Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 5/10/2022

  • |
T5g.org.vn - Người mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đang phục hồi sức khỏe; Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam: Các phương án phòng, chống dịch đã sẵn sàng; Tràn lan xét nghiệm virus Adeno; TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết nặng tăng hơn 7 lần…

 

Người mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đang phục hồi sức khỏe

Chiều 4/10, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau 12 ngày điều trị, nữ bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam đang phục hồi sức khỏe; kết quả xét nghiệm PCR dịch tiết một số vị trí kiểm tra hiện đã âm tính.

Các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô, tróc vẩy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau. Hiện tại, tinh thần người bệnh lạc quan và tuân thủ tốt quy trình cách ly, xử lý vật dụng cá nhân tránh lây cho cộng đồng. Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân khi về Việt Nam chưa xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sau khi phát hiện ca bệnh đã được xử lý theo đúng các quy trình: Cách ly, xét nghiệm, giám sát, điều tra dịch tễ, kiểm soát nguồn lây... và diễn tiến điều trị thuận lợi. Có thể nhận định, đây là ca bệnh có nguồn lây là từ nước ngoài và bệnh chưa lây ra cộng đồng khi bệnh nhân về Việt Nam. (Nhân dân, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Sức khỏe bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên chuyển biến tốt”; Thanh niên, trang 5: “Sức khỏe người VN đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ diễn biến tốt”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam: Sức khỏe đã hồi phục”; An ninh Thủ đô, trang 8: “Người bệnh đầu tiên tại Việt Nam mắc đậu mùa khỉ đã âm tính”.

 

Xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép thuốc lá điện tử

Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện tình trạng mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha... Đây là những loại thuốc lá thế hệ mới, chưa được phép kinh doanh tại thị trường trong nước. Việc mua bán, quảng cáo, giới thiệu các loại sản phẩm này chủ yếu diễn ra trên các trang web, trang thương mại điện tử, cửa hàng bán lẻ…, và đối tượng sử dụng nhiều nhất vẫn là các thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30.

Thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương liên tục phát hiện, thu giữ số lượng lớn thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Đặc biệt, qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận đối tượng mua bán, tàng trữ và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử phần lớn là giới trẻ.

Gần đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Yên Bái tiến hành kiểm tra xe ô-tô BKS 26C-006.96 do ông Trương Minh Bền điều khiển. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe có 5.280 điếu thuốc lá điện tử nhãn Gcore, EnerGy, Vapmod, Ramdm tonado, Miou. Toàn bộ số thuốc lá điện tử trên không có hóa đơn, chứng từ liên quan, xuất xứ, do Cao Đăng Ánh, địa chỉ tại tổ 8, đường Hoàng Quốc Việt, phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) là chủ hàng.

Đồng thời, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái Phan Bá Hùng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Cao Đăng Ánh, về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 45 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc lá điện tử này, trị giá gần 1,2 tỷ đồng.

Trước đó, tại TP Đà Nẵng, qua kiểm tra điểm kinh doanh tại phường Chính Gián của T.P.H (SN 2003), Công an quận Thanh Khê phát hiện 155 sản phẩm thuốc lá điện tử, 201 lọ tinh dầu, 121 phụ kiện các loại. Tại phòng trọ của P.T.T (SN 1994), phường Hòa Hải, Công an quận Ngũ Hành Sơn phát hiện 60 hộp thuốc lá điện tử và một gói thuốc lá gây ảo giác.

Theo khai nhận của các đối tượng, phần lớn số thuốc lá điện tử nêu trên được tàng trữ để bán cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, lợi nhuận cao, nhu cầu sử dụng nhiều là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng các vụ vận chuyển, tàng trữ và mua bán trái phép thuốc lá thế hệ mới. Các đối tượng đánh vào tâm lý người dùng, đưa ra những lời quảng cáo “có cánh”, khuyến mãi để thanh, thiếu niên dùng thử để gây nghiện, từ đó mở rộng thị trường.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Khói thuốc nung nóng ngoài việc gây hại cho người hút còn gây tác hại cho người chung quanh. Để công tác chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả, chống thất thu cho ngân sách nhà nước, cần triển khai giải pháp đồng bộ và toàn diện. Trong đó, tăng cường tuyên truyền giáo dục người dân, nhà phân phối không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu; cần có nhiều nguồn lực hơn để thắt chặt kiểm tra, giám sát thị trường nhất là ở các tỉnh biên giới.

Về vấn đề này, Thượng tá Hoàng Thanh Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Yên Bái, thì việc mua, bán thuốc lá điện tử chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội Facebook, nhằm vào đối tượng thanh, thiếu niên. Để thu hút người sử dụng, các đối tượng quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại.

Nhiều chiêu thức bán hàng như: Giá thành rẻ, tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm, thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa đạng kiểu dáng và kích thước; nhiều hương vị… Hơn nữa, do lợi nhuận cao, kích thước nhỏ gọn, cho nên việc mua bán, vận chuyển trái phép thuốc lá điện tử tiềm ẩn những diễn biến phức tạp.

Các đối tượng thường vận chuyển lẫn với các loại hàng hóa khác có chứng từ hóa đơn hợp pháp, khó bị phát hiện; khi kiểm tra phải dỡ hàng hóa xuống so sánh từng mã hàng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Để đấu tranh làm rõ, lực lượng công an đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng nguồn nắm tin ngay từ khu vực biên giới, nơi mặt hàng này thẩm lậu vào nội địa.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ lực lượng cảnh sát giao thông, quản lý thị trường,… để dừng, kiểm tra xe hàng có chứa thuốc lá điện tử không có nguồn gốc, xuất xứ, nhằm chặn đứng các hành vi buôn lậu…

“Hiện, thuốc lá điện tử là sản phẩm chưa được cơ quan chức năng nhà nước nghiên cứu, đánh giá về tác hại đối với người sử dụng và cũng chưa có chế tài quy định xử lý đối với mặt hàng này. Do vậy, cấp thiết cần có khung pháp lý điều chỉnh quy định thuốc lá điện tử là hàng cấm như thuốc lá điếu nhập lậu khác,…”, Thượng tá Hoàng Thanh Lâm cho biết thêm. (Nhân dân, trang 4).

 

Phòng tránh sốc phản vệ từ thực phẩm

Không chỉ có thuốc mà ngay cả thực phẩm cũng có thể gây ra sốc phản vệ. Tình trạng sốc phản vệ do thức ăn gặp ở cả trẻ em và người lớn, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong. Do đó, khi ăn uống, người dân nên thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm, nhất là với những người có tiền sử dị ứng các loại thức ăn.

Sốc phản vệ sau khi ăn cua, cá, mỳ tôm...

Theo các chuyên gia y tế, ở một số người, phản ứng dị ứng với thức ăn có triệu chứng rất nhẹ, không nghiêm trọng với cơ thể. Các triệu chứng thường phát triển trong vòng vài phút đến 2 giờ sau khi ăn, như: Nổi mẩn ngứa toàn thân hoặc ngứa trong miệng, nổi mề đay, phát ban, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn... Thế nhưng, ở một số trường hợp khác, dị ứng thức ăn có thể kích hoạt phản ứng nghiêm trọng gọi là sốc phản vệ.

Trong tháng 9 vừa qua, Phòng khám Đa khoa Hùng Vương - Chân Mộng (Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận bé gái 13 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, nổi ban toàn thân, phù mạch ở mắt, co thắt vùng khí quản, thở rít... Theo gia đình bệnh nhi, sau khi ăn cua và tôm khoảng 1,5 giờ đồng hồ, cháu bé thấy xuất hiện mẩn ngứa ở tay chân. Sau đó, bé bị đi ngoài và tự uống 2 viên thuốc điều trị tiêu chảy, nhưng không đỡ và triệu chứng mẩn ngứa tiếp tục lan rộng toàn thân. Tiếp sau đó, cháu bé rơi vào tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không trả lời, đại tiểu tiện không tự chủ. Ngay khi nhập viện, bệnh nhi được các bác sĩ xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ kịp thời, nên đã qua cơn nguy kịch.

Trước đó, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã cấp cứu thành công một phụ nữ 65 tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn cá thu. Theo người nhà kể lại, sau khi ăn cá thu khoảng 30 phút, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện khó thở, bủn rủn tay chân, ban đỏ rải rác toàn thân, huyết áp tụt... Các bác sĩ đã nhanh chóng chẩn đoán và xử trí cấp cứu theo phác đồ phản vệ, điều trị tích cực. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Thực tế cho thấy, sốc phản vệ không chỉ xảy ra với những thức ăn lạ, như côn trùng hay các món hải sản: Cua, tôm, ghẹ…, mà còn xuất hiện ở cả những thực phẩm dễ thấy hằng ngày như: Mỳ tôm, sữa, lạc… Đơn cử như trường hợp của một cô gái 21 tuổi ở tỉnh Quảng Bình, sau khi ăn mỳ tôm khoảng 30 phút bắt đầu xuất hiện biểu hiện bất thường. Sau đó, bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tay chân lạnh, mạch quay khó bắt, huyết áp không đo được, khó thở, tim nhịp nhanh... Qua thăm khám, các bác sĩ xác định, đây là trường hợp sốc phản vệ độ III do thực phẩm. Trước đó, nữ bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng với bột mỳ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho rằng, có người chỉ ăn một hạt lạc, một con nhộng hay dọc mùng cũng bị sốc phản vệ. Tại Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ hơn 20 tuổi bị dị ứng với dọc mùng khi đi ăn ở quán. Khi ăn dọc mùng lần 1, bệnh nhân thấy ngứa mồm và đến lần 2 thấy khó thở, co thắt như bị hen nặng. Chủ quán phải nhờ người đưa đến bệnh viện, nhưng do thiếu ô xy não, bệnh nhân đã không qua khỏi. Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một bệnh nhi 14 tuổi, nhập viện trong tình trạng khó thở, da đỏ, huyết áp tụt, phù nề, hôn mê sau bữa cơm với nhộng rang. May mắn, sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh lại…

Không chủ quan khi đưa thức ăn vào cơ thể

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Thức, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), thức ăn có thể gây sốc phản vệ với các triệu chứng đe dọa đến tính mạng, như: Hạn chế và thắt chặt đường thở; cổ họng bị sưng hoặc cảm giác bị nghẹn ở cổ họng, khiến cho quá trình thở khó khăn; giảm huyết áp đột ngột hoặc nghiêm trọng; mạch đập nhanh; chóng mặt hoặc mất ý thức… Khi bị sốc phản vệ cần phải điều trị khẩn cấp ngay lập tức, nếu không bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí tử vong.

Phân tích các yếu tố di truyền đối với nguy cơ gây dị ứng thức ăn, bác sĩ Nguyễn Trí Thức cho hay, nếu trong gia đình có người bị hen suyễn, nổi mề đay, chàm, bố mẹ bị dị ứng, con cái có nguy cơ cao bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó. Nếu đã có tiền sử dị ứng với một loại thức ăn cụ thể, có thể cơ thể sẽ tăng nguy cơ dị ứng với những loại thức ăn khác. Nếu đã có phản ứng dị ứng với thức ăn, thì nguy cơ bị dị ứng ở những lần tiếp theo sẽ cao hơn và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Để đề phòng dị ứng thức ăn, theo các chuyên gia, người dân cần tránh các thực phẩm có tiền sử gây dị ứng cho cơ thể hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng như cá biển (cá thu, cá ngừ), tôm, tép, ốc, trứng, sữa, dứa, khoai tây, lạc, đậu nành và các chất phụ gia… Ngoài ra, cần xem kỹ thành phần in trên bao bì thức ăn để loại trừ những sản phẩm có thể gây dị ứng cho cơ thể. Nếu sử dụng thức ăn chế biến sẵn không có nhãn mác, cần cẩn trọng và hỏi đầu bếp về thành phần có trong thức ăn. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm hết hạn, ôi thiu, ẩm mốc… Tập thói quen ăn uống tại nhà, hạn chế ăn uống ở những hàng quán không bảo đảm an toàn. Nếu trong trường hợp đi xa, có thể mang theo thức ăn đã chế biến, cẩn trọng với những thức ăn không rõ nguồn gốc.

Dị ứng thức ăn là tình trạng khá phổ biến, không chỉ ảnh hưởng đến da, mà còn ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, hệ hô hấp hoặc tim mạch. Thậm chí, dị ứng thức ăn có thể kích hoạt phản ứng nghiêm trọng sốc phản vệ nêu trên. Chính vì vậy, khi có một trong các triệu chứng dị ứng hãy đến ngay các cơ sở khám, chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. (Hà Nội mới, trang 5).

 

TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết nặng tăng hơn 7 lần

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ đầu năm tới ngày 25/9, Thành phố đã ghi nhận 61.618 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 589,9% với cùng kỳ năm 2021 là 8.641 ca.

Tại buổi giao ban sáng ngày 3/10 của Sở Y tế TP.HCM về tình hình dịch bệnh và hoạt động trọng tâm quý 4/2022, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, dịch bệnh của quý 4 vẫn còn khó khăn, phải tiếp tục tăng cường kiểm soát. Tại TP.HCM, mặc dù dịch COVID-19 đã giảm nhưng sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Tính đến thời điểm này, TP.HCM đã có 25 ca tử vong do sốt xuất huyết.

"Trong 10 năm liên tục, chưa có năm nào có 25 ca tử vong như thế này, dịch bệnh chưa có dấu hiệu đi xuống, còn nguy cơ tăng", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca nặng do sốt xuất huyết năm nay đã tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ.

Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng cao do đang vào đỉnh dịch hằng năm (từ tháng 7- 11). Do đó, người dân không được chủ quan trước dịch bệnh, các địa phương cần tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

HCDC khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành. Người mắc sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới suy đa tạng, sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu, thậm chí có thể tử vong.

Đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên lau rửa, đậy kín các bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào các vùng nước đọng, hốc nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi để phòng muỗi đốt .... (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được nhân dân, ngành y tế mong đợi và đặt nhiều kỳ vọng

Tổng Thư ký – Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường nêu rõ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được nhân dân, ngành y tế mong đợi, đặt nhiều kỳ vọng nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Tổng Thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành Kết luận của UBTVQH về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Kết luận nêu rõ, UBTVQH ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Xã hội – Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo luật chưa được thống nhất, chưa được quy định cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu khắc phục những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành. Một số vấn đề quan trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mới được đề nghị bổ sung vào luật.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật quan trọng của ngành y tế, định hướng công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế; được Nhân dân, ngành y tế mong đợi, đặt nhiều kỳ vọng nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, việc chuẩn bị cần được thực hiện kỹ lưỡng để dự thảo Luật đảm bảo chất lượng, có tính ổn định lâu dài.

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 –Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022), UBTVQH đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương hoàn thiện các quy trình, thủ tục với chính sách mới được đề xuất theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra chủ động phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, các cơ quan khác có liên quan trong việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật.

Bên cạnh đó cần làm rõ hơn các vấn đề về chính sách của nhà nước, nguồn tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh, xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh, hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời rà soát để đảm bảo sự tương thích giữa quy định của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với các Luật khác có liên quan để trình Quốc hội cho ý kiến và quyết định việc xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 2 hay 3 kỳ họp.

UBTVQH cũng đề nghị, cố gắng tối đa để đảm bảo thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 16/2022/UBTVQH15 của UBTVQH về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và để Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. (Sức khỏe & Đời sống, trang 9).

 

TP.HCM phân tầng điều trị sốt xuất huyết như Covid-19

Ngày 4.10, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM ký công văn tăng cường nguồn lực và phối hợp triển khai các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tử vong do sốt xuất huyết

Theo Sở Y tế TP.HCM, ngày 14.7, sở ban hành công văn về phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn và tổ chức đánh giá năng lực điều trị sốt xuất huyết của tất cả các bệnh viện trực thuộc trên địa bàn TP nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ các năm và số ca tử vong do sốt xuất huyết tương ứng cũng tăng cao, hiện đã có 26 trường hợp tử vong (17 người lớn và 9 trẻ em).

Nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, vận dụng bài học kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, Sở Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục triển khai các hoạt động theo hướng dẫn của Sở Y tế theo các văn bản trước đây, đồng thời khẩn trương triển khai bổ sung các hoạt động cụ thể. Đó là vận dụng mô hình phân tầng (3 tầng) vào công tác thu dung điều trị sốt xuất huyết.

Tầng 1

Là các phòng khám tại các trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám đa khoa, chuyên khoa.

Sở Y tế yêu cầu tất cả các bác sĩ, điều dưỡng của của các cơ sở y tế thuộc tầng 1 phải được tập huấn và tập huấn lại Hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết. Đảm bảo không bỏ sót các trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết khi đến khám bệnh tại các phòng khám. Đảm bảo tất cả các trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết được hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà, cách phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng và kịp thời chuyển người bệnh đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc tầng 2 hoặc tầng 3.

Tuyệt đối không lạm dụng chỉ định truyền dịch trong điều trị, thay vào đó cần chuyển người bệnh sớm đến các bệnh viện thuộc tầng 2 khi người bệnh có dấu hiệu cảnh báo hoặc tình trạng người bệnh không cải thiện sau khi khám lại.

Tầng 2

Là các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện đa khoa tuyến TP và các bệnh viện đa khoa tư nhân có điều trị bệnh lý nhiễm.

Sở Y tế yêu cầu tất cả các bác sĩ, điều dưỡng tham gia điều trị sốt xuất huyết phải được đào tạo và đào tạo lại Hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết. Các bệnh viện tầng 2 chịu trách nhiệm phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo đến khám hoặc được chuyển đến từ tầng 1, điều trị tích cực theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sớm chuyển người bệnh đến bệnh viện thuộc tầng 3 khi người bệnh không đáp ứng điều trị. Trường hợp người bệnh có diễn tiến nặng, phải tổ chức hội chẩn khẩn cấp hoặc kích hoạt quy trình báo động đỏ đến Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết thuộc Sở Y tế.

Tuyệt đối không chuyển viện khi người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch hoặc chưa liên hệ được bệnh viện thuộc tầng 3 để chuyển viện.

Tầng 3

Là các bệnh viện chuyên khoa nhiễm (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) và các bệnh viện đa khoa được Sở Y tế phân công là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị sốt xuất huyết. Đối với người lớn: Bệnh viện Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; các bệnh viện đa khoa tuyến cuối trực thuộc Bộ, ngành: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện quân Y 175. Đối với trẻ em: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố.

Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tầng 3 cần thành lập các đơn vị, khoa hồi sức sốt xuất huyết. Chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị các trường hợp sốt xuất huyết nặng do các cơ sở y tế thuộc tầng 1 và tầng 2 chuyển đến.

Ngoài ra, bệnh viện tầng 3 cử nhân sự tham gia Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết thuộc Sở Y tế. Tham gia quy trình báo động đỏ liên viện khi được yêu cầu. Khi có tình huống cần can thiệp chuyên khoa mà bệnh viện không có, bệnh viện tầng 3 chủ động liên hệ Tổ chuyên gia để được hỗ trợ can thiệp điều trị tại chỗ thay vì chuyển viện.

Sở Y tế lưu ý, áp dụng phân tầng trong điều trị sốt xuất huyết có điểm khác so với điều trị Covid-19 là không chuyển ngược người bệnh về tầng thấp hơn. (Thanh niên, trang 5).

 

Tiếp tục gia tăng trẻ nhiễm Adenovirus, thêm ca tử vong

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, vừa chủ trì cuộc họp về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus (vi rút Adeno).

Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1 - 3

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, bệnh do Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ lâu, không phải là bệnh mới nổi. Tuy nhiên, vi rút này có khả năng gây ra nhiều bệnh khác nhau như viêm phổi, đau mắt đỏ… và có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các chất khử khuẩn bề mặt cao so với các loại vi rút khác như SARS-CoV-2. Việc thực hiện đầy đủ quy trình sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị rất quan trọng để hạn chế thấp nhất bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị.

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho rằng phải phân luồng từ khu vực phòng khám. Khi chẩn đoán khẳng định trẻ mắc vi rút Adeno, phải có buồng điều trị riêng. Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng hội đồng chuyên môn sẽ xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Adenovirus cho trẻ em, trong đó sẽ có tiêu chuẩn nhập viện và những hướng dẫn về xét nghiệm để tránh xét nghiệm không cần thiết.

Cụ thể hơn về vấn đề xét nghiệm, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết cần thống nhất quan điểm cá thể hóa từng bệnh nhân, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, tránh lãng phí. Cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ việc xét nghiệm. Việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này phải tùy theo từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi thì mới nên làm.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi T.Ư, nơi khám và điều trị phần lớn số bệnh nhân mắc Adenovirus, từ đầu năm đến nay bệnh viện này ghi nhận hơn 3.130 ca mắc vi rút Adeno, 9 ca tử vong (tăng 2 ca so trong khoảng 10 ngày gần đây).

Ca bệnh có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay. Tuần từ 12 - 18.9 ghi nhận 168 ca. Tuần từ 26.9 - 2.10 ghi nhận gần 1.150 ca. Chỉ trong 3 tuần, bệnh viện ghi nhận gần 2.900 trẻ nhiễm Adenovirus. Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1 - 3.

Đang có hơn 40 ca nặng, nguy kịch

Theo PGS Trần Minh Điển, thống kê mới nhất của Bệnh viện Nhi T.Ư, đến sáng 3.10 còn khoảng 300 ca mắc vi rút Adeno đang điều trị tại đây; trong số bệnh nhi nội trú có hơn 40 ca nặng, nguy kịch (6 ca thở máy, 2 ca ECMO, 2 ca lọc máu, 35 ca thở ô xy). Không chỉ gia tăng số mắc so với các năm trước, tỷ lệ bệnh nhi nhiễm vi rút này phải nhập viện cũng ở mức cao (trên 50% số ca được phát hiện).

Hiện các bệnh viện như Nhi T.Ư, Bạch Mai, E… và các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội như Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn và một số bệnh viện tư nhân vẫn đảm bảo cơ số giường bệnh đáp ứng việc điều trị cho bệnh nhân nhập viện do vi rút Adeno. (Thanh niên, trang 15).

 

Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam: Các phương án phòng, chống dịch đã sẵn sàng

Việt Nam đã ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, do xâm nhập từ nước ngoài. Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khẳng định cho đến nay các đánh giá lây nhiễm đã khoanh vùng, xử lý người tiếp xúc thì đối với trường hợp này khó có khả năng lây lan trong cộng đồng. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Việt Nam đủ điều kiện xét nghiệm, điều trị bệnh

Theo Bộ Y tế, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam là bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú tại TPHCM khởi phát bệnh ngày 18.9.2022 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7.2022 đến 22.9.2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Liên quan đến ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ghi nhận tại TPHCM, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Về nguồn lây, đây là trường hợp đã ở nước ngoài hơn 60 ngày, có triệu chứng ở nước ngoài, khi về Việt Nam đã mắc rồi. Đối với các trường hợp tiếp xúc (người trong gia đình, cán bộ y tế) được theo dõi, giám sát, đến nay những người này hơn 10 ngày không có biểu hiện mắc bệnh đậu mùa khỉ và sẽ được cách ly 21 ngày.

Bộ Y tế gửi văn bản yêu cầu TPHCM huy động các nguồn lực rà soát, đánh giá. Cho đến nay các đánh giá lây nhiễm đã khoanh vùng, xử lý người tiếp xúc, đối với trường hợp này khó có khả năng lây lan trong cộng đồng.

GS-TS Phan Trọng Lân cho biết, các bệnh viện bằng các kỹ thuật và những sinh phẩm làm được xét nghiệm để phát hiện ca bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta phối hợp với các tổ chức trên thế giới có được các nguồn sinh phẩm để xét nghiệm, nghiên cứu, kể cả giải trình tự gen đáp ứng được nhu cầu khi có những trường hợp cần xét nghiệm. Còn về vấn đề điều trị, GS-TS Phan Trọng Lân cho biết: Điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là phát hiện được ca bệnh, khoanh vùng xử lý không để lây lan. Đó là yếu tố hết sức quan trọng đối với cộng đồng.

Nhận định về những nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam sau ca bệnh đầu tiên xâm nhập, GS-TS Phan Trọng Lân cho rằng: Đối với đậu mùa khỉ đã ghi nhận bên ngoài vùng lưu hành trên 106 nước. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng với tần xuất mắc cao, địa bàn rộng, giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập Việt Nam là hiện hữu.

"Dù xâm nhập hay không thì chúng ta đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt nơi thăm khám các bệnh lây qua đường tình dục nâng cao cảnh giác; mỗi người dân nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ thì đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh khai báo vừa để bảo vệ cho bản thân vừa để được điều trị đầy đủ và tránh lây nhiễm cho người khác"- ông Lân nói.

Trước nguy cơ lây lan trong cộng đồng, Việt Nam đã xây dựng kịch bản phòng chống, điều trị đậu mùa khỉ với các tình huống khác nhau. "Chúng ta đã xây dựng kịch bản với những trường hợp: Khi chưa có ca bệnh, khi có ca xâm nhập, khi có ca lây lan trong cộng đồng… Các kịch bản có thể linh hoạt nhằm đảm bảo khi có trường hợp ca bệnh thì đáp ứng kịp thời"- GS-TS Phan Trọng Lân nói.

Về năng lực xét nghiệm của Việt Nam, khi có trường hợp nghi ngờ chúng ta đã xét nghiệm được bằng PCR, kể cả giải trình tự gen. Chúng ta thường xuyên tăng cường cập nhật, phối hợp với các tổ chức quốc tế để cập nhật về sinh phẩm, phương pháp chẩn đoán để phục vụ người dân.

Theo GS Lân, hiện nay có 2 chủng lưu hành, ở Trung Phi và Tây Phi. Đối với chủng ở Tây Phi nhẹ hơn, hiện nay hầu hết các trường hợp ghi nhận bên ngoài khu vực Châu Phi (Châu Âu, Châu Mỹ và các nước khác). Với chủng ở Tây Phi tỉ lệ tử vong thấp hơn. Tuy nhiên cần các đánh giá dịch tễ sâu hơn nữa, nhất là đối với những trường hợp hiện nay hoặc trên các đối tượng không phải nguy cơ cao. Với chủng ở Tây Phi tỉ lệ chết/mắc ít hơn so với chủng ở Trung Phi.

Điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, dịch chồng dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai ngay một số hoạt động.

Cụ thể như chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế: giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám, chữa bệnh Đậu mùa khỉ.

Đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế; Rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí.

Bộ Y tế cũng nêu rõ khi ghi nhận trường hợp bệnh cần khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng về dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời nghiêm túc thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo quy định. (Lao động, trang 1).

 

Tràn lan xét nghiệm virus Adeno

Dịch Adenovirus đang bùng phát rất mạnh, riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận hơn 3.000 ca bệnh, chỉ trong tháng 9 đã có hơn 1.500 trẻ mắc, trong đó phần lớn số ca mắc Adenovirus là ở Hà Nội.

Rất nhiều trẻ mắc Adenovirus nặng phải nhập viện thở oxy, thở máy, lọc máu. Đến nay đã ghi nhận 9 ca tử vong ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại Hà Nội trong những ngày qua, một số cơ sở xét nghiệm quá tải vì các cuộc gọi của phụ huynh xét nghiệm Adenovirus tại nhà liên tục.

Con trai sốt cao 2 ngày, chị Phạm Thanh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho con uống giảm sốt rồi gọi một đơn vị xét nghiệm đến tận nhà lấy mẫu thực hiện test cúm A, sốt xuất huyết và Adenovirus, hết tổng chi phí hơn 1,5 triệu đồng. “Kết quả con không nhiễm cúm A, sốt xuất huyết hay Adenovirus”, chị Hà cho biết.  Còn anh Bùi Minh Hải (Tây Hồ, Hà Nội) thì cho rằng, do bệnh viện đang quá tải, con anh chỉ có biểu hiện sốt nhẹ, nghẹt mũi, đau họng nên đã gọi đơn vị xét nghiệm Medlatec về nhà test cúm và Adenovirus.

Nhiều phụ huynh con sốt cao, có hiện tượng đau mắt, tiêu chảy nhẹ, mệt mỏi, nghi mắc Adeno đã gọi đơn vị xét nghiệm đến nhà lấy mẫu.

Những ngày này, các đơn vị có dịch vụ xét nghiệm tại nhà bệnh cúm, sốt xuất huyết, Adeno luôn quá tải. Một phụ huynh phản ánh, họ gọi điện cho tổng đài máy bận suốt, có nơi gọi buổi tối nhưng đơn vị xét nghiệm trả lời phải đợi đến hôm sau mới tới lấy được mẫu.

Qua khảo sát của phóng viên, tại một số cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám xét nghiệm Adenovirus đang có nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, test nhanh giá 239.000 đồng, xét nghiệm Elisa giá 390.000 đồng, xét nghiệm PCR giá từ 1,1 triệu đến 1,2 triệu đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày này, các bệnh viện như: Xanh Pôn, Hà Đông, Thanh Nhàn, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E… luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhi đến khám các bệnh về đường hô hấp, sốt, tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi… Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 3 tuần vừa qua ca mắc Adenovirus tăng mạnh, ghi nhận 2.990 ca, nâng tổng số ca mắc lên 3.130 ca từ đầu năm đến nay.

Trẻ nhập viện chủ yếu từ 1-3 tuổi và có địa chỉ phần lớn ở Hà Nội. Những ca tử vong trước chủ yếu là trẻ có bệnh nền như suy dinh dưỡng, ung thư,… nhưng ca tử vong ngày 3/10 là trẻ 13 tháng tuổi, không có bệnh nền. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 300 ca mắc, trong đó hơn 40 ca nặng, nguy kịch gồm: 6 ca phải thở máy, 2 ca ECMO, 2 ca lọc máu, 34 ca thở oxy.

