Khảo sát việc thực hiện Chương trình Sữa học đường
Sáng 2-10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội bắt đầu tiến hành đợt khảo sát về việc thực hiện Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020; công tác triển khai năm học 2019-2020 tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố.
Khảo sát thực tế một số trường và làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm, Đoàn nhận định, công tác dạy và học tại các trường công lập trên địa bàn quận đã đi vào nền nếp; cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên ngày càng được nâng cao. Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã hướng dẫn các trường thực hiện thu, chi theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh những trường thu sai quy định.
Đặc biệt, quận Nam Từ Liêm đã chú trọng triển khai các chương trình trọng điểm của thành phố, trong đó có Đề án Chương trình Sữa học đường với tỷ lệ học sinh tham gia đạt 77%.
Tuy nhiên, Đoàn khảo sát cho rằng, tỷ lệ tham gia Đề án Chương trình Sữa học đường của quận vẫn chưa đạt như mong muốn. Thời gian tới, quận cần tuyên truyền, vận động sâu hơn nữa, để các phụ huynh tham gia.
Cùng với đó, UBND quận Nam Từ Liêm cũng chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường thực hiện quy trình tiếp nhận sữa theo đề án; rà soát quy trình thanh quyết toán việc mua sữa, nhằm bảo đảm ổn định cấp sữa cho trẻ.
Về áp lực tăng dân số cơ học dẫn đến số học sinh/lớp vượt quy định, Đoàn khảo sát đề nghị, quận Nam Từ Liêm sớm kiến nghị với thành phố đầu tư mở rộng cơ sở vật chất trường học, bảo đảm quy chuẩn để đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chuẩn, hạn chế việc bố trí học sinh học tại tầng 4, tầng 5... (Hà Nội mới, trang 6)
Huấn luyện kỹ thuật sơ cấp cứu
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) phối hợp Công ty TNHH Huấn luyện an toàn khu vực phía Nam vừa tổ chức lớp huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, kỹ năng sơ cấp cứu cho gần 120 cán bộ, công nhân viên khối phòng ban. Chương trình tập huấn do bác sĩ Trương Thị Thủy Tiên, Giảng viên y khoa, bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, phụ trách.
Chương trình huấn luyện gồm các chuyên đề: sơ cứu vết thương mạch máu, sơ cứu băng bó vết thương, sơ cứu tai nạn phỏng, các dấu hiệu nhận biết đột quỵ và cách vận chuyển nạn nhân an toàn khi gãy, rạn xương khớp.
Mục tiêu của chương trình huấn luyện nhằm giúp cán bộ, công nhân viên, người lao động xử lý được những tình huống nguy hiểm đến tính mạng có thể xảy ra trong quá trình làm việc và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Chương trình cũng giúp học viên trang bị kiến thức thực tế để bình tĩnh xử lý khi có rủi ro xảy ra, tự bảo vệ mình, bảo vệ người khác, cũng như nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn trong quá trình lao động sản xuất. (Sài Gòn giải phóng, trang 9)
Lo ngại bệnh tay chân miệng bùng phát trong thời gian tới
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 ca mắc tay chân miệng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018 và có nguy cơ bùng phát trong các tháng tới. Năm học mới bắt đầu hơn một tháng, thời tiết giao mùa dễ dàng thuận lợi cho virus tay chân miệng phát triển nếu không vệ sinh phòng bệnh tốt. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng là điều “xa xỉ” khi trẻ học cả ngày ở trường, trong khi nhiều trường học không có xà phòng để học sinh rửa tay, nhà vệ sinh xuống cấp.
Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tay chân miệng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát rộng, đặc biệt trong các tháng 10, 11. Nguyên nhân bệnh tay chân miệng có thể gia tăng nhanh do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, nhất là tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục đào tạo…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vài năm trước, một số trường học trên địa bàn Hà Nội triển khai lắp hệ thống vòi nước để học sinh rửa tay. Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình lắp một loạt vòi nước rửa tay phía ngoài phòng học tầng 1. Nhưng sau khi triển khai một thời gian, theo phản ánh của phụ huynh học sinh, có vòi hỏng, có vòi không chảy nước.
Một phụ huynh khác có con học ở đây cho biết, con chị nhiều lúc phải “nhịn” đi vệ sinh vì vừa bước vào mùi khai xộc lên. Có lúc nhà cầu bị tắc khiến học sinh phải bỏ chạy. Bồn nước rửa tay đôi lúc không có nước, không có xà phòng, nhà vệ xây dựng đã lâu, xuống cấp, chật chội, chen chúc mới vào rửa tay được. Đến nỗi, nhắc tới nhà vệ sinh trường học, con chị coi đó là “nỗi ám ảnh tuổi thơ”.
Với điều kiện như vậy, việc phòng bệnh tay chân miệng trong trường học là điều vô cùng khó khăn. Với học sinh mầm non và tiểu học, cả ngày ở trường, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, nhưng có con không rửa tay, chứ chưa nói là phải rửa tay thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường học ở Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự, học sinh rửa tay thường xuyên rất khó thực hiện. “Nếu lấy lý do mua xà phòng rửa tay liên quan đến kinh phí thì nhà trường lấy từ khoản thu quỹ trường của phụ huynh học sinh đầu năm đóng góp mà mua.
Trong khoản thu đầu năm học vừa qua, nhiều trường ở Hà Nội thu quỹ trường trung bình 300.000đ/học sinh/năm học, có trường thu tới 500.000đ. Vậy tiền này chi vào việc gì, chi cho các con hay chi vào đâu. Lấy quỹ trường mà phụ huynh đóng góp để mua xà phòng cho các con rửa tay. Đây là biện pháp phòng chống dịch” –anh Cao Xuân Phong, quận Tây Hồ, Hà Nội đề nghị.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, thường có khả năng tự khỏi và ít gây biến chứng. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng do virus Enterovirus 71 (EV71) được coi là nguy hiểm bởi kèm theo nhiều biến chứng khác. Biến chứng nguy hiểm nhất của EV71 đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ là viêm não, màng não. Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh.
Vì vậy, theo khuyến cáo ngành y tế, cả cha mẹ và trẻ em phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày; trước khi bế trẻ, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, thay bỉm; vệ sinh miệng, họng cho trẻ sạch sẽ; vệ sinh đồ chơi, vật dụng cầm nắm của trẻ thường xuyên. Các trường học tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh rửa tay bằng xà phòng để ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
Ngoài ra, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác. (Công an nhân dân, trang 7)
Trang bị kiến thức và các kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong hệ thống y tế
Bộ Y tế vừa tổ chức Lễ Bế giảng khóa VII và Khai giảng khóa IX - Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành Y tế Việt Nam tại Trường ĐH Y tế công cộng. Đối tượng tham dự các khóa học bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm, cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo đơn vị y tế dự phòng; Giám đốc/Phó Giám đốc bệnh viện.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương đã đến dự và giảng bài với chủ đề: "Một số quan điểm về lãnh đạo và quản lý; Đổi mới chính sách y tế ở Việt Nam".
Mục tiêu của khóa đào tạo là trang bị và cập nhật kiến thức về quản lý y tế, kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo quản lý ngành Y tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Y tế. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được ứng dụng các nguyên lý và phương pháp đào tạo dựa trên năng lực để trang bị cho học viên những kiến thức và các kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong hệ thống y tế, chính sách, định hướng chiến lược phát triển ngành Y tế, quản lý các nguồn lực, quản lý các hoạt động và cung cấp dịch vụ y tế.
Để xây dựng Chương trình đào tạo này, Bộ Y tế giao cho Trường ĐH Y tế công cộng phối hợp với các chuyên gia trong nước và đặc biệt là các chuyên gia của Trường ĐH Y tế công cộng Rennes – Pháp để xây dựng 3 chương trình đào tạo bồi dưỡng về quản lý y tế cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành Y tế. Quá trình xây dựng các chương trình đào tạo này đã được thực hiện công phu, bài bản với nhiều lần hội thảo xin ý kiến góp ý của cán bộ quản lý y tế như lãnh đạo Vụ, Cục của Bộ Y tế, các Sở Y tế, các bệnh viện và các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước; đồng thời có sự tham vấn của các chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế. Chương trình đã được Bộ Y tế thẩm định vào tháng 8/2017 và cho phép triển khai từ năm 2018.
Giảng viên của khóa học là cán bộ lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan, các chuyên gia của các Bộ ngành để cập nhật, hướng dẫn học viên thực hiện các văn bản quản lý về y tế; đại diện một số tổ chức quốc tế được mời để chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế. Bên cạnh đó, các giảng viên của Trường Đại học Y tế công cộng và Viện Y tế công cộng TPHCM cùng phối hợp giảng dạy, hệ thống hóa lý thuyết và các nguyên lý lãnh đạo, quản lý.
Đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức được 8 khóa đào tạo cho đối tượng lãnh đạo quản lý với tổng số 1270 học viên được đào tạo. Các học viên đã hoàn thành các nội dung lý thuyết và thảo luận trên lớp, đi thực tế tại các cơ sở y tế của tỉnh, thực hiện áp dụng tại cơ quan công tác và chia sẻ kết quả áp dụng với giảng viên và học viên toàn khóa. Khóa IX của chương trình sẽ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12/2019, gồm một lớp cho lãnh đạo các Vụ, Cục, văn phòng Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế; 2 lớp cho lãnh đạo bệnh viện.
Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về quản lý y tế cho cán bộ lãnh đạo quản lý ngành Y tế là nhiệm vụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Y tế, thực hiện tốt chủ trương đổi mới hệ thống y tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết số 20 và 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có đổi mới về thể chế, bộ máy tổ chức, phương thức quản lý, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
Đồng thời, với việc triển khai các khóa đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành Y tế, Bộ Y tế thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Với phương pháp đào tạo dựa trên năng lực, chương trình đào tạo được cấu trúc thành 4 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1, học tập trung trên lớp kéo dài 3 tuần nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng tổng hợp, đồng thời thông qua thảo luận tình huống để cập nhật và nâng cao các năng lực cần thiết cho công tác lãnh đạo quản lý; Giai đoạn 2, đi tìm hiểu thực tế 1 tuần tại địa phương nhằm đối chiếu và so sánh kiến thức đã học với thực tiễn tại các cơ sở y tế; Giai đoạn 3, ứng dụng thực hành trong công tác lãnh đạo, quản lý tại cơ quan công tác của học viên trong 7 tuần; Giai đoạn 4, cập nhật và báo cáo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trong 1 tuần. (Gia đình & Xã hội, trang 7)
Lào Cai: Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới
Với những mục tiêu rõ ràng, trong gần 30 năm qua, công tác DS-KHHGĐ tỉnh Lào Cai đã có nhiều chuyển biến tích cực: Nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ được nâng lên rõ rệt, mô hình gia đình ít con đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng.
Các chính sách của địa phương quan tâm đặc biệt đến công tác dân số
Tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức được tái lập, công tác dân số và chăm sóc sức khỏe nhân dân đứng trước những thách thức lớn: Tỷ lệ tăng dân số trung bình hằng năm rất cao (3,82%), có nơi 4,6-5%/năm, tỷ suất sinh thô 44,2‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 3,61%, số con trung bình của một phụ nữ là 5 con, tỷ lệ phụ nữ có chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại 13%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 52,7%; tình trạng tảo hôn khá phổ biến; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao; tỷ lệ bà mẹ mang thai được tiêm chủng, khám chữa bệnh theo định kỳ rất thấp; các hoạt động DS-KHHGĐ chưa được quan tâm, chú trọng…
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ I sau tái lập, văn kiện Đại hội xác định: "Dân số và việc làm đang là vấn đề nóng bỏng cần được giải quyết, hướng chính là nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trong toàn tỉnh về ý nghĩa cấp bách của công tác KHHGĐ; tập trung củng cố kiện toàn hệ thống chuyên trách DS-KHHGĐ, đồng thời kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục với áp dụng biện pháp kỹ thuật để thực hiện công tác KHHGĐ. Phấn đấu giảm tỷ lệ dân số hằng năm 0,04 - 0,06%". Cũng trong giai đoạn này, công tác phát triển toàn diện con người đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xác định xây dựng con người là mục tiêu hàng đầu và đã được cụ thể hóa tại các chỉ thị, nghị quyết, chương trình trọng tâm, các chính sách của địa phương thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đến công tác DS-KHHGĐ.
Với những mục tiêu rõ ràng, trong gần 30 năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã có nhiều chuyển biến tích cực: Nhận thức của toàn xã hội về công tác DS-KHHGĐ được nâng lên rõ rệt, ý thức chấp hành chính sách dân số, quan niệm của nhân dân về hôn nhân, sinh đẻ đã thay đổi, mô hình gia đình ít con đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng; quy mô dân số tăng từ 514.000 người lên 705.628 người; tỷ suất sinh thô giảm từ 44,2‰ xuống còn 17,72‰ (bình quân giảm 0,98‰/năm); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 36,1% xuống 12,17%; số con trung bình/ bà mẹ giảm từ 5 con xuống 2,29 con; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại từ 13% tăng lên và được duy trì khoảng 70%; tỷ lệ các bà mẹ được sàng lọc sơ sinh: 9%; tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh 18%; tỷ lệ người cao tuổi được quản lý và khám sức khỏe định kỳ tại cộng đồng:16%; công tác phát triển kinh tế - xã hội tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện đạt được kết quả quan trọng (GRDP bình quân đầu người tăng từ 680.000 đồng năm 1991 lên 61,84 triệu đồng năm 2018…).
Tiến tới thành lập Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Phát triển trong giai đoạn mới
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác DS-KHHGĐ tỉnh Lào Cai vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức: Vẫn còn 5/9 huyện có tỷ suất sinh thô cao trên 21‰; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng 113 trẻ trai/100 trẻ gái; tình trạng tảo hôn, sinh con trước tuổi 18 có diễn biến phức tạp. Đây là một trong những nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số...
Tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng dân số, phát triển toàn diện con người Lào Cai, khắc phục tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống" vừa tổ chức ngày 25/9 tại Lào Cai, 7 báo cáo khoa học đã phản ánh rõ bức tranh về công tác DS-KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số, phát triển toàn diện con người Lào Cai trong giai đoạn 1991-2018. Các đại biểu đã thảo luận và phản biện 20 tham luận, báo cáo về những thuận lợi, khó khăn, thành tựu, hạn chế, bất cập trong các lĩnh vực mà các tác giả đã đề cập. Đồng thời đề xuất giải pháp phát triển toàn diện con người Lào Cai, khắc phục tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong giai đoạn tới.
Bà Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai nhấn mạnh, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số, phát triển toàn diện con người Lào Cai, khắc phục tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bà Hà Thị Nga đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền về các thành tựu trong nâng cao chất lượng dân số, phát triển toàn diện con người Lào Cai, khắc phục tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng nhiều hình thức, coi đây là yếu tố quan trọng quyết định đạt được các mục tiêu đề ra.
Đồng thời rà soát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện Đề án số 07 của Tỉnh ủy về phát triển y tế, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 – 2020; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ tinh gọn, hiệu quả, tiên tiến trong thời công nghệ 4.0; đầu tư phát triển mạng lưới, hạ tầng, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, đặc biệt là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cung cấp dịch vụ tầm soát bệnh sớm; các ngành, địa phương nâng cao chất lượng đánh giá các tiêu chí gia đình văn hóa và vận động người dân xây dựng quy ước, hương ước, trong đó tập trung vào các quy ước liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…; chủ động nghiên cứu đề xuất của các nhà khoa học, đại biểu tại Hội thảo để đưa vào cụ thể hóa bằng các chính sách, mục tiêu phấn đấu thực hiện trong Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025; nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo công tác Dân số - Phát triển trong giai đoạn tiếp theo, vì mục tiêu phát triển toàn diện con người Lào Cai. (Gia đình & Xã hội, trang 6)
Vệ sinh tay bảo vệ sự sống người bệnh
“Tháng hành động vệ sinh tay năm 2019” được Bệnh viện (BV) K T.Ư (Hà Nội) triển khai trong tháng 10, nhân ngày Thế giới rửa tay với xà phòng 15.10.
GS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K, nhấn mạnh: Vệ sinh tay sạch góp phần quan trọng cho chống nhiễm khuẩn BV. “Tại BV K đa số người bệnh ung thư được điều trị với các phương pháp như hóa trị, xạ trị gây suy giảm miễn dịch, nên việc phòng ngừa nhiễm khuẩn BV rất quan trọng cho an toàn người bệnh”.
Tại BV K T.Ư, tỷ lệ nhân viên y tế tuân thủ vệ sinh tay năm 2017 chỉ đạt 62%, năm 2018 tăng lên 78,6%, và hiện đã đạt 84,8%.
Nhiễm khuẩn BV là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại VN cũng như trên toàn thế giới khi đang có các dịch bệnh bùng phát, nhiều chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Nhiễm khuẩn BV làm tăng tỷ lệ tử vong, di chứng, kéo dài thời gian nằm viện (từ 9 - 24 ngày) và tăng chi phí điều trị (trung bình từ 2 - 32,3 triệu đồng). Tại VN, kết quả điều tra ở 36 BV phía bắc cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 7,9%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiễm khuẩn BV hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, trong đó vệ sinh tay là biện pháp dễ thực hiện và hiệu quả nhất để giảm nhiễm khuẩn BV, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Vệ sinh tay được coi là liều vắc xin tự chế đơn giản, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. Chỉ một động tác vệ sinh tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy - nguyên nhân tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. (Thanh niên, trang 16)
Phẫu thuật tách rời thành công 2 bé gái song sinh dính nhau
Ngày 2-10, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật tách rời 2 bé gái song sinh dính nhau ở phần bụng.
Trước đó, sản phụ N.T.H.H (ngụ tỉnh Quảng Nam) theo dõi thai kỳ tại BV Từ Dũ và được các bác sĩ phát hiện song thai là 2 bé gái có bụng dính nhau (từ phần ức trở xuống). Sản phụ được theo dõi đặc biệt trong quá trình mang thai dưới sự phối hợp của BV Từ Dũ và BV Nhi đồng 1.
Ngày 23-8, 2 bé gái dính nhau chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Ngay lập tức, 2 em bé được chuyển đến BV Nhi đồng 1 để nuôi dưỡng, theo dõi và chuẩn bị phẫu thuật tách rời. Tại BV Nhi đồng 1, các kết quả kiểm tra cho thấy, hai bé gái có phần gan dính nhau, thông nối mạch máu trong gan.
Ngoài dính nhau phần gan, chưa phát hiện các dị tật về hệ tiêu hóa, tim mạch. Do đó, sáng ngày 2-10, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật tách rời, thời điểm diễn ra phẫu thuật, tổng cân nặng của cặp song sinh đạt 7,9kg.
Ê kíp mổ bắt đầu từ 8 giờ sáng 2-10 với đội ngũ nhân viên y tế gồm 28 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng. Trong quá trình phẫu thuật tách rời phần gan dính nhau, các bác sĩ cũng gặp khó khăn khi gan của trẻ sơ sinh rất mềm, dễ vỡ, màng bao gan không dai như trẻ lớn, nên các bác sĩ phải thực hiện vô cùng nhẹ nhàng, khéo léo, tránh nguy cơ chảy máu ồ ạt. Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công, 2 bé gái sau khi tách rời đều khỏe mạnh, ổn định và đang được hồi sức tích cực. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2: “Tách thành công cặp song sinh 1 tháng tuổi”; Báo An ninh Thủ đô, trang 2: “Phẫu thuật tách rời hai bé gái song sinh dính nhau thành công”; Thanh niên, trang 16: “Bệnh viện Nhi đồng 1 mổ tách thành công 2 bé song sinh dính nhau”.