Ho đâu chỉ do bệnh lý ở đường hô hấp
Ho là một triệu chứng của rất nhiều bệnh mà từ trước đến giờ, mỗi khi ho là cả người bệnh lẫn thầy thuốc đều quan tâm đến bệnh lý của đường hô hấp. Thế nhưng hiện tại còn một nguyên nhân ngoài đường hô hấp, đó là bệnh do trào ngược dạ dày-thực quản. Đây là một nguyên nhân rất thường gặp nhưng ít khi đuợc quan tâm đến, vì thế khi đến với bác sĩ thường được điều trị trong một thời gian dài nhưng bệnh không khỏi. Vậy trào ngược dạ dày-thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày-thực quản (Gastroesophageal reflux disease - GERD) là tình trạng thực quản trở nên viêm tấy dưới tác dụng của acid đi từ dạ dày lên. Thực quản là một ống kéo dài từ họng đến dạ dày. Khi thức ăn được nuốt vào miệng sẽ đi xuống thực quản.
Tự chuốc cho bệnh nặng thêm
Cho đến nay khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân của trào ngược dạ dày-thực quản. Tuy nhiên, những yếu tố sau đây góp phần gây nên hiện tượng trào ngược trở nên nặng hơn:
• Sử dụng rượu bia, thuốc lá, béo phì.
• Sử dụng các thuốc như thuốc Theophylline, nitrates, kháng histamine.
• Chế độ ăn nhiều mỡ và thức ăn chiên, tỏi, hành, thức ăn chua như trái cây thuộc giống cam quýt, cà chua, thức ăn có nhiều gia vị, hương liệu bạc hà.
• Sử dụng thức uống có chứa cafein.
• Thói quen ăn uống như ăn một lượng lớn thức ăn cùng một lúc, ăn trước khi đi ngủ.
Dấu hiệu khó đoán
Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản là ợ nóng dai dẳng, người bệnh có cảm giác đau rát ở giữa ngực, sau xương ức. Nó thường xuất hiện ở thượng vị và lan lên cổ, thường tăng lên sau khi ăn. Ngay cả khi nằm hoặc gập người cũng có thể gây ra ợ nóng. Tuy nhiên, không phải mọi người bị trào ngược dạ dày-thực quản đều bị ợ nóng.
Ngoài ra, bệnh trào ngược dạ dày-thực quản còn có thể gặp những dấu hiệu sau và cũng rất dễ nhầm với một số bệnh khác, nhất là bệnh của đường hô hấp:
• Ợ ra acid đắng trong khi ngủ.
• Thấy vị đắng trong miệng.
• Ho khan dai dẳng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý ở đường hô hấp. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp các thầy thuốc nhầm lẫn với bệnh viêm họng và điều trị trong một khoảng thời gian dài vẫn không hết, sau đó tiến hành nội soi dạ dày mới phát hiện ra và điều trị khỏi.
• Khàn giọng nhất là vào buổi sáng, đã có trường hợp chẩn đoán nhầm với bệnh viêm thanh quản và cũng đã thực hiện việc nội soi thanh quản mà không phát hiện gì về bệnh lý thanh quản.
• Thấy khó chịu trong cổ họng, như có một mẩu thức ăn nằm ở đó.
• Thở khò khè, rất dễ nhầm với bệnh hen phế quản, vì vậy việc điều trị sẽ không có hiệu quả.
Ở trẻ em dấu hiệu thường gặp là nôn nhiều lần, ho và những vấn đề về đường hô hấp.
Trông cậy vào nội soi
Việc xác định bệnh chủ yếu là dựa vào sự “theo dõi pH thực quản trong vòng 24 giờ” nhưng ở nước ta chưa được thực hiện, kể cả ở các bệnh viện lớn vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay để có thể chẩn đoán xác định bệnh lý trào ngược dạ dày-thực quản chủ yếu dựa vào nội soi dạ dày, qua việc phát hiện viêm, trợt hoặc loét thực quản ở người bệnh có biểu hiện nóng rát sau xương ức và ợ chua.
Không những thế, nội soi còn có thể phát hiện các nguyên nhân thực thể tạo điều kiện cho trào ngược dịch vị như thoát vị cơ hoành để có biện pháp can thiệp ngoại khoa thích hợp.
Chớ có ăn uống “líp ba ga”
Để có thể phòng tránh bệnh trào ngược dạ dày-thực quản cần tránh dùng những thức ăn, nước uống như sau:
• Rượu bia và những đồ uống có pha rượu luôn có tác dụng hại đối với sự co giãn của cơ thắt thực quản, nó là một chiếc van ngăn dịch từ dạ dày trào ngược lên thực quản.
• Cà phê, trà và những đồ uống chứa cafein, cafein và tinh chất trà xanh sẽ làm tăng sự giãn cơ vòng dưới thực quản cũng như tăng sự tiết acid trong dạ dày.
• Đồ uống có ga, chúng sẽ làm trướng bụng và gây ra những tác động không tốt đối với cơ thắt dạ dày-thực quản.
• Sữa, nó chứa nhiều chất béo, protein và canxi. Đây là ba yếu tố khuyến khích sự tiết acid dạ dày.
• Gia vị và hương liệu, là những chất gây kích thích và làm tăng cảm giác nóng rát dạ dày.
• Thực phẩm chứa nhiều chất béo, làm cho sự tiêu hóa thức ăn trở nên chậm và khó khăn hơn mà khi thức ăn nằm lâu trong dạ dày sẽ làm tăng sự tiết acid dạ dày.
• Các loại hoa quả cam, quýt, chanh, bưởi sẽ làm tăng sự tiết dịch của dạ dày. Kể cả nước ép của các loại quả này cũng không nên uống.
• Bạc hà, là một tác nhân kích thích sự giãn cơ thắt thực quản.
• Chocolate sữa là những chất có tác dụng làm tăng độ chua của dạ dày. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 10).
Hà Nội: Thí điểm tầm soát ung thư đại trực tràng từ giữa tháng 12
Thông tin Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội sẽ thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng với chi phí chỉ 63.200 đồng/ca đang được đông đảo người dân Thủ đô quan tâm. Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Saint Paul Hà Nội cho biết, việc này sẽ được thí điểm từ giữa tháng 12 và người dân sẽ không phải đến tận trung tâm.
Lấy mẫu tại cơ sở y tế gần nhà nhất
Ung thư đại trực tràng là một căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ mắc tương đối cao, nhưng lại có thể chữa được và chữa khỏi tới 90% nếu được phát hiện sớm. Tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Singapore… các chiến dịch tầm soát ung thư đại trực tràng đã được thực hiện từ nhiều năm qua và đã chứng minh tính hiệu quả trong việc phát hiện sớm, làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng cho người dân. Việc tầm soát định kỳ này được ví như vaccine phòng chống bệnh ung thư đại trực tràng.
Đại diện Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Saint Paul cho biết, đơn vị đã đàm phán nhập và lắp đặt xong hệ thống thiết bị của Nagase từ Nhật Bản và đặt mua bước đầu 100.000 test để triển khai thí điểm, sau đó tiến tới nhân rộng tầm soát cho toàn bộ gần 2 triệu người dân Thủ đô có độ tuổi từ 40 trở lên, đây là độ tuổi nên tầm soát ung thư đại trực tràng.
Tuy nhiên, để hoạt động tầm soát này đem lại hiệu quả nhất, cho nhiều người được hưởng nhất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp cùng với hệ thống 41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế, 52 phòng khám đa khoa và 584 trạm y tế phường xã của Hà Nội để triển khai.
Chương trình dự kiến bắt đầu lựa chọn thí điểm khu vực để triển khai từ giữa tháng 12-2016. Thông qua các bệnh viện, phòng khám, trung tâm và các trạm y tế phường xã, người dân sẽ được lấy mẫu phân rồi tập trung gửi đến Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội để xét nghiệm. Như vậy, họ không cần phải đến trực tiếp trung tâm mà sẽ được tầm soát ngay tại cơ sở y tế gần nhà mình nhất.
Sau khi xét nghiệm, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội sẽ gửi kết quả về các cơ sở y tế địa phương đã thu thập mẫu. Toàn bộ quá trình xét nghiệm hoàn toàn tự động và từng mẫu được mã hóa để tránh nhầm lẫn tuyệt đối và bảo mật thông tin. Nếu mẫu xét nghiệm bình thường, người dân sẽ được khuyến cáo lặp lại sau 6 đến 12 tháng.
Chỉ khi nào mẫu xét nghiệm dương tính, người đó sẽ được mời đến Trung tâm để tiến hành các bước chẩn đoán tiếp theo như nội soi đại tràng… nhằm xác định có mắc bệnh hay không và nếu mắc thì ở mức độ nào. Vì vậy, cần lưu ý rằng đây là xét nghiệm tầm soát ban đầu để phát hiện nguy cơ có bệnh hay không chứ không phải là xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh.
Chủ động phòng bệnh
Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, mỗi năm ở Việt Nam ghi nhận khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới mắc và 73.000 người chết vì ung thư. Dự báo đến năm 2020, con số này ở Việt Nam sẽ là 200.000 người mắc mới và 100.000 người tử vong vì căn bệnh ung thư.
Theo ước tính không đầy đủ, mỗi năm Việt Nam có thêm vài chục nghìn người mắc bệnh ung thư đại trực tràng, trong số đó chỉ có khoảng 1/3 được chẩn đoán sớm và hơn một nửa tử vong. Theo thống kê, Việt Nam chi tới gần 9 nghìn tỷ đồng hàng năm để điều trị cho căn bệnh này, chưa kể những bệnh nhân tự đi nước ngoài chữa bệnh.
Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, phòng bệnh ung thư đại trực tràng đòi hỏi sự kiên trì thời gian dài, với ý thức phòng bệnh cao. Từ khi hình thành polip trong đại trực tràng cho đến khi phát triển thành ung thư là quá trình kéo dài 10 đến 15 năm. Do đó, việc duy trì lối sống lành mạnh, vệ sinh ăn uống và ăn nhiều rau củ quả… cùng với việc tầm soát định kỳ đã được chứng minh là vũ khí mạnh nhất chống lại căn bệnh này.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho biết, có những đối tượng không nên chờ đợi mà nên tầm soát sớm hơn và thường xuyên hơn như những người có tiền sử gia đình hay cá nhân mắc bệnh ung thư đại trực tràng hay polip trong đại trực tràng dù đã được cắt bỏ, có tiền sử bệnh viêm ruột mạn tính như Crohn và viêm loét đại trực tràng, tiền sử gia đình có hội chứng đa polip, hoặc có các biểu hiện như đi ngoài ra nhầy máu hay phân sẫm màu, đau chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn phân, thiếu máu, sụt cân, đặc biệt ở những người từ 50 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, nội soi là biện pháp tầm soát và đồng thời chẩn đoán xác định bệnh tốt nhất, cũng như có thể cắt bỏ luôn polip nếu có trong quá trình làm nội soi để phòng tránh phát triển thành ung thư. Nếu một người hoàn toàn khỏe mạnh, gia đình không có ai mắc bệnh hay có các biểu hiện nói trên mà được tầm soát bằng nội soi với kết quả nội soi hoàn toàn bình thường thì sau 5 đến 10 năm mới cần làm nội soi lại.
Ngoài ra còn có một số phương pháp tầm soát khác nữa như chụp CT ảo đại tràng, xét nghiệm DNA trong phân hay Septin 9 trong máu nhưng rất đắt tiền nên chỉ áp dụng với một số người chứ không thể dùng để tầm soát được cho toàn dân ngay cả ở các nước phát triển. (An ninh Thủ đô, trang 3;, Thanh niên, trang 4).
Trẻ tiêu chảy không nhất thiết phải kiêng sữa
Không ít người cho rằng, uống sữa không những không có ích mà còn khiến trẻ bị tiêu chảy nhiều hơn. Tin tưởng vào quan niệm này, nhiều mẹ đã bỏ qua cơ hội bổ sung dinh dưỡng cho con lúc cơ thể bé đang cần nhất.
Tiêu chảy, vẫn cần ăn đủ chất đạm, chất béo
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm thế giới có khoảng 2,2 triệu trẻ em tử vong vì tiêu chảy, hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, tiêu chảy là bệnh hay gặp thứ hai sau nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Tính trung bình, trẻ dưới 5 tuổi bị tiêu chảy 3 lần/năm. Dù là bệnh thường gặp, dễ chữa nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng, tiêu chảy sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của trẻ cũng như của những người xung quanh.
Về mặt định nghĩa, tiêu chảy là hiện tượng trẻ đi ngoài với phân có dịch và nhiều nước từ 3 lần/ngày trở lên. Với những trường hợp tiêu chảy nặng, trẻ có thể đi ngoài tới 10 - 20 lần/ngày và nếu không được bù nước, trẻ dễ rơi vào suy kiệt.
Thông thường, khi bị tiêu chảy, trẻ thường kèm theo sốt, nôn, đau bụng… khiến quá trình chăm sóc trở nên phức tạp hơn. Ngày trước, người ta cho rằng, tiêu chảy tức là đường ruột yếu, do đó, nếu ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, đặc biệt là giàu mỡ, nhiều chất tanh thì sẽ tăng thêm gánh nặng cho đường ruột, từ đó khiến tiêu chảy càng nặng hơn.
Quan niệm này tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua và gây nên nhiều cái chết vì suy dinh dưỡng ở trẻ. Thực tế, những năm 1990, nước ta có hơn 300.000 trẻ em chết vì tiêu chảy mỗi năm do nguyên nhân này.
Ngày nay, khi trình độ dân trí nâng cao, người ta hiểu rằng: trẻ bị tiêu chảy vẫn cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất là: chất béo, bột đường, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, thực tế là khi cơ thể mệt mỏi, trẻ thường chẳng thiết ăn uống. Vậy làm thế nào để có thể bù đắp dinh dưỡng cho trẻ trong thời điểm này?
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu trẻ không ăn được thì có thể uống sữa. Sữa vừa nhiều dinh dưỡng, vừa ở dạng lỏng, dễ tiêu hóa lại có thể coi như một cách bổ sung nước. Tuy nhiên, không ít người lại cho rằng, uống sữa không những không có ích mà còn khiến trẻ bị tiêu chảy nhiều hơn. Trong 2 quan niệm trái ngược đó, đâu là quan niệm đúng?
Không phải trẻ nào cũng bất dung nạp lactose
Lo lắng về việc uống sữa có thể làm tăng nặng tình trạng tiêu chảy ở trẻ là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng gặp hiện tượng này. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, bình thường, trong đường ruột của trẻ có một loại men gọi là lactase.
Loại men này có tác dụng hấp thụ đường lactose - một loại đường có hầu hết trong các loại sữa động vật (bao gồm cả sữa mẹ). Khi trẻ bị tiêu chảy, men lactase bị suy giảm dẫn đến việc ruột không thể tiêu hóa được đường lactose. Một khi đường lactose không được tiêu hóa, nó sẽ chuyển thành acid lactic gây tiêu chảy nhiều hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, chúng ta không cần phải quá lo lắng về vấn đề này. Trên thực tế, không phải trẻ nào cũng bị suy giảm men lactase trầm trọng đến mức bất dung nạp đường lactose. Thông thường, loại men này chỉ suy giảm một phần nên cha mẹ vẫn có thể bổ sung sữa cho trẻ với hàm lượng ít hơn so với thường ngày.
Theo đó, khi cho trẻ uống sữa, nếu thấy các dấu hiệu như: nôn ói, tiêu chảy tăng lên, phân có mùi chua, hậu môn đỏ… thì cần dừng lại vì đây là biểu hiện của bất dung nạp lactose. Mặc dù vậy, lần sau, bạn cũng có thể thử lại với hàm lượng sữa ít hơn, khoảng 1/3 - 1/2 so với lúc trước.
Cẩn thận hơn, bạn có thể chuyển sang loại sữa khác không chứa đường lactose (lactofree) nếu vẫn muốn bổ sung sữa cho con. Trong trường hợp nếu trẻ uống sữa mà không có biểu hiện trên, bạn có thể tăng thêm lượng sữa để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
Như đã nói ở trên, trong sữa mẹ cũng có đường lactose, thế nhưng, điều tuyệt vời là nó lại không gây ra hiện tượng bất dung nạp ở đường ruột. Do đó, nếu trẻ vẫn đang trong thời kỳ bú mẹ, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục cho trẻ bú, thậm chí, phải bú với mức nhiều hơn để bù nước và tăng kháng thể (An ninh Thủ đô, trang 3).
Thực phẩm bẩn gây hơn 200 bệnh
Tại tọa đàm “Thực phẩm bẩn - tác nhân gây ung thư” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 3-12, các chuyên gia đều khẳng định số ca ung thư tại Việt Nam tăng hằng năm và tác nhân gây ung thư ngoài thực phẩm bẩn còn có thói quen, lối sống, môi trường...
Việt Nam là nước có số người mắc bệnh ung thư nằm ở mức trung bình của thế giới, nhưng những năm gần đây số người mắc bệnh ung thư tại nước ta vẫn tiếp tục gia tăng.
Bệnh ung thư tăng nhanh
TS Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết như vậy tại buổi tọa đàm.
Ông Thịnh dẫn ra con số năm 2013 trên địa bàn TP.HCM có 25.419 ca mắc bệnh ung thư mới, trong đó 8.049 bệnh nhân có hộ khẩu ở TP.HCM, còn lại là bệnh nhân các tỉnh thành phía Nam. Đến năm 2014, có 29.399 trường hợp mắc bệnh ung thư mới, trong đó có 8.951 ca ở TP.HCM. Như vậy, tính ra tăng khoảng 5,8%.
“Ở TP.HCM, trong 5 năm liên tiếp số người mắc bệnh ung thư đều tăng 5,8%” - TS Phạm Xuân Dũng, chánh văn phòng Hội Ung thư Việt Nam, phó chủ tịch thường trực Hội Ung thư TP.HCM, cũng cho biết như vậy.
TS Dũng cho rằng phòng chống ung thư là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên muốn phòng chống được thì phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân gây bệnh ung thư do di truyền chiếm tỉ lệ thấp, phần lớn (75-80%) là do môi trường, lối sống, ăn nhiều chất béo, uống rượu, thuốc lá, ít tập thể dục...
TS Lê Tuấn Anh, phó giám đốc trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết số bệnh nhân ung thư đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám tăng theo thời gian. Năm 2014, khoa ung bướu bệnh viện này tiếp nhận khoảng 22.000 bệnh nhân đến khám thì đến năm 2016, khi bệnh viện đã thành lập trung tâm ung bướu, số bệnh nhân đến khám là 45.000 người, tăng hơn gấp đôi so với năm 2014.
Bệnh nhân ngày càng trẻ
Tỉ lệ mắc bệnh ung thư ở người trẻ VN ngày càng gia tăng. Các bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã điều trị cho những cô gái mới 25 tuổi đã mắc bệnh ung thư vú, trong khi 15 năm trước hoàn toàn không có. Ung thư thực quản, thanh quản đã xuất hiện ở những bệnh nhân mới 30 tuổi, trong khi trước đây chỉ gặp ở những người trên 50 tuổi.
Đến nay, các bác sĩ chưa thể xác định nguyên nhân làm người trẻ mắc bệnh ung thư gia tăng, nhưng đều đặt giả thuyết tỉ lệ mắc bệnh ung thư ở người trẻ ngày càng gia tăng có thể do tiêu thụ bia rượu, thuốc lá sớm so với trước đây, có tiếp xúc quá sớm với các tác nhân gây ung thư trong thực phẩm, trong môi trường? Có thể trước đây người chế biến chưa sử dụng nhiều chế phẩm độc?...
Không phải mắc ung thư sẽ tử vong
Bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn - giám đốc y khoa nhãn hàng bảo vệ gan Hewel (Công ty dược phẩm Eco), nguyên trưởng khoa độc học - huyết học Bệnh viện Quân y 175 - cho biết thực phẩm bẩn có thể gây ra hơn 200 bệnh khác nhau. Đáng sợ hơn, đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư.
Chưa bao giờ những cụm từ thịt bẩn, heo tăng trọng, gà thải loại, cá, mực ướp phân đạm, đậu hủ tẩy trắng bằng chất gây ung thư, hóa chất giúp mít, sầu riêng chín siêu tốc... lại được nhắc đi nhắc lại nhiều đến thế. Người tiêu dùng hiện nay luôn trong tình trạng hoang mang, lo lắng về nguồn gốc các loại thực phẩm có trên bàn ăn nhà mình...
Nhiều người cho rằng số người mắc bệnh ung thư hiện tăng cao là do thực phẩm bẩn, nhưng thực chất những chất độc hại tích lũy trong cơ thể sau 10-20 năm mới gây bệnh ung thư. Nếu kết hợp với nhiều yếu tố khác thì thời gian gây bệnh sẽ nhanh hơn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, nhấn mạnh các tác nhân nằm trong thực phẩm chỉ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, ngoài ra còn phải kể đến thói quen ăn uống, lối sống ít vận động, môi trường không khí, nước...
Theo TS Đặng Huy Quốc Thịnh, ung thư là bệnh lý đa căn nguyên, khi một người bị ung thư thì không thể kết luận do nguyên nhân cụ thể từ đâu. Bệnh ung thư có thể do nhiều yếu tố phối hợp, từ môi trường, khói, bụi, khí thải, thói quen ăn uống, lối sống..., đặc biệt có những người không có thói quen xấu vẫn mắc bệnh ung thư.
ThS Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho rằng ngoài việc phòng bệnh, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh rất quan trọng. Không phải mắc bệnh ung thư sẽ tử vong mà là nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng có thể sẽ khỏi bệnh.
Trong 3 tác nhân trên, nhóm hóa học liên quan đến ung thư nhiều nhất.
3 nhóm thực phẩm gây ung thư
Ông Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cho biết trong thực phẩm có nhiều tác nhân gây bệnh, trong đó có bệnh ung thư. Tác nhân gây mất an toàn trong thực phẩm có thể chia ra làm 3 nhóm chính.
- Nhóm thứ nhất là vi sinh - tác nhân chủ yếu gây ra các vụ ngộ độc cấp tính.
- Nhóm thứ hai là hóa học, có thể được đưa vào trong quá trình sử dụng hoặc bản thân thực phẩm có sẵn như thuốc bảo vệ thực vật sử dụng không đúng cách hoặc không được phép sử dụng để lại tồn dư, phụ gia ngoài danh mục không được phép sử dụng đều có thể là tác nhân gây ung thư.
Ngoài ra còn có rất nhiều những chất tự sinh có sẵn trong thực phẩm, ví dụ như củ khoai tây mọc mầm, khoai bị hà, đậu phộng, giá bị mốc... nếu ăn cũng có thể gây ung thư.
- Nhóm thứ ba là về vật lý, ví dụ thực phẩm có thể nhiễm phóng xạ cũng gây ung thư. (Tuổi trẻ, trang 3).