Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/8/2019

  • |
T5g.org.vn - Sự cố chạy thận tại Nghệ An: Do hệ thống dẫn nước RO; Siết chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Bệnh viện gặp khó; Bệnh viện công sẽ được tự quyết giá viện phí; Bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngày càng trẻ hóa;Hà Nội lập các đội đặc nhiệm chống sốt xuất huyết ở 14 quận/ huyện

 

Sự cố chạy thận tại Nghệ An: Do hệ thống dẫn nước RO

Sáng ngày 5-8, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức họp báo thông tin sự cố y khoa về chạy thận nhân tạo xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa (HNĐK) Nghệ An. Tại cuộc họp báo, Sở Y tế Nghệ An cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, Hội đồng chuyên môn do Sở thành lập gồm các nhà khoa học trong tỉnh và chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học để tìm nguyên nhân.

Qua đó, các nhà chuyên môn kết luận: Bộ phận sản xuất và tạo nước RO hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, hệ thống dẫn nước RO đến các máy có những điểm nối và gấp khúc đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Hệ thống dẫn nước RO của Bệnh viện HNĐK Nghệ An được lắp đặt trước năm 2016, trước khi Nghị định 36/2016/NĐ-CP và Nghị định 169/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực. Trên hệ thống dẫn nước RO đã trang bị có nhiều điểm nối và gấp góc, có điểm chết làm ứ đọng nước.

Hội đồng chuyên môn kiến nghị việc khắc phục sự cố, đó là Bệnh viện HNĐK Nghệ An phải rà soát lại toàn bộ quy trình, hệ thống chạy thận nhân tạo; thay toàn bộ hệ thống dẫn nước RO theo tiêu chuẩn quy định.

Trước đó, như SGGP đã thông tin, ngày 30-7, tại Khoa Nội thận – Tiết niệu – Lọc máu Bệnh viện HNĐK Nghệ An có 21 bệnh nhận đang tiến hành chạy lọc thận nhân tạo thì bất ngờ có 6 bệnh nhân có biểu hiện lạ như rét run, tăng huyết áp, chóng mặt, khó thở, tức ngực,...

Cả 6 bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức - Chống độc để cấp cứu, trong đó có 3 bệnh nhân bị nặng. Sau khi ổn định sức khỏe, 3 bệnh nhân nhẹ hơn xin được về nhà, 1 bệnh nhân xin được điều trị tại địa phương, còn 2 bệnh nhân nặng được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai. Hiện sức khỏe 2 người này đang tiến triển tốt.

Sau sự cố hệ thống máy chạy thận nêu trên, 132 bệnh nhân đang điều trị nội và ngoại trú tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa 115, Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh và Bệnh viện Quân y 4 để tiếp tục điều trị (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Siết chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Bệnh viện gặp khó

Năm 2019 là năm đầu tiên các bệnh viện (BV) chính thức được giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho cả năm. Với phương thức này, các BV sẽ không bị động về quỹ BHYT do không còn áp dụng quỹ BHYT đa tuyến đi và đa tuyến đến. 

Tuy nhiên, theo thông báo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, đến nay hầu hết các BV trên địa bàn thành phố đều đã chi vượt quá 50% dự toán cả năm, trong khi 6 tháng cuối năm thường có lượt khám chữa bệnh tăng cao hơn nhiều 6 tháng đầu năm. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, về vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, những BV nào đã vượt chi quá nhiều và nguyên nhân của sự vượt chi này là gì?

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Tính đến thời điểm này, ngoại trừ các phòng khám đa khoa tư nhân và BV tư, tất cả BV công lập thuộc thành phố đều đã sử dụng quá 50% dự toán chi khám chữa bệnh BHYT. Ở tuyến huyện, điển hình như BV Huyện Củ Chi (đã sử dụng 76%), BV Huyện Bình Chánh (64%), BV Quận 2 (61%), BV Quận 11 (60%), BV Quận Gò Vấp (59%)… Một số BV tuyến thành phố như BV Nhi đồng Thành phố đã sử dụng 68%, kế đến là Viện Tim (60%)… 

Nguyên nhân của sự vượt chi này, đầu tiên phải kể đến là dự toán chi của các BV và cơ sở y tế trên địa bàn thành phố được giao căn cứ trên tình hình khám chữa bệnh BHYT của năm trước liền kề (hay nói cách khác là căn cứ trên số thẻ BHYT phát hành trên địa bàn thành phố của năm 2018). Trong khi thực tế cho thấy, số lượt khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, tương ứng với số thẻ phát hành năm 2019 là 7.401.840 thẻ, tăng 283.495 thẻ so với năm 2018 (tăng 3,22%).

Nguyên nhân thứ 2 là các chính sách mới có liên quan đến khám chữa bệnh BHYT như: tăng lương cơ sở tác động đến số người bệnh có chi phí dưới 15% lương cơ sở và người bệnh có chi phí vật tư y tế trên 45% lương cơ sở; tăng giá viện phí.

Nguyên nhân thứ 3 là do thực hiện Nghị định 146/NĐ-CP, giao tổng mức thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh không bao gồm đa tuyến đi, nên làm tăng số lượt BV đa tuyến ngoại tỉnh đến TPHCM (6 tháng đầu năm đã tăng 6,03%).

* Khi các BV đã chi quá lố cho 6 tháng đầu năm thì có thể sẽ xảy ra nhiều vấn đề, như: chuyển bệnh nhân qua các BV khác, đẩy bệnh nhân BHYT qua làm dịch vụ, hoặc “cắt xén” bớt quyền lợi của bệnh nhân. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Việc đã sử dụng hơn 50% dự toán chi BHYT trong 6 tháng đầu năm thật sự làm các giám đốc BV rất lo lắng, vì 6 tháng cuối năm bao giờ cũng đông bệnh hơn.

Do đó, các giám đốc BV công lập cần tập trung rà soát và củng cố các hoạt động, không “cắt xén” quyền lợi của người bệnh mà là sử dụng nguồn lực hợp lý nhất, tránh lãng phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh như: kê đơn hợp lý và tuân thủ nguyên tắc kê đơn theo quy định; chỉ định nhập viện đúng theo phác đồ; thời gian nằm viện hợp lý, không trì hoãn xuất viện, tăng cường điều trị trong ngày thay vì nhập viện điều trị nội trú (đối với những bệnh lý có chỉ định điều trị trong ngày); chuyển người bệnh về tuyến trước điều trị tiếp (khi đã chẩn đoán và điều trị ổn định nhưng cần được chăm sóc và theo dõi thời gian dài); chỉ định thuốc và kỹ thuật chẩn đoán, kỹ thuật điều trị có chi phí lớn phù hợp; đảm bảo sử dụng phần mềm liên thông khám chữa bệnh BHYT để ngăn chặn hành vi lạm dụng khám chữa bệnh BHYT...

Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT, lãnh đạo các BV phải nâng cao năng lực theo hướng chuyên nghiệp hóa của các phòng, ban; tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa các khoa, phòng; hình thành tổ BHYT chuyên trách (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Bệnh viện công sẽ được tự quyết giá viện phí

Bộ Y tế đang rà soát lần cuối dự thảo Thông tư “Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp” để ban hành vào tháng 10 tới. 

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành quy định này, để đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện công đúng với chất lượng cung cấp.

Mặt bằng giá được ban hành có tham khảo các bệnh viện tư và giá quốc tế, từ đó Bộ Y tế đưa ra giá trần. Trên cơ sở quy định của thông tư trên, các bệnh viện có thể tự ban hành giá dịch vụ y tế nhưng không được vượt giá trần.

Theo đó, đối với giá giường bệnh tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), giá tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Hà Nội lập các đội đặc nhiệm chống sốt xuất huyết ở 14 quận/ huyện

Ngày 5-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua (từ 29-7 đến hết 4-8), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 248 trường hợp mắc SXH, nâng tổng số ca mắc lên hơn 1.850 trường hợp.

Bệnh nhân SXH phân bố tại tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, song 85% ca mắc tập trung ở 12 quận/ huyện trọng điểm ở khu vực nội thành và ven đô, như: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì, Đông Anh…  

Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã tổ chức được 1.066 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống SXH; tổ chức 109 chiến dịch phun hóa chất chủ động tại khu vực có nguy cơ cao.

Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các đơn vị có kế hoạch cụ thể theo từng tình huống dịch; tích cực tuyên truyền để người dân hợp tác với ngành y tế cũng như chủ động phòng chống dịch SXH; chuẩn bị đủ máy phun, hóa chất cho công tác phòng chống dịch.

Cùng đó, cần tăng cường giám sát diễn biến dịch bệnh trên bệnh nhân, côn trùng và virus Dengue để nhận định, dự báo và đáp ứng phòng chống dịch; Tổ chức xử lý quyết liệt, triệt để ổ dịch, không để ổ dịch kéo dài, với việc phun hóa chất, ưu tiên phun bằng máy phun mù nóng tại công trường xây dựng, trường học, khu thuê trọ, chợ dân sinh.

Đặc biệt, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu giám đốc các Trung tâm Y tế quận/ huyện/ thị xã phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh SXH, tham mưu đề xuất để cấp ủy, chính quyền huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Ông Hiền cũng giao nhiệm vụ cho TTYT 14 quận, huyện có dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp nghiên cứu thành lập 2 đội đặc nhiệm phòng chống SXH/đơn vị. Các đội đặc nhiệm này sẽ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, sau đó có nhiệm vụ xuống xã, phường kiểm tra và hỗ trợ công tác phòng chống dịch theo hướng “cầm tay chỉ việc” (An ninh thủ đô, trang 6). 

 

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngày càng trẻ hóa