Kiếm tiền trên nỗi đau bệnh nhân ung thư - Bài 1: Đi tìm “thần y”
Gần đây, lang y Phùng Đắc Chung ở làng Hạ, xã Hợp Thịnh (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) nổi lên như một “thần y” có biệt tài chữa được rất nhiều bệnh nan y từ lao phổi, xương khớp, thần kinh, tim mạch cho tới các loại u bướu, ung thư mà bệnh viện “bó tay”.
LTS: Theo số liệu của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocal) và thống kê của Viện Nghiên cứu và phòng chống ung thư quốc gia, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Việt Nam đứng vào nhóm nước thứ 2 có tỷ lệ người mắc ung thư cao. Điều đáng nói là có không ít người tự ý bỏ điều trị để đi gặp những thần y tự phong, dùng thực phẩm chức năng do các “công ty sức khỏe” quảng cáo. Theo các chuyên gia y tế, việc tự điều trị bằng các loại thuốc, sản phẩm chưa được kiểm chứng sẽ khiến cho khả năng phục hồi của người bệnh khó khăn hơn, thậm chí làm cho bệnh tình nặng hơn.
Gần đây, lang y Phùng Đắc Chung ở làng Hạ, xã Hợp Thịnh (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) nổi lên như một “thần y” có biệt tài chữa được rất nhiều bệnh nan y từ lao phổi, xương khớp, thần kinh, tim mạch cho tới các loại u bướu, ung thư mà bệnh viện “bó tay”. Tìm về xã này, chúng tôi đã bắt gặp hàng chục ô tô, xe máy mang biển số nhiều địa phương đậu khắp đường vào nhà lang Chung.
Bệnh nào cũng một kiểu khám!
Sau ít phút hỏi thăm, rẽ vào con đường làng Hạ tấp nập hàng quán và bãi giữ xe, nhà ông lang Chung là một ngôi biệt thự bề thế. Trong sân nhà “thầy” có hơn 30 người đang ngồi chờ tới lượt khám bệnh. Một số người phờ phạc, mệt mỏi vì bệnh tật và phải đi lại quá xa.
Chưa kịp ngồi nóng ghế, một phụ nữ trung niên bước vào gần chúng tôi rồi liến thoắng về “tài nghệ” của “thầy” Chung: “Các anh tới lấy thuốc hôm nay là may vì vắng đấy. Có hôm còn chẳng có chỗ ngồi, nhiều người ở tỉnh xa phải thuê trọ ở lại, hôm sau mới gặp được thầy. Thuốc thầy tốt lắm, đứa em tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, đau lắm mà uống thuốc và đắp thuốc của thầy mới có gần tháng nay đã hết hẳn, khỏe mạnh như chưa có bệnh (!)...”.
Ngồi chung ghế chờ phía trước với chúng tôi còn có 2 người bệnh tới từ Hà Nam và Hải Dương. Người đàn ông ở Hải Dương nhỏ nhẹ chia sẻ: “Tôi bị K thực quản, đây là lần thứ 3 tới đây lấy thuốc. Tôi cũng uống vài chục thang rồi, chưa thấy tiến triển gì, có chăng cảm thấy đỡ đau chút ít thôi nhưng vẫn hy vọng sẽ khỏi”.
Sau nhiều giờ chờ đợi, chúng tôi cũng được diện kiến thầy lang Chung. Thầy bịt kín mặt bằng khẩu trang, nhìn bộ dạng và lời nói phỏng đoán chừng 50 tuổi. Bệnh nào vào gặp thầy cũng sờ tay, bắt mạch, rồi nhận lấy một mảnh giấy đã chuẩn bị sẵn. Bệnh nhân khám xong, mang mảnh giấy đưa cho vợ thầy để lấy bọc thuốc lá hỗn độn chừng 3kg, với giá khoảng 500.000 đồng.
Khám bệnh xong, chúng tôi tìm đến UBND xã Hợp Thịnh mới biết ông Phùng Đắc Chung không có giấy phép hành nghề y và các bài thuốc “gia truyền” chỉ là thuốc nam bình thường, không được cơ quan y tế chứng nhận chữa được bệnh ung thư cũng như nhiều loại bệnh khác. Tuy nhiên, do những lời đồn thổi mà nhiều người từ khắp nơi cố tới để chữa bệnh. Chính quyền địa phương và Sở Y tế Vĩnh Phúc đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt, buộc ông Chung đóng cửa, nhưng… đâu lại vào đó.
Hoạt động chui?
Nghe hàng xóm giới thiệu lương y Bùi Văn Sách ở Vũng Tàu chữa được ung thư, chị V.T.Th. vay mượn tiền người quen rồi tất tả từ Hải Dương đưa con vào tìm thầy, dù con chị đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Truyền máu - Huyết học Trung ương. Sau vài tháng uống thuốc theo chỉ dẫn, con chị Th. phải quay trở lại BV để điều trị do sức khỏe suy kiệt.
Khi chúng tôi tra cứu trên các trang mạng xã hội đã tìm được nhiều hình ảnh quảng cáo lương y Bùi Văn Sách, thậm chí có hẳn một bài báo ca ngợi khả năng “siêu phàm” trong việc điều trị ung thư.
Sáng 30-7, trong vai người thân của một bệnh nhân bị ung thư máu dòng tủy M4, chúng tôi tìm đến nhà lương y này theo hướng dẫn tại địa chỉ 165D1 đường Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Phía ngoài cửa của ngôi nhà treo tấm biển nhận sắc thuốc bắc, thuốc nam và kèm theo 1 tấm biển lò rượu nếp men Bắc.
Nghe người nhà bị bệnh hiểm nghèo, ông Sách trấn an bằng những trường hợp mà ông chữa khỏi, kèm theo đó, ông đưa ra nhiều phiếu xét nghiệm và cả video để minh chứng. Lấy ra 2 hộp thuốc, theo ông Sách là thuốc trị ung thư do chính tay ông kê toa, ông nói: “Trước mắt sẽ cho uống thuốc trong 15 ngày, với 45 gói giá 4,5 triệu đồng. Thời gian uống thuốc trị ung thư kéo dài từ 3-6 tháng liên tục cho đến khi kết quả xét nghiệm đã lành bệnh. Ngoài ra, hàng năm uống thêm 2 tháng để phòng trừ bệnh tái phát”.
Khi chúng tôi hỏi mua vài gói thuốc ung thư, ông Sách trả lời không bán vài gói mà ít nhất phải mua 30 gói.
Rời nhà ông Sách, chúng tôi đến Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xác minh về cơ sở ông Bùi Văn Sách chữa bệnh ung thư như đã quảng cáo.
Bác sĩ Nguyễn Lực Điền, Phó phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, tỏ ra bất ngờ và hỏi đi hỏi lại tên cùng địa chỉ mà người chúng tôi đang xác minh. Sau khi rà soát danh sách các lương y, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn, bác sĩ Điền khẳng định, ông Bùi Văn Sách chưa được xác nhận là lương y, chưa được cấp giấy phép hành nghề và cơ sở của ông này chưa được cấp phép hoạt động.
“Nếu cơ sở của ông Sách thực hiện khám chữa bệnh là hoạt động “chui” và trong thời gian tới cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, bác sĩ Nguyễn Lực Điền khẳng định.
Ông Sách còn cho biết thêm, do nhu cầu người cần mua thuốc lớn nên ông đã mua máy để sắc sẵn và đóng gói, chuyển cho bệnh nhân qua bưu điện, hộp thuốc được đóng gói khá tỉ mỉ, với dòng chữ lớn ghi “Đông y gia truyền”. Ngoài ra, trên hộp còn ghi “Lương y Bùi Văn Sách” cùng dòng chữ “Thuốc hỗ trợ điều trị ung thư”. Bên trong là gói thuốc sắc đóng gói, được chú thích là 100% thảo dược thiên nhiên gia truyền có công dụng kiềm chế và tiêu diệt tế bào ung thư, đặc biệt ung thư máu, ung thư phổi, ung thư vú, xuất huyết giảm tiểu cầu... Cùng với đó là nội dung về cách bảo quản. Mỗi hộp thuốc có 15 gói nhỏ, được bán giá 1,5 triệu đồng. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết
Một bé gái 7 tuổi ở quận 12 được xác định đã tử vong do mắc sốt xuất huyết. Đây là trường hợp đầu tiên tử vong do căn bệnh này trong năm 2018 tại TPHCM.
Ngày 30/7, xác nhận với báo chí, BS Vũ Đức Diễn - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế quận 12 cho biết tại địa bàn quận đã có một trường hợp bệnh nhi tử vong do sốt xuất huyết.
Bệnh nhi là một bé gái 7 tuổi, ngụ tại phường Hiệp Thành. Ngay khi phát hiện bệnh, bé đã được gia đình đưa đến BV để theo dõi. Tuy nhiên, có thể do bé bị béo phì, hệ miễn dịch kém, tiền sử đã mắc sốt xuất huyết nên đã tử vong vào ngày thứ 6 của bệnh.
Cũng theo BS Diễn, trong tháng 7, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn có dấu hiệu tăng so với các tháng trước do đang vào thời điểm mùa mưa. “Tại phường Hiệp thành tháng 7 có 40 ca, xuất hiện nhiều tại các khu phố 3, 4, và 6 của phường Hiệp Thành. Vào mùa mưa, tình hình bệnh tăng chung tất cả các quận huyện, hơn nữa phường Hiệp Thành có số dân tạm cư rất đông, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, có mức độ miễn dịch kém. Bên cạnh đó, Hiệp Thành là địa bàn có nhiều điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết, do có diện tích rộng, có nhiều bãi đất trống, nhiều điểm chăn bò và buôn bán phế liệu”, BS Diễn thông tin về tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết ,tính từ đầu năm đến nay, đã có 6.283 ca
mắc sốt xuất huyết nhập viện. Chỉ tính từ 16/6 - 15/7, số ca nghi ngờ do sốt xuất huyết nhập viện chiếm hơn 1.400 ca, tăng 74% so với cùng kỳ tháng trước. (Tiền phong, trang 2)
Chuyện nơi lằn ranh sống - chết: Những chiến binh thầm lặng
Ðến trước, về sau, lặng thầm và tận hiến, họ đã sống và làm việc bằng hết thảy nhiệt huyết như thể những bệnh nhân đều là ruột thịt của mình.
Những người đến trước về sau
Khu mổ Bệnh viện Việt Đức không phân biệt ngày đêm. Những bóng áo xanh đi lại nhanh thoan thoắt, sàn nhà bóng loáng. Giường bệnh được đẩy vào. Đèn phòng mổ bật sáng choang, thứ ánh sáng soi rọi rõ nét từng biểu cảm trên gương mặt bệnh nhân. Mỗi người một việc. Người chuẩn bị dụng cụ cho ca mổ, người kiểm tra lại lần nữa thông tin về bệnh nhân, kíp phẫu thuật. Trong số đó có người thực hiện công việc tối quan trọng để ca mổ thành công. Đó là những bác sĩ gây mê hồi sức. Vừa trò chuyện khe khẽ với bệnh nhân, vị bác sĩ gây mê thực hiện các thao tác nhanh nhẹn và chính xác. Chỉ một chút nữa thôi, bệnh nhân sẽ chìm trong giấc ngủ sâu. Chừng chục phút sau, phẫu thuật viên bước vào, tôi nghe tiếng hỏi đanh gọn: “Bệnh nhân ổn chứ, bắt đầu mổ được chưa?”. “Dạ ổn, có thể mổ”. Sau câu trả lời nhanh gọn không kém của bác sĩ gây mê, ca phẫu thuật bắt đầu. Phòng có điều hòa nhưng sự căng thẳng cùng giàn đèn mổ sáng trưng chiếu rọi khiến thi thoảng điều dưỡng lại dùng gạc thấm những giọt mồ hôi trên trán phẫu thuật viên.
Một vài người thường xuyên đứng phía đầu giường mổ, người liên tục dán mắt vào màn hình biểu hiện những chỉ số sinh tồn của người bệnh, người chăm chú quan sát gương mặt bệnh nhân. Giữa chừng ca mổ, chợt thấy một người nói khẽ “bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh”. Ngay lập tức, người còn lại quan sát và phân tích rất nhanh các yếu tố nguy cơ để tính toán tiêm lượng thuốc vừa đủ giúp bệnh nhân mê sâu để ca mổ tiếp tục. Họ là những bác sĩ gây mê hồi sức, những người luôn ở cạnh bệnh nhân từ khi ca mổ chưa bắt đầu đến khi bệnh nhân tỉnh táo sau ca phẫu thuật. Gây mê là quá trình bệnh nhân đối mặt với rất nhiều yếu tố nguy cơ và rủi ro nhưng những mối hiểm nguy rình rập đó không hề làm bác sĩ gây mê nao núng.
Nhiều người vẫn lầm tưởng gây mê là công việc giản đơn khi chỉ cần tiêm một mũi thuốc để bệnh nhân chìm sâu vào giấc ngủ, không còn biết đến sự đau đớn. Nhưng phải chứng kiến một ca mổ và quá trình hồi sức sau mổ mới thấy hết những tận lực mà họ bỏ ra để hồi sinh một con người... Trong ca mổ khó, phải gây mê toàn thân cho bệnh nhân. Suốt thời gian phẫu thuật vài tiếng đồng hồ, bác sĩ gây mê hồi sức lắm khi còn căng thẳng hơn phẫu thuật viên chính bởi lúc này sinh mệnh bệnh nhân phụ thuộc vào toàn bộ hệ thống máy móc đang thay thế chức năng hô hấp, tuần hoàn của người bệnh do họ điều chỉnh và theo dõi. Đặc biệt, với những ca mổ tim và tuần hoàn ngoài cơ thể, tim bệnh nhân ngừng đập trong suốt quá trình phẫu thuật, nếu sơ suất một chút bệnh nhân có thể tử vong ngay.
Họ theo dõi sát bệnh nhân từ huyết động đến các dấu hiệu sinh tồn và giúp phẫu thuật viên không gây ra những tai biến bất thường. Với họ không có ca mổ được định nghĩa lớn hay bé, bởi trước bệnh nhân nào bác sĩ gây mê cũng đều đối mặt với những bất trắc, nhất là gây mê cho những người có yếu tố nguy cơ cao như cao huyết áp, đái tháo đường, hẹp động mạch vành hoặc tiền sử tai biến… Chỉ một sai sót nhỏ hoặc không tiên lượng chuẩn về tình trạng người bệnh thì khi gây mê bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn, thậm chí tử vong.
Nghẹt thở từng giây
Trên giường bệnh nơi góc phòng khoa Hồi sức tích cực 2 (thuộc Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Việt Đức), cậu bé chừng 7 tuổi nằm bất động, đôi mắt nhắm nghiền, sự sống dường như đang muốn rời bỏ cậu thật nhanh. Chứng kiến cảnh đó, không khỏi xót xa. Cách đây vài ngày thôi, cậu bé còn vui đùa cùng chúng bạn, nhưng một tai nạn không may ập đến khiến bé bị chấn thương sọ não nặng, hôn mê, phải mổ cấp cứu ở tuyến dưới. Sau ca mổ, tri giác không tiến triển, cậu bé được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức điều trị.
Phòng hồi sức lúc này chỉ nghe thấy âm thanh rì rầm của những máy móc đang hỗ trợ sự sống cho hàng chục bệnh nhân. Những nhân viên y tế vẫn cần mẫn với công việc. Chợt một điều dưỡng nhận thấy dấu hiệu hô hấp của bệnh nhân có gì đó bất ổn. Quan sát bệnh nhân trong tích tắc, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thảo và Nguyễn Trường Giang nhanh chóng lấy dụng cụ và hút dịch cho bệnh nhi. Thân hình nhỏ bé ấy gồng lên từng đợt theo những thao tác của 2 điều dưỡng. Chừng ba phút trôi qua, đợt hô hấp bất thường của bệnh nhi đã ổn định. Thảo khe khẽ kéo tấm ga trắng đắp lên quá ngực cho cậu bé, bàn tay trắng trẻo không quên vỗ về dịu nhẹ lên tấm thân gầy guộc dưới lớp chăn mỏng. Cậu bé nằm thiêm thiếp, gương mặt không bộc lộ sự đau đớn nào nữa.
TS.bác sĩ Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm gây mê và hồi sức ngoại khoa chia sẻ, có những ngày, một thời điểm khoa tiếp nhận cùng lúc 5-7 bệnh nhân nặng từ phòng mổ, phòng khám cấp cứu và các khoa phòng khác trong bệnh viện. Chưa kể những trường hợp biến chứng sau mổ, diễn biến bất thường. Lúc này bác sĩ hồi sức tích cực phải liên tục khám, huy động nhiều người, mỗi người một việc, người đặt ống, người làm ven, người lấy khí máu, người làm siêu âm... Mọi việc dù căng thẳng, không khí phòng bệnh nghẹt thở nhưng tất cả thao tác vẫn diễn ra nhịp nhàng... (Tiền phong, trang 8)
Bệnh nhân ngộ độc Paraquat, bác sĩ cấp cứu ám ảnh suốt đời
Nếu các bệnh nhân mắc bệnh khác, giây phút cuối cuộc đời thường bị suy kiệt, mệt mỏi, hôn mê… thì với bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat, họ tỉnh táo đến khoảnh khắc cận kề cái chết. Điều này khiến các bác sĩ thực sự ám ảnh…
Chọn cách kết liễu cuộc đời vì lý do… lãng xẹt
Ngày 23/7, chỉ vì mâu thuẫn gia đình, chị P.T.N (38 tuổi, ở Hải Dương) đã uống một chai thuốc diệt cỏ chọn lọc Butachlor và một chai thuốc diệt cỏ Paraquat. 13h sau, người nhà chị N phát hiện và đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện tuyến huyện cấp cứu. Tại đây, chị N được xử trí rửa dạ dày, than hoạt tính sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong ngày 24/7. Mặc dù được điều trị tích cực và lọc máu nhưng do uống một lượng lớn chất độc, tình trạng bệnh nhân N rất nặng. Sáng 26/7, gia đình đã xin cho bệnh nhân về để lo hậu sự.
Một trường hợp khác cũng được đưa vào Trung tâm Chống độc vì ngộ độc Paraquat là chị T.T.H (42 tuổi, ở Hưng Yên). Sau khi to tiếng với bố đẻ, chị đã uống một chai thuốc diệt cỏ Paraquat để kết liễu cuộc đời. Người nhà phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu, chị H được điều trị tích cực và lọc máu nhưng tiên lượng thực sự khó khăn.
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận ít nhất 1 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Đáng chú ý, những ngày gần đây, số bệnh nhân tăng lên, có ngày 2-3 ca, cá biệt có đêm 5 ca cấp cứu.
“Đau lòng hơn khi có cả những phụ nữ đang mang thai cũng uống thuốc diệt cỏ tự tử. Trường hợp này không chỉ cướp đi tính mạng người mẹ mà còn tước đoạt mạng sống của thai nhi”, ThS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ.
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Paraquat là chất kịch độc. Số người ngộ độc loại thuốc này vào Trung tâm Chống độc cấp cứu không ngừng tăng qua từng năm, từ 300 ca năm 2014 lên 350 ca 2015 và đến 2016 tăng lên 450 ca. Trong 4 ngày Tết Nguyên đán vừa qua, có tới 13 ca vào viện cấp cứu vì ngộ độc Paraquat. Nguyên nhân bởi nhiều lý do khác nhau như: Bức xúc chuyện gia đình; làm ăn thua lỗ, nợ nần; mâu thuẫn chuyện tình cảm nam nữ…
Những cái chết ám ảnh bác sĩ
BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, chất cực độc Paraquat vào cơ thể sẽ gây tổn thương tới đường tiêu hóa; nghiêm trọng hơn nữa là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng dần và không thể hồi phục. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, nhưng 70 - 90% bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi nếu uống từ 50ml thuốc diệt cỏ Paraquat trở lên.
Trường hợp bệnh nhân ngộ độc Paraquat may mắn thoát chết thì cũng bị di chứng nặng nề về phổi cùng các cơ quan nội tạng khác nên ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, khả năng lao động và hòa nhập cuộc sống. Bên cạnh đó, người bị ngộ độc Paraquat còn phải gánh chịu chi phí điều trị rất lớn, khi phải dùng nhiều loại thuốc thải độc và lọc máu trong thời gian dài.
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, hiện Việt Nam và cả thế giới cũng chưa có biện pháp điều trị để cứu sống các bệnh nhân uống hóa chất diệt cỏ Paraquat. Cách điều trị hiện nay là rửa dạ dày, lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng kết quả rất hạn chế. Đặc biệt, các bệnh nhân này dù sớm hay muộn cũng sẽ tiến triển đến suy hô hấp nhưng lại không thể điều trị bằng thở oxy vì khi đó sẽ sản sinh ra một loại chất độc hơn khiến phổi xơ nhanh hơn.
Với các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc, cấp cứu những trường hợp ngộ độc Paraquat thường để lại những nỗi ám ảnh không dễ gì nguôi ngoai. TS Nguyễn Tiến Dũng (Trung tâm Chống độc) chia sẻ, các bác sĩ vô cùng đau lòng khi chứng kiến những ca tử vong do uống thuốc diệt cỏ. “Bệnh nhân đến viện trong tình trạng vẫn tỉnh táo hoàn toàn, ý thức rất rõ, chỉ đau họng, rát họng do chất Paraquat ăn mòn. Thế nhưng, bệnh nhân tỉnh táo cho đến lúc tử vong, trong tình trạng suy gan, suy thận, suy hô hấp, suy đa phủ tạng”, TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Với ngộ độc Paraquat, trường hợp nặng có thể tử vong trong 2-3 ngày, đa phần tử vong trong 5-7 ngày, thậm chí bệnh nhân tỉnh táo đến 3 tháng nhưng vẫn có thể chết do suy hô hấp. Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, trong khi các bệnh khác khiến bệnh nhân hôn mê, suy kiệt, mệt mỏi thì khi ngộ độc Paraquat, bệnh nhân rất tỉnh và chính các bác sĩ là người chứng kiến những giây phút cuối cùng của họ, giây phút của đau đớn, vật vã đến lúc nhắm mắt. “Họ tỉnh đến lúc chết với hơi thở rít lên từng hồi. Đó là những hình ảnh rất xót xa, là nỗi ám ảnh đối với cả bác sĩ lẫn thân nhân người bệnh”, BS Nguyễn Trung Nguyên xót xa.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, nhiều người biết rõ mối nguy hại cực lớn của chất Paraquat đối với sức khỏe và tính mạng bản thân nhưng vẫn cố tình sử dụng chỉ vì nóng giận, thiếu kiểm soát bản thân. Ông chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn chất này được cấm càng sớm càng tốt bởi muộn ngày nào sẽ lại có thêm những ca tử vong”. (Gia đình & Xã hội, trang 7)
Tăng thêm niềm tin đối với người bệnh
Thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa các kỹ thuật y tế mới vào khám, chữa bệnh. Theo Sở Y tế, tổng số lượt khám và điều trị ngoại trú trên địa bàn thành phố qua sáu tháng đầu năm 2018 chiếm hơn một phần tư tổng số lượt của cả nước. Ðiều này cho thấy niềm tin của người bệnh dành cho các bệnh viện và đội ngũ y, bác sĩ ở TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng...
Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện (BV) Bình Dân là hai nơi tiên phong đưa hệ thống rô-bốt vào phẫu thuật nội soi. Ðây là "cánh tay thứ ba" của bác sĩ, giúp người bệnh được điều trị kỹ thuật cao với chi phí chỉ bằng một phần mười so với ra nước ngoài điều trị.
BV Chợ Rẫy vừa cắt tuyến ức để điều trị nhược cơ cho chị P.T.M.N. (28 tuổi, quê Vĩnh Long) bị nhược cơ 2A, tồn tại tuyến ức. Ðây được xem là ca đầu tiên ở các tỉnh phía nam được điều trị bệnh lý này bằng phẫu thuật rô-bốt. Hiện, người bệnh đã vượt qua cơn nguy kịch, tình trạng sức khỏe ổn định. BV Bình Dân cũng ứng dụng rô-bốt trong phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc do tế bào ung thư và tạo hình bàng quang bằng hồi tràng (đoạn dưới ruột non) thành công cho anh L.K.P. (46 tuổi, quê Khánh Hòa), giúp anh vượt qua căn bệnh ung thư bàng quang...
Ứng dụng rô-bốt trong phẫu thuật là một bước tiến mới vì rô-bốt có khả năng mổ ở những vị trí khó, có thể di chuyển tự do ở sáu góc độ, vận động tinh vi, có khả năng luồn lách, bóc tách các khối u... Qua đây, hàng loạt kỹ thuật chuyên sâu về phẫu thuật điều trị ung thư: tiền liệt tuyến, thận, bàng quang, đại - trực tràng, phổi; cắt nang ống mật chủ, phẫu thuật tim,... sẽ được triển khai. Ðây là minh chứng cho thấy, kỹ thuật chuyên sâu về ngoại khoa tại TP Hồ Chí Minh đã có bước tiến ngang bằng khu vực.
Mới đây, Hội nghị Nhi khoa mở rộng lần thứ 26 tại BV Nhi Ðồng 2 đã có 16 báo cáo mang đến những giá trị thực tiễn trong điều trị hiệu quả cho người bệnh dựa trên y học chứng cứ, liên quan đến các bệnh lý nhi phức tạp. Nổi bật nhất là căn bệnh u Wilms (u nguyên bào thận) là một loại ung thư thường gặp nhất, chiếm 95% trong tất cả các u thận ở trẻ em. Theo BV Nhi Ðồng 2, sự hiểu biết về cơ chế sinh u, sự tiến bộ của sinh học phân tử cùng với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, phương pháp điều trị mới đã tạo nên kết quả điều trị tốt với khoảng 90 đến 95% trẻ sống ít nhất 5 năm. BV Nhi Ðồng 2 đã chẩn đoán và điều trị 80 ca u Wilms, sau điều trị, tỷ lệ trẻ sống sau ba năm lên gần 90%.
Cũng chuyên về nhi, BV Nhi Ðồng TP Hồ Chí Minh vừa phẫu thuật thành công cắt bỏ phần trực tràng bị phình dài gần 20 cm, dãn to 20 cm cho bệnh nhi Ð.T. (5 tuổi, quê Kiên Giang). Người bệnh mắc chứng táo bón từ lúc mới sinh. Với chẩn đoán người bệnh bị hội chứng phình đại tràng bẩm sinh, bệnh viện đã phẫu thuật cắt phần trực tràng bị phình dài, dãn to. Hiện, người bệnh đã hồi phục và được xuất viện.
BV Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh cũng cắt thành công khối u nhầy lớn với kích thước 6x4x3 cm trong tim người bệnh bằng phương pháp phẫu thuật tim nội soi. Người bệnh H.T.T.H (54 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) đến khám trong tình trạng khó thở, cảm thấy hồi hộp. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện có một khối u lớn trong tim lấp gần hết lỗ van hai lá, gây cản trở dòng máu qua tim đi nuôi cơ thể. Nếu không được phẫu thuật loại bỏ kịp thời, khối u sẽ cản trở nghiêm trọng dòng máu nuôi cơ thể, hoặc khối u nhầy có khả năng bị vỡ và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nhanh chóng được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Ðây là phương pháp phẫu thuật tiên tiến với hiệu quả điều trị tương đương với phương pháp mổ mở cổ điển, nhưng đem lại nhiều lợi ích vượt trội cho người bệnh như phục hồi nhanh, giảm thời gian nằm viện, vết mổ bảo đảm thẩm mỹ và tránh biến chứng nhiễm trùng xương ức. Sau mổ năm ngày, người bệnh đã khỏe mạnh, tình trạng khó thở và hồi hộp hoàn toàn biến mất.
Mới đây, BV quận Thủ Ðức đã phẫu thuật thành công khối u bạch mạch có kích thước 20 x 30 cm, nặng 2,8 kg. Người bệnh là N.T.K.A. (nữ, 35 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) đến khám vì bụng ngày càng to, hay đau bụng, ăn uống khó tiêu. Sau khi siêu âm, chụp CT, bệnh viện phát hiện người bệnh có khối u lớn, chiếm hai phần ba ổ bụng, chèn ép và dính vào ruột non, ruột già và nhiều bộ phận khác; khối u còn len vào giữa xương cùng và trực tràng…
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết, số lượt khám và điều trị ngoại trú trên địa bàn thành phố trong sáu tháng đầu năm 2018 đã vượt qua con số 20 triệu (20.159.038 lượt), tăng 5,7% so với cùng kỳ (19.073.271 lượt). Phân bố số lượt khám cho thấy có sự gia tăng ở tất cả các tuyến, trong đó, các BV thành phố chiếm 42,7% tổng số lượt khám, tăng 3,9%; các BV quận, huyện chiếm 24,7%, tăng 10,5%; các BV tư nhân chiếm 9,5%, tăng 14,4%.
Các con số thống kê trên cho thấy, niềm tin của người bệnh dành cho các BV ở TP Hồ Chí Minh đang ngày càng gia tăng... (Nhân dân, chuyên trang TP.HCM)
Số người mắc bệnh sởi gia tăng
Theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội ngày 30-7, trong tuần (từ ngày 23 đến 29-7), trên địa bàn thành phố ghi nhận các dịch bệnh như: Sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết có số mắc tăng hơn so với tuần trước đó.
Cụ thể, tuần qua ghi nhận thêm 26 trường hợp mắc sốt xuất huyết (gấp 2 lần so với tuần trước).
Dù vậy, số mắc sốt xuất huyết lũy tích từ đầu năm đến nay là 272 trường hợp (giảm khoảng 97% so với cùng kỳ năm 2017). Ngoài ra, ghi nhận thêm 63 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 19 trường hợp so với tuần trước).
Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 1.091 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc phân bố rải rác tại các xã, phường, thị trấn, không ghi nhận ổ dịch lớn nhiều bệnh nhân. Riêng dịch bệnh sởi vẫn có xu hướng gia tăng với 18 trường hợp mắc (tăng 5 trường hợp so với tuần trước). Ngoài ra, Hà Nội ghi nhận 271 trường hợp mắc sởi (tăng khoảng 4,5 lần so với cả năm 2017 (chỉ ghi nhận hơn 60 ca). (Hà Nội mới, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 3: Ca sởi tăng đột biến, Hà Nội lo ngại bùng phát dịch
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng lên 1.091 trường hợp
Chỉ trong 1 tuần qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 63 trẻ mắc tay chân miệng mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 1.091 trường hợp và nguy cơ sẽ tiếp tục gia tăng mạnh trong mùa mưa lũ…
Sáng nay, 30-7, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn từ ngày 23-7 đến ngày 29-7. Theo đó, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 26 trường hợp sốt xuất huyết Dengue, 18 trường hợp mắc sởi, 3 trường hợp mắc ho gà…
Đặc biệt, trong tuần ghi nhận thêm 63 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng mới, nâng tổng số ca tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2018 đến nay lên 1.091 trường hợp.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hầu hết trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận ở thể nhẹ, tự khỏi và không có tử vong. Tuy nhiên, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch lớn, gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, bệnh lại lây qua đường tiêu hóa khi ăn uống nên nguy cơ bùng phát, lây lan trong mùa mưa lũ hiện nay là rất lớn.
Để phòng chống bệnh, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng…
Sở Y tế cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết và vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng chống tay chân miệng; tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà. (An ninh Thủ đô, trang 2)
Bịp bợm công nghệ “thổi” “thần y”
Nếu mạng xã hội và các diễn đàn online còn có thể gợn lên sự hồ nghi, thì giờ đây, các “thần y” có thể xuất hiện trường kỳ trên các trang báo, tạp chí hay chuyên trang kể lể liên tục về các thành tích cuộc đời mình. Người tiêu dùng có tâm lý “báo đã viết là đúng” sẽ cảm thấy tin tưởng hơn khi bỏ tiền mua thuốc mà có thể không biết rằng, đằng sau đó là cả 1 guồng máy quảng cáo, thổi phồng cực kỳ tinh vi. Thậm chí, không ít bài báo còn là sản phẩm của sự bịa đặt kiểu “ăn đứng, dựng ngược”, cố tình viết sai sự thật, nguỵ tạo nhân vật…
Guồng máy quảng cáo, thổi phồng tinh vi
Sau thời gian dài tìm hiểu, nhóm PV Báo Lao Động có cơ sở để khẳng định, có 1 nhóm người đang lợi dụng sức mạnh của truyền thông, trong đó có báo chí để thu lợi bất chính những khoản khổng lồ từ các “thần y”. Họ phần đa có quan hệ tốt với các cơ quan báo chí, có thể đạo diễn nội dung đăng tải trên khá nhiều trang báo. Nói một cách khác, trên hệ thống báo chí bị thao túng, nhóm người giấu mặt “biến mèo thành cáo cũng được mà thành hổ thì cũng xong”. Cuối cùng, chỉ có người bệnh thiệt đơn thiệt kép.
Để kiểm chứng, nhóm PV đã thu thập nhiều kỳ báo in của một vài đầu báo, tạp chí và chuyên trang có trụ sở tại Hà Nội. Đều đặn trong một vài năm trở lại đây, những tờ dạng này đã dễ dãi đăng tải hàng trăm bài quảng cáo trá hình về các “thần y” dưới dạng những chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp có phần bí hiểm. Cá biệt, có những “thần y” xuất hiện liên tục trong hàng chục kỳ báo, ở nhiều tờ báo khác nhau, rồi lại đăng chéo lên các trang mạng xã hội, từ đó tạo nên hiệu ứng truyền thông không nhỏ.
Công thức chung để lăng xê là tạo dựng những chuyện thật sướt mướt, trong đó có các cặp vợ chồng hiếm muộn, những bệnh nhân nan y tâm sự về 1 vị “thần y” nào đó ẩn dật nơi rừng thẳm núi hoang, sau đó phóng viên của các tờ báo, tạp chí hay chuyên trang nọ sẽ tìm về tận nơi rồi viết bài về chân dung thầy thuốc này. Phía cuối bài, như thể để tiện cho người đọc, tác giả còn để lại địa chỉ và số điện thoại của vị thầy lang, bôi đậm, đóng khung rất nổi bật.
Và tăng thêm chứng cứ xác thực, trong bài viết, những nhân chứng được các “thần y” chữa khỏi bệnh đều có địa chỉ và số điện thoại kèm theo. Thế nhưng, trên thực tế, dù có hàng chục “lương y” được lăng xê trong các bài viết khác nhau nhưng rốt cục, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy bệnh nhân.
Trả lời như nhau...
Đơn cử, số điện thoại 0165.4631.xxx, trong bài viết lăng xê “lương y” Triệu Thị Mấy (Thanh Hoá) có biệt tài chữa vô sinh ở báo Đ, thì người bệnh tên là Trang ở Hà Nam nhưng trong bài lăng xê “lương y” Tặng Thị Mụi (Thanh Hoá) trên báo P, lại tên là Thu ở Thái Bình. Trong bài viết ca ngợi lương y Triệu Thị Mế lại tên là Hoa ở Nam Định, tri ân “lương y” Tặng Thị Sệnh lại là Thảo ở Hòa Bình….
Tương tự, cùng là các số điện thoại để kiểm chứng, trong bài viết chữa bệnh trĩ thì số điện thoại được cho sẽ là bệnh nhân mắc trĩ, trong bài chữa gout thì số điện thoại đó lại bị gout và nếu bị thoái hóa đốt sống thì chắc chắn, chủ sở hữu số điện thoại cũng bị thoái hóa luôn… Cẩu thả và bất chấp đến tận cùng, nhóm người thậm chí còn “bê” nguyên xi bài viết từ báo này sang báo khác chỉ thay tên “lương y” và số điện thoại của họ. Nhóm PV cũng thực hiện nhiều cuộc gọi tới các số điện thoại để lại dưới mỗi bài viết và kiên nhẫn lắng nghe từng lời tư vấn.
Đầu tiên là trường hợp của “lương y” T.T.B ở Ba Vì (Hà Nội). Bà T.T.B liên tục xuất hiện trên nhiều bài báo, ở khoảng 10 tờ báo khác nhau với biệt tài điều trị xương khớp. Khi được hỏi thành phần của bài thuốc và liệu rằng, có phải lên tận nơi khám bệnh xương khớp hay không thì bên kia đầu dây gạt đi: “Nếu đọc báo sẽ thấy đây là 2 loại thuốc chuyên đặc trị các bệnh về xương khớp, ai uống cũng được hết. Bệnh nhân chỉ cần kể bệnh để được bốc thuốc chứ cũng không cần phải lên tận nơi”.
Tương tự, 1 “lương y” khác cũng có “độ phủ báo chí” rất mạnh là L.T.B.P (Ba Vì, Hà Nội). Khi PV gọi điện đến số điện thoại được cho thì cũng nhận được câu trả lời gần như giống hệt với “lương y” T.T.B. Sau khi nghe chúng tôi kể có người nhà đang bị bệnh xương khớp thì ngay lập tức, bên kia đầu dây lại hỏi những câu rất quen thuộc như một cái máy: “Triệu chứng bệnh bây giờ như thế nào, đi khám ở đâu chưa, đi khám người ta nói như thế nào, bị bao nhiêu lâu rồi…”
Cần xử lý nghiêm
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y TP.Hà Nội - cho biết, có 2 hình thức để trở thành 1 lương y, một là những người đã được đào tạo bài bản qua các lớp học về Đông y để được cấp chứng chỉ lương y và giấy phép hành nghề của Bộ Y tế. Thứ hai là về các lương y gia truyền. Những người này thì sẽ phải đáp ứng được 3 tiêu chí, một là, đã có trên 3 đời làm thuốc; hai là, đã chữa khỏi cho trên 100 bệnh nhân, phải có sổ sách ghi chép lại cẩn thận, ba là, có xác nhận của chính quyền địa phương và của các cơ sở y tế. Với nhưng trường hợp tự xưng, đoàn đi kiểm tra mà phát hiện không có giấy phép, không đảm bảo các tiêu chí về 1 lương y thì có thể xử phạt, yêu cầu đóng cửa phòng khám.
Cũng theo bác sĩ Siêm, do thời gian gần đây báo chí, truyền thông quá dễ dãi nhận hợp tác và quảng cáo các bài thuốc của các lương y đã dẫn đến tình trạng loạn thuốc, loạn lương y. Những cơ quan này không hay biết những bài thuốc mà mình quảng cáo là gì, chỉ biết đăng để nhận tiền thì thực sự nguy hiểm, chính báo chí lại tiếp tay cho những lương y này.
“Tôi thấy mô típ chung của những bài viết này đều theo kiểu bệnh nhân cảm ơn lương y hoặc lương y nào đó là người đầu tiên tìm ra các loại thuốc chữa khỏi các bệnh mà thuốc tây không chữa được. Cái tốt của báo chí là tuyên truyền, tuy nhiên chỉ tuyên truyền, quảng cáo khi có lợi, bất chấp những hệ lụy về sau thì sẽ bị xã hội lên án,. Chính vì vậy, báo chí, truyền thông cần phải thay đổi, cần siết chặt quản lý, làm theo đúng luật báo chí” - ông Siêm nêu quan điểm.
Theo ông Siêm, mặc dù ngành y tế và nhà nước đã tăng cường quản lý nhưng cũng rất khó để kiểm soát hết được. Để quản lý được tốt hơn nữa thì cần phải dựa vào đội quản lý thị trường, công an và đặc biệt là dựa vào người dân. Người dân cần nâng cao dân trí, không mang hết của cải đi làm giàu cho những đối tượng bán thuốc lừa đảo, không để những thông tin sai sự thật bị đồn đoán sâu rộng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, sau khi tiếp nhận thông tin từ PV Báo Lao Động, một cán bộ thuộc Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) tỏ ra hết sức bất bình, khẳng định, việc các đối tượng đăng quảng cáo tràn lan rồi qua đó lập đường dây để tự tư vấn, bán thuốc là sai phạm nghiêm trọng và cần được xử lý nghiêm.
“Việc mua thuốc không qua thăm khám có thể để lại nhiều hệ luỵ. Bởi nhiều bệnh có biểu hạn na ná nhau nhưng bản chất khác nhau. Hành vi của các nhân viên bán thuốc qua điện thoại tự mạo nhận là thầy thuốc, nếu không có chứng chỉ hành nghề, thì vừa là lừa đảo, vừa phạm pháp bởi rõ ràng, như thế là nhân viên này đang hành nghề chứ không phải người lương y kia” - vị này nói. (Lao động, trang 7)