Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/1/2020

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội chấn chỉnh các thẩm mỹ viện thực hiện thủ thuật, phẫu thuật "chui"; Liên tiếp bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện; Giám sát chặt bệnh viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân…

 

Thuê khách sạn khám bệnh "chui"

Ngày 31-12, ông Nguyễn Tấn Lực, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị vừa đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xử phạt 60 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Nghê (SN 1985, ngụ huyện Hoài Đức, Hà Nội), vì tổ chức khám chữa bệnh không phép.

Theo ông Lực, việc hành nghề của bà Nghê có dấu hiệu lừa đảo, nên đơn vị đã báo cáo vụ việc đến Bộ Y tế có hướng chỉ đạo các Sở Y tế trong cả nước tăng cường kiểm tra, tránh trường hợp bà Nghê thực hiện khám chữa bệnh như đã thực hiện ở Cà Mau.

Trước đó, ngày 26-12, đoàn kiểm tra do Sở Y tế Cà Mau chủ trì tiến hành kiểm tra một khách sạn ở phường 9 (TP.Cà Mau), phát hiện bà Nghê cùng 2 người là Nguyễn Thị Hạnh (SN 1994) và Đặng Văn Minh (SN 1985), đang khám bệnh bằng hình thức bắt mạch, chẩn đoán, kê đơn thuốc, tư vấn bệnh và sử dụng thuốc cho khoảng 35 bệnh nhân bị tiểu đường.

Trong đó, bà Nghê khám bệnh, chẩn đoán và kê đơn thuốc cho bệnh nhân; Hạnh ghi phiếu thông tin người bệnh (trong đó có bài thuốc trị tiểu đường type 2). Sau đó, Hạnh chuyển phiếu cho Minh thu tiền của bệnh nhân từ 200.000 đồng đến 2,3 triệu đồng. Tổng số tiền thu của 25 người là 34.950.000 đồng. 

Đoàn kiểm tra yêu cầu cung cấp các giấy tờ liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh, kê đơn thuốc thì bà Nghê cho biết mình có trình độ chuyên môn là y sĩ, được Sở Y tế TP Hà Nội cấp chứng chỉ hành nghề; còn hành nghề ở Cà Mau không có giấy phép hoạt động.

“Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Nghê về hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không có giấy phép hoạt động và đề nghị UBND tỉnh Cà Mau phạt 60 triệu đồng, đình chỉ hoạt động trong thời gian 9 tháng”, ông Nguyễn Tấn Lực cho biết thêm.

Theo Sở Y tế Cà Mau, tại thời điểm kiểm tra chưa chứng minh bà Nghê lừa đảo người bệnh. Tuy nhiên, việc khám, chẩn đoán, kê đơn rồi thu tiền sau đó mới gửi thuốc nên không xác định thuốc sẽ giao cho người bệnh thuốc gì, thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hay không, có được kiểm tra chất lượng không?

Có thể bệnh nhân nhận thuốc điều trị không như mong muốn, khi dùng thuốc có nhiều tác dụng và nếu có tai biến xảy ra, thì không biết bà Nghê ở đâu để khiếu nại vì không có địa chỉ hành nghề cố định. Từ đó, Sở Y tế không cho bà Nghê giao thuốc cho người bệnh và thông báo cho người bệnh biết vụ việc. Sau khi bà Nghê thực hiện xong xử phạt hành chính, Sở Y tế Cà Mau sẽ mời bà Nghê cùng 25 người bệnh đã trả tiền mua thuốc đến Sở Y tế để bà này trực tiếp trả lại tiền cho người bệnh. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Liên tiếp bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện

Mặc dù Luật Phòng chống Tác hại Rượu bia đã có hiệu lực từ 1.1.2020, nhưng các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vẫn phải căng mình cấp cứu cho bệnh nhân vì dịp nghỉ Tết Dương lịch bệnh nhân ngộ độc rượu liên tiếp nhập viện.

Trẻ em 16 tuổi cũng phải cấp cứu ngộ độc rượu

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đăng Đức - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, Trung tâm vừa tiếp nhận 2 trường hợp ngộ độc rượu phải cấp cứu. Đáng chú ý, 2 bệnh nhân này đều còn khá trẻ, nhập viện trong tình trạng ý thức chậm chạp, lơ mơ, sau một cuộc nhậu với bạn bè. Đây là 2 trong số hàng chục bệnh nhân ngộ độc rượu phải nhập viện trong những ngày vừa qua.

“Chúng tôi làm một số xét nghiệm và khám lâm sàng chẩn đoán thì thấy bệnh nhân bất tỉnh do ngộ độc rượu. Hiện tại qua quá trình điều trị, bệnh nhân đã tỉnh. Chúng tôi ngộ độc ethanol - là loại rượu thông thường, chứ không phải ngộ độc methanol - cồn công nghiệp” - bác sĩ Đức nói.

Luật Phòng chống tác hại rượu bia có quy định không bán rượu cho những người dưới 18 tuổi, nhưng ngay tại Trung tâm Chống độc vẫn đang điều trị cho một bệnh nhân 16 tuổi. Bác sĩ cho hay, bệnh nhân uống rượu mừng năm mới nên bị ngộ độc rượu. Bệnh nhân uống ngoài quán cùng rất nhiều người.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Tại trung tâm, lượng bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính tăng lên không chỉ Tết, Noel mà cả mùa đông, là thời điểm người dân uống rượu nhiều. Đối tượng thì nhiều lứa tuổi khác nhau, kể cả người trẻ, cả sinh viên, thậm chí là học sinh, nhưng đa phần là người trẻ ở độ tuổi lao động, một số người cao tuổi nữa, phần lớn tập trung ở người trẻ.

Rượu là một chất đặc biệt, về cơ bản là chất độc cho cơ thể. Đối với người trẻ, rượu làm ức chế thần kinh, với một lượng lớn, các trẻ dễ bị ngộ độc rượu. Ở những người uống rượu nhiều não thường bị teo đi, ở người trẻ, thì chắc chắn là phải tránh xa, vì cả cuộc đời ở phía trước, làm sao để não không bị tổn thương sớm, phải tránh xa con đường nghiện ngập.

Nói tổng thể, ethanol - rượu là một chất bị lạm dụng nhiều năm. Đây là một chất gây danh sách các bệnh tật, tổn thương, hậu quả có thể nói là dài nhất trong số các chất mà chúng ta biết đến hiện nay, nó làm tổn thương đủ thứ cơ quan từ thần kinh, tâm thần, tim mạch, miễn dịch, huyết học, cơ xương khớp, tiêu hóa... đặc biệt là hệ thần kinh và tâm thần. Đối với người trẻ, nguy cơ là nhiều hơn, tổn thương lâu dài hơn, họ sẽ nhanh chóng bước vào con đường nghiện ngập, nhanh chóng bị tổn thương.

Luật rất nghiêm minh, người dân cần phải chấp hành

Trao đổi với phóng viên Lao Động về những điểm mới Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, với quy định trên, người điều khiển phương tiện giao thông, dù là ô tô, xe máy, xe đạp... nếu uống rượu trước hoặc trong khi điều khiển phương tiện đều bị phạt, không có mức chưa bị phạt như đối với xe máy trước đó.

“Chúng tôi đã thực hiện điều tra xã hội học, uống một lon bia có nguy cơ gây tai nạn cao gấp 3 lần là không uống lon bia nào. Việc quy định như vậy là vì lợi ích, sức khỏe và tính mạng của người tham gia giao thông, của nhân dân. Chúng ta quy định thế này được nhân dân ủng hộ thì cứ thế mà làm, tỉ lệ đồng thuận rất cao. Tôi có thể khẳng định đây là một trong những điều cấm hiếm hoi mà nhân dân ủng hộ như vậy”, ông Khuất Việt Hùng cho hay.

Đánh giá về sự tác động của những quy định mới này, ông Khuất Việt Hùng cho biết, chúng ta quy định đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng không phải ai đi xe máy cũng gây tai nạn. Do đó, nếu nhìn nhận việc cấm tuyệt đối người điều khiển xe uống rượu bia là cơ hội để những người uống rượu bia nhận thức rõ ràng một ranh giới thực sự thì rất tốt. Theo ông Khuất Việt Hùng, với quy định mới sẽ thay đổi nhận thức.

Giải rượu bằng cách nào?

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Giải rượu bằng bất cứ biện pháp nào, bằng thuốc thuốc thì đều không rõ ràng, không có tác dụng. Quan trọng nhất là uống rượu rồi không được tham gia giao thông, không được làm những động tác đòi hỏi sự tinh tế, tinh vi như lái xe, dễ ngã, dễ tai nạn, phải có người theo dõi, để ý.

Cái chúng ta cần làm là phải ăn cho đủ, lưu ý các thức ăn có năng lượng nhanh như chất đường, chất bột, phải nhanh chóng nạp cho đủ, nếu không rất dễ bị hạ đường huyết, nguy hiểm. Cần uống thật nhiều nước, trong trường hợp này cần nước có chất điện giải như nước hoa quả, nước rau, nước oresol... (Lao động, trang 3).

 

Rượu bia - tác nhân gây ung thư

GS-TS TRẦN VĂN THUẤN, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Lạm dụng rượu, bia không chỉ gây ra các vụ tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Thống kê cho thấy, cứ 100.000 nam giới Việt Nam thì có 39 người mắc ung thư gan, đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Mông Cổ và Ai Cập. Đây cũng là loại ung thư phổ biến nhất ghi nhận được tại Việt Nam với hơn 25.000 ca mới mắc và tử vong mỗi năm có nguyên nhân chủ yếu là do lạm dụng rượu bia gây ra. Trong khi đó, Viện Chiến lược và Chính sách y tế chỉ rõ, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49 ở nước ta. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó khoảng 4.800 người liên quan đến rượu, bia. Còn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn giao thông ở Việt Nam ước tính chiếm hơn 36% ở nam giới và gần 1% ở nữ giới và khoảng 70% số vụ phạm pháp hình sự có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu, bia ở nhóm dưới 30 tuổi. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Truy tố nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An Lê Thanh Liêm

Ngày 2-1, Viện phó Viện KSND tỉnh Long An Huỳnh Văn Hồng cho biết, Viện KSND tỉnh vừa ký ban hành cáo trạng truy tố đối với bị can Lê Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Lê Thanh Liêm được xác định liên quan đến vụ việc lắp đặt camera an ninh tại công trình 4 cơ quan gồm: Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm, Trung tâm Giám định pháp y, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Giám định y khoa đóng tại phường 3, TP Tân An do Sở Y tế làm chủ đầu tư.

Trước đó, tháng 4-2014, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đông Nam Á (TP Tân An) đề xuất gói thầu lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh có xuất xứ Nhật Bản, hiệu Sony cho công trình với giá 1,92 tỷ đồng và trúng thầu.

Tuy nhiên, sau đó, Thanh tra tỉnh Long An tiến hành thanh tra và phát hiện Sở Y tế Long An có các sai sót trong hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ đề xuất như việc cán bộ thẩm định giá không làm rõ nhiều tiêu chí đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, dẫn đến việc xét trúng thầu đối với Công ty Đông Nam Á không đủ năng lực tài chính và phải điều chỉnh thời gian kéo dài để công ty này thực hiện.

Đáng lưu ý, trong quá trình thực hiện gói thầu, bị can Lê Thanh Liêm biết rõ các thiết bị được nhà thầu nhập về chân công trình để thi công bị thay đổi xuất xứ hàng hóa và mẫu mã so với hợp đồng đã ký kết. Trong đó, camera xuất xứ Nhật Bản được thay đổi sang xuất xứ Trung Quốc, đầu kỹ thuật số Nhật Bản được thay đổi sang xuất xứ Đài Loan cùng một số thiết bị khác cũng bị thay đổi xuất xứ. Mặc dù biết rõ điều đó nhưng bị can Liêm không chỉ đạo khảo sát lại giá, đồng thời không phê duyệt lại dự toán để điều chỉnh hợp đồng đã ký kết, gây thất thoát ngân sách Nhà nước số tiền hơn 871 triệu đồng... Bị can Lê Thanh Liêm là người đại diện chủ đầu tư theo pháp luật, để xảy ra sai phạm, làm thất thoát ngân sách Nhà nước nên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Theo Viện KSND tỉnh Long An, sáng cùng ngày, cáo trạng truy tố đã được tống đạt đến bị can Lê Thanh Liêm. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 5: “Nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An “bức xúc” khi bị tống đạt quyết định truy tố”

 

Giám sát chặt bệnh viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân

Ngày 2-1, Bộ Y tế đã thông tin bước đầu về việc trong thời gian gần đây tại Trung Quốc ghi nhận nhiều trường hợp viêm phổi cấp rất nguy hiểm chưa rõ nguyên nhân.

Cụ thể, tính đến ngày 31-12-2019, Trung Quốc đã ghi nhận 27 trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân ở các cơ sở y tế tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, trong đó có 7 trường hợp trong tình trạng nặng, các trường hợp khác sức khỏe ổn định, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Cơ quan y tế của nước này đã tổ chức điều tra và triển khai các biện pháp kiểm soát tình hình dịch bệnh, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng của việc lây truyền từ người sang người và cũng chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế nào bị nhiễm bệnh. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy đây là các trường hợp viêm phổi cấp do virus nhưng chưa xác định được nguyên nhân cụ thể.

Trước nguy cơ trên, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới để cung cấp thêm các thông tin chính thức và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm phổi nói trên tại Trung Quốc để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp. Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ngay tại cửa khẩu và cộng đồng để chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh xâm nhập vào nước ta.

Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, tại Trung Quốc vẫn ghi nhận một số dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi như: cúm A(H7N9), dịch hạch, viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân (dịch SARS). Trong đó vào năm 2003, Việt Nam là một trong 32 quốc gia bị lây lan dịch SARS làm nhiều nhân viên y tế, bệnh nhân mắc bệnh và tử vong. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Bộ Y tế ngăn ngừa bệnh viêm phổi xâm nhập vào Việt Nam

Ngày 2/1, Bộ Y tế cung cấp các thông tin về việc chưa xác định nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cấp tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Theo đó, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới để cung cấp thêm các thông tin chính thức và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm phổi nói trên tại Trung Quốc để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp.

Theo các nguồn tin, trong tháng 12/2019, Trung Quốc ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân ở các cơ sở y tế tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Tính đến ngày 31/12/2019, đã ghi nhận 27 trường hợp mắc, trong đó có 7 trường hợp trong tình trạng nặng, các trường hợp khác sức khỏe ổn định, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Bộ Y tế Trung Quốc đã tổ chức điều tra và triển khai các biện pháp kiểm soát tình hình dịch bệnh, hiện chưa có bằng chứng rõ ràng của việc lây truyền từ người sang người và cũng chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế nào bị nhiễm bệnh.

Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy đây là các trường hợp viêm phổi cấp do virus, tuy nhiên chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, Bộ Y tế Trung Quốc tiếp tục làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Trong những năm gần đây, tại Trung Quốc thỉnh thoảng vẫn ghi nhận một số dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi như cúm A/H7N9, dịch hạch, viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân… Bộ Y tế đã chỉ đạo việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ngay tại cửa khẩu và cộng đồng để chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam. (Tiền Phong, trang 6).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 4: “Giám sát y tế cửa khẩu, ngăn bệnh viêm phổi “lạ” từ Trung Quốc ”.

 

Kiểm tra việc chỉ định và sử dụng thuốc ở các bệnh viện

Sở Y tế Hà Nội vừa ký văn bản 5831/SYT-NVD yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc ngành, cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn thành phố đảm bảo an toàn sử dụng thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường chỉ đạo xây dựng đầy đủ và giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định liên quan đến sử dụng thuốc do Hội đồng thuốc và điều trị thông qua và giám đốc bệnh viện phê duyệt theo quy định tại Thông tư 31/2012/TT-BYT của Bộ Y tế.

Cùng đó, tăng cường hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị bệnh viện, phân tích các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc, có giải pháp can thiệp kịp thời; quy trình cấp cứu từ khoa dược đến người bệnh nhằm đảm bảo thuốc được sử dụng đúng, an toàn.

Đặc biệt, phải thực hiện tổng hợp thuốc tại khoa lâm sàng, công khai sử dụng thuốc hàng ngày, cấp phát cho người bệnh theo quy định tại Thông tư 23/2011/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng thuốc trong các cơ sở y tế có giường bệnh. Bảo đảm sử dụng thuốc và theo dõi dùng thuốc theo đúng quy định.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, Sở Y tế sẽ đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định bảo đảm sử dụng thuốc an toàn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vào kế hoạch kiểm tra chuyên đề năm 2020.

Trước đó, ngày 26-12-2019, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cũng đã có công văn 1513/KCB-NV chỉ đạo về việc chấn chỉnh bảo đảm an toàn sử dụng thuốc trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Bắt đầu tăng viện phí với người bệnh không có bảo hiểm y tế

Mức giá mới của 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường và gần 2.000 dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác chính thức được các bệnh viện của Hà Nội áp dụng với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Thực hiện theo Thông tư số 14/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập, bắt đầu từ 1-1-202, hàng loạt tỉnh/ thành phố chính thức điều chỉnh giá các dịch vụ y tế với người không có BHYT.

Tại Hà Nội, mức giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại Nghị quyết ban hành quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thuộc thành phố, có hiệu lực từ 1-1-2020.

Danh mục các dịch vụ điều chỉnh giá, gồm: Giá 10 dịch vụ khám chữa bệnh; giá 6 dịch vụ ngày giường; giá 1.937 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện. Cụ thể, giá khám tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 như: Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa, Hà Đông, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Tâm thần Hà Nội hay Đức Giang là 38.700 đồng... Giá này đã bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương.

Giá ngày giường được quy định với giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép tạng hoặc ghép tủy hoặc ghép tế bào gốc áp dụng các mức: 753.000 - 678.000 - 578.000 đồng khi điều trị các bệnh viện hạng đặc biệt, 1, 2. Với giường bệnh hồi sức cấp cứu, giá ngày giường mà người bệnh phải chi trả, theo các mức giá: 441.000 - 411.000 - 314.000 - 272.000 - 242.000 đồng tương ứng với 5 hạng bệnh viện, gồm: Bệnh viện hạng đặc biệt, 1, 2, 3, 4.

Giường bệnh nội khoa loại 1 (các khoa: Truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học; nội tiết; dị ứng (nặng): 232.000 - 217.000 - 178.000 - 162.000 - 144.000 đồng, tương ứng áp dụng cho 5 hạng bệnh viện nêu trên.

Theo Sở Y tế Hà Nội, việc điều chỉnh viện phí lần này không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng/tháng sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng.

Được biết, toàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 88% dân số tham gia BHYT. Lần điều chỉnh viện phí này chỉ áp dụng với các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, do vậy tác động không quá nhiều tới người bệnh nói chung. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Mỗi bệnh viện được cấp 1.000-2.000 viên thuốc Tamiflu

Thông tin từ Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết, chiều 26-12-2019, đơn hàng đầu tiên nhập khẩu gấp 50.000 viên thuốc Tamiflu đã được thông quan vào Việt Nam, sau đó nhà nhập khẩu tiến hành thủ tục bổ sung tem nhãn phụ cho lô thuốc và cung ứng cho các bệnh viện có nhu cầu.

Đến thời điểm này, theo tin từ một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, trong lô hàng khoảng 50.000 viên Tamiflu nhập khẩu về nước nói trên, mỗi bệnh viện được cấp từ 1.000-2.000 viên. Điều này đã tạm giải quyết được “cơn sốt” thuốc Tamiflu trên thị trường.

Dự kiến lô thuốc Tamiflu tiếp theo (khoảng 140.000 viên) sẽ tiếp tục được nhập khẩu về trong tháng 1-2020 để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh. Để tránh tình trạng khan hiếm “giả” thuốc Tamiflu, Cục Quản lý Dược đề nghị người dân không tự ý điều trị cúm, chỉ sử dụng thuốc Tamiflu khi được bác sĩ kê đơn. Việc tự sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ sẽ không đảm bảo an toàn và gây kháng thuốc.

Theo TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi trung ương, Tamiflu không phải là thuốc thần thánh đến mức nhiều người phải đổ xô đi mua về dự phòng, điều trị khiến giá bị đẩy lên gấp 4-5 lần. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, với những trường hợp bị cúm phải nhập viện, bác sĩ sẽ căn cứ theo từng diễn biến và biến chứng của bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, dùng kết hợp nhiều thuốc chứ không riêng Tamiflu.

TS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, khi trẻ bị cúm, có 3 biện pháp quan trọng cần làm ngay. Đầu tiên là chú ý hạ sốt cho trẻ, kiểm soát nhiệt độ dưới mức 38,5 độ C để tránh co giật; thứ hai là vệ sinh đường hô hấp bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc miệng hằng ngày, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;

Cuối cùng, cần hạn chế tiếp xúc với trẻ vì 60%-70% virus, vi khuẩn trong hầu họng có khả năng gây bệnh, khi tiếp xúc gần có thể vô tình làm trẻ nặng lên hoặc lâu khỏi hơn. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Hà Nội chấn chỉnh các thẩm mỹ viện thực hiện thủ thuật, phẫu thuật "chui"

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn số 5825/SYT-QLHNYDTN về quản lý hoạt động đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, thẩm mỹ viện trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thời gian vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã tiếp nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, thẩm mỹ viện trên địa bàn thực hiện cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh, phẫu thuật, thủ thuật khi không có giấy phép hoạt động.

Để tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở này, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng y tế và các đơn vị có chức năng trên địa bàn thực hiện kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, thẩm mỹ viện trên địa bàn. Quá trình kiểm tra, phải xử lý nghiêm sai phạm và kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở nếu phát hiện cơ sở cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc phẫu thuật, thủ thuật; thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả kiểm tra, xử lý sai phạm.

Cùng đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu rà soát, kiểm tra toàn bộ hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn; đảm bảo việc chấp hành pháp luật của các cơ sở trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, không để tình trạng cơ sở cung cấp dịch vụ y tế khi chưa được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, tổ chức phổ biến, tuyên truyền cho người dân để hiểu biết và lựa chọn đúng cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, dịch vụ thẩm mỹ, phẫu thuật, thủ thuật theo nhu cầu.

Trước đó, ngày 27-12-2019 vừa qua, một người đàn ông sinh năm 1976 đã tử vong tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn ở 83 Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) nghi do tai biến khi hút mỡ bụng, trong khi cơ sở thẩm mỹ này không được cấp phép thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật chuyên sâu. (An ninh Thủ đô, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang