Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và động viên tinh thần y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy
Chiều 1/6/2021, Đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc về công tác phòng chống dịch COVID-19 và động viên tinh thần đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS.BS CK2 Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành phân luồng, chuyển khoa Tai mũi họng và Nội hô hấp sang tòa nhà đối diện (số 620 Nguyễn Chí Thanh, phường 4, quận 11, TP.HCM), đồng thời tạm thời ngưng hoạt động Khoa Chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu và Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật – HECI vốn đang hoạt động khám chữa bệnh tại tòa nhà này.
Lý do là các bệnh nhân Khoa Tai mũi họng và Nội hô hấp thuộc nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc COVID-19 cao, nên nếu phát hiện ca dương tính và buộc phải phong tỏa, thì chỉ tòa nhà số 620 Nguyễn Chí Thanh bị phong tỏa, không ảnh hưởng đến toàn bệnh viện cũng như bệnh nhân ở các khoa khác.
Bên cạnh đó, Phòng khám chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tạm ngưng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch; công tác khám sàng lọc được siết chặt từ việc khai báo y tế đến phân luồng nhóm đối tượng có nguy cơ…
Theo TS.BS CK2 Nguyễn Tri Thức, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập các vùng đệm và hàng hóa, thức ăn, thuốc men… sẽ không trực tiếp chuyển vào bệnh viện mà sang vùng đệm, sau đó sẽ có nhân viên của bệnh viện với các trang phục bảo hộ sẽ ra nhận từ vùng đệm.
Bệnh viện cũng đã lên phương án dự phòng để tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có phương án lấy nguyên một dãy nhà với khoảng 270 giường bệnh để chuyển sang điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời lên các phương án phân luồng di chuyển trong những trường hợp này…
Sau khi nghe các báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy về công tác phòng chống dịch COVID-19, cũng như lắng nghe những chia sẻ của đội ngũ y bác sĩ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Về hoạt động chuyên môn, chúng ta cần phát triển mạnh hơn nữa hệ thống khám chữa bệnh tại khu vực Nam Trung Bộ cũng như khu vực miền Trung với vai trò đầu tàu là Bệnh viện Chợ Rẫy".
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, diễn biến dịch bệnh tại TP.HCM đang phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục gia tăng, lây lan nhanh là điều đáng quan ngại. TP.HCM cần chuẩn bị tâm lý để đối mặt với việc các ca bệnh sẽ gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, Cục Quản lý khám chữa bệnh phải củng cố hệ thống hồi sức cấp cứu, tập huấn chuyên sâu cho các đơn vị để điều trị các ca bệnh nặng. Đây là điều rất khó về mặt chuyên môn nhưng nếu không củng cố ở tuyến cơ sở, khi dịch bệnh bước vào giai đoạn căng thẳng, số ca bệnh đẩy lên tuyến trên sẽ rất nhiều và tình hình sẽ càng căng thẳng thêm. Đồng thời các bệnh viện phải rà soát lại về tất cả các yếu tố chuyên môn, trang thiết bị.
"Về tinh thần chung, tất cả chúng ta đang ở trong trạng thái báo động cao, chuẩn bị lực lượng cho việc điều trị trên một diện rộng, cho nên chúng tôi đặt rất nhiều niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, với những nhiệm vụ vừa tập huấn, đào tạo cho các tuyến, vừa tăng cường chuẩn bị cho những kịch bản, những tình huống xấu nhất có thể xảy ra…", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh. (Gia đình & Xã hội, trang 2)
Việt Nam đàm phán mua 20 triệu liều vắc xin Sputnik V phòng COVID-19 trong năm 2021
Thông tin trên được GS.TS Nguyễn Thanh Long- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra sau cuộc làm việc với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga về vấn đề vắc xin phòng COVID-19 chiều ngày 02/6/2021.
Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế, các Vụ/Cục liên quan của Bộ Y tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chúc mừng Nga đã phát triển vắc xin phòng COVID-19 thành công, đặt dấu ấn quan trọng cho công tác phòng chống dịch của Nga. Bộ Y tế hiện đã cấp phép cho vắc xin Sputnik V phòng COVID-19 của Nga từ tháng 3/2021.
Nga ủng hộ đề xuất của Việt Nam về cung ứng, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay nhu cầu vắc xin trên toàn cầu rất lớn, Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc xin phòng COVID-19 để có thể tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam sớm nhất và nhanh nhất. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả, kiểm soát dịch tốt nên việc cung ứng vắc xin của các nước cho Việt Nam vẫn theo lộ trình, kế hoạch mà các nhà sản xuất, phân phối đã đưa ra.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, ngay từ tháng 8/2020, Việt Nam đã có thư ngỏ đề xuất mua vắc xin phòng COVID-19 của Nga, tuy nhiên vì điều kiện sản xuất nên chưa đảm bảo cung ứng cho các nước, trong đó có Việt Nam. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục chủ động đàm phán với phía Nga để có vắc xin sớm nhất phục vụ nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Đến hôm nay, phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin trong năm 2021.
“Đây là một kết quả tích cực cho quá trình đàm phán liên tục, không ngừng của Bộ Y tế để có vắc xin”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó để đảm bảo an ninh vắc xin trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin là rất cần thiết, vì vậy Bộ Y tế đã giao các đơn vị của Bộ khẩn trương đàm phán, thống nhất với đối tác về vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, Công ty Vabiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và dự kiến đến tháng 7/2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vắc xin phòng COVID-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng. Đây là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập nhà máy sản xuất vắc xin công suất lớn tại Việt Nam nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.
“Trong cuộc đàm phán chiều nay, phía Nga hoàn toàn ủng hộ những đề xuất này của phía Việt Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin và bày tỏ hy vọng những đề xuất này sớm đi vào thực tiễn để đảm bảo vắc xin cho Việt Nam trong tương lai.
Nỗ lực không ngừng để có vắc xin COVID-19 nhiều nhất, sớm nhất cho nhu cầu tiêm chủng của người dân
Cũng theo GS. TS Nguyễn Thanh Long ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế đang nỗ lực cao nhất để có thêm vắc xin phòng COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bên cạnh nguồn vắc xin của Nga, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán, tiếp cận với các nguồn vắc xin khác như COVAX; Astra Zeneca; Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson…
Bộ Y tế đã đàm phán thành công 38,9 triệu liều vắc xin COVID-19 qua nguồn COVAX, tuy nhiên, hiện vắc xin về chưa nhiều, do vậy, Bộ Y tế đang thúc đẩy COVAX làm sao sớm đưa vắc xin về Việt Nam nhiều nhất, sớm nhất; Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vắc xin phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Việt Nam đã đàm phán thành công và ký kết với Pfizer/BioNTech cung ứng 31 triệu liều vắc xin COVID-19; trước đó từ tháng 11/2020, Việt Nam cũng đã đàm phán và ký kết với Astra Zeneca khoảng 30 triệu liều vắc xin COVID-19.
“Như vậy, đối với nguồn cung ứng của Nga, của Mỹ và của Anh, có thể nói rằng, chúng ta đã dần dần hướng tới mục tiêu mua đủ 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng cho biết thêm, Bộ Y tế vẫn đang tích cực đàm phán tiếp tục để tăng thêm nguồn cung ứng vắc xin cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành y tế cũng thông tin Việt Nam mong muốn tham gia vào trong chuỗi cung ứng vắc xin của toàn cầu. Việt Nam đã đặt vấn đề với COVAX về việc này. Chúng ta thúc đẩy mua công nghệ, chuyển giao công nghệ để làm sao sớm sản xuất được vắc xin trong nước. Song song đó, Bộ Y tế cũng thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị trong nước nghiên cứu và chuẩn bị sản xuất vắc xin để đảm bảo vắc xin trong tương lai đảm bảo an ninh y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Thanh niên, trang 3; An ninh thủ đô, trang 3; Tiền phong, trang 5)
Việt Nam gấp rút hoàn tất thử nghiệm vắc xin COVID-19 Nano Covax để cấp phép tiêm cho người dân
PGS.TS Chử Văn Mến, Học viện Quân y cho biết, giai đoạn 3 thử nghiệm vắc xin COVID-19 Nano Covax của Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6 này. Học viện Quân y sẽ tiêm thử nghiệm trên 13.000 tình nguyện viên, trong 1 tuần sẽ hoàn tất. Nếu dịch COVID-19 bùng phát trong nước, hội đồng đạo đức Bộ Y tế sẽ đề nghị Chính phủ họp để cấp phép tiêm vắc xin này cho người dân.
Theo PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y, trong giai đoạn 3 thử nghiệm vắc xin Nano Covax, Học viện Quân y sẽ tiêm thử nghiệm trên 13.000 tình nguyện viên, với 1 liều duy nhất 25 microgam. Giai đoạn này tăng số lượng người thử nghiệm, tăng mẫu lên để đánh giá thêm về tính an toàn và tính sinh miễn dịch của nhóm liều 25 microgam.
Với quy mô của đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, dự kiến việc tiêm thử nghiệm sẽ cố gắng tiến hành trong vài ngày đến 1 tuần có thể tiêm hết.
PGS.TS Chử Văn Mến cho biết, hiện tại đường link đăng ký trực tuyến tiêm vắc xin Nano Covax mới mở được 3 ngày nhưng đã có gần 1700 người đăng ký tiêm là những người trong học viện Quân Y. Ngoài ra, có nhiều người đang làm việc tại các công ty tư nhân cũng đăng ký tiêm thử nghiệm vắc xin. Cũng có những công ty đăng ký tiêm cho cả công ty (300 tới 500 người). Đây là những công ty bình thường, không liên quan tới y dược.
“Số người đăng ký tiêm thử nghiệm đông như vậy là nhờ kết quả giai đoạn 2 khá tốt và an toàn nên người dân đều có niềm tin vào vắc xin này” - PGS.TS Chử Văn Mến cho biết.
Đánh giá về kết quả triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax, PGS.TS Chử Văn Mến cho rằng: Hiệu quả của vắc xin và tính an toàn về cơ bản được đánh giá tốt. Hiện Học viện Quân y vẫn đang triển khai lần thăm khám thứ 6 cho các tình nguyện viên vào thời điểm 3 tháng sau tiêm mũi thứ nhất.
Trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 2, ở phía Bắc và phía Nam đều triển khai rất tốt, phía Học viện Quân Y đã tiêm xong cho 273 người, phía Long An cũng đã tiêm xong, chỉ còn một vài nơi hiện đang là vùng dịch phải giãn cách nên việc bố trí lấy mẫu có chút khó khăn.
Qua giai đoạn 2 cho thấy, hiệu quả sinh kháng thể của vắc xin tốt nhất đạt khoảng trên 90%, hiện còn phải đánh giá chỉ tiêu vàng là trung hòa virus sống. “Chúng tôi cũng đã chuyển mẫu sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá đảm bảo tính khách quan.”- PGS.TS Chử Văn Mến cho biết.
Học viện Quân y và nhóm nghiêm cứu đang cố gắng phối hợp các bên để báo cáo kết quả giữa kỳ giai đoạn 2. Theo đánh giá bước đầu, tỷ lệ sốt sau khi tiêm dưới 2%. Bộ Y tế sẽ có một buổi thông qua Hội đồng đạo đức, sau đó sẽ triển khai ngay thử nghiệm giai đoạn 3.
Theo PGS.TS Chử Văn Mến, trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 có khó khăn là đang trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, việc triển khai phải đảm bảo giãn cách vì số lượng người tiêm đợt này rất đông, nếu vô tình có trường hợp F0, F1 lọt vào đơn vị là có thể phải đóng cửa, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thử nghiệm.
Vì vậy Học viện quân y phải chuẩn bị kỹ càng việc sàng lọc dịch tễ, quét thân nhiệt, khai báo y tế ngay từ phía ngoài, lập phần mềm quét sàng lọc, áp dụng triệt để các biện pháp nhằm chống dịch tốt nhất. Đồng thời Học viện Quân y cũng bố trí các phòng theo dõi sau tiêm thoáng, rộng để đảm bảo an toàn phòng dịch.
PGS.TS Chử Văn Mến cho biết, với vắc xin Nano Covax, việc được duyệt cấp phép còn phụ thuộc vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 tới đây. Hiện nhà sản xuất, nhóm nghiên cứu đã sẵn sàng các khâu chuẩn bị nguyên liệu, các quy trình để có thể đưa vào sản xuất khi được Bộ Y tế phê duyệt, cấp phép.
PGS.TS Chử Văn Mến cho hay: Nếu dịch COVID-19 bùng phát trong nước, hội đồng đạo đức Bộ Y tế sẽ đề nghị Chính phủ họp để cấp phép tiêm cho người dân. Năng lực sản xuất vắc xin của Việt Nam hiện nay là 6 triệu liều/tháng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 9)
VNVC và hành trình tự hào đưa vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam
Với sự nhanh nhạy, chủ động, năng lực vượt trội và dám chấp nhận rủi ro lớn, cùng sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) là đơn vị đầu tiên mang 30 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam, kịp thời cùng Bộ Y tế triển khai tiêm chủng cho cán bộ tuyến đầu chống dịch.
Chính vì những đóng góp đặc biệt đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen cho VNVC cho những thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Dám chấp nhận rủi ro lớn
Giữa bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với nhiều diễn biến phức tạp, người dân cả nước vững tâm khi Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo bằng mọi giá phải “thần tốc” tiêm vắc xin cho toàn dân, tạo điều kiện cho mọi nguồn lực xã hội tham gia tìm kiếm, đặt mua vắc xin về cho đất nước, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tiếp tục nhận lô thứ 2 với 287.600 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca theo Hợp đồng đặt mua 30 triệu liều với AstraZeneca, nâng tổng số vắc xin đã về Việt Nam theo hợp đồng này là 405.200 liều.
Với hợp đồng VNVC đặt mua 30 triệu liều của AstraZeneca (theo sau Bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Bộ Y tế, AstraZeneca Việt Nam và VNVC), Việt Nam có được những liều vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên, đồng thời trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực Châu Á tiếp cận với loại vắc xin phòng COVID-19 uy tín hàng đầu thế giới.
Ngay lô vắc xin đầu tiên, trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, VNVC đã ngay lập tức chuyển giao vắc xin cho Bộ Y tế, phối hợp Bộ Y tế kịp thời triển khai tiêm chủng cho cán bộ tuyến đầu chống dịch ở 13 tỉnh thành trên toàn quốc.
Đây là minh chứng cho sự nhanh nhạy, chủ động, quyết liệt của Hệ thống tiêm chủng hàng đầu Việt Nam với sự ủng hộ của Bộ Y tế khi âm thầm chấp nhận mọi rủi ro, mạo hiểm, đầu tư lớn và chuẩn bị sẵn mọi điều kiện để sẵn sàng “thần tốc” triển khai tiêm vắc xin cho nhân dân.
Vắc xin – Vũ khí đắc lực trong công tác phòng chống dịch
Lô vắc xin phòng COVID-19 thứ 2 về lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trở thành vũ khí đắc lực trong công tác phòng chống dịch, trước bối cảnh dịch bùng phát diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với đa nguồn lây, đa biến chủng và nhiều ổ dịch lan rộng ở 30 tỉnh/thành phố, nhu cầu tiêm chủng vắc xin của người dân, công nhân là rất lớn.
Với tinh thần tuân thủ quyết định của Chính phủ, đồng hành với công tác chống dịch của toàn Đảng, toàn dân, với lô vắc xin thứ 2 này, VNVC dự kiến tiếp tục chuyển giao số vắc xin này cho Bộ Y tế theo nguyên tắc phi lợi nhuận giống như lô vắc xin đầu tiên đã chuyển giao cho Bộ Y tế vào tháng 02/2021, với giá vắc xin bằng đúng giá VNVC mua của AstraZeneca, toàn bộ chi phí rủi ro, vận chuyển, bảo quản vắc xin… sẽ do VNVC tự chi trả, ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng cho toàn bộ Hợp đồng.
Việc VNVC đưa thêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam cũng đặc biệt phù hợp với chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ việc “thần tốc” đẩy nhanh việc tiếp cận và đặt mua vắc xin phòng chống COVID-19. Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại gần 80 quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bằng chứng đời thực mới nhất từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh (Public Health England), thuộc Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Vương quốc Anh cho thấy, với những người đã tiêm chủng đủ 2 liều, vắc xin đạt hiệu lực bảo vệ lên đến 89% trong việc phòng ngừa COVID-19 có triệu chứng.
Những cột mốc đáng nhớ
Ngày 01/02/2021, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt có điều kiện vắc xin này cho nhu cầu cấp bách trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ngày 24/02/2021, lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên theo hợp đồng VNVC đặt mua 30 triệu liều của AstraZeneca đã về đến Việt Nam, gồm 117.600 liều. Với lô vắc xin này, Việt Nam có được những liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên, đồng thời trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với loại vắc xin phòng COVID-19 uy tín hàng đầu thế giới.
Ngay lúc đó, trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, VNVC đã ngay lập tức chuyển giao vắc xin cho Bộ Y tế, phối hợp Bộ Y tế kịp thời triển khai tiêm chủng cho cán bộ tuyến đầu chống dịch ở 13 tỉnh thành trên toàn quốc.
Lô vắc xin đầu tiên về Việt Nam rất ý nghĩa ở thời điểm đợt bùng phát dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp tại Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… Với lô vắc xin này, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với loại vắc xin phòng COVID-19 uy tín hàng đầu thế giới.
Tính đến tháng 05/2021, VNVC đã đưa về Việt Nam tổng cộng 405.200 liều vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca. Sau lô vắc xin thứ 2 này, dự kiến trong các tháng tiếp theo, VNVC sẽ tiếp tục nhận thêm hàng triệu liều vắc xin AstraZeneca mỗi tháng.
Để có được 30 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 quý giá từ nhà sản xuất AstraZeneca và Đại học Oxford danh tiếng, tháng 11/2020, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC đã đặt cọc 30 triệu đô la để được quyền mua vắc xin ngay từ khi vắc xin này còn đang được nghiên cứu. Bên cạnh đó, VNVC còn phải chứng minh các năng lực về nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, triển khai tiêm chủng và cam kết bình đẳng, chống gian lận, phá giá, tăng giá trong triển khai tiêm chủng...
Thành công trong đặt mua vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca khẳng định năng lực toàn diện và vượt trội của VNVC, không chỉ trong hoạt động tiêm chủng vắc xin phục vụ hàng chục triệu gia đình Việt, mà còn là năng lực nhập khẩu vắc xin, là đối tác chiến lược, toàn diện của nhiều hãng vắc xin hàng đầu thế giới. Cũng là minh chứng cho nỗ lực thực hiện cam kết mang các loại vắc xin mới và quan trọng hàng đầu trên thế giới về cho người dân Việt Nam.
Bên cạnh hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vắc xin từ AstraZeneca, VNVC cũng đã đầu tư lớn và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất về hệ thống kho lạnh bảo quản, vận chuyển vắc xin, mở rộng tăng thêm số lượng trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, tuyển dụng và đào tạo hàng ngàn bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên... đầu tư lớn hạ tầng công nghệ thông tin… để có thể tiếp nhận, bảo quản số lượng lớn vắc xin, sẵn sàng chiến dịch tiêm chủng diện rộng, "thần tốc" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với năng lực tiêm chủng cho 3-5 triệu người/tháng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 16)
TP.HCM cấp tập dập dịch
Đối mặt tình hình F0 ngoài cộng đồng đang lây lan dịch bệnh và có thể xuất hiện ổ dịch không rõ nguồn lây, TP.HCM đang cấp tập đồng loạt triển khai các biện pháp, kế hoạch... để sớm dập dịch Covid-19.
Chiều 2.6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với TP.HCM về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM và công tác ứng phó.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhìn nhận ổ dịch liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (hẻm 415 Nguyễn Văn Công, P.3, Q.Gò Vấp) rất phức tạp. Ban đầu, nhóm sinh hoạt tôn giáo này khai có 22 người nhưng sau đó tăng lên 55 người, hiện có 40 thành viên dương tính với Covid-19, cư trú tại 16/22 quận huyện của TP.HCM. Một số thành viên của nhóm này đã lây lan dịch bệnh ra một số khu công nghiệp (KCN) và địa phương lân cận. Trong đó, Long An phát hiện một ca nhiễm là đầu bếp khách sạn Sheraton (Q.1), sau đó xác minh có thêm 14 thành viên khác cũng liên quan đến điểm truyền giáo, những người này từng đến nhà thờ Tin lành.
Sáng 2.6, Long An đã áp dụng Chỉ thị 15 ở 5 huyện giáp với TP.HCM. Theo ông Bỉnh, ngành y tế vẫn chưa chắc chắn còn thành viên nào của nhóm truyền giáo trên chưa được phát hiện và các thành viên của nhóm có mối liên hệ với các nhóm khác hay không.
Ứng dụng công nghệ robot gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe người dân
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, một số nghiên cứu mới đây chỉ ra khoảng 60 - 70% ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng nên công tác lấy mẫu tầm soát cần thực hiện ở những khu vực có tính toán trước. Để nâng cao hiệu quả xét nghiệm tầm soát, ngành y tế cần chủ động hỏi thăm sức khỏe người dân bên cạnh hình thức khai báo y tế.
Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM nên triển khai thêm biện pháp ứng dụng công nghệ robot gọi điện tự động đang được triển khai ở Bắc Giang và Bắc Ninh phục vụ công tác tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, hệ thống sẽ lấy toàn bộ dữ liệu ở TP.HCM rồi phân nhóm, những khu vực nguy hiểm thì triển khai gọi điện hỏi thăm người dân các triệu chứng và chủ động đến lấy mẫu xét nghiệm. Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-CN phối hợp với Bộ TT-TT tổ chức triển khai, đồng thời lưu ý cách làm cần phải tránh trùng lắp để người dân không cảm thấy khó chịu.
Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM nên triển khai thêm biện pháp ứng dụng công nghệ robot gọi điện tự động đang được triển khai ở Bắc Giang và Bắc Ninh phục vụ công tác tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, hệ thống sẽ lấy toàn bộ dữ liệu ở TP.HCM rồi phân nhóm, những khu vực nguy hiểm thì triển khai gọi điện hỏi thăm người dân các triệu chứng và chủ động đến lấy mẫu xét nghiệm. Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-CN phối hợp với Bộ TT-TT tổ chức triển khai, đồng thời lưu ý cách làm cần phải tránh trùng lắp để người dân không cảm thấy khó chịu.
Truy tìm F0 khắp nơi
Ở một diễn biến khác, liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (Q.Gò Vấp) đã lây ra cho hơn 200 trường hợp nhiễm bệnh, các chuyên gia nhận định, số người lây nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên. Để dập dịch, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo lấy mẫu không chỉ khu vực có ca bệnh, mở rộng khu vực nguy cơ thì còn lấy mẫu tại các doanh nghiệp, KCN. Theo ước tính, nếu lấy hết khu vực doanh nghiệp, KCN, TP.HCM lấy khoảng 1,6 triệu mẫu. Trước mắt là các KCN, khu công nghệ cao để giám sát.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng đến điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu khẩn trương điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm người mắc bệnh. Đối với các phường có nhiều ca bệnh như: 3, 5, 9, 15 (Q.Gò Vấp) và P.Thạnh Lộc (Q.12), P.15 (Q.Bình Thạnh)... thực hiện xét nghiệm mở rộng cho người dân toàn phường. Đối với các phường ít ca bệnh thì xét nghiệm khoanh vùng rộng cho khu phố có ca bệnh và những khu phố lân cận theo tổ bầu cử (khoảng 1.500 - 2.000 người). Còn đối với các khu chung cư, tòa nhà có căn hộ, văn phòng công ty phát hiện ca bệnh thì lấy mẫu toàn bộ người cư trú, người làm việc trong tòa nhà do môi trường nguy cơ cao lây nhiễm (khép kín, máy lạnh), nhiều khu vực thông thương sử dụng chung...
Theo Giám đốc Sở Y tế, TP.HCM huy động lực lượng toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày (xét nghiệm 20.000 mẫu gộp). Ngành y tế đảm bảo năng lực thực hiện xét nghiệm Covid-19, những ngày vừa qua trung bình xét nghiệm 50.000 người/ngày (10.000 mẫu gộp/ngày). Ông Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Gò Vấp, cho biết thêm tính từ ngày 26.5 đến nay, toàn Q.Gò Vấp đã lấy khoảng 160.000 mẫu, một kỷ lục chưa từng có để phát hiện hàng loạt F0 tại quận này.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin, từ ngày 1.6, TP.HCM mở rộng xét nghiệm ở các KCN, mà trọng điểm là các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và hàng linh kiện điện tử với khoảng 25.000 mẫu. Hiện TP.HCM tập trung lấy mẫu xét nghiệm các khu ký túc xá, khu công nhân, sau đó mở rộng ra toàn bộ 280.000 công nhân làm việc tại 17 KCN, KCX.
Trong 5 ngày qua, TP.HCM ghi nhận trung bình khoảng 50 ca nhiễm/ngày, ngành y tế đang truy vết thêm các thành viên có thể đã bỏ sót. Ngành y tế đã lấy mẫu 3.770 trường hợp F1, trong đó hơn 2.900 mẫu âm tính, số còn lại chờ kết quả; tổng số F2 và mở rộng xét nghiệm hơn 270.000 người, đến nay đã có gần 93.000 mẫu âm tính.
Theo ông Bỉnh, các ca nhiễm đã xuất hiện ở 20/22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, nhiều nhất là Q.Gò Vấp (54 ca), Q.12 (23), Bình Thạnh (22), Tân Phú (24), Tân Bình (25 ca)… Sở Y tế đánh giá các quận trên có dân số và mật độ dân cư cao, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.
Theo báo cáo của Ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ TP.HCM), hiện TP.HCM có 145 điểm sinh hoạt tôn giáo tương tự điểm truyền giáo Phục Hưng ở Q.Gò Vấp. Ngành y tế sẽ đưa các hội nhóm này vào diện xét nghiệm tầm soát.
Xét nghiệm cho bệnh nhân và người nhà
Ngày 2.6, Bệnh viện (BV) tâm thần Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) phong tỏa một phần vì có ca Covid-19 đến khám. Trước đó, BV Q.Bình Thạnh, BV Nhi đồng Thành phố, BV Phụ sản Mê Kông cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. BV Hoàn Mỹ Sài Gòn sau 3 ngày phong tỏa đã hoạt động trở lại. Riêng BV Q.Tân Phú tạm thời phong tỏa toàn bộ do phát hiện 2 nhân viên dương tính Covid-19. Ngoài ra, 3 phòng khám đa khoa phải ngừng là Hòa Hảo (Q.10), Trần Diệp Khanh (Q.Gò Vấp), Xóm Mới (Q.Gò Vấp).
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đã có nhiều trường hợp người bệnh mắc Covid-19 đến khám và điều trị tại phòng khám, BV nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Điều này dẫn đến BV, phòng khám phải tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân (BN) ngoại trú. Do đó, Sở Y tế yêu cầu, khi BN nhập viện để điều trị trong ngày hoặc điều trị nội trú, BV phải lấy mẫu xét nghiệm Realtime-PCR cho người bệnh và thân nhân người bệnh để tầm soát Covid-19. Nguồn kinh phí thực hiện từ quỹ BHYT thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 đối với BN có thẻ BHYT; ngân sách nhà nước chi trả đối với các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT.
“BV, phòng khám bố trí thêm cổng riêng hoặc lối đi riêng, có bảng thông báo rõ ràng cho những người bệnh chủ động đến khám tầm soát nguy cơ mắc Covid-19. Cổng và lối đi riêng sẽ giúp người bệnh di chuyển tới buồng khám sàng lọc thuận tiện, nhanh chóng, nhằm hạn chế người bệnh di chuyển nhiều nơi trong cơ sở khám, chữa bệnh”, ông Thượng yêu cầu. (Thanh niên, trang 2; Tiền phong, trang 4)
Áp dụng mô hình 'tách đôi bệnh viện'
Một mặt yêu cầu bệnh viện phải phân luồng và xét nghiệm người bệnh khám, nội trú nhằm phát hiện F0, TP.HCM vừa đưa ra mô hình 'tách đôi bệnh viện' để góp phần phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng xác nhận, Sở Y tế TP vừa đưa ra mô hình “tách đôi bệnh viện (BV)”, trong đó có phần dành cho bệnh nhân (BN) Covid-19, tách biệt với phần còn lại.
Với kế hoạch này, 2 BV sẽ được chuyển đổi một số chức năng để trở thành BV chuyên tiếp nhận BN Covid-19 người lớn (ngoài 2 BV dã chiến Củ Chi và Cần Giờ) là: BV Bệnh nhiệt đới và BV Phạm Ngọc Thạch. 2 BV chuyên tiếp nhận trẻ em là Nhi đồng Thành phố và Nhi đồng 2 dành các khối nhà độc lập (khoa nhiễm) chỉ chuyên tiếp nhận BN Covid-19. BV Chợ Rẫy sẽ bố trí một khoa hồi sức chuyên tiếp nhận BN người lớn nặng, ngoài BV Bệnh nhiệt đới.
Theo Sở Y tế TP, BV Phạm Ngọc Thạch là BV chuyên khoa về bệnh phổi và lao. Tuy nhiên, mô hình bệnh tật thay đổi trong thời gian qua: số lượng bệnh lao cần điều trị nội trú tại BV giảm rõ rệt, số lượng BN mắc các bệnh phổi không do lao ngày càng tăng cao.
Với một khuôn viên rộng lớn và môi trường thoáng với nhiều cây xanh, và nhất là với lộ trình phát triển hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ cho chuyên ngành “bệnh phổi không do lao” của BV Phạm Ngọc Thạch, kế hoạch triển khai theo mô hình BV tách đôi chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19 của BV Phạm Ngọc Thạch hoàn toàn khả thi.
Theo đó, một nửa BV (tính theo chiều dọc) tách biệt hẳn với một nửa còn lại, với cổng vào riêng, những khối nhà riêng (đã được bố trí những buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng không dùng điều hòa trung tâm...). Có cả khu vực cận lâm sàng riêng biệt, trong đó có xét nghiệm Realtime-PCR chẩn đoán Covid-19. Quy mô giường bệnh của một nửa BV chuyên phục vụ cho BN Covid-19 có thể lên đến 700 giường.
Theo Sở Y tế, mô hình “BV tách đôi” đã giúp Hàn Quốc thành công trong điều trị BN Covid-19.
Còn tại BV Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) cũng đã thành lập khoa khám bệnh số 2 dành cho người bị ho, sốt, mệt mỏi... Khoa này tách biệt với các khoa khác của BV. Người bệnh có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi sẽ được hướng dẫn, sàng lọc và khám riêng tại khoa khám bệnh số 2. (Thanh niên, trang 2)
Quỹ vắc xin COVID-19: Đóng góp nhỏ cũng được trân trọng, công khai
Ban quản lý Quỹ vắc xin COVID-19 vẫn cần thêm một số thủ tục để chính thức đi vào hoạt động, dự kiến trong ít ngày tới.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, Bộ Tài chính cho hay, tính tới 16h chiều 2/6, Quỹ vắc xin COVID-19 đã nhận được số tiền ủng hộ hơn 43,7 tỷ đồng, hơn 3.238 USD và 589 EUR. Số tiền này chỉ bao gồm những tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ trực tiếp tới tài khoản của quỹ được Bộ Tài chính công bố chiều 28/5 (chưa gồm các khoản ủng hộ mua vắc - xin qua Bộ Y tế và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo quy chế hoạt động của quỹ và gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan, dự kiến ban hành trong tuần này.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Ngân sách nhà nước - Bộ Tài chính, cho biết, Bộ được Chính phủ giao quản lý nguồn tài chính của Quỹ vắc - xin COVID-19. Về sử dụng khi nào, số tiền bao nhiêu, vào việc gì từ quỹ, các cơ quan liên quan sẽ tổng họp và báo cáo Thủ tướng quyết định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ cấp quỹ để Bộ Y tế mua vắc - xin hoặc hỗ trợ sản xuất vắc - xin trong nước. Theo ông Hưng, hiện Bộ Y tế được Chính phủ giao làm đầu mối duy nhất mua vắc - xin COVID-19, xác định nhóm ưu tiên được tiêm, nhóm mở rộng... theo số lượng vắc - xin thực tế mua được. Toàn bộ hoạt động thu, chi của quỹ được công khai trên cổng thông tin Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, được thanh tra, kiểm toán... theo quy định.
“Với các khoản tiền doanh nghiệp đã ủng hộ Chính phủ mua vắc - xin, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển vào Quỹ vắc xin COVID-19”, ông Hưng nói. Theo ông Hưng, ủng hộ quỹ là tự nguyện, nên không có mức tối thiểu hay tối đa, tất cả người dân đều có thể ủng hộ, dù nhỏ nhất cũng được trân trọng và công khai. Các khoản ủng hộ vào quỹ, doanh nghiệp sẽ được trừ khi tính thuế.
Bộ Tài chính dẫn tính toán của Bộ Y tế cho thấy, dự kiến Việt Nam cần mua 150 triệu liều vắc - xin phòng COVID-19 để tiêm cho khoảng 75 triệu người dân, tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng. Trong đó, tiền mua vắc - xin khoảng 21.000 tỷ đồng, tiền vận chuyển, bảo quản và tổ chức tiêm khoảng 4.200 tỷ đồng. Trong tổng kinh phí trên, ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, số còn lại từ ngân sách địa phương và huy động từ xã hội (khảng 9.200 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, trường hợp dịch COVID-19 kéo dài, nhu cầu vắc - xin hằng năm sẽ tăng cao với kinh phí lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân, nên cần huy động thêm các nguồn lực đóng góp từ xã hội. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ tiền mua vắc - xin và công tác phòng chống dịch COVID-19 gửi tới Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tổng số tiền tới nay khoảng 3.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, tiền từ Quỹ vắc - xin COVID-19 chủ yếu chi cho mua vắc - xin và hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vắc - xin trong nước. Quỹ tiếp nhận hỗ trợ đóng góp tự nguyện bằng tiền hoặc vắc - xin của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, chịu sự thanh kiểm tra của cơ quan nhà nước và giám sát của cộng đồng. (Tiền phong, trang 4)
TP.HCM ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19
Xác nhận với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết bệnh nhân nữ H.T.M., 37 tuổi - con gái chủ quán bánh canh O Thanh tại quận 3 - đã tử vong.
Ca tử vong được ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sáng nay, chính là ca tử vong đầu tiên ở TP.HCM và khu vực phía Nam kể từ khi dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam (28-1-2020). Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước có 48 ca tử vong vì COVID-19 được công bố (chưa tính ca này).
Bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sau cùng là mắc COVID nặng, sốc nhiễm trùng, suy tim trên cơ địa tăng huyết áp, bệnh thận mạn giai đoạn cuối.
Đây là ca tử vong do COVID-19 đầu tiên ở khu vực phía Nam trong đợt dịch này. Bệnh nhân M. là 1 trong 5 bệnh nhân nhiễm COVID-19 liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại quán bánh canh O Thanh ở quận 3 mà ngành y tế phát hiện từ ngày 21-5.
Theo Sở Y tế TP.HCM, chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại quán bánh canh O Thanh ở quận 3 phát hiện ngày 21-5 gồm 5 bệnh nhân BN4780, BN4781, BN4782, BN5329, BN5463.
Kết quả điều tra truy vết khoanh vùng xác định có 174 người tiếp xúc gần, 835 người tiếp xúc khác.
Ngành y tế TP.HCM đã mở rộng xét nghiệm cho 1.382 người, đến nay chưa phát hiện thêm người mắc bệnh có liên quan chuỗi này. Đặc biệt, kết quả giải trình tự gene các bệnh nhân trong chuỗi lây nhiễm là biến chủng Anh.
Trước đó, khoa hồi sức cấp cứu người lớn đang tiếp nhận điều trị cho 6 ca nặng. Trong đó, bệnh nhân H.T.M. được đánh giá nặng nhất, đang thở máy và lọc máu.
Trong các ngày qua, tình trạng bệnh nhân diễn tiến hô hấp xấu, sốc nhiễm trùng kém đáp ứng vận mạch liều cao. Bệnh nhân bị cao huyết áp, suy thận mạn giai đoạn cuối và tiên lượng tử vong.
Bệnh nhân này có mã số BN5463, là F1 của BN4780. Kết quả xét nghiệm ngày 24-5 dương tính với SARS-CoV-2.
Trong lúc chờ kết quả khẳng định, bệnh nhân được chuyển vào khu cách ly của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và được chuyển qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM lúc 4h sáng 25-5. Như vậy sau 9 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu bệnh nhân này có nhiều bệnh nền (cơ địa cao huyết áp, suy thận mạn giai đoạn cuối) đã được lọc màng bụng liên tục 6 năm nay. (Tuổi trẻ, trang 3).