Bệnh viện được chọn giá cao nhất khi mua sắm trang thiết bị y tế
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4-3-2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Theo hướng dẫn, trường hợp chủ đầu tư sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Quy định này nhằm khắc phục được tình trạng các cơ sở y tế phải mua trang thiết bị theo giá rẻ nhất nhưng không đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong khám chữa bệnh (Sài gòn giải phóng, trang 7).
Sở Y tế Đắk Nông có giám đốc mới
Ngày 3/7, ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, chủ trì lễ công bố quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm Giám đốc Sở Y tế tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông tiếp nhận, bổ nhiệm bà Võ Thị Ái Liễu – Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông, giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế, thời hạn bổ nhiệm 5 năm kể từ ngày 1/7.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười mong muốn, trên cương vị mới, bà Võ Thị Ái Liễu phát huy tinh thần, năng lực lãnh đạo của mình, đưa ngành y tế tỉnh nhà phát triển, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bà Võ Thị Ái Liễu từng là bác sĩ giám định chi Phòng Giám định chi (tháng 2/2003 - 3/2007); Phó trưởng Phòng Giám định chi (tháng 4/2007 - 7/2008); Trưởng phòng Giám định chi (tháng 8/2008 - 8/2010); Phó Giám đốc (tháng 9/2010 - 5/2021); Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông (tháng 6/2021 đến nay).
Như Tiền Phong đưa tin, Sở Y tế Đắk Nông bị trống chức danh giám đốc từ cuối năm 2020, khi bà Nguyễn Thị Thanh Hương bị dừng bổ nhiệm lại. Từ đó, ông Trần Quang Hào - Phó Giám đốc, được giao phụ trách Sở Y tế (Tiền phong, trang 2).
Cấp cứu kịp thời 3 người đàn ông bị sốc phản vệ nặng do ong đốt
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), một phòng khám của viện này đã tiếp nhận cấp cứu ban đầu với 3 bệnh nhân kể trên.
Thời điểm vào viện, các bệnh nhân bị ong đốt khoảng 30 phút, khu vực đốt là đầu, mặt và thân mình, không rõ loại ong.
Lúc này, các bệnh nhân khó thở, nhịp thở nhanh, nông; da niêm mạc kém hồng. Thầy thuốc cấp cứu chẩn đoán ban đầu xác định phản vệ mức độ nặng do ong đốt giờ thứ nhất.
Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí, tiêm adrenalin 1mg 1/2 ống tiêm bắp ngay lúc vào và sau 5 phút, chống dị ứng, truyền dịch, giảm đau, thở oxy. Sau khoảng 10 phút, bệnh nhân đỡ khó thở, các chỉ số sinh tồn ổn định dần về bình thường. Các bệnh nhân tiếp tục được chuyển về Bệnh viện đa khoa Hùng Vương để theo dõi điều trị.
Theo các bác sĩ, khi bị ong đốt, người bệnh sẽ đối diện với 3 nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng: sốc phản vệ do nọc độc của ong, biến chứng suy đa tạng do nọc độc của ong (hay gặp nhất là suy thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu) và nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập qua vết đốt của ong (nguy hiểm nhất là vi khuẩn uốn ván).
Các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi phát hiện người bị ong đốt, cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân tới khu vực an toàn, tránh bị ong đốt nhiều nốt hơn. Tuyệt đối không được nặn bóp vết ong đốt vì việc làm này sẽ giải phóng nọc độc của ong. Sau đó, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và hướng dẫn xử trí đúng (An ninh thủ đô, trang 9).
Phương pháp trị bệnh không đau, không mổ xẻ
Nhiều loại bệnh phải dùng đến kỹ thuật mổ ít xâm lấn, thậm chí mổ mở, nhưng có những loại bệnh khó liên quan thần kinh, não hiện đã có phương pháp điều trị không cần phẫu thuật.
Điều trị không dùng thuốc
Giữa tháng 5.2023, bệnh nhân (BN) N.T.T (52 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) đến Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM khám bệnh theo hẹn. Gặp PV ở hành lang Khoa Ngoại thần kinh, ông kể mình bị đau lưng vai phải từ hồi 18 tuổi. Cơn đau kéo dài 1 - 2 ngày lại hết nên không đi khám, ông nghĩ do mình làm nghề may nên bị vậy. Gần đây ông bị cao huyết áp, tai biến mạch máu não nên tê nửa đầu bên phải.
Tại BV Đại học Y Dược TP.HCM, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy có mô mỡ dày đè dây thần kinh ở lưng vai nên ông được nhập vào Khoa Ngoại thần kinh chạy sóng từ trường. "Sau 4 lần chạy từ trường ở đầu thì thấy đỡ đau vai lưng, không cần dùng thuốc. Huyết áp cũng ổn định hơn, không cần uống thuốc 2 lần/ngày như trước nữa. Đặc biệt, di chứng tê mặt phải do tai biến cũng thuyên giảm", BN N.T.T kể. Sau 2 tuần điều trị, hiện mỗi tuần ông T. đi liệu trình một lần. Khi bệnh về trạng thái ổn định thì định kỳ tái khám 1 tháng/lần.
Đầu tháng 5.2023, BN Đ.T.N.M (20 tuổi, ngụ Q.3) được gia đình đưa đến BV đa khoa Tâm Anh TP.HCM với các biểu hiện: thường nói đến cái chết, muốn ở một mình, không hợp tác, không có hứng thú với các hoạt động thường ngày. Ngoài ra, BN còn tự làm đau bản thân để giảm cảm xúc tiêu cực. BN được điều trị 6 liệu trình sóng từ trường liên tục, mỗi liệu trình kéo dài 5 ngày, mỗi ngày một lần. Sau đó, mỗi tuần BN được điều trị 1 - 2 lần cho đến khi hết triệu chứng. Sau liệu trình đầu tiên, bác sĩ đánh giá bệnh của BN tiên lượng tốt. BN gần như không còn các triệu chứng như trước, ngủ ngon và vui vẻ hơn. Còn BN M. thì chia sẻ: "Ban đầu nghe kích thích từ trường xuyên sọ, tôi cũng đắn đo. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên, thời gian thực hiện nhanh, không đâm chích và không gây đau nên tôi rất yên tâm". Hiệu quả tốt
TS-BS Lê Viết Thắng, Trưởng Đơn vị điều trị đau, Khoa Ngoại thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết kỹ thuật điều trị bằng sóng từ trường mới được BV triển khai, áp dụng với mục tiêu không xâm lấn. Khi tế bào não bị bệnh thì sẽ xảy ra 2 vấn đề: thứ nhất là bị kích thích, thứ hai là bị ức chế. Nguyên tắc của từ trường sẽ làm chuyển hóa tế bào não hoạt động theo điều hòa bình thường. Do đó, nếu tế bào não bị ức chế thì sóng từ trường sẽ làm cho kích thích, hoặc tế bào não đang bị kích thích thì sóng từ trường ức chế nó lại để trở thành bình thường. Chính vì tế bào não trở lại hoạt động bình thường thì sẽ làm cho BN ổn định các triệu chứng khác hơn. Tuy nhiên, với các bệnh nền đi kèm, BN vẫn phải tuân thủ điều trị song song.
TS-BS Thắng cho biết thêm, theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) công bố thì kỹ thuật này được chỉ định điều trị nhiều nhất trong bệnh trầm cảm, sang chấn não sau chấn thương sọ não, nghiện rượu và thuốc lá. Ngoài ra, Hội Thần kinh châu Âu và Mỹ cũng khuyến cáo sử dụng trong bệnh đau thần kinh, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, sa sút trí tuệ, động kinh, rối loạn lo âu.
"Hiện mỗi ngày có 15 - 20 BN đến điều trị, điểm đáng mừng là kết quả nghiên cứu ban đầu khá khả quan: 70% BN hài lòng cao về kết quả điều trị; 10 - 20% hài lòng; dưới 10% chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, BV tiếp tục nghiên cứu thêm để đạt tỷ lệ hài lòng tốt hơn", TS-BS Thắng nói và cho hay hiện nay lượng BN bị rối loạn lo lâu, trầm cảm, mất ngủ hậu Covid-19 khá nhiều và kỹ thuật này giúp được tốt cho họ.
"Các nghiên cứu đa trung tâm lớn trên thế giới cho thấy kỹ thuật này không có hại, độ an toàn trên 90%. Nhưng việc sử dụng không đúng sẽ làm người bệnh tốn tiền, nếu không đúng phác đồ sẽ làm kích thích tế bào não và gây triệu chứng co giật. Chỉ sử dụng khi được bác sĩ chuyên khoa đánh giá đúng bệnh và điều trị với phác đồ đúng", TS-BS Thắng khuyến cáo.
Bên cạnh đó, kỹ thuật này có chống chỉ định với BN hậu phẫu có những nẹp vít trong não, có triệu chứng đột quỵ trong vòng 1 tháng, có vấn đề thính lực nặng. Do đó, BN cần được khám, đánh giá trước khi thực hiện (Thanh niên, trang 15).
Cách ngừa nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người'
Các bác sĩ của Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Hà Nội) mới đây tiếp nhận bệnh nhân Đ.C.T (70 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng, viêm mô bào đùi cẳng chân phải do nhiễm vi khuẩn Aeromonas.
Thông tin về ca bệnh, một bác sĩ điều trị cho hay bệnh nhân (BN) vào viện ở thời điểm ngày thứ 5 sau khi bị vết thương bàn chân phải; hoại tử da và mô mềm cẳng bàn chân phải ngày càng tăng và có xu hướng lan lên vùng đùi và vùng thành bụng phải. BN đồng thời sốt cao, cẳng bàn chân phải nề đỏ, nổi phỏng nước.
Qua kết quả các xét nghiệm và hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán BN sốc nhiễm trùng, viêm mô bào đùi cẳng bàn chân phải do nhiễm Aeromonas và được chỉ định điều trị kháng sinh, hồi sức tích cực và phẫu thuật cấp cứu mở cân cẳng chân - bàn chân, cắt lọc tổ chức hoại tử, bơm rửa sạch.
Sau mổ ngày thứ nhất, các triệu chứng viêm vùng đùi và vùng hố chậu phải đã giảm. BN được tiếp tục điều trị bằng thay băng nhiễm khuẩn và cắt lọc hoại tử. Sau hơn một tháng điều trị, BN được phẫu thuật vá da mỏng. Khoảng một tuần sau vá da, tổ chức da liền tốt, BN được ra viện.
Th.S-BS Hoàng Mạnh Hà, phụ trách Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống, cho biết: Vi khuẩn Aeromonas hydrophila (AH) có khả năng gây bệnh nặng, do chúng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nên giới chuyên môn thường gọi là vi khuẩn "ăn thịt người". Nhiễm AH có thể xảy ra khi một người uống phải nước bẩn có vi khuẩn này hay do ngoại độc tố của chúng tiết ra. Vào cơ thể, sau khi qua đường ruột, chúng có thể gây ra nguy cơ nhiễm trùng huyết và suy đa phủ tạng, thường dễ xảy ra ở nhóm người đang bị suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, có thể bị nhiễm AH qua vết thương ngoài da. Vi khuẩn xâm nhập vết thương gây viêm hoại tử da, cơ..., gây nhiễm trùng huyết, suy đa tạng với nguy cơ tử vong cao.
Theo Th.S-BS Hoàng Mạnh Hà, với nhiễm khuẩn AH, thông thường BN sẽ được sử dụng kháng sinh để điều trị. "Tuy nhiên khi vi khuẩn gây hoại tử diện rộng, nếu chỉ điều trị kháng sinh thì không thể giải quyết hết vấn đề nhiễm khuẩn và hoại tử mô mềm. Do đó với BN trên, chúng tôi sử dụng phương pháp can thiệp tại chỗ, phẫu thuật cắt lọc hoại tử cho BN. Trong trường hợp này, BN cần được điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn về phần mềm và liền vết thương, có kinh nghiệm điều trị các loại nhiễm khuẩn nặng. Nếu chỉ định không chính xác sẽ làm cho vùng hoại tử lan rộng và khó kiểm soát", BS Hà lưu ý (Thanh niên, trang 15).