Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 4/10/2018

  • |
T5g.org.vn - Lý giải nguyên nhân dịch tay chân miệng đang tăng bất thường; Dịch bệnh truyền nhiễm vào mùa: Lo ngại dịch chồng dịch; Dịch bệnh truyền nhiễm: Bệnh nhân tăng vọt, biến chứng nặng; Ðể giảm tình trạng người bệnh vượt tuyến

 

Lý giải nguyên nhân dịch tay chân miệng đang tăng bất thường

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngoài nguyên nhân dịch tay chân miệng đang vào mùa cao điểm thì việc dịch chuyển thứ nhóm gien của chủng virus EV71 khiến cộng đồng chưa có miễn dịch…Tính đến hết tháng 9-2018, cả nước đã ghi nhận hơn 53.000 người bị tay chân miệng, 77% là ở các tỉnh phía Nam và tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Y tế cũng nhận định, dịch tay chân miệng năm nay diễn biến bất thường và có nguy cơ lan rộng.

Vậy tại sao dịch tay chân miệng lại đang có diễn biến bất thường? Liệu virus tay chân miệng có sự biến đổi để tạo thành chủng virus mới nguy hiểm hơn?

Trả lời báo chí về vấn đề này, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do thời điểm này đang là mùa cao điểm của bệnh tay chân miệng. Bệnh này thường được ghi nhận rải rác quanh năm nhưng tăng cao vào thời điểm từ tháng 8 đến tháng 11.

Thứ hai, nếu như các năm trước bệnh tay chân miệng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ thì 2 năm trở lại đây, số ca bệnh lại tăng cao ở các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Đặc biệt, hệ thống giám sát của Viện Pasteur TP.HCM phát hiện có sự thay đổi thứ nhóm gien của virus gây bệnh tay chân miệng.

Theo đó, giai đoạn 2012 - 2017 ghi nhận sự lưu hành ưu thế thứ nhóm gien B5 và tăng dần thứ nhóm gien C4 (của chủng virus EV71).

Sự dịch chuyển thứ nhóm gien khiến cho cộng đồng chưa có miễn dịch dễ xảy ra nhiều ca mắc hơn và làm gia tăng nguy cơ gây dịch, nhất là trong bối cảnh chủng C4 là chủng dễ gây biến chứng nặng đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi, cao gấp 1,7 lần so với các thứ nhóm gien khác của EV71.

Theo PGS.TS Lân, bệnh nhân nhiễm virus EV71 thường liên quan đến các biến chứng thần kinh nặng và có thễ dẫn đến tử vong vì virus này gây nhiễm và tấn công tế bào. Nhiễm virus EV71 gây biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các virus đường ruột khác gây bệnh tay chân miệng. Đa số các trường hợp tử vong đều phát hiện nhiễm virus EV71.

Cũng theo các chuyên gia về y tế dự phòng, một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch tay chân miệng bao gồm: mật độ dân số cao, điều kiện sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém; thiếu nhà vệ sinh; thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày…

Mặt khác, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng ngừa tay chân miệng do nhiễm virus EV71 (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Dịch bệnh truyền nhiễm vào mùa: Lo ngại dịch chồng dịch

Trong khi bệnh tay chân miệng (TCM) tại các tỉnh phía Nam chưa có dấu hiệu chững lại thì mới đây, số ca mắc sởi và sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng lên. Các chuyên gia y tế cho rằng nếu không có các biện pháp phòng ngừa và xử lí dịch, nguy cơ dịch chồng dịch là rất cao.

Trưng dụng căng tin làm phòng bệnh

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay, số ca TCM đã lên đến 3.568. Chỉ tính trong tuần vừa qua đã có 347 bệnh nhân nhập viện, tăng 49% so với trung bình 4 tuần trước đó. Khoa Nhiễm- Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho gần 190 bệnh nhi TCM, trong đó có 28 ca nặng nằm cấp cứu, 2 ca TCM độ 1, 17 ca độ 3 và 15 ca độ 2B.  “Chỉ trong một tiếng đồng hồ có thể có đến 7 ca TCM nhập viện, bệnh viện đã bổ sung thêm 3 phòng căng tin tầng 1 của bệnh viện để tiếp nhận những bệnh nhân TCM thể nhẹ". BS Dư Tấn Quy, Phó Khoa Nhiễm Thần - Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.

Không riêng tại TPHCM, hiện tại bệnh nhi mắc TCM đang có dấu hiệu tăng đột biến ở các tỉnh khác khu vực phía Nam. Theo số liệu của Viện Pasteur TPHCM, tại tỉnh Đồng Nai từ đầu năm đến nay có hơn 4.000 ca mắc bệnh TCM, 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Có những tuần, tỉnh ghi nhận đến 500 ca bệnh, nhiều trường hợp bệnh trở nặng nguy hiểm. BS Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, cho biết chỉ trong tháng 8/2018, toàn tỉnh phát hiện 478 ca mắc bệnh TCM, tăng 202 ca so với tháng trước.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 53.500 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó gần một nửa số bệnh nhân phải nhập viện và đã có 6 ca tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Ngoài TCM, sởi và sốt xuất huyết cũng đang có dấu hiệu “vào mùa”. Tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam, theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, trong tháng 8 và tháng 9, số ca mắc bệnh sởi tăng mạnh so với cùng kỳ các năm gần đây. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, địa phương có số ca mắc bệnh sởi cao nhất khu vực là tỉnh Đồng Nai với 136 ca, tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, bệnh sởi trên địa bàn này bắt đầu gia tăng từ giữa tháng 8, rải rác ở 51 xã, phuờng, tập trung nhiều nhất ở huyện Nhơn Trạch, TP Biên Hòa, huyện Long Thành. Riêng tại TPHCM, từ đầu năm đến nay ghi nhận 111 ca mắc sởi, tăng đột biến vào tháng 9. Tất cả những người trong cộng đồng chưa được tiêm chủng, chưa mắc sởi đều có khả năng mắc sởi, nhất là những nơi có sự biến động dân cư. Đối với những trẻ chưa tới tuổi tiêm chủng thì những người chăm sóc trẻ và những người xung quanh cần phải rà soát lại lịch sử tiêm chủng của mình, nếu chưa rõ, tốt nhất nên đi tiêm vắc xin phòng sởi để bảo vệ trẻ, các chuyên gia nhận định.

Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2018 đến nay, tại TPHCM ghi nhận khoảng 6.000 ca nhập viện. Tuy nhiên, theo các BS, do TPHCM đang bắt đầu mùa mưa nên tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn có nguy cơ diễn biến phức tạp.

Theo ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1 TPHCM), mỗi ngày trung bình có khoảng vài chục trẻ đang điều trị tại khoa. “Vì triệu chứng của bệnh có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu virus, viêm họng, TCM, nên nếu thấy trẻ có các biểu hiện sốt, lừ đừ, biếng ăn, các bậc phụ huynh nên cho con đến thăm khám tại các cơ sở y tế để có hướng xử trí kịp thời”, BS Tuấn khuyến cáo.

Dịch chồng dịch

Đánh giá về tình trạng lây nhiễm sởi, theo các chuyên gia, nếu một người mắc sởi thì hơn 90% những người chưa miễn dịch sởi tiếp xúc chung quanh đều có khả năng mắc bệnh. PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM phân tích: “Tại các tỉnh phía Nam, việc giao lưu đi lại giữa các khu vực chính là một trong những nguyên nhân lây lan bệnh, điều này thể hiện rõ qua hình thái dịch tễ, khi TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… Miễn dịch cộng đồng là rất quan trọng, nếu trước đây chỉ đòi hỏi miễn dịch đối với bệnh sởi chỉ khoảng 85-95%, tuy nhiên đối với những địa phương, nơi có sự giao lưu đi lại, nhập cư kể trên phải cao hơn nữa”.

Theo ông Lân, dịch sởi phát hiện sớm, xử lí kịp thời, hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn chặn. Các địa phương đang có nguy cơ bùng phát dịch cần khoanh vùng ổ dịch nhanh chóng, tránh lây lan, nâng cao miễn dịch cộng đồng, bằng biện pháp tiêm chủng, rà soát lại hoạt động tiêm chủng. “Đối với những người sinh từ năm 1984- 1997, thời kỳ bắt đầu triển khai vắc xin sởi, có thể đã tiêm được 1 mũi hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ. Do đó cần rà soát các đối tượng này ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Các cơ quan ban ngành cần có giải pháp đồng bộ hơn, thậm chí ra khỏi phạm vi y tế, cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp, tiếp cận những đối tượng nguy cơ cao ấy”, ông Lân nói (Tiền phong, trang 4).

 

Dịch bệnh truyền nhiễm: Bệnh nhân tăng vọt, biến chứng nặng

Nhiều bệnh viện đang dành hẳn khu vực riêng điều trị từng bệnh nhân sởi, tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết. Bác sĩ, điều dưỡng di chuyển liên tục giữa các buồng bệnh. Những đứa trẻ thở máy, thở oxy. Phòng bệnh nào cũng vọng ra tiếng trẻ khóc. Những hình ảnh đó đủ để phác họa bức tranh dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn ra nóng và phức tạp thời điểm này.

Bé T.H. (3 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) đã 4 ngày nay nhưng trên hai đầu gối, cánh tay, bàn chân và quanh miệng là cả trăm nốt phỏng của bệnh TCM. Nốt to như hạt lạc mọng nước chỉ trực vỡ ra khiến cậu bé khó chịu khóc ngằn ngặt. Gần đó là bé trai 19 tháng tuổi được chuyển đến từ Hải Phòng. Bệnh nhi này đã được bác sĩ tuyến dưới chọc dịch não tủy và kết luận bị TCM biến chứng lên não. Hai đợt dùng thuốc IVIG nhằm giảm phản ứng miễn dịch trong cơ thể ở tuyến tỉnh hết chừng 60 triệu đồng nhưng trẻ vẫn phải chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu.  Khu vực điều trị bệnh sởi của khoa Truyền nhiễm liên tục có 20 trẻ nằm. Phần lớn trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc-xin hoặc chưa được tiêm vắc-xin do bố mẹ quên lịch tiêm chủng hoặc đến ngày tiêm thì trẻ bị ốm.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số trẻ nhập viện do bệnh TCM và sởi đều tăng gấp 4 lần. Đáng chú ý, bệnh TCM có nhiều ca biến chứng nặng vào tim, phổi, não do năm nay chủng virus EV71 gây bệnh nặng quay trở lại và tấn công những trẻ nhỏ sức đề kháng yếu. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho hay từ đầu năm đến nay, đã có gần 500 trường hợp trẻ mắc sởi nhập viện. Khoảng 2 tháng qua, mỗi tháng trung bình gần 100 ca, ngày cao điểm tiếp nhận 10-12 trẻ. Trong số này có tới 85% trẻ mắc sởi nhập viện đều không được tiêm vắc-xin đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng. Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), trong hơn 1 tháng qua, đã có thêm 35 trường hợp trẻ bị sởi đến khám, nhập viện, nâng tổng số trẻ nhập viện do mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 75 ca. Đã có một số trẻ bị biến chứng viêm phổi nặng.

Các chuyên gia y tế khẳng định, nguyên nhân khiến số trẻ mắc TCM tăng cao, nhiều ca nặng là do sự trở lại của chủng virus EV71 với thứ nhóm gene C4. Đây là chủng virus đã gây dịch tay chân miệng lớn trên cả nước năm 2011, khiến 70.000 người mắc và 145 người tử vong. Bác sĩ Hương cho biết, những mẫu bệnh phẩm Bệnh viện Nhi T.Ư gửi sang Viện Dịch tễ T.Ư xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh TCM phần lớn đều do chủng EV71. Đây cũng là chủng gây bệnh TCM cho trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi T.Ư trong năm 2017. Đáng chú ý, trong số 772 trẻ bị TCM nhập viện điều trị từ đầu năm đến nay tại khoa Truyền nhiễm có tới gần 20% biến chứng viêm não, trong khi mọi năm con số này là dưới 5%.

Dịch diễn biến phức tạp

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thông tin: “Một số bệnh đã có vắc-xin tiêm chủng như sởi vẫn có thể gia tăng số ca mắc bệnh. Nguyên nhân là sau nhiều năm đến nay, các trường hợp không có miễn dịch do không tiêm chủng đã tích tụ lại, nếu không tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao, những người này dễ dàng mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Thời gian qua, dịch bệnh chưa bùng phát mạnh do chúng ta đang được hưởng thành quả duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt tỷ lệ cao trong nhiều năm. Nhưng một khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng xuống thấp, thì lúc đó bất kỳ ai trong mỗi chúng ta đều có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa được tiêm chủng hoặc chưa có miễn dịch tự nhiên”.

 Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng dự báo, dịch TCM có xu hướng gia tăng và phức tạp trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh đang tập trung vào năm học mới và hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 15,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.

Nhiều biện pháp phòng chống dịch

Ông Phu cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh TCM. Giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện... -Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Thực hiện phòng tránh lây nhiễm chéo các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác”- đại diện Cục Y tế dự phòng nói. Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động chuẩn bị kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh (Tiền phong, trang 4). 

 

Ðể giảm tình trạng người bệnh vượt tuyến

Hiện nay, đang tồn tại một thực tế là khi có bệnh, rất nhiều người đã lên thẳng các bệnh viện tuyến trên để khám, điều trị, trong khi những bệnh này lại hoàn toàn xử lý được ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Tình trạng người bệnh vượt tuyến vừa lãng phí cho xã hội, vừa gây ra tình trạng quá tải trầm trọng cho các bệnh viện tuyến trên.

Theo thống kê được Bộ Y tế công bố mới đây, có đến 35,4% số người bệnh đến khám, chữa bệnh (KCB) ở các bệnh viện tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% số người bệnh đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế tuyến xã. Trung bình mỗi năm các cơ sở y tế thực hiện khám, điều trị cho khoảng 150 triệu lượt người bệnh, cho thấy số lượng người bệnh vượt tuyến là không hề nhỏ. Trao đổi với báo chí, đại diện nhiều bệnh viện tuyến trên cho rằng, vượt tuyến là tình trạng chung mà các bệnh viện tuyến trung ương đều gặp phải. Ðông đảo người dân cho biết họ thích lên KCB ở tuyến trung ương vì tin tưởng vào chất lượng, trình độ y sĩ, bác sĩ và trang thiết bị hiện đại...

Theo Bộ Y tế, xảy ra tình trạng này là do chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế tuyến cơ sở chưa cao. Thực tế cho thấy y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu… Trong khi đó, chính người dân cũng chưa quan tâm đầy đủ và đúng mức đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa. Một thực tế khác cũng cho thấy phần lớn các trạm y tế chưa triển khai quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít, phần lớn các trạm y tế xã mới chỉ thực hiện được từ 50 đến 70% số dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến điều trị... Một khảo sát mới đây cho thấy, trong tổng số 76 dịch vụ trong gói dịch vụ y tế cơ bản thì các trạm y tế chỉ thực hiện được 68,3% (trạm thực hiện cao nhất là 89,5% dịch vụ và thấp nhất chỉ có 19,7%). Nguyên nhân được chỉ rõ là do thiếu bác sĩ, thiếu cán bộ y học cổ truyền, thiếu máy xét nghiệm; cán bộ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định để có thể KCB bảo hiểm y tế. Về cơ sở vật chất, qua rà soát cho thấy trạm y tế bố trí các phòng chức năng chưa hợp lý theo nguyên tắc liên hoàn trong nguyên lý y học gia đình, thiếu góc truyền thông ngay cả với nhiều trạm đã được xây dựng và cải tạo với diện tích rộng, phòng ốc khang trang. Danh mục thuốc tại trạm y tế chỉ đạt 30% số thuốc có sẵn theo quy định.

Ðể làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, ngăn chặn việc vượt tuyến trong KCB, Bộ Y tế xác định đầu tư mạnh mẽ cho y tế cơ sở mà trạm y tế xã là nòng cốt. Trạm y tế sẽ được xây dựng là “người gác cổng” trong hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời giảm bớt tình trạng người bệnh vượt lên tuyến trên. Bộ Y tế khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc tám tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. Các trạm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường, tủ quầy thuốc, bố trí trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang... Các trạm y tế mẫu sẽ được các bác sĩ tuyến huyện, tuyến tỉnh, thậm chí cả tuyến trung ương chuyển giao kỹ thuật. Khi đó, không chỉ chăm sóc sức khỏe ban đầu, các trạm còn có thể thực hiện tốt việc quản lý kiểm soát các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường... Bên cạnh đó, các trạm y tế tuyến xã cần đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật để có “hành lang” trong việc KCB, giúp người dân đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian lên tuyến trên để khám, chữa những bệnh thông thường. Dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành mô hình điểm 26 trạm y tế điểm, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) hoàn thành việc đầu tư, nhân lực và hoạt động của trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình.

Nhìn nhận về vấn đề trên, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, để giảm tình trạng quá tải cho tuyến trung ương, điều quan trọng là phải giải quyết bài toán niềm tin. Tâm lý người dân nói chung không muốn lên tuyến trên nhưng họ không có lòng tin ở tuyến cơ sở cho nên vượt tuyến đến nơi họ tin tưởng vào năng lực chuyên môn, trình độ và trang thiết bị. Như vậy, khi chúng ta tăng cường được năng lực, điều kiện chuyên môn, cơ sở vật chất, nhất là khi các bác sĩ tuyến trung ương về tận nơi cầm tay chỉ việc thì chất lượng y tế tuyến cơ sở sẽ được tăng lên.

Tại chỉ thị về nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế và sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến trên phải tập trung khám, chữa các bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được; phải tuyên truyền, vận động, tư vấn để các trường hợp đến khám, kiểm tra sức khỏe nhưng không cần điều trị hoặc tái khám ở bệnh viện tuyến trên thì phải giới thiệu, tư vấn để người dân đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là tuyến y tế cơ sở để vừa bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, vừa giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Chỉ định sử dụng dịch vụ, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú theo đúng quy định; nâng cao chất lượng điều trị để giảm thời gian điều trị nội trú của người bệnh. Tăng cường thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo mô hình bệnh viện vệ tinh, chỉ đạo tuyến, luân phiên cán bộ y tế về tuyến cơ sở; đẩy mạnh việc thực hiện đúng lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm. (Nhân dân, trang 5)

 

Khởi tố nguyên Giám đốc bệnh viện bị “tâm thần” sau sai phạm

Liên quan đến vụ hàng loạt sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, trực tiếp là ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên giám đốc Bệnh viện, sáng 3-10, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đã đủ cơ cơ sở để xử lý hình sự đối với ông Cường. Theo Thượng tá Bình, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Mạnh Cường để về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 360 Bộ Luật hình sự…Theo đó, ông Cường chịu trách nhiệm chính về các sai phạm trong việc đầu tư, xây dựng, mua sắm trang thiết bị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông (giai đoạn 2005-2011), dẫn đến bệnh viện này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều năm qua nhưng chủ đầu tư vẫn chưa lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ông Cường cũng yêu cầu thi công bổ sung thêm một số khối lượng công trình không có trong thiết kế, dự toán của các gói thầu xây lắp (11a, 14b), làm vượt mức đầu tư gần 10 tỷ đồng; tự ý điều chỉnh các gói thầu, phê duyệt hồ sơ mời thầu cao hơn giá kế hoạch (mà không xin ý kiến của chủ tịch UBND tỉnh - người ra quyết định đầu tư), làm vượt giá trị đầu tư thêm gần 3 tỷ đồng. Trầm trọng hơn, chủ đầu tư còn “nghiệm thu khống” 10 gói thầu xây lắp và đã trả tiền cho các đơn vị thi công với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng. Đặc biệt, trong biên bản nghiệm thu, thanh toán gói thầu 11c (điện, điện tử) hoàn thành đợt 1 (ngày 21-4-2010), chủ đầu tư lại “hào phóng” chi luôn cả phần mềm chưa thực hiện với số tiền 890 triệu đồng; biên bản xác nhận khối lượng quyết toán đợt 2 (ngày 15-8-2010), chủ đầu tư và đơn vị tư vấn  tiếp tục “trả trước” số tiền gần 1,2 tỷ đồng cho phần mềm quản lý và chi phí triển khai phần mềm bệnh viện. Phần mềm này chưa bao giờ được triển khai ở bệnh viện tỉnh Đắk Nông (Công an nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang