Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 3/10/2022

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế hướng dẫn tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc của các bệnh viện; Bệnh viện vùng ven vượt khó: Nỗ lực để thu hút bệnh nhân; Tăng cường tiêm phòng vaccine dại…

 

Những người bệnh bước qua lằn ranh sinh tử

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, chị Lô Thị Quyên, 40 tuổi, dân tộc Thái, ở bản Kim Khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã kể lại câu chuyện “từ cõi chết trở về” của chính mình như một kỳ tích, với tấm lòng biết ơn vô hạn những “lương y như từ mẫu”.

Hơn sáu tháng trước, chị Quyên bị nôn ói và ngất xỉu, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên chị không đi khám bệnh. Ngày 27/6, chị mới vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình khám khi thấy bệnh có dấu hiệu trở nặng. Tại đây, các bác sĩ phát hiện chị bị khối u thượng thận, đề nghị chuyển tuyến lên Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật. Do chị Quyên còn nhiều bệnh lý khác, cho nên ngày 10/7, Bệnh viện Việt Đức quyết định chuyển chị sang Bệnh viện Bạch Mai, nơi có nhiều chuyên khoa đầu ngành để có thể phối hợp điều trị tốt hơn cho người bệnh.

Từ Trung tâm Cấp cứu A9-Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Lô Thị Quyên được chuyển đến Khoa Nội tiết-Đái tháo đường, với những triệu chứng tim mạch rất nghiêm trọng, sốt cao liên tục 400C, huyết áp dao động thất thường, lúc cao vọt lên đến 220/110 mmHg, lúc tụt xuống 70/40 mmHg, nguy cơ đe dọa xuất huyết não và tử vong.

Thạc sĩ-Bác sĩ nội trú Vũ Thị Thục Trang, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Ngay khi khám tiếp nhận bệnh nhân Lô Thị Quyên, chúng tôi đã nhận định đây là một ca bệnh phức tạp và rất nặng, cần phải khẩn trương chẩn đoán, điều trị kịp thời. Cả khoa đã tập trung hội chẩn cấp cứu, đồng loạt các chỉ định xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu được tiến hành khẩn cấp. Kết quả xét nghiệm và thăm dò cận lâm sàng cho thấy, bệnh nhân bị mắc u thượng thận trên nền bệnh cường giáp”.

Theo bác sĩ Trang, u thượng thận ở người bị cường giáp có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy tim cấp, nhồi máu cơ tim, phù phổi cấp và xuất huyết não, đáng sợ nhất là gây cơn bão giáp, rất dễ bị tử vong. Kết quả cấy máu còn phát hiện bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do một loại vi khuẩn rất nguy hiểm.

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, bệnh nhân Quyên có đến ba bệnh nặng cùng lúc là: Khối u thượng thận kích thước tới 12cm, cường giáp nặng kéo dài nhiều năm và nhiễm khuẩn huyết nặng. Phương pháp điều trị tốt nhất là cắt bỏ khối u thượng thận càng sớm càng tốt, tuy nhiên không thể thực hiện được khi bệnh nhân vẫn cường giáp và còn sốt.

“Chúng tôi phải điều trị đồng thời ba bệnh cùng lúc và tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho người bệnh; giám sát theo dõi từng chỉ số, từng diễn biến nhỏ nhất của người bệnh”-bác sĩ Bảy nói.

Sau ba tuần điều trị tích cực, bệnh nhân Lô Thị Quyên được phẫu thuật cắt u thượng thận thành công tại Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai.

Bước qua lằn ranh sinh tử, được trở về mái ấm gia đình, nơi có vòng tay yêu thương của người chồng cùng hai con nhỏ, chị Quyên cảm thấy mình vô cùng may mắn vì đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa. “Từng đối diện với cái chết, tôi và gia đình vô cùng biết ơn các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình, Bệnh viện Việt Đức và đặc biệt là các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã cứu sống tôi”- chị Quyên xúc động chia sẻ.

Không chỉ dồn hết tâm sức, tranh thủ từng giây phút giành giật sự sống cho người bệnh, các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai còn chia sẻ những khó khăn về chi phí điều trị với người bệnh.

Đêm 14/8/2022, Trung tâm Cấp cứu A9-Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam bị tàu hỏa đâm trong tình trạng đa chấn thương rất nặng, mất ý thức, nguy cơ cao tử vong. Bệnh nhân không có người nhà đi cùng, cũng không có giấy tờ tùy thân.

Trước tình thế cấp bách, các bác sĩ, nhân viên y tế đã khẩn trương hồi sức cấp cứu và làm các xét nghiệm tổng quát. Người bệnh được chẩn đoán: Chấn thương sọ não tổn thương sợi trục, chấn thương ngực kín tràn máu, tràn khí ngực phải, chấn thương gan thận độ 2, gãy xương sườn. Bệnh nhân hôn mê, phải thở máy, nguy cơ tử vong rất cao. Không có người nhà bên cạnh càng khiến việc điều trị cho người bệnh khó khăn thêm. Trong khi các bác sĩ tập trung cứu chữa cho người bệnh, các nhân viên công tác xã hội cũng khẩn trương xác minh thông tin về người bệnh và tìm người nhà cho người bệnh, đồng thời kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.

“Sau khi xác định bệnh nhân là Trần Nhật, sinh năm 1993, ở thôn Phú Nha, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, cùng với chút manh mối do một người bạn của anh Nhật cung cấp, chúng tôi đã nỗ lực tìm người thân cho bệnh nhân.

Thật may mắn khi chúng tôi liên hệ và thuyết phục được ông Trần Phú Đông, là chú ruột của anh Nhật, hiện sinh sống ở Bình Thuận ra Hà Nội chăm sóc cho người bệnh. Tuy nhiên, hoàn cảnh ông Đông cũng rất khó khăn, chỉ có vài trăm nghìn đồng đủ trả tiền tàu xe, trong khi anh Nhật không có bảo hiểm y tế, không có khả năng chi trả viện phí”- Chị Nguyễn Thị Hạ, nhân viên Phòng Công tác xã hội- Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp hỗ trợ cho bệnh nhân Trần Nhật cho biết.

Bệnh nhân Trần Nhật sống với chú ruột và bà nội từ khi còn rất nhỏ. Năm anh 15 tuổi, bà nội mất. Ba tháng trước khi bị tai nạn, anh Nhật ra Hà Nội đi làm thuê và ở trọ. Chia sẻ những khó khăn của người bệnh, bên cạnh việc điều trị, bác sĩ Vũ Tưởng Lân, Trung tâm Cấp cứu A9-Bệnh viện Bạch Mai và nhân viên công tác xã hội của bệnh viện đã kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm giúp đỡ anh Nhật chi phí điều trị. Tổng số tiền anh Nhật nhận được là 68 triệu đồng.

Sau năm ngày được cấp cứu và điều trị tích cực, bệnh nhân Trần Nhật đã tỉnh táo, tiếp xúc và nói chuyện được với mọi người. Anh Nhật rất xúc động khi được chú ruột chăm sóc và mọi người quan tâm, giúp đỡ. Ngày 18/8, anh Nhật được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận điều trị để tiện cho gia đình chăm sóc.

Mới đây, chúng tôi liên hệ với anh Nhật. Anh cho biết đã xuất viện trở về nhà, sức khỏe ổn định, có thể làm những việc nhẹ nhàng. Nhắc lại biến cố, anh Nhật xúc động nói: “Tôi không nhớ được chuyện gì đã xảy ra với tôi trong đêm 14/8 và những ngày sau đó, chỉ được nghe chú tôi kể lại là các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã cứu tôi thoát chết, còn giúp đỡ tôi tiền viện phí. Giờ tôi chỉ biết nói lời cảm ơn các bác sĩ”. (Nhân dân, trang 4).

 

Bệnh viện vùng ven vượt khó: Nỗ lực để thu hút bệnh nhân

Một số bệnh viện quận, huyện vùng ven TP.HCM vốn đã gặp nhiều khó khăn lại càng khó hơn vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, đã có những bệnh viện nỗ lực vượt khó để thu hút bệnh nhân, giảm chuyển bệnh lên tuyến trên.

Hơn 4 năm trước, cứ đến mùa triều lên, mưa lớn là nhân viên y tế Bệnh viện (BV) H.Bình Chánh bì bõm trong nước đi khám bệnh, cấp cứu bệnh nhân (BN)... Và rồi gần 800 tỉ đồng được H.Bình Chánh đầu tư để xây cơ sở mới, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại (đưa vào sử dụng tháng 6.2018). Với cơ ngơi mới, BV H.Bình Chánh quyết thu hút BN đến vì khi tự chủ tài chính (từ tháng 10.2017) thì BN chính là nguồn nuôi sống BV. Nhưng dịch Covid-19 lại khiến BV đi xuống với số thu âm… Hiện BV vẫn đang cố gắng “vùng vẫy” để vượt khó.

Bước đột phá mới

Nhiều năm trước, mỗi tháng BV H.Bình Chánh chuyển khoảng 30 BN mắc bệnh mạch vành lên các BV tuyến trên để can thiệp. BV tuyến trên vốn đã quá tải khiến BN đợi lâu và cũng mất “giờ vàng” trong chữa trị. Để nâng cao năng lực và khắc phục tình trạng trên, BV H.Bình Chánh đã đầu tư một hệ thống can thiệp mạch (DSA). Rồi đến khi dịch Covid-19 bùng phát, BV cùng ngành y tế tập trung chống dịch và trong đợt dịch thứ 4, BV chuyển hẳn sang điều trị Covid-19. Vì thế, tình hình tài chính BV trở nên khó khăn hơn, âm nguồn thu và 50 nhân viên y tế “nói lời chia tay” trong và sau dịch Covid-19.

Bác sĩ (BS) Võ Ngọc Cường, Phó giám đốc điều hành BV H.Bình Chánh vừa được Sở Y tế điều động về được 6 tháng, nhớ lại từ tháng 6.2022, BV mới bắt đầu có dư vài chục triệu đồng. Dù vậy, dựa trên nền tảng cơ sở vật chất mới, cũng như tận dụng nguồn lực sẵn có với các trang thiết bị y tế hiện đại, ban giám đốc BV quyết tâm đưa BV phát triển hơn. Nhờ nỗ lực đột phá, nguồn thu của BV bắt đầu có dư trên 100 triệu đồng/tháng. Tháng 8.2022 đánh dấu bước phát triển lớn của BV H.Bình Chánh khi chụp và can thiệp mạch vành bằng DSA thành công cho 3 BN dưới sự hỗ trợ của Viện Tim. Về kỹ thuật DSA, trong số BV quận, huyện hiện có rất ít BV làm được, bởi cần phải đầu tư máy DSA chiếm chi phí lớn cũng như đòi hỏi trình độ của ê kíp thực hiện.

Ông T.Q.V (54 tuổi, ngụ P.11, Q.3) có tiền sử nhồi máu cơ tim, đã đặt 2 stent hơn 1 năm nhưng vẫn còn đau ngực khi gắng sức, đồng thời có tiền căn tăng huyết áp... Ngày 22.8 vừa qua, ông được BV H.Bình Chánh chụp DSA và phát hiện thêm một nhánh mạch vành hẹp nặng. Ông được các BS can thiệp qua da và đặt 1 stent phủ thuốc, sau can thiệp stent máu đã thông tốt, BN hết đau ngực, 2 ngày sau xuất viện.

Còn bà T.T.A (64 tuổi, ngụ xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh) có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh tim thiếu máu cục bộ, viêm dạ dày đã nhiều năm. Gần đây, thỉnh thoảng bà thấy đau ngực nhẹ khi gắng sức. Ngày 25.8, kết quả chụp DSA cho thấy bà bị hẹp mạch vành mức trung bình. Bà được điều trị nội khoa và xuất viện 1 ngày sau. Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà A. cho hay 3-4 năm nay bà điều trị ở Viện Tim. Khi biết BV Bình Chánh có DSA và miễn phí cho những ca đầu tiên nên bà được BS giới thiệu xuống. “Ngoài ra tôi còn bị đái tháo đường, đau bao tử, đi khám tùm lum, BV H.Bình Chánh thì tôi mới biết đây thôi. Giờ hết thuốc uống, tôi đi tái khám ở BV Bình Chánh”, bà nói.

Tương tự, bà N.T.L (60 tuổi, ngụ xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh) cũng có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Gần đây bà mệt, khó thở, đau ngực nhẹ khi gắng sức. Bà đã nhập viện nhiều lần, điều trị nội không kiểm soát được triệu chứng. Ngày 25.8 bà được chụp mạch vành và phát hiện hẹp mức trung bình. Bà được điều nội khoa mạch vành, tăng huyết áp và xuất viện 1 ngày sau chụp mạch vành.

Hạn chế tối đa “kính chuyển” bệnh nhân

“Máy móc xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh BV không còn thiếu, để khi nói đến BV H.Bình Chánh, người dân sẽ không còn suy nghĩ lên các BV trung tâm TP nữa”, BS Võ Ngọc Cường khẳng định.

Nói về đầu tư kỹ thuật DSA, BS Cường tin tưởng rằng với những BN ở H.Bình Chánh hay tỉnh Long An cần can thiệp tim mạch, thay vì phải vào các BV trung tâm TP thì BV H.Bình Chánh nay trở thành điểm đến để đảm bảo “giờ vàng”. Trong giai đoạn đầu, chỉ trong tích tắc, các chuyên gia Viện Tim sẽ có mặt ở phòng DSA của BV H.Bình Chánh để can thiệp cho BN ngay. Hiện tại, BV cử 1 ê kíp gồm 2 BS và 3 kỹ thuật viên học can thiệp tim mạch tại Viện Tim, vài tháng nữa các nhân sự này có thể tự làm được.

BS Cường cho biết thêm BV sẽ phát triển can thiệp mạch máu não ngoại vi do BV Nhân dân 115 hỗ trợ. Đến cuối năm nay, BV cũng hình thành đơn vị thận nhân tạo, đột quỵ, nội soi, tiêu hóa. Đặc biệt, nắm bắt được nhu cầu người dân, BV đang đầu tư Đơn vị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thuộc Khoa y học cổ truyền, mời các BS đầu ngành của TP về hợp tác chuyên môn cũng như đầu tư máy móc hiện đại cho đơn vị này. Bên cạnh đó, theo BS Cường, đào tạo BS trẻ và tuyển dụng BS giỏi là ưu tiên hiện nay để đáp ứng nhu cầu phát triển của BV.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thuốc, vật tư y tế tiêu hao đang thiếu, nhưng lãnh đạo BV H.Bình Chánh cho biết đã mua sắm đủ và linh động, đảm bảo cung ứng cho BN, không để BN ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, và cũng chưa có trường hợp nào phải chuyển viện vì thiếu thuốc, vật tư. “Với những ca bệnh khó chúng tôi đưa đón chuyên gia về BV H.Bình Chánh để khám, chữa bệnh và điều trị tốt nhất cho BN. BV H.Bình Chánh sẽ hạn chế tối đa “kính chuyển” mà giữ BN lại để điều trị. BV cũng cam kết với lãnh đạo huyện, TP và người dân không để BN vào BV mà thiếu thuốc, vật tư”, BS Cường khẳng định.

Theo BS Cường, để đảm bảo được nguồn thu nhập, đảm bảo quyền lợi BN, thu hút người tài phát triển thì BV phải cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian BN chờ, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh. “Vấn đề làm được ngay là BV nâng cao thái độ phục vụ BN, chăm sóc khách hàng, thông tin tư vấn để BN có thông tin nhanh, chính xác. Như nhắn tin kết quả cận lâm sàng vào số điện thoại cho BN. BV sẽ tổ chức xe đưa rước người có công, người cao tuổi mỗi ngày khoảng 100 người. Nhắn nhắc tái khám gửi cho BN trước 1 ngày cũng đã được thực hiện hơn 1 năm”, BS Cường chia sẻ.

BS Cường chia sẻ thêm không phải ngày một ngày hai mà BV có thể chuyển mình ngay, mà cần thời gian để thực hiện các dự án của mình. Cùng với đó, Sở Y tế hỗ trợ chuyên môn, chủ trương; được Huyện ủy, UBND H.Bình Chánh ủng hộ; các chuyên gia giỏi về hỗ trợ thì chắc chắn BV sẽ phát triển trong thời gian sớm nhất. (còn tiếp) (Thanh niên, trang 22).

 

Bệnh hô hấp ở trẻ em bùng phát: Tăng nhanh, diễn biến phức tạp

Tại nhiều lớp học ở nhiều địa phương, tình trạng trẻ mắc virus Adeno, sốt xuất huyết, cúm… đang khiến không ít phụ huynh lo lắng về nguy cơ bệnh lây lan thành ổ dịch. Lo sợ con bị nhiễm virus Adeno, nhiều gia đình đổ xô cho con đi xét nghiệm. Trong khi đó, các chuyên gia khẳng định việc này là không cần thiết, gây lãng phí.

Trên nhiều nhóm lớp các phụ huynh lo ngại chia sẻ thông tin về tình trạng trẻ bị nhiễm bệnh phải nghỉ học. Phần lớn trẻ có biểu hiệu ho, sốt, sổ mũi, nôn… Tại trường mầm non Họa Mi (huyện Đông Anh, Hà Nội), chị Huyền Lê cho biết: “Nửa tháng nay, trong nhóm thông tin của lớp, ngày nào cũng có phụ huynh xin cho con nghỉ ốm. Lớp học có 24 bạn nhưng nhiều hôm chỉ một nửa số có mặt”. Trước tình hình virus Adeno đang có xu hướng tăng nhanh tại Hà Nội, giáo viên chủ nhiệm và Ban Giám hiệu Trường mầm non Họa Mi thường xuyên gửi các thông tin về bệnh như biện pháp phòng tránh, dấu hiệu nhận biết… để phụ huynh nắm thêm thông tin. Trong trường hợp trẻ ốm, nghi ngờ mắc virus Adeno, cúm A hay các loại bệnh truyền nhiễm khác, nhà trường khuyến cáo phụ huynh cho con ở nhà để phòng tránh lây lan.

Chị Hoài Anh (quận Hà Đông, Hà Nội, phụ huynh của một học sinh lớp 3) phản ánh, thời gian gần đây, lớp học của con chị không lúc nào đầy đủ. Lớp có 27 học sinh nhưng có ngày vắng 6-8 em do ho sốt, cúm B, viêm đường hô hấp… Con trai chị Hoài Anh cũng nghỉ học gần một tuần vì mắc virus Adeno. Trong lớp, có phụ huynh vì lo lắng con từng bị hen suyễn, khả năng bệnh tái phát nếu bị lây nhiễm từ bạn nên đã quyết định con nghỉ học vài ngày để nghe ngóng tình hình. Để phòng bệnh lây lan, lớp học của con chị Hoài Anh đã áp dụng 2K trở lại như thời kì dịch COVID-19 căng thẳng. Các em đeo khẩu trang thường xuyên ngay cả trong các tiết học, giáo viên và phụ huynh cũng nhắc nhở các em thực hiện khử khuẩn, không sử dụng chung đồ cá nhân, đặc biệt là cốc, bình nước.

Bà Bùi Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ái Mộ A (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, nhà trường ghi nhận một số ca sốt xuất huyết do trường nằm tại khu trọng điểm của dịch. Trước đó, trường cũng có nhiều học sinh và giáo viên bị mắc cúm A.

Hà Nội: Nguy cơ dịch tấn công trường học

Nguy cơ dịch bệnh tấn công các trường học đang trở nên hiện hữu khi tình hình bệnh nhi tại Hà Nội đang gia tăng đột biến. Tại nhiều cơ sở y tế ở Hà Nội, tình trạng trẻ ùn ùn nhập viện khiến các đơn vị rơi vào quá tải cục bộ, hết giường điều trị. Bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa, Phụ trách khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho hay, trước đây, bệnh viện khám trung bình từ 1.000 -1.200 bệnh nhân/ngày thì gần đây, không ngày nào dưới 1.600 bệnh nhân, cao nhất là khoảng 1.800. Nằm tại địa bàn trọng điểm sốt xuất huyết, bệnh viện đang tiếp nhận rất nhiều ca bệnh từ người lớn tới trẻ em. Trong đó có những gia đình phát hiện 3/4 người nhiễm bệnh. Khoa nhi của bệnh viện luôn trong tình trạng kín giường.

Ngoài sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa (gồm cả cúm A, B), virus Adeno, sốt xuất huyết, bác sĩ Phạm Thị Thảo cho biết thời điểm này còn có nhiều trẻ mắc “bộ ba cơ địa dị ứng” do thời tiết giao mùa. Đây là bệnh da cơ địa, viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Riêng đối với hen phế quản, bệnh có thể tái lại nhiều lần. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn, nhân viên y tế đang phải làm việc hết công suất vì bệnh nhi nhập viện quá đông. Đơn vị này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, phải mượn thêm giường điều trị của các khoa, phòng khác để tránh tình trạng trẻ phải nằm ghép, lây nhiễm chéo. Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết virusAdeno gây bệnh trên trẻ nhỏ tiếp tục đáng lo ngại. Hà Nội đã ghi nhận 1.020 bệnh nhân dương tính với virus Adeno phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.

TPHCM: Bệnh viện quá tải

Bà N.T.Q. (58 tuổi, ngụ tại Bình Dương) đưa cháu nội đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM được chỉ định nhập viện vì viêm phổi nặng. Trao đổi với phóng viên, bà T.Q. cho biết: “Cháu tôi bị bệnh cả tuần rồi nhưng khám và điều trị ở địa phương không khỏi mà còn có biểu hiện nặng hơn. Tôi phải đưa lên TPHCM nhờ bác sĩ kiểm tra, không ngờ thằng bé đã chuyển sang giai đoạn viêm phổi nặng”.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, bé M.T.Ph. (5 tuổi, ngụ tại TPHCM) đang phải hỗ trợ thở ô xy qua mặt nạ. Thông tin từ chị Đ.B.H. cho biết, sau 2 tuần trở lại trường học bé bắt đầu có biểu hiện sốt, ho, khó thở. “Năm trước bé đã bị nhiễm COVID-19, tình trạng tuy không đến mức nặng nhưng phải 3 ngày mới hết sốt, gần 1 tuần mới hết ho. Mới đây bé mắc bệnh, tôi hỏi cô giáo thì được biết trên lớp cũng có nhiều trẻ phải nghỉ học vì bệnh. Sau 2 ngày uống thuốc, điều trị ngoại trú nhưng bệnh không thuyên giảm, tôi đưa con đến bệnh viện tái khám thì được yêu cầu nhập viện vì bé bị hen mức độ nặng”.

Trung bình mỗi ngày, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM tiếp nhận, thăm khám cho khoảng 5.000 bệnh nhi, trong đó nhiều trường hợp bệnh nặng phải nhập viện điều trị. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM. Số trẻ đến khám ngoại trú thấp hơn nhưng ghi nhận chung của các bệnh viện đang có sự gia tăng ở nhóm trẻ mắc bệnh hô hấp. Mỗi bệnh viện chỉ có khoảng hơn 200 giường bệnh hô hấp, để có đủ chỗ điều trị, các bệnh viện đã phải kê thêm giường, cho trẻ nằm ghép hoặc nằm ngoài hành lang.

Theo thống kê của các bệnh viện nhi đồng tại TPHCM, khoảng 60% trẻ bị bệnh lý hô hấp nặng phải nhập viện điều trị đến từ các tỉnh lân cận, 40% còn lại là trẻ sinh sống tại TPHCM.

Trao đổi với phóng viên TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết: “Nhiều năm qua ở miền Nam khi bước vào những tháng mùa mưa (tháng 8 đến tháng 11) thì bệnh hô hấp đều gia tăng, điều này mang tính quy luật dẫn tới quá tải các bệnh viện có chuyên khoa nhi. Năm nay, bệnh hô hấp cũng đang có xu hướng gia tăng, tuy nhiên so với thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19 thì mức độ quá tải chưa bằng. Hiện tại khoa đang điều trị cho 275 trẻ, trước đại dịch có ngày khoa phải điều trị hơn 500 bệnh nhân”. (Tiền phong, trang 1).

 

Nhiều trẻ viêm hô hấp có tiền sử COVID-19

Trong số các bệnh nhi phải nhập viện, TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết: Chiếm số lượng nhiều nhất vẫn là nhóm trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Nhiều trẻ có tiền sử mắc COVID-19.

Tuy nhiên, nếu so với những năm trước thì giai đoạn hiện tại số trẻ bị lên cơn hen tăng cao hơn. “Chúng tôi chưa có đủ cơ sở để kết luận bệnh hen ở trẻ gia tăng có liên quan đến dịch COVID-19. Tuy nhiên, khai thác bệnh sử cho thấy, nhiều trẻ bị hen nặng phải nhập viện điều trị có tiền sử từng mắc COVID-19. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, sau nhiễm COVID-19 cơ thể của trẻ có nguy cơ bị rối loạn miễn dịch. Điều đó khiến một số trẻ đang điều trị hen nhưng rơi vào tình trạng mất kiểm soát, một số trẻ bị hen đã được kiểm soát từ lâu nhưng bệnh tái phát trở lại hoặc một số trẻ bất ngờ rơi vào tình trạng hen”.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong 3 tuần qua, trung bình mỗi ngày khoa Hô hấp 1 và Hô hấp 2 điều trị cho khoảng 250 đến 280 bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp. BS Trần Quỳnh Hương, Trưởng khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Gần tháng nay, trẻ mắc bệnh hô hấp ngày càng đông khiến khoa rơi vào tình trạng quá tải. Nhóm bệnh chiếm số đông là viêm phổi, hen, viêm tiểu phế quản. Bệnh nhân đang phải nằm ghép, khoa bệnh chúng tôi đã tăng 25% vượt quá số giường hiện có. Lượng bệnh nặng chuyển từ khoa khám, khoa hồi sức lên khá nhiều, chúng tôi đã phải lắp thêm thiết bị hỗ trợ thở ô xy qua mặt nạ để điều trị”.

Giải thích cho nguyên nhân bệnh hô hấp tăng từ đầu tháng 9 đến nay, BS Quỳnh Hương cho rằng: “Sau kỳ nghỉ hè, khi các trường mở cửa đón học sinh bước vào năm học mới cũng là thời điểm bệnh hô hấp nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung ở trẻ gia tăng bởi sự lây nhiễm dễ dàng trong môi trường tập trung đông người. Bên cạnh đó, sự thay đổi thời tiết theo mùa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho siêu vi gây bệnh bùng phát. Khi nhiều trẻ mắc bệnh thì nhóm các bé có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ trở nặng”.

Dự báo, bệnh hô hấp tại khu vực phía Nam sẽ còn diễn biến phức tạp từ nay đến tháng 11. Để chủ động phòng tránh bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ ngoài giải pháp tiêm ngừa đầy đủ, TS.BS Anh Tuấn khuyến cáo phụ huynh cần tăng cường các biện pháp vệ sinh cá nhân, giữ nhà cửa thông thoáng, cho trẻ rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, không để trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh hô hấp, cho trẻ ăn uống đầy đủ, tăng cường thêm các thức ăn có nhiều vitamin C, cần giữ ấm cho trẻ nếu thời tiết chuyển lạnh.

“Khu vực phía Nam ít ghi nhận tác nhân gây bệnh hô hấp ở trẻ do virus Adeno. Tôi cho rằng, đây không phải là loại vi rút mới bởi nó đã được phát hiện và nghiên cứu hàng chục năm qua. Adeno chỉ xếp vào hàng thứ 4 hoặc thứ 5 trong số những nguyên nhân gây bệnh về đường hô hấp. Thống kê vừa được thực hiện của một bác sĩ để phục vụ cho đề tài nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trên cơ sở tìm nguyên nhân gây bệnh do Adeno và vi rút hợp bào hô hấp (RSV) cho thấy, trong số 120 mẫu được lấy chỉ có 7 trường hợp dương tính với Adeno” - TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM. (Tiền phong, trang 4).

 

Đột quỵ, ung thư ngày càng trẻ hóa

Ghi nhận tại các bệnh viện trong thời gian gần đây cho thấy, xu hướng bệnh nhân bị đột quỵ, ung thư đang ngày càng trẻ hóa. Điều đáng nói là do chủ quan nên không ít người trẻ tuổi đã đánh mất “thời gian vàng” chữa trị. Do đó, bên cạnh việc xây dựng một lối sống lành mạnh, người trẻ tuổi cần quan tâm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, điều trị kịp thời nếu có bệnh.

Gia tăng người trẻ tuổi nhập viện vì ung thư, đột quỵ

Theo số liệu mới nhất từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), nếu như năm 2018, Việt Nam có 165.000 trường hợp mắc mới ung thư, thì đến năm 2020, con số này đã tăng lên 182.000 trường hợp. Số người tử vong vì ung thư trong năm 2020 là 122.690 trường hợp, gấp 18 lần tổng số ca tử vong vì tai nạn giao thông trong cùng năm. Hiện tại, có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Điều đáng nói, tỷ lệ mắc mới ung thư và trẻ hóa ung thư tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng.

Về nguyên tắc, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc ung thư càng lớn. Thế nhưng, có những loại ung thư ở thập kỷ trước thường chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi, trung niên, nay lại xuất hiện ở người trẻ. Chẳng hạn như ung thư dạ dày, gan, vú…, trước đây, các bác sĩ thường gặp bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, nay có những trường hợp 25-30 tuổi đã mắc bệnh.

Trung bình mỗi tuần, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) phẫu thuật từ 2 đến 3 ca bị ung thư dạ dày. Chia sẻ về ca bệnh 25 tuổi bị ung thư dạ dày di căn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa cho biết, bệnh nhân là lao động tự do, khoảng 4 tháng trước khi tới bệnh viện đã xuất hiện triệu chứng đau vùng thượng vị, ăn uống khó tiêu… Do công việc bận rộn nên bệnh nhân chủ quan không đi khám. Khi bụng đau nhiều, ăn gì nôn đó, bệnh nhân mới tới bệnh viện. Lúc này, căn bệnh ung thư đã bước vào giai đoạn cuối. Tương tự, sau khi xuất hiện hiện tượng chán ăn, đau tức vùng hạ sườn phải, một người đàn ông 34 tuổi đã đến bệnh viện khám và được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn muộn.

Giống như ung thư, đột quỵ ở người trẻ cũng đang gia tăng. Theo Tổ chức đột quỵ Mỹ, khoảng 15% bệnh nhân bị đột quỵ có độ tuổi từ 18 đến 45 tuổi, tăng hơn 40% trong vòng 10 năm qua. Tại Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi chiếm khoảng 25% số ca ghi nhận. Bác sĩ Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho hay, trước đây đột quỵ thường là bệnh lý của người già, nhưng ngày nay, số lượng người trẻ bị đột quỵ chiếm khoảng 20-25% tổng số bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện.

Những thói quen gây bệnh đáng báo động

Ngoài nguyên nhân bệnh lý, các chuyên gia y tế đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ từ lối sống, thói quen sinh hoạt, khiến căn bệnh đột quỵ bị trẻ hóa như hiện nay.

Theo bác sĩ Phạm Văn Cường, nhóm nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ do thói quen xấu đang gia tăng, như: Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, thức quá khuya… Những thói quen xấu này khiến cho người trẻ tuổi tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì… và đến gần hơn với đột quỵ.

Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ ở người trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, với người trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Với hiện tượng tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì…, nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, rượu bia. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, yếu tố đông máu…, thì cần được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để sàng lọc, loại trừ nguy cơ.

Cũng đề cập đến yếu tố môi trường khiến căn bệnh ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng có xu hướng gia tăng ở người trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hà dẫn chứng, làm việc trong môi trường căng thẳng khiến tình trạng viêm, loét dạ dày kéo dài và khó chữa hơn, từ đó tiến triển thành bệnh ung thư. Ngoài ra, một số thói quen có thể dẫn đến ung thư dạ dày, như: Lạm dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá), ăn các loại thức ăn có nhiều nitrat: Đồ muối, dưa muối, thịt hun khói…

“Không ít bệnh nhân trẻ tuổi tình cờ phát hiện sớm ung thư dạ dày, dù không có triệu chứng, chỉ qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện, điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh là từ 72% đến 92%; còn phát hiện muộn, tỷ lệ khỏi bệnh giảm dần và khi đó việc điều trị chỉ mang tính chất kéo dài thời gian sống”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Hà cho biết.

Bộ Y tế khuyến cáo, phát hiện ung thư càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm chi phí. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Ẩn họa từ dịch vụ "thẩm mỹ chui”

Dù không được phép thực hiện các kỹ thuật xâm lấn (gây tê, tiêm, mổ xẻ), song nhiều cơ sở thẩm mỹ viện trên địa bàn thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vẫn giới thiệu, quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội và tư vấn cho khách hàng có nhu cầu... Đây là những hoạt động trái quy định của pháp luật, tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho khách hàng sử dụng dịch vụ.

Nắm bắt nhu cầu làm đẹp bản thân của người dân trên địa bàn và đặc biệt là giới phụ nữ có điều kiện kinh tế khá giả, thời gian gần đây nhiều cơ sở thẩm mỹ ở thành phố Thanh Hóa thi nhau "mọc lên như nấm sau mưa". Sẽ không có gì đáng nói, nếu các cơ sở này tuân thủ nghiêm theo đăng ký kinh doanh, hoạt động dịch vụ theo giấy phép được cấp, vừa đảm bảo quy định của pháp luật và an toàn cho khách hàng.

Không ít cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã lựa chọn những tên gọi hết sức sang trọng, mỹ miều, các cơ sở này không dừng lại ở Spa làm đẹp mà còn ngang nhiên tư vấn, quảng cáo cả những dịch vụ thẩm mỹ mà họ không được cấp phép hành nghề.

Dạo một vòng qua các tuyến đường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, như: Nguyễn Cẩn, Nguyễn Trịnh Cơ, Tô Hiến Thành, Trường Thi... chúng tôi bắt gặp hàng loạt cơ sở "Thẩm mỹ viện" với nhiều tên gọi bắt mắt như: Thẩm mỹ viện Quốc tế Tây Á; Thẩm mỹ viện Korea; Thẩm mỹ viện DHY Hà Nội; Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội; Thẩm mỹ viện Quốc tế Bắc Mỹ; Thẩm mỹ viện Diệp Chi...

Theo tìm hiểu của phóng viên và tiếp cận một số "Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh" của các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cho thấy, ngành nghề kinh doanh được phép chủ yếu là: Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp thông thường, xoa bóp massage da mặt, chăm sóc da, trị liệu, làm đẹp, phum xăm... hoàn toàn không có dịch vụ xâm lấn.

Thế nhưng, trong vai khách hàng cần làm dịch vụ cắt mí mắt, chúng tôi tiếp cận cơ sở Thẩm mỹ Y... (ở đường Nguyễn Cẩn, TP Thanh Hóa). Tại đây, chúng tôi được nhân viên của cơ sở này tư vấn các gói dịch vụ về cắt mí, mỗi gói có các mức giá khác nhau. Ngoài ra, chúng tôi được nhân viên giới thiệu rất nhiều các dịch vụ khác như, tiêm botox, tiêm filler, giảm mỡ bụng bằng Maxthinlipo, nâng mũi...

Ngoài ra, cơ sở thẩm mỹ này còn lập hẳn tài khoản và quảng cáo rầm rộ trên nền tảng mạng xã hội một cách công khai.

Cũng với nhu cầu tương tự, chúng tôi đến Thẩm mỹ viện K (đường Nguyễn Cẩn, TP Thanh Hóa), tại đây chúng tôi được nhân viên tư vấn nhiều dịch vụ xâm lấn, thủ thuật cắt mí có giá từ 3 triệu đến 5 triệu (mở góc mắt với giá 3 triệu đồng). Đối với dịch vụ nâng mũi, nhân viên cơ sở này cho hay tùy thuộc vào sử dụng các loại sụn khác nhau để định giá hay như dịch vụ giảm mỡ bụng bằng Maxthinlipo thì giá gói và thời gian phụ thuộc lượng mỡ trên cơ thể.

Tương tự, tại Thẩm mỹ viện N (đường Tô Hiến Thành), khi vào đây, chúng tôi được nhân viên tư vấn với dịch vụ như: Nâng mũi, cắt mí, nâng ngực, nâng mông...

Tại đây, dịch vụ cắt mí với giá từ 5,6 triệu đến 8 triệu đồng; nâng mũi tùy thuộc vào các loại sụn có giá từ 15 triệu đến 25 triệu đồng... Theo giới thiệu, các dịch vụ này thực hiện ngay tại cơ sở. Riêng dịch vụ nâng ngực, nâng mông được giới thiệu là chuyển ra cơ sở ở Hà Nội, khách hàng sẽ có xe đưa đón...

Ngày hôm sau, khi chúng tôi công khai giới thiệu là phóng viên đến tìm hiểu hoạt động dịch vụ của các cơ sở này thì được các nhân viên ở đây cho biết cơ sở của họ chỉ "chăm sóc da", ngoài ra không có dịch vụ nào khác.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Khắc Phượng - Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND thành phố Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn thành phố Thanh Hóa hiện có hơn 100 cơ sở đăng ký hoạt động dịch vụ thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, việc các chủ cơ sở đặt tên cơ sở kèm theo cụm từ "Thẩm mỹ viện" có phần chưa phù hợp, theo ông Phượng, đúng ra gọi là cơ sở "Thẩm mỹ" mà thôi. Mới đây, UBND thành phố đã lập đoàn liên ngành kiểm tra 50 cơ sở thẩm mỹ, qua đó phát hiện nhiều chủ cơ sở thẩm mỹ hoạt động chưa nắm rõ các quy định của pháp luật. Ông Phượng cho biết, theo quy định, nhân viên cơ sở phải có chứng chỉ đào tạo hành nghề; Chủ cơ sở phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Chứng nhận an toàn y tế, phòng chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu và dịch sinh học tại cơ sở thẩm mỹ...; Chủ cơ sở phải gửi thông tin đăng ký lên Sở Y tế trước 10 ngày mới đi vào hoạt động. Nếu không đảm bảo các điều kiện trên sẽ bị xử phạt số tiền 45 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 12 tháng.

Được biết, các dịch vụ nâng mũi, tiêm filler, cắt mí, cấy chỉ… đều là những thủ thuật có xâm lấn, cơ sở thực hiện dịch vụ phải được cấp phép hành nghề và phải được các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện.

Ông Bùi Khắc Phượng khẳng định, hiện nay các cơ sở thẫm mỹ viện trên địa bàn thành phố Thanh Hóa chỉ được phép thực hiện các dịch vụ như: Chăm sóc da, xoa bóp, sử dụng mỹ phẩm, phun xăm... Chưa có cơ sở thẩm mỹ nào ở thành phố Thanh Hóa được phép thực hiện các kỹ thuật xâm lấn (gây tê, mổ xẻ). Khi có thông tin phản ánh các cơ sở tư vấn, giới thiệu các dịch vụ xâm lấn cho khác hàng, thành phố cũng đã lập các đoàn kiểm tra và tổ chức "bắt quả tang" nhưngchưa phát hiện được trường hợp nào, vì họ rất cảnh giác và có nhiều cách để đối phó, ông Phượng nói.

Mới đây, qua kiểm tra, UBND thành phố Thanh Hóa đã ban hành Quyết định xử phạt đối với 8 cơ sở thẩm mỹ với số tiền 280 triệu đồng. Ông Bùi Khắc Phượng - Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND thành phố Thanh Hóa thừa nhận, sau khi xử phạt, đình chỉ nhưng vẫn có tình trạng các cơ sở lén lút tái hoạt động... (Công an Nhân dân, trang 5).

 

Điều chỉnh viện phí là nhu cầu cấp bách

Ngành y tế TPHCM hiện có nhiều nỗi lo. Nhân lực có xu hướng dịch chuyển từ cơ sở y tế công lập sang tư nhân, thậm chí nghỉ việc, trong khi nhiều bệnh viện, trung tâm y tế “khuyết” lãnh đạo, thiếu điều dưỡng. Bên cạnh đó là bài toán nan giải về tự chủ, đấu thầu mua sắm.

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM và PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, về vấn đề này.

Xem xét lại các mức tự chủ

* PHÓNG VIÊN: Nhiều nhân viên y tế (NVYT) đang có xu hướng chuyển từ cơ sở y tế công lập sang tư nhân. Là người đứng đầu ngành y tế TPHCM, ông đánh giá thực trạng này bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

* PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Hiện tượng nhiều NVYT dịch chuyển từ cơ sở y tế công lập sang tư nhân, và ngược lại, ở TPHCM đã diễn ra từ lâu, nhưng sau dịch Covid-19 thì có dấu hiệu tăng rõ rệt. Từ năm 2021 đến tháng 9-2022, thành phố có khoảng 2.000 NVYT chuyển từ khu vực công sang tư, hoặc nghỉ việc. Đồng thời, các đơn vị cũng tuyển thêm khoảng 1.700-1.800 NVYT.

Tuy nhiên, đa số người chuyển việc, nghỉ việc là người có kinh nghiệm, có chuyên môn; còn nhân viên mới tuyển là người vừa tốt nghiệp ra trường, cần thời gian dài làm việc mới có thể thay thế được những người ở vị trí cũ.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến NVYT nghỉ việc, nhưng có một nguyên nhân ít ai nói ra, là họ mệt mỏi, căng thẳng sau 2 năm phòng chống dịch, trong khi nguồn thu nhập thấp, không đáp ứng cuộc sống gia đình.

* Sở Y tế TPHCM có những giải pháp cũng như kiến nghị gì để thu hút nguồn nhân lực y tế thành phố?

* PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: NVYT nghỉ việc trải dài từ y tế cơ sở đến các bệnh viện, trong số đó, số lượng NVYT nghỉ việc ở bệnh viện công lập (chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng) chiếm phần lớn. Nếu để tình trạng nghỉ việc kéo dài sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn và chất lượng chăm sóc người bệnh của bệnh viện.

Hầu hết các bệnh viện đã tự chủ và sau gần 2 năm phòng chống dịch Covid-19, nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh giảm sút rất rõ. Trước mắt, để có nguồn thu hợp pháp trở lại, các bệnh viện cần khẩn trương củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như cải thiện giao tiếp ứng xử trong chăm sóc người bệnh.

Một trong những băn khoăn của các bệnh viện là làm thế nào viện phí sớm được tính đúng, tính đủ. Trước đây, số lượng bệnh nhân đông, quá tải thì bệnh viện bù đắp qua lại, có thể cố gắng được; giờ số lượng người đến khám giảm sút, nguồn thu giảm hẳn. Việc điều chỉnh viện phí trong giai đoạn này là nhu cầu cấp bách nhưng nằm ngoài tầm của các bệnh viện.

Sở Y tế TPHCM, Bộ Y tế đã kiến nghị Quốc hội sớm thông qua, điều chỉnh để cho các bệnh viện thực hiện giá thu hợp lý. Nếu như vì nhiều lý do mà chưa điều chỉnh được giá thu, thì có thể điều chỉnh lại các mức tự chủ ở bệnh viện. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60 về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp thay thế Nghị định 43; Bộ Tài chính cũng đã ra hướng dẫn thực hiện nghị định này.

Trước mắt, ngành y tế tiếp tục đeo bám và đánh giá mức tự chủ của các bệnh viện để kịp thời kiến nghị thành phố có hướng tháo gỡ. Các hoạt động khác của bệnh viện cũng cần được củng cố như: khám theo yêu cầu; chế độ chính sách, điều chỉnh mức lương, trợ cấp cho phù hợp.

Nghiên cứu lập viện đào tạo cán bộ quản lý y tế

* Trong lĩnh vực đào tạo, cần làm gì để có nguồn nhân lực chất lượng cho ngành y tế thành phố?

* PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Giờ đây đang vướng về đào tạo điều dưỡng do Bộ Y tế đưa ra mốc thời gian năm 2025 không còn điều dưỡng trung cấp, tất cả phải chuyển lên đại học, ít nhất là cao đẳng. Đến nay, tất cả các trường đã ngưng đào tạo điều dưỡng trung cấp; trong khi đó, thực tế hiện nay các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, điều dưỡng lại nghỉ việc khá nhiều, có những khoa, bác sĩ nhiều hơn điều dưỡng và việc tuyển dụng rất khó.

Tâm lý số người đi học điều dưỡng cũng giảm so với trước đây, dù vẫn còn điều dưỡng trung cấp. Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạm thời điều chỉnh thời gian - thay vì chấm dứt vào năm 2025 thì có thể lùi đến 2030 để các bệnh viện ổn định.

* PGS-TS NGUYỄN THANH HIỆP: Sự chuyển dịch từ khu vực công sang tư, mình không gọi là “chảy máu” chất xám, vì bác sĩ vẫn theo ngành, chỉ là họ chuyển ra một môi trường tốt hơn để phục vụ người dân. Đáng lo là việc thiếu hụt nhân lực trong hệ thống y tế, nhất là thiếu điều dưỡng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Trong bối cảnh chung đó, chúng ta cần một tầm nhìn và chiến lược hành động để duy trì nguồn nhân lực y tế, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Cần có một khảo sát tổng quát, đánh giá được nhu cầu đào tạo đa ngành và có dự trù hao hụt biến động nguồn nhân lực (số về hưu, số nghỉ việc, số người không còn làm trong lĩnh vực y tế và số chuyển dịch).

Phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống y tế dựa trên nền tảng pháp lý. Cần nhìn nhận từ góc độ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở đâu và xuất phát từ nhu cầu nào. Từ đó, mình mới có nguồn nhân lực phù hợp đáp ứng nhu cầu này và phải được đặt hàng cho các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, như thế mới đồng bộ.

* Với việc thiếu hụt lãnh đạo trong thời gian gần đây, ngành y tế có cách làm gì tạo chuyển biến?

* PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Trong các bệnh viện hạng nhất, chỉ có Bệnh viện Mắt TPHCM là thiếu giám đốc, trong khi một số bệnh viện tuyến huyện cũng thiếu lãnh đạo và lãnh đạo sở đang có sự điều chuyển. Lần đầu tiên Sở Y tế kiến nghị UBND TPHCM tổ chức thi tuyển lãnh đạo Bệnh viện Mắt.

Đây là cách làm hay nhất, khi kết hợp quy hoạch tốt và tổ chức thi tuyển công khai minh bạch. Sở sẽ rút kinh nghiệm để triển khai thi tuyển chức danh giám đốc ở các bệnh viện thành phố và quận, huyện.

* PGS-TS NGUYỄN THANH HIỆP: Nhà trường đang nghiên cứu, đứng ra thành lập viện đào tạo cán bộ quản lý y tế. Đầu vào có thể là những người làm chuyên môn, có thể là bác sĩ, điều dưỡng, thậm chí không phải là bác sĩ, điều dưỡng nhưng học chuyên về quản lý hệ thống y tế. Trường sắp mở thêm mã ngành cử nhân quản trị bệnh viện và cử nhân quản lý kinh tế y tế để tăng cường năng lực quản lý y tế của bệnh viện cũng như hệ thống y tế khác. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Tăng cường tiêm phòng vaccine dại

Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh thành cả nước về việc phòng chống bệnh dại xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh như: Bến Tre, Kiên Giang, Gia Lai.

Bệnh dại hiện vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất thế giới cũng như tại Việt Nam. Giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm nước ta có 76 người tử vong.

Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong chủ yếu do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên chó, mèo còn thấp và công tác quản lý chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo cả nước. Để ngăn chặn bệnh dại lây sang người, cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất là 70% trong 2 năm liên tiếp.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn; tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vaccine dại kịp thời…

Đề nghị các địa phương xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo và một số đối tượng chính sách ở những vùng có nguy cơ cao. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Bộ Y tế hướng dẫn tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc của các bệnh viện

Trả lời báo chí về các giải pháp hỗ trợ cho các bệnh viện về tình trạng thiếu thuốc hiện nay, để gỡ cho các bệnh viện trong khi chưa sửa đổi Luật Đấu thầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ vẫn đang khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường và các bệnh viện tháo gỡ những vướng mắc này.

Trong đó, giải pháp quan trọng là phải nâng cao năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm; Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá...

Bộ Y tế cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về công tác quản lý trang thiết bị y tế; trình sửa đổi Luật Dược; nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối một số loại thuốc hiếm để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở y tế.

Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của thuốc, qua đó có căn cứ để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu điều trị.

Đặc biệt, Bộ đã hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khắc phục tình trạng thiếu thuốc trước mắt bằng cách sử dụng thuốc có cùng hoạt chất, có tác dụng tương đương điều trị. (An ninh Thủ đô, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang