Thả muỗi tại Nha Trang để phòng sốt xuất huyết và Zika
Từ tháng 3/2017 muỗi vằn Aedes aegypti mang Wolbachia sẽ được thả tại 4 phường của thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
Theo đề cương nghiên cứu “Đánh giá khả năng thiết lập ổn định quần thể muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại thành phố Nha Trang” thuộc Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam, vừa được Bộ Y tế phê duyệt, từ tháng 3/2017 muỗi vằn Aedes aegypti mang Wolbachia sẽ được thả tại 4 phường của thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).
Khu vực thả muỗi có khoảng 55.900 người thuộc 12.600 hộ gia đình sinh sống, gồm phường Vĩnh Phước và phường Vĩnh Thọ ở phía Bắc Nha Trang, phường Vĩnh Trường và bốn tổ dân phố của phường Phước Long giáp với phường Vĩnh Trường ở phía Nam Nha Trang.
Ở những nơi này, Dự án đã xác lập 773 ô vuông thả muỗi (mỗi ô có diện tích 2.500 m2). Trong 12 đến 18 tuần, mỗi tuần sẽ có khoảng 100 con muỗi vằn mang Wolbachia được thả trong mỗi ô, làm giảm dần số lượng muỗi vằn tự nhiên, trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và Zika.
Wolbachia là một loại vi khuẩn có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue gây sốt xuất huyết và Zika, nhưng muỗi vằn trong tự nhiên lại không mang Wolbachia.
Muỗi cái tự nhiên giao phối với muỗi đực mang Wolbachia, trứng đẻ ra sẽ không phát triển thành muỗi, trong khi muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực tự nhiên hay muỗi đực mang Wolbachia đều sinh ra trứng có khả năng phát triển thành muỗi mang Wolbachia.
Dựa vào đặc tính này, các nhà khoa học Australia đã phát minh phương pháp nhân giống và thả ra môi trường loại muỗi vằn (Aedes aegypti) mang Wolbachia, để muỗi mang vi khuẩn Wolbachia thay thế dần loại muỗi vằn tự nhiên.
Năm 2013, muỗi mang Wolbachia đã được thả thí điểm tại đảo Trí Nguyên (Hòn Miễu, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang). Từ đó tới nay trên đảo Trí Nguyên không có dịch sốt xuất huyết, dù năm 2015 và 2016 tại TP Nha Trang có dịch sốt xuất huyết lớn (Tiền phong (trang 6).
Hơn 5.600 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm dịp Tết
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã kiểm tra và phát hiện hơn 5.600 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm dịp Tết.
Trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương và hơn 5.100 đoàn thanh, kiểm tra của 42/63 địa phương kiểm tra và phát hiện hơn 5.600 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm dịp Tết.
Đoàn đã tiến hành xử lý 2.990 cơ sở, phạt tiền đối với hơn 2.300 cơ sở với số tiền phạt gần 8,2 tỷ đồng.
Ngoài các hình thức xử phạt chính, các đoàn thanh, kiểm tra còn ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 22 cơ sở; đình chỉ lưu hành 41 loại thực phẩm; tiêu hủy 414 loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng…
Trong những ngày tới, Cục ATTP tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện trách nhiệm kiểm soát an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2017.
Bên cạnh đó, để tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, cùng với số điện thoại và địa chỉ email đã công bố (Điện thoại: 043.232.1556, email: tiepnhantinvipham@vfa.gov.vn), Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế bổ sung số điện thoại di động: 091.181.1556 để tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm về an toàn thực phẩm (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Công tác Y tế dịp Tết Đinh Dậu: Phục vụ tốt bệnh nhân
Tết là dịp để nghỉ ngơi, sum vầy gia đình, thế nhưng đối với những người thầy thuốc, họ vẫn luôn tất bật bởi công việc cứu người là nhiệm vụ tối cao… trong 7 ngày nghỉ Tết đã có trên 112.000 trường hợp được khám chữa bệnh và cấp cứu tại các cơ sở y tế ... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Đón Tết trong bệnh viện – nỗi buồn nhân đôi
Không ai muốn ăn Tết xa nhà, nhất là lại phải nằm viện. Thế nhưng, Tết nào cũng có những bệnh nhân phải đón giao thừa trên giường bệnh. Dĩ nhiên, song hành cùng họ những ngày này chính là các thầy thuốc…
Suốt những ngày Tết Đinh Dậu, các giường bệnh của Khoa Tim mạch –Lồng ngực (Bệnh viện (BV) Việt Đức) vẫn kín người. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh vừa tất bật với việc chăm sóc bệnh nhân, vừa cho biết, Tết này có khoảng 40 người phải đón giao thừa tại Khoa, đều là những người bị bệnh tim nặng phải nằm hồi sức cấp cứu hay những ca bệnh phức tạp.
Trên nệm ga trắng, gương mặt cháu Nguyễn Tấn Lộc (8 tuổi, ở Nghĩa Hưng, Nam Định) càng xanh xám trong cơn hôn mê.
Anh Nguyễn Văn Đức, bố cháu Lộc, ngồi thẫn thờ bên cạnh con. Anh cho biết cháu bị sốt nhiễm trùng máu chạy vào tim, phải vào BV Nhi Trung ương cấp cứu rồi chuyển qua BV Việt Đức.
Do cháu bị hôn mê lâu nên phải chờ điều trị cho sức khỏe cháu tốt lên mới có thể phẫu thuật tim rồi điều trị não cho cháu. Chưa biết khi nào cháu tỉnh lại, chứ đừng nói chyện cháu bình phục.
Vì thế, anh Đức vừa lo cho bệnh tật của bé Lộc, vừa buồn khi Tết này, gia đình anh mỗi người một nơi. Vợ anh một mình vừa lo cho mấy đứa trẻ ở nhà, vừa lo việc gia đình bộn bề. Cả nhà chẳng ai còn tâm trí nào mà nghĩ đến chuyện ăn Tết, chỉ mong sao bé Lộc tỉnh lại là đủ mừng.
Ở giường bên, bé Nguyễn Bảo Hân (Vĩnh Phúc) nằm thiếp đi trong tay bà ngoại. Đã 5 tháng tuổi mà bé vẫn còi cọc, chỉ nặng chừng 4,5 kg. Bà ngoại Bảo Hân cho biết, cháu bị bệnh tim bẩm sinh và khi được đưa đến Bệnh viện Việt Đức còn phát hiện ra cháu mắc thêm hai bệnh về tim nữa.
Cháu đã được phẫu thuật gần 3 tuần và vừa mới được rời khỏi Phòng cấp cứu hồi sức, nên cháu phải “ăn Tết” trong BV. Bà ngoại cháu xúc động: Những ngày nằm viện, bé Bảo Hân đều được các bác sĩ quan tâm chu đáo và tận tình. Với gia đình bà, sức khỏe của cháu lúc này là quan trọng nhất, và chẳng còn lòng nào nghĩ tới chuyện Tết nhất.
Những ngày Tết, ở Khoa Cấp cứu của BV Việt Đức tấp nập hơn ngày thường rất nhiều. Các xe cứu thương vào ra liên tục và các nhân viên y tế phải làm việc hết công suất, chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
TS. Lê Tư Hoàng - Phó Trưởng khoa Điều trị 1C, Trưởng tua trực, cho chúng tôi biết: Các bệnh nhân đã vào Khoa cấp cứu đều trong tình trạng nặng, nên phải “đón Tết” trên giường bệnh.
Nhiều người bị đa chấn thương, hôn mê sâu, còn chẳng biết Tết là gì nữa. Bên giường bệnh đều là những gương mặt người thân lo âu, thấp thỏm …
Nhưng những ngày cận Tết, đã thấy nhiều nhóm thiện nguyện đến tặng quà các bệnh nhân. Có đủ cả bánh kẹo, bánh trưng, quất, đào… với hy vọng tiếp thêm động lực cho họ chiến đấu với bệnh tật.
Phút giao thừa, lãnh đạo BV, lãnh đạo các Khoa phòng còn đến chúc Tết và mừng tuổi cho các bệnh nhân, động viên họ yên tâm điều trị. Khi đã phải đón Tết trong BV, các bệnh nhân đều chẳng còn tâm trạng nào nữa, nên sự quan tâm về tinh thần lẫn vật chất của BV có ý nghĩa rất quan trọng.
Dự kiến, BV Bạch Mai chỉ có khoảng 500 bệnh nhân ở lại ăn Tết tại BV, nhưng cuối cùng vẫn có tới hơn 800 bệnh nhân phải ở lại điều trị do bệnh nặng.
Ở Phòng Hồi sức của Khoa Nhi (BV Bạch Mai) đều là các bệnh nhân nặng phải ở lại. Có cháu bị động kinh lăn lộn vật vã, gào thét liên tục, nhiều bệnh nhi nằm thiếp đi vì đau đớn, mệt mỏi.
Cô bé Lê Thị Oanh (14 tuổi, ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Yên Bái) nhăn nhó trong cơn đau vì bệnh viêm đa khớp có mủ hành hạ. Chị Cầm Thị Tám, mẹ cháu Oanh, buồn bã 2 mẹ con phải đón Tết trong BV trong tình trạng này. Trong khi chồng chị bị bệnh động kinh, rồi còn 2 đứa con nhỏ dại ở nhà.
Có điều an ủi mẹ con chị là ngay khi cháu nhập viện, các nhân viên y tế đã biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên đã liên hệ với một tổ chức từ thiện để mẹ con chị được cung cấp các bữa ăn miễn phí.
Chưa giao thừa đã có một số nơi đến mừng tuổi cho cháu. Chị xúc động: Tôi rất biết ơn các thầy thuốc, vì đã không chỉ chữa bệnh cho cháu, mà còn lo cho 2 mẹ con từng bữa ăn, lại còn mừng tuổi cho cháu, nên hai mẹ con cũng bớt buồn tủi…
Riêng khoa Thần kinh có tới hơn 100 bệnh nhân, hầu hết đều trong tình trạng bệnh nặng, phải điều trị dài ngày như: đột quỵ, u não, nhiễm khuẩn thần kinh vv…
Theo GS. Lê Văn Thính, Trưởng Khoa Thần kinh, mỗi ngày Khoa tiếp nhận 20-30 bệnh nhân, có lúc tới hơn 50 người. Ngày Tết, số bệnh nhân nhập viện tăng hơn. Riêng ngày 30 Tết, Phòng cấp cứu của Khoa có gần 50 bệnh nhân trong trạng thái liệt nửa người, chảy máu trong não, nhồi máu trong não… nguy cơ tử vong khá cao nên cường độ làm việc của các thầy thuốc vô cùng vất vả (Công an Nhân dân, trang 7).
Cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim
Ngày 31.1, bác sĩ Nguyễn Minh Toàn, Phó trưởng khoa Nội-Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết ê kíp can thiệp tim mạch của khoa vừa cứu sống một ca bệnh nguy kịch do nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân là anh N.V.H (57 tuổi, ngụ TP.Quy Nhơn, Bình Định) nhập viện khoảng 7 giờ sáng 30.1 với lý do đau ngực trái nhiều, kèm theo vã mồ hôi.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp vùng dưới biến chứng rối loạn nhịp phức tạp.
Ngay sau đó, bệnh nhân được ê kíp can thiệp tim mạch chụp và đặt stent động mạch vành. Chụp động mạch vành cho kết quả: huyết khối, tắc cụt hoàn toàn động mạch vành phải. Bệnh nhân có chỉ định can thiệp bằng đặt stent động mạch vành cấp cứu.
Sau ca phẫu thuật và được chăm sóc hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhân ổn đinh dần, có thể ăn uống và ngồi dậy được.
Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Minh Toàn, trường hợp của anh H. thuộc dạng hiếm gặp vì quá nặng và có nhiều chuyển biến phức tạp. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng hết mình, ê kíp can thiệp tim mạch đã cứu sống bệnh nhân (Thanh niên, trang 2, Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Bệnh viện tỉnh cứu thành công bệnh nhân bị dao đâm xuyên gáy
BS Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp bị tai nạn thương tích hết sức hy hữu khi bị dao đâm xuyên gáy.
BS Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, bệnh viện vừa cứu sống một trường hợp bị tai nạn thương tích hết sức hy hữu khi bị dao đâm xuyên gáy. Bệnh nhân là Nguyễn Duy Đạt, 19 tuổi, quê ở Mỹ Hà, Lạng Giang, Bắc Giang.
Trước đó vào đêm 29 Tết (26/1), Đạt cùng nhóm bạn ăn liên hoan tại xã Tiên Lục kế bên. Thời điểm trên, chú họ và anh trai Đạt đến quán karaoke 7 tầng cạnh đó hỏi phòng hát và xảy ra xô xát.
Nghe tin, Đạt chạy đến giải cứu thì liền bị nhân viên của quán đập chai bia vào đầu rồi vung dao nhọn cứa ngang cằm vệt dài 7cm. Chưa dừng lại, các đối tượng này tiếp tục rút dao, đâm xuyên gáy của Đạt.
Sau khi được sơ cứu tại trạm y tế, nạn nhân được chuyển thẳng xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng hết sức nguy kịch, mất máu nhiều, phần dao nhọn xuyên qua gáy dài gần 10cm.
Sau khi hội chẩn, để tránh tổn thương thêm, các bác sĩ quyết định không rút dao mà mổ mở sau gáy để tách lấy dao.
Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ, may mắn phần lưỡi dao chỉ xuyên qua phần mềm ở gáy của bệnh nhân. BS Đồng cho biết, hiện bệnh nhân Đạt đã hồi phục, đang nằm theo dõi tại khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế về công tác y tế dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu tính đến chiều mùng 2 Tết (29/1), các bệnh viện đã ghi nhận hơn 2.200 ca khám, cấp cứu do đánh nhau, trong đó có 990 người phải nhập viện điều trị, đáng tiếc đã có 14 người tử vong (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Điều trị thành công một ca bệnh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh
Sau gần 2 tuần được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật và hồi sức sơ sinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai phẫu thuật u cơ môn vị, bé trai sơ sinh Lý Gia H. (10 ngày tuổi, ngụ xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) đã hồi phục sức khỏe tốt.
Trước đó, vào ngày 20-1, bé H. nhập viện trong tình trạng nôn ói kéo dài, ăn không tiêu. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định bé H. bị bán tắc lối ra của dạ dày cần phải phẫu thuật giải quyết tắc nghẽn thì bé mới tiêu sữa, tránh được suy kiệt cơ thể. Khi phẫu thuật, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị u cơ môn vị phình to bằng trái trứng cút, bóp nghẹt lối đưa thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng. Bác sĩ đã phẫu thuật, xử lý cắt u cơ môn vị.
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật và hồi sức sơ sinh, cho biết bệnh u cơ môn vị là bệnh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, tần suất 1-4 ca/ngàn trẻ, do các lớp cơ vòng ở môn vị phát triển quá mức, phình to lên làm hẹp lối ra của dạ dày, thường gặp ở trẻ 2-4 tuần tuổi. Triệu chứng ban đầu là ói sau khi bú, ói tăng dần. Nếu để lâu sẽ rơi vào mất dịch (mắt trũng, da nhăn nheo), rối loạn điện giải, sụt cân và có thể tử vong (Sức khỏe & Đời sống (trang 3).