Sạt nghiệp vì không có BHYT
Mắc bệnh hiểm nghèo đột ngột, không có BHYT khiến rất nhiều gia đình rơi vào tình trạng nghèo hóa nhanh chóng. Mỗi năm BV Bạch Mai có hàng trăm trường hợp như thế (Chi tiết xem báo Tiền phong, trang 1).
Số trẻ viêm phổi tăng cao do thời tiết thất thường
Những ngày thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường như hiện nay đang khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng gấp 1,3-1,5 lần ngày thường. Theo BS Trương Văn Quý – Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) hiện mỗi ngày, các bác sĩ của Khoa phải tiếp nhận khoảng 400-500 trẻ đến khám, trong đó ¼ là các bệnh liên quan đến hô hấp, viêm phổi. Số trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tăng hơn trước 10-15%.
Bé Nguyễn Thị Mai A. nhập viện Nhi Trung ương khi đã bị suy hô hấp nặng. Các bác sĩ phải tiến hành kháng sinh đồ để điều trị cho cháu. Hỏi ra mới biết, khi thấy cháu bị ho, mẹ cháu đã không đưa đến Bệnh viện mà ra hiệu thuốc tự ý mua kháng sinh về điều trị. Thuốc không đúng bệnh khiến cháu bé ngày càng nặng, khó thở khi đó, gia đình mới đưa đến Bệnh viện.
Hay như cháu Trần Duy T. bị ho và sốt, bố cháu đã tự ý đi mua thuốc về cho con theo đơn lần trước do bác sĩ điều trị kê, mà không biết rằng, bệnh của cháu lần này không giống lần trước, dẫn đến cháu bị biến chứng nặng. Nhiều gia đình còn “tự làm bác sĩ” và ra hiệu thuốc chọn thuốc điều trị cho con dù không có kiến thức về y tế và chỉ khi bệnh trở nặng, suy hô hấp nặng mới hốt hoảng đưa con nhập viện.
Việc làm này rất nguy hiểm vì khiến cho việc chữa trị cho trẻ khó khăn hơn và kéo dài hơn, thậm chí có trẻ còn phải thở máy điều trị do viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản, thậm trí trẻ có thể tử vong nếu đến quá muộn. Dĩ nhiên, khi đưa đến Bệnh viện muộn thì việc điều trị sẽ kéo dài hơn nhiều, làm tăng chi phí chữa bệnh.
Theo các bác sĩ, tình trạng có nhiều bé bị biến chứng thành viêm phổi nặng, suy hô hấp nặng…là do bố mẹ tự ý mua thuốc về điều trị hoặc ra hiệu thuốc để người bán thuốc kê đơn, dù không khám bệnh cũng như, khá phổ biến.
BS. Trương Văn Quý lưu ý các bậc phụ huynh là bệnh viêm phổi có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân nhập viện điều trị hàng đầu trong các bệnh lý hô hấp. Bệnh dễ diễn biến nhanh, nặng nhanh nếu không phát hiện điều trị kịp thời, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Hiện nay, 60-70% trường hợp trẻ mắc viêm phổi là do virus. Các loại virus hay gặp là hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm, Adenovirus, Rhinovirus...
Các trường hợp còn lại có thể do vi khuẩn hoặc các nguyên nhân khác... Vì vậy, không phải lúc nào trẻ bị viêm đường hô hấp cũng điều trị bằng kháng sinh. Vì thế, các bậc cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua kháng sinh mà cần đưa trẻ đến bác sĩ khám và đưa ra quyết định điều trị.
Các bác sĩ cho biết, những trẻ dễ mắc bệnh nặng hô hấp và nguy cơ tử vong cao là trẻ dưới 12 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh; trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân do suy dinh dưỡng bào thai; trẻ không được bú sữa mẹ; trẻ bị mắc các bệnh bẩm sinh như: tim bẩm sinh, dị dạng bộ máy hô hấp, suy giảm miễn dịch bẩm sinh; cơ địa dị ứng vv… Việc thay đổi khí hậu, môi trường sống ô nhiễm, nhất là suy dinh dưỡng là những yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ mắc bệnh hô hấp.
BS. Trương Văn Quý chỉ ra những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phổi ở trẻ nhằm giúp các bậc phụ huynh sớm phát hiện trẻ mắc bệnh để đưa đi điều trị. Theo đó, dấu hiệu bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể nhận biết qua các triệu chứng thường gặp như ho, mệt, bú kém, chảy mũi, khò khè, thở nhanh, khó thở và trẻ có thể bị tím tái nếu tiến triển nặng.
Khi thấy trẻ có các dấu hiện trên thì các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị. Đặc biệt, nếu trẻ trẻ sốt cao hơn và tần số sốt dầy hơn, mệt và li bì hơn, ăn uống kém, thở nhanh chứng tỏ bé đã bị bệnh nặng. Do đó, phụ huynh nên vén áo, quan sát lồng ngực để đếm nhịp thở vì trẻ bị viêm phổi có nhịp thở nhanh, là dấu hiệu nhận biết sớm. Ngoài ra, khi có biến chứng suy hô hấp sẽ có các dấu hiệu rút co rút lồng ngực khi thở và bị tím tái.
Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, ngay từ khi có thai các bà mẹ cần được chăm sóc dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, đầy đủ. Chăm và nuôi dưỡng trẻ trong môi trường vệ sinh; đặc biệt chú ý tránh khói thuốc lá, khói than, bụi bẩn và tiêm chủng đầy đủ đúng theo lịch quy định vẫn là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.
“Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ, vì có thể làm trẻ bị nặng thêm do chậm được đưa đến cơ sở y tế, hoặc do thuốc không đúng bệnh” là khuyến cáo của các bác sĩ nhi khoa. (Công an nhân dân, trang 2; An ninh Thủ đô, trang 7).
Ngành Y tế cần có khuyến cáo cho người dân
Trong mấy tuần gần đây, thời tiết miền Bắc bước vào giai đoạn giao mùa, nhiệt độ trong một ngày thay đổi hết sức thất thường dường như đủ cả bốn mùa, ngay cả người lớn cũng khó thích nghi. Vì thế, số trẻ mắc các bệnh hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng tới 30-50% so với các tháng bình thường, đặc biệt nhiều trường hợp trẻ bị viêm phổi cấp phải nhập viện. Vậy các bậc cha mẹ cần ứng xử như thế nào?
Ghi nhận tại Khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có tới 400-500 bệnh nhi được gia đình đưa đến khám, đáng lưu ý trong đó có tới 25-30% là các bệnh liên quan đến hệ hô hấp. Các bác sĩ chuyên khoa nhi khuyến cáo, biểu hiện viêm phổi ở trẻ em rất đa dạng và tùy thuộc từng giai đoạn của bệnh. Các triệu chứng ban đầu thường chỉ là ho, sốt, mệt mỏi, chảy nước mũi. Sau đó trẻ thở nhanh, khò khè là bệnh đã tiến triển nặng.
Chính vì vậy, theo các thầy thuốc, cần theo dõi sát sao những triệu chứng bệnh lý nặng hơn. Cụ thể là trẻ sốt cao hơn, tần số sốt dày hơn. Đặc biệt là khi trẻ mệt mỏi, sốt li bì hơn, thở gấp và ăn uống kém hẳn, thì cha mẹ phải nhanh chóng đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất, trước khi để xảy ra triệu chứng co giật, bí thở dẫn đến hậu quả khó lường.
Thực tế cho thấy, việc tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ cùng với những liều thuốc dân gian... đã dẫn đến những trường hợp đáng tiếc. Còn một tâm lý khá phổ biến là cha mẹ ngại đưa con vào bệnh viện, nhất là vào khi thời tiết giao mùa, tỷ lệ trẻ mắc bệnh gia tăng đột biến, bệnh viện quá tải. Nỗi lo phải chờ đợi, xếp hàng cùng với tình trạng lây nhiễm chéo là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp bệnh diễn biến phức tạp, bác sĩ giỏi cũng trở tay không kịp.
Mỗi năm thời tiết diễn biến mỗi khác, trái khoáy, khắc nghiệt và thất thường. Theo đó, bệnh tật, nhất là các loại bệnh giao mùa càng trở nên khó lường, khó điều trị hơn, nếu như ngành y tế không đưa ra những thông tin kịp thời, cũng như những tư vấn, khuyến cáo cho người dân. Về phía cộng đồng, không chủ quan đến mức bệnh nặng mới nhập viện, song cũng không quá hốt hoảng, hoang mang.
Bởi thế, thời tiết giao mùa chính là thời điểm thử thách ý thức tự chăm sóc sức khỏe của mỗi người dân. (An ninh Thủ đô, trang 7).
Phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh cho 2 bệnh nhi
Ngày 2-5, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết vừa phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh cho 2 bệnh nhi thành công. Theo đó, ngày 28-4, Bệnh viện tiếp nhận 2 bệnh nhi là bé Lài Thị Q. (3 tuổi, trú tại xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) và bé Bùi Trường S. 2 tuổi, trú tại xã Đông Ngũ huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Các bé đều nhập viện trong tình trạng có khối phồng ở bẹn to lên khi quấy khóc, khi chạy nhảy hay gắng sức.
Các bệnh nhi được tiến hành xét nghiệm, siêu âm và chụp X-quang, kết quả cho thấy vị trí ống bẹn phải có khối thoát vị, kích thước khá to. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn chuyên khoa và chẩn đoán các bé bị thoát vị bẹn, đồng thời chỉ định phẫu thuật nội soi thắt ống phúc tinh mạc cho các bệnh nhi.
Đây là phương pháp can thiệp ít, đường mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, bệnh nhân đau ít, có thể đi lại sau vài tiếng đồng hồ. Cả 2 ca mổ đều tiến hành trong thời gian rất ngắn, do BS. Nguyễn Quốc Hùng và BS., Bùi Hải Nam Nam trực tiếp phẫu thuật. Ca mổ đầu tiên mất 15 phút, ca thứ 2 chỉ còn 10 phút.
Theo BS. Nguyễn Quốc Hùng, thoát vị bẹn là dị tật bẩm sinh do còn ống phúc tinh mạc nên khi tăng áp lực ổ bụng, ruột chui xuống bìu. Nếu không phẫu thuật kịp thời, nếu ruột chui xuống, bị nghẹt lại dễ gây nguy cơ hoại tử ruột. (Công an Nhân dân, trang 2).