Sùi mào gà ở trẻ nhỏ
Được biết đến là bệnh lây qua đường tình dục ở người lớn, nhưng thực tế thì trẻ nhỏ vẫn có thể mắc sùi mào gà. Bệnh viện Da liễu T.Ư (Hà Nội) trong các tháng gần đây đã ghi nhận hơn 80 trường hợp mắc sùi mào gà là các trẻ nhỏ tại Hưng Yên. Ngoài ra, tại đây cũng có các ca mắc sùi mào gà là trẻ nhỏ sống tại Hà Nội, Nam Định...
Sùi mào gà (Condylomata acuminata) là bệnh do nhiễm vi rút Human papillomavirus (HPV) biểu hiện ở vùng sinh dục. Vi rút HPV hiện nay đã tìm ra hơn 130 týp. Ở người lớn, sùi mào gà thường do HPV týp 6 và 11 gây ra. Còn ở trẻ em, tổn thương sùi mào gà thường do HPV týp 1 và 4 (cũng là loại hay gây tổn thương hạt cơm ở da), đặc biệt là HPV týp 2 và 3. Hiện đã có vắc xin phòng bệnh do HPV các týp 6, 11, 16, 18.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Thương, công tác tại bệnh viện trên, nguyên nhân thường gặp: qua tiếp xúc với người chăm sóc trực tiếp; tự lây truyền từ tổn thương do HPV gây ra ở vùng niêm mạc hoặc da; bị lạm dụng tình dục; bị truyền từ người mẹ bị nhiễm HPV sinh dục trong quá trình sinh nở. Ngoài ra có một khả năng hiếm xảy ra: nhiễm HPV từ đồ dùng như khăn, đồ lót có chứa vi rút này.
Theo Bệnh viện Da liễu T.Ư, trong số các ca ghi nhận gần đây, nhiều trẻ ở Hưng Yên mắc sùi mào gà sau khi được chữa hẹp bao quy đầu tại một phòng khám không có giấy phép hoạt động. Đây là hiện tượng bất thường và cần cảnh báo về nguy cơ nhiễm chéo trong điều kiện chăm sóc y tế không đảm bảo an toàn.
Bác sĩ Huyền Thương cho hay sùi mào gà có triệu chứng ban đầu là biểu hiện tổn thương sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng vài mi li mét. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hay còn được gọi “tổn thương dạng súp lơ”. Với trẻ nam, sùi mào gà thường gặp ở vị trí quanh hậu môn và ít thấy ở thân dương vật. Ở trẻ nữ có thể gặp quanh hậu môn, âm hộ, màng trinh, phía ngoài âm đạo và khu vực quanh lỗ niệu đạo. Một vài trường hợp có thể gặp bên trong niêm mạc âm đạo và trực tràng. Sùi mào gà có thể gây ngứa, đau hoặc chảy máu. Chẩn đoán bệnh sùi mào gà chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng. Một số trường hợp lâm sàng không rõ có thể làm thêm giải phẫu bệnh và xét nghiệm HPV.
Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, có nhiều phương pháp điều trị sùi mào gà ở trẻ em, trong đó có thể dùng thuốc bôi. Tuy nhiên, điều trị theo cách này có tỷ lệ tái phát khá cao. Còn phương pháp laser phẫu thuật thường để điều trị trong trường hợp tổn thương lớn (> 1 cm) và không đáp ứng với điều trị thuốc bôi tại chỗ. Ngoài ra, có thể sử dụng phương pháp áp lạnh, laser CO2, cắt bỏ tổn thương... Các phương pháp điều trị thường được áp dụng khi tổn thương kèm theo các triệu chứng ngứa, đau, chảy máu, và trong trường hợp tổn thương kéo dài trên 2 năm. Trong nhiều trường hợp, sùi mào gà ở trẻ em có thể tự thoái triển trong vòng 2 năm.
Các chuyên gia khuyến cáo, cần giữ vệ sinh cho trẻ, giữ vệ sinh kỹ lưỡng trong gia đình và khi chăm sóc y tế để giảm thấp nhất các yếu tố làm lây nhiễm. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao miễn dịch, sức đề kháng của trẻ (Thanh niên, trang 16).
Gần 9.000 ca sốt xuất huyết ở Hà Nội từ đầu năm, số mắc còn tăng cao
Mới qua 7 tháng đầu năm, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) của toàn thành phố Hà Nội đã xấp xỉ 9.000 ca, trong đó 4 ca tử vong, tăng gần gấp đôi tổng số ca mắc trong cả năm trước đó. Đáng chú ý, theo nhận định của ngành Y tế, SXH ở Hà Nội vẫn chưa lên tới đỉnh dịch trong năm 2017, số mắc chắc chắn vẫn còn tiếp tục tăng cao.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 7 vừa qua, toàn thành phố ghi nhận thêm 2.305 trường hợp SXH, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên gần 9.000 ca. Tất cả quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đã có bệnh nhân SXH, trong đó số mắc nhiều tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Trì, Hà Đông, Nam Từ Liêm... Đặc biệt, hiện toàn thành phố đã ghi nhận tới gần 1.200 ổ dịch SXH trong cộng đồng. Đây là con số thực sự khiến người dân Thủ đô lo ngại, nhất là khi số mắc mới chưa dừng lại. Tuy vậy, đằng sau những con số nói trên, có một thực tế mà đa phần người dân dễ bỏ qua.
Đầu tiên, Hà Nội đang là địa phương có số mắc SXH cao nhất miền Bắc, đứng thứ hai cả nước, song qua điều tra có đến 40% người mắc là học sinh - sinh viên và lao động ngoại tỉnh. Thứ hai, dù số mắc tăng cao song ngành Y tế Thủ đô khẳng định, dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát. Thực tế, khoảng 900 ổ dịch (chiếm 74%) trong cộng đồng đã được khống chế (qua 14 ngày không ghi nhận người mắc mới), khoảng 7.880 bệnh nhân mắc SXH đã được điều trị khỏi (chiếm 87,7%), tức chỉ còn hơn 12% người bệnh vẫn đang phải điều trị. Đặc biệt, tuy số ổ dịch SXH rất lớn song đa phần là ổ dịch “siêu nhỏ”.
Ông Hoàng Đức Hạnh phân tích, theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, với các dịch bệnh truyền nhiễm trong đó có SXH, chỉ cần có 1 bệnh nhân mắc đã được xem là 1 ổ dịch. Qua phân tích các ổ dịch SXH đã được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội tính đến đầu tháng 7 vừa qua, hơn 700 ổ dịch (chiếm 72%) chỉ có 1-2 bệnh nhân; 197 ổ dịch (chiếm 20%) có 3-5 bệnh nhân; chỉ có 75 ổ dịch (chiếm 8%) có từ 6 bệnh nhân trở lên.
Điểm đáng chú ý khác, theo dõi trong 10 năm trở lại đây, chỉ có 2 năm dịch SXH ở Hà Nội ghi nhận số mắc cao là năm 2009 với 16.090 ca mắc (4 ca tử vong) và năm 2015 với 15.412 ca mắc, còn lại bình quân mỗi năm chỉ ghi nhận 5.000 -6.000 ca. Năm nay, dù mới chỉ qua 7 tháng đầu năm nhưng số mắc được ghi nhận đã lên tới xấp xỉ 9.000 ca với 4 ca tử vong (bằng tổng số ca tử vong năm 2009).
Hơn nữa thời điểm hiện nay mới bắt đầu bước vào mùa mưa - mùa dịch SXH tăng mạnh và thực tế đỉnh dịch SXH ở Hà Nội thường rơi từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, tức dịch SXH ở Hà Nội hiện nay được nhận định chưa bước vào đỉnh dịch trong năm, số mắc chắc chắn sẽ tiếp tục tăng vọt trong thời gian tới (chưa kể năm nay là năm nhuận có thêm một tháng 6 âm lịch). Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, nếu không có các biện pháp ngăn chặn quyết liệt, năm 2017 này có thể dịch SXH ở Hà Nội sẽ bùng phát mạnh hơn cả đỉnh dịch vào năm 2009.
Cả nhà nhập viện, mắc SXH 3-4 lần
Thời điểm này, hầu như tất cả các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện có khoa truyền nhiễm đều đang quá tải bệnh nhân SXH, tình trạng nằm ghép 2-3 người/ giường hết sức phổ biến.
Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện cho biết, có tuần ghi nhận thêm gần 1.200 ca bệnh mới. Do bệnh nhân quá đông nên các bệnh viện này hiện chỉ tiếp nhận những bệnh nhân SXH nặng vào điều trị nội trú, những bệnh nhân nhẹ sẽ được hướng dẫn chuyển xuống tuyến dưới hoặc tư vấn điều trị ngoại trú. Còn với các bệnh viện của Hà Nội, hiện toàn bộ 28 bệnh viện đa khoa của thành phố đều có bệnh nhân SXH vào điều trị, đông nhất là tại Bệnh viện Đống Đa, Xanh Pôn, Thanh Nhàn...
Đáng chú ý, đã ghi nhận khá nhiều chùm ca bệnh mà cả nhà cùng nhập viện vì SXH. Đơn cử tại Bệnh viện Bạch Mai, theo TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, việc hai vợ chồng cùng mắc SXH vào điều trị không phải hiếm gặp. Thậm chí khoa đã từng tiếp nhận những trường hợp cả 4 người trong một nhà nhập viện điều trị SXH, hay cũng có những trường hợp một phòng trọ có 4 người ở chung cùng mắc SXH phải nhập viện. Tương tự, tại Bệnh viện E, BSCKII Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện cho biết, trong số các bệnh nhân nhập viện vì SXH vừa qua có không ít trường hợp 2-3 người trong một gia đình, thậm chí cả nhà phải cùng vào nằm viện vì SXH.
Một điểm đáng chú nữa mà không nhiều người dân biết đến, đó là ở vụ dịch năm nay đã ghi nhận những người mắc SXH vừa điều trị khỏi chưa lâu lại tái mắc, thậm chí có người mắc SXH đến 3-4 lần. Chẳng hạn tại Bệnh viện Đống Đa - bệnh viện đầu ngành về truyền nhiễm của Hà Nội, tính đến ngày 1-8, đã tiếp nhận tới 3.000 bệnh nhân SXH vào khám, trong đó 1/3 phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đống Đa cho biết, vì virus Dengue gây bệnh SXH có tổng cộng 4 tuýp khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 nên khi nhiễm SXH Dengue thuộc tuýp này rồi thì vẫn có thể mắc phải SXH Dengue ở 3 tuýp virus còn lại. Qua thực tế điều trị, các bác sĩ của bệnh viện đã từng ghi nhận có những bệnh nhân nhập viện đến 3-4 lần vì SXH. Điều nguy hiểm là trong trường hợp mắc lại SXH lần 2, 3, 4 thì người bệnh nhiều nguy cơ mắc những thể bệnh nặng hơn, tính chất nguy hiểm hơn.
Được biết, đến thời điểm này, Hà Nội đã huy động gần 6.000 lượt cán bộ y tế, chính quyền các cấp, tổ dân phố, cộng tác viên tham gia chống dịch SXH; phát trên 550.000 tờ rơi, tờ cam kết phòng chống SXH tới các hộ gia đình; tổ chức tập huấn phòng SXH cho trên 1.500 lượt cán bộ các tuyến.
Sai lầm phổ biến nhất khi mắc SXH mà người dân cần tránh là tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập. Từ thực tiễn tiếp nhận điều trị các bệnh nhân SXH cho thấy, do bệnh nhân SXH thường sốt cao nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, SXH là sốt do virus nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao. Vì thế, người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em. Đấy là chưa kể nhiều người mắc SXH tự ý dùng thuốc aspirin và ibuprofen để hạ sốt, rất nguy hiểm vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, nhiều người cứ thấy sốt là mua kháng sinh sử dụng, nhưng với bệnh SXH thì dùng kháng sinh không có tác dụng bởi đây là bệnh do virus”.
TS.BS Đỗ Duy Cường (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai)
l“Một sai lầm thường gặp khác ở bệnh nhân SXH là tình trạng tự ý truyền dịch tại nhà hoặc tự thuê người truyền dịch không có chỉ định của bác sĩ. Việc này phải tuyệt đối tránh vì tự ý truyền dịch tại nhà khi bị SXH có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân SXH chỉ nên truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ và phải đến cơ sở y tế để tiến hành truyền. Sau giai đoạn thoát dịch ở bệnh nhân SXH là giai đoạn tái hấp thu trở lại nên việc truyền dịch cần đảm bảo đúng liều lượng và hết sức thận trọng, nếu không dễ dẫn đến biến chứng suy tim, phù phổi cấp...”.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)
“Gần đây có một quan niệm lạ lùng được lan truyền về việc kiêng tắm, kiêng ăn một số thực phẩm khi bị bệnh SXH sẽ nhanh khỏi bệnh. Về điều này, xin khẳng định, đến nay chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh người mắc SXH kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh. Vì vậy, người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch. SXH chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó người dân sống trong vùng dịch, khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc SXH cần đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán, điều trị sớm, tránh biến chứng nặng, không nên áp dụng các bài thuốc lá, thuốc nam truyền miệng không rõ nguồn gốc” (An ninh Thủ đô, trang 4).
Trắng đêm rong ruổi phun hóa chất diệt muỗi
Việc phun hóa chất diện rộng bằng máy phun cỡ lớn được thực hiện từ 1 đến 5 giờ sáng.
Gần 1.000 lít hóa chất, 60 chiến dịch phun hóa chất
Là người trực tiếp tham gia vào chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi ban đêm, ông Hà Tấn Dũng, Trưởng phòng Ký sinh trùng - côn trùng thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội (TTYTDP Hà Nội) chia sẻ, bản thân ông cũng nhận được một số phản ánh từ người dân sống ở khu vực đường Nguyễn Chí Thanh gần ổ dịch SXH tại ký túc xá trường ĐH Luật Hà Nội về việc không thấy cán bộ đi phun hóa chất diệt muỗi.
Song trên thực tế tại khu vực này, không chỉ tiến hành khoanh vùng ổ dịch để xử lý triệt để, phun hóa chất bằng máy cầm tay tại nhà dân, ngõ ngách gần ổ dịch (khoanh vùng ổ dịch 100m với ổ dịch ở nội thành, 200m với ổ dịch ở ngoại thành) mà ngành y tế đã tiến hành phun chủ động (phun hóa chất diện rộng), phun hóa chất ban đêm bằng máy phun cỡ lớn để trên xe ô tô bán tải đến mấy lần.
Cũng xung quanh khu vực này, tất cả các tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Láng, Láng Hạ, Thái Hà, Thái Thịnh, Vũ Ngọc Phan… đều đã được cán bộ y tế đi phun hóa chất diệt muỗi bằng máy phun cỡ lớn vào đêm khuya, lúc người dân đã yên giấc ngủ. Có lẽ vì thế mà nhiều người dân không biết đến việc khu vực nhà họ đã được phun thuốc diệt muỗi phòng SXH.
Theo đó, từ tháng 5 đến nay, khi dịch SXH bắt đầu bùng phát mạnh trên địa bàn, cứ 12h đêm, những chiếc xe bán tải chở máy phun hóa chất cỡ lớn từ TTYTDP Hà Nội lại lên đường.
Ngoài lái xe, cán bộ kỹ thuật phụ trách máy phun hóa chất bằng cỡ lớn này, đi cùng còn có xe của cán bộ y tế quận/huyện, xã/ phường, lực lượng công an, dân phòng nhằm dọn đường, hướng dẫn người dân ven đường - những trường hợp vẫn kinh doanh hoặc chưa đóng cửa đi ngủ - che chắn đồ đạc để việc phun hóa chất không gây ảnh hưởng đến nhân dân.
Một bình phun hóa chất cỡ lớn chứa được khoảng 60 lít hóa chất, xe phun hóa chất đi với tốc độ khoảng 3-5km/h, vòi phun từ ô tô bắn ra có thể đạt khoảng cách phun 50m nên không chỉ mặt đường, vệ đường mà hóa chất có thể bắn đến được cả những điểm cao và ngóc ngách của từng ngôi nhà trong ngõ.
Cứ thế, một đêm, các cán bộ y tế hoạt động hết công suất từ khoảng 12h đêm cho đến 4-5h sáng hôm sau, tiến hành phun hóa chất được khoảng 2-3 phường. Một khu vực được phun bằng máy phun cỡ lớn thường chỉ có tác dụng diệt muỗi trong vài ngày nên khoảng 1 tuần sẽ phải đi phun lại một lượt. Hơn 2 tháng qua, 4 cán bộ y tế phụ trách kỹ thuật phun bằng máy phun cỡ lớn của TTYTDP Hà Nội thay phiên nhau trắng đêm đi phun thuốc diệt muỗi để phòng SXH cho thành phố, và chừng nào dịch SXH còn chưa được khống chế, mật độ muỗi trong khu dân cư còn cao, người mắc bệnh còn tăng thì họ sẽ còn tiếp tục lên đường.
Vậy tại sao lại phải đi phun vào ban đêm, là bởi khi ấy hầu hết mọi người đều đã đi ngủ, đường phố vắng vẻ nên việc phun không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hơn nữa, thời điểm muỗi SXH hoạt động mạnh nhất là sáng sớm và hoàng hôn nên việc phun thuốc vào nửa đêm đến rạng sáng mang lại hiệu quả cao, giúp tiêu diệt muỗi trước khi chúng có thể đốt người.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, tính từ đầu vụ dịch SXH năm nay đến cuối tháng 7, toàn thành phố đã tổ chức trên 60 chiến dịch phun hóa chất diện rộng, khoảng 80 lượt phun hóa chất diệt muỗi bằng máy phun cỡ lớn trên ô tô vào ban đêm, với tổng số gần 1.000 lít hóa chất diệt côn trùng đã được sử dụng. Có thể khẳng định tại 100% ổ dịch SXH trên địa bàn đều được xử lý, phun hóa chất diệt muỗi, qua đó góp phần không nhỏ vào việc xử lý triệt để các ổ dịch trong cộng đồng, phòng chống dịch SXH lây lan rộng.
Cứ phun hóa chất là hết muỗi, hết SXH?
Ông Hà Tấn Dũng cho biết, do năm nay dịch SXH trên địa bàn thành phố tăng mạnh, số mắc cao nên việc phun hóa chất bằng máy phun cỡ lớn được tăng cường, có thể nói từ năm 2009 trở lại đây, thành phố mới lại phải huy động chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi SXH bằng máy phun vào ban đêm lớn đến vậy.
Giải pháp này có tác dụng lớn nhất là giúp diệt muỗi tức thì trên diện rộng, thực tế ở các khu vực sau khi được phun hóa chất bằng máy phun cỡ lớn thì mật độ muỗi trưởng thành giảm hẳn. Phun hóa chất diệt muỗi bằng máy phun cỡ lớn cũng giúp tăng tỷ lệ diện tích được bảo vệ phòng muỗi SXH bằng hóa chất trong dân cư. Tuy vậy, do phun hóa chất bằng máy phun cỡ lớn, hóa chất được phun ở diện tích rộng nên nồng độ hóa chất khi ra môi trường giảm rất nhanh, chỉ có tác dụng diệt muỗi trong 2-3 ngày nên nếu không kết hợp với các giải pháp khác thì sau vài ngày được phun, khu vực đó lại trở về như cũ, muỗi SXH lại phát triển.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội nhấn mạnh, trong phòng chống dịch SXH, điều quan trọng nhất vẫn là cần sự chung tay tham gia của cả cộng đồng, là tích cực diệt các ổ bọ gậy, loăng quăng trong khu dân cư. Cũng theo Giám đốc TTYTDP Hà Nội, hiện có tình trạng nhiều người dân tự ý mua thuốc về phun hoặc thuê người đến nhà phun thuốc diệt muỗi. Việc người dân có ý thức phòng SXH như vậy là tốt song tự ý phun thuốc diệt muỗi cũng có thể “lợi bất cập hại”, bởi nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình sẽ không diệt được muỗi mà còn làm tăng nguy cơ muỗi bị nhờn thuốc, kháng thuốc, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Ông Nguyễn Nhật Cảm Cảm khuyến cáo, người dân nếu lo lắng về dịch SXH, có nhu cầu phun thuốc nên đến trạm y tế xã, phường hoặc gọi tới đường dây nóng của Sở Y tế để được tư vấn đầy đủ. “Hiện thuốc diệt muỗi được ngành y tế sử dụng là loại tốt, còn máy phun chuyên dụng được nhập từ Đức. Việc phun hóa chất để dập dịch của ngành Y tế là hoàn toàn miễn phí, người dân không phải trả bất cứ một khoản tiền nào”, ông Nguyễn Nhật Cảm nói (An ninh Thủ đô, trang 5).
Truyền bệnh sốt xuất huyết là loài muỗi "quý tộc"
Cung cấp thông tin đến báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, không chỉ người dân mà nhiều cán bộ y tế cũng chưa hiểu đúng, đầy đủ về muỗi truyền bệnh SXH và cơ chế sinh trưởng, gây bệnh của loài muỗi này, dẫn tới tình trạng đi chệch hướng trong phòng chống dịch.
- PV: Tại sao muỗi truyền bệnh SXH lại được gọi là loài muỗi “quý tộc”. Ông có thể phân tích rõ hơn về đặc tính của loại muỗi này và cơ chế truyền SXH sang người?
- PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch bệnh SXH lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh SXH là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Sở dĩ loại muỗi vằn này được gọi là “muỗi quý tộc” vì chúng chỉ đẻ trứng ở nơi sạch sẽ, ở vũng nước trong. Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần khai thông cống rãnh, chỗ ao tù nước đọng, nước đục ngầu, hôi thối có nhiều muỗi là phòng được SXH nhưng thật ra, muỗi vằn truyền SXH lại đẻ trứng ở các bể nước sạch không đậy nắp, bể cá, chậu cây cảnh, các đồ vật hay vật dụng chứa nước đọng như gáo dừa, lốp xe để ngoài trời, thậm chí trong các lọ hoa chứa nước, các bát nước cúng bày trên bàn thờ, các bát đĩa chứa nước đặt dưới gầm chạn bát đũa…
Muỗi truyền bệnh SXH đốt người vào ban ngày, mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối (từ 5-9h và 15-19h) và chỉ muỗi vằn cái đốt người truyền bệnh SXH. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trên 20ºC.
- Muỗi vằn truyền SXH thường trú ẩn ở đâu?
- Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà. Đáng chú ý là loài muỗi này thích trú ẩn vào các vật dụng có hơi người như trên quần áo, chăn màn, dây phơi, sau tủ lạnh và các đồ dùng trong nhà.
- Để diệt muỗi vằn phòng, chống dịch bệnh SXH bùng phát, giải pháp nào là hiệu quả nhất mà người dân có thể dễ dàng thực hiện được?
- Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ cộng đồng thực hiện những hành động đơn giản như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Cùng đó cần nằm màn chống muỗi đốt (An ninh Thủ đô, trang 5).
Điều trị vô sinh - hậu quả từ quá kích buồng trứng
Theo thống kê, tỷ lệ quá kích buồng trứng chỉ chiếm khoảng 0,5-10%, tuy nhiên hậu quả lại không thể xem thường.
Quá kích buồng trứng là một tác dụng phụ xảy ra khi sử dụng thuốc kích trứng. Nó được định nghĩa là hiện tượng gia tăng kích thích buồng trứng. Ở người bình thường, mỗi chu kì chỉ có một nang trứng phát triển. Khi đạt kích thước trên 20mm và dưới 30mm, nang trứng này sẽ rụng. Tuy nhiên, ở một số người sử dụng thuốc kích trứng sẽ có hiện tượng nhiều nang trứng cùng phát triển một lúc, song tất cả đều có kích thước nhỏ (dưới 20mm). Khi đó, hiện tượng quá kích buồng trứng đã xảy ra.
Ai có nguy cơ?
Vì bị buồng trứng đa nang nên chị Ngô Thúy Hà (ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) được bác sĩ khuyên dùng thuốc kích trứng để tăng khả năng mang thai. Khi sinh xong con thứ nhất, chị Hà tiếp tục được chỉ định phương pháp này. Tuy nhiên, vì nghĩ mình đã có kinh nghiệm từ lần trước nên thay vì để bác sĩ trực tiếp theo dõi và điều trị, chị đã tự ý mua thuốc về dùng. Được một thời gian, chị thấy tăng cân nhanh chóng mặc dù chế độ luyện tập và ăn uống vẫn không thay đổi. Chưa dừng lại ở đó, vài ngày gần đây, chị còn thường xuyên cảm thấy buồn nôn. Tưởng đó là dấu hiệu của thai kì, chị vội vã đi mua que thử, nhưng kết quả không phải.
Đến lúc này, chị Hà mới thực sự cảm thấy bất an và tìm đến bệnh viện. Kết quả siêu âm cho thấy buồng trứng của chị to, nhiều nang… Cùng với một số chỉ số bất thường khác, bác sĩ kết luận chị bị quá kích buồng trứng do tự ý dùng thuốc kích trứng quá liều. Rất may tình trạng bệnh mới ở giai đoạn khởi phát nên chưa thực sự nguy hiểm.
Không chỉ có những người tự ý sử dụng thuốc kích trứng mới gặp phải hiện tượng này mà nó còn xảy ra ngay cả khi bệnh nhân dùng thuốc có sự giám sát của bác sĩ. Tuy nhiên, khi ấy nguy cơ sẽ thấp hơn bởi trong quá trình theo dõi, bác sĩ sẽ biết chính xác liều lượng thuốc cần dùng cũng như thời gian sử dụng thuốc.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi sử dụng thuốc kích trứng, ai cũng có nguy cơ quá kích buồng trứng. Nguy cơ này cao hơn ở những người dưới 35 tuổi, người bị buồng trứng đa nang, người có nồng độ estradiol tăng nhanh trong quá trình kích thích nang noãn hay những người trước đó đã từng có tiền căn bị quá kích buồng trứng, người sử dụng thuốc quá liều (thường hay gặp ở các bệnh nhân tự kê đơn, bốc thuốc cho mình)…
Triệu chứng của bệnh
Khi bị quá kích, hai buồng trứng thường lớn lên kèm theo có dịch trong bụng. Dịch đó do buồng trứng tiết ra nên bạn có thể thấy bụng hơi căng, đau, buồn nôn, nôn, đôi khi là cả tiêu chảy, tăng cân nhanh… Các triệu chứng này thường biểu hiện rõ nhất trong vài ngày song thường biến mất sau 10-14 ngày.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, khi có sự giám sát của bác sĩ, quá kích buồng trứng thường được phát hiện và điều trị sớm. Với những người tự ý dùng thuốc, bệnh có thể trở nên nặng hơn do người bệnh không ý thức được tình trạng của mình.
Ở thể nặng, quá kích buồng trứng có thể dẫn đến tình trạng đi tiểu ít hoặc vô niệu (không có nước tiểu trong bàng quang), nôn mửa liên tục, khó thở, dịch ổ bụng nhiều, buồng trứng căng to, dịch tràn màng phổi, màng tim. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị rối loạn đông máu và thuyên tắc mạch do huyết khối, gặp phải hội chứng suy hô hấp cấp, suy giảm chức năng gan.
Cần nhanh chóng điều trị
Nếu bị quá kích buồng trứng nhẹ, bạn hoàn toàn có thể điều trị tại nhà vì bệnh có thể tự khỏi. Khi đó, chế độ ăn nhiều thực phẩm nhiều chất đạm như thịt, cá; uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày), ưu tiên các loại nước có điện giải… là rất cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cần tránh các hoạt động thể lực mạnh vì nó có thể gây xoắn buồng trứng (vì kích thước buồng trứng lúc này khá lớn). Tương tự như vậy, bạn nên kiêng quan hệ tình dục trong thời gian này vì nó có thể gây đau, thậm chí là vỡ buồng trứng.
Chỉ số cân nặng và thể tích nước tiểu thải ra mỗi ngày cũng phải được theo dõi. Nếu bạn vẫn tiếp tục tăng cân và số lượng nước tiểu giảm, cần báo ngay với bác sĩ. Những ngày này, dù cơ thể rất mệt mỏi, tuy nhiên, bạn không nên sử dụng nước tăng lực. Trong trường hợp bị đau, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau, song nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về thành phần thuốc cũng như biệt dược.
Thông thường, bạn sẽ không phải nhập viện, tuy nhiên, nếu gặp một trong những dấu hiệu sau, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế (An ninh Thủ đô, trang 8).
Xã làm tốt công tác dân số
Cách thị trấn huyện Bát Xát (Lào Cai) hơn 20 km, xã Phìn Ngan gồm 14 thôn, bản chủ yếu là người dân tộc Dao sinh sống, một số phong tục tập quán vẫn còn lạc hậu, người dân ở đây chủ yếu sống nhờ sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng 10 năm qua, Phìn Ngan lại là xã đi đầu trong phong trào thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), duy trì tốt kết quả là xã không có người sinh con thứ ba trở lên. |
Chị Nguyễn Thị Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phìn Ngan tâm sự: Để làm được điều đó, Đảng ủy và chính quyền địa phương xác định mục tiêu: Muốn xóa đói, giảm nghèo trước tiên phải làm tốt công tác DS-KHHGĐ. Vì vậy, xã đã nỗ lực thực hiện quy mô gia đình ít con, khỏe mạnh để có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nhiều biện pháp tích cực, nhiều cách làm mới được thực hiện đồng bộ như: Gắn công tác DS-KHHGĐ với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; đưa công tác DS-KHHGĐ trở thành một trong những nhiệm vụ không thể tách rời trong hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. Hằng năm, mục tiêu DS-KHHGĐ được đưa vào nghị quyết, chuyên đề của địa phương, việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện nghiêm túc. Đảng viên là người đi đầu, gương mẫu thực hiện những chủ trương, chính sách về dân số. Không chỉ vậy, Ban DS-KHHGĐ xã luôn chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp để duy trì bền vững, thực hiện hiệu quả công tác DS-KHHGĐ. Cấp ủy, chính quyền quan tâm sát sao tới từng thôn, bản những trường hợp cụ thể về người dân có hoàn cảnh khó khăn, trực tiếp lãnh đạo và cử cán bộ phụ trách xuống thăm, trao đổi với người dân. Thông qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng sẽ tìm biện pháp tháo gỡ phù hợp. Đội ngũ y tá thôn, bản, cán bộ dân số xã và người uy tín của từng thôn, bản sẽ cập nhật thường xuyên các trường hợp đã sinh hai con gái và có ý định sinh con thứ ba để theo dõi, giám sát, vận động họ thay đổi theo hướng tích cực. Ở Phìn Ngan, ngoài sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, thì thành viên Ban DS-KHHGĐ xã là những cán bộ năng nổ, nhiệt tình với tinh thần trách nhiệm cao, đã phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để đưa chính sách DS-KHHGĐ vào nội dung xét gia đình văn hóa hằng năm. Các già làng, trưởng thôn, bản, các bí thư chi bộ thôn đã gương mẫu, chấp hành, tích cực tuyên truyền chính sách dân số. Nhờ vậy, công tác DS-KHHGĐ tại xã Phìn Ngan ngày càng được người dân ủng hộ. Tỷ lệ cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm rõ rệt. Từ năm 2007 đến nay, toàn xã không có người sinh con thứ ba trở lên (Nhân dân, trang 5). |