Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Bé trai bị chó cắn rách dương vật; Dùng kim tiêm có dính máu HIV để đe dọa phạm tội gì?; Ước mơ của bác sĩ trẻ.

Bé trai bị chó cắn rách dương vật

Thường ngày người nhà gửi bé đến nhà giữ trẻ, nhưng do trường còn nghỉ tết nên bé theo cha đến xưởng làm. Trong lúc không chú ý thì bé bị một con chó mẹ mới đẻ trong xưởng cắn.

Ngày 4-2, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết đang điều trị cho bé trai N.T.K. (34 tháng tuổi, ngụ KP7, P.Long Bình, TP Biên Hòa) bị tổn thương dương vật nặng do chó cắn khi cùng cha vào công ty.

Trước đó, vào lúc 12h30 ngày 3-2, bé K. được gia đình đưa vào viện trong tình trạng bị tổn thương do chó cắn, da lóc từ gốc tới đầu dương vật.

Các bác sĩ đã tiến hành khâu lại vết rách, tiêm kháng sinh, đặt ống thông tiểu qua lỗ niệu đạo cho bệnh nhi.

Bác sĩ Phạm Văn Khương - khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - cho biết hiện các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi tình trạng vạt da dương vật mới được khâu lại của bé.

Trong 2-3 ngày tới, nếu lớp da này sống tốt thì không cần phải làm lại vạt da, ngược lại phải điều trị kéo dài, phẫu thuật nhiều lần để ghép da, tạo hình dương vật cho bé.

Cũng theo bác sĩ Khương, tuy bệnh nhi không nguy hiểm tính mạng nhưng có thể sẽ làm giảm chức năng sau khi được điều trị khỏi.

Theo người nhà của bé K., thường ngày người nhà gửi bé đến nhà giữ trẻ, nhưng do trường còn nghỉ tết nên bé theo cha đến xưởng làm.

Trong lúc không chú ý thì bé bị một con chó mẹ mới đẻ trong xưởng cắn. (Tuổi trẻ, trang 5). 

 

 Dùng kim tiêm có dính máu HIV để đe dọa phạm tội gì?

Công an tỉnh Lâm Đồng bắt nhóm đối tượng gồm Lê Thanh Lâm (SN 1990), Nguyễn Thành Long (SN 1987) và Bùi Minh Khang, một người tên Tuấn (đều trú tại tỉnh Đồng Nai). Trước đó, 4 đối tượng này đã bàn nhau dùng ống chích và kim tiêm đe dọa là máu có chứa HIV/AIDS để cướp 2 điện thoại di động và gần 600.000 đồng của anh K’Búi (SN 1991). Vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ việc này là nhóm đối tượng Lâm, Long, Khang, Tuấn phạm tội lây truyền hay tội cố ý truyền HIV cho người khác?

Ý kiến bạn đọc

Tội cố ý truyền HIV

Trong vụ việc này, các đối tượng đã có hành vi dùng ống chích và kim tiêm dính máu đe dọa là máu có chứa HIV/AIDS để cướp 2 điện thoại di động và gần 600.000 đồng của anh K’Búi. Tôi cho rằng đây là hành vi cố tình truyền HIV cho người khác bởi nếu anh K'Búi không đưa điện thoại và tiền các đối tượng này sẽ dùng kim tiêm dính máu để đâm anh K'Búi. Hành vi này của đối tượng đã vi phạm Điều 118, Bộ luật Hình sự quy đình về tội cố ý truyền HIV cho người khác.

Hoàng Tuấn Anh (Thanh Trì - Hà Nội)

Tội cướp tài sản

Theo tôi, trong vụ việc này các đối tượng đã phạm vào tội cướp tài sản theo Điều 133, Bộ luật Hình sự. Theo đó, các đối tượng đã đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thể hiện bằng việc dùng ống chích và kim tiêm dính máu có chứa HIV/AID để đe dọa sẽ tấn công người quản lý tài sản là anh K'Bùi. Nếu trong trường hợp anh K'Bùi không đáp ứng yêu cầu của các đối tượng thì sẽ bị chúng dùng kim tiêm dính máu chứa HIV để tấn công gây nguy hại đến sức khỏe. Hành vi này làm cho anh K'Bùi lâm vào tình trạng không thể chống cự được với mục đích để các đối tượng này chiếm đoạt tài sản. Do đó, hành vi của các đối tượng này đã có đủ cơ sở để cấu thành tội cướp tài sản.

Võ Quốc Hùng (Hưng Hà - Thái Bình)

Tội lây truyền HIV cho người khác

Nhóm đối tượng Lâm, Long, Khang và Tuấn đã phạm vào tội lây truyền HIV cho người khác theo Điều 117, Bộ luật Hình sự. Mặc dù biết việc dùng kim tiêm dính máu có chứa HIV để đe dọa anh K'Bùi có thể sẽ gây nguy hiểm cho anh K'Bùi nhưng các đối tượng vẫn cố tình thực hiện. Theo quy định của pháp luật, các đối tượng thực hiện hành vi này đã có đủ năng lực và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Về mặt khách quan, hành vi mà các đối tượng thực hiện đã xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Mối quan hệ nhân quả giữa hậu quả xảy ra với hành vi phạm tội của các đối tượng này là việc sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự của người bị hại bị xâm phạm đã được hình thành, do đó các đối tượng đã phạm tội lây truyền HIV cho người khác.

Đoàn Thị Hoa (TP Yên Bái - Yên Bái)

Bình luận của luật sư

Theo quy định của pháp luật, lây truyền HIV cho người khác là việc mà người biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn cố ý lây truyền HIV cho người khác làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Lây truyền HIV cho người khác được quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự.

Đối với người phạm tội: Chủ thể của tội phạm này có thể nói là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ những người bị nhiễm HIV mới có thể phạm tội này. Người bị nhiễm HIV là người đã bị virus HIV xâm nhập vào cơ thể và được các cơ quan y tế xét nghiệm và kết luận đã bị nhiễm HIV. Người phạm tội phải biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền cho người khác thì mới phạm tội, nếu người phạm tội bị nhiễm HIV, nhưng không biết mình nhiễm mà lây truyền HIV cho người khác thì chưa cấu thành tôi phạm này.

Theo điều luật thì chỉ cần biết bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền cho người khác là đã cấu thành tội phạm chứ không cần phải biết mình bị AIDS mà cố ý lây truyền cho người khác mới phạm tội. Vì vậy, chỉ cần xác định người phạm tội bị nhiễm HIV chứ không cần xác định người phạm tội đã bị bệnh ở giai đoạn AIDS. Cố ý lây truyền HIV cho người khác là mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị nhiễm HIV. Nếu do vô tình làm cho nạn nhân bị nhiễm HIV thì người phạm tội chưa bị coi là có tội lây truyền HIV cho người khác. Hành vi lây truyền HIV được thực hiện dưới nhiều hình thức như: thông qua việc quan hệ tình dục (giao cấu), tiêm chích hoặc những hành vi khác lây qua hệ thống tuần hoàn (qua đường máu).

Đối với người bị hại: Người bị hại (nạn nhân) là người bị lây truyền HIV do hành vi của người phạm tội gây ra. Nếu người bị lây truyền HIV bị nhiễm HIV thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lây truyền HIV, nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi lây truyền HIV cho người khác nhưng nạn nhân lại không bị nhiễm HIV thì nói chung không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Tuy nhiên, nếu nạn nhân chưa bị nhiễm HIV mà lại phạm tội trong những trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 117, Bộ luật Hình sự thì người phạm tội vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này nhưng ở giai đoạn chưa đạt. Việc xác định người bị hại có bị nhiễm HIV hay không là căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, nếu kết quả giám định của Hội đồng giám định còn có những vấn đề chưa rõ thì yêu cầu giám định lại.

Đối với tội cố ý truyền HIV cho người khác được quy định tại Điều 118, Bộ luật Hình sự. Cố ý truyền HIV cho người khác là hành vi của một người không bị nhiễm HIV nhưng đã cố ý truyền HIV từ người này sang người khác. Điều luật chỉ quy định người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự thì thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 118, Bộ luật Hình sự, nhưng xem xét một cách cụ thể chúng ta thấy giữa tội lây truyền HIV cho người khác với tội truyền HIV cho người khác không chỉ khác nhau về tư cách chủ thể mà còn khác nhau ở cả hành vi phạm tội.

Những điểm khác nhau đó là: Nếu ở Điều 117 có tên tội danh là “lây truyền...” thì ở Điều 118 tên tội danh là “truyền”, không có từ “lây”, chứng tỏ chỉ có người bị nhiễm HIV thì mới lây cho người khác được (lây bệnh cho người khác); “lây truyền” tức là truyền bệnh từ cơ thể của mình sang cơ thể của người khác, còn “truyền” không bao hàm nội dung của khái niệm “lây”, chỉ có nghĩa là truyền tải virus HIV từ cơ thể người có bệnh sang người chưa bị nhiễm bệnh.

Hành vi truyền HIV cho người khác nguy hiểm hơn nhiều so với hành vi lây truyền HIV cho người khác nên nhà làm luật coi hành vi truyền HIV là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, còn hành vi lây truyền HIV nhà làm luật chỉ coi là hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng.

Nếu ở Điều 117 chủ thể của tội phạm nhất thiết phải là người bị nhiễm HIV, thì ở Điều 118 chủ thể của tội phạm tội có thể là người bị nhiễm HIV nhưng chủ yếu là người không bị nhiễm HIV, nếu là người bị nhiễm HIV thì virus HIV mà họ truyền cho người khác không phải virus HIV trong cơ thể của họ mà virus từ cơ thể của người khác. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa hai tội này và cũng vị vậy mà điều luật chỉ dùng động từ “truyền” mà không dùng động từ “lây truyền”.

Theo từ điển tiếng Việt thì “lây” là truyền từ cơ thể này sang cơ thể khác, nên khi nói lây HIV cho người khác cũng có nghĩa là truyền HIV từ cơ thể mình sang cơ thể người khác rồi. Người bị hại (nạn nhân) là người đã bị truyền HIV là người có hành vi truyền HIV cho họ đã cấu thành tội phạm này rồi, không cần biết người bị hại có bị nhiễm HIV hay không. Nếu người bị hại không bị nhiễm HIV thì hành vi phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Đối chiếu với những quy định của pháp luật về tội lây truyền HIV và tội cố ý truyền HIV, có thể thấy trong vụ việc này, các đối tượng mới chỉ có hành vi dùng ống chích và kim tiêm dính máu có chứa HIV/AIDS để đe dọa cướp 2 điện thoại di động và gần 600.000 đồng của anh K’Búi. Hành vi này chưa gây ra hậu quả là nạn nhân bị lây truyền đã bị nhiễm HIV từ người phạm tội. Do đó các đối tượng trong vụ việc này không phạm vào tội lây truyền hay tội cố ý truyền HIV cho người khác. Căn cứ các tình tiết trong vụ việc, có đủ cơ sở để khẳng định các đối tượng này đã phạm vào tội cướp tài sản theo Điều 133, Bộ luật Hình sự.

Theo Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh), An ninh Thủ đô. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Ước mơ của bác sĩ trẻ

Dù đã được nhận vào làm ở những bệnh viện lớn, điều kiện công tác tốt, nhưng bác sĩ trẻ Nguyễn Trung Hiệp, sinh năm 1988 tại xã Sơn Ðồng, huyện Hoài Ðức, Hà Nội vẫn quyết tâm về công tác tại bệnh viện quê nhà, với mong muốn cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở cho người dân ngoại thành.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Trung Hiệp được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư, sau đó anh chuyển công tác, thi đỗ viên chức tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư. Ðối với những bác sĩ trẻ mới ra trường như anh, đây là những vị trí, công việc đáng mơ ước. Nhưng bác sĩ Hiệp quyết định trở về làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Ðức, Hà Nội- vùng quê nơi anh đã sinh ra và lớn lên, với những mong muốn giản dị là "để giúp những người dân nghèo ngoại thành chăm sóc sức khỏe tốt hơn ngay từ cơ sở, không phải vất vả, tốn kém vào nội thành chữa bệnh".

Bước vào môi trường làm việc mới, bác sĩ Hiệp không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại những khoa Hồi sức - cấp cứu, Truyền nhiễm, Khám bệnh... Ðây đều là những nơi công việc khó, phức tạp, đòi hỏi bác sĩ không chỉ có chuyên môn giỏi, mà phải yêu nghề, yêu thương người bệnh thật sự, bởi chỉ cần chẩn đoán sai hoặc chậm trễ một chút là trả giá bằng sinh mạng của người bệnh. Những khó khăn, vất vả trong công việc không hề làm giảm nhiệt huyết và tình yêu nghề trong anh. Chị Trần Thị Hồng Nhung, nhân viên điều dưỡng tại bệnh viện nhận xét, bác sĩ Hiệp tuy còn trẻ, nhưng xử lý công việc chuyên môn rất nhanh, quyết đoán và chính xác. Có ca cấp cứu khó, người bệnh nhập viện lúc hai giờ sáng trong tình trạng ngừng tuần hoàn, không đo được mạch, huyết áp, rất nguy cấp. Bác sĩ Hiệp đã nhanh chóng xử lý chính xác, cho đặt nội khí quản, ép tim... cứu sống người bệnh.

Bác sĩ Hiệp kể lại: "Những ngày đầu mới về công tác tại bệnh viện huyện, đôi lúc tôi nản lòng, bởi cơ sở vật chất bệnh viện còn đơn sơ, trang, thiết bị nghèo nàn, thuốc men, vật tư ít, gặp rất nhiều khó khăn. Ðiều đáng nói là người dân có tâm lý thiếu tin tưởng vào đội ngũ y, bác sĩ". Qua thời gian làm việc tại các khoa phòng khác nhau, anh đã tìm hiểu, nắm bắt được tâm lý người bệnh và người nhà, đồng thời hệ thống được những loại bệnh thường gặp tại bệnh viện. Anh dành nhiều thời gian để trao đổi, tư vấn cho người bệnh và gia đình hiểu rõ về các kiến thức y khoa, ổn định tâm lý cho người bệnh.

Trở thành bác sĩ phụ trách điều trị trực tiếp tại Khoa Tim mạch - Lão học, Phòng Siêu âm Tim, bác sĩ Hiệp tiếp tục đặt ra những kế hoạch làm việc với lòng say mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Anh tham gia triển khai phòng khám tiểu đường; xây dựng và triển khai thành công đề án kiểm soát đái tháo đường, tăng huyết áp; xây dựng quy trình khung điều trị mười loại bệnh thường gặp tại bệnh viện để hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh. Nhờ nỗ lực của anh cùng đội ngũ y bác sĩ, việc điều trị một số bệnh nêu trên được cải thiện, người bệnh ngày càng tin tưởng. Có trường hợp như người bệnh Trần Thị Nghĩa (67 tuổi) bị bệnh hẹp van tim hai lá, lúc đầu mới nhập viện cứ một mực yêu cầu bác sĩ cho chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương, được bác sĩ Hiệp trực tiếp điều trị, sau một thời gian, bệnh tình của bà Nghĩa ổn định.

Sự xuất hiện của thế hệ bác sĩ trẻ, được đào tạo chính quy như Nguyễn Trung Hiệp, cùng với sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Ðức đã tạo niềm tin mới cho người bệnh tuyến cơ sở. Bệnh viện đã đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng các khoa phòng và đơn nguyên mới, chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ Khoa Khám bệnh đến các khoa lâm sàng. Nhờ đó, công tác khám, chữa bệnh được cải thiện, được nhiều người dân tin tưởng. Năm 2013, trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh của bệnh viện chỉ tiếp đón khoảng 200 bệnh nhân/ngày, thì đến nay, con số này đã tăng lên gấp đôi. Ðến nay, Bệnh viện đa khoa Hoài Ðức là một trong hai đơn vị y tế cấp cơ sở trên địa bàn Hà Nội thành lập Khoa Tim mạch - Lão học, giúp kiểm soát, điều trị bệnh lý tim mạch và lão học hiệu quả, chuyên sâu hơn. Có được kết quả đó có phần đóng góp công sức đáng kể của bác sĩ Hiệp.

Tháng 8-2016, bác sĩ Nguyễn Trung Hiệp vinh dự được kết nạp Ðảng, được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện. Hiện nay, vừa làm công tác chuyên môn, anh tiếp tục triển khai đề án kiểm soát bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…, đồng thời, theo học cao học ngành Tim mạch tại Trường đại học Y Hà Nội để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, với mong muốn, trong tương lai không xa, có thể thực hiện dịch vụ y tế kỹ thuật cao như tiến hành can thiệp mạch ngoại vi ngay tại bệnh viện huyện. Những đóng góp thiết thực, thầm lặng của những bác sĩ trẻ như bác sĩ Nguyễn Trung Hiệp đang từng bước góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh người dân ở tuyến cơ sở, góp phần giảm tải các bệnh viện lớn. (Nhân dân, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang