho người hành nghề tự mãn, không nâng cao kỹ năng về y khoa, đồng thời không có cơ chế giám sát về chuyên môn y tế, đạo đức nghề nghiệp. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)
Trục xuất nhiều bác sĩ Trung Quốc làm việc chui
Theo nguồn tin của PV Báo SGGP, trong ngày 29-7, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất các thủ tục và yêu cầu xuất cảnh khỏi Việt Nam đối với 6 người mang quốc tịch Trung Quốc (You Guo Gui, Liu Jian, Cheng Ru Hong, Ren Jing Yi, Wang Jiang Yu, Zhao Tian You), do nhập cảnh trái phép, thực hiện không đúng quy định xuất nhập cảnh và làm việc không có giấy phép lao động.
Trước đó, khi kiểm tra hành chính tại Phòng khám Đa khoa Thái Dương, khu phố 4, phường Tân Hiệp, TP Biên Hoà, Đồng Nai, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện 6 người trên khai là bác sĩ ngoại khoa/phụ khoa, kế toán, hậu cần và chủ đầu tư, đang làm việc trái phép tại đây. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
Mở cơ hội nghiên cứu, chữa trị ung thư tại Việt Nam
Từ ngày 29-7 đến hết ngày 3-8, tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trung tâm về bền vững sinh học (Pháp), Trung tâm Điều trị và nghiên cứu về ung thư MEDAUSTRON (Áo), Bệnh viện Bạch Mai đồng tổ chức Hội nghị Vật lý y khoa Đông Nam Á lần thứ nhất tại Việt Nam, với sự tham dự của hơn 50 chuyên gia, nhà khoa học đến từ 12 quốc gia.
Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, ung thư là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn thế giới. Điều này đặc biệt được thấy rõ ở các quốc gia có mức thu nhập trung bình hoặc thấp, nơi các dịch vụ y tế và bảo hiểm còn kém hoặc không hiện hữu. Ung thư làm giảm tốc độ phát triển kinh tế, đẩy nhanh sự nghèo đói do chi phí điều trị tốn kém và giảm sút khả năng lao động của người dân…
Trước thực trạng cấp bách trên, Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam đã giới thiệu, tổ chức hội nghị này nhằm cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ học thuật về y khoa chữa trị ung thư tại Việt Nam. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)
Lỗ hổng chống dịch
Liên tiếp từ đầu mùa hè tới nay, nhiều dịch bệnh diễn ra rất phức tạp và bất thường, khiến nhiều người mắc và tử vong.
Thông thường đỉnh dịch sốt xuất huyết (SXH) rơi vào giai đoạn tháng 8 - 9, nhưng năm nay, ngay từ tháng 5, số người mắc SXH đã tăng đột biến. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận trên 96.000 người mắc SXH, tăng hơn 3 lần so với cả năm 2018.
Nếu như khu vực phía Nam đang “đau đầu” vì SXH tăng chóng mặt thì nhiều địa phương phía Bắc lại quay cuồng với dịch sởi, ho gà, viêm não, thủy đậu. Đáng lưu ý, dịch sởi và ho gà lại diễn ra bất thường, trái mùa khi tiết trời đang mùa hè nóng bức, ngược quy luật mọi năm là bùng phát vào mùa đông xuân.
Ngoài các yếu tố do thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu tác động thì ô nhiễm môi trường, tốc độ đô thị hóa nhanh, điều kiện vệ sinh cá nhân kém, thực phẩm không an toàn... cũng là những nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh gia tăng bất thường.
Đáng lo hơn chính là ý thức phòng ngừa của nhiều người vẫn rất chủ quan, trong khi dịch bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine nhưng vẫn không cho trẻ tiêm chủng đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng. Thậm chí, kể cả khi dịch bệnh xảy ra, nhiều phụ huynh, hộ gia đình vẫn coi thường, bất hợp tác với cơ quan y tế và chính quyền địa phương trong việc phun hóa chất xử lý ổ dịch.
Về phía cơ quan y tế và chính quyền địa phương, ở nhiều nơi cũng chưa thực sự quan tâm sâu sát và quyết liệt đối với công tác phòng chống dịch. Trong khi đó, các chế tài xử phạt cá nhân, đơn vị làm phát sinh, lây lan dịch bệnh lại rất hạn chế.
Để ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả, ngành y tế cần tăng cường hệ thống giám sát thường xuyên, đảm bảo kịp thời phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để xử lý ổ dịch. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, các cấp chính quyền cần coi công tác chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)
“Đồ nhậu” Trung Quốc giá 5.000 đồng bán tràn lan trên chợ mạng
Một món “đồ nhậu” Trung Quốc có giá tối thiểu chỉ 5.000 đồng. Người bán hàng tại Việt Nam khẳng định, những món ăn này rất an toàn và còn hạn sử dụng.
Chị Nguyễn Nhị (kinh doanh hàng online) cho biết: “Dịp này bán “đồ nhậu” Trung Quốc rất chạy. Có ngày tôi bán buôn cũng được mấy chục thùng xúc xích, cá cay. Hàng nội địa Trung Quốc nên vị ngon, đảm bảo an toàn và rất tiện dụng, ăn là nghiện ngay”.
Theo thông tin người bán hàng này cung cấp, xúc xíc ngô ăn liền có giá 65.000 đồng/10 chiếc, nhận ship từ 10 chiếc; cá cay 50.000 đồng/10 gói; sữa chua uống 17.000 đồng/chai, nhận ship từ 5 chai. Bên cạnh đó, người bán hàng này cũng bán chân gà cay Yuyu, “món nhậu” từ Trung Quốc đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, giá chỉ 90.000 đồng/5 gói 80g.
Tương tự, chị Ngọc Nguyên - một người bán hàng online khác cũng cho hay, các “món nhậu” sử dụng ăn liền, giá cả phải chăng. “Khách uống với bia thì ngon miễn chê. Anh em nào muốn đổi món nhậu cho lạ miệng với giá cả phải chăng thì liên hệ ship hàng tận nơi. Hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người lớn, trẻ nhỏ, cả bà bầu cũng dùng được” - người bán hàng này cho hay.
Thời gian gần đây, một số đồ ăn vặt Trung Quốc được rao bán rầm rộ tại Việt Nam, trong đó các món ăn được bán chạy nhất là: cá cay, xúc xích ngô ăn liền, chân gà Yuyu và sữa chua. Sản phẩm có bao bì khá bắt mắt nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.
Tại nhiều website bán hàng trực tuyến, khách mua hàng số lượng lớn sẽ được giá ưu đãi, 4.000 đồng/chiếc xúc xích ngô; 210.000 đồng/15 chai sữa chua; 300.000 đồng/5 hộp cá cay.
Theo những người bán hàng, một hộp cá cay có 20 gói 120g. Đây là đặc sản của vùng Vân Nam (Trung Quốc). “Hàng được tuyển kỹ trước khi lên thành phẩm vì cá phải ngon, tươi thì vị cá mới thơm và ăn mới có vị ngọt được. Nếu bạn muốn cảm nhận vị cay cay tê tê mà vẫn bùi vẫn ngọt thì đây là món ăn vặt không thể bỏ qua đâu ạ. Hàng có sẵn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn sử dụng là 12 tháng. Hàng Trung Quốc nội địa” - một website bán hàng online giới thiệu.
Trong khi đó, sữa chua Trung Quốc cũng hạn sử dụng là 3 tháng. Theo chị Ngọc Nguyên, hàng hóa được về Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Chủ hàng ở Lào Cai lúc nào cũng có sẵn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Các món ăn mới lạ này dù đang bán chạy trên "chợ mạng", cạnh tranh trực tiếp với hàng có xuất xứ rõ ràng từ nhiều doanh nghiệp trong nước nhưng hiện tại chưa có thông tin nào sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam cần cảnh giác lựa chọn sản phẩm được phép nhập khẩu theo đường chính ngạch, đã được kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt về sức khỏe. (An ninh Thủ đô, trang 6)
Bắt đường dây làm thuốc giả do lãnh đạo công ty dược cầm đầu
Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM vừa triệt phá đường dây sản xuất tân dược giả quy mô cực lớn, giá trị hàng hóa tạm giữ trị giá tương đương hàng thật ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng.
Theo thông tin từ Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM, sau thời gian theo dõi, đơn vị này vừa phối hợp cùng công an các quận 8, 10, 11, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh phá chuyên án bắt đường dây sản xuất thuốc tân dược giả quy mô cực lớn.Đường dây này do Nguyễn Đình Lạc Thư - phó giám đốc Công ty TNHH TM Asia Pharmacy và Lê Văn Khôi - giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Đông Dược Việt, chủ mưu cầm đầu.
Theo đó, trưa 25-7, các trinh sát Đội 7 (PC03) bắt quả tang một đối tượng giao 20 thùng các-tông chứa các hộp thực phẩm chức năng giả nhiều thương hiệu nổi tiếng đến giao điểm kinh doanh tại quận 11. Lực lượng đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại 7 địa điểm gồm các công ty và hộ kinh doanh, nơi sản xuất, tàng trữ thuốc giả và thực phẩm chức năng giả tại các quận 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Kết quả phát hiện, thu giữ nhiều phương tiện sử dụng sản xuất và hơn 500 thùng thuốc, thực phẩm chức năng giả các loại và hàng trăm kilogram nguyên liệu để sản xuất thuốc giả… Các sản phẩm làm giả chủ yếu là viên uống tăng cường nội tiết nữ, sinh lực nam, kích thích mọc tóc, các loại cốm và thực phẩm chức năng... Kết quả điều tra ban đầu xác định đường dây này làm giả nhiều loại tân dược và thực phẩm chức năng của rất nhiều nhãn hàng, sản phẩm đã được đăng ký độc quyền của các công ty trong và ngoài nước.
Đường dây này có quy mô cực lớn, hoạt động trải rộng trên nhiều quận huyện tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây.
Các đối tượng cầm đầu, chủ mưu có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất, mua bán thuốc tân dược giả, lại núp bóng các doanh nghiệp có chức năng sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng nên hoạt động rất tinh vi. Phòng PC03 đã bắt giữ 11 đối tượng liên quan. Trong đó, PC03 ra quyết định tạm giữ hình sự Thư, Khôi và 7 đối tượng. Hiện vụ án được mở rộng điều tra. (Tuổi trẻ, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 7: “Hai lãnh đạo công ty dược cầm đầu đường dây làm thuốc giả bị bắt”
Siết chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Được giao một khoản tiền khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm, nhưng 6 tháng đầu năm, các bệnh viện tại TP.HCM đã chi “quá tay”, nguy cơ sẽ phải siết chi trong những tháng còn lại.
Năm 2019 là năm đầu tiên các tỉnh, thành được Chính phủ giao nguồn kinh phí hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) để phân bổ về cho các bệnh viện (BV), dựa trên chi phí thanh toán BHYT năm 2018.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019 đã có hàng loạt BV vượt chi, có nơi đã chi đến gần 80% so với dự toán được giao cho cả năm. Câu hỏi đặt ra, vậy 6 tháng cuối năm các BV sẽ tính toán như thế nào, có tiện tặn trong chi KCB BHYT, người bệnh có thiệt thòi?
Vượt chi quá nhiều
Theo Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, năm 2019, TP được Chính phủ giao dự toán 18.190 tỉ đồng để chi cho hoạt động KCB BHYT, trong đó dành 4% cho phát triển đối tượng, còn lại phân bổ về cho các BV. Dự toán này là giao tạm thời.
Tuy nhiên, theo thống kê, 6 tháng đầu năm chi phí KCB tại TP tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2018. BV tuyến TP như: Viện Tim vượt 10%, BV Hùng Vương vượt 7%, An Bình vượt 7%, Chấn thương chỉnh hình vượt 6%, BV Điều dưỡng phục hồi chức năng vượt 2,4%… BV quận, huyện vượt cao nhất là BV H.Củ Chi vượt 26%, BV H.Bình Chánh vượt 14%, Q.2 vượt 11%...
BV tư, có BV đa khoa Tâm Trí (Q.12) vượt cao nhất, được giao dự toán 13 tỉ đồng cho cả năm, nhưng mới 6 tháng đầu năm nay đã đề nghị thanh toán 17 tỉ đồng. Đứng nhì là BV đa khoa Tân Hưng (Q.7) được giao dự toán cả năm 1,95 tỉ đồng, nhưng giờ đã lên 2,1 tỉ đồng.
Theo BHXH TP, hiện số tiền trên vẫn là con số trên hệ thống đề nghị thanh toán của các BV, BHXH chưa giám định lại.
Nguyên nhân các BV xài tiền “lố” so với mức được giao, được ngành y tế và BHXH TP giải thích là: do các BV tự chủ tài chính nên tăng cường chỉ định dịch vụ, thu; do tăng viện phí theo Thông 39 của Bộ Y tế thực hiện từ đầu năm 2019; ngoài ra, có 19 đơn vị y tế tư nhân xuống hạng 3 nên chi phí tăng cao do được thông tuyến, lôi kéo bệnh nhân (BN) các nơi khác đến.
“Riêng BV đa khoa Tâm Trí từ hạng 2 xuống hạng 3 nên ra các tỉnh “gom” BN. Đã có BHXH, công an các tỉnh đến TP làm việc về vấn đề này. Do vậy, BHXH VN yêu cầu tạm “treo” thanh toán của BV này lại”, một nguồn tin của PV Thanh Niên cho hay.
Theo đại diện BHXH TP, con số trên chỉ là tạm giao, nếu đến cuối năm BV nào thừa sẽ bổ sung cho BV thiếu. Nếu thiếu tiền bổ sung thì ngành y tế và BHXH sẽ trình UBND TP để nơi này trình Hội đồng quản lý quỹ BHYT T.Ư, để trình Thủ tướng quyết định.
Có đẩy bệnh nhân BHYT sang làm dịch vụ ?
BV chỉ còn cách rút ngắn thời gian điều trị và sử dụng thuốc không quá mắc tiền cho bệnh nhân. Bởi nếu để vượt dự toán thì phải giải trình rất khó khăn!
Các ý kiến lo ngại, khi các BV đã chi quá lố cho 6 tháng đầu năm thì nguy cơ sẽ xảy ra 2 vấn đề: BV sẽ chuyển BN qua các BV khác; thứ 2 là đẩy BN BHYT qua làm dịch vụ hoặc “cắt xén” bớt quyền lợi của BN.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc BV Điều dưỡng phục hồi chức năng, cho biết: năm 2018, BHYT thanh toán cho BV 50 tỉ đồng, nhưng năm nay dự toán chỉ giao 47 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, BV vượt chi 2,4%. BV đang quá tải, BN ở đây 80% có BHYT, đa số là bệnh nặng, phải nằm dài ngày. Giải pháp sắp tới, theo BS Nam là “BV chỉ còn cách rút ngắn thời gian điều trị và sử dụng thuốc không quá mắc tiền cho BN”.
BS Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV H.Củ Chi, cho biết năm 2019 BV được cấp dự toán 72 tỉ đồng, nhưng 6 tháng qua đã xài đến 60 tỉ đồng, 6 tháng còn lại chỉ còn 12 tỉ đồng. Nguyên nhân chi tăng là do tăng BN tự đến; BV còn triển khai mổ cột sống, mổ mắt, niệu… “BV sẽ khắc phục, không lạm dụng thuốc, lạm dụng cận lâm sàng. Hiện đang làm giải trình xin cấp kinh phí bổ sung”, BS Giang nói.
Lãnh đạo BV đa khoa Tâm Trí cho biết do BV được thông tuyến từ tháng 4.2019 (BV từ hạng 2 xuống hạng 3 nên được thông tuyến huyện toàn quốc), nên BN biết đến nhiều so với năm 2018, dẫn đến vượt chi. BV đang làm giải trình cho BHXH TP về tăng chi để BHXH xem xét.
Trả lời câu hỏi “Vậy từ đây đến cuối năm BV sẽ không nhận hoặc đẩy BN BHYT sang khám dịch vụ?”, lãnh đạo BV Tâm Trí khẳng định “không thể thực hiện như vậy được. BN có BHYT thì phải được hưởng quyền lợi và BV sẽ không từ chối bệnh nhân BHYT hay không thanh toán BHYT cho BN, nếu làm vậy BN sẽ kiện BV. BV sẽ xem lại quy trình KCB...”.
Các BV phải “tiết kiệm” cho thuốc, chỉ định
Trước thực trạng trên, BHXH TP.HCM đã có thông báo cho Sở Y tế TP để chấn chỉnh các BV xem lại quản lý; đề nghị các BV chi tiêu tiết kiệm; không thực hiện cận lâm sàng, cho thuốc “bao vây”; không tăng cường chỉ định...
Theo Sở Y tế TP, năm nay các BV phải tự cân đối, các trường hợp không đáng điều trị tuyến trên thì sau khi điều trị ổn định chuyển về tuyến dưới, chuyển về BV vệ tinh. Từ đây đến cuối năm, các BV sẽ làm chặt chẽ hơn. “Ngành y tế và BHXH TP thống nhất là các BV không được từ chối BN, nhưng phải điều trị hợp lý, chỉ định và cho thuốc hợp lý hơn”, một lãnh đạo Sở Y tế TP nói.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, đã chỉ đạo các BV rà soát chi phí KCB 6 tháng đầu năm 2019 để có phương án điều tiết chi phí KCB BHYT 6 tháng cuối năm; giảm thiểu tối đa việc vượt dự toán chi BHYT năm 2019. Sở Y tế yêu cầu các BV củng cố nhân sự chuyên trách tổ BHYT, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên tổ. Hằng tháng tổ này phải báo cáo tình hình vượt dự toán cho giám đốc BV.
Làm rõ sao các BV dùng tiền “khủng” vậy
Ngày 28.7, trả lời PV Thanh Niên, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết năm 2019 dự toán chi KCB BHYT cả nước là 97.552 tỉ đổng (năm 2018 chi 91.139 tỉ đồng). 6 tháng đầu năm nay các BV cả nước đã chi 54% dự toán của cả năm. Đến tháng 10, Hội đồng Quản lý quỹ BHYT mới trình xin Thủ tướng điều chỉnh nhưng phải có lý do. Hiện nhiều đơn vị không thuyết minh thuyết phục được vì sao gia tăng chi cao như vậy.
Theo ông Sơn, BHXH VN đang đề nghị BHXH các tỉnh báo cáo, kiểm tra xem tại sao các BV dùng tiền “kinh khủng” như vậy? Ông Sơn nói cần chi cho người dân chữa khỏi bệnh, nhưng khi chỉ định điều trị, BS phải cân nhắc nên dùng loại gì, không dùng loại gì; chụp chiếu vừa phải, cân nhắc sử dụng kết quả chụp trước đó. BHXH không hạn chế chỉ định của BS nhưng hiện nay chỉ định lãng phí cực kỳ lớn.
Theo ông Sơn, có thể cơ chế tự chủ nên các BV tăng khai thác nguồn thu, tăng chỉ định cho BN nội trú và nội trú kéo dài ngày, vì giá tiền giường “rất hấp dẫn”. Nên có BV bình quân ngày giường 10 - 12 ngày/lượt điều trị, trong khi Bộ Y tế khuyến cáo chỉ 5 - 6 ngày; mổ phaco nằm 1 ngày về, có BV cho nằm 3 - 4 ngày, có BV cho nằm 8 - 12 ngày mà cứ khăng khăng mình đúng.
Ông Sơn cho biết sẽ có kiểm soát việc nguy cơ BN bị đẩy lên tuyến trên hay có BHYT nhưng phải sử dụng dịch vụ. (Thanh niên, trang 1)
Nằm liệt giường vẫn 'hành nghề' y?
Nhiều người đã sinh sống ở nước ngoài, người tuổi cao sức yếu, thậm chí người đã nằm liệt giường... vẫn "hành nghề" y bởi vẫn đứng tên trên chứng chỉ hành nghề và được chuyển sang cho người khác sử dụng.
Đào tạo y khoa là đào tạo thực hành lâm sàng chứ không phải đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy. Thế nhưng suốt thời gian qua, chúng ta luôn luôn đi theo phải là thạc sĩ, tiến sĩ, không phục vụ cho thực hành nghề nghiệp của một người bác sĩ.
Đây là một trong số hàng loạt bất hợp lý hiện nay được các đại biểu đề cập trong hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật khám chữa bệnh (KCB), do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM sáng 29-7.
Cấp chứng chỉ hành nghề theo... hồ sơ?
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) - cho biết số lượng, quy mô các cơ sở đào tạo và loại hình đào tạo nguồn nhân lực y tế tăng rất nhanh. Cụ thể đối với trình độ ĐH có khoảng 88% cơ sở công lập đào tạo và ngoài công lập khoảng 12%. Trong đó, y dược công lập chỉ chiếm 34% và ngoài công lập chiếm tới 66%.
"Đây là con số có thể được nhìn nhận, nếu chúng ta không có kế hoạch thay đổi trong việc quản lý chất lượng về công tác đào tạo thì rất khó kiểm soát chặt sản phẩm đầu ra nhằm đáp ứng được chất lượng đầu vào KCB" - ông Quang phân tích.
Theo ông Quang, chỉ có cơ chế kiểm định trường đào tạo theo tiêu chí của Bộ GD-ĐT. Vấn đề cốt lõi là kiểm định chương trình đào tạo Bộ Y tế chưa làm được, chưa xác định quy mô đào tạo gắn với hệ thống. Kế đến, chương trình đào tạo chưa xác định được vai trò của cơ sở thực hành và giảng viên trực tiếp giảng dạy.
Một hạn chế khác là chưa có sự phân định đào tạo hàn lâm và chuyên khoa. "Đào tạo y khoa là đào tạo thực hành lâm sàng chứ không phải đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy. Thế nhưng suốt thời gian qua, chúng ta luôn luôn đi theo phải là thạc sĩ, tiến sĩ, không phục vụ cho thực hành nghề nghiệp của một người bác sĩ" - ông Quang nói.
Theo Bộ Y tế, bất cập lớn nhất hiện nay là việc cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên "hồ sơ phù hợp", tức là các văn bằng, giấy tờ xác nhận. Điều này chưa đánh giá được trình độ chuyên môn thực sự của người được cấp. Và để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đang có đề xuất tất cả bác sĩ muốn hành nghề ngoài việc đảm bảo thời gian thực hành, phải thông qua kỳ thi quốc gia, nếu đậu mới được cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
Người bệnh bị trấn lột?
Ông Lê Quang Hùng - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định - cho rằng nên quy định hạn cấp chứng chỉ hành nghề và nên chăng phải có quy định độ tuổi nhất định. "Bởi vì nhiều người nằm liệt giường vẫn tiếp tục hành nghề, tức là đứng tên trên giấy chứng chỉ hành nghề. Các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi" - ông Hùng nói.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM thừa nhận chứng chỉ hành nghề được cấp không có thời hạn vừa không quản lý được năng lực hành nghề của người được cấp, vừa làm nảy sinh hiện tượng cho thuê chứng chỉ hành nghề rất khó kiểm soát.
Chẳng hạn, có người đã đi nước ngoài sinh sống nhưng chứng chỉ hành nghề vẫn được để lại sử dụng trong nước, người tuổi cao sức yếu không còn đủ năng lực nhưng chứng chỉ hành nghề vẫn còn hiệu lực. "Do đó cần có một thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề cho từng đối tượng bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng...", vị này nói.
PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cũng cho biết ủng hộ đề xuất bác sĩ muốn hành nghề phải thi chứng chỉ, thậm chí phải tổ chức thi nhiều vòng để có sự sàng lọc đảm bảo trình độ chuyên môn của bác sĩ KCB. Theo ông Thượng, Luật KCB ban hành là để áp dụng cho mọi người hành nghề tại VN nên các bác sĩ nước ngoài cũng phải tuân thủ mới được phép hành nghề.
"Đã là hành nghề tại VN, bác sĩ trong nước và bác sĩ nước ngoài đều phải thi để kiểm chứng năng lực", ông Thượng nói, đồng thời cho biết ở một số phòng khám có yếu tố nước ngoài, dù có thanh tra xử lý nhiều trường hợp vi phạm nhưng cuối cùng họ lại thành lập một điểm khác hành nghề y như cũ.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), với một địa bàn rộng lớn với hàng chục ngàn cơ sở y tế như ở TP.HCM, Sở Y tế TP đang phải quản lý một khối lượng công việc khổng lồ trong khi lực lượng quản lý rất mỏng.
Đặc biệt, một số loại hình phức tạp như phòng khám Trung Quốc liên tục để xảy ra sự cố, tai biến, tai nạn. "Nói thẳng, họ có nhiều chiêu thức để đưa người bệnh vào tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Đây có thể gọi là hình vi trấn lột người bệnh" - ông Khoa nói.
Hàng trăm chứng chỉ hành nghề bị thu hồi do vi phạm
Bộ Y tế cho biết cả nước hiện có hơn 363.000 chứng chỉ hành nghề được cấp, trong đó nhiều nhất là điều dưỡng (chiếm 40%), bác sĩ (chiếm hơn 20%), y sĩ (15%), còn lại là hộ sinh và kỹ thuật viên. Ngoài ra, gần 50.000 giấy phép hoạt động được cấp cho tất cả các cơ sở KCB, nhiều nhất là các phòng khám chuyên khoa, trạm y tế xã, sau đó là các phòng chẩn trị y học cổ truyền, phòng khám nam khoa, bệnh viện.
Tính đến hết năm 2018, Bộ Y tế đã thu hồi gần 300 giấy phép hoạt động do dừng hoạt động liên tục, không đảm bảo các điều kiện quy định của Luật KCB. Bộ này cũng thu hồi chứng chỉ hành nghề của 100 bác sĩ chủ yếu do cấp trùng chứng chỉ, không thực hành hành nghề trong thời gian hai năm liên tục, cấp không đúng thẩm quyền... Bộ Y tế cũng cho biết đang có dự án vay 100 triệu USD của Ngân hàng Thế giới để đổi mới giáo dục - đào tạo trong lĩnh vực y tế. (Tuổi trẻ, trang 6).