Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 31/10/2023

  • |
T5g.org.vn - Chậm cập nhật danh mục thuốc BHYT: Khổ người bệnh, khó bệnh viện; Thuốc kê đơn bán tràn lan, người bán thuốc làm thay vai trò của bác sĩ; Mô hình quản lý an toàn thực phẩm không nhất thiết phải giống nhau tại các địa phương; Hà Nội còn 233 ổ dịch sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã

 

Chậm cập nhật danh mục thuốc BHYT: Khổ người bệnh, khó bệnh viện

Hiện cả nước có trên 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tương đương khoảng 91,7 triệu người. Tuy nhiên, nhiều năm qua, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT vẫn chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới, khiến người bệnh có thẻ BHYT chịu nhiều thiệt thòi, cơ sở y tế cũng gặp khó khăn trong công tác điều trị.

Ngại kê thuốc ngoài danh mục BHYT

Kết thúc quá trình thăm khám và nhận thuốc tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) khi đồng hồ đã điểm hơn 12 giờ trưa, bà Lê Thị Hồng (53 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, bà được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm dạ dày, trào ngược độ A.

Cầm bịch thuốc với đủ các loại, bà Hồng nói: “Lại uống thuốc thay cơm, tôi quen rồi! Cũng 7 loại thuốc quen thuộc giống như tháng trước, uống 30 ngày rồi lại tái khám, nhận thuốc”.

Còn anh Nguyễn Văn Kha (42 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) cho hay, anh bị rối loạn chuyển hóa lipid, thi thoảng có đi khám BHYT nhưng cũng ngại lấy thuốc BHYT uống mà dựa vào kết quả xét nghiệm rồi nhờ người quen “ghi đơn” giùm, ra nhà thuốc bên ngoài mua thuốc uống vì… hiệu quả hơn!

Theo một số chuyên gia y tế, người bệnh có thẻ BHYT khi đau ốm phải điều trị tại bệnh viện thì ngoài các loại thuốc BHYT được cấp theo danh mục, không ít người phải bỏ tiền túi để mua thêm các loại thuốc bên ngoài để nâng cao hiệu quả điều trị do BHYT không thanh toán những loại thuốc này, hay nói cách khác là không có trong danh mục thuốc BHYT.

GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức và chống độc Việt Nam, thông tin, hiện nay, trong các loại thuốc BHYT, có không ít loại thuốc thế hệ cũ, hiệu quả điều trị hạn chế, nhiều tác dụng phụ nhưng bác sĩ vẫn phải kê đơn cho người bệnh, vì nếu kê thuốc ngoài danh mục thì người bệnh sẽ phải chi trả tiền túi nhiều hơn dù hiệu quả điều trị tốt hơn.

Đồng quan điểm, bác sĩ một bệnh viện công lập trên địa bàn TPHCM cho rằng, bác sĩ biết rõ một số thuốc trong danh mục BHYT có tác dụng phụ nhưng vẫn phải kê cho người bệnh, vì nếu kê thuốc ngoài danh mục BHYT thì sẽ “phiền phức” vì kê đơn không đúng… quy trình.

“Nhiều thuốc tốt, rút ngắn thời gian trị bệnh nhưng không có trong danh mục BHYT chi trả, còn nếu tự bỏ tiền ra mua thì chi phí lại cao, ngoài khả năng kinh tế của người bệnh. Theo thống kê của cơ quan chức năng, người Việt đang phải tự trả 40% chi phí khám chữa bệnh, gấp đôi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nên thực tế này đang tạo gánh nặng kinh tế về điều trị”, một bác sĩ chia sẻ.

Hiện nay, danh mục thuốc BHYT được thanh toán có 1.037 hoạt chất thuốc hóa dược, 59 thuốc phóng xạ, chất đánh dấu và 229 thuốc đông y cổ truyền, thuốc từ dược liệu.
Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có khoảng 20.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc còn hiệu lực, trong đó có không ít thuốc mới được đánh giá có hiệu quả về lâm sàng và tài chính. Tuy nhiên, kể từ năm 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT theo Thông tư 30/2018/ TT-BYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể. Lần cập nhật gần nhất ở Thông tư 20/2022/TT-BYT về “Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT” thì chỉ bổ sung danh mục thuốc điều trị Covid-19, không cập nhật các loại thuốc mới.
Theo bà Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), việc đẩy nhanh cập nhật các thuốc mới trong danh mục thuốc BHYT là rất cần thiết cho người bệnh và cơ sở điều trị, nhưng cũng cần cân đối với mức đóng BHYT. Mặc dù Thông tư 20/2022/TT-BYT đã bổ sung tương đối đầy đủ các hướng dẫn thanh toán về thuốc BHYT, nhưng danh mục này chưa được rà soát sửa đổi, bổ sung một cách đầy đủ, toàn diện; hiện có nhiều thuốc mới được phát minh và đăng ký lưu hành tại Việt Nam có tính hiệu quả, an toàn và chi phí phù hợp nhưng chưa được cập nhật vào danh mục thuốc được BHYT chi trả.

“Người bệnh và bác sĩ bao giờ cũng muốn có các thuốc tốt nhất cho người bệnh, nhưng cũng phải bảo đảm cân đối thu chi với nguồn của Quỹ BHYT. Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất các cơ quan liên quan về nguồn kinh phí chi trả cho người bệnh từ Quỹ BHYT, đa dạng hóa các nguồn, kể cả các nguồn xã hội hóa chi trả. Về phạm vi quyền lợi cũng cố gắng mở rộng tối đa, bao gồm thêm cơ hội tiếp cận thuốc điều trị”, bà Trần Thị Trang thông tin.

Còn theo nhiều chuyên gia y tế, hiện danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT rất cần được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể, và có cơ chế cập nhật định kỳ một năm một lần. Việc này mang lại những lợi ích to lớn trong khám chữa bệnh cho cả người bệnh lẫn y, bác sĩ điều trị, đồng thời góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Thuốc kê đơn bán tràn lan, người bán thuốc làm thay vai trò của bác sĩ

Việt Nam có khoảng hơn 25.000 loại thuốc đang lưu hành (không bao gồm thực phẩm chức năng), trong đó có hơn 40% là các thuốc cần phải kê đơn mới được thực hiện việc bán, cấp phát. Thế nhưng, trong thực tế, hầu như loại thuốc kê đơn nào cũng có thể dễ dàng mua được tại các hiệu thuốc, nhà thuốc mà không cần đơn.

Mua thuốc kê đơn "dễ như mua rau ở chợ"

Trong vai người nhà bệnh nhân đi mua thuốc điều trị bệnh, phóng viên đến nhà thuốc Lưu Gia (phố Hàm Nghi - Nam Từ Liêm - Hà Nội). Khi phóng viên hỏi mua thuốc Metronidazole 250mg - một loại kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, người bán lấy ngay mà không cần đơn, cũng không cần hỏi người mua thuốc cần điều trị bệnh gì. Đáng chú ý, trên hộp thuốc có ghi dòng chữ "thuốc kê đơn" rất rõ.

Tiếp đó, phóng viên đến một hiệu thuốc trên phố Trung Kính (Hà Nội), và cũng dễ dàng hỏi mua được các loại kháng sinh như Amoxicillin 250mg, Cephalexin 500mg… mà không cần đơn thuốc chỉ định của bác sĩ.

Tình trạng bán thuốc kê đơn vô tội vạ, phải kể đến rõ nhất trong đợt dịch đau mắt đỏ vừa qua. Người dân khi có dấu hiệu bị đau mắt đỏ, chỉ cần đến bất cứ hiệu thuốc nào là có thể được người bán thuốc tư vấn.

Đơn cử như thuốc nhỏ mắt Tobrex 0,3% trị nhiễm trùng nhãn cầu, thuốc nhỏ mắt Pandex trị viêm kết mạc, viêm giác mạc hay thuốc mỡ tra mắt Oflovid 0,3% trị nhiễm khuẩn mắt... đều là các loại thuốc kê đơn, bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng. Thế nhưng, những người bán thuốc còn giúp người mua xem tình trạng bệnh, tư vấn mua loại thuốc nào và bán thuốc, làm thay nhiệm vụ của các bác sĩ.

"Chị bị đau mắt đỏ rồi. Chị dùng nước muối sinh lý để rửa mắt hàng ngày, ngày 3-4 lần, sau đó dùng thuốc Tobrex này để nhỏ vào điều trị. Khoảng 5-6 ngày là sẽ khỏi thôi" - người bán hàng tại hiệu thuốc Pharmacity (phường Tây Mỗ - quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) tư vấn và thoăn thoắt bán thuốc đau mắt đỏ dù bệnh nhân này chưa hề đi khám, chưa được bác sĩ kê đơn thuốc.

Đã có quản lý nhưng chỉ như "muối bỏ bể"

Hiện cả nước có khoảng 68.000 cơ sở bán lẻ thuốc. Tất cả các cơ sở này đều đã có phần mềm đáp ứng kết nối liên thông lên Hệ thống Dược quốc gia. Thế nhưng, việc quản lý bán thuốc kê đơn vẫn gặp nhiều thách thức.

Để phân biệt được đâu là thuốc kê đơn, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BYT. Cụ thể, tại điều 15: Đối với thuốc kê đơn, trên nhãn bao bì phải ký hiệu "Rx" tại góc bên trái của tên thuốc và dòng chữ "Thuốc kê đơn". Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc cũng phải kèm ký hiệu "Rx" kèm theo dòng chữ "Thuốc này chỉ dùng theo đơn".

Thế nhưng, các cơ sở này vẫn vô tư bán thuốc không cần đơn, nhiều trường hợp bán thuốc theo đơn giấy của người bệnh mang tới, mà không xác minh được đơn thuốc đó có đúng là từ cơ sở khám, chữa bệnh phát hành hay không, đơn thuốc đó người bệnh đã mua những thuốc gì, còn thiếu thuốc gì, mua đúng số lượng kê đơn hay chưa.

Thậm chí, không ít trường hợp người bệnh có thể mua một đơn thuốc rất nhiều lần tại một, hoặc nhiều nhà thuốc; không ít trường hợp người bệnh mượn đơn thuốc của người khác để tự mua cho chính mình mà không cần khám bệnh.

Để quản lý tình trạng bán thuốc phải kê đơn của bác sĩ, Bộ Y tế đã xây dựng đề án từ năm 2019 và thí điểm thành công việc vận hành Hệ thống Thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (hệ thống). Mỗi năm, các cơ sở y tế trên toàn quốc kê khoảng 400-500 triệu đơn thuốc. Thế nhưng, tính hơn nửa năm 2023, số đơn thuốc đã liên thông trên hệ thống khoảng hơn 40 triệu đơn.

Như vậy, chỉ khoảng 20% số đơn thuốc điện tử được cập nhật trên hệ thống theo thực tế - một con số rất khiêm tốn và còn xa để có thể góp phần hạn chế tình trạng bán thuốc đơn thuốc tràn lan như hiện nay (Lao động, trang 3).

 

Mô hình quản lý an toàn thực phẩm không nhất thiết phải giống nhau tại các địa phương

Sau TP HCM, đến lượt Đà Nẵng đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP), Bắc Ninh đề xuất tiếp tục thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP, các tỉnh thành khác đang giữ mô hình Chi cục ATTP. Thời gian qua, mô hình Ban Quản lý ATTP được thí điểm tại TP HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh, trên cơ sở nhập đơn vị chức năng của 3 ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp.

Báo cáo của 3 tỉnh, thành phố cho thấy, kể từ khi thí điểm mô hình này, các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, xử lý sự cố về ATTP giám sát nguy cơ được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể so với khi còn tổ chức riêng lẻ tại 3 ngành (Y tế, Công thương, NN&PTNT) như trước đây...

Cùng đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được phát huy hiệu quả, tập trung đầu mối kiểm tra, thanh tra, thuận lợi cho doanh nghiệp khi chỉ có một cơ quan quản lý ATTP tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo giữa các ngành, các cấp. Công tác hậu kiểm được tăng cường, đạt hiệu quả tích cực…

Cụ thể, kết quả thanh, kiểm tra của Ban Quản lý ATTP TP.HCM cho thấy, trong giai đoạn thí điểm mô hình Ban Quản lý từ 2017 đến tháng 9/2023, có 376.517 cơ sở được kiểm tra ATTP, trong đó phát hiện vi phạm tại 58.562 cơ sở, xử phạt 17.320 cơ sở với số tiền hơn 181 tỷ đồng.

Tại Đà Nẵng, giai đoạn từ năm 2018 đến 2021 đã kiểm tra 7.404/7.892 cơ sở, đạt tỷ lệ 93,81%. Trong đó, số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 192 với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Tại Bắc Ninh, Ban Quản lý ATTP tỉnh cho biết, từ tháng 4/2018 đến 9/2023, các đoàn đã kiểm tra 15.759 lượt cơ sở, phát hiện 3.469 cơ sở không đạt (chiếm 22%); xử phạt vi phạm hành chính 395 cơ sở với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng…

Ngoài ra, việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực ATTP được tập trung một đầu mối nên đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...

Dù vậy, mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP cũng còn nhiều tồn tại, khó khăn như: Ban Quản lý ATTP chưa phải là cơ quan hành chính nhà nước chính thức nên việc sắp xếp về tổ chức nhân sự, đầu tư về trang thiết bị, việc phối hợp công tác với các cơ quan hành chính khác còn gặp nhiều vướng mắc…

Hiện tại, HĐND TP.HCM đã có Nghị quyết về việc thành lập Sở ATTP TP.HCM là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố. UBND TP Đà Nẵng cũng đã có tờ trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, trong đó đề xuất thành lập Sở ATTP Đà Nẵng.

Còn UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đến khi có hướng dẫn của Trung ương về mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước làm công tác bảo đảm an ninh, ATTP…

Nói về mô hình bộ máy quản lý ATTP tới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư “kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP”, mô hình không nhất thiết phải giống nhau tại các địa phương.

Trường hợp đề xuất thành lập Sở ATTP thì phải đi cùng với việc đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế phù hợp mô hình; khi xây dựng chức năng, nhiệm vụ của Sở An ATTP không được chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các Sở Y tế, NN&PTNT và Sở Công Thương.

Bộ Y tế đề nghị Ban Quản lý ATTP TP HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh bổ sung, hoàn thiện báo cáo, tập trung làm rõ các vấn đề: lý do, cơ sở đề xuất mô hình thí điểm; kết quả thực hiện mô hình thí điểm: cơ cấu tổ chức, hiệu quả trong công tác quản lý ATTP, có so sánh với giai đoạn trước khi thí điểm; các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về mô hình (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Hà Nội còn 233 ổ dịch sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 20 đến 27-10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.579 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Con số này giảm gần 200 trường hợp so với tuần trước đó.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Thanh Oai (247 ca), Hà Đông (222 ca), Đống Đa (170 ca), Thanh Trì (168 ca), Hoàng Mai (146 ca), Thanh Xuân (144 ca), Chương Mỹ (142 ca). Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận thêm 100 ổ dịch sốt xuất huyết tại 21 quận, huyện, thị xã (giảm 13 ổ dịch so với tuần trước đó). Trong đó có một số địa phương ghi nhận nhiều ổ dịch, đứng đầu là Nam Từ Liêm và Đống Đa với 15 ổ dịch, tiếp đến là Thanh Oai có 11 ổ dịch, Hà Đông 8 ổ dịch, Chương Mỹ và Hoàn Kiếm có 7 ổ dịch. Tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.520, hiện còn 233 ổ dịch đang hoạt động tại 29 quận, huyện, thị xã; trong đó một số ổ dịch ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có 568 bệnh nhân; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 402 bệnh nhân; thôn Đống, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) có 111 bệnh nhân (Hà Nội mới, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang