Bác sĩ 40 năm chữa bệnh lây nhiễm và cô dược sĩ bỏ phố lên rừng
Mỗi công việc đều có sự thăng hoa, cũng như cái khó, cái khổ riêng. Nghề bác sĩ cũng vậy không chỉ áp lực, căng thẳng, mà đôi khi còn phải đánh đổ cả máu, mồ hôi, nước mắt vì sức khỏe của người bệnh và có không ít những bác sĩ vẫn ngày đêm âm thầm như thế… Đó là BS, Ngô Việt Hùng, nguyên Trưởng khoa truyền nhiễm, BV Hữu Nghị Việt – Tiệp (Chi tiết xem báo). (Đời sống & Pháp luật, trang 15).
Người dân được lợi gì với hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân?
Thông tin một số tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội bắt đầu triển khai việc xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân đang thu hút sự quan tâm của dự luận. Câu hỏi đặt ra là người dân được hưởng lợi gì từ việc lập hồ sơ này? Trả lời PV Báo Thanh niên, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm bệnh tật thì việc thiết lập hệ thống quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân là rất cần thiết. Việc lập hồ sơ và quản lý sức khỏe cho mỗi người dân từng được thực hiện trước đây tại trạm y tế cấp xã, y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học, đồng thời chúng ta đã có mạng lưới y tế học đường, mô hình phòng khám y tế tư nhân, y tế gia đình phát triển ở đô thị… (chi tiết xem báo). (Thanh niên, trang 6).
Sơ cứu đúng cách khi trẻ uống nhầm hóa chất
Ngay lập tức móc họng gây nôn hay vội vàng hô hấp khi thấy con uống nhầm hóa chất là phản ứng thường thấy ở các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động này hại nhiều hơn lợi.
Cha mẹ sơ suất, con gặp họa
Cuối tháng 10-2016, một bé trai 4 tuổi ở Bình Dương đã phải nhập viện cấp cứu vì uống nhầm dung dịch Aceton - loại dùng để rửa móng tay. Người mẹ đã đựng Aceton vào chai trà xanh không độ và để trên bàn. Do tưởng nhầm là nước ngọt, bé đã với lấy để uống, sau đó nôn ói và kêu khóc. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định cháu bé bị bỏng nước ở vùng miệng, cũng may, tổn thương không quá nghiêm trọng nên đã được xuất viện sau đó 2 ngày.
Trường hợp của bé trai trên không phải là đầu tiên và duy nhất phải cấp cứu vì uống nhầm hóa chất. Trong những năm gần đây, ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng do sự bất cẩn của người lớn. Đa phần, các hóa chất đều được đựng trong vỏ chai nước ngọt khiến trẻ nhầm tưởng nên khi uống phải đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Cách đây không lâu, tại TP.HCM, một bé trai 2 tuổi rưỡi cũng đã phải nhập viện Nhi đồng 1 với biểu hiện lừ đừ, nhiều đàm nhớt, đồng tử co nhỏ 1mm. Nguyên nhân cũng bởi gia đình đã để thuốc sâu trong chai nước ngọt khiến bé tưởng nhầm và uống phải. Rất may mắn, nhờ điều trị tích cực, cháu bé này cũng đã được xuất viện. Qua đó có thể thấy, chỉ một chút bất cẩn có thể khiến các bậc cha mẹ phải ân hận suốt đời.
Đa phần, khi uống phải hóa chất, trẻ thường có biểu hiện như: đau họng, đau miệng, đau bụng; môi lưỡi phồng rộp, khó thở; cánh mũi phập phồng, co hõm ức; nặng hơn là cơ thể tím tái, mạch đập nhanh… Trên thực tế, do sơ cứu không đúng cách cũng như không kịp thời mà nhiều trẻ đã phải gánh chịu những tổn thương nặng nề, thậm chí là tử vong.
Năm 2015, 4 bé trai ở Hưng Yên uống nhầm bột thông cống do tưởng là đường đã phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng và hạ họng, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, không nuốt được. Có cháu với tiên lượng xấu được chỉ định phải cắt bỏ thực quản vì những tổn thương quá nặng.
Mỗi loại hóa chất một kiểu sơ cứu
Khi thấy con uống nhầm hóa chất, hầu hết cha mẹ đều cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Nhiều người thậm chí còn vội vàng hô hấp nhân tạo hay móc họng gây nôn cho con. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), nếu không biết hóa chất trẻ uống nhầm là gì thì việc này vô cùng nguy hiểm. Bởi lẽ, với các chất có tính kiềm, axit, xăng dầu… khi kích thích gây nôn sẽ khiến hóa chất tràn vào khí quản, gia tăng mức độ ngộ độc. Mặt khác, các chất này dễ bay hơi nên nếu hô hấp nhân tạo, chúng ta sẽ vô tình hít phải khí này và bị ngộ độc.
Thế nên, khi thấy trẻ bị ngộ độc, theo bác sĩ Thường, điều đầu tiên cha mẹ phải thật sự bình tĩnh, xem đó là loại chất nào. Với các loại axit (nước tẩy bồn cầu, acetone…), bazo (xà phòng tắm, nước rửa bát, dầu gội…) bạn hãy cho trẻ uống từng ngụm nước nhỏ để có thể trung hòa lượng hóa chất đã đưa vào cơ thể. Chỉ cần cho trẻ uống nước lọc, không phải là nước chanh, nước muối hay dung dịch điện giải. Khi cho trẻ uống, bạn phải thật cẩn thận, tránh tình trạng bị sặc vì khi đó sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm hơn.
Với trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu, bố mẹ cần móc họng gây nôn cho trẻ. Tuy nhiên, việc gây nôn chỉ nên tiến hành khi trẻ còn tỉnh táo. Trường hợp trẻ lơ mơ hay đã ngất lịm, tuyệt đối không móc họng gây nôn. Lúc này, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành rửa ruột.
Khi thấy con uống nhầm hóa chất, nhiều cha mẹ thường đổ lỗi do trẻ quá nghịch ngợm, tuy nhiên, sự thật là tất cả các hậu quả này đều do lỗi bất cẩn của người lớn gây nên. Do đó, để không phải nói “giá như” một cách đầy tiếc nuối, bạn cần để các hóa chất tránh xa tầm với của trẻ. Nếu đựng chúng trong các chai nước ngọt, cần xé nhãn mác và vẽ hình đầu người nguy hiểm vào đó để cảnh báo. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Những bệnh lý nguy hại về phổi
Thời điểm này, thời tiết thay đổi nóng lạnh thất thường cùng với độ ẩm cao là cơ hội cho các bệnh đường hô hấp tiến triển. Bên cạnh đó, ô nhiễm khói bụi cũng như thói quen hút thuốc chính là những nguyên nhân gây các bệnh hô hấp, nhất là các bệnh về phổi.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Đây là một dạng bệnh lý tắc nghẽn đường thở (khí - phế quản) không hồi phục do viêm mạn tính đường thở mà nguyên nhân do hút thuốc lá, thuốc lào hoặc tiếp xúc với khói, bụi. Bệnh có thể ngăn ngừa bằng việc hạn chế tiếp xúc với các nguyên nhân trên, đồng thời tăng cường chất lượng không khí tại môi trường sống và làm việc.
Lao phổi: Là thể bệnh gặp nhiều nhất trong bệnh do vi khuẩn lao, chiếm khoảng 80% tổng số ca mắc bệnh lao. Đây cũng là nguồn lây vi khuẩn cho những người lành nhiều nhất. Khi có các triệu chứng như ho kéo dài, sốt nhẹ, ho ra máu, ra mồ hôi trộm, sút cân cần đi khám để phát hiện và điều trị. Việc điều trị sớm làm tăng khả năng khỏi bệnh, giảm lây nhiễm cho người thân và cho cộng đồng. Điều trị lao cần phải dùng thuốc đúng, đều đặn và đặc biệt là đủ thời gian, bởi tỷ lệ kháng thuốc của vi khuẩn lao hiện nay khá cao. Cần tiêm phòng lao cho trẻ em.
Viêm phổi: Từ viêm đường hô hấp trên rất dễ dẫn tới viêm phổi. Tình trạng viêm ở nhu mô phổi thường do vi khuẩn, virus, nấm hoặc các tác nhân khác gây ra. Viêm phổi là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại đối với người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hoặc bị suy giảm miễn dịch. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới. Dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi thường rất giống với cảm lạnh và cúm như sốt, ho khạc đờm, đau ngực, khó thở. Khi bị viêm phổi, nếu không được điều trị tốt sẽ dễ bị các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong.
Hen phế quản: Là tình trạng viêm mạn tính ở đường thở, gây khó thở, thở rít, ho, tức ngực, tắc nghẽn đường thở từng đợt. Quá trình viêm này thường do nhiều tác nhân kích thích như phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ... Ngoài ra, độ ẩm không khí cao, khả năng đề kháng kém cũng khiến cho bệnh hen phế quản trong mùa đông xuân cao hơn hẳn so với các mùa khác.
Viêm khí - phế quản cấp tính: Khi các ống có chức năng dẫn khí (phế quản) bị nhiễm trùng, niêm mạc phế quản bị phù nề, sung huyết, tạo nhiều đờm mủ bao phủ gây bít tắc dẫn đến khó thở. Diễn tiến thường lành tính tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng viêm phế quản có thể nặng nề, kéo dài hoặc xuất hiện trên cơ địa có sẵn các bệnh mạn tính.
Ung thư phổi: Đây là một trong những bệnh nguy hiểm do khối u ác tính phát triển ở biểu mô phế quản. Bệnh diễn tiến âm thầm, triệu chứng mờ nhạt nên thường không được phát hiện sớm. Khi phát hiện được thì khối u thường đã lớn, bệnh đã trở nặng. Hơn nữa, các tế bào ung thư có thể đi qua đường máu và di căn theo đường bạch huyết đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác, nhất là não, xương, gan, tuyến thượng thận... Từ bỏ hút thuốc lá, cải thiện môi trường sống là cách ngăn ngừa bệnh ung thư phổi. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Khám bệnh cho người nghèo Trà Vinh
Sáng 4/3, báo Tiền Phong phối hợp Đoàn trường Đại học Y dược Cần Thơ tổ chức khám bệnh và tặng quà cho 300 người nghèo ở Trà Vinh.
Thạc sỹ - Bác sỹ Võ Hoàng Nghĩa ở Khoa nội, trường Đại học Y Dược Cần Thơ kiêm Trưởng đoàn cho biết, đây là hoạt động thường niên của Đoàn trường để giúp cho người nghèo có được sức khỏe tốt. Đồng thời, động viên tinh thần để giúp họ sống lạc quan.
Bác sỹ Nghĩa cho biết thêm, đợt khám lần này các bác sỹ của bệnh viện sẽ tầm soát bệnh tiểu đường, điều trị bệnh mãn tính và các bệnh khác cho người dân. Ngoài ra, mỗi người đến khám bệnh còn được tặng một phần quà là nhu yếu phẩm để dành sinh hoạt trong nhà.
Bác sỹ Lâm Thị Thu Phương ở Khoa nội – Bệnh viện Đại học Y Dước Cần Thơ miệt mài khám bệnh và tư vấn cho người dân. Dừng tay làm, bác sỹ Phương cho biết, hôm nay thức khuya để vượt hơn trăm cây số sang đây nhưng khi gặp những cụ già, người nghèo đến thì cảm tâm trạng rất vui, hào hứng để làm việc có ý nghĩa.
“Được khám bệnh cho người dân nghèo là niềm vui, hạnh phúc không chỉ của bản thân mình mà cả các bạn đi cùng đoàn”. Còn bạn Tống Thị Thùy Dương, sinh viên năm 6 ngành Y Đa khoa, trường Đại học y Dược Cần Thơ lần đầu tham gia khám bệnh cho người nghèo. Thùy Dương chia sẻ: “Tôi muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình để chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Hy vọng những phần quà và tấm lòng của các y, bác sỹ khám chữa bệnh hôm nay sẽ giúp họ có thêm niềm vui và nghị lực trong cuộc sống”.
Chương trình do báo Tiền Phong phối hợp Đoàn trường Đại học Y Dược Cần Thơ vận động một số nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ với tổng giá trị gần 50 triệu đồng.
Tại đây, ngoài việc khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 300 người, còn tặng mỗi người đến khám một phần quà. (An ninh Thủ đô, trang 8).