Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/11/2022

  • |
T5g.org.vn - Covid-19 làm giảm tỷ lệ phát hiện và tăng nguy cơ tử vong do lao; 4 bác sĩ trẻ đầu tiên xung phong làm việc tại xã đảo Thạnh An; Xử nghiêm cơ sở, cá nhân tuyên truyền sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh dại...

 

Tăng cường phòng, chống dịch đậu mùa khỉ tại Đắk Lắk

Ngày 3/11, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế gửi Công văn số 1223/DP-DT đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 2/11 tại tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 1 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ trú tại huyện Cư M’gar có tiền sử đi du lịch từ nước ngoài về.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, tại Việt Nam cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh về từ nước ngoài; để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo triển khai tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán.

Tỉnh cách ly, điều trị trường hợp nghi ngờ, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Khẩn trương thực hiện điều tra các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ trong quá trình đi du lịch ở nước ngoài và tại Việt Nam, tổ chức quản lý, theo dõi sức khỏe và xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; sẵn sàng thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế.

Rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí.

Đẩy mạnh truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng về dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. (Nhân dân, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Khẩn trương xét nghiệm, cách ly ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở Đăk Lắk”; Tiền phong, trang 6: “Đắc Lắk có 1 ca nghi mắc đậu mùa khỉ: Bộ y tế chỉ đạo biện pháp phòng dịch”.

 

4 bác sĩ trẻ đầu tiên xung phong làm việc tại xã đảo Thạnh An

Ngày 3-11, Sở Y tế TPHCM tổ chức buổi gặp mặt các bác sĩ trẻ tình nguyện đăng ký đợt ra quân đầu tiên tham gia công tác chăm sóc sức khỏe người dân ở xã đảo Thạnh An, Cần Giờ.

Theo đó, bác sĩ Lê Phúc An (SN 1994, khoa Nội tiết), Phạm Hải Việt Tý (SN 1995, khoa Ngoại tổng hợp) của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức; bác sĩ Hoàng Thị Phượng (SN 1995) và bác sĩ Nguyễn Văn Chiến (SN 1992, cùng khoa Nội, Bệnh viện Nhân Ái) đã nộp đơn tình nguyện, xung phong ra trạm y tế xã xã đảo Thạnh An. Tất cả đều rất trẻ nhưng có tay nghề vững vàng, là những gương điển hình của các bệnh viện trong các hoạt động tình nguyện, khám chữa bệnh cho người dân.

Bày tỏ niềm tin ở đội ngũ bác sĩ trẻ, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, trước khi ra xã đảo Thạnh An công tác, 4 bác sĩ đã được tập huấn các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công tác sơ cấp cứu, khám chữa bệnh ban đầu, nhất là phát hiện và xử trí các bệnh không lây nhiễm, chẩn đoán và xử trí các bệnh và các vấn đề sức khỏe hay gặp trong cộng đồng… Đồng thời, sở chỉ đạo các bệnh viện viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành của thành phố sẵn sàng kết nối và hỗ trợ tư vấn, hội chẩn từ xa đảm bảo hoạt động 24/7 giúp các bác sĩ tham gia chương trình an tâm và không có cảm giác đơn lẻ. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Bác sĩ chỉ cách phát hiện trẻ mắc viêm phổi sớm nhất tại nhà

Viêm phổi là bệnh thường gặp ở trẻ đặc biệt là trong thời gian giao mùa. Nếu phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời trẻ có thể gặp các biến chứng như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, áp xe phổi... thậm chí tử vong.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 150 triệu trẻ bị viêm phổi, trong đó có tới 11 triệu trẻ phải nhập viện điều trị. Riêng Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.9 triệu trẻ mắc viêm phổi. Việt Nam cũng là một trong 15 quốc gia có lượng trẻ mắc viêm phổi nhiều nhất thế giới. Mỗi năm có khoảng 4.000 trẻ em Việt Nam tử vong do viêm phổi, đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Hiện nay, TP.HCM đang vào thời gian chuyển mùa, số trẻ mắc các bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi ngày càng tăng cao. Đặc biệt, theo thống kê từ các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn Thành phố, số bệnh nhân mắc viêm phổi chiếm hơn 50% trên tổng số ca bệnh nhi tới thăm khám và điều trị trong 2 tháng gần đây. Trong đó, có rất nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng do phụ huynh chủ quan hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý có các triệu chứng điển hình với viêm phổi nên cho trẻ nhập viện muộn.

 TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ: "Từ tháng 8 tới nay trẻ em mắc bệnh đường hô hấp đến khám tăng mạnh. Thời gian đỉnh dịch, số bệnh nhân điều trị nội trú đã tăng gấp đôi so với số giường bệnh mà bệnh viện có. Tới thời điểm hiện nay, số lượng bệnh nhân đã giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức cao nên phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Dự đoán, dịch sẽ giảm xuống khi bước sang tháng 11".

Hiện nay vẫn còn rất nhiều phụ huynh nhầm lẫn viêm phổi với các bệnh khác như cúm, viêm phế quản... dẫn tới tình trạng trẻ nhập viện muộn, trong tình trạng nặng. Theo Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, việc phát hiện trẻ bị viêm phổi sớm rất quan trọng, nếu trẻ được phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng có thể khiến trẻ gặp các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, áp xe phổi... thậm chí tử vong.

Bác sĩ Tuấn chia sẻ, phụ huynh có thể phát hiện trẻ bị viêm phổi sớm nhất bằng cách quan sát và tính nhịp thở của trẻ. Thở nhanh, thở bất thường được coi là triệu chứng đầu tiên cảnh báo viêm phổi ở trẻ. Thở nhanh còn xuất hiện sớm hơn cả các dấu hiệu mà các bác sĩ có thể phát hiện bằng ống nghe hay chụp X-quang phổi.

Theo đó, phụ huynh chỉ cần 1 chiếc đồng hồ có kim giây đã có thể phát hiện được dấu hiệu thở nhanh của trẻ. Tốc độ thở được coi là nhanh bất thường ở trẻ sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng độ tuổi của trẻ. Trẻ dưới 2 tháng tuổi được coi là có nhịp thở nhanh khi đạt 60 lần/ phút; trẻ từ 2-12 tháng nhịp thở nhanh khi đạt 50 lần/ phút; trẻ từ 1-5 tuổi là 40 lần/ phút; trẻ trên 5 tuổi là 30 lần/ phút.

Khi trẻ thở nhanh đồng nghĩa với việc trẻ bắt đầu bị viêm phổi. Vậy nên, ngay khi trẻ có biểu hiện thở nhanh phụ huynh cũng cần nghĩ ngay tới trường hợp bé bị viêm phổi.

Đặc biệt, các bệnh về hô hấp thường có biểu hiện là ho, nhưng mức độ nặng nhẹ của bệnh không liên quan tới ho ít hay nhiều. Để nhận biết được mức độ viêm phổi của trẻ nặng hay nhẹ, đã cần thiết nhập viện hay chưa thì phụ huynh hãy cho trẻ nằm yên trên giường hoặc trên tay ba mẹ sau đó quan sát lồng ngực và bụng của trẻ khi bé thở. Nếu trẻ có dấu hiệu khó thở, thở co lõm lồng ngực khi hít thở thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời vì đây là dấu hiệu cảnh báo trẻ đã bị viêm phổi nặng.

Đồng thời, trẻ bị viêm phổi nặng cũng có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, khò khè, trẻ không thể uống được thuốc, ăn uống kém, nôn ói, các triệu chứng bệnh không thuyên giảm khi điều trị ngoại trú...

Phụ huynh cần đặc biệt quan tâm tới các đối tượng như trẻ nhũ nhi, trẻ có bệnh nền, các bệnh lý bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch... Những đối tượng này khi mắc viêm phổi tỷ lệ trở nặng rất cao, dễ gặp phải các biến chứng nặng, thậm chí tỷ lệ tử vong cũng cao hơn so với các đối tượng khác.

Nếu như trẻ được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời thì việc điều trị sẽ rất thuận lợi, ít ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và chi phí thấp. Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ khuyên rằng, phụ huynh nên cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ, vệ sinh mũi miệng cho trẻ sạch sẽ, đồng thời cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa và đồ chơi của bé, người chăm trẻ cần vệ sinh sạch sẽ trước khi chăm bé, hạn chế cho trẻ tới những nơi đông người... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Xử nghiêm cơ sở, cá nhân tuyên truyền sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh dại

Động thái này được Sở Y tế Nghệ An đưa ra khi trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại trong 10 tháng đầu năm 2022.

Ngày 2/11, Sở Y tế Nghệ An vừa có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại và hạn chế tình trạng sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh dại trên địa bàn. Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân tuyên truyền, sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh dại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Động thái này được đưa ra khi trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại trong 10 tháng đầu năm 2022. Kết quả điều tra các trường hợp tử vong hầu hết do phát hiện muộn, bệnh nhân không đi tiêm phòng và có tình trạng sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh dại.

Trước tình hình này, Sở Y tế Nghệ An đề nghị phòng Y tế các huyện, thị xã và TP Vinh phối hợp Trung tâm Y tế tham mưu cho UBND huyện, thị xã, TP triển khai thực hiện Quyết định số 766 QĐ-UBND ngày 24/3/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, xử lý các cơ sở điều trị bệnh dại cho người bị chó, mèo cần bằng thuốc Nam trên địa bàn.

Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của lực lượng công an tổ chức thường xuyên kiểm tra các cơ sở có hành vi tuyên truyền, sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh dại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân (nếu có).

Ngoài ra, Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thực hiện hướng dẫn phòng, chống bệnh dại trên người theo quy định tại Quyết định 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát phòng, chống bệnh dại; tăng cường chỉ đạo công tác giám sát, phát hiện bệnh dại trên người, thực hiện báo cáo ca bệnh nghi dại, báo cáo số người tiêm vaccine phòng dại ở các tuyến... Tổ chức các chiến dịch truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bệnh dại và cách chống bệnh dại trên người và động vật.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và TP Vinh đẩy mạnh hoạt động tư vấn cho người dân tại cộng đồng về bệnh dại; các biện pháp phòng tránh, xử lý khi bị súc vật nghi mắc bệnh dại cắn; lợi ích của việc tiêm vaccine phòng dại; tăng cường công tác giám sát, phát hiện bệnh dại trên người, thực hiện báo cáo ca bệnh nghi dại, báo cáo số người tiêm vaccine phòng dại theo quy định… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Trẻ hóa bệnh nhân mắc ung thư vú

Tại Việt Nam bệnh nhân mắc ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hơn nữa, do yếu tố tâm lí nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để được phát hiện sớm bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Thống kê năm 2020 cho thấy mỗi năm cả nước có 23.000 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25,8% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới. “Còn rất nhiều chị em tới bệnh viện thăm khám đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém. Vì vậy việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Tại Bệnh viện K, thực tế có không ít những cô gái chỉ ở tuổi 20, 21 đã bị ung thư vú. Cái khó nhất là chưa thể xác định được nguyên nhân trẻ hoá độ tuổi mắc bệnh. Giới chuyên môn cho rằng một số nguy cơ dẫn đến tình trạng tăng tỉ lệ ung thư vú ở nữ giới có thể kể đến như: tuổi tác, di truyền, lối sống sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy phụ nữ có thói quen hút thuốc, uống rượu bia trong vòng 5 năm kể từ khi bắt đầu chu kì kinh nguyệt có đến 70% khả năng phát triển ung thư trước tuổi 50 cao hơn những người không hút thuốc.

Phát hiện sớm, chữa khỏi hoàn toàn

Theo các chuyên gia, ung thư vú là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị đơn giản, hiệu quả, tỉ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.

TS. Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Ngoại vú (Bệnh viện K) thông tin, trước đây tại Bệnh viện K tỉ lệ phát hiện ung thư vú tới 75% ở giai đoạn muộn do chị em thường e ngại không đi khám nhưng những năm trở lại đây, tỉ lệ phụ nữ chủ động đến khám gia tăng, giúp việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm đã đạt trên 75%. “Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú cần thực hiện ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao, là từ tuổi 40 trở lên. Phát hiện càng sớm thì điều trị càng đơn giản, hiệu quả, đỡ tốn kém về kinh phí. Hiện nay tỉ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư vú tại Bệnh viện K đã ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới ở mức trên 70%”, bác sĩ Quang khẳng định. (Tiền phong, trang 6).

 

Kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại quận Hai Bà Trưng

Trước đây, quận Hai Bà Trưng luôn ở vị trí thứ 3 của thành phố về số ca mắc sốt xuất huyết thì hiện tại, quận xếp thứ 19/30 quận, huyện, thị xã.

Ngày 3-11, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội, số ca mắc gia tăng. Tuy nhiên, tại quận Hai Bà Trưng, số ca mắc sốt xuất huyết lại giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, toàn quận Hai Bà Trưng ghi nhận 222 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 18 phường trên địa bàn (giảm 20 ca so với cùng kỳ) và chưa ghi nhận ca tử vong. Toàn quận ghi nhận 32 ổ dịch tại 12/18 phường, giảm 35 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2021.

Có được kết quả này, UBND quận và 18/18 phường đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và kiện toàn mạng lưới cộng tác viên, giám sát viên và đội xung kích phòng, chống sốt xuất huyết với sự tham gia của 1.875 cộng tác viên chia thành 635 tổ giám sát.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cũng triển khai các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết tại các phường: Bách Khoa, Đồng Tâm, Trương Định, Vĩnh Tuy, Bạch Mai và Thanh Nhàn.

Cụ thể, chiến dịch vệ sinh môi trường được triển khai tại các khu vực nguy cơ cao, công trường, nhà trọ, nhà vệ sinh công cộng, trường học, đình chùa, bãi đất trống, khu vực ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2021, khu vực có nhiều ca mắc và ổ dịch năm 2022.

Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cũng đã phối hợp với các đơn vị tăng cường truyền thông về phòng, chống sốt xuất huyết dưới nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp. Những hoạt động này đã cung cấp kiến thức cơ bản cho mọi tầng lớp nhân dân về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh cũng như đường lây truyền. Qua đó, người dân hiểu được bệnh có thể phòng tránh và có ý thức, trách nhiệm cộng đồng, chủ động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi tại các hộ gia đình nhằm giảm mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Trực tiếp kiểm tra tại phường Đồng Tâm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng, chống sốt xuất huyết của quận Hai Bà Trưng trong thời gian qua. Trước đây, quận luôn ở vị trí thứ 3 của thành phố về số ca mắc sốt xuất huyết thì hiện tại quận xếp thứ 19/30 quận, huyện. Mặc dù có những kết quả khả quan nhưng quận cũng không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội bắt đầu gia tăng và đang vào thời kỳ cao điểm của dịch theo chu kỳ 5 năm/lần. Vì vậy, quận Hai Bà Trưng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và vận động người dân thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các ổ dịch cũ, xử lý, khoanh vùng triệt để ổ dịch mới theo quy định của Bộ Y tế.

“Thời điểm hiện nay, phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn dịch bệnh. Do đó, các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết cần được tiếp tục một cách toàn diện với sự tham gia của cả đội ngũ cán bộ y tế cũng như các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và chính mỗi người dân”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 3).

 

Covid-19 làm giảm tỷ lệ phát hiện và tăng nguy cơ tử vong do lao

Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới.

Mỗi ngày thế giới có hơn 4.100 người tử vong do bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, đại dịch Covid-19 gây ra nguy cơ cho cuộc chiến chấm dứt bệnh lao, làm giảm tỷ lệ phát hiện bệnh lao.

Từ đầu năm 2022, WHO đã đưa ra dự báo có nhiều trường hợp tử vong do lao hơn do giảm phát hiện bệnh và cản trở việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị lao. Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới năm 2020 đã giảm khoảng 20% so với năm 2019. Tại VN, tỷ lệ này ước đã giảm khoảng 3%, theo chương trình Chống lao quốc gia.

Một chuyên gia về phòng chống lao chia sẻ, trong nước dịch Covid-19 tác động tiêu cực lớn đến tiếp cận chẩn đoán, điều trị lao. Trong 2 năm chống dịch, hầu hết các bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi trên cả nước tích cực tham gia công tác chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã chuyển công năng từ bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi sang điều trị Covid-19. Do vậy, hoạt động chống lao trong cả nước bị ảnh hưởng, thậm chí từng thời điểm làm gián đoạn, đứt gãy mạng lưới chống lao các tuyến, người bệnh lao không biết đến đâu để chẩn đoán, phát hiện, điều trị, dẫn đến có thể làm gia tăng nguồn lây lao trong cộng đồng, nguy cơ tăng số người mắc và tử vong do lao.

Theo Bộ Y tế, tại VN, bệnh nhân lao ghi nhận ở tất cả các tỉnh. Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, theo ước tính, tỷ lệ bệnh nhân lao được phát hiện trong cộng đồng và được báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo.

Theo chương trình Chống lao quốc gia, hiện trong nước, tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới; xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và đạt 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại VN, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Bệnh lao nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong. (Thanh niên, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang