Hà Nội xuất hiện các chùm thuỷ đậu ở trường mầm non
Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 166 ca mắc thủy đậu, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 800 ca mắc thủy đậu, tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2022 (chỉ có 11 ca); hiện chưa ghi nhận ca tử vong do thủy đậu.
Hiện Thủ đô đã xuất hiện thêm các chùm ca bệnh thủy đậu tại: Trường Mầm non Chu Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội) có 12 ca mắc; Trường Mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có 9 ca mắc; Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) có 20 ca mắc; Trường Mầm non Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) có 12 ca mắc.
CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc thuỷ đậu sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới khi điều kiện thời tiết nồm ẩm như hiện nay. Vì vậy, việc tiếp tục tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục trong công tác phòng, chống, xử lý các chùm ca bệnh thủy đậu trong trường học là rất cấp thiết. Các trường học, đơn vị cũng cần theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để kịp thời xử lý.
Thuỷ đậu đã có vaccine phòng ngừa, song thời gian qua, nhiều phụ huynh chưa cho trẻ tiêm. Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh thủy đậu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, nói chuyện,...) khi người lành tiếp xúc với người bệnh. Ngoài ra, thủy đậu còn có thể lây truyền gián tiếp khi người khỏe mạnh tiếp xúc với các đồ dùng sinh hoạt của bệnh nhân như ga trải giường, khăn mặt, quần áo,...
Dù là loại bệnh nhẹ, lành tính, nhưng vẫn có những trường hợp bị thủy đậu gặp biến chứng, nhất là đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, phụ nữ đang mang thai, trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, người bị nhiễm HIV/AIDS.
Những biến chứng thường gặp nhất là bị nhiễm trùng da, zona. Riêng phụ nữ mang thai bị thủy đậu dễ gặp biến chứng gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Ngoài ra, bệnh còn gây ra các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm gan, viêm phổi,... Một số trường hợp bị thủy đậu có thể dẫn tới tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Vì vậy, chủ động phòng ngừa thủy đậu là lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn những biến chứng khó lường của căn bệnh này. Cho đến nay, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine thủy đậu (Công an nhân dân, trang 4).
Ngành y tế TP.HCM chủ động ứng phó bệnh Marburg
Trước sự chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND TP.HCM và Sở Y tế, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống bệnh Marburg nguy hiểm.
Marburg là bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm Việt Nam.
Chốt chặn khoa khám bệnh, cấp cứu
TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết ngay từ tháng 2.2023, khi Thái Lan và một số nước phát hiện ca bệnh Marburg thì BV Bệnh nhiệt đới đã sẵn sàng các phương án dự phòng ở các khoa phòng; phương án xét nghiệm phát hiện ca bệnh cách ly, điều trị ca bệnh.
Cụ thể, Khoa Khám bệnh, Khoa Cấp cứu của BV phụ trách khám sàng lọc, tiếp nhận và cho nhập viện các trường hợp bệnh nghi ngờ nhiễm Marburg. Thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám, cách ly bệnh nhân (BN), các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế, người chăm sóc BN và BN.
Riêng Khoa Nhiễm D của BV tăng cường khả năng thu dung đủ sức tiếp nhận điều trị BN, bảo đảm công tác cách ly nghiêm ngặt. Trang bị các máy móc thiết bị hỗ trợ theo dõi bệnh cho buồng bệnh nặng tại khoa, cung cấp máy đo ô xy máu.
"Bên cạnh thiết bị, thuốc men, tại BV Bệnh nhiệt đới, việc mua sinh phẩm, đặc biệt là sinh phẩm PCR cho xét nghiệm vi rút Marbrug đang được xúc tiến. Ngoài PCR, phương pháp metagenomics giúp phát hiện sự hiện diện bộ gien của vi rút trong mẫu bệnh phẩm thông qua việc giải mã gien mà không cần sử dụng các đoạn mồi đặc hiệu như của PCR cũng là một cách tiếp cận. Phương pháp metagenomics nằm trong chương trình ứng phó với các bệnh nhiễm trùng mới nổi, gần đây BV Bệnh nhiệt đới và OUCRU đã xây dựng thành công", TS-BS Hùng thông tin.
Cũng theo TS-BS Hùng, BV đang xin phép được thực hiện xét nghiệm các ca nghi ngờ bệnh Marburg.
Còn theo TS-BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - BV Chợ Rẫy, đặc thù BV Chợ Rẫy là tuyến cuối nên khả năng tiếp xúc với nguy cơ bệnh cao. Do đó, BV đã có hướng dẫn tiếp nhận bệnh (các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm) từ 2 cửa quan trọng nhất là khu vực cấp cứu và phòng khám. Các trường hợp nghi nhiễm bệnh thì được đưa đi cách ly ngay lập tức, sau đó tiến hành hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn, có các phương án chẩn đoán và điều trị BN phù hợp.
Tại các khoa, phòng có khả năng tiếp nhận BN nhiễm vi rút Marburg, BV tiến hành cảnh báo cho nhân viên về khả năng lây nhiễm của bệnh; đồng thời tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào VN thông qua khai thác tiền sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng.
Người dân không nên hoang mang
Ở góc độ dự phòng, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho hay HCDC đã tăng cường để kiểm soát tại sân bay, cửa khẩu để nếu phát hiện ca nghi ngờ thì báo cáo Ban Giám đốc Sở Y tế, tạm thời đưa về BV cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. "Triển khai các biện pháp phòng chống dịch, bệnh lây qua đường dịch tiết chứ không như Covid-19. Người dân không nên hoang mang", bác sĩ Tâm nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, khuyến cáo người dân nếu có đi châu Phi, vùng dịch thì đừng quan hệ "lung tung" và không nên vào rừng, có tiếp xúc với dơi. Khi trở về VN, nếu cảm thấy có nguy cơ thì phải tự cách ly mình 21 ngày để bảo vệ cộng đồng (Thanh niên, trang 4).