Bảo đảm mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân
Ngày 13/6/2014, Quốc hội đã ban hành Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.
Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT và tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Sau sáu năm triển khai, thực hiện những điểm mới được điều chỉnh, bổ sung trong luật này đã mang lại nhiều kết quả nổi bật.
Vượt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao
Với “điểm mới” xác định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện, mọi đối tượng được quy định trong luật này đều có trách nhiệm tham gia BHYT. Trong những năm qua, số người tham gia BHYT có sự tăng trưởng ấn tượng, vượt bậc.
Năm 2016, có số người tham gia BHYT tăng nhiều nhất tới 11% so năm 2015, năm 2015 và 2017 mỗi năm tăng 6 đến 7%, giai đoạn 2018 - 2020 duy trì mức tăng khoảng 3% mỗi năm. Tính đến ngày 31/12/2020, số người tham gia BHYT là 87,97 triệu người, tăng 23,37 triệu người so năm 2014 (tương ứng tăng 36%), đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,85% số dân, vượt 0,15% so với chỉ tiêu BHYT của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 và hoàn thành trước thời hạn bốn năm theo mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, theo đó mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta là 80%.
Đây là tiền đề để cả nước phấn đấu sớm đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 95% số dân tham gia BHYT, đến năm 2030 tỷ lệ tham gia BHYT là hơn 95% như mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Còn khoảng 10% số dân còn lại chưa tham gia BHYT chủ yếu rơi vào nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhóm được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ mức đóng và một phần của nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm: Những người tự đóng và tự đóng một phần không có thu nhập ổn định, người cận nghèo, hộ gia đình nói chung và hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp và có mức sống trung bình; người thuộc nhóm trốn đóng BHYT.
Nâng cao quyền lợi của người tham gia BHYT
Quy định về việc các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) không phân biệt công hay tư nếu đủ điều kiện đều được ký hợp đồng KCB BHYT; tổ chức KCB BHYT ban đầu được ưu tiên thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến huyện, xã đã góp phần phát triển mạng lưới cơ sở y tế tham gia KCB BHYT với số cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT duy trì trong 5 năm tăng từ 2.000 lên đến 2.400 cơ sở và hơn 10.000 trạm y tế xã ký hợp đồng KCB BHYT thông qua bệnh viện (BV) huyện/ trung tâm y tế huyện, số cơ sở KCB tư nhân tham gia KCB BHYT cũng ngày càng gia tăng, gấp gần bốn lần so năm 2010.
Việc tiếp cận dịch vụ KCB BHYT được thuận lợi, dễ dàng hơn khi người tham gia BHYT có thể lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu tại tuyến huyện, tuyến xã phù hợp nơi cư trú hoặc nơi làm việc, các quy định về KCB BHYT trái tuyến nhưng được hưởng quyền lợi như đúng tuyến, cũng như việc cải cách thủ tục hành chính, sử dụng thẻ BHYT để KCB trên ứng dụng “VssID - BHXH số”… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong tiếp cận dịch vụ y tế (DVYT) do giảm thủ tục hành chính mỗi khi người bệnh phải chuyển tuyến, đã góp phần thuận lợi cho việc tiếp cận các DVYT của người có thẻ BHYT.
Giai đoạn 2015 - 2019, đã có hơn 809 triệu lượt KCB được quỹ BHYT thanh toán, tần suất KCB bình quân duy trì ở mức 1,9 đến 2,1 lần/người/năm. Bên cạnh đó, Quỹ BHYT bảo đảm việc chi trả từ các dịch vụ KCB cơ bản đến dịch vụ kỹ thuật (DVKT) cao, chi phí lớn cho người bệnh.
Có thể thấy, quyền và lợi ích của người tham gia BHYT luôn được bảo đảm một cách tối ưu nhất. Kể từ năm 2016 đến nay, số chi KCB BHYT thường xuyên cao hơn quỹ KCB BHYT được sử dụng trong năm, tỷ lệ sử dụng quỹ KCB BHYT trong năm của năm 2016 là 112%, của năm 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%.
Ứng dụng CNTT góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng Quỹ
Theo đó, từ tháng 6/2016, BHXH Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác giám định BHYT với việc đưa vào hoạt động Hệ thống thông tin giám định BHYT, thực hiện kết nối liên thông dữ liệu KCB của hơn 12.280 cơ sở y tế từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc.
Việc kết nối tất cả các cơ sở y tế với hệ thống góp phần thay đổi quy trình KCB tại cơ sở y tế, giúp người bệnh giảm thời gian làm thủ tục khi đến KCB, cập nhật kịp thời các thay đổi về thông tin trên thẻ BHYT, nhất là gia hạn thẻ BHYT ngay khi đang điều trị, các thông tin về quyền lợi được hưởng trong mỗi lần KCB được cung cấp cho người bệnh khi ra viện. Với các cơ sở KCB, hệ thống giúp nhân viên y tế xác định chính xác thông tin, quyền lợi hưởng BHYT của người bệnh; lịch sử KCB và các chỉ định, kết quả điều trị trước đó của người bệnh...
Năm 2017, Hệ thống ghi nhận kết quả giám định từ chối số chi không hợp lý hơn 2.500 tỷ đồng, gấp gần bốn lần khi chưa áp dụng giám định điện tử; năm 2018 là 2.300 tỷ đồng; năm 2019 số tiền giảm trừ là 2.400 tỷ đồng; năm 2020 là 1.200 tỷ đồng. Với các thông tin được cập nhật, công khai, minh bạch thường xuyên, nhiều cơ sở KCB đã có những chuyển biến tích cực trong chỉ định điều trị, góp phần tiết giảm các khoản chi không cần thiết.
Trong sáu năm tổ chức thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung vẫn còn có không ít các bất cập, vướng mắc. Tuy nhiên, những kết quả đạt được đã khẳng định: cùng với NSNN, quỹ BHYT là nguồn tài chính công đóng góp quan trọng cho việc KCB của người tham gia BHYT, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện tại, BHXH Việt Nam tiếp tục có những đề xuất sửa đổi Luật BHYT cho phù hợp, nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, cũng như cân đối thu - chi để hướng tới phát triển một nền BHYT bền vững, góp phần củng cố vững chắc hơn nữa công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. (Nhân dân, trang 4)
Kiên trì và linh hoạt trong ứng phó dịch Covid-19
Trong hai tuần gần đây số ca mắc Covid-19 ở nước ta tăng rất nhanh. Tổng số ca mắc của đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4) tính đến nay đã gấp gần sáu lần ba đợt trước cộng lại.
Để tiếp tục duy trì mục tiêu kép thì các địa phương cần kiên trì thực hiện chiến lược chống dịch đã đề ra, nhưng các biện pháp ứng phó dịch cần có sự điều chỉnh linh hoạt phù hợp tại từng khu vực, địa phương.
Theo thống kê đến đêm qua (4/7) đã có gần 20 nghìn ca mắc Covid-19 tại 53 tỉnh, thành phố, trong đó có 86 người chết liên quan đến Covid-19. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát, nhưng tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ, dịch diễn biến nhanh, phức tạp; số ca mắc tăng cao với nhiều ổ dịch trong cộng đồng; nhiều trường hợp chưa rõ nguồn lây.
Tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, liên tục gia tăng số ca mắc do là địa bàn tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh; có nhiều nhà máy, khu công nghiệp với số lượng lớn người lao động có giao lưu, đi lại với khu vực có dịch. Thống kê cho thấy tại TP Hồ Chí Minh có 22 chuỗi lây nhiễm; số chuỗi lây nhiễm ở Bình Dương là 6, ở Long An là 4, ở Tiền Giang, Đồng Nai là 3...
Liên tục ghi nhận “đà tăng” ở mức ba con số mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số người mắc Covid-19, với 6.034 ca bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế về hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đánh giá, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh còn phức tạp, số lượng ca mắc tăng nhanh. Dịch đã lan sang một số địa phương giáp ranh và một số tỉnh xa có mối quan hệ mật thiết với TP Hồ Chí Minh, có mối giao thương hai chiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ cả hai địa phương.
Đáng chú ý, các ca nhiễm trong cộng đồng bắt đầu có xu hướng tăng cao gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch... Trong khi đó, việc tổ chức xét nghiệm triển khai đồng bộ từ tổ chức lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm, hợp mã để trả kết quả còn nhiều vấn đề cần khắc phục; công tác truy vết chưa đạt được như mong đợi; khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc...
Theo dự báo, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành tại nhiều nơi, trong đó nhiều khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như nhà máy, khu công nghiệp. Tại một số khu vực chưa thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, làm cho việc kiểm soát nguồn lây khó khăn hơn. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số địa phương đang có dịch cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, chú trọng hệ thống chính trị tại cơ sở để tập trung, ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp cách ly, giãn cách; xem xét nâng cao các biện pháp hạn chế đối với một số địa bàn, khu vực có tình hình dịch phức tạp; kiểm soát chặt chẽ, triệt để các địa bàn, khu vực đang thực hiện phong tỏa, giãn cách, tuyệt đối không để người dân vào, ra khu vực; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tổ chức điều phối lấy mẫu hiệu quả, an toàn và áp dụng chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế cho từng nhóm đối tượng, bảo đảm lấy mẫu phù hợp với năng lực xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ. Tiếp tục thực hiện các hình thức cách ly phù hợp; siết chặt công tác kiểm soát phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Đối với các địa phương khác đang có dịch cần khẩn trương, thần tốc trong truy vết, triệt để trong cách ly, tuyệt đối không bỏ sót các trường hợp thuộc diện F1; những người đi về từ khu vực có dịch.
Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, cách ly, điều trị và bảo đảm hậu cần cho công tác phòng, chống dịch; tổ chức điều phối lấy mẫu hiệu quả và áp dụng các chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế cho từng nhóm đối tượng, bảo đảm lấy mẫu phù hợp với năng lực xét nghiệm và trả kết quả trong vòng 24 giờ.
Thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp cách ly, giãn cách theo quy mô phù hợp; bảo đảm khoảng cách trong khu cách ly tập trung, giảm mật độ cách ly. Kiểm soát nghiêm hoạt động của các nhà máy, khu công nghiệp, các khu vực lưu trú, tập trung đông công nhân, người lao động trên địa bàn; thực hiện xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm nhanh thường xuyên với công nhân, người lao động của các nhà máy, khu công nghiệp. Đồng thời quản lý chặt những người đi về từ các khu vực, địa điểm có dịch; đẩy mạnh hoạt động các tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng.
Để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động, linh hoạt, căn cứ tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một cách linh hoạt, đúng hướng, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả các giải pháp chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, duy trì thực hiện thông điệp 5K + vắc-xin và tăng cường ứng dụng công nghệ; chủ động rà soát kịch bản phòng, chống dịch khi có nhiều ca bệnh và dịch lây lan trên diện rộng.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch tại đơn vị; thường xuyên kiểm tra, bảo đảm an toàn trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, không làm đình trệ hoạt động của khu công nghiệp.
Các địa phương, nòng cốt là lực lượng y tế cần chuẩn bị kỹ cả nhân lực và cơ sở vật chất để triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng, với khoảng 19 nghìn điểm tiêm trong cả nước, thực hiện khoảng 150 triệu mũi tiêm.
Nguyên tắc cơ bản trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 lần này là phải tổ chức trên quy mô toàn quốc và vắc-xin phải được tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất cho người dân nhưng phải bảo đảm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, hiệu quả và công bằng, công khai.
Do tình trạng khan hiếm vắc-xin trên toàn cầu, cho nên lộ trình vắc-xin về Việt Nam có thể bị ảnh hưởng, chậm lại, nhiều khả năng sẽ về dồn dập trong quý IV - 2021, vì thế việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng lại càng đòi hỏi phải thực hiện nhuần nhuyễn hơn, hiệu quả và nhanh chóng hơn... (Nhân dân, trang 5)
Thêm 887 ca mắc Covid-19
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 4/7, Việt Nam nghi nhận thêm 887 ca mắc Covid-19, trong đó có 14 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 873 ca ghi nhận trong nước gồm: TP Hồ Chí Minh 599 ca, Bình Dương 87 ca, Long An 72 ca, Phú Yên 32 ca, Tiền Giang 29 ca, Khánh Hòa 9 ca, Quảng Ngãi 8 ca; Đồng Tháp, An Giang mỗi địa phương 6 ca; Bình Định 4 ca; Bắc Giang, Nghệ An mỗi địa phương 3 ca; Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Hải Phòng, Tây Ninh, Hà Tĩnh mỗi địa phương 2 ca; Ninh Thuận, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Đà Nẵng mỗi địa phương 1 ca.
Trong ngày, có 176 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; đồng thời ghi nhận hai bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 3: “VN ghi nhận 887 ca mắc Covid-19 mới tại 25 tỉnh, thành”; Tuổi trẻ, trang 3: “Thêm 883 ca mắc COVID-19”
Vượt 6.000 ca nhiễm, TP.HCM ứng phó ra sao?
Tính từ 27.4 đến tối 4.7, TP.HCM có hơn 6.054 ca Covid-19, 12 ca tử vong, đang điều trị cho hơn 5.388 bệnh nhân dương tính. Như vậy, TP.HCM đã vượt qua số ca nhiễm ở Bắc Giang (5.768 ca, 7 ca tử vong).
Những ngày gần đây, số ca tăng cao liên tục với vài trăm ca mỗi ngày, ngày cao nhất là 724 ca (ngày 25.6), ngày cao thứ hai là 714 ca (ngày 3.7). Điều này khiến TP.HCM phải thay đổi chiến thuật chống dịch và tăng khả năng đáp ứng điều trị lên tới 10.000 ca, có thể lên 15.000 ca.
13 bệnh viện điều trị Covid-19
TP.HCM vừa triển khai 2 bệnh viện dã chiến (BVDC) thu dung điều trị Covid-19. Cụ thể, chọn ký túc xá của Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) với quy mô 1.000 giường trở thành BVDC thu dung điều trị Covid-19 số 1; khu A ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM với quy mô 5.000 giường trở thành BVDC thu dung điều trị Covid-19 số 2.
Ngày 4.7, theo Sở Y tế, BVDC thu dung điều trị Covid-19 số 1 đã đi vào hoạt động và được bố trí một xe chụp X-quang phổi lưu động (X-ray DR Mobile) có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đọc kết quả ngay, thay vì phải bố trí một nhân sự bác sĩ chẩn đoán hình ảnh để đọc kết quả. Tùy tình hình số ca mắc mới, BVDC thu dung điều trị Covid-19 số 2 sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.
Sở Y tế cho biết mỗi BV trong thành phố có ít nhất một xe cứu thương thường trực để kịp thời chuyển người bệnh về các BV được phân công điều trị Covid-19. Trường hợp cần xét nghiệm RT-PCR, lấy mẫu tại chỗ và gửi mẫu bệnh phẩm về các phòng xét nghiệm khẳng định. Đảm bảo các dụng cụ, trang thiết bị thiết yếu cho công tác sơ cấp cứu như: bình ô xy và các thiết bị thở ô xy, máy đo ô xy máu, nhiệt kế, máy đo huyết áp, các trang thiết bị và thuốc cấp cứu cơ bản...
Các BV điều trị Covid-19 của TP.HCM cũng phân ra 3 nhóm (phân tầng điều trị): nhóm điều trị cho bệnh nhân nặng, nhóm dành cho bệnh nhân có triệu chứng và nhóm dành cho bệnh nhân không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ cũng như cả F1 có triệu chứng. Theo thống kê, hiện có khoảng 80% các trường hợp bệnh nhân không triệu chứng.
Theo đó, các BV chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch quy mô 2.000 giường. Các BV chuyên điều trị Covid-19 có triệu chứng với tổng công suất là 5.000 giường. Nhóm BVDC chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, với công suất huy động từ 5.000 - 10.000 giường.
Đến ngày 4.7, có 13 BV điều trị Covid-19 hiện tại ở TP.HCM với tổng quy mô hơn 10.000 giường, gồm: BVDC Củ Chi (300 giường); BV điều trị Covid-19 Củ Chi (500 giường); BV điều trị Covid-19 Cần Giờ (600 giường); BV điều trị Covid-19 Bình Chánh (500 giường); BV điều trị Covid-19 Thủ Đức (1.000 giường); BV điều trị Covid-19 Phạm Ngọc Thạch (500 giường); BV điều trị Covid-19 Trưng Vương (1.000 giường); BV Nhi đồng TP.HCM (100 giường); BV Nhi đồng 2 (60 giường); BV Bệnh nhiệt đới (400 giường); BV Chợ Rẫy (40 giường hồi sức, có thể mở rộng lên 100 giường). 2 BVDC (ở khu ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, TP.Thủ Đức) số 1 và số 2 quy mô 6.000 giường.
Trong các kế hoạch chủ động của ngành y tế TP.HCM, Nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11) sẽ được trưng dụng làm BVDC khi có yêu cầu. Tuy nhiên, trên địa bàn TP.HCM hiện nay
còn rất nhiều BV với đầy đủ phương tiện, nhân lực trong khi số bệnh nhân nội trú còn rất ít. Do đó, chọn một trong các BV còn lại cũng là một phương án khả thi để tạm làm BV điều trị Covid-19.
Chiến thuật mới
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trước tình hình tăng hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày, thành phố đã có một số thay đổi trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng trong đợt cao điểm để nhanh chóng kiểm soát dịch. Đáng chú ý, 100% ca F0 phải được khởi động điều tra trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông tin. Các F1 phải có kết quả xét nghiệm trong 12 giờ, các F2 và mẫu xét nghiệm ổ dịch phải có kết quả trong 24 giờ. Test nhanh kháng nguyên đến 200.000 mẫu/ngày...
Cùng với đó, việc thực hiện xét nghiệm tầm soát rộng trong cộng đồng sẽ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với bộ phận điều phối của Sở Y tế để cân đối số lượng xét nghiệm phù hợp với tổng công suất của các phòng xét nghiệm, nhằm đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày.
Trên bình diện tổng thể, đến tối 4.7, phương án chống dịch của TP.HCM vẫn tiếp tục: siết chặt thực hiện Chỉ thị 10 ngày 19.6 để đảm bảo an toàn giãn cách; dập các ổ dịch cũ, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm sàng lọc phát hiện nhanh nhất ca nhiễm mới; điều trị tập trung ca nhiễm ở các BV điều trị Covid-19; cách ly F1 trong khu cách ly tập trung...
TP.HCM bác thông tin “Lock TP.HCM trong 10 - 15 ngày”
Chiều tối 4.7, Sở TT-TT TP.HCM phát đi thông báo khẳng định thông tin “lock TP.HCM trong 10 - 15 ngày” là giả mạo. Theo Sở TT-TT, từ chiều 4.7, trên không gian mạng lan truyền chóng mặt thông tin có nội dung: “Quyết định lock TP.HCM trong 10 - 15 ngày, cho TP 36 tiếng đến 48 tiếng chuẩn bị (sẽ lock 0 giờ thứ 3 ngày 7.7 hoặc 12 giờ thứ tư 8.7...”. Tuy nhiên, theo Sở TT-TT, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM khẳng định đây là thông tin giả mạo, làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch của thành phố.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị người dân cần bình tĩnh, tìm hiểu thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của T.Ư và TP.HCM; đồng thời cẩn trọng trước thông tin lan truyền thất thiệt trên không gian mạng, vốn gây hoang mang và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Cũng theo Sở TT-TT, hiện TP.HCM đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và từng bước kiểm soát dịch. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị các sở ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức và người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung Chỉ thị số 10 của UBND TPHCM; tuân thủ yêu cầu 5K của Bộ Y tế; hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết.
TP.HCM không cấp giấy xác nhận âm tính với mẫu tầm soát
Trong bối cảnh TP.HCM đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng (khoảng 5 triệu người), nhiều người dân thắc mắc đơn vị lấy mẫu có cấp giấy chứng nhận âm tính hay không.
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Trung tâm y tế một số quận, huyện cho biết mục đích của lấy mẫu tầm soát trên diện rộng nhằm phát hiện các ca F0 trong cộng đồng để khoanh vùng, dập dịch, điều trị kịp thời, chứ không phải tầm soát để cấp giấy xác nhận cho người dân làm giấy thông hành “đi đây đi đó”. Người dân cũng không nên lợi dụng việc lấy mẫu tầm soát để lấy giấy xác nhận làm “chuyện này chuyện kia”, bởi vì TP.HCM quy định giấy xác nhận cũng chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu. “Có thể hôm nay âm tính vì mật độ vi rút chưa đủ, đang trong chu kỳ ủ bệnh nên chưa phát hiện, nhưng vài ngày sau có thể dương tính. Nếu cấp giấy xác nhận, người dân chủ quan đi khắp nơi thì càng nguy hiểm hơn”, giám đốc trung tâm y tế một quận vừa hoàn tất lấy mẫu toàn dân cho biết. Nếu người dân cần giấy xác nhận thì có thể làm dịch vụ tại các cơ sở y tế được cấp phép.
Hiện chỉ có giáo viên, học sinh và đội ngũ phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới mới được cấp giấy xác nhận. Tuy nhiên, đơn vị y tế cũng không cấp giấy xác nhận cho từng người mà cấp theo danh sách người lấy mẫu tại từng điểm để đơn vị tổ chức kỳ thi đối chiếu danh sách. (Thanh niên, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 3: “TPHCM thay đổi chiến lược dập dịch”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Bác bỏ thông tin ‘lock TPHCM trong 10-15 ngày’”; Nông thôn ngày nay, trang 4: “Tăng mạnh ca mắc COVID-19 ở TP.HCM: Thay đổi phương án điều tra, truy vết”
Chống dịch như chống giặc, kiên trì mục tiêu kép
Thủ tướng lưu ý trước hết, phải tiếp tục quán triệt tinh thần 'chống dịch như chống giặc'; kiên quyết, kiên trì thực hiện 'mục tiêu kép' nhưng căn cứ tình hình cụ thể để xác định thứ tự ưu tiên
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch tại BVĐK Bình Dương.
Sáng 4.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến với 8 tỉnh, thành TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang) về công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng lưu ý trước hết, phải tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kiên quyết, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” nhưng căn cứ tình hình cụ thể để xác định thứ tự ưu tiên giữa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt hơn nữa yêu cầu “4 tại chỗ”, tránh bị động, lúng túng khi dịch bệnh xảy ra. Chính phủ và các bộ ngành sẽ tháo gỡ, xử lý mọi khó khăn, vướng mắc theo yêu cầu 3 không (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm).
Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để cách ly, phong tỏa, giãn cách phù hợp; cách ly, phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng, thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng cách ly các ca F0. Thủ tướng nêu rõ nếu cách ly, phong tỏa vội vàng trên diện rộng thì dễ cho người chống dịch nhưng làm khó cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
“Phải chia sẻ với người dân về sự khó chịu, bức xúc khi phong tỏa. Do đó, khi đã phong tỏa, cách ly thì phải nhanh chóng, thần tốc để khoanh vùng hẹp lại, nới lỏng các biện pháp giãn cách với các vùng còn lại để người dân có tâm lý thoải mái hơn, tích cực cộng tác với các cấp chính quyền trong phòng chống dịch”, Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh việc phong tỏa, giãn cách không phụ thuộc cứng nhắc vào địa giới hành chính.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc một cách rất cụ thể về từng điều khoản, từng nội dung, “không nói là đã có đủ các quy định”. “Ai làm tốt dứt khoát phải khen thưởng, người nào làm chưa tốt phải phê bình, rút kinh nghiệm, người không làm được thì điều chuyển, thay thế”, Thủ tướng nhắc nhở. (Thanh niên, trang 3)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 1: “Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải nghiêm túc chỉ rõ hạn chế để khắc phục”; Hà Nội mới, trang 1: “Thực hiện ‘4 tại chỗ’ ở mức cao hơn để phòng chống dịch”; An ninh Thủ đô, trang 3: “Thủ tướng: Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc””; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Ưu tiên nguồn lực tốt nhất cho TPHCM phòng chống dịch”; Tuổi trẻ, trang 1: “Cao điểm chống dịch ở TPHCM: Phải mạnh & Quyết liệt”; Công an Nhân dân, trang 1: “Việc chống dịch cần thực hiện quyết liệt , hiệu quả hơn trên tình thần ‘Chống dịch như chống giặc’”
Nhiều tỉnh, thành cấp tập mở rộng quy mô điều trị bệnh nhân Covid-19
Ngày 4.7, Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết số ca mắc Covid-19 tại tỉnh này đã lên tới 115, tất cả đều ở TX.Đức Phổ. Diễn biến dịch đang phức tạp, nguy cơ ca nhiễm tăng cao hơn nữa.
Về cơ sở điều trị, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trưng dụng Cơ sở 2, Trung tâm y tế H.Bình Sơn để thành lập Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi, kể từ ngày 30.6 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ; có quy mô 120 - 150 giường. Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, mặc dù đã có dự lường với kịch bản ca nhiễm tiếp tục tăng, nhưng theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, “trong trường hợp nếu không ổn thì sẽ liên hệ Quân khu 5 và địa phương khác hỗ trợ”.
Tại Phú Yên, nơi có ca nhiễm đang tăng khá nhanh với 301 trường hợp, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết để đảm bảo cơ sở điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, tỉnh sẽ sử dụng Bệnh viện Mắt Phú Yên để theo dõi, sàng lọc; nếu bệnh nhân chuyển nặng sẽ chuyển sang các bệnh viện chuyên điều trị như Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, bệnh viện dã chiến, Trung tâm y tế TX.Đông Hòa... Ông Thế cũng nhìn nhận là thực tế nhân lực, cơ sở vật chất điều trị cho bệnh nhân Covid-19 của tỉnh Phú Yên còn nhiều hạn chế.
Tại Đồng Tháp, tình hình diễn biến dịch Covid-19 diễn ra cũng rất phức tạp. Từ sau khi xuất hiện ca bệnh là bệnh nhân 14437 điều trị tại Khoa Nội, Bệnh viện đa khoa Sa Đéc vào ngày 24.6, đến nay Đồng Tháp có 210 ca bệnh và ca nghi nhiễm mới; tính đến chiều 4.7, tỉnh có 3 ca tử vong do nhiều bệnh nền. Năng lực điều trị thì đến nay, theo các phương án đã công bố, cơ sở y tế và bệnh viện dã chiến mà tỉnh đã chuẩn bị thì có thể đáp ứng cho số ca nhiễm tính đơn vị hàng trăm (chưa có phương án cho số ca nhiễm tính đơn vị hàng ngàn).
Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các sở ngành, địa phương bổ sung, nâng cao công tác phòng chống dịch Covid-19, mở rộng quy mô điều trị Covid-19. Về công tác điều trị Covid-19, hiện đã bố trí được 600 giường bệnh và dự kiến mở rộng quy mô lên 1.000 giường (hiện tổng số ca trên toàn tỉnh là 635 ca).
Trong khi đó, bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết hiện năng lực điều trị Covid-19 tại Đồng Nai có khoảng 300 giường (hiện ghi nhận 99 ca nhiễm). Trong kế hoạch ứng phó với đại dịch, tùy theo mức độ, ngành y tế Đồng Nai nâng số giường bệnh lên tối đa 1.500 giường, bằng cách chuyển đổi các trung tâm y tế huyện và thành lập khu chữa trị dã chiến. (Thanh niên, trang 2)
Ninh Thuận có ca Covid-19 đầu tiên đợt dịch 4
Sáng 4.7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Ninh Thuận đã họp khẩn sau khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19.
Cụ thể bệnh nhân (BN) 19313 là nam, 31 tuổi, ở thôn Gò Gũ, xã Hộ Hải, H.Ninh Hải. Đây là ca dương tính Covid-19 đầu tiên tại Ninh Thuận trong đợt dịch thứ 4 này. Theo báo cáo, BN cùng 2 người nhà ngụ tại thôn Gò Gũ vào TP.HCM làm công nhân, cùng tạm trú tại đường Tân Thới Nhất, Q.12. Ngày 1.7, cả ba đến Bệnh viện Xuyên Á, TP.HCM để lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính.
Rạng sáng 2.7, ba người cùng di chuyển từ TP.HCM về thôn Gò Gũ bằng xe máy; trên đường đi có ghé đổ xăng tại Đồng Nai nhưng không nhớ rõ địa chỉ và tên cây xăng. Trưa cùng ngày, họ đến Trạm y tế xã Hộ Hải khai báo y tế, sau đó được hướng dẫn cách ly tại nhà. Ngày 3.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) lấy mẫu xét nghiệm gộp và cho kết quả dương tính. Sau đó, CDC Ninh Thuận lấy mẫu từng người xét nghiệm lần 2 thì xác định BN 19313, chuyển đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; 2 người còn lại được đưa vào khu cách ly y tế tập trung.
Lực lượng chức năng đã xác định 17 trường hợp F1 (đã đưa vào khu cách ly; lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1); 142 trường hợp F2, F3 đã được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính, đang được cách ly tại nhà. Cơ quan chức năng đã siết chặt quản lý khu vực BN 19313 cư trú và phun khử trùng Trạm y tế xã Hộ Hải.
Cùng ngày, CDC tỉnh Khánh Hòa cho biết địa phương ghi nhận thêm 9 ca mắc Covid-19, nâng tổng ca mắc toàn tỉnh tính từ ngày 23.6 đến nay lên 21 ca. Đến thời điểm này, Khánh Hòa ghi nhận hàng ngàn ca F1, F2, chủ yếu bắt nguồn từ ca bệnh 17725 đến từ Phú Yên. CDC Khánh Hòa cũng cho biết qua trích xuất camera cho thấy BN 17725 khai báo dịch tễ chưa chuẩn xác. BN khai báo đến cảng Hòn Rớ (TP.Nha Trang) mua cá từ ngày 18 - 24.6. Tuy nhiên, qua điều tra lại, BN này trong 2 ngày 25 và 26.6 vẫn vào Hòn Rớ mua bán cá. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Khánh Hòa đã tiến hành phong tỏa một số khu dân cư, trong đó nhiều nhất là TP.Nha Trang, với 9 điểm. (Thanh niên, trang 3)
Ninh Thuận có ca Covid-19 đầu tiên đợt dịch 4
Ngày 4-7, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các bác sĩ của trung tâm vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân bị sốt xuất huyết (SXH) nhưng lại nhập viện muộn do nghĩ bị phản ứng sốt cao sau tiêm vaccine Covid-19.
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết, hiện nay, trước tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, nhiều người dân có tâm lý lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm nên ngại đến bệnh viện khám nhưng thực tế còn nhiều dịch bệnh khác vẫn đang lưu hành ở nước ta. Với những người sau tiêm vaccine Covid-19 thường có triệu chứng sốt, đau mỏi người... nên không ít người thường bỏ qua khả năng mắc bệnh khác, nhất là với SXH. “Đây là một trong những sai lầm thường gặp khiến việc phát hiện mắc SXH muộn, trong khi dịch SXH đang có chiều hướng gia tăng”, PGS-TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.
Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là 2 bệnh có yếu tố dịch tễ, đường lây truyền và bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau.
Covid-19 có yếu tố lây truyền là có tiếp xúc với người mắc bệnh. Còn SXH lây truyền do muỗi đốt, với triệu chứng khá rõ là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cùng với dịch SXH gia tăng, người dân và ngay các nhân viên y tế cần lưu ý các triệu chứng của bệnh, khai thác yếu tố dịch tễ kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
Tìm được bệnh nhân COVID-19 bỏ trốn khỏi bệnh viện
Cụ thể, anh S.M.Q. (29 tuổi, quê tại Du Già, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) mắc COVID-19 nhưng đã bỏ trốn khỏi Bệnh viện Quân y 110 cơ sở 2 (xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang).
Ông Mai Sơn cho hay anh S.M.Q. đang được bị lực lượng chức năng đưa về Bắc Giang.
Lãnh đạo huyện Việt Yên - nơi anh S.M.Q. làm công nhân - xác nhận Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh đã xác định được vị trí trường hợp F0 trên và triển khai lực lượng truy vết theo quy định.
Được biết, tỉnh Bắc Giang không có xe khách đi thẳng đến tỉnh Hà Giang nên anh S.M.Q. đã đến bến xe Mỹ Đình (TP Hà Nội) để bắt xe về Hà Giang.
Nhận được tin báo từ địa phương, lực lượng chức năng liên ngành đã lập nhiều chốt chặn trên các ngả đường và phát hiện anh S.M.Q. trên một chiếc xe khách chiều cùng ngày. (Tuổi trẻ, trang 3)
Tuổi trẻ Công an tuyên truyền phòng, chống COVID-19 cho công nhân
Nhằm chung tay, góp sức cùng cộng đồng phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong những ngày qua, Tuổi trẻ Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Công Đoàn khu công nghiệp (KCN) khu vực Đồng Xoài và một số đơn vị tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, đã tặng 3.000 khẩu trang và phát hơn 500 tờ rơi tuyên truyền về việc hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho các công nhân tại KCN Đồng Xoài I.
Tại KCN Đồng Xoài I, đoàn viên thanh niên đã trao tặng khẩu trang và phát tờ rơi tuyên truyền để công nhân nói riêng và người dân nói chung để nâng cao hiểu biết phòng, chống dịch bệnh COVID-19. KCN Đồng Xoài I có trên 2.000 công nhân lao động, với số lượng lớn công nhân đi làm, việc tăng cường tuyên truyền cho công nhân nắm và hiểu rõ thông điệp 5K trong phòng, chống dịch là việc làm rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 thời gian qua, việc tặng khẩu trang, tuyên truyền phát tờ rơi cho công nhân là một hoạt động rất ý nghĩa và kịp thời. Hoạt động này đã và đang được nhiều tổ chức đoàn thanh niên của các đơn vị, địa phương trong tỉnh tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Qua đó góp phần tuyên truyền cho công nhân và người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, cùng chung tay ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. (Công an Nhân dân, trang 1).