“Nóng” chuyện học phí trường y
Tại cuộc họp Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học (ĐH) khối ngành sức khỏe của TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 vừa diễn ra tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, câu chuyện tăng học phí nhóm ngành y dược tiếp tục trở thành đề tài nóng...
Bàn đến chuyện học phí của sinh viên nhóm ngành sức khỏe, PGS, TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: Với mức thu chỉ 13 triệu đồng/sinh viên/năm như hiện nay, nhà trường đang rất khó khăn. Trường đang phối hợp 62 bệnh viện và trung tâm y tế để người học có đủ môi trường thực hành. Thế nhưng, chi phí mà trường chi trả cho các bệnh viện thậm chí “không đủ để sinh viên rửa tay với xà phòng sát khuẩn” chứ chưa nói là sử dụng những thiết bị, dụng cụ khác. “Nhiều lúc đích thân hiệu trưởng phải gọi điện năn nỉ bệnh viện để duy trì mức chi phí thấp vì chỉ cần một, hai bệnh viện tăng, mấy chục bệnh viện còn lại tăng theo thì trường không đủ khả năng chi trả. Chúng tôi thật sự rất lo lắng”, PGS, TS Ngô Minh Xuân tâm tư.
Ngoài việc thiếu kinh phí chi trả cho môi trường thực hành, học việc của sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch còn đứng trước mối lo lớn khác là mất giảng viên và mã ngành đào tạo. Theo phân tích của PGS, TS Ngô Minh Xuân, từ năm 2017 đến nay, khi thực hiện mô hình tự chủ, nhà trường không được thu tăng thêm mà còn bị cắt ngân sách hơn 80 tỷ đồng/năm. Mặc dù Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã xây dựng đề án nâng mức học phí lên 32 triệu đồng/năm nhưng vẫn chưa được duyệt. Với các khoản thu hiện tại, trường khó cầm cự trong thời gian tới. Nếu thu nhập và đời sống giảng viên không được cải thiện thì nhiều người sẽ rời trường. Hiện nay, nhiều trường ĐH tư chấp nhận trả lương gấp 10 lần để thu hút nhân tài, nhất là những giảng viên có học hàm, học vị. Khi các thầy cô ra đi, trường sẽ mất vị trí đó, dẫn đến mất mã ngành đào tạo, không đào tạo được. Chỉ cần một giảng viên có học hàm, học vị bỏ đi thì trường sẽ mất một đến hai mã ngành, việc xây dựng lại tốn rất nhiều thời gian, công sức.
Đại diện nhiều trường ĐH có đào tạo nhóm ngành sức khỏe tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần tính toán để đưa ra mức học phí mới phù hợp với điều kiện hiện nay. Khi các khoản thu quá eo hẹp rất khó để bảo đảm chất lượng đào tạo, thực hành.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, việc đào tạo của nhóm ngành sức khỏe tốn kém gấp năm đến sáu lần các ngành đào tạo khác, nếu cứ yêu cầu các trường “cào bằng” học phí thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ tương lai theo chuẩn hội nhập là rất khó.
Trước những ý kiến đa chiều chung quanh mức học phí một số ngành dự kiến tăng mạnh như Răng - Hàm - Mặt (70 triệu đồng/năm), Y khoa (68 triệu đồng/năm), PGS, TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, mức học phí này không phải quá “sốc” như nhiều người đang nghĩ vì thực ra trường vẫn chưa tính đúng, tính đủ mức phí đào tạo. Bên cạnh đó, không phải ngành đào tạo nào cũng xấp xỉ 70 triệu đồng/năm mà có những ngành chỉ ở mức 30 triệu đồng/năm.
Theo người đứng đầu Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, để nói học phí cao hay thấp thì phải phân tích kỹ ba yếu tố quyết định là đầu tư về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên. Học phí các ngành không đổ đồng mà dựa trên chi phí đào tạo cần thiết, cốt lõi là bảo đảm chất lượng đào tạo và trải nghiệm của sinh viên. Việc thu học phí quá thấp trong điều kiện hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến nhà trường mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực của xã hội. Học phí thấp, thu nhập giảng viên không tăng thì trường rất khó giữ chân người dạy. Nếu học phí quá thấp, các trường thuộc nhóm ngành sức khỏe cũng không thể đào tạo được nhân lực bậc cao có khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Thời gian qua, Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở vật chất và chương trình đào tạo; đã phối hợp ĐH Harvard Mỹ để xây dựng chương trình đào tạo, thực chất có thể coi đây là chương trình chất lượng cao, với đội ngũ giảng viên khá hùng hậu. Nếu đối đãi không tốt thì khó giữ chân đội ngũ. Hiện nay, sinh viên một số trường y tại Việt Nam có thể thi bằng tương đương để hành nghề y khoa tại Mỹ. Tuy nhiên, theo quy định mới, từ năm 2024, nếu trường ĐH không được kiểm định chất lượng và được công nhận bởi Liên đoàn Đào tạo y khoa thế giới, sinh viên trường đó sẽ không được tham gia kỳ thi này. Muốn tăng các chuẩn hiện có, các trường cần nguồn kinh phí không nhỏ. Nếu không tăng học phí thì rất khó thực hiện việc này…
Theo PGS, TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, điều quan trọng nhất là học phí phải phản ánh đúng chất lượng đào tạo. Chi phí dành cho đào tạo nhóm ngành sức khỏe là rất lớn, nếu tính toán đúng thì mức học phí mà mỗi sinh viên phải trả sẽ lớn hơn nhiều so với con số các trường dự kiến. Từ trước đến nay, các trường y đều được Nhà nước đầu tư nên có thể duy trì mức học phí thấp. Nhưng khi bước vào giai đoạn tự chủ, tách bạch mọi thứ, phần phí sẽ xuất hiện. Học phí cao đồng nghĩa với việc các trường cần bảo đảm tốt chất lượng bài giảng, phòng thí nghiệm và các dịch vụ khác để phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập, nghiên cứu, thực hành của sinh viên. Nếu chỉ riêng học phí tăng còn mọi thứ vẫn như cũ thì sinh viên sẽ không chấp nhận…
Việc tăng học phí trong hệ thống trường ĐH có đào tạo nhóm ngành sức khỏe trong bối cảnh hiện nay xuất phát từ thực tế, tuy nhiên, tăng như thế nào để người học không “sốc” và bảo đảm lộ trình là điều quan trọng. (Nhân dân, trang TPHCM).
Quyết không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch Covid-19
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 24-6-2020.
Trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch đã đề ra, giữ vững thành quả quan trọng về phòng, chống dịch đã đạt được trong thời gian qua; tiếp tục đề cao cảnh giác, không để phạm sai lầm, khuyết điểm, nhất là không thể vì nôn nóng phát triển kinh tế - xã hội mà mở cửa ào ạt, lơ là công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh tại Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quan tâm hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, trước hết là sẵn sàng truy vết, xét nghiệm nhanh, rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi đông người. Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch, kiên định 5 nguyên tắc: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch.
Tiếp tục tổ chức tốt và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Đồng ý ưu tiên đưa khoảng 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài là các trường hợp đặc biệt về nước như đề xuất của Bộ Ngoại giao (bao gồm các trường hợp là lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa...).
Thủ tướng tiếp tục cho phép và tạo điều kiện cho các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao... nhập cảnh Việt Nam, kể cả nhập cảnh trong thời gian ngắn (dưới 14 ngày) và có biện pháp cách ly phù hợp, linh hoạt. Thủ tướng cũng chỉ đạo chưa mở cửa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam...
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 ở mức 4-5%. Bộ trưởng các bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đôn đốc, đẩy mạnh tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án cụ thể; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch nội địa. (Hà Nội mới, trang 2).
Người dân tuyệt đối không được ăn so biển
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong giai đoạn 2010-2019, toàn quốc ghi nhận 33 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên có trong so biển, khiến 69 người mắc, 58 người nhập viện điều trị và 18 người tử vong. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn quốc đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên trong so biển, làm 12 người mắc, 11 người nhập viện điều trị và 1 người tử vong.
Theo Cục An toàn thực phẩm, chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin. Những vụ ngộ độc thức ăn do tetrodotoxin thường rất nặng. Đây là chất cực độc giống độc tố của cá nóc, chất độc này tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy.Chất độc có thể bị phân hủy trong môi trường kiềm hay axít mạnh, được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong khoảng 10-15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và chỉ vài giờ sau khi ăn, các triệu chứng ngộ độc xuất hiện.Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, khiến nạn nhân tử vong nhanh chóng.
Do đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, tuyệt đối không ăn so biển, kể cả thịt và trứng của chúng. (Hà Nội mới, trang 5).
Thuốc lá điện tử đang “tấn công” giới trẻ
Hình thức bắt mắt, sành điệu, hương vị phong phú, quảng cáo mới mẻ, hiện đại là những cách mà thuốc lá điện tử đang dùng để “tấn công” giới trẻ.
Độc hại, có loại tẩm ướp cả ma túy
Tại hội thảo tập huấn, trao đổi thông tin báo chí về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (ENDS) do Bộ Y tế vừa tổ chức, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - cán bộ Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cảnh báo, tác hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bởi trong đó có chứa rất nhiều chất độc hại như nicotine, kim loại, formaldehyde…
Ông Lâm phân tích, với ENDS, người hút dễ bị gây nghiện và tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường. Nghiên cứu cho thấy những người trẻ tuổi đã thử sử dụng ENDS thì có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 3,5 lần so với nhóm người không dùng ENDS.
Theo ông Lâm, nghiên cứu cho thấy, ENDS có tới 15.000 loại hương vị, rất khó kiểm soát được chất tẩm ướp vào thuốc lá có độc hại hay không. Ngoài ra, ở một số nước ENDS đã trộn cả những loại ma túy đã được cấm ở các nước khác (như chất cannabis). Người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não, bị tổn thương nặng do pin của các thiết bị trong ENDS nổ. Ngoài ra, có nhiều trẻ bị tổn thương phổi do hút ENDS, số ít em đã tử vong vì hội chứng này.
"Cụ thể theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ - CDC từ 50 tiểu bang, tính đến ngày 18/2/2020 đã có 2.800 trường hợp nhập viện vì hội chứng viêm phổi do hút ENDS, 15% ca nhập viện dưới 18 tuổi, 37% từ 18-24 tuổi (68 ca tử vong tại 29 tiểu bang)"- bác sĩ Lâm dẫn chứng.
Đa dạng chiêu thức "tấn công" giới trẻ
Bàn luận về các chiêu thức quảng cáo, tiếp cận giới trẻ nhằm mở rộng thị trường thuốc lá thế hệ mới, ThS Lê Thị Thu - quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến giới trẻ nhằm tìm kiếm những người hút thuốc thay thế và để duy trì sản lượng thuốc lá và tăng trưởng lợi nhuận - khi chính phủ các nước thực hiện các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá.
Với mục tiêu này, các hãng sản xuất thuốc lá đã có nhiều chiêu trò để thu hút, cổ động giới trẻ dùng thuốc lá. Cụ thể như: Thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đỏng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ… Cùng với đó, ngành công nghiệp thuốc lá tiến hành giới thiệu sản phẩm và dùng thử ở các cửa hàng bán lẻ; sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng/có ảnh hưởng quảng cáo thuốc lá; tận dụng độ tuổi trẻ của những người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng cáo và bán hàng như Facebook, Instagram, Tiktok... đồng thời, bán thuốc lá qua các trang thương mại điện tử...
"Đánh vào tính cách, sở thích, thị hiếu, nhu cầu của giới trẻ là cách mà các hãng thuốc lá đang sử dụng để cổ động người trẻ hút thuốc, khiến cho giới trẻ khó lòng "trốn thoát"- bà Thu cho biết.
Theo các nghiên cứu, những người trẻ tuổi (14-30 tuổi) đã sử dụng ENDS có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng ENDS; 70% số người thử một điếu ENDS sẽ có nguy cơ dùng thuốc lá thường xuyên.
Và có lẽ, cách thức quảng cáo này đang thành công khi tỷ lệ giới trẻ sử dụng ENDS đang gia tăng. Ông Lâm cho biết, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu, nhưng ở nhiều nước khác đã cho thấy xu hướng sử dụng ENDS ở học sinh ngày càng gia tăng. Năm 2014 tỷ lệ sử dụng ENDS năm 2014 ở San Marino là 5,9%, ở Italy là 8,4%, ở Georgia là 5,7% thì năm 2018 đã tăng lên là 8,9%, 17,5%, 13,2%... (Nông thôn ngày nay, trang 4).
Hôm nay hội chẩn sức khỏe nam phi công người Anh
Các chuyên gia sẽ kiểm tra bệnh nhân 91 chức năng hô hấp, vận động... để đảm bảo cho chuyến trở về kéo dài liên tục 12 tiếng dự kiến vào ngày 12/7
Bộ Y tế cho biết, dự kiến hôm nay (3/7), Tiểu ban Điều trị cùng các chuyên gia đầu ngành sẽ hội chẩn quốc gia lần 6 đánh giá tình hình sức khỏe toàn diện của bệnh nhân 91- nam phi công người Anh.
Theo đó, các chuyên gia sẽ kiểm tra bệnh nhân 91 chức năng hô hấp, vận động... để đảm bảo cho chuyến trở về kéo dài liên tục 12 tiếng dự kiến vào ngày 12/7. Tiểu ban Điều trị cho hay, bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn, tuy nhiên đôi khi vẫn có biểu hiện không hợp tác với nhân viên y tế. Đến chiều ngày 2/7, bệnh nhân nam phi công người Anh đã tự thở khí phòng, cai máy thở 20 ngày, các chỉ số khác bình thường và giao tiếp tốt bằng lời nói. Ban đêm bệnh nhân ngủ tốt.
Hôm qua có 4 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư được công bố khỏi bệnh. Những trường hợp này sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Như vậy, đến thời điểm này đã có 340/355 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 95,8% tổng số ca bệnh. Hiện chỉ còn 15 ca bệnh, trong đó có 12 ca dương tính với virus gây COVID-19. Các bệnh nhân đang điều trị tại nhiều cơ sở y tế trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Bộ Y tế cho biết, ca nghi mắc COVID-19 người Indonesia ở Bình Dương và 145 người tiếp xúc đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Trường hợp người Trung Quốc nghi ngờ mắc COVID-19 được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân là 1 trong 21 công dân Trung Quốc đang cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường. (Tiền phong, trang 6).
77 ngày, không có người mắc Covid-19 trong cộng đồng
* Kỹ sư người Indonesia ở Bình Dương âm tính SARS-CoV-2
Chiều 2-7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, cả nước không ghi nhận người bệnh mới và đây là ngày thứ 77 liên tiếp không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Hiện nay, số người bệnh ở Việt Nam vẫn là 355. Trong ngày có thêm 4 bệnh nhân (thứ 343, 345, 354 và 355) được công bố khỏi bệnh. Đến nay, cả nước đã có 340/ 355 bệnh nhân ra viện.
Ban Chỉ đạo quốc gia cũng đã thông tin chính thức về ông Aji, sinh 1989, công dân Indonesia, kỹ sư máy ở Công ty Kyungbang tại KCN Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, tỉnh Bình Dương, bị nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Nhận được thông tin về 1 ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 của ông Aji, Viện Pasteur TPHCM xác minh làm rõ vụ việc.
Ở Việt Nam từ 11-3 đến nay, ông Aji chủ yếu sinh sống và đi lại từ khách sạn đến nơi làm việc. Viện Pasteur TPHCM đã thực hiện xét nghiệm, kết quả cho thấy ông Aji và tất cả 145 người tiếp xúc ông đều âm tính với SARS-CoV-2. (Sài Gòn giải phóng, trang 6).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 3: “Bệnh nhân người Indonesia âm tính SARS-CoV-2”; Khoa học & Đời sống, trang 2: “Kỹ sư người Indonesia cùng 145 người tiếp xúc gần đều âm tính với Covid-19”; An ninh Thủ đô, trang 7: “Ca “dương tính yếu” với Covid-19 ở TP.HCM cùng 145 người tiếp xúc đều âm tính”; Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “77 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, các ca nghi ngờ đều âm tính”.
Bệnh bạch hầu tái phát do “vùng lõm” tiêm chủng
Ở Việt Nam, vaccine ngừa bệnh bạch hầu được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ em được tiêm chủng miễn phí từ lâu, tuy nhiên hiện vẫn chưa thể loại trừ bệnh bạch hầu.
Lỗ hổng tiêm chủng
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, đến chiều 2-7, sức khỏe bệnh nhi G.A.P. (13 tuổi, dân tộc H’Mông, tỉnh Đắk Nông) bị nhiễm bạch hầu đang diễn tiến xấu, tình trạng viêm cơ tim ngày càng nặng. Mặc dù bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp nhân tạo nhưng diễn tiến viêm cơ tim nặng hơn, suy tim, men tim tăng gấp 20 - 30 lần so với bình thường… Kết quả siêu âm cho thấy cơ tim nhão. Bệnh viện đang điều trị hỗ trợ tích cực tim mạch, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch chờ phục hồi.
Theo TS-BS Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, nếu xem xét khả năng ghép tim, các bác sĩ sẽ tính đến trường hợp can thiệp ECMO cho bệnh nhi. “Bệnh nhi nhập viện tại bệnh viện địa phương ngày thứ 3 sau khi mắc bệnh. Khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, bệnh đến ngày thứ 6 nhưng chưa được dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu do tình trạng thuốc khan hiếm. Người nhà bệnh nhi cho biết, bệnh nhi chưa được chích ngừa bạch hầu trước đây” - TS-BS Phan Tứ Quý cho hay.
Lý giải về việc xuất hiện một số ổ dịch bạch hầu gần đây, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, hiện dịch bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta nên người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Từ đầu tháng 6-2020 tới nay, trên địa bàn một số xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận hơn 12 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó có 1 trẻ nhỏ 9 tuổi đã tử vong. TPHCM cũng vừa ghi nhận ca mắc bạch hầu đầu tiên là một thanh niên.
Qua giám sát dịch tễ tại Đắk Nông, khu vực bùng phát dịch bạch hầu là nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, đặc biệt các trường hợp mắc bệnh chưa được tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng bạch hầu vì khu vực này là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc vẫn còn tâm lý e ngại việc tiêm ngừa vaccine.
Chủ động phòng chống, không quá hoang mang
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vaccine ngừa bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là vaccine phối hợp “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five) hoặc vaccine DPT-VGB-Hib (SII). Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, trong giai đoạn chuyển đổi vaccine “5 trong 1” Quinvaxem sang vaccine ComBe Five, tỷ lệ tiêm chủng vaccine giảm mạnh. Cùng với đó, thời gian cách ly xã hội vừa qua do dịch Covid-19 cũng có hơn 1 tháng tạm ngưng tiêm chủng, dù viện đã chỉ đạo tiêm vét nhưng vẫn có một tỷ lệ nhất định sót mũi tiêm hoặc chưa tiêm. Trong khi đó, một số chuyên gia dịch tễ cho biết, theo
Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ được tiêm miễn phí vaccine phối hợp “5 trong 1” trong đó có bạch hầu là trẻ dưới 2 tuổi nhưng do đây vẫn là bệnh lưu hành, khi tỷ lệ tiêm chủng giảm hơn, nhóm nguy cơ cao hơn thì đối tượng dễ bị tác động lại là trẻ lớn. Giai đoạn vừa qua đã có chiến dịch tiêm bổ sung vaccine TD (ngừa bạch hầu và uốn ván) nhưng mới triển khai được đến nhóm dưới 7 tuổi và mới tiến hành được ở 30 tỉnh, thành nguy cơ cao. Do đó một số ý kiến đề nghị mở rộng các tỉnh được tham gia chiến dịch này để tiêm vét, tiêm bổ sung cho các cháu đang bị thiếu mũi hoặc chưa tiêm vaccine ngừa bạch hầu. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 13: “Ngăn bệnh bạch hầu ra sao?”; Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Các ca mắc bạch hầu gần đây: Hầu hết đều không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc-xin”.
Mổ khẩn cấp cứu bé trai 9 tuổi bị đâm thủng tim
Bác sĩ Trần Thanh Trí, trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết ngày 2-7, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vừa kích hoạt quy trình báo động đỏ để cấp cứu thành công cho bé trai M.T.A. (9 tuổi, ngụ Q.7) bị đâm thủng tim.
Trước đó, bệnh nhi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Q.7 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ ở Bệnh viện Q.7 đã cấp cứu cho bệnh nhi tim đập lại và thở được, sau đó chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Sau khi tiếp nhận, Bệnh viện Nhi Đồng 2 kích hoạt quy trình báo động đỏ để cấp cứu phẫu thuật cứu sống bệnh nhi. Nếu chậm trễ bệnh nhi sẽ bị mất máu, gây chèn ép tim, gây tử vong.
Khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ thấy tim bị thủng một lỗ ở thất phải, sát cạnh một động mạch vành. Các bác sĩ đã khâu lại lỗ thủng tim cho bệnh nhi. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, đã được chuyển xuống phòng hồi sức tim.
Theo các bác sĩ, bà ngoại bệnh nhi đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Q.7, sau đó cũng cùng cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Theo lời bà ngoại kể lại, lúc bà đang đứng gần nhà thì một người cháu khác chạy ra gọi bà về nhà nhanh vì A. sắp chết.
Bà chạy về nhà thì thấy cháu A. nằm bất động, người xanh xao, bên cạnh là mẹ cháu và có một chiếc kéo. Trong ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã báo cáo ca bệnh này cho công an hỗ trợ điều tra xử lý. (Tuổi trẻ, trang 4).