Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/10/2023

  • |
T5g.org.vn - Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, làm gì khi nghi ngờ mắc?; Đã có kết quả giải mã gene ca đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên ở TPHCM

 

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, làm gì khi nghi ngờ mắc?

Bệnh đậu mùa khỉ hiện đang gia tăng ở nhiều quốc gia, Việt Nam cũng đã ghi nhận ca mắc khiến nhiều người lo lắng. Bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng gì, nếu nghi ngờ mắc thì cần làm gì, cách phòng ngừa ra sao?

Các giai đoạn bệnh đậu mùa khỉ

Sau nhiễm virus đậu mùa khỉ là thời gian ủ bệnh từ 6-13 ngày, nhưng có thể là 5-21 ngày thì bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

- Ở giai đoạn khởi phát: Từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

- Ở giai đoạn toàn phát: Đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày, với tính chất sau:

Xuât hiện phát ban gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

Bệnh đậu mùa khỉ tiến triển ban theo tính chất tuần tự từ rát (tổn thương có nền phẳng); sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao); mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong); mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng); đóng vảy khô đến bong tróc và có thể để lại sẹo.

Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.

- Ở giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Các thể lâm sàng đậu mùa khỉ

- Thể không triệu chứng: Người nhiễm virus đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.

- Thể nhẹ: Các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.

- Thể nặng: Thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

- Nhiễm khuẩn da: Người bệnh có sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.

- Viêm phổi: Người bệnh có các triệu chứng như ho, tức ngực, khó thở.

- Viêm não: Ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê.

- Nhiễm khuẩn huyết: Sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng.

Những người cần nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ

- Là người có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh cụ thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.

- Người có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.

- Những người có bệnh cảnh lâm sàng nghi bệnh đậu mùa khỉ.

Làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Cách giảm thiểu tình hình của dịch bệnh đậu mùa khỉ đang được áp dụng chủ yếu là dùng biện pháp cách ly và vệ sinh nơi ở, nhà cửa sạch sẽ.

Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng đã nghiên cứu, nhận định rằng người xuất hiện dấu hiệu đậu mùa khỉ sẽ giảm nhẹ triệu chứng trong vòng từ 2 - 4 tuần, cơ thể dần bắt đầu tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp không may bị nhiễm bệnh thì cần thăm khám và dùng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ để mang lại hiệu quả trị bệnh.

Ngoài ra, dịch bệnh đậu mùa khỉ không phải là một biến chủng mới nên đã có một số loại vaccine đã được đưa vào để đăng ký nhằm mục đích để phục vụ cho quá trình tiêm chủng cần được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, WHO không khuyến cáo khi dùng vaccine để tiêm đại trà cho mọi người dân. Với một số đối tượng có thể được tiến hành tiêm vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất như sau:

- Đối tượng đã tiếp xúc với người bị nhiễm dịch đậu mùa khỉ.

- Những người có nhiệm vụ hỗ trợ cho người bệnh mắc đậu mùa khỉ để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh sang họ gồm có nhân viên y tế, người làm việc tại các phòng xét nghiệm.

Việc xuất hiện dấu hiệu đậu mùa khỉ ban đầu có thể ít gây tổn thương cho da của người bệnh. Tuy nhiên, nếu phát hiện kịp thời và có những biện pháp phòng tránh theo chỉ định từ Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới sẽ giúp cho người dân bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

Phòng ngừa và điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Đối với người từng tiêm vaccine phòng đậu mùa thông thường cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng cũng chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, không đáng lo ngại. Bệnh đậu mùa khỉ hiện chưa có thuốc điều trị bệnh nhưng bệnh thường nhẹ và có thể tự khỏi. Người bệnh chủ yếu được các bác sĩ kê đơn thuốc nhằm giảm đau, và kháng viêm để hỗ trợ điều trị bệnh nhanh chóng.

Hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh về đậu mùa khỉ, vì vậy việc phòng bệnh, ngăn chặn bệnh là hết sức cần thiết để tránh lây lan tạo thành dịch. Một số biện pháp phòng bệnh cơ bản nên biết:

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các loài động vật có nguy cơ nhiễm bệnh, nhất là ở các khu vực có xuất hiện bệnh (kể cả động vật sống lẫn chết).

- Chỉ ăn các loài động vật có nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ quy tắc ăn chính uống sôi.

- Không tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm bệnh, kể cả các vật dụng hằng ngày của người bệnh cũng không tiếp xúc.

- Cách ly nhanh chóng người bệnh và người nghi ngờ bệnh.

- Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn, nhất là khi tiếp xúc các bề mặt nơi công cộng.

Có thể tiêm vaccine phòng đậu mùa để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh. Theo nghiên cứu, vaccine đậu mùa có thể hạn chế 85% mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Đậu mùa khỉ là bệnh lý tương đối nhẹ và không có nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Song, nhưng khi bệnh bùng dịch sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây lo ngại về kinh tế. Ngăn chặn bệnh dịch là giải pháp tối ưu hiện nay để bảo vệ chính bản thân, gia đình và xã hội. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 5).

 

Đã có kết quả giải mã gene ca đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên ở TPHCM

Ngày 3/10, Sở Y tế TPHCM cho biết, đơn vị này nhận được kết quả giải mã gene của trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) nội địa đầu tiên được phát hiện tại TPHCM.
Đây là kết quả giải mã gene từ Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi của Bệnh nhiệt đới & Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford đối với bệnh nhân nam (25 tuổi, Đồng Nai), mắc bệnh đậu mùa khỉ, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày 22/9/2023. Bệnh phẩm là phết bóng nước được lấy mẫu vào ngày 28/9/2023.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã giãi mã bộ gene bằng quy trình metagenomics (lĩnh vực nghiên cứu vi sinh vật trong môi trường sống tự nhiên của chúng, tập trung vào bộ gen của vi sinh vật - PV). Kết quả cho thấy tác nhân gây bệnh là virus monkeypox thuộc kiểu gene C1 của Clade IIb. 

Như vậy, kiểu gen này giống với các chủng virus monkeypox mới được phát hiện gần đây tại các quốc gia như Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc.

Theo Sở Y tế TPHCM, với kết quả giải mã gene này có thể kết luận chủng virus monkeypox khác với chủng virus với kiểu gene A.2.1 được phát hiện ở 2 ca nhập cảnh vào Việt Nam vào tháng 10/2022 từ Dubai trước đây. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8)

 

Không chủ quan với bệnh đau mắt đỏ

Bộ Y tế cho biết, số người mắc bệnh đau mắt đỏ đang tăng cao tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Ðà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... Tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây lan… nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Thời gian qua, nhiều người bệnh chủ quan, không điều trị đúng cách nên bệnh kéo dài, thậm chí gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực.

Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) là tình trạng một lớp màng phủ ở phía trước lòng trắng và mặt sau của mi mắt. Bệnh xuất hiện sau khi tiếp xúc nguồn lây từ năm đến bảy ngày, đầu tiên với triệu chứng đỏ mắt, sau đó sưng mí, chảy nước mắt và gỉ ghèn, dính chặt mi mắt sau khi ngủ dậy. Mắt cộm cảm giác như có dị vật, tuy nhiên không đau nhức, không mờ mắt. Ðây là một điểm quan trọng để phân biệt với các bệnh đỏ mắt do các nguyên nhân nguy hiểm khác như viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, glaucoma…

Các bác sĩ chuyên ngành nhãn khoa cho biết, bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài từ một đến hai tuần, tùy độc lực của tác nhân và phản ứng của cơ thể. Trong quá trình diễn biến của bệnh, có thể gây ra những triệu chứng nặng như xuất hiện giả mạc, trợt loét giác mạc; mắt sưng nề hơn và cộm chói nhiều khó mở mắt, chảy nước mắt mầu hồng vì có lẫn máu, khi lật mi lên sẽ thấy xuất hiện lớp màng dày trắng ở mặt trong của mi mắt. Lớp màng này nếu để lâu sẽ dày cứng, cọ xát vào giác mạc (tròng đen), làm giác mạc bị trầy xước hoặc trợt rộng, có thể dẫn đến viêm loét giác mạc. Ở giai đoạn lui bệnh (thường từ năm đến bảy ngày) có thể xuất hiện các biến chứng viêm ở trên giác mạc. Tình trạng viêm này có thể xuất hiện ở lớp biểu mô hoặc dưới biểu mô, thường kéo dài, hay tái phát cho nên người bệnh nên cần được theo dõi và điều trị.

Bệnh đau mắt đỏ thường lây do tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn của nước bọt, hoặc bắt tay, dùng chung khăn, chậu rửa mặt. Bệnh cũng lây gián tiếp qua các tiếp xúc trung gian như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, nước bể bơi... Nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng, như: vi-rút, vi khuẩn, vi nấm, dị ứng... trong đó nguyên nhân chủ yếu là Adenovirus, Coxsakievirus và Enterovirus với tỷ lệ khác nhau và tùy theo vùng dịch tễ. Với mỗi loại vi-rút có những đặc điểm riêng, như Enterovirus có thể gây bệnh cấp tính và diễn biến nặng, trong khi đó Adenovirus hay gây ra viêm giác mạc mạn tính... Bệnh thường xảy ra khi giao mùa, nhất là từ hè sang thu và lây lan mạnh trong cộng đồng thành dịch. Năm nay, dịch xảy ra đúng mùa tựu trường khiến số ca mắc càng tăng cao.

Nhìn chung bệnh thường lành tính, ít gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực nhưng lại ảnh hưởng nhiều sinh hoạt, học tập và công việc. Bệnh sẽ khỏi sau khoảng 4-5 ngày, nếu được phát hiện và điều trị đúng. Nhưng nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc dẫn đến khó điều trị hơn. TS Hoàng Cương, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, mặc dù chưa có những số liệu thống kê, nhưng thực tế đã ghi nhận có một số ca biến chứng, do đó người dân không nên chủ quan khi bị đau mắt đỏ.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ðặng Xuân Nguyên (Hội Nhãn khoa Việt Nam), điều trị bệnh đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh. Tuy nhiên các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm vì sau khi nhiễm trùng kết mạc do virus, sức đề kháng của kết mạc kém đi, dẫn đến dễ bội nhiễm vi khuẩn. Các chế phẩm dinh dưỡng kết giác mạc hay được dùng như các dạng nước mắt nhân tạo giúp tăng cường khả năng hồi phục của bề mặt nhãn cầu, làm giảm kích ứng và giảm các triệu chứng khó chịu ở mắt. Các thuốc kháng viêm dạng corticoid có thể được xem xét để điều trị một số trường hợp cụ thể xuất hiện tình trạng viêm quá mức. Việc dùng các loại thuốc này phải do các bác sĩ kê đơn và được theo dõi cẩn thận. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua để sử dụng vì thuốc có thể làm giảm miễn dịch của kết mạc, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, làm bệnh tiến triển kéo dài...

Ngoài ra, khi mắt có giả mạc thì phải được làm thủ thuật bóc giả mạc, nếu không sẽ gây ra những biến chứng nặng nề. Thủ thuật này phải được làm ở phòng tiểu phẫu vô trùng để tránh bội nhiễm các vi khuẩn khác. Ngoài các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc mắt và toàn thân để tăng cường hiệu quả điều trị.

Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc sử dụng các mẹo dân gian trị đau mắt đỏ, các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo không nên sử dụng các phương pháp đó. Như việc sử dụng lá trầu không để xông mắt, thì trong lá trầu có tinh dầu nóng, khi vừa xông xong, người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm (lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh), nhưng sau đó mắt sẽ càng phù nề, bệnh càng trở nặng, có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc, nhiễm khuẩn nặng hơn. Tương tự, việc đắp lá diếp cá, đắp nha đam vào vùng mắt khi bị đau mắt đỏ rất dễ gây cho mắt bội nhiễm hơn vì diếp cá, nha đam thường không được xử lý bảo đảm vô trùng... Do đó người dân cần tránh các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng vì đã có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng nề khó hồi phục thị lực...

Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Các đơn vị liên quan bên cạnh tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, cần chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế; tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong trường học...

Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo, để phòng tránh bị nhiễm bệnh, trong mùa dịch nên hạn chế chỗ đông người, đeo khẩu trang và kính mắt khi tiếp xúc với những người bị đau mắt đỏ, thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng hoặc cồn sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc với các đồ vật ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, ghế ngồi công cộng, máy tính công cộng... rửa mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Trong các trường học nên tổ chức vệ sinh không gian sinh hoạt học tập, vui chơi bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt. Bệnh nhân đau mắt đỏ cần tăng cường ý thức vì cộng đồng để tránh lây nhiễm cho người khác. (Nhân dân (trang 5)

 

Khẩn trương triển khai các giải pháp mở rộng người tham gia BHXH, BHYT

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá nhiệm vụ 9 tháng năm 2023, đồng thời xác định nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị.

Hiện nay, cả nước đang có 17,308 triệu người tham gia BHXH, đạt 92,3% kế hoạch năm và đạt tỉ lệ bao phủ 37,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, BHXH bắt buộc có 15,88 triệu người tham gia, đạt 93,8% kế hoạch; BHXH tự nguyện có 1,428 triệu người tham gia, đạt 78,3% kế hoạch; Bảo hiểm Thất nghiệp (BHTN) có 14,173 triệu người tham gia, đạt 93,1% kế hoạch. Riêng Bảo hiểm Y tế (BHYT) có 91,467 triệu người tham gia, đạt 98,2% kế hoạch và đạt tỉ lệ bao phủ 92,4% dân số.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đến thời điểm hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đã đi được 3/4 chặng đường của năm 2023. Theo kế hoạch, toàn ngành sẽ phải khẩn trương triển khai các giải pháp mở rộng người tham gia BHXH, BHYT với tinh thần quyết liệt hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kinh nghiệm cho thấy, cứ nơi nào quyết liệt, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, thì nơi đó đạt được kết quả tích cực.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, điều này được minh chứng qua chia sẻ thực tế triển khai nhiệm vụ tại một số BHXH địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Thanh Hóa, Gia Lai... Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn quốc tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, song mỗi địa phương đều đã linh hoạt phát huy cao nhất lợi thế trên địa bàn để mở rộng tỉ lệ bao phủ người tham gia BHXH, BHYT.

Trong đó, tại tỉnh Bình Dương, trong những tháng đầu năm 2023 số lao động giảm mạnh (120.000 người), nhất là với ngành gỗ, may mặc, giày da... tuy nhiên bắt đầu từ quý II/2023, số người gia nhập hệ thống BHXH tại địa phương này cũng tăng lên. Kết quả này có được là nhờ một loạt giải pháp được BHXH tỉnh Bình Dương xây dựng trong kịch bản khai thác dữ liệu liên thông với ngành thuế, kế hoạch - đầu tư, cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra…

Theo BHXH Việt Nam, trong 3 tháng cuối năm 2023, toàn quốc cần phát triển thêm trên 1,446 triệu người tham gia BHXH (1,05 người tham gia BHXH bắt buộc, 396,6 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện)… do đó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo, toàn ngành phải bám sát hệ thống văn bản pháp luật và các chỉ đạo liên quan, nhận diện và đưa ra kịch bản điều hành phù hợp với thực tế; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, liên thông dữ liệu để phát triển người tham gia BHXH; cũng như giải quyết hiệu quả các chế độ BHXH, BHYT...

“Mục tiêu của ngành năm nay sẽ phải đạt trên 93,2% dân số tham gia BHYT. Công tác giám định chi phí KCB BHYT phải tận dụng hết “tài nguyên”, từ kết quả giám định, cảnh báo, kiểm tra, giám sát cho đến cách làm hay, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả quỹ. Công tác truyền thông cần phát huy kết quả tích cực đạt được như hình thành “thói quen” tham gia BHYT của người dân hiện nay, triển khai truyền thông phải linh hoạt và gắn với kết quả cụ thể” - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh lưu ý thêm. (Lao động, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang