Phòng chống dịch COVID-19: Tăng cường giám sát, giải trình tự gen, đẩy nhanh tiêm chủng
Việt Nam tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay, tuy nhiên cần tăng cường giám sát, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm tại cửa khẩu gửi về các Viện/Bệnh viện được chỉ định làm giải trình tự gen để đánh giá nguy cơ, đồng thời đẩy nhanh tiêm chủng.
Chiều 2/1/2023, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng – Bộ Y tế (PHEOC) về giám sát và đáp ứng dịch bệnh.
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và kết nối từ Trung tâm PHEOC đến các điểm cầu Viện/Bệnh viện và một số Sở Y tế tỉnh, thành phố có cửa khẩu.
Tăng cường lấy mẫu giải trình tự gen
Tại cuộc họp, BS Đỗ Hồng Hiên - Chuyên gia dịch tễ của WHO tại Việt Nam đã thông tin về tình hình biến thể SARS-CoV-2 trên toàn cầu cũng như cách ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của một số quốc gia/ vùng lãnh thổ hiện nay.
"Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh việc các quốc gia cần tiếp tục giám sát dựa trên nhiều nguồn, đặc biệt theo dõi ca nhập viện, ca bệnh nặng điều trị để đánh giá khả năng có thể xuất hiện làn sóng mới của dịch bệnh cũng như tác động đến hệ thống y tế. Đồng thời cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự gia tăng của ca bệnh đặc biệt các tuần tiếp theo khi bắt đầu kỳ nghỉ năm mới để chủ động trong phòng, chống dịch"- BS. Hiên nhấn mạnh.
Đại diện của CDC Hoa Kỳ cũng thông tin về tình hình dịch bệnh tại Hoa Kỳ, các giải pháp ứng phó; Và nhấn mạnh việc cần tăng cường giám sát, lấy mẫu giải trình tự gen các ca bệnh để có giải pháp ứng phó phù hợp.
Thông tin về tình hình giải trình tự gen các ca bệnh COVID-19 trong năm qua, PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, năm 2022, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã giải trình 541 mẫu bệnh phẩm của các tỉnh, thành khu vực miền bắc, trong đó có đến 92% là biến chủng Omicron, trong đó có các biến thể BA.1; BA.2; BA.5; BA.2.74, BA.5.2, BA.2.75.6…
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW nhấn mạnh: Chúng tôi khuyến cáo cần tăng cường công tác giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để hành khách nhập cảnh chủ động thông báo tình hình sức khỏe và chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm. Đối với các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cần thực hiện cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu, xét nghiệm nhanh để có giải pháp phù hợp.
Cùng đó cần tăng cường giám sát tại cộng đồng, cơ sở điều trị, đặc biệt là tại các ổ dịch tập trung, quy mô lớn để lấy mẫu bệnh phẩm giải trình tự gen.
"Chúng ta cũng cần tăng cường trao đổi, bám sát tình hình dịch bệnh của thế giới để có thông tin điều chỉnh chính sách phòng chống dịch phù hợp. Ngoài ra, đẩy mạnh truyền thông để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 để bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền"- PGS.TS Trần Như Dương nói.
Tại cuộc họp, GS.TS Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp trên thế giới, để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm qua các cửa khẩu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Giám đốc Sở Y tế tiếp tục thực hiện nghiêm các hoạt động kiểm dịch y tế quy định tại Nghị định 89/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
Đẩy mạnh tiêm chủng, tăng cường truyền thông phòng chống dịch
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận của các các chuyên gia WHO, CDC Hoa Kỳ cùng các chuyên gia về dịch tễ, điều trị, cách ly, các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam vẫn cơ bản đang kiểm soát, tỷ lệ mắc mới, bệnh nhân nặng và ca tử vong thời gian qua đều giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng vacine tại Việt Nam cao so với nhiều nước trên thế giới. Cho đến nay, các biện pháp phòng chống dịch ở nước ta đặt ra đáp ứng yêu cầu và thích hợp trong tình trạng hiện nay.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng với sự thay đổi của một số nước trong chính sách phòng chống dịch COVID-19, chính sách đối với người nhập cảnh, chúng ta cũng cần có sự chuẩn bị để tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh để không bị động trong tình hình mới.
Mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine chung của cả nước cao, tuy nhiên vẫn có một số địa phương hiện đang tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, cho trẻ thấp và trong số các tỉnh, thành tiêm thấp lại có cửa khẩu; đồng thời hiện nay thời tiết giao mùa khiến cho các bệnh truyền nhiễm tăng, bệnh mới nổi nguy cơ xâm nhập do khách nhập cảnh tăng dẫn đến nguy cơ dịch bệnh có thể gia tăng ca mắc, bệnh nhân nặng.
"Do đó, các địa phương, đặc biệt các địa phương có cửa khẩu cần phải đẩy nhanh tiêm chủng, cố gắng trong 2 tuần đầu tháng 1/2023, các tỉnh, thành đang tiêm chậm, thấp hoàn thành mục tiêu đề ra"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Cùng đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục Y tế dự phòng và các Viện đầu ngành phối hợp cùng đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về phòng chống dịch, khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị phía WHO tại Việt Nam và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam tiếp tục phối hợp với PHEOC để cùng trao đổi, chia sẻ thông tin về dịch bệnh/ các giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.
Riêng CDC Hoa Kỳ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị tiếp tục hỗ trợ các đơn vị trong công tác giải trình tự gen (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đã qua đỉnh, số mắc và số ổ dịch giảm mạnh
Từ đỉnh dịch khoảng 1.300-1.400 ca sốt xuất huyết (SXH) mới mỗi tuần thì trong tuần cuối năm 2022 vừa qua, số mắc tại Hà Nội đã giảm xuống dưới 400 ca/ tuần…
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 23 đến 30-12), thành phố ghi nhận 366 ca mắc SXH, giảm 14,3% so với tuần trước đó và không có ca tử vong. Bệnh nhân ghi nhận tại 25/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số đơn vị có số mắc cao, như: Hà Đông (109 ca), Ba Đình (79 ca), Nam Từ Liêm (28 ca), Phú Xuyên (22 ca).
Tính theo ổ dịch, trong tuần qua tại Hà Nội ghi nhận thêm 4 ổ dịch SXH mới tại 2 quận: Đống Đa (2 ổ dịch), Hai Bà Trưng (2 ổ dịch). Hiện toàn thành phố còn 23 ổ dịch đang hoạt động tại 7 quận, huyện.
Như vậy, trong năm 2022, Hà Nội ghi nhận 19.581 ca mắc SXH, trong đó có 25 ca tử vong. So với năm 2021, số ca mắc trong năm 2022 tăng gấp 5,8 lần và tăng 25 ca tử vong.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, số mắc SXH trong 2 tuần qua trên địa bàn thành phố liên tục giảm mạnh, từ đỉnh điểm trên 1.300 ca mắc ở tháng 11 xuống dưới 400 ca vào cuối tháng 12, cho thấy dịch đã qua giai đoạn cao điểm.
Dù vậy, dự báo trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Trên phạm vi cả nước, theo số liệu của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong tuần cuối cùng của năm 2022, chỉ ghi nhận 6.266 ca/tuần tại 63 tỉnh thành (giảm 23,3% so với tuần trước đó) và không ghi nhận trường hợp tử vong. (An ninh thủ đô, trang 6).