Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/9/2019

  • |
T5g.org.vn - Thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam; 55/63 tỉnh, thành phố đang bị mất cân bằng giới tính khi sinh; Đồng bằng Sông Cửu Long: Số lượng bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết liên tục tăng cao; Nhiều bệnh viện kêu trời vì thiếu thuốc đặc trị sốt xuất huyết…

 

Thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam

Bệnh sxh đang lan rộng, trong khi đó, có thông tin, một số bệnh viện tại các tỉnh phía Nam đang bị “đứt” nguồn cung cấp thuốc điều trị sxh là dịch cao phân tử HES 200.000 dalton 6%. Điều này khiến không ít người lo ngại việc điều trị cho bệnh nhân sốc nặng do sxh không được kịp thời ... (Lao động, trang 7).

 

55/63 tỉnh, thành phố đang bị mất cân bằng giới tính khi sinh

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cảnh báo, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng, hiện 55/63 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái…

Tại Hội nghị "Tập huấn cung cấp thông tin về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho các nhà hoạch định chính sách, đại biểu dân cử và đại diện các cơ quan quản lý, Ban, ngành, đoàn thể năm 2019" vừa diễn ra, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình một lần nữa cảnh báo về tính cấp thiết của vấn đề này.

Theo đó, dù đã có rất nhiều giải pháp để kiểm soát song mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng. Hiện 55/63 tỉnh, thành của cả nước có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái, tức ở mức mất cân bằng. Tính bình quân cả nước, tỷ số giới tính hiện lên đến 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, sau nhiều nỗ lực trong công tác dân số, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của thành phố đã giảm từ 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2015 xuống còn 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái trong 6 tháng đầu năm 2019.

Thế nhưng, ở nhiều vùng ngoại thành, chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức báo động, chẳng hạn: huyện Sóc Sơn lên tới 120 trẻ trai/100 trẻ gái, Quốc Oai là 117 trẻ trai/100 trẻ gái, huyện Mỹ Đức 115 trẻ trai/100 trẻ gái…

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa  gđ  cho rằng, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ, đồng nghĩa với việc sẽ phải "nhập khẩu" cô dâu.

Về giải pháp, ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh, then chốt vẫn là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động thay đổi nhận thức của con người, phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong xã hội, vận động nam giới tham gia bình đẳng giới. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Đồng bằng Sông Cửu Long: Số lượng bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết liên tục tăng cao

Bệnh sốt xuất huyết hiện đang hoành hành ở khu vực ĐBSCL. Lượng bệnh nhi nhập viện liên tục tăng cao…  (Lao động, trang 7).

 

Nhiều bệnh viện kêu trời vì thiếu thuốc đặc trị sốt xuất huyết

Hiện tại nhà sản xuất Châu Âu đã ngừng sản xuất mặt hàng dịch vụ cao phân tử HES 200 (Refortan) do phát hiện một số tác dụng phụ không mong muốn trong điều trị. Trong khi đó, tình hình dịch sxh tại nhiều tỉnh đang có chuyển biến phức tạp ... (Tiền phong, trang 14).

 

Còn nhiều thách thức trong mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế

Trong những năm gần đây, diện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) được mở rộng khá nhanh, nhất là từ khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phát triển đối tượng tham gia còn gặp nhiều khó khăn, đây cũng là những hạn chế nhất định trong lộ trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Còn nhiều thách thức...

Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, trong những năm gần đây, diện bao phủ BHYT được mở rộng, tỷ lệ người tham gia BHYT tăng nhanh. Năm 2012, cả nước có 58,97 triệu người tham gia, đến năm 2017 đã đạt hơn 79,95 triệu người tham gia, tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm 85,6% dân số (tăng hơn 35,6% so với năm 2012) và năm 2018, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 87,62% dân số, vượt mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 BHYT bao phủ 85% dân số.

Theo đánh giá của các chuyên gia, diện bao phủ BHYT tăng nhanh do Luật BHYT quan tâm nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT, như: người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, thân nhân liệt sĩ, người có công. Cùng với đó, hệ thống chính sách BHYT được thiết kế dựa trên sự bắt buộc và hỗ trợ của nhà nước, tập trung chủ yếu đối tượng lao động việc làm chính thức (có quan hệ lao động) và lao động yếu thế. Do đó, vẫn còn một khoảng trống lớn diện bao phủ là lao động khu vực phi chính thức (khoảng 14% dân số chưa tham gia BHYT), chủ yếu là đối tượng tự đóng góp đang sinh sống ở khu vực nông thôn, làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, người buôn bán nhỏ, lao động tự do, giúp việc gia đình tại các khu đô thị; còn một số địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT thấp so với mức bình quân chung của cả nước.

Ðáng chú ý, nguồn tài chính thực hiện BHYT hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước. Theo thống kê, ngân sách hiện đóng và hỗ trợ cho khoảng hơn 60% số người tham gia BHYT, số người tự đóng BHYT chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng thu. Ðây chính là thách thức lớn đối với việc bảo đảm tính bền vững của nguồn tài chính trong thực hiện chính sách BHYT. Nhất là, khi tỷ lệ bao phủ BHYT còn thấp, kể cả ở những nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia, như: Nhóm lao động chính thức, nhóm cận nghèo dù Nhà nước đã tăng đáng kể mức trợ cấp mua BHYT nhưng vẫn còn khoảng 11% số người chưa tham gia BHYT. Bên cạnh đó, nhiều người dân thuộc nhóm nông - lâm - ngư nghiệp có thu nhập trung bình vẫn chưa được công nhận về mức thu nhập để đủ tiêu chuẩn tham gia BHYT.

Cần những thay đổi về chính sách

Tại hội thảo BHYT toàn dân tại Việt Nam do Trường đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nhận định, để tăng diện bao phủ BHYT, hướng tới sự bền vững, Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi các quy định bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT, nhất là cơ chế kiểm soát chi khám, chữa bệnh (KCB) đối với cơ sở y tế, chính sách thông tuyến, chi phí KCB đối với người tham gia 5 năm liên tục; thiết kế Luật BHYT có thêm lựa chọn cho người tham gia, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, bảo đảm công bằng trách nhiệm đóng góp và thụ hưởng, giảm sự chênh lệch quyền lợi hiện nay như kinh nghiệm một số nước.

Giảng viên Nguyễn Thành Vinh (Khoa Bảo hiểm, Trường ÐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, cần tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về quyền lợi và cách sử dụng BHYT; mở rộng đối tượng tham gia thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và BHYT gắn với chi phí hợp lý, hiệu quả. Trong quá trình phát triển BHYT bền vững cần cân đối được giữa hai mục tiêu là khả năng bảo vệ người tham gia BHYT trước các rủi ro của bệnh tật và đói nghèo đồng thời duy trì sự bền vững, ổn định của quỹ BHYT.

Nhận định về việc nỗ lực đạt mục tiêu 90% dân số có thẻ BHYT đến năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giảng viên Trịnh Chi Mai (Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng) cho rằng, cần tăng tính hấp dẫn của BHYT, kết hợp những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng. BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục đầu tư nguồn lực, vật lực cho công tác tuyên truyền; xác định rõ đối tượng tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm; xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp. Với nhóm người lao động trong doanh nghiệp, cần thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT ở các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm; đồng thời xây dựng cơ chế thu đóng BHYT về thời gian (chu kỳ đóng), hình thức thu phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp... Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia là yếu tố quan trọng thu hút người dân tham gia BHYT; từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT, phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ cần xem xét cấp miễn phí thẻ BHYT đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện do hai chính sách trùng đối tượng tham gia, cùng do cơ quan BHXH quản lý. Thực hiện được vấn đề này sẽ tạo cơ chế khuyến khích, làm tăng nhanh diện bao phủ của cả BHXH và BHYT, từng bước thu hẹp khoảng trống diện bao phủ đối với lao động phi chính thức, tăng cường kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, Luật BHYT sửa đổi cũng có chế tài nghiêm minh với những trường hợp không tham gia BHYT bởi dù Luật BHYT năm 2015 quy định BHYT là hình thức bắt buộc đối với các đối tượng tham gia nhưng chưa quy định chế tài cụ thể đối với người không tham gia BHYT theo từng nhóm đối tượng. (Nhân dân, trang 4).

 

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: “Chìa khóa” nâng cao chất lượng dân số

Dị tật bẩm sinh là một trong những bất thường hay gặp ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được coi là biện pháp hữu hiệu phát hiện dị tật, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Tăng cơ hội phát hiện dị tật bẩm sinh

Qua các xét nghiệm chẩn đoán sàng lọc trước sinh triển khai từ đầu năm 2019 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã phát hiện khoảng 50 trường hợp mắc hội chứng down - bất thường về nhiễm sắc thể số 21, gây chậm phát triển nặng về trí tuệ. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Sơn, Trung tâm Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec chia sẻ, không ít cặp vợ chồng chủ quan, nhận thức kém về sàng lọc thai nhi để rồi sinh ra những đứa trẻ bị dị tật, thiểu năng trí tuệ. Đơn cử như trường hợp chị N.T.T. (sinh năm 1992, tại tỉnh Hải Dương) chỉ vì cho rằng, sức khoẻ của hai vợ chồng đều tốt, nên trong quá trình mang thai đứa con đầu lòng, việc siêu âm thai chủ yếu để theo dõi tim thai, chiều dài, cân nặng, giới tính của thai nhi, mà không làm các xét nghiệm sàng lọc dị tật. Dù kết quả siêu âm đều cho thấy, thai nhi phát triển bình thường, song thật đau lòng, khi đứa con chị T. sinh ra lại mắc phải hội chứng down. 

Tương tự, tại Trung tâm Chẩn đoán trước sinh (Bệnh viện Phụ sản trung ương), trung bình mỗi năm thực hiện sàng lọc trước sinh từ 25.000 đến 30.000 trường hợp. Ngoài ra, tại đây cũng tiếp nhận khoảng 25.000 mẫu sàng lọc từ nhiều địa phương trên cả nước gửi về. Kết quả xét nghiệm đã phát hiện từ 3.000 đến 4.000 trường hợp mắc bệnh lý. Trong số 7% trường hợp gặp các hội chứng bất thường về nhiễm sắc thể, có khoảng một nửa bị hội chứng down. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh (Bệnh viện Phụ sản trung ương) đã từng gặp trường hợp một cô gái trẻ sau khi xét nghiệm triple test tầm soát dị tật thai nhi cho kết quả, đứa con sinh ra có nguy cơ mắc hội chứng down và được khuyên nên chọc ối chẩn đoán chuyên sâu. Thế nhưng, chồng cô gái không chấp nhận sự thật và cho rằng, mọi người trong gia đình hai bên nội, ngoại đều hoàn toàn bình thường thì con họ không thể bị down. Sau khi đi xét nghiệm ở nhiều nơi đều cho kết quả tương tự, vợ chồng thai phụ đã đồng ý chọc ối và không may thai nhi được xác định bị mắc hội chứng down. Cuối cùng, họ đã quyết định đình chỉ thai nghén. 

Ngoài hội chứng down, sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn giúp phát hiện hội chứng Edwards (dị tật do thừa nhiễm sắc thể), dị tật ống thần kinh, thiếu men G6PD (trẻ không đủ men này, các tế bào hồng cầu khó hoạt động bình thường), tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, thalassemia (tan máu bẩm sinh), suy giáp trạng bẩm sinh... Dù vậy, trên thực tế, việc triển khai chương trình sàng lọc chưa đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, tuy số lượng bà mẹ mang thai đến bệnh viện kiểm tra định kỳ khá cao, nhưng nhiều người chỉ quan tâm đến giới tính thai nhi, chưa mặn mà với việc khám sàng lọc, chẩn đoán dị tật. Mặt khác, thai phụ đi siêu âm, xét nghiệm không đúng thời điểm, nên khó phát hiện các dị tật. Thậm chí, việc lấy máu gót chân ở trẻ sau sinh cũng khó triển khai, do nhiều sản phụ xin xuất viện sớm hoặc lo sợ con bị đau…

Cần sự vào cuộc của cả xã hội

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,4 triệu trẻ được sinh ra, trong đó có từ 1,5% đến 2% số trẻ mắc phải các dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, trung bình cả nước mới có khoảng 30% số trẻ em được sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Hiện chỉ có một số thành phố lớn, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh là cao; còn tại các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, nhiều sản phụ chưa quan tâm đến việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Tính đến hết tháng 8-2019, tỷ lệ sàng lọc trước sinh trên địa bàn Hà Nội là 83,36% và tỷ lệ sàng lọc sơ sinh là 82,03%. Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho rằng, để có được kết quả này, thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc. Việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh giờ không chỉ là chuyện cá nhân của mỗi gia đình, mà chính là bước đi lâu dài của ngành Dân số nói riêng và cả xã hội nói chung, vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi...

Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khuyến cáo, các trường hợp cần chẩn đoán trước sinh, gồm: Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi; kết hôn cận huyết; tiền sử gia đình có người bị dị tật bẩm sinh; có tiền sử sinh non, sảy thai, thai lưu chưa rõ nguyên nhân; bị nhiễm bệnh 3 tháng đầu của thai kỳ như: Rubella, cảm cúm, bệnh nội khoa... Ngoài ra, bố hoặc mẹ thường phải làm việc và sinh hoạt trong môi trường độc hại, có nhiều hóa chất. Với phụ nữ khỏe mạnh bình thường, có nguy cơ thấp cũng nên thực hiện siêu âm tầm soát dị tật ở các mốc quan trọng, khi thai 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Với sàng lọc sơ sinh, sau sinh tối thiểu 24 tiếng, bé sẽ được lấy máu gót chân để xét nghiệm sàng lọc trên 50 chỉ số liên quan tới rối loạn chuyển hóa, tan máu bẩm sinh, đồng thời sàng lọc tim bẩm sinh, kiểm tra các vấn đề về thính lực. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Chính phủ đặt mục tiêu trên 90% người dân tham gia BHYT vào năm 2020

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội. Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đồng thời đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn quốc có trên 90% người dân tham gia BHYT.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 3,3%; vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 giao (đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT). Đặc biệt, trong số đối tượng tham BHYT, người tham gia theo hộ gia đình là 15,7 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với năm 2017.

Năm 2019, ước tính, toàn quốc có khoảng 85 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 1,7%; vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 giao.

Năm 2020, Chính phủ đặt mục tiêu có trên 90% dân số tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ xác định rõ nhiệm vụ: Tập trung phát triển BHYT; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng KCB BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tăng cường ứng dụng CNTT, kết nối dữ liệu trong quản lý KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT; đổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán trong lĩnh vực BHYT.

Đồng thời Chính phủ kiến nghị đối với Quốc hội đưa nội dung ưu tiên đầu tư cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn vào Nghị quyết về kinh tế xã hội, dự toán ngân sách năm 2020, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 để các tỉnh ưu tiên ngân sách địa phương, các nguồn tăng thu đầu tư cho các trạm y tế xã. Xem xét cân đối đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 cho Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn ADB, cho Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế cơ sở vay vốn WB để có thể thực hiện ngay trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Đề nghị Quốc hội chỉ đạo các địa phương: Triển khai các giải pháp để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã được Thủ tướng giao; bảo đảm ngân sách mua thẻ BHYT cho các đối tượng được nhà nước hỗ trợ 100%, ưu tiên bố trí ngân sách để hỗ trợ hộ gia đình cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình tham gia BHYT; thúc đẩy bao phủ BHYT với học sinh, sinh viên; bố trí nguồn ngân sách địa phương thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội, ưu tiên đầu tư cho các trạm y tế xã và tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực y tế.

Đối với các cơ quan của Quốc hội: Tăng cường giám sát việc tuân thủ, thực hiện chính sách pháp luật về KCB và BHYT, quan tâm đến địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp.

Các đoàn đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách nhằm mở rộng bao phủ BHYT, đầu tư của ngân sách nhà nước cho y tế; đề nghị các địa phương tăng cường đầu tư ngân sách cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về KCB và BHYT, nhất là đầu tư cho trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).

 

Bệnh viện Vùng 'nghìn tỷ' Tây Nguyên: Liên tục ​bơm tiền khắc phục sự cố

Trong khi lãnh đạo tỉnh Ðắk Lắk tiếp tục phê duyệt chủ trương chi tiền ngân sách để “xử lý các sự cố” và “khắc phục các tồn tại” không ngừng nảy sinh ở Bệnh viện (BV) Ða khoa Vùng Tây Nguyên, thì Trưởng Ban Quản lý Dự án xây dựng công trìnhnghìn tỷ này đã làm đơn xin nghỉ việc.

Tiếp tục đề nghị bơm tiền

Cuối tuần qua, nguồn tin của PV Tiền Phong xác nhận BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên lại vừa có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục đề nghị Ban Quản lý dự án phải có trách nhiệm khắc phục các sự cố và bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống làm lạnh cũng như hệ thống khí y tế của trung tâm.

Theo đó, từ tháng 2/2019, khi BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên bắt đầu đưa vào sử dụng tới nay, các hệ thống làm lạnh trung tâm và hệ thống khí y tế trung tâm liên tục gặp sự cố. Hệ thống lạnh nhà A vẫn chưa được lắp đặt 2 bộ điều khiển trung tâm, hướng dẫn vận hành, đang báo lỗi nước ngưng; Hệ thống làm lạnh trung tâm nhà B cũng đang trong tình trạng tương tự. Nhiều bệnh nhân đã nhắn tin kêu cứu với báo

Hệ thống làm lạnh cho các phòng mổ Chiller cũng báo đang hỏng mô tơ số 3; AUH3 bị rò rỉ nước nhiều. Hệ thống khí y tế hỏng Mainboad báo động trung tâm và Mainboad điều khiển máy hút trung tâm. Tới nay, dù đã đề nghị rất nhiều lần, BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên vẫn chưa được bàn giao hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của hệ thống lạnh trung tâm các khối nhà A, nhà B, hệ thống làm lạnh các phòng mổ, hệ thống y tế trung tâm; hồ sơ kiểm định chất lượng khí y tế và khí sạch phòng mổ.

Ngày 26/9, phóng viên Tiền Phong có mặt tại khoa Cấp cứu của BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên, chứng kiến cảnh tượng ngổn ngang xô chậu để hứng nước… do bị dột. “Tôi mới vào cấp cứu sáng nay. Không thể tưởng tượng BV nghìn tỷ mới đưa vào sử dụng mà lại xuống cấp nhanh vậy”, một bệnh nhân phàn nàn.

Khắp khuôn viên BV đầy những hình ảnh xây dựng chắp vá, bổ sung, sửa chữa. Trong lúc công trình xử lý nước thải phía sau Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn đang xây dở dang, thì nhiều nơi trong các khối nhà điều trị, nước thải vẫn ngày ngày chảy lênh láng khắp hành lang, thấm xuyên qua các vách tường, bốc mùi hôi thối.

Như Tiền Phong đã nhiều lần đưa tin, từ ngày 26/2/2019 BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên chính thức đi vào hoạt động sau gần chục năm xây dựng, tiêu tốn hơn 1.100 tỷ đồng, với thiết kế 800 giường bệnh, diện tích mặt sàn hơn 70 nghìn m2, trên diện tích đất 12ha, rộng gấp hơn 2 lần so với diện tích BV cũ, là BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Chưa có ai bị xử lý trách nhiệm

Nhìn từ xa, các khối nhà của BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên  khá đồ sộ, khang trang. Thế nhưng vào tận nơi mới thấy chất lượng công trình quá kém từ thiết kế, xây dựng cho tới trang thiết bị. Tới nay, Ban Quản lý Dự án  vẫn chưa bàn giao đủ hồ sơ thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình này cho lãnh đạo BV này. Sau khi BV có công văn xin sửa chữa nhiều hạng mục, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 32,375 tỷ đồng để “khắc phục các sự cố”, trong đó có việc đập bỏ cầu nối 1 tầng công năng quá hạn chế, để xây cầu nối 4 khu điều trị.

Trong khi vẫn chưa có cá nhân, tập thể nào bị xử lý với bất kỳ hình thức gì về các dấu hiệu sai phạm liên quan quá trình đầu tư, xây dựng ở BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên, thì một số cán bộ, nhân viên Sở Y tế Đắk Lắk có liên quan vấn đề tài chính của công trình này mới đây đã nộp đơn xin nghỉ việc. Trong số đó có ông Đặng Minh Cảnh, Trưởng Ban Quản lý Dự án và ông Trần Vũ Sơn, Phó phòng Tài chính kế toán của Sở Y tế Đắk Lắk. Ông Cảnh là người từng trả lời đại diện báo Tiền Phong về lý do không cung cấp hồ sơ mua 111 máy tính trái nguyên tắc giá siêu đắt, và hồ sơ xây dựng BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên: “Tôi chỉ là nhân viên phòng Tài chính Kế toán. Sếp bắt làm trưởng ban quản lý thì phải làm, chứ có quyền gì đâu ?!”.

Ngày 1/7/2019, UBND tỉnh Đắk Lắk có Thông báo số 107 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị tại buổi kiểm tra hiện trạng các khu đất dự kiến xây thêm công trình tại BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Theo đó, lãnh đạo tỉnh này thống nhất kêu gọi đầu tư xây nhà lưu trú, siêu thị; Thống nhất nâng cấp Khoa Ung bướu quy mô 400 giường, “trong đó có bố trí khu vực để xử lý tồn tại của Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ chức trách cho biết, nguồn ngân sách sẽ phải tiếp tục chi theo Thông báo 107 ước phải trên dưới 200 tỷ đồng. Còn hiện tại, các gói thầu đang xây, sửa hơn 32 tỷ đồng vẫn do Ban Quản lý Dự án, triển khai trong 2 năm 2019-2020. Trong nguồn này chưa có khoản tiền xây Khu chống nhiễm khuẩn khác theo tinh thần “xử lý tồn tại” như Thông báo số 107 đã dẫn, để thay thế Khu chống nhiễm khuẩn trị giá nhiều chục tỷ đồng mới bàn giao nhưng không đạt yêu cầu chống nhiễm khuẩn, chỉ phù hợp bố trí làm khu giặt ủi cho BV.

Tới nay, Ban Quản lý Dự án  vẫn chưa bàn giao đủ hồ sơ thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình này cho lãnh đạo BV này. Sau khi bệnh viện có công văn xin sửa chữa nhiều hạng mục, HÐND tỉnh Ðắk Lắk đã phê duyệt chủ trương đầu tư 32,375 tỷ đồng để "khắc phục các sự cố", trong đó có việc đập bỏ cầu nối 1 tầng công năng quá hạn chế, để xây cầu nối 4 khu điều trị. (Tiền phong, trang 11).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang