Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/2/2023

  • |
T5g.org.vn - 'Cò' khám chữa bệnh lộng hành; Vì sao COVID-19 vẫn 'khẩn cấp toàn cầu' dù đã 3 năm?; Lại lo an toàn thực phẩm mùa lễ hội; Nhu cầu tiêm vắc xin phòng dại tăng đột biến

 

'Cò' khám chữa bệnh lộng hành

Các nhóm "cò" khám chữa bệnh dùng mọi chiêu trò kéo bệnh nhân vào các phòng khám tư xung quanh bệnh viện, cơ sở y tế. Nạn nhân chỉ biết mình bị lừa (khám sai phòng khám) khi nhận hóa đơn thanh toán tiền.

Tại hội thảo khoa học về "Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM" do Công an TP.HCM phối hợp Sở Y tế TP tổ chức vào giữa tháng 12.2022, thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, cho hay an ninh trật tự tại các bệnh viện, cơ sở y tế ngày càng phức tạp, trong đó có vấn nạn "cò" khám chữa bệnh...

Cũng gần đây, Thanh Niên nhận được phản ánh của người dân về việc nhiều nhóm "cò" khám chữa bệnh lộng hành ở các bệnh viện (BV), cơ sở y tế, phòng khám (PK) trên địa bàn TP.HCM. Nhiều bệnh nhân có gia cảnh khó khăn, cả tin đã trở thành nạn nhân của các nhóm "cò". Trước thực trạng này, PV Thanh Niên vào cuộc điều tra.

Không dám phản kháng dù biết bị lừa

Trao đổi với PV, chị Nhật Ý (28 tuổi, ngụ Đồng Tháp) cho hay cách đây vài tháng có đến Công ty TNHH y tế Hòa Hảo (hay còn gọi PK Medic - Hòa Hảo, số 254 Hòa Hảo, Q.10) để khám tổng quát hậu Covid-19. Khi xe vừa đến đầu đường Hòa Hảo đã có 2 - 3 người nam chặn lại, nói Medic - Hòa Hảo có PK bên ngoài tên là PK P.A ở đường Nguyễn Duy Dương (Q.10).

"Cò" tư vấn cho chị Ý qua PK P.A để đăng ký hồ sơ nhanh và được hỗ trợ dẫn đi. Vì là lần đầu đến PK Medic - Hòa Hảo, do quá đông nên chị Ý quyết định đi theo.

Đến PK P.A, chị Ý cẩn thận hỏi lại người của PK này, là ở đây có phải PK Medic - Hòa Hảo không, thì được trả lời: "Đây là PK Medic - Hòa Hảo, chị cứ đăng ký xong ở đây sẽ được dẫn qua Hòa Hảo làm rất nhanh, khỏi phải chờ". Tuy nhiên, sau khi đăng ký xong, chị Ý được đưa hóa đơn và yêu cầu đóng tiền, khám ngay tại PK P.A. Lúc này, chị mới hay mình bị lừa, đành ngậm ngùi ở lại khám vì bên ngoài có "cò" đứng canh. Sau khi xác nhận nạn nhân đã sập bẫy, "cò" vào "xin" chị Ý 50.000 đồng tiền hỗ trợ.

Chị Ý được đưa đi làm các xét nghiệm gói cơ bản gồm đo điện tim, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm bụng và chụp X-quang phổi với tổng hóa đơn gần 2 triệu đồng. "Dành dụm tiền lên thành phố để khám ở PK chất lượng, ai ngờ cuối cùng lại cầm trên tay hóa đơn ghi "Phòng khám đa khoa P.A", không thể tưởng tượng được mình đã bị dẫn đi như đứa con nít vậy", chị Ý bức xúc.

Đến PK Medic - Hòa Hảo để khám, nhưng chị Duyên (32 tuổi, ngụ Bình Thuận) bị lừa qua PK khác, cũng với chiêu trò tương tự nhưng "không dám phản kháng vì sợ rắc rối". Sau đó, chị Duyên cho hay đã cảnh báo ngay với người thân, bạn bè nên cảnh giác với "cò" đứng trước cổng PK Medic - Hòa Hảo: "Muốn khám PK nào thì đi thẳng vào PK đó. Đừng bao giờ nghe lời "cò" dụ dỗ hỗ trợ dẫn đi, được khám nhanh. Nếu nghe lời "cò" là sập bẫy lừa ngay".

"Cò" bủa vây tứ phía

Theo lời kể của các nạn nhân, chiều 29.12.2022, PV tìm đến PK Medic - Hòa Hảo, chứng kiến cảnh "cò" chèo kéo bệnh nhân. Bên ngoài, loa của PK Medic - Hòa Hảo liên tục phát: "Ở đây không khám dịch vụ ngoài, yêu cầu người đến khám bệnh đi thẳng vào phía trong". Tuy nhiên, khi PV chưa kịp đến cổng PK Medic - Hòa Hảo thì đã bị một người đàn ông đứng ở đầu đường chặn lại, dẫn dụ sang PK P.A, cũng với những chiêu trò như các nạn nhân trên.

Sáng 3.1, PV tiếp tục quay lại đường Hòa Hảo để ghi nhận tình trạng "cò" bát nháo. Ngay từ đầu đường, bất cứ xe máy nào chưa kịp đi vào nhà để xe của PK Medic - Hòa Hảo đều bị 3 - 4 người đàn ông chặn lại, vẫy vào quán nước đối diện.

Theo quan sát, trước cổng PK Medic - Hòa Hảo có hàng chục "cò" chèo kéo bệnh nhân. Chiêu thức hoạt động của họ là chặn đầu đường, bao vây cổng vào và nhiệt tình "tư vấn": "PK hôm nay đông lắm, nếu khám mới thì anh/chị qua kia (một PK tư khác cũng ở đường Hòa Hảo - PV) khỏi chờ đợi, khám cũ thì hẵng vào đây (PK Medic - Hòa Hảo)". Thậm chí, "cò" còn phân công người đứng canh nạn nhân đăng ký khám bệnh, đảm bảo nạn nhân phải vào bên trong khám, thì mới "nhả" ra. "Cắt cổ" bệnh nhân

Chiều 5.1, PV đến BV Da liễu TP.HCM (P.Võ Thị Sáu, Q.3) để thăm khám. Vừa đến cổng BV, PV được một người đàn ông hành nghề xe ôm "dụ" đến "PK của bác sĩ S., là phó khoa của một khoa tại BV Da liễu TP.HCM nằm trên đường Phạm Đình Toái, đối diện BV làm cho nhanh, cho tốt". Tuy nhiên, khi PV đến, bảng hiệu lại có tên bác sĩ V.T.T.H; nhân viên tại đây giới thiệu PK này đã mở được 20 năm.

PV gặp bác sĩ H., người này giới thiệu mình năm nay 65 tuổi, đã về hưu 10 năm, mỗi ngày tiếp hàng chục bệnh nhân đến thăm khám. Sau khi khám, PV được bác sĩ H. kê đơn thuốc có giá 800.000 đồng và 100.000 đồng phí khám bệnh, nhưng PV từ chối mua thuốc và chỉ đóng 100.000 đồng. Cầm theo đơn thuốc vừa được kê đến nhà thuốc gần đó tham khảo, dược sĩ tại nhà thuốc cho biết đơn này nếu mua thì chỉ có giá hơn 200.000 đồng.

Vừa trở lại cổng BV Da liễu TP.HCM, PV ngay lập tức được một người đàn ông hành nghề xe ôm khác lôi kéo sang PK tư ở đường Điện Biên Phủ (Q.3) khi biết PV cần điều trị vết loét da do kiến ba khoang. Tại đây, khi thấy các loại thuốc của PK giới thiệu dù có giá 750.000 đồng nhưng không rõ nhãn mác nên PV từ chối mua, chỉ trả 150.000 đồng phí khám bệnh (Thanh niên, trang 5). 

 

Vì sao COVID-19 vẫn 'khẩn cấp toàn cầu' dù đã 3 năm?

Năm 2023 khác với năm 2020 rất nhiều, hiểu biết về COVID-19 cũng cực kỳ khác, nhưng COVID-19 vẫn đang trong 'tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu'.

Tại Việt Nam, theo thống kê, trong 20 ngày gần đây chỉ có một ngày số ca COVID-19 ở mức 53 ca, còn lại đều dưới 50 ca, thậm chí dưới 20 và dưới 10 ca/ngày. 

Ca mắc giảm thấp, không ghi nhận ca tử vong, số mũi tiêm ngừa COVID-19 đã xấp xỉ 270 triệu mũi, nhưng Việt Nam chưa thể công bố hết dịch, và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như vậy.

Nhiều quốc gia lơ là COVID-19

Trong cuộc họp định kỳ ba tháng một lần vào cuối tháng 1, Ủy ban khẩn cấp của WHO về COVID-19 xác định COVID-19 vẫn là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây lo ngại quốc tế" (PHEIC).

Ngày 30-1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ra tuyên bố đồng ý COVID-19 vẫn là PHEIC. Ông cũng thừa nhận quan điểm của ủy ban rằng đại dịch COVID-19 có thể đang ở điểm chuyển tiếp, nên thận trọng trong giai đoạn hiện tại để tránh các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

Về lý thuyết, WHO không có quyền và nghĩa vụ tuyên bố thời điểm bắt đầu hay kết thúc của một đại dịch. Điều này là do thuật ngữ "đại dịch" không nằm trong Điều lệ y tế quốc tế (IHR), khác với PHEIC. Tuy nhiên theo cách hiểu thông thường, PHEIC đang được hiểu tương đương với chữ "đại dịch".

Theo WHO, khi thế giới đang ở một tình thế tốt hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của đợt lây nhiễm Omicron một năm trước, nhưng có tới hơn 170.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã được báo cáo trên toàn cầu trong tám tuần qua.

Việc giám sát và giải trình tự gene đã giảm trên toàn cầu, khiến việc theo dõi các biến thể đã biết và phát hiện các biến thể mới trở nên khó khăn hơn.

Các quốc gia thành viên WHO đã giảm đáng kể việc báo cáo dữ liệu liên quan số ca nhiễm, nhập viện và tử vong dẫn tới việc các khuyến nghị không còn bắt kịp với thực tế.

Các hệ thống y tế hiện đang phải chật vật khi đối mặt với cùng lúc các bệnh nhân COVID-19, cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV).

Theo WHO, cúm và RSV bất ngờ quay trở lại sớm theo mùa ở một số vùng, tạo gánh nặng cho một số hệ thống y tế vốn đã quá tải.

Duy trì tình trạng khẩn cấp để các nước phải chú ý?

Tại cuộc họp này, Ủy ban khẩn cấp của WHO đã thảo luận liệu việc duy trì PHEIC có cần thiết để các nước để ý hơn với COVID-19 hay không, những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn có thể phát sinh nếu PHEIC bị chấm dứt và cách chuyển đổi một cách an toàn.

Ủy ban cho rằng đại dịch COVID-19 có thể đang đến gần "điểm cong". Tuy nhiên, loại vi rút này vẫn là mầm bệnh lâu dài ở người và động vật trong tương lai gần. Như vậy, hành động y tế công cộng dài hạn là rất cần thiết.

Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý với đánh giá của WHO.

Ông Salim Abdool Karim, một nhà dịch tễ học cố vấn cho Chính phủ Nam Phi về COVID-19, cho biết: "WHO không thể nói rằng PHEIC đã kết thúc khi bạn có hàng triệu ca mắc và hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày".

Việc cấp và dỡ bỏ PHEIC có ý nghĩa quan trọng trên phạm vi toàn cầu và quốc gia, vì nó kích hoạt các hành động, chuyển hướng các nguồn lực trên toàn thế giới. "Đây vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng rất quan trọng. Khoảng 1/4 thế giới vẫn chưa được tiêm chủng và điều đó có khả năng khiến rất nhiều người dễ bị tổn thương", nhà dịch tễ học Mark Woolhouse, Đại học Edinburgh (Anh), nhận định.

Việt Nam: Chưa công bố hết dịch vì vi rút còn biến đổi

Việt Nam đã trải qua một mùa Tết Nguyên đán an toàn, số ca mắc giảm rất thấp, không tái bùng dịch trở lại mặc dù tết là dịp gặp gỡ, tiếp xúc nhiều. 

Điều này khác hẳn 2022 khi dịch bùng cực mạnh ngay sau tết, với số mắc hằng ngày lên hàng chục ngàn ca, nhiều bệnh viện quá tải.

Nhưng tết này thì 20 ngày nay chỉ có 1 ngày ghi nhận trên 50 ca mắc, số mắc mới ghi nhận xuống rất thấp, hơn một tháng nay không ghi nhận ca tử vong.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng các nước khác xem xét muốn chuyển COVID-19 sang bệnh lưu hành chủ yếu liên quan đến tài chính.

"COVID-19 chưa ổn định, các biến thể mới xuất hiện liên tục và đến nay đã ghi nhận trên 600 biến thể, nếu Việt Nam công bố hết dịch hoặc chuyển COVID-19 sang nhóm bệnh lưu hành, khi biến thể mới xuất hiện lại mạnh lên, gây dịch nặng thì việc tìm kiếm hỗ trợ vắc xin và các nguồn lực quốc tế sẽ khó khăn, việc triển khai tiêm ngừa, khoanh vùng dịch cũng khó khăn" - vị này nhận xét.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cho rằng hiện các biện pháp ngăn dịch nhưng ảnh hưởng đến đời sống đều đã bị bãi bỏ, ảnh hưởng tài chính không nhiều do số lượng bệnh nhân ghi nhận và chuyển nặng rất thấp (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Lại lo an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão, người dân lại bước vào mùa lễ hội xuân. Đây cũng là mùa làm ăn của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thời vụ. Mùa lễ hội năm nay, vấn đề an toàn thực phẩm dù đã có những chuyển biến theo hướng tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn không ít nỗi lo.

Biến vỉa hè thành nơi đun nấu

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ) những ngày đầu năm mới luôn tấp nập du khách đến cầu tài, cầu lộc, du xuân. Cùng với đó, dịch vụ ăn uống cũng mọc lên như nấm. Dù đã được sắp xếp quy củ hơn trước nhưng điều dễ nhận thấy, nhiều quán ăn đã biến vỉa lè, lòng đường thành nơi đun nấu, chế biến thực phẩm. Những mẹt bánh đúc, bánh rán, bánh tôm… được bày bán ngay lối đi, không có tủ kính che đậy.

Theo quy định của Bộ Y tế về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thì nơi chế biến thức ăn phải được thiết kế theo nguyên tắc một chiều khép kín. Thực phẩm sống và chín không để lẫn lộn. Đồ ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính, có thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại và bày bán trên bàn hoặc giá kệ cao hơn mặt đất ít nhất 60cm…

Thế nhưng, mục sở thị tại nhà hàng Nguyệt Nga (45 cổng Phủ Tây Hồ), khu vực bếp lại được thiết kế ngay trước cửa quán. Những chồng bát, đĩa sạch; các mẹt thức ăn chín; những chậu cua, ốc sống cùng chiếc chảo mỡ nghi ngút khói... đều được “phơi trần” ngay lối vào. Người bán hàng vừa nhanh tay xào, nấu thức ăn vừa luôn mồm mời chào thực khách.

Gần đó, nhà hàng Hương Hiếu (25 cổng Phủ Tây Hồ) cũng thiết kế bếp nấu ngay tại vỉa hè, 4 bình gas to được đặt ngay trước cửa quán. Còn tại nhà hàng Lâm Tuấn Đạt (27 cổng Phủ Tây Hồ), nhân viên thản nhiên ngồi rán bánh tôm bên vệ đường. Những chiếc bánh nóng vớt ra khỏi chảo được bỏ vào chiếc khay đặt cách mặt đất chỉ khoảng 30cm. Tại những gánh hàng rong di động, từ thúng bánh rán, đến khay hoa quả dầm, xúc xích… đều được bày bán không che đậy. Người bán hàng dù đeo găng tay nhưng đôi găng tay ấy vừa dùng để đếm tiền vừa bốc thức ăn cho khách…

Trao đổi với phóng viên Báo Hà Nội mới, ông Thẩm Ngọc Trung, Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ cho biết, năm nay, tại Phủ Tây Hồ có 23 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cố định. Mới đây, cơ quan chức năng của quận đã tiến hành kiểm tra và xử phạt 30 triệu đồng 7 cơ sở với các lỗi vi phạm như: Chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh; không đeo khẩu trang; không đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín… Công tác kiểm tra, giám sát sẽ tiếp tục được tăng cường để kịp thời chấn chỉnh những cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Những ngày này, tại lễ hội kéo dài nhất trong năm, suốt 3 tháng xuân - chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) luôn trong cảnh đông đúc. Theo ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức, tại lễ hội chùa Hương năm nay có 118 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đây chủ yếu là những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thời vụ nên dễ tạm bợ, lộn xộn…

Do đó, trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho những người tham gia chế biến thực phẩm, đồng thời, yêu cầu cơ sở ký cam kết. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt.

Chung tay giám sát an toàn thực phẩm

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân năm 2023, Hà Nội đã có 676 đoàn thanh tra, kiểm tra. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra hơn 5.000 cơ sở, trong đó có 520 cơ sở vi phạm và xử phạt 296 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 224 cơ sở.

Đánh giá về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết và lễ hội xuân 2023 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, trong dịp này, các cơ quan chức năng của Hà Nội không chỉ tăng cường thanh tra, kiểm tra mà còn truy xuất nguồn gốc thực phẩm để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng, đặc biệt là tại những nơi tập trung đông người và nơi tổ chức lễ hội.

“Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân và du khách cũng nên nâng cao ý thức, cùng chung tay giám sát an toàn thực phẩm. Ngay tại chùa Hương, chúng tôi đã bố trí lực lượng tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách về an toàn thực phẩm. Do đó, người dân khi phát hiện cơ sở vi phạm có thể gửi thông tin để cơ quan chức năng xác minh và kịp thời xử lý”, ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức lưu ý (Hà Nội mới, trang 5).

 

Nhu cầu tiêm vắc xin phòng dại tăng đột biến

Ngay trong tuần đầu hoạt động trở lại sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC với 101 trung tâm trên toàn quốc ghi nhận số người dân đến tiêm vắc xin phòng dại tăng hơn 300% so với tháng trước Tết.

Đặc biệt, tại các trung tâm tiêm chủng VNVC khu vực miền Trung, Tây Nguyên, số lượng được ghi nhận rất cao, tăng gần 300% so với cùng kỳ tháng trước.

Các tỉnh miền Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 1-2023 ghi nhận hơn 5.000 lượt tiêm vắc xin phòng dại, tăng 25% so với tháng 12-2022 và tăng 400% so với tháng 11-2022.

Riêng tại thành phố Cần Thơ, tỷ lệ người dân đến tiêm trong tuần cuối tháng 1-2023 tăng hơn 100% so với tháng 12-2022.

Lý giải cho tình trạng này, bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, trong dịp Tết, nhiều người đi chúc Tết đã không may bị chó, mèo cắn/cào hoặc liếm vào vết thương hở. Nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại hiện đã tăng cao nên họ chủ động tìm đến trung tâm tiêm chủng để được tiêm vắc xin kịp thời. Trước đó, trong các năm diễn ra dịch Covid-19, người dân ít giao lưu đi lại nên nguy cơ bị chó, mèo cắn/cào/liếm ít hơn, tỷ lệ mắc dại và tiêm vắc xin phòng dại không có biến động mạnh.

Cũng theo phản ánh từ người dân, nhiều địa phương không có vắc xin phòng dại từ trước Tết kéo dài cho đến nay, nhiều cơ sở tiêm chủng nhỏ lẻ tại các địa phương thiếu hụt, khan hiếm vắc xin, trong khi vắc xin này lại không có trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (Hà Nội mới, trang 5).

 

                                Đánh giá dịch để khuyến cáo về tiêm mũi 5 vắc xin Covid- 19

Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 đang được kiểmsoát trên cả nước, tuy nhiên phòng chống dịch vẫn có những khó khăn do sự xuất hiện, tiến hóa của các biến thể mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch khó dự báo; và tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng.

"Các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) đã góp phần củng cố miễn dịch, giảm các ca mắc mới, giảm các ca nặng phải nhập viện và tử vong. Đồng thời, nhiều người đã mắc Covid-19 cũng đã tạo miễn dịch tự nhiên. Miễn dịch "lai" là miễn dịch tự nhiên sau mắc bệnh và miễn dịch từ vắc xin giúp cho cơ thể có miễn dịch bền vững hơn trước vi rút gây dịch Covid-19, bao gồm cả các biến thể mới. Do đó người dân cần tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, bao gồm các mũi bổ sung, mũi nhắc lại", một chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng đánh giá.

Trước sự quan tâm của nhiều người sau khi tiêm đủ 4 mũi vắc xin Covid-19, có cần tiêm mũi tiếp theo hay không, chuyên gia này cho biết: "Bộ Y tế chưa có thông tin chính thức về việc có hay không tiêm mũi 5. Tuy nhiên, trước hết cần tiêm đủ các mũi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với người đã tiêm đủ, là các trường hợp có nguy cơ cao thì nên tiêm mũi nhắc lại".

Với các trường hợp đã tiêm 4 mũi vắc xin Covid-19, chuyên gia dẫn nguồn từ WHO cho hay có thể cần thiết tiêm những mũi tiếp theo sau 4 - 12 tháng, nhưng chưa khuyến cáo tiêm. "Việc tiêm mũi 5 cần dựa trên dịch tễ trong nước, do đó chúng ta cũng phải theo dõi sát sao diễn biến dịch để có khuyến cáo tiêm chủng phù hợp", chuyên gia lưu ý.

Chia sẻ với thắc mắc "có cần tiêm mũi tiếp theo sau khi đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin Covid-19", PGS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm điều phối, đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng VN (Bộ Y tế), cho rằng có thể tiêm mũi nhắc lại để củng cố miễn dịch với những người có nguy cơ cao như: người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch... CDC Mỹ mới đây cũng đã khuyến cáo về việc vắc xin Covid-19 có thể tiêm hằng năm như với vắc xin cúm (Thanh niên, trang 22).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang