Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/3/2021

  • |
T5g.org.vn - Biến chủng không ảnh hưởng vắc-xin ngừa COVID-19; Nam tiếp viên VNA làm lây lan dịch Covid-19 gây thiệt hại hơn 4,4 tỉ đồng; Hải Dương hết cách ly xã hội, Quảng Ninh khôi phục nhiều hoạt động kinh tế; Tăng cường giám sát phòng chống dịch tại các cơ sở tôn giáo; Vaccine COVID-19 sẽ “phủ sóng” các địa phương?

 

Biến chủng không ảnh hưởng vắc-xin ngừa COVID-19

Trước những lo ngại các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể khiến các vắc-xin đã và đang nghiên cứu không có tác dụng bảo vệ, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho biết, biến chủng SARS-CoV-2 chỉ đột biến trên một số điểm nên không ảnh hưởng vắc-xin ngừa COVID-19. “Với vắc-xin COVIVAC là vắc-xin vector Newcastle được chính thức thử nghiệm trên người tình nguyện có gắn gene biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học sử dụng protein S của virus này làm kháng nguyên. Hiện thế giới ghi nhận đột biến trên một số chủng virus ở Anh, Nam Phi, trong đó, ghi nhận một số điểm trên gene mã hóa S.

Tuy nhiên, đoạn protein S khá dài trong khi đột biến chỉ trên một số điểm, không phải toàn bộ nên nhìn chung biến chủng của SARS-CoV-2 sẽ không ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin COVID-19”, GS Đức Anh phân tích.

Theo GS Đức Anh, trên thế giới, các loại vắc-xin COVID-19 đang nghiên cứu cũng không bị ảnh hưởng tới kháng nguyên và tính sinh miễn dịch. Hiện các nhà sản xuất trên thế giới vẫn dùng chủng này để sản xuất vắc-xin và cho thấy vắc-xin vẫn có đáp ứng miễn dịch tốt.

Thông tin thêm về nguy cơ vô hiệu hóa vắc-xin COVID-19 của biến thể mới SARS-CoV-2, GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết, về nguyên tắc, trên một đoạn gene dài, nếu như đột biến điểm, khoảng 1-2-3 điểm sẽ không làm ảnh hưởng tới kháng nguyên. “Đó là lý do các nhà khoa học thế giới tiếp tục tạo vắc-xin dựa trên chủng ban đầu”, GS Thành Văn nói.

Chạy nước rút tiêm chủng

Ngày 26/2, Học viện Quân y tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắc-xin Nano Covax (do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Nanogen nghiên cứu, sản xuất) trên người. Dự kiến, ngày 23/3, COVIVAC, vắc-xin thứ 2 do Việt Nam điều chế, cũng được tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên trên người tình nguyện.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế), cho biết, công suất Nano Covax là 70 triệu liều/năm. Vắc-xin của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) cũng đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người có công suất 6 triệu liều/năm nhưng có thể nâng lên 30 triệu liều. Hai loại vắc-xin này có thể đảm bảo nhu cầu tiêm ngừa của Việt Nam trong những năm tới.

Về Nano Covax, với cách tổ chức như hiện nay, thời gian nghiên cứu được rút ngắn 50%, chỉ còn lại 3 tháng chạy thử nghiệm trong giai đoạn 2, thay vì 6 tháng như kế hoạch trước đây. Vì vậy, ông Quang kỳ vọng, đến tháng 4 có thể có kết quả nghiên cứu giai đoạn 2 và chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5, trong đó, tiêm chủng rộng rãi vắc-xin đầu tiên của Việt Nam cho những đối tượng có nguy cơ.

Cùng với Nanogen và IVAC, 2 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin COVID-19 ở Việt Nam là Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và sinh phẩm y tế số 1 (VABIOTECH) và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) cũng đang chạy nước rút để tiêm thử nghiệm trên người.

Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, thông tin, đơn vị này đang chuẩn bị trình Hội đồng Đạo đức và dự kiến tiêm những mũi đầu tiên trong tháng 3 tại Đại học Y Hà Nội. VABIOTECH cũng thử nghiệm 3 giai đoạn và giai đoạn 1 tiêm trên 60 tình nguyện viên (Tiền phong, trang 4).

 

Nam tiếp viên VNA làm lây lan dịch Covid-19 gây thiệt hại hơn 4,4 tỉ đồng

Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố Dương Tấn Hậu (28 tuổi) về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Hậu là nam tiếp viên VNA và cũng là bệnh nhân thứ tự 1342. Theo kết luận điều tra, ngày 14.11.2020, Hậu cùng đoàn bay của VNA từ Nhật Bản về Việt Nam và được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung của VNA. Qua 2 lần xét nghiệm đều âm tính, Hậu được khu cách ly tập trung VNA cho về cách ly tại địa phương đến hết ngày 28.11.2020.

Tuy nhiên, quá trình cách ly tại khu cách ly tập trung của VNA, Hậu đã trực tiếp tiếp xúc ngoài phòng cách ly với 2 người khác bị nhiễm bệnh. Đồng thời, khi cách ly tại địa phương, Hậu tiếp tục vi phạm các quy định cách ly như rời khỏi nhà trọ và cùng L.M.S đi ăn, đi uống cà phê; ngày 22.11.2020, Hậu còn tham gia thi tiếng Anh tại ĐH Hutech.

Đến ngày 28.11.2020, Hậu có kết quả dương tính với Covid-19. Ngày 30.11.2020, lần lượt 3 người tiếp xúc với Hậu và L.M.S đều dương tính với Covid-19.

Tại cơ quan điều tra, Hậu khai biết Covid- 19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không được ra khỏi nơi ở trong thời gian cách ly, nhưng do chủ quan và nghĩ mình không bị bệnh nên đã vi phạm quy định tại khu cách ly tập trung và nơi ở, dẫn đến làm lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng.

Sở y tế xác định thiệt hại từ Hậu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là gần 2,8 tỉ đồng, bao gồm chi phí xét nghiệm tầm soát các trường hợp F1, F2 của Hậu. Về chi phí đã sử dụng để tiến hành cách ly y tế các trường hợp do tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính liên quan trong vụ án, UBND TP.HCM và các quận/huyện phải bỏ ra hơn 1,5 tỉ đồng. Từ đó, cơ quan điều tra xác định toàn bộ thiệt hại vật chất trong vụ án này là hơn 4,4 tỉ đồng.

Ngoài ra, CQĐT nhìn nhận vụ án còn có thiệt hại phi vật chất là việc cách ly đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.000 người dân trên địa bàn TP.HCM, trong đó 861 người cách ly tập trung và 1.400 người cách ly tại nhà (Thanh niên, trang 4).

 

Hải Dương hết cách ly xã hội, Quảng Ninh khôi phục nhiều hoạt động kinh tế

Chiều tối 2-3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong vòng 12 giờ qua, cả nước không có thêm ca mắc mới Covid-19. Trong khi đó, số bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh tiếp tục tăng cao. Theo đó, tính đến tối cùng ngày, Việt Nam đã có 2.472 người mắc Covid-19, trong đó có tổng cộng 1.561 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 tới nay là 868 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe là 58.758 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 538 người.

Về tình hình điều trị, trong ngày cả nước có thêm 6 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh lên 1.898 ca. Trong số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 216 người đã âm tính với SARS-CoV-2. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong vẫn là 35 ca.

Cùng ngày, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 679/QĐ-UBND kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 đối với toàn tỉnh Hải Dương; gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, đồng thời chuyển toàn tỉnh sang trạng thái mới về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

UBND tỉnh Hải Dương cũng quyết định TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và huyện Kim Thành cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 cho tới ngày 17-3. Các huyện khác gồm: Bình Giang, Thanh Hà, Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Miện và TP Chí Linh cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho tới khi dập dịch hoàn toàn. Các xã/thôn/khu/điểm dân cư đang thực hiện quyết định phong tỏa thì tiếp tục thực hiện cho tới khi có quyết định kết thúc phong tỏa.

Trong quyết định, UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu đối với TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và huyện Kim Thành: Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Cùng với đó, tạm dừng các nghi lễ tôn giáo; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; tiếp tục cho trẻ mầm non, học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng đến trường cho tới khi dịch được kiểm soát hoàn toàn, trước mắt là đến hết ngày 17-3. Tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh từ cấp tiểu học trở lên trong thời gian tạm dừng đến trường (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Tăng cường giám sát phòng chống dịch tại các cơ sở tôn giáo

Ngày 2-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết đã yêu cầu các trung tâm y tế quận huyện tăng cường giám sát công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. heo Phòng Y tế quận Tân Bình, bắt đầu từ ngày 25-2 đã đồng loạt thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch giám sát các quần thể cộng đồng, giao lưu tiếp xúc nhiều của quận, dự kiến kéo dài đến ngày 5-3.

Ngoài thực hiện giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo, quận Tân Bình còn triển khai hoạt động này tại nhà hàng, quán ăn, khu nhà trọ và chợ truyền thống trên địa bàn. 

Trước đó, Trung tâm Y tế quận 6 đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho Ban Trị sự chùa Thiên Khánh, người liên quan và khách đi chùa với tổng số 55 mẫu, tất cả các mẫu hiện có kết quả âm tính. 

Ngày 2-3, HCDC cho biết, 20 ngày qua TPHCM không phát hiện trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng. Ngành y tế TP tiếp tục triển khai tiếp nhận khai báo, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đến từ các tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, các ổ dịch đang được theo dõi, giám sát (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Vaccine COVID-19 sẽ “phủ sóng” các địa phương?

Vaccine COVID-19 sẽ được triển khai tiêm cho các đối tượng đã được quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ ban hành. Nhiều địa phương đã có chủ trương mua vaccine COVID-19.

Đến thời điểm này, một số tỉnh thành đã có chủ trương mua vaccine COVID-19 cho địa phương. Hà Nội đề xuất mua 15 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm 2 mũi cho người trên 18 tuổi ở Hà Nội. Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương ở Việt Nam chủ trương mua vaccine COVID-19 tiêm cho toàn dân. Hải Phòng đề xuất mua vaccine cho hơn 2 triệu người dân, quy trình tiêm 2 liều mỗi người, mỗi liều cách nhau 21 ngày. Hải Phòng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nguồn mua vaccine và hỗ trợ thủ tục để sớm đưa chủ trương vào hiện thực...

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của một số địa phương (như Hà Nội, Hải Phòng…) về việc mua vaccine theo phương thức xã hội hóa và giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm về việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận, phân phối vaccine bảo đảm kịp thời, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 50-CV/VPTW ngày 19.2.2021 và của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 312/VPCP-KGVX ngày 8.2.2021.

Hiện 117.600 liều vaccine COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã về đến Việt Nam. Hệ thống tiêm chủng VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong năm 2021. Số vaccine này được giao thành nhiều đợt. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca.

Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2021 vào sáng 2.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Bộ Y tế triển khai rộng rãi việc tiêm vaccine cho các đối tượng mà nghị quyết của Chính phủ đã quy định, gồm các đối tượng dễ lây nhiễm, người nghèo, gia đình chính sách, “yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Y tế triển khai rộng rãi chủ trương quan trọng này”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, lô vaccine này sẽ ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu và các đối tượng theo quy định của Chính phủ. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác để cung cấp đầy đủ vaccine cho người dân trong năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Trong năm 2021, đảm bảo không thiếu vaccine. Bộ Y tế hiện hết sức nỗ lực để triển khai tiêm. Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành Y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên: Số lượng khoảng 150 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vaccine cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn. Về địa bàn, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng nêu trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch. Căn cứ khả năng cung ứng vaccine, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.

Hiện nay, vaccine có các nguồn: Thứ nhất, nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều. Thứ hai, nguồn vaccine của AstraZeneca. Lô 30 triệu liều vaccine này được Bộ Y tế mua của AstraZeneca thông qua công ty VNVC. Thứ ba, vaccine của Pfizer.

Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2012, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vaccine này. Thứ tư, vaccine Sputnik V của Nga.

Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác.

Đối với vaccine trong nước, các công đoạn vẫn đang theo đúng tiến độ. Dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine (Lao động, trang 4).

 

Địa phương có dịch như Hải Dương sẽ được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 trước

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2.2021 diễn ra chiều 2.3, ông Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngày 24.2, lô vaccine đầu tiên đã về Việt Nam. Bộ Y tế đã giao cho Viện Kiểm định vaccine Quốc gia để kiểm định, đến nay đã thực hiện xong. Còn phiếu kiểm định từ phía Hàn Quốc, Bộ Y tế đang hối thúc sớm chuyển để tiếp quản. Bộ Y tế hy vọng cuối tuần này hoặc tuần sau sẽ nhận được phiếu kiểm định.

Về việc tiêm vaccine, ông Cường cho biết Bộ Y tế sẽ thực hiện theo Nghị quyết 21 về việc tiêm ưu tiên cho đối tượng cần tiêm và những đối tượng cần miễn phí. Ngoài đối tượng theo Nghị quyết này sẽ có những địa bàn ưu tiên, ưu tiên cho những địa bàn, những vùng có dịch. Sắp tới, tỉnh Hải Dương sẽ được ưu tiên tiêm vaccine trước.

Theo ông Cường, hiện nay nước ta mới có hơn 117.000 liều vaccine, số lượng tương đối ít. Cuối tháng 4 sẽ có lô vaccine tiếp theo về với số lượng lên đến hàng triệu liều và sẽ tiếp tục tiêm. Khi có đến đâu sẽ tiêm đến đó theo lộ trình. Hiện Bộ Y tế đã sẵn sàng tất cả cơ sở vật chất, con người, dây chuyền và bác sĩ để tiêm.

Về câu hỏi khi vaccine đủ thì có mở rộng đối tượng không, ông Cường cho biết, trong Nghị quyết 21 có nội dung khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện tiêm cho những trường hợp có nhu cầu. Còn trước mắt sẽ ưu tiên các đối tượng được ưu tiên, được miễn phí. Khi có đủ vaccine sẽ mở rộng để tiêm theo nhu cầu.

Trước đó, hơn 117.000 liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca đã về sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) vào sáng 24.2. Đây là lô vaccine do hãng dược AstraZeneca (Anh) sản xuất, công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) nhập khẩu. Trước đó, VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong năm 2021. Số vaccine do này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều.

Như vậy, lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu trong tháng 2 này đã về Việt Nam sớm hơn dự kiến ban đầu. Theo Bộ Y tế, số này có thể tiêm cho những đối tượng ưu tiên như lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch: Người làm việc ở các cơ sở y tế gồm bác sĩ điều trị, nhân viên xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu; người tham gia phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo các cấp; người làm trong khu cách ly; làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ; tình nguyện viên, phóng viên tham gia phòng chống dịch...).

Ngay sau khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành các thủ tục thông quan, lô vaccine COVID-19 đầu tiên này sẽ được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, với hệ thống bảo quản nghiêm ngặt theo khuyến cáo của nhà sản xuất và nhập kho lạnh bảo quản tại TPHCM (Lao động, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang