Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/9/2019

  • |
T5g.org.vn - Kiểm tra việc chỉ định nội trú tùy tiện, kéo dài ngày nằm viện để trục lợi quỹ BHYT; Cháu bé mang nhiều căn bệnh bẩm sinh; Hơn 100 người khám sức khỏe, xét nghiệm thủy ngân...

 

Ba cán bộ Công an hiến máu nhóm Rh cứu người

Ngày 4-9, khi biết bệnh viện đang rất cần nhóm máu Rh- để truyền tiếp máu, phẫu thuật vết thương cho anh Thọ, Thượng úy Nguyễn Văn Thăng cùng hai cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng đã lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng hiến máu cứu người.

Trưa ngày 4-9, ba cán bộ Công an, trong đó có 2 cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng và 1 cán bộ Công an phường 2, TP Đà Lạt, đã tự nguyện tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng hiến máu nhóm Rh hiếm để cứu bệnh nhân Nguyễn Hữu Thọ (SN 1999, ngụ tại huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), bị đứt động mạch chủ ở chân, đang cần nhóm máu Rh- để bệnh viện phẫu thuật gấp mới có thể cứu được mạng sống.

Thượng úy Nguyễn Văn Thăng,  cán bộ Công an phường 2, TP Đà Lạt cho biết, khuya ngày 3-9, Công an phường 2 nhận được thông tin xảy ra vụ đánh nhau tại một quán karaoke trên địa bàn. Công an phường 2 đã phối hợp với Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Đà Lạt tới hiện trường giải quyết sự việc.

Tại đây, anh Nguyễn Hữu Thọ, là nhân viên của quán karaoke trong lúc xảy ra mâu thuẫn đã bị khách dùng vật cứng đâm vào vùng đùi chân trái, gây mất máu nhiều. Nạn nhân được đưa lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.

Ngày 4-9, khi biết bệnh viện đang rất cần nhóm máu Rh- để truyền tiếp máu, phẫu thuật vết thương cho anh Thọ, Thượng úy Nguyễn Văn Thăng đã lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng hiến máu cứu nạn nhân trong lúc nguy cấp.

Cùng thời điểm trên, hai cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng sau khi nhận được thông tin kêu gọi từ bệnh viện cũng đã tự nguyên tới hiến máu nhóm Rh- để bệnh viện phẫu thuật gấp cho anh Nguyễn Hữu Thọ.

Ngay trong chiều ngày 4-9, sau khi có nhóm máu Rh- từ ba cán bộ Công an hiến tặng, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã tiến hành truyền tiếp máu, phẫu thuật vết thương, giữ được tính mạng cho anh Nguyễn Hữu Thọ.

Nghĩa cử hiến máu cao đẹp của ba cán bộ Công an đã nhận được sự cảm kích không chỉ của gia đình nạn nhân mà còn của cả cộng đồng. Chị Tâm, mẹ anh Thọ cho biết, nhận được tin con bị đâm đứt động mạch chủ, bệnh viện và người nhà lại không ai có nhóm máu Rh-, gia đình chị vô cùng hoang mang, không biết nương cậy vào đâu.

Đúng lúc này, ba cán bộ Công an hiến máu khiến gia đình chị rất cảm kích. “Các anh ấy thực sự là ân nhân của gia đình tôi!..”, chị Tâm nói.  

Theo các tài liệu về y khoa, ở Việt Nam có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh+ (hoặc O+ hoặc B+ hoặc A+ hoặc AB+, xếp theo tỷ lệ giảm dần) nhưng chỉ có 0,04%-0,07% số người thuộc nhóm máu Rh- (hoặc O- hoặc B- hoặc A- hoặc AB-). Theo quy định của Hiệp hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong cộng đồng được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% gọi là nhóm máu rất hiếm.

Như vậy, những người có nhóm máu Rh- ở nước ta thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm (trong 10.000 người mới có 4-7 người mang nhóm máu Rh-). (Công an Nhân dân, trang 3)

 

Cháu bé mang nhiều căn bệnh bẩm sinh

Cháu Lê Thành Đạt (4 tuổi, ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)  khi chào đời đã mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh, teo não, viêm phổi nặng.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TPHCM lại phát hiện Đạt mắc thêm căn bệnh nhiễm trùng máu, cần chữa trị kịp thời để duy trì sự sống. Hiện cháu đang nằm tại phòng 4B08, lầu 4, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.

Chị Nguyễn Hồng Nhớ (29 tuổi, mẹ cháu Đạt) chia sẻ: “Tôi không đếm nổi bao nhiêu lần khóc cạn nước mắt khi nhìn đứa con của mình ngày càng ốm yếu, nằm im trên giường bệnh, xung quanh chằng chịt là dây, thiết bị y tế. 4 năm nay tôi phải bỏ mọi công việc để ở nhà chăm con, lo thuốc men; cũng từ đó gia đình khốn khó, lâm vào cảnh kiệt quệ. Gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí bán hết cả nhà cửa đất đai, đi ở nhờ nhà người thân để lo cho con. Chi phí sinh hoạt, tiền thuốc men ngày càng tăng cao, gia đình không biết phải làm sao”.

Anh Lê Văn Nghĩ (35 tuổi, cha cháu Đạt) làm nghề phụ hồ, công việc bấp bênh, khi không có công trình thì ai thuê làm việc gì anh đều nhận làm. Mỗi ngày công chỉ được 200.000 - 250.000 đồng. Với khoản thu nhập ít ỏi đó, gia đình anh chị không đủ sức để giành giật sự sống cho con, khó khăn đến tột cùng.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội Báo SGGP, 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5 quận 3, TPHCM; ĐT: (028) 22111263. Số tài khoản Báo Sài Gòn Giải Phóng: 310.10000.231438 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TPHCM. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Hơn 100 người khám sức khỏe, xét nghiệm thủy ngân

Liên quan tới vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đến nay đã có hơn 100 người được Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai làm xét nghiệm thủy ngân.

Chiều 4-9, liên quan tới vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (phố Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những ngày vừa qua đã có rất nhiều người tiếp xúc với vụ cháy hoặc sống xung quanh khu vực vụ cháy đã đến bệnh viện khám sức khỏe, xét nghiệm máu do lo ngại bị nhiễm thủy ngân.

Đến nay đã có hơn 100 người được Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai làm xét nghiệm thủy ngân máu và một số người đã được lấy nước tiểu để xét nghiệm thủy ngân, kèm theo một số xét nghiệm khác, như: công thức máu, urea, creatinin, men gan, bilirubin, điện tim, một số được chụp X-quang phổi và methemoglobin (metHb), carboxyhemoglobin (HbCO). Việc xét nghiệm thủy ngân trong máu đã được Trung tâm Chống độc gửi mẫu đến Viện Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Đến nay có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân trong máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép), 18 người còn lại chưa có kết quả.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, nguy cơ nhiễm độc thủy ngân thường diễn ra lúc cháy to, sau khi cháy được dập, nguy cơ ít đi. Khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe như khó chịu, khó thở, ho nhiều, tức ngực, nôn mửa, đau bụng, choáng váng, tê chân tay, run, yếu cơ, nhìn mờ, lú lẫn, tiểu tiện ít... nên đến các cơ sở y tế để được khám, đánh giá và làm các xét nghiệm cần thiết. (Sài Gòn giải phóng, trang 11)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 4: “Hậu vụ cháy CTy Rạng Đông: Nồng độ thủy ngân vượt ngưỡng tại nhiều điểm đo”

 

Kiểm tra việc chỉ định nội trú tùy tiện, kéo dài ngày nằm viện để trục lợi quỹ BHYT

6 tháng đầu năm nay, số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ở các bệnh viện của Hà Nội lên tới 8.662,3 tỷ đồng, bằng 54% dự toán giao cả năm 2019, với số chi tăng 445,9 tỷ đồng...

Tại hội nghị chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT do Ban Nội chính Thành ủy phối hợp cùng BHXH thành phố Hà Nội vừa tổ chức, bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc BHXH thành phố cho biết, đến thời điểm này, toàn Hà Nội có 658 điểm khám chữa bệnh BHYT.

Thời gian qua, BHXH thành phố Hà Nội đã tăng cường thực hiện công tác giám định, kiểm tra chi phí khám chữa bệnh BHYT, phát hiện nhiều cơ sở vi phạm để trục lợi quỹ BHYT. Số tiền mà cơ quan BHXH kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí khám chữa bệnh không đúng quy định liên tục tăng, cụ thể: năm 2016 là 57,2 tỷ đồng, năm 2017 là 256,2 tỷ đồng, năm 2018 là 269,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, từ 2016 đến nay, do viện phí liên tục điều chỉnh tăng nên chi phí khám chữa bệnh BHYT cũng tăng theo. 6 tháng đầu năm 2019, số lượt khám chữa bệnh BHYT của Hà Nội là trên 5,67 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ 2018; số chi là 8.662,3 tỷ đồng, bằng 54,5% dự toán giao chi khám chữa bệnh BHYT cả năm 2019, số chi tăng 5,43% (khoảng 445,9 tỷ đồng).

Ngoài nguyên nhân tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT do tăng viện phí, bà Đàm Thị Hòa cũng chỉ ra, một số cơ sở y tế chưa nghiêm túc thực hành tiết kiệm, rà soát chỉ định thuốc, dịch vụ y tế hợp lý.

Cùng đó, các bệnh viện chưa triển khai thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm để tiếp kiệm chi phí cho người dân và quỹ BHYT; trong khi việc thanh tra các cơ sở y tế về tình hình quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn còn ít…

Về vấn đề này, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đề nghị Sở Y tế Hà Nội tăng cường thanh tra việc sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố, nhất là các cơ sở y tế có số chi lớn, các chỉ số chi phí khám chữa bệnh gia tăng bất thường.

Đặc biệt, ông Hòa đề nghị Sở Y tế sớm chủ trì, phối hợp với BHXH Thành phố thực hiện kiểm tra, đánh giá việc chỉ định điều trị nội trú và tình trạng kéo dài ngày nằm viện, kiên quyết xử lý nếu có vi phạm. Trong quá trình kiểm tra sẽ có kiểm tra đột xuất tình trạng, số lượng các bệnh nhân nằm viện để đánh giá việc chỉ định bệnh nhân vào nội trú; tổ chức rà soát các trường hợp đang điều trị nội trú, nếu thấy tình trạng bệnh chưa cần nằm viện điều trị nội trú thì chuyển sang điều trị ngoại trú.

Giám đốc BHXH Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo theo kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội tại Thông báo số 848-TB/TU ngày 10-8-2017 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng, thuốc trong khám chữa bệnh BHYT, nhằm giảm chi phí bình quân…

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, thực thi pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo trật tự xã hội, an sinh xã hội. Vì thế, Ban Nội chính đề nghị Sở Y tế Hà Nội thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở có lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. (An ninh Thủ đô, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang