Phòng, chống dịch sốt xuất huyết sau mưa, bão
Sau đợt mưa bão, lũ kéo dài, nhiều ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) bắt đầu bùng phát tại TP Đà Nẵng. Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC), số ca mắc SXH tăng mạnh từ tháng 8 đến nay. Chính quyền địa phương và ngành y tế đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều ổ dịch
Mưa lũ kéo dài khiến nhiều xã thuộc huyện Hòa Vang ngập nặng. Hiện tại, nhiều thôn trũng, thấp tại các xã vẫn ngập nước. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi để muỗi phát triển, gây bệnh. Tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), nơi ghi nhận nhiều ổ dịch SXH mới trong thời gian vừa qua, chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, tổ chức tổng vệ sinh, phát tờ rơi tuyên truyền về bệnh SXH và phun hóa chất khử độc, khử trùng tiêu diệt muỗi. Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Ngô Ngọc Trúc cho biết: Bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, toàn xã ghi nhận hơn 100 ca mắc SXH, chiếm một nửa số ca mắc của toàn huyện Hòa Vang. Do mưa ngập úng nhiều ngày qua, nước mưa không thoát được cho nên thôn Lệ Sơn Nam đang trở thành một trong những “điểm nóng” tại địa phương khi liên tục ghi nhận số ca mắc SXH trong cộng đồng.
Ông Mai Hồng Lạc, Trưởng thôn Lệ Sơn Nam cho biết: Thôn đã trải qua một thời gian dài phong tỏa vì dịch Covid-19 cho nên hiện nay, công tác vệ sinh môi trường luôn được đặt lên hàng đầu. Sau mùa lũ, chúng tôi xuống từng hộ dân để tuyên truyền, khuyến cáo về công tác vệ sinh môi trường, nhất là dịch SXH. Quan trọng nhất vẫn là tìm diệt các ổ bọ gậy, loăng quăng. Thôn đã dọn vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy để muỗi không phát sinh, nảy nở phun thuốc diệt muỗi tại 85 nhà dân.
Giám sát, khoanh vùng
Ngoài mưa, lũ thì thời tiết giao mùa cũng đang là yếu tố làm gia tăng mật độ muỗi truyền SXH. Các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Hòa Vang, Sơn Trà… đang đối diện nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mùa như tay chân miệng, SXH… Để góp phần hạn chế, giảm tỷ lệ mắc SXH, ngành y tế Đà Nẵng đã quyết liệt đào tạo, tập huấn phòng, chống SXH. Hiện các bệnh viện tuyến quận, huyện cũng như các bệnh viện lớn tại Đà Nẵng đã chủ động nhân lực, thuốc để sẵn sàng điều trị nếu dịch SXH bùng phát.
Theo báo cáo của CDC TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến cuối tháng 10, toàn thành phố đã có gần 1.600 ca mắc SXH (không có người chết). Tuy số ca mắc giảm so với cùng kỳ 2019 nhưng lại tăng mạnh so với những tháng đầu năm nay, nhất là từ tháng 8, tháng 9 trở lại đây, tập trung nhiều ở các quận: Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu, Hòa Vang, Sơn Trà…
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC TP Đà Nẵng cho biết: Thời tiết mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn (trung gian truyền bệnh) phát triển, CDC đang phối hợp các trung tâm y tế quận, huyện tích cực điều tra, phân tích các khu vực có chỉ số véc-tơ truyền bệnh cao, diễn biến bệnh SXH và ổ dịch nhỏ phức tạp, đề xuất các biện pháp kịp thời. Đề nghị UBND quận, huyện tích cực chủ động thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy, không để muỗi có môi trường sinh sản. Thông tin đầy đủ cho người dân về tình hình dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân; giám sát chặt chẽ quá trình diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi. Tập trung giám sát các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH cao, tăng cường vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để các bệnh truyền nhiễm lây lan và bùng phát trên địa bàn.
Toàn TP Đà Nẵng cũng đã ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường trong hai ngày thứ bảy, chủ nhật vừa qua, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường sau bão số 9 và mưa lũ, đồng thời phòng, chống bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng. (Nhân dân, trang 5).
Thêm 4 ca mắc mới dịch Covid-19 là người nhập cảnh
Chiều tối 4-11, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thông tin về 04 ca mắc mới dịch Covid-19 (từ ca thứ 1.203 - 1.206) đều là người nhập cảnh nên được cách ly ngay.
Như vậy đến nay, Việt Nam đã có 1.206 người mắc Covid-19, trong đó có tổng cộng 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Cùng với đó, cả nước tiếp tục trải qua 63 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Đối với công tác điều trị, cả nước đã có 1.069 bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi bệnh và 29 bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2.
Vào chiều cùng ngày, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo chỉ rõ, việc phòng chống dịch Covid-19 vẫn còn tình trạng chủ quan, nhiều trường hợp người dân tham quan tại phố đi bộ vào cuối tuần không đeo khẩu trang. Ông Ngô Văn Quý cũng cho biết, thành phố sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra phòng, chống dịch và triển khai kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 5-11. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Bốn ca nhiễm Covid-19 mới đều là người nhập cảnh”; Hà Nội mới, trang 1: “Hà Nội thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị”; Công an Nhân dân, trang 1: “Thêm 4 công dân Việt Nam nhập cảnh nhiễm SARS-CoV-2”.
Hà Nội rút kinh nghiệm về cách ly
Để bảo đảm an toàn, Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã yêu cầu những người phục vụ trong khu cách ly khi tiếp xúc với người nước ngoài nhập cảnh (dù không bị nhiễm Covid-19) vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.
Ngày 4.11, Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo ghi nhận 4 ca Covid-19 mới, là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 1203 - 1206 tại Việt Nam.
Trong đó, BN 1203 (nam, 60 tuổi) là chuyên gia người Israel, đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội). Các BN 1204 - 1205 là công dân Việt Nam, từ Pháp nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trên chuyến bay Việt Nam5010, đang được điều trị tại Trung tâm y tế H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp hằng tuần của BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, Sở Y tế TP.Hà Nội cho biết trong tuần, Hà Nội ghi nhận 1 ca bệnh từ nước ngoài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cụ thể, BN 1203 nhập cảnh ngày 31.10 trên chuyến bay QR976 (ghế 30C) từ sân bay Doha - Qatar đến Nội Bài. BN được cách ly tại khách sạn Mường Thanh Grand Centre (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngay sau khi nhập cảnh.
Theo đại diện Q.Hoàn Kiếm, 2 trường hợp nhân viên phục vụ trong khu cách ly tại khách sạn tiếp xúc với BN 1203 đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Để bảo đảm an toàn, quận đã yêu cầu những người phục vụ trong khu cách ly khi tiếp xúc với người nước ngoài nhập cảnh (dù không bị nhiễm Covid-19) vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phải mặc đồ bảo hộ khi cần tiếp xúc; đồng thời yêu cầu các khách sạn khác (là khu cách ly) trên địa bàn rút kinh nghiệm.
Cũng tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền tiếp tục cảnh báo việc người dân lơ là đeo khẩu trang. “Khi đi kiểm tra trên thực tế, các quận, huyện vào cuộc chưa quyết liệt. Ngay tại bến xe, trong khuôn viên thì làm nghiêm, nhưng ngoài khuôn viên, rất nhiều người không đeo khẩu trang trong khi chính quyền địa phương lại không có biện pháp gì xử lý. Ngoài ra, khi kiểm tra chung cư cũng có đến hơn 50% người dân không đeo khẩu trang... Nếu chỉ cần để lọt 1 trường hợp mắc bệnh thì mọi cố gắng phòng, chống dịch thời gian qua của chúng ta sẽ đổ bể”, ông Hiền nhấn mạnh.
Ngoài việc cần tiếp tục làm nghiêm các biện pháp phòng dịch, Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhắc nhở về chế độ báo cáo để nắm tình hình, vì trường hợp BN 1203, ông Quý là Trưởng BCĐ mà phải đọc báo mới biết tin. (Thanh niên, trang 3).
Gia tăng bất thường trẻ mắc bệnh hô hấp
Ngày 4.11, Sở Y tế TP.HCM họp giao ban công tác y tế dự phòng tháng 11.2020. Bác sĩ Lê Minh Thượng, Phó phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết 2 tuần gần đây có sự gia tăng bất thường về bệnh hô hấp.
Bệnh xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước nhưng TP.HCM và Hà Nội chiếm nhiều nhất. Tại BV Nhi đồng 1, có ngày số ca khám bệnh này tăng 3, 4 lần so với trước dịch Covid-19.
Riêng bệnh nhi ở các tỉnh đến BV Nhi đồng 1 khám bệnh hô hấp chiếm 60%, số trẻ nội trú từ các tỉnh chiếm rất cao, là những ca nặng. Mặc dù số nhập viện nhiều nhưng tử vong do bệnh hô hấp chưa có bất thường.
Tại buổi giao ban, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chỉ đạo trung tâm y tế các quận huyện theo dõi, có khuyến cáo cho người dân phòng bệnh hô hấp. (Thanh niên, trang 13)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 12: “Trẻ mắc hô hấp tăng vọt do virus hợp bào”.
Sẽ thí điểm phần mềm giám sát vi phạm quy định phòng, chống tác hại thuốc lá tại Hà Nội
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức ngày 4-11 tại Hà Nội.
Hiện, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đang xây dựng và thí điểm ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động cho phép người dân chụp và gửi hình ảnh vi phạm các quy định phòng, chống tác hại thuốc lá tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Các hành vi vi phạm được áp dụng qua phần mềm, như: Hút thuốc lá tại địa điểm cấm; không treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc tại các địa điểm cấm hút thuốc.
Tại các nơi dành riêng cho người hút thuốc, người dân cũng có thể phản ánh về việc không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc; không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá…
Dự kiến, việc ứng dụng phầm mềm này sẽ được thí điểm tại 2 quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ của Hà Nội, sau đó mở rộng ra các địa phương khác. (Hà Nội mới, trang 1).
Hà Nội cảnh giác cao độ với dịch COVID-19
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, nhiều nơi vẫn chưa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bên ngoài các bến xe, tại nhiều chung cư, đa số người dân vẫn không đeo khẩu trang. “Nếu chỉ để lọt 1 trường hợp mắc bệnh thì mọi cố gắng phòng, chống dịch thời gian qua của chúng ta sẽ đổ bể”, ông Hiền cảnh báo.
Hai nhân viên khách sạn tiếp xúc ca bệnh COVID-19
Chiều 4/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 17/8, thành phố không ghi nhận ca mắc COVID-19 tại cộng đồng, tuy nhiên, vừa có một chuyên gia (60 tuổi, người Israel) dương tính với SARS-CoV-2 và trở thành bệnh nhân 1.203 của Việt Nam.
Ngày 31/10, bệnh nhân này từ Qatar nhập cảnh tại sân bay Nội Bài trên chuyến bay QR976, được chuyển đến cách ly tại khách sạn ở quận Hoàn Kiếm. Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 2/11. Kết quả xét nghiệm ngày 3/11 xác định dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Ông Hạnh cho biết, có 2 nhân viên khách sạn tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19. Cụ thể, trong thời gian bệnh nhân cách ly tại khách sạn, hai nhân viên không tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh, tiếp xúc gần với bệnh nhân. Trong đó, một nhân viên dùng điện thoại của bệnh nhân để nói chuyện với người khác (nghe hộ điện thoại) trong khoảng 10 giây, một người đổi tiền cho bệnh nhân. Hai trường hợp này đã được cách ly, tiến hành xét nghiệm và theo dõi sức khỏe.
“Đây là vấn đề phải lưu ý đối với khu vực cách ly. Hiện nay, người dân có tâm lý chủ quan, không đeo khẩu trang phòng dịch, do đó cần tăng cường kiểm tra. Bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra phòng dịch, các quận, huyện, thị xã cần lên phương án để sẵn sàng đáp ứng nếu dịch bệnh xảy ra”, ông Hạnh nói.
Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, kết quả xét nghiệm ban đầu của 2 nhân viên khách sạn xác định âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, hai trường hợp này đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để tiếp tục theo dõi. Sau khi xảy ra sự việc, quận đã yêu cầu các khách sạn thực hiện nghiêm việc cách ly người nhập cảnh. Khi tiếp xúc với các trường hợp cách ly, nhân viên các khách sạn cần phải mặc đồ bảo hộ.
50% người dân chung cư không đeo khẩu trang
Tại cuộc họp, ông Vũ Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng nêu vấn đề, trước đây, đối với trường hợp không đeo khẩu trang phòng dịch bị xử phạt 200 nghìn đồng. Nhưng theo Nghị định số 117/2020 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11, mức phạt các trường hợp không đeo khẩu trang ở mức tối đa là 2 triệu đồng/trường hợp vi phạm. Với mức phạt này, việc xử phạt cá nhân vi phạm gặp khó khăn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, trong báo cáo, các quận, huyện đều đề cập đến việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch rất bài bản, quyết liệt. Nhưng khi kiểm tra thực tế, các quận, huyện vào cuộc chưa quyết liệt. Tại bến xe, trong khuôn viên triển khai công tác phòng dịch rất nghiêm, yêu cầu người đeo khẩu trang, bố trí dung dịch khử khuẩn ở nhiều nơi nhưng ngoài khuôn viên bến xe, rất nhiều người không đeo khẩu trang mà chính quyền địa phương lại không có biện pháp xử lý. Ngoài ra, khi kiểm tra chung cư cũng có đến hơn 50% người dân không đeo khẩu trang... “Nếu chỉ để lọt 1 trường hợp mắc bệnh thì mọi cố gắng phòng, chống dịch thời gian qua của chúng ta sẽ đổ bể”, ông Hiền nói.
Ông Quý nhấn mạnh, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 5151 về việc tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, yêu cầu việc bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, tại nơi công cộng (công viên, vườn hoa, phố đi bộ, quảng trường, nhà ga, bến tàu, bến xe, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, các sự kiện văn hóa, thể thao tại nơi công cộng, sân vận động...).
Thế nhưng, tại các quận, huyện, người dân vẫn lơ là công tác phòng dịch, không đeo khẩu trang. Ông Quý yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện tiếp tục thực hiện Công văn số 5151, trong đó yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang nghiêm túc tại nơi công cộng. “Nếu thành phố xuất hiện 1-2 ca bệnh cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, ông Quý nói. (Tiền phong, trang 14).
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 7: “50% người ra vào các chung cư không đeo khẩu trang”.
Người dân Đông Nam Bộ "lười" sinh con
Nếu bây giờ 1 đứa trẻ được 6 người chăm sóc (ông bà nội ngoại, bố mẹ) thì sau này khi trưởng thành, khả năng đứa trẻ đó sẽ phải chăm sóc ngược trở lại 6 người, đó có thể coi là gánh nặng lớn.
Người dân Đông Nam bộ "lười" sinh con
Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã bảo vệ thành công thành quả duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2 - 2,1 con/phụ nữ độ tuổi sinh đẻ từ 15 - 49 tuổi). Tuy nhiên, nước ta cũng đối mặt mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, xu hướng sinh rất ít con đã xuất hiện tại các đô thị; trong khi đó một số nơi, kinh tế - xã hội khó khăn hơn thì có mức sinh cao, thậm chí trên 2,5 con/phụ nữ độ tuổi sinh đẻ.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, hiện còn 4 trên 6 vùng có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế (Trung du và miền núi phía Bắc (2,43); Đồng bằng sông Hồng (3,35); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2.32); Tây Nguyên (2,43). Hai vùng thấp hơn mức sinh thay thế (Đông Nam Bộ (1,56), Đồng bằng sông Cửu Long (1,8). Hai vùng vẫn duy trì ở mức thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thống kê, Tiền Giang thuộc nhóm 21 tỉnh có mức sinh thấp, nghĩa là dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Mức sinh hay tổng tỷ suất sinh qua các năm của tỉnh này thống kê qua tổng điều tra dân số trong 6 năm từ 2014 -2019 là: 1,75 con/phụ nữ - 1,62 con - 2,0 con - 1,99 - 1,68 - 1,82.
Địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước là TP HCM. Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - KHHGĐ TP HCM, cho biết từ năm 2015-2019, mức sinh của Thành phố là: 1,45 con/phụ nữ - 1,24 - 1,36 -1,33 - 1,35. Nguyên nhân giảm sinh là do áp lực nghề nghiệp, thu nhập, học tập, thăng tiến, nhà ở, y tế, giáo dục, thời gian…
Lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ TP HCM cũng chỉ ra thách thức nếu mức sinh thấp kéo dài, trước hết sẽ làm sụt giảm nguồn nhân lực, lực lượng lao động, dẫn đến thành phố đông dân nhất cả nước này thiếu hụt nhân lực phát triển kinh tế. Ngoài ra, nếu người dân không sinh hoặc sinh 1 con sẽ mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng và hậu quả khó lường.
Bà Mỹ Lệ cũng chỉ ra thực tế trong tương lai rằng nếu như bây giờ 1 đứa trẻ được 6 người chăm sóc (ông bà nội ngoại, ba mẹ) thì sau này khả năng đứa trẻ sẽ phải chăm sóc 6 người, đó là gánh nặng lớn.
Nhiều chính sách khuyến sinh tại vùng có mức sinh thấp
Lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Tiền Giang cho hay đối với địa phương có mức sinh thấp không thể thực hiện chính sách khuyến khích sinh ít con (như ở các địa phương có mức sinh cao).
Với Chi cục Dân số - KHHGĐ TP HCM, đơn vị sẽ tham mưu cho UBND TP kế hoạch hành động thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh tại TP đến năm 2030, cố gắng nâng mức sinh 1,6 con/bà mẹ; đồng thời đề xuất các chính sách để nâng mức sinh tại Thành phố. Cụ thể:
Để khuyến sinh, cần bỏ ngay chính sách giảm sinh; từng bước ban hành, thực hiện các chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện cho bố mẹ sinh đủ 2 con; khuyến khích các bạn trẻ kết hôn sớm. Khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con được mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em.
Xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình. Từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.
Cụ thể là, hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình, phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn. Tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi.
Thí điểm, nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sỹ gia đình…
Cùng đó, cần hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ hai con được tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, phòng chống suy dinh dưỡng; Tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con; Miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình.
Những giải pháp trên sẽ góp phần giúp cho tổng tỷ suất sinh chuyển dịch về mức sinh thay thế, nhằm cân đối cơ cấu dân số, bảo đảm lực lượng lao động liên tục, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Ngày 28/4/2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), đánh giá chính sách này là cơ hội rất tốt để trong tương lai 10 - 15 năm nữa, Việt Nam sẽ có một thế hệ mới, một lực lượng “dân số vàng” tiếp theo để đáp ứng công cuộc phát triển đất nước.
Còn với bà Trịnh Thu Nga, Phó viện trưởng Viện Khoa học - Lao động (Bộ LĐ-TB-XH), khuyến khích sinh đủ 2 con sẽ giúp Việt Nam cân bằng mức sinh giữa các tỉnh, TP trên toàn quốc, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, đồng thời kéo dài giai đoạn cơ cấu dân số vàng, cũng như ứng phó thực trạng và xu hướng già hóa dân số nhanh trong tương lai ở Việt Nam. (Gia đình & Xã hội, trang 7).
Việt Nam sắp thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người: Hoàn tất thử nghiệm vào quý IV/2021, chuẩn bị đưa ra thị trường
Sau nhiều tháng huy động các nhà khoa học, sản xuất và nghiên cứu, tiến trình cho ra đời vaccine COVID-19 ở Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực, khi quá trình thử nghiệm lâm sàng (thử nghiệm trên người) có thể sẽ được diễn ra ngay trong tháng 11.2020. Theo ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), sau khâu thẩm định hồ sơ chuẩn bị hoàn tất, ngay trong tháng 11 và chậm nhất là đầu tháng 12.2020 sẽ tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người.
Sẽ tiêm thử nghiệm những mũi đầu tiên
Vaccine của đơn vị đầu tiên đang được Bộ Y tế xem xét phê duyệt hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (thử nghiệm trên người) là vaccine COVID-19 do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Khu công nghệ cao, quận 9, TPHCM) nghiên cứu phát triển.Theo dự định, Học viện Quân y sẽ là nơi triển khai thử nghiệm tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên người tình nguyện đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đang xem xét hồ sơ, sau khi thẩm định cho thấy hồ sơ đủ yêu cầu sẽ phê chuẩn cho thử nghiệm trên người, khi đó sẽ chính thức thông báo tuyển chọn người tình nguyện tiêm ngừa. "Hiện khâu thẩm định hồ sơ chuẩn bị hoàn tất, trong tháng 11 và chậm nhất là đầu tháng 12 tới sẽ tiến hành tiêm trên người. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa, thuận lợi nhất về thẩm định, phê duyệt để việc thử nghiệm vaccine COVID-19 được triển khai sớm nhất" - ông Quang nói.
Mặc dù, cả Việt Nam đang chờ đợi vào sự ra đời của vaccine COVID-19 "made in Việt Nam", nhưng đại diện Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo cũng nhấn mạnh rằng Bộ Y tế cũng yêu cầu nghiên cứu này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo an toàn cho người tình nguyện tham gia nghiệm vaccine COVID-19. Đơn vị thực hiện nghiên cứu lâm sàng trong suốt thời gian triển khai, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế về các yếu tố kỹ thuật cũng như đạo đức trong nghiên cứu.
Kế hoạch của nhà sản xuất là tiêm thử nghiệm trên 60 tình nguyện viên, nhưng Bộ Y tế cho biết sẽ không cùng lúc tiêm thử nghiệm trên 60 người mà chia nhỏ làm các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ tiêm cho 20 người, sau đó đến giai đoạn 2 sẽ dự kiến tiêm cho 400 người. Thời gian bắt đầu giai đoạn 2 là 2- 3 tháng kể từ khi người tình nguyện đầu tiên được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, cụ thể là đầu tháng 3. 2021.
"Chúng tôi sẽ cho tiêm thử nghiệm trên 1-2 người đầu tiên trong nhóm tình nguyện, chờ phản ứng và xác định tính an toàn trong 72 giờ đầu, sau đó mới tiêm tiếp cho 18-19 người của giai đoạn 1" - ông Quang nói.
Dồn tổng lực để sớm có vaccine COVID-19
Việt Nam vẫn đang dồn tổng lực nghiên cứu vaccine COVID-19, với sự chung tay của nhiều nhà khoa học, nhiều nhà sản xuất vaccine, đi từ nhiều hướng, để có thể “chạy đua” cùng thế giới trong việc sản xuất vaccine. Trong số này, nổi bật có 4 nhà sản xuất vaccine đang có nhiều tiến triển. Họ cũng tạo ra một cuộc đua mang tính chất nội bộ ở lĩnh vực này.
Bốn nhà sản xuất tham gia vào cuộc đua nghiên cứu vaccine COVID-19, đó là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen. Trong số này, có vẻ Nanogen- một đơn vị tư nhân đang vượt lên với những thông tin về cuộc thử nghiệm lâm sàng sớm nhất. Trong khi đó Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) dự kiến có lô thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.
Cùng đó, Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) bắt đầu thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine COVID-19 trên khỉ. Đơn vị này thử nghiệm đồng thời trên khỉ và chuột. Dự kiến, sau khi tiêm xong, khỉ sẽ được theo dõi khoảng 3 tháng, sau đó tiếp tục lấy mẫu máu gửi về Hà Nội để làm các xét nghiệm. Nếu Công ty VABIOTECH thúc đẩy tiến độ nhanh nhất thì cũng phải đầu năm 2021 mới có lô vaccine để thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, có một đơn vị vẫn đang "im hơi lặng tiếng", đó là POLYVAC.
Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết mục tiêu là quý IV/2021 sẽ có vaccine Việt Nam đã hoàn thành tất cả các khâu thử nghiệm, chuẩn bị cho khâu xuất hiện chính thức phục vụ nhu cầu tiêm chủng.
Trong cuộc chiến với COVID-19, ngay từ đầu, Bộ Y tế đã khẳng định không có "vùng cấm" nào trong khoa học, các đơn vị nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân đều được tạo điều kiện như nhau, trong quá trình nghiên cứu và phát triển một loại vaccine đại dịch, cùng hướng đến mục tiêu lớn là an toàn cho Việt Nam.
Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một đơn vị tư nhân khi họ là nhà nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công các tiến bộ của ngành công nghệ sinh học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam trong việc sản xuất nguyên liệu Dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/ protein tái tổ hợp hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Nếu không chủ động vaccine, sẽ hết sức tốn kém
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã tham gia liên minh được quyền ưu tiên tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, ngay sau khi vaccine của các nhà sản xuất cán đích đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Khi tham gia Liên minh này, Việt Nam có thể mua được vaccine với giá ưu đãi - khoảng 5 USD/mũi tiêm. Giả sử nếu tiêm 2 mũi, mỗi người tiêm cần 10 USD. Như vậy, nếu như không chủ động được vaccine, với dân số như Việt Nam, chi phí tiêm ngừa vaccine cho toàn dân sẽ là 1 tỉ USD/năm - một con số quá lớn và khó khả thi để có thể đáp ứng. (Lao động, trang 7).
Cứu người bệnh bị nhồi máu cơ tim tối cấp khi đang lái xe
Các bác sĩ Bệnh viện E vừa xử lý kịp thời cứu một người bệnh nam (46 tuổi) lái xe của một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội bị nhồi máu cơ tim khi đang lái xe. Theo đó, người bệnh đang trên đường đưa, đón học sinh đến trường thì bỗng nhiên bị lên cơn đau thắt ngực trái đến gần như “bất tỉnh” ngay tại chỗ. Người bệnh được đưa vào trạm y tế gần nhất và tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Hồng Ngọc. Tại đây, người bệnh được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim tối cấp và được cấp cứu ban đầu, đồng thời nhờ “cứu viện” các bác sĩ Trung tâm tim mạch (Bệnh viện E) trong việc thực hiện can thiệp đặt stent mạch vành. Sau khi được đặt stent ba giờ, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo. (Nhân dân, trang 5).