Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 31/12/2019

  • |
T5g.org.vn - Nỗ lực đẩy lùi dịch HIV/AIDS; Bất an tỷ lệ tiêm chủng thấp; Chuyển giao nhiều kỹ thuật cho bệnh viện tuyến tỉnh; Xông vào BV Tâm Hồng Phước đòi nợ, bị khởi tố về hành vi cướp tài sản

Nỗ lực đẩy lùi dịch HIV/AIDS

Là địa phương có nhiều người nhiễm HIV nhất, nhưng TPHCM cũng là nơi có hệ thống điều trị dịch bệnh này rộng khắp, đa dạng nhất cả nước. Bên cạnh hệ thống y tế công lập, có thể kể đến sự góp sức của hệ thống phòng khám (PK) tư nhân và các tổ chức cộng đồng trong nỗ lực đẩy lùi dịch HIV/AIDS.

Phòng khám tư tham gia tích cực

Nhiễm HIV từ một lần quan hệ tình dục không an toàn, anh T.H.M. (kinh doanh cửa hàng thời trang, ngụ quận 9) lựa chọn PK Alocare (quận Thủ Đức) làm nơi điều trị, tư vấn cũng như thực hiện các xét nghiệm cần thiết.

“Trước đây, tôi điều trị tại đơn vị y tế công nhưng hơi đông người nên đến PK tư và thấy thân thiện, gần gũi hơn”, anh M. cho biết.

Anh M. cũng vận động bạn tình đến PK Alocare để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEp). PK Alocare, tiền thân là nhóm cộng đồng Aloboy, ra đời và hoạt động vì cộng đồng người nhiễm HIV. Qua 7 năm hoạt động, PK này đã tư vấn, điều trị cho hơn 7.000 lượt người, trong đó chủ yếu là những người bệnh đồng tính nam, người chuyển giới, người sử dụng các chất ma túy và hành nghề mại dâm. Anh Nguyễn Minh Thuận, đại diện PK Alocare, cho biết, xuất thân là nhóm hoạt động cộng đồng cho người nhiễm nên các thành viên trong nhóm hiểu những băn khoăn, trăn trở và những tâm sự thầm kín của người mắc HIV. “Mục đích của chúng mình là giúp cho các bạn trong cộng đồng nhiễm HIV có thêm sự lựa chọn khi điều trị bệnh. Ở đây còn là nơi sinh hoạt tập thể, nơi các bạn có thể tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia”, anh Minh Thuận cho hay.

Tháng 8-2017, Glink là PK tư nhân đầu tiên tại TPHCM được cấp phép khám, điều trị HIV (đường Tô Hiến Thành, quận 10). PK này cung cấp dịch vụ điều trị HIV bằng thuốc ARV do bệnh nhân tự chi trả nhằm bảo mật thông tin cá nhân người bệnh. Về sau, PK Glink phát triển đa dạng các dịch vụ liên quan đến HIV như tư vấn dinh dưỡng, tâm lý, chế độ luyện tập, dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội với cam kết điều trị HIV đạt hiệu quả tối đa cho từng người bệnh. Ngoài ra, PK Glink cũng có định hướng phát triển cung cấp các dịch vụ ngay tại nhà tùy theo nhu cầu. 

Từ khởi đầu của PK GLink, đến nay, TPHCM đã có 10 PK tư nhân tham gia vào công tác điều trị HIV. Bên cạnh đó là hàng chục tổ chức cộng đồng khác cũng tham gia công tác này.

Anh Nguyễn Anh Phong, đại diện phía Nam của Mạng lưới người sống với HIV (VNP+), cho biết những năm qua, các tổ chức cộng đồng cũng như PK tư nhân và doanh nghiệp xã hội đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp vật dụng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV tại TPHCM, như: phân phát bơm kim tiêm, bao cao su thông qua mạng lưới đồng đẳng viên và các tổ chức cộng đồng. Đồng thời các đơn vị cũng cung cấp dịch vụ tư vấn, điều trị, dự phòng nhiễm HIV hiệu quả. Nhờ hệ thống này, người nhiễm và các đối tượng nguy cơ cao có thêm lựa chọn để điều trị bệnh một cách linh hoạt và an tâm nhất.  

Tháng 3-2019 là dấu mốc vô cùng quan trọng với những bệnh nhân nhiễm HIV cũng như các PK, tổ chức thuộc khu vực tư nhân tham gia tư vấn, điều trị HIV khi PK Đa khoa Galant là cơ sở y tế tư nhân đầu tiên được cấp phép điều trị ARV thông qua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Với lợi thế hoạt động từ 7 giờ 30 đến 20 giờ hàng ngày (kể cả thứ bảy và chủ nhật) và được BHYT chi trả, PK Đa khoa Galant đang trở thành sự lựa chọn của nhiều người nhiễm HIV tại TPHCM.

“Mỗi lần dùng BHYT đi khám và lãnh thuốc ARV tại trung tâm y tế quận tôi đều phải xin nghỉ làm. Nhưng nay có PK cho chi trả BHYT thì tôi lựa chọn khám do làm cả ngoài giờ, rất tiện lợi”, chị L.T.N., một bệnh nhân điều trị tại PK Đa khoa Galant, chia sẻ. 

Theo BS Văn Hùng, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS  Trung tâm Phòng chống bệnh tật TPHCM, hiện nay nhiều PK tư nhân trên địa bàn TP đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để mở rộng điều trị cho bệnh nhân HIV. Do đó, trong thời gian tới, Khoa Phòng chống HIV/AIDS TPHCM sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan BHXH cho phép các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân thông qua BHYT.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), PK tư nhân có nhiều mặt vượt trội khi tham gia vào phòng chống HIV/AIDS so với khu vực công lập do có lợi thế dễ tiếp cận với bệnh, bảo mật thông tin tốt, quy trình thủ tục cũng đơn giản hơn. Đặc biệt, các tổ chức tư nhân thường rất linh hoạt và năng động khi liên tục đưa ra các mô hình tiếp cận, điều trị mới, cung cấp các dịch vụ sát sườn với người nhiễm HIV và được họ ưa thích.

“Trong thời gian tới, khi các nguồn viện trợ giảm dần, sự tham gia của khối tư nhân và cộng đồng ngày càng quan trọng hơn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam”, PGS-TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Bất an tỷ lệ tiêm chủng thấp

Tại hội nghị tổng kết hoạt động tiêm chủng năm 2019 vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tổ chức, Th.S-BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (HCDC), cho biết hiện trên địa bàn TPHCM có 8 quận huyện và 88 phường xã có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp. Trong đó, quận 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng. 

Hiện TPHCM có 100 cơ sở tiêm chủng dịch vụ, 495 cơ sở tiêm chủng nhà nước và 113.000 trẻ trong độ tuổi (sinh năm 2018) bắt buộc tiêm chủng các loại vaccine cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phòng chống các bệnh như: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản

Tuy nhiên, số trẻ được tiêm vaccine bắt buộc trong năm 2018 đến hết tháng 11-2019 chỉ đạt hơn 87%, trong khi theo kế hoạch cả năm đạt trên 95%. Trước bối cảnh bệnh tật đang diễn biến phức tạp, nếu công tác tiêm chủng lơ là, dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào. 

Để khắc phục và hướng đến mục tiêu tất cả trẻ em sinh sống trên địa bàn TPHCM đều được tiêm chủng đầy đủ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng cần phải quản lý đối tượng tiêm chủng, hạn chế tình trạng bỏ sót.

Thực tế, công tác quản lý tiêm chủng đang có nhiều bất cập. Theo kết quả điều tra trên 750 bà mẹ có con sinh ra từ năm 2018 cư trú tại 22 quận huyện trên địa bàn TPHCM, tên trẻ có trong sổ quản lý của trạm y tế địa phương chỉ đạt 46,2%. Trẻ được chích ngừa bệnh uốn ván sơ sinh trong sổ quản lý trẻ em đạt 65,3%. Về kết quả điều tra mẹ, tên mẹ có trong sổ quản lý thai phụ của trạm y tế là 29,1%, trên hệ thống tiêm chủng là 28,8%. Tiêm ngừa uốn ván thai kỳ của mẹ trên sổ quản lý là 31,6% nhưng trên hệ thống tiêm chủng là 69,4%...

Kết quả điều tra cũng cho thấy, việc quản lý thai phụ bằng sổ và hệ thống thông tin tiêm chủng hiệu quả thấp, chỉ quản lý được 29% đối tượng. Việc quản lý trẻ bằng sổ chỉ quản lý được gần 50% số trẻ thực tế trên địa bàn. Trong khi đó, hệ thống thông tin tiêm chủng quản lý được 96% số trẻ. Tuy nhiên, việc trùng khớp ngày tiêm chưa đạt được 50%, đúng địa chỉ là 74%.

Muốn hạn chế bỏ sót đối tượng tiêm chủng, ngành y tế cho rằng cần có sự tham gia của các ngành khác. Thậm chí, cần có biện pháp chế tài các cơ sở tiêm chủng không tuân thủ đầy đủ quy định, kể cả phụ huynh không đưa con em đi tiêm chủng phòng bệnh. Song song đó, cần xây dựng hệ thống thông tin tiêm chủng, rà soát, xác minh lại tên tuổi, địa chỉ liên hệ, thông tin tiêm chủng của trẻ thì việc thu thập dữ liệu mới được thuận lợi (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Xông vào BV Tâm Hồng Phước đòi nợ, bị khởi tố về hành vi cướp tài sản

Liên quan đến vụ giang hồ xông vào BV Tâm Hồng Phước (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đòi nợ gây náo loạn, ngày 30.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Đặng Quang Toàn (38 tuổi, tự “Toàn đen”, ngụ Hải Phòng) để điều tra về hành vi cướp tài sản.

Đối với các đối tượng khác, công an tỉnh giao cho Công an TP.Biên Hòa điều tra về hành vi cho vay lãi nặng. Như Thanh Niên đã đưa tin, ông Nguyễn Thế Thử- Giám đốc Bệnh viện Tâm Hồng Phước, có vay nợ nhiều người số tiền lên tới hàng tỉ đồng, trong đó ông Thử vay của Đặng Quang Toàn số tiền 550 triệu đồng với lãi suất được tính theo ngày. Sau đó, ông Thử không có khả năng chi trả do tiền vốn và lãi quá cao.

Chiều ngày 21.12, Toàn cùng vợ và 12 người khác xông vào Bệnh viện Tâm Hồng Phước đòi nợ. Tại đây Toàn chửi bới, hăm dọa và hành hung ông Thử, đồng thời lục soát căn phòng. Công an tỉnh Đồng Nai đã huy động hơn 100 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường bao vây bệnh viện và bắt gọn nhóm đối tượng trên (Thanh niên, trang 3).

 

Chuyển giao nhiều kỹ thuật cho bệnh viện tuyến tỉnh

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM cho biết, BV vừa chuyển giao kỹ thuật cho BV Đa khoa tỉnh Sóc Trăng theo Đề án BV vệ tinh. 

Các kỹ thuật được chuyển giao gồm: can thiệp mạch vành; bệnh lý mạch máu; kỹ thuật chụp và can thiệp mạch số hóa xóa nền cơ bản, nâng cao; can thiệp nội mạch thần kinh; phẫu thuật thay khớp háng; phẫu thuật thay khớp gối; phẫu thuật nội soi khớp gối; phẫu thuật nội soi khớp vai. Đây là các kỹ thuật hiện đại, phù hợp với xu thế và đáp ứng nhu cầu y tế ngày càng cao của người dân trong tỉnh Sóc Trăng và các vùng lân cận. 

BV Đại học Y Dược cũng đã đào tạo 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên chuyên ngành tim mạch can thiệp và 4 bác sĩ chuyên ngành chấn thương chỉnh hình cho BV Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, giúp điều trị kịp thời và hiệu quả mà không cần phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên (Sài Gòn giải phóng, trang 4). 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang