Hà nội: Dự kiến chi 248 tỷ đồng hỗ trợ nhân viên y tế
Hà Nội dự kiến chi hơn 248 tỷ đồng để hỗ trợ, động viên công chức, viên chức, người lao động ngành y tế.
Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô.
Theo nhận định của thành phố Hà Nội, trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, thành phố đã huy động các cấp, các ngành, toàn dân tham gia với lực lượng nòng cốt, tuyến đầu là ngành y tế, thường trực để tham mưu thành phố đưa ra các chỉ đạo kịp thời, có tính chất quyết định, then chốt trong công tác phòng, chống dịch.
Lực lượng y tế Thủ đô từ những người làm trực tiếp, gián tiếp, dưới sự lãnh đạo của thành phố đã đoàn kết, đồng lòng, thực hiện công tác tham mưu, đã dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, luôn khát vọng được cống hiến, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ, làm việc không mệt mỏi, không kể ngày đêm để điều tra, truy vết, xác minh, khoanh vùng dập dịch, đặc biệt là các chiến dịch xét nghiệm, tiêm chủng diện rộng nhằm kiểm soát nhanh nhất và đẩy lùi dịch bệnh.
Nhân viên y tế đã phải xa nhà, xa người thân triền miên, sức khoẻ giảm sút, mắc dịch bệnh nhưng vẫn cố gắng cống hiến, luôn sẵn sàng để tham gia phòng, chống dịch khi có bất kỳ sự huy động, yêu cầu nào của thành phố.
Đối tượng được áp dụng, theo đề xuất của dự thảo Nghị quyết là người lao động trong các cơ quan, đơn vị về y tế, gồm: công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô (làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, phòng Y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã).
Theo dự kiến, với các Bệnh viện; Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; Trung tâm kiểm soát Bệnh tật thành phố; Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội; Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm: người trực tiếp làm chuyên môn y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm) mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/người; người không trực tiếp làm chuyên môn y tế (quản lý, hành chính) mức hỗ trợ 7 triệu đồng/người.
Với Trung tâm giám định y khoa; Trung tâm pháp y; Trung tâm tư vấn dân số kế hoạch hoá gia đình; Chi cục dân số kế hoạch hoá gia đình; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Người trực tiếp làm chuyên môn y tế mức hỗ trợ 7 triệu đồng/người; người không trực tiếp làm chuyên môn y tế mức hỗ trợ 5 triệu đồng/người.
Với cơ quan văn phòng Sở Y tế gồm các phòng Nghiệp vụ Y, Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Sở Y tế: mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người; các phòng Nghiệp vụ Dược, Tổ chức cán bộ, Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Thanh tra Sở: mức hỗ trợ 7 triệu đồng/người.
Với Phòng y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã, mức hỗ trợ 7 triệu đồng/người.
Dự kiến tổng mức kinh phí hỗ trợ là hơn 248 tỷ đồng, từ nguồn chi thường xuyên ngân sách cấp thành phố.
Dự thảo Nghị quyết dự kiến trình UBND thành phố xem xét, trình HĐND thành phố vào Kỳ họp thứ 8 (chuyên đề) vào đầu tháng 9/2022. (Tiền phong, trang 2)
Bộ Y tế gia hạn giấy đăng ký lưu hành thêm 133 loại thuốc
Theo đó, trong danh mục 133 thuốc được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế gia hạn lần này có 128 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam có hiệu lực 5 năm; 5 thuốc có hiệu lực 3 năm.
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa công bố thêm danh mục 133 thuốc điều trị bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, dạ dày, nhóm thuốc hormone - nội tiết tố, kháng sinh… được gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trong đó có 128 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam có hiệu lực 5 năm; 5 thuốc có hiệu lực 3 năm, kể từ ngày 2/8.
Đây là lần thứ 3 Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc. Các thuốc tại danh mục này được giữ nguyên thông tin số đăng ký đã cấp.
Trước đó, ngày 3/6/2022, Cục Quản lý Dược thông báo gia hạn giấy đăng ký lưu hành 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế; Tiếp đó ngày 20/7, Cục Quản lý Dược thông báo gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với 3.579 thuốc nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế.
Như vậy tổng 3 lần gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế đã có 9.996 giấy đăng ký được gia hạn.
Theo quyết định này, cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế cấp lên nhãn thuốc. Đồng thời phải bảo đảm các điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Đối với các thuốc có sự thay đổi về hồ sơ hành chính (nhãn, tờ hướng dẫn sử dụng) trong hồ sơ gia hạn, sau 6 tháng kể từ ngày ban hành quyết định, cơ sở không được sản xuất với các nội dung cũ đã đề nghị thay đổi.
Cơ sở đăng ký thuốc phải bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký không còn đủ điều kiện hoạt động. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)
Nhiều tỉnh phía Nam có ca COVID-19 nhiễm biến thể BA.4, BA.5; Cấp độ dịch mới nhất thế nào?
Biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều tỉnh thành phía Nam; Ca COVID-19 tăng trong mấy ngày gần đây, cấp độ dịch mới nhất của cả nước thế nào?
Nhiều tỉnh phía Nam ghi nhận ca COVID-19 nhiễm biến thể BA.4, BA.5
Bộ Y tế cho biết ngày 3/8 có gần 2.100 ca COVID-19, cao nhất trong khoảng gần 80 ngày qua. Trong ngày có 7.750 bệnh nhân khỏi, gấp gần 4 lần số mắc mới và không có F0 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.785.122 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.764 ca nhiễm)
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 9.940.462 ca; Trong số các bệnh nhân đang theo dõi và điều trị có 80 ca thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 68 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca
Nhận định về tình hình dịch, báo cáo công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế cho hay trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5 (tại các tỉnh phía Nam thêm nhiều địa phương đã ghi nhận ca bệnh COVID-19 nhiễm các biến thể này) ; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng; cùng đó các dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Trước đó sáng 2/8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương phát đi thông báo khẩn về kết quả giải trình tự gen virus SASR-CoV-2 của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khẳng định vừa phát hiện hai trường hợp nhiễm dòng phụ BA.5 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trước đó, ngày 30/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cho biết: Đơn vị vừa ghi nhận ca nhiễm biến chủng BA.5 của Omicron ở Khu phố 2, Phường 5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đây là ca nhiễm đầu tiên thuộc chủng BA.5 trên địa bàn tỉnh vừa được ghi nhận.
Tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ trước đó cũng đã phát hiện các ca bệnh COVID-19 nhiễm biến thể BA.4, BA.5.
Bộ Y tế cho hay các biến chủng mới của virus có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian dẫn đến có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước; Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.
Các địa phương đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.
98,5% xã phường là vùng xanh và vàng
Thống kê cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế cho biết dù số ca mắc COVID-19 mới có tăng trong tuần vừa qua, (liên tiếp 2 ngày liền số ca mắc trên 2.000 ca/ngày; 5 ngày còn lại dao động từ gần 1.400 - hơn 1.800 ca/ngày) nhưng hiện cơ bản gần cả nước đã là vùng xanh.
Cụ thể, trong số trên 10.600 xã phường toàn quốc đánh giá cấp độ dịch thì đã có đến 90,7% xã phường là vùng xanh, 7,8% xã, phường là vùng vàng; số xã vùng cam, đỏ hiện chỉ chiếm 1,5%- tương đương 152 xã phường.
Đáng chú ý, hiện toàn quốc có tới 63 tỉnh thành có 100% xã phường thuộc vùng xanh (nguy cơ dịch thấp); tăng 2 tỉnh thành so với cách đây 7 ngày. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3)
Giám sát ca đậu mùa khỉ tại cơ sở khám bệnh da liễu, HIV/AIDS
Ngày 4.8, Bộ Y tế đã có Công văn 4163/BYT-DP (Công vă 4613) về tăng cường phòng đậu mùa khỉ.
Theo Bộ Y tế, từ tháng 5.2022 đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh.
Bộ Y tế đề nghị giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo tiếp tục triển khai quyết liệt Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1.8 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; tiếp tục triển khai quyết liệt Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu (nếu có cửa khẩu trên địa bàn), giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh (trong đó có cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS) và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ, mắc bệnh. (Thanh niên, trang 5)
Số ca mắc tăng, TP.HCM nhắn tin kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin Covid-19
Ngày 4.8, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 3.8, TP.HCM có 223 ca mắc Covid-19 (24 ca từ các ngày trước), trong đó có 21 ca nhập viện, nâng số ca đang điều trị tại các bệnh viện là 135 ca.
Trong đó, số ca cần hỗ trợ hô hấp tăng lên 43 ca và 4 ca thở máy xâm lấn. Số ca cách ly tại nhà đã tăng lên 1.150 ca. Hiện nay, số ca mắc Covid-19 và số ca cần hỗ trợ hô hấp đã tăng lên thấy rõ so với các tuần trước.
Trong khi đó, sốt xuất huyết (SXH) cũng đang vào mùa, số ca mắc mới đã đạt 454 ca trong ngày 3.8. Hiện TP đang điều trị cho 1.824 ca SXH, trong đó có 143 ca nặng, 7 ca thở máy xâm lấn và 6 ca đang lọc máu. Tính từ đầu năm đến ngày 3.8, TP.HCM có đến 37.760 ca mắc SXH, tử vong 16 ca.
Trước tình hình ca mắc Covid-19 và SXH gia tăng, UBND TP.HCM đã nhắn tin qua điện thoại, kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin Covid-19 và phòng chống SXH. Cụ thể, UBND TP kêu gọi người dân hãy đi tiêm vắc xin Covid-19 (mũi 1 và mũi 2), nếu chưa tiêm. Nếu đã tiêm rồi, hãy đi tiêm mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4). Tiêm mũi nhắc lại sẽ làm tăng khả năng bảo vệ cơ thể trước biến thể phụ BA.5 của Covid-19, nhất là người trên 50 tuổi hoặc người có bệnh nền. UBND TP kêu gọi mỗi người dân dành ít nhất 15 phút mỗi tuần và hãy bắt đầu ngay từ hôm nay thực hiện các biện pháp triệt nơi sinh sản của muỗi gây bệnh SXH: đậy nắp những vật chứa nước đang sử dụng, loại bỏ hoặc đưa vào nơi có mái che những vật chứa nước không dùng tới, loại bỏ các loại rác thải có khả năng đọng nước xung quanh nhà, thả cá/muối vào những vật chứa nước mà không thể thay nước.
Tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, số điểm tiêm cho trẻ tăng lên đến 182 điểm. (Thanh niên, trang 5).