Chính vì số ca mắc, ca phải nhập viện tăng cao, nên nhiều phụ huynh ở Hà Nội thấy con sốt đã rất lo lắng và ồ ạt cho con xét nghiệm Adenovirus. Nhiều nơi xét nghiệm tràn lan, không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, phụ huynh gọi lấy mẫu xét nghiệm rất dễ dàng với giá khá đắt.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, cần thống nhất quan điểm cá thể hoá từng bệnh nhân, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, lãng phí. Đồng thời, đề xuất cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ việc xét nghiệm.

“Việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này phải tuỳ theo từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi thì mới nên làm” - PGS Điển cho biết.

Cùng quan điểm này, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, các phụ huynh không nên tự ý đưa con đi xét nghiệm hay mong muốn được nhập viện điều trị cho an tâm… Cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, nhằm phòng ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Mọi người nên nhắc nhở trẻ em rửa tay thường xuyên, uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, nên tiêm ngừa vaccine 6 trong 1, phế cầu, cúm để không bị lây nhiễm thêm, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Theo nhận định của các chuyên gia truyền nhiễm, Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ lâu, không phải là bệnh mới nổi. Tuy nhiên virus này có khả năng gây ra nhiều bệnh khác nhau như viêm phổi, đau mắt đỏ,…. và có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các chất khử khuẩn bề mặt cao so với các loại virus khác như SARS-CoV-2. Vì vậy, phụ huynh phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho con, lau chùi bề mặt, đồ chơi thường xuyên. (Công an Nhân dân, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Ca bệnh do Adenovirus ở trẻ em tăng nhanh theo từng tuần: Chỉ xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ”; Tuổi trẻ, trang 14: “Nở rộ dịch vụ xét nghiệm vi rút Adeno”.

 

Cháu bé 13 tháng tuổi tử vong do Adenovirus dù không có bệnh nền

Ngày 3-10, tại Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận một ca tử vong 13 tháng tuổi do mắc Adenovirus, đây cũng là trường hợp tử vong đầu tiên có tiền sử khoẻ mạnh, không bệnh nền….

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện này ghi nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus, 9 ca tử vong. So với tuần trước, số ca tử vong đã tăng 2 trường hợp.

Trong 9 ca tử vong tại Bệnh viện Nhi trung ương liên quan đến Adenovirus có 4 ca mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, ung thư, viêm não, suy đa tạng…; 3 ca mắc bệnh cấp tính, đồng nhiễm các virus, vi khuẩn khác. Riêng ca tử vong mới nhất vừa ghi nhận ngày 3-10 là một cháu bé 13 tháng tuổi có tiền sử khoẻ mạnh, không bệnh nền.

Ông Điển thông tin thêm, chỉ 3 tuần qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc Adenovirus, chủ yếu từ 1-3 tuổi, trong đó có 2.344 ca tại Hà Nội, chiếm khoảng 75% tổng số bệnh nhân. Ngoài ra, Bắc Ninh, Hưng Yên mỗi địa phương cũng ghi nhận 103 ca.

Không chỉ gia tăng số bệnh nhân mắc Adenovirus so với các năm trước mà tỷ lệ số ca nhập viện cũng cao, chiếm trên 50% số ca phát hiện nhiễm bệnh. Hiện ở bệnh viện còn khoảng 300 ca mắc Adenovirus đang điều trị, trong đó có hơn 40 ca nặng, nguy kịch, 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim, phổi nhân tạo); 2 ca lọc máu, 35 ca thở ô xy.

Tương tự, tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), từ 24 đến 30-9 ghi nhận 13 ca bệnh mắc Adenovirus. Trong 9 ca đang điều trị, có 2 ca thở máy hỗ trợ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đến nay ghi nhận 84 ca. Riêng tuần qua có 57 ca điều trị nội trú, với 5 ca nặng, nguy kịch phải hỗ trợ hô hấp. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tổng tiếp nhận gần 40 bệnh nhi nhiễm virus này từ Bệnh viện Nhi trung ương chuyển về hoặc từ các bệnh viện tư nhân.

Về công tác xét nghiệm, điều trị Adenovirus, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị. Việc xét nghiệm phải theo chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo nhu cầu của người dân. (An ninh Thủ đô, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang