Tiêm chủng giúp ngăn ngừa 2 - 3 triệu ca tử vong mỗi năm
Sáng 3.6, tại Quảng Ngãi, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2017 do Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động với chủ đề “Hiệu quả của vắc xin”. Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, tiêm chủng là một trong những can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất trên thế giới, giúp ngăn ngừa từ 2 - 3 triệu ca tử vong mỗi năm. Theo Bộ Y tế, sau hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng tại VN, hơn 600 triệu liều vắc xin đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ, trong đó có 10 loại vắc xin mới với công nghệ kỹ thuật hiện đại trong nước sản xuất, giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong do mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhiều dịch bệnh nguy hiểm như bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi đã được khống chế. Tuy nhiên, tại một số huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp nên vẫn xảy ra những vụ dịch ho gà, thương hàn, viêm não Nhật Bản quy mô nhỏ. Mỗi năm vẫn còn hơn 600.000 trẻ không được tiêm chủng kịp thời vắc xin viêm gan B sơ sinh, có nguy cơ ung thư do nhiễm vi rút này.
Dịp này, Bộ Y tế triển khai đồng loạt hệ thống phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng trong cả nước, giúp khắc phục tình trạng trẻ em không được tiêm đủ mũi vắc xin hoặc tiêm chủng không đúng lịch. Hệ thống quốc gia hiện quản lý thông tin tiêm chủng của gần 3,8 triệu trẻ em. Đến 1.6.2018 sẽ thực hiện tiêm chủng không giấy, toàn bộ dữ liệu tiêm chủng sẽ được lưu trên hệ thống điện tử (Thanh niên, trang 18).
Bệnh nhân bị 35 viên sỏi lấp đầy túi mật
Ngày 3.6, Bệnh viện quốc tế Thái Hòa (Đồng Tháp) đã cấp cứu bệnh nhân L.T.D (43 tuổi, ngụ H.Tân Hồng, Đồng Tháp) bị viêm túi mật cấp do đầy sỏi trong túi mật. Gần đây, bà D. hay mệt mỏi, đau hạ sườn phải lan đến ngực phải nên đến bệnh viện khám. Qua chẩn đoán, bác sĩ phát hiện trong túi mật bệnh nhân có 35 viên sỏi lấp đầy làm túi mật bị viêm và sưng to nên tiến hành phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật.
Theo các bác sĩ, thông thường bệnh nhân bị sỏi mật chỉ vài viên cũng phải phẫu thuật gắp ra, trường hợp bà D. nếu không sớm điều trị có nguy cơ túi mật bị thủng hoặc vỡ gây biến chứng, nguy hiểm tính mạng (Thanh niên, trang 18).
41 du khách ở Đà Lạt nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm
Theo Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, trong ngày 3.6, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu cho 41 bệnh nhân thuộc 2 đoàn khách du lịch khác nhau đang tham quan tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Đầu tiên là đoàn du khách 13 người đến từ TP.HCM. Đoàn du khách này lưu trú tại một khách sạn trên đường 3/2 (TP.Đà Lạt) và rải rác nhập viện trong khoảng thời gian từ 0 giờ 56 phút đến 8 giờ 23 phút ngày 3.6.
Đoàn du khách thứ 2 có 27 người quốc tịch Myanmar và 1 người Việt Nam là lái xe chở đoàn. Đoàn du khách này lưu trú tại một khách sạn trên đường Hùng Vương (TP.Đà Lạt) và trong khoảng thời gian từ 8 giờ 11 đến 9 giờ 36 (ngày 3.6) tất cả họ đã phải nhập viện cấp cứu.
Theo kết quả chẩn đoán của bệnh viện, các bệnh nhân này bị viêm dạ dày ruột và tiêu chảy nghi do bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên hầu hết đều bị bệnh nhẹ nên được bệnh viện xử lý cấp cứu, cho uống thuốc, truyền dịch, cấp đơn thuốc và cho xuất viện trong ngày.
Theo lời khai của các bệnh nhân thuộc đoàn du khách TP.HCM, nơi họ ăn, uống cuối cùng trước khi nhập viện là tại nhà hàng T.Đ. (đường Phù Đổng Thiên Vương, P.8, TP.Đà Lạt).
Trong khi đó nơi ăn, uống cuối cùng của đoàn du khách Myanmar trước khi nhập viện là tại nhà hàng H. (đường Nguyễn Du, P.9, TP.Đà Lạt) (Thanh niên, trang 18).
Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm vụ chết người chạy thận ở Hòa Bình
Liên quan đến sự cố chạy thận ở Bệnh viện Hòa Bình làm 7 người chết, Thủ tướng đề nghị: Điều tra làm rõ có phải do thiết bị kém dẫn đến chết người hay không? “Lần này phải làm đến nơi đến chốn vụ này, xử lý nghiêm theo pháp luật, dù người đó là ai”, Thủ tướng yêu cầu.
Sáng 3/6, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2017. Mở đầu phiên họp Thủ tướng cho biết chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vừa qua đạt nhiều kết quả tích cực.
“Xúc tiến đầu tư thương mại cũng rất lớn. Chưa bao giờ có trên 400 nhà đầu tư tổ chức một Gala Dinner lớn để đón tiếp đoàn Việt Nam. Lần này chúng ta đã ký khoảng 12 tỷ USD với Hoa Kỳ, trong đó có nhiều giấy phép đầu tư rất quan trọng vào một số lĩnh vực, nhất là thiết bị chế tạo”, Thủ tướng cho biết.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, Thủ tướng nhìn nhận có nhiều thuận lợi. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Thu hút FDI tăng trưởng tốt. Dịch vụ, du lịch tăng. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đạt nhiều kết quả khi “đây là tháng kỷ lục về việc thành lập doanh nghiệp mới (50.500 doanh nghiệp được thành lập trong những tháng đầu năm.
Trong lĩnh vực xã hội, Thủ tướng nêu lên các vấn đề đặt ra là tình trạng sạt lở nặng nề ở Tây Nam Bộ, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đặc biệt, vụ việc nghiêm trọng khiến 7 bệnh nhân chết khi điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa Hoà Bình đã gây cú sốc lớn cho xã hội. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công an xử lý nghiêm vụ việc.
Thủ tướng đề nghị: “Phải xử lý nghiêm khắc trường hợp này nếu như cố tình mua thiết bị kém chất lượng, để ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Phải điều tra làm rõ có phải do thiết bị kém dẫn đến chết người hay không? Giá thiết bị là bao nhiêu, tại sao để tình trạng này? Có phải đây là bài học điển hình không? Lần này phải làm đến nơi đến chốn vụ này, xử lý nghiêm theo pháp luật, dù người đó là ai”.
Về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nêu rõ nội dung chính của phiên họp này là “chúng ta làm gì để tăng trưởng đạt mục tiêu 6,7%, có làm được như Chỉ thị 24 ngày 2/6 không”? Điểm lại một số nhiệm vụ, những con số, chỉ tiêu cụ thể đề ra trong Chỉ thị 24 đối với từng ngành, từng lĩnh vực, Thủ tướng nêu rõ cần tổ chức thực hiện đến nơi, đến chốn (Tiền phong, trang 5).
Ung thư, không hẳn trời kêu ai nấy dạ!
Dưới góc nhìn bi quan thường tình của nhiều người, ung thư là chuyện may rủi trời kêu ai nấy dạ. Sai, vì trong cùng bối cảnh sinh hoạt không hẳn ai cũng bị mắc bệnh như nhau.
Bên cạnh yếu tố di truyền, cơ tạng, các căn bệnh đòn bẩy như viêm gan, loét dạ dày…, ung thư tuy là chuyện không của riêng ai nhưng rõ ràng là chuyện không ai giống ai.
Chữa cháy đừng chữa cầm canh
Nếu thầy thuốc chuyên khoa ung bướu trước đây vài thập niên chỉ tập trung vào giải pháp cắt lóc trên bàn mổ, vào sức đốt của chiếc máy xạ trị, vào tác dụng diệt bào của hóa chất tổng hợp để “bướu đâu chữa đó” thì nhà điều trị thời nay đã thay đổi quan điểm từ khi phát hiện bệnh ung thư là bệnh có thể phòng ngừa cho dù gián tiếp trong khi chưa có thuốc chủng. Đó là:
Không thể nào loại trừ mầm bệnh ung thư từ độc chất trong môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, thực phẩm không an toàn vệ sinh, phế phẩm của rối loạn biến dưỡng, tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt, từ phế phẩm ôxy hóa do rối loạn nội tiết tố… Tế bào ung thư vì thế chực chờ trong mỗi cơ thể. Tuy vậy, ung bướu ác tính chỉ có thể thành hình khi tế bào ung thư tập trung được số lượng đủ sức gây bệnh. Phân tán lực lượng tế bào ung thư bằng cách “hai mặt giáp công”, vừa giải độc kịp thời cho cơ thể vừa cung ứng hoạt chất trung hòa chất sinh ung thư, vì thế là biện pháp mang ý nghĩa phòng ngừa.
Trong tình huống đằng nào cũng phải sống chung với lũ, nguyên tắc ngăn chặn ung thư là làm sao một mặt giới hạn các yếu tố tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát tán như stress, rượu bia, thuốc lá… Mặt khác cần liên tục tiếp sức để bảo vệ cấu trúc khỏe mạnh của tế bào, thay vì đem tế bào bỏ chợ trước móng vuốt của chất gây rỉ sét, chất gây biến thể tế bào của tập thể chất ôxy hóa ngoại lai cũng như nội tại.
Mài thật nhọn khả năng phát hiện của thực bào và bạch cầu để lực lượng này truy diệt tế bào ung thư ngay khi bệnh nguyên còn trong trứng nước.
Thắng bại ở hiệp hai!
Hiệu quả của liệu pháp chống ung thư, từ thao tác ngoại khoa bước qua hóa trị cho đến xạ trị, rõ ràng đã hiệu quả hơn xa rất nhiều nhờ tiến bộ nhảy vọt trong kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị. Nếu trong vài thập niên trước đây mục tiêu điều trị hầu như chỉ là chữa cháy cầm canh, còn nước còn tát, ít nhiều may rủi thì thầy thuốc hiện nay không còn thất thế khi phải đối đầu với ung bướu ác tính. Khác với quan điểm sớm muộn cũng thua, thống kê của ngành y trong thập niên gần đây cho thấy tỉ lệ sống còn sau khi được điều trị bằng liệu pháp đặc hiệu đang và sẽ tiếp tục được cải thiện nếu biết sớm, chữa sớm.
Chuyện gì cũng có lý do
Điều đáng nói là tỉ lệ tử vong vì ung thư rõ ràng không đồng nhất nếu so sánh nơi này với nơi khác. Số trường hợp đau buồn tất nhiên tùy thuộc mức độ bệnh lý trước đó, loại ung bướu, cơ tạng của bệnh nhân khi phát hiện bệnh cũng như kinh nghiệm điều trị của thầy thuốc. Bên cạnh đó, yếu tố quyết định chính là liệu pháp hỗ trợ trong giai đoạn hậu ung thư. Nhờ nhiều công trình thống kê kéo dài hàng chục năm với cả trăm ngàn đối tượng, có thể khẳng định là bệnh nhân không chỉ sống còn, không chỉ sống lâu mà sống với chất lượng cuộc sống như mong muốn nếu nạn nhân, sau khi qua cơn cấp bách, được tiếp tục theo dõi định kỳ để thầy thuốc can thiệp đúng lúc. Hay hơn nữa nếu bệnh nhân được hỗ trợ sức đề kháng bằng hoạt chất sinh học có công năng bảo vệ cấu trúc toàn diện của tế bào. Khéo hơn nhiều nếu dược liệu thiên nhiên thuộc nhóm “phòng ngừa ung thư” được kết hợp càng sớm càng tốt trong phác đồ điều trị để vừa nâng đỡ tổng trạng của người bệnh, vừa giới hạn phản ứng phụ khó tránh của hóa-xạ trị, liệu pháp có hiệu quả nhanh hơn và thời gian trị liệu ngắn hơn. Quan trọng vô cùng là tỉ lệ di căn trong giai đoạn hậu ung thư rõ ràng thấp hơn.
Trận chiến còn dài sau ngày xuất viện
Giai đoạn hậu ung thư là thời điểm vô cùng nhạy cảm không chỉ vì đòn đánh nguội, đánh lén của tế bào ác tính. Đó là cơ hội để nhiều bệnh chứng nghiêm trọng khác thừa nước đục thả câu vì sức kháng bệnh của nạn nhân chẳng khác nào ngọn đèn leo lét trước gió. Đó chính là lý do tại sao thầy thuốc coi trọng quan điểm điều trị toàn diện, đang đặt mục tiêu tăng cường sức đề kháng trong giai đoạn hậu ung thư ngang hàng với liệu pháp đặc hiệu. Đó cũng là động cơ khiến càng lúc càng có nhiều nhà điều trị trên khắp năm châu trong thập niên gần đây đã vận dụng hoạt chất sinh học trong dược liệu đã được xác minh tác dụng qua kiểm nghiệm lâm sàng như nhân sâm, lộc nhung, linh chi, đông trùng hạ thảo… để vừa bọc lót các cơ quan trọng yếu về mặt giải độc như lá gan, trái thận, khung ruột, vừa mài nhọn sức đề kháng thay vì phó mặc may rủi cho định mệnh.
Phòng tránh ung thư có điểm tương đồng với kinh tế. Tất nhiên thuận tiện nếu có được ngoại viện. Nhưng khéo hơn nhiều nếu khỏe nhờ nội lực. Vỏ quýt khó dày nếu móng tay đủ nhọn. Cho dù ung thư có trăm mưu ngàn chước vẫn có thể ngăn chặn căn bệnh này nếu biết cách tận dụng sức bật của hệ thống phòng vệ bằng cách tiếp hơi đúng lúc thông qua hoạt chất sinh học vừa hiệu quả lại thêm an toà (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 10).
Tiền đái tháo đường - chớ xem thường
Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết trong máu nhỉnh hơn mức bình thường nhưng chưa vượt ngưỡng cho phép. Theo ước tính của các chuyên gia, nếu không có biện pháp ngăn ngừa, sau khoảng 10 năm, hầu hết những người này sẽ bị mắc đái tháo đường tuýp 2.
Đây là kết quả khảo sát mà công ty nghiên cứu thị trường Nielsen đã đưa ra. Thậm chí, theo báo cáo của họ, ngay cả khi được bác sĩ chẩn đoán là đường huyết cao, nhiều bệnh nhân cũng không coi đó là nguy hiểm. Chẳng hạn, như bệnh nhân Dương Văn Hòa (trú tại ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội), vì thời gian gần đây đôi mắt bỗng dưng bị mờ, thị lực giảm hẳn nên đã đi kiểm tra sức khỏe và vô tình phát hiện ra mình bị biến chứng của tiểu đường tuýp 2.
Kết quả này khiến anh vô cùng bất ngờ dù trước đó 3 năm bác sĩ cảnh báo về tình trạng đường huyết cao. Anh Hòa nghĩ rằng đái tháo đường chỉ xảy ra ở những người béo phì, trong khi đó bản thân mình lại không thừa cân nên đã không cảnh giác.
Bệnh tiến triển âm thầm
Tiền đái tháo đường là căn bệnh âm thầm phát triển theo thời gian. Nó gần như không có những triệu chứng cụ thể nào. Tuy nhiên, ở một số người, đó có thể là cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ sau khi ăn no hay thèm ăn thức ăn có nhiều đường, muối và chất béo… Thế nhưng các dấu hiệu này cũng không thật rõ ràng nên bệnh thường dễ bị bỏ qua, do đó dễ gây nguy hiểm khi không được tầm soát tốt.
Bởi tiền đái tháo đường khó phát hiện nên theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, những người béo phì, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường hay ở độ tuổi từ 45 trở lên… đều cần làm xét nghiệm đường huyết. Theo đó, nếu kết quả đường huyết nằm trong giới hạn bình thường thì nên làm xét nghiệm lại 3 năm một lần.
Trong trường hợp được chẩn đoán tiền đái tháo đường thì nên làm xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 cứ 6 tháng đến một năm một lần. Việc làm này sẽ giúp phát hiện bệnh kịp thời, tránh những biến chứng xấu như giảm thị lực, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhiễm trùng dai dẳng ở các cơ quan khác nhau trên cơ thể… Chất lượng cuộc sống và tuổi thọ theo đó cũng bị suy giảm.
Điều trị sớm, giảm nguy cơ
Theo Ths - bác sỹ Lê Bá Ngọc (khoa Nội tiết và Đái tháo đường bệnh viện Bạch Mai): Giai đoạn tiền đái tháo đường kéo dài âm thầm nhiều năm mới trở thành bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, nếu phát hiện và kịp thời điều chỉnh lối sống, khả năng khỏi bệnh hoặc kéo dài thời gian trước khi chuyển thành đái tháo đường là rất lớn.
Theo đó, người mắc tiền đái tháo đường nên ăn đa dạng các loại thức ăn, ăn nhiều món trong một bữa và các món ăn nên thay đổi trong ngày, giữa các ngày, theo mùa… Các thức ăn cung cấp năng lượng rỗng như đường, nước ngọt, kẹo… nên hạn chế. Những người tiền đái tháo đường cũng nên ăn chừng mực, không nên ăn quá no hoặc để quá đói.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên ăn nhiều chất xơ như rau, củ, quả vì chúng giúp đường và mỡ hấp thụ vào máu chậm hơn. Đồ ăn nhanh hay thực phẩm chế biến sẵn… cần được hạn chế vì nó chứa nhiều dầu mỡ, gia vị… không tốt cho những người đang có mức đường huyết cao.
Ngoài chế độ ăn uống khoa học, nếu đang bị tiền đái tháo đường, bạn nên dành thời gian luyện tập thể thao hàng ngày theo nguyên tắc: từ từ, dần dần và thích hợp, không cố gắng tập quá sức. Việc luyện tập này cần được duy trì ổn định, tránh ngắt quãng thời gian quá dài vì như thế sẽ không có tác dụng.
Một điều cần lưu ý nữa là chế độ luyện tập ở những người khác nhau cũng cần phải khác nhau. Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, đi bộ giúp làm giảm mỡ, giảm đường, giúp lưu thông khí huyết tốt, tim mạch tốt. Hơn nữa, đi bộ cũng sẽ giúp tinh thần cảm thấy thư giãn hơn.
Theo nghiên cứu của bệnh viện Brigham (Anh), người bị tiền đái tháo đường cũng cần ngủ sớm, ngủ đủ giấc bởi nếu không nó sẽ nhanh chóng tiến triển thành bệnh tiểu đường do hàm lượng insulin của cơ thể tiết ra giảm đến 32% (An ninh thủ đô, trang 8).
Lạm dụng kháng sinh, bệnh không thuốc chữa
Lạm dụng kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp đang diệt môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Phần lớn kháng sinh không phân hủy trong môi trường bình thường. Một số ít có thể bị phân hủy nhưng không đáng kể”. Sáng 2-6, TS Trần Thế Loãn, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đưa ra nhận định trên tại hội thảo “Kháng thuốc và sức khỏe môi trường” do Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức.
Uống thuốc hoài không khỏi bệnh
Cách đây không lâu, bà TTHM (38 tuổi, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng sốt đột ngột 39-40 độ C, mệt mỏi, cơ thể đau nhức, kém ăn. Bệnh nhân còn cho biết thường đau họng. Bệnh nhân nhiều lúc ho từng cơn, giọng nói khàn. Hạch ở góc hàm sưng đau. Kết quả chẩn đoán của bác sĩ cho thấy bà M. bị viêm họng cấp tính.
Thông thường bệnh nhân bị viêm họng cấp tính sẽ được cho uống kháng sinh amoxicillin. Tuy nhiên, bệnh tình bà M. không giảm mặc dù uống thuốc đúng hướng dẫn. Trao đổi với bác sĩ điều trị, bà M. cho biết thường xuyên dùng thịt heo trong bữa cơm.
Theo vị bác sĩ, kháng sinh amoxicillin hiện được nhiều người nuôi heo sử dụng để điều trị vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp như P. multocida và S. suis trên heo nái hoặc heo con. Vị này nghi ngờ bà M. bị kháng amoxicillin do ăn thường xuyên thịt heo tồn dư loại kháng sinh này.
Tại hội thảo, TS Loãn cho biết ngoài tồn tại trong nguồn thực phẩm (gia súc, gia cầm, thủy sản…), dư lượng kháng sinh còn hiện diện trong môi trường (đất, nước, không khí). “Điều đáng quan tâm là dư lượng kháng sinh ngày càng được tích lũy trong nước, bùn nuôi trồng thủy sản, nước thải chăn nuôi” - TS Loãn nói.
Cũng theo TS Loãn, dư lượng kháng sinh tồn tại lâu trong môi trường khiến các vi khuẩn ngày càng thích nghi với môi trường. Điều này dẫn đến thực trạng các vi khuẩn gây bệnh tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh. Các vi khuẩn kháng kháng sinh này cũng có thể phát tán sang các loại thực vật, rau quả... Những thứ này sẽ tiếp tục đến miệng người ăn và truyền vi khuẩn vào cơ thể. Bằng nhiều con đường, các vi khuẩn kháng thuốc sẽ gây nên bệnh tật khó chữa, thậm chí là có thể tạo các loại bệnh không có thuốc chữa.
“Sự tích lũy vài thuốc kháng sinh do dùng lâu ngày như nitrofurans, nitroimidazoles, quinoxalinedinoxides cũng có thể gây suy gan, suy thận. Thậm chí gây ung thư, đột biến gen. Việt Nam đã ghi nhận vài loại siêu vi khuẩn kháng lại mọi kháng sinh. Chưa hết, Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới” - TS Loãn cho biết thêm.
Nhiều mẫu thịt, cá “dính” kháng sinh
ThS Lê Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, cho biết kết quả giám sát trong năm 2016 ghi nhận 2,2% mẫu thịt heo, gà chứa dư lượng chất cấm hoặc kháng sinh vượt mức giới hạn. Kết quả này cao hơn 0,7% so với năm 2014.
Theo ThS Huệ, năm 2015, Cục Thú y cũng đã khảo sát tình hình sử dụng kháng sinh trong nuôi heo tại năm tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình và Nam Định. “Kết quả cho thấy 100% cơ sở chăn nuôi sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh cho heo. Chưa hết, 68% cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng heo. Ngoài ra, hơn 24% cơ sở tự trộn kháng sinh vào thức ăn nuôi heo để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng” - ThS Huệ nói.
TS Đinh Quốc Túc, khoa Môi trường và Tài nguyên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định thực trạng sử dụng kháng sinh ở Việt Nam đang ở mức báo động. Trong khi thế giới sử dụng 60% lượng thuốc kháng sinh trong nông nghiệp thì con số đó ở Việt Nam là 75%. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy. “Năm 2015, có 260 lô hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam bị trả do dư lượng kháng sinh vượt mức quy định. Chưa hết, 100% lô hàng tôm Việt Nam nhập vào Nhật Bản bị kiểm tra, nâng mức giới hạn dư lượng kháng sinh trong thủy sản” - TS Túc nói (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).
Bệnh viện Nhi đồng 2 có thêm bệnh viện vệ tinh
Ngày 2-6 tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hồng Đức III (32/2 Thống Nhất, phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã diễn ra lễ khai trương và công bố BV này chính thức trở thành BV vệ tinh của BV Nhi đồng 2, TP.HCM. Nhằm góp phần giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo, BV Nhi đồng 2 đã đề xuất liên kết với BV Đa khoa Hồng Đức III trong công tác khám chữa bệnh nhi. Mục tiêu của chương trình nhằm hiện thực hóa chủ trương hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế của Chính Phủ, Bộ Y Tế và lãnh đạo TP.HCM, góp phần giải quyết sớm tình trạng quá tải bệnh nhân. Cùng với đó là đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân kịp thời, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và các dịch vụ chăm sóc bệnh nhi, tạo điều kiện thuận lợi khám và điều trị cho bệnh nhi.
Việc thăm khám, điều trị, phẫu thuật tại BV Đa Khoa Hồng Đức III sẽ được thực hiện bởi các bác sĩ của BV Nhi đồng 2. Các bệnh nhi đã điều trị tại BV Nhi đồng 2 vẫn có thể đến tái khám theo lịch của bác sĩ tại BV Hồng Đức III (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).
Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm an toàn cho người chạy thận
Chiều tối 2-6, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đã ký công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các bộ, ngành về việc đảm bảo an toàn cho người chạy thận nhân tạo.
Theo đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị trực tiếp thực hiện chạy thận nhân tạo hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc có chạy thận nhân tạo tuân thủ đúng Hướng dẫn quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo;
Hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận; các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, rà soát toàn bộ các bước chuẩn bị máy thận nhân tạo, dịch lọc thận, hệ thống xử lý nước, quả lọc thận, dây máu, kim chọc, các loại thuốc chống đông, hộp thuốc chống phản vệ, quy trình vận hành máy, hồ sơ bệnh án và các nội dung liên quan khác đến chạy thận nhân tạo.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết chạy thận nhân tạo chu kỳ (lọc máu chu kỳ) tại Việt Nam đã triển khai từ rất nhiều năm nay, có hàng ngàn lượt người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ mỗi ngày tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tại một số bệnh viện tuyến huyện an toàn, hiệu quả.
Tuy vậy, ngày 29-5-2017, tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xảy ra sự cố y khoa, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hiện nay, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Sở Y tế Hà Nội, BV Bạch Mai... đang tích cực giải quyết các vấn đề chuyên môn liên quan và cùng các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân dẫn đến sự cố nghiêm trọng này.
Để phòng tránh các sự việc tương tự, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các bộ, ngành nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo trên và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (trang 13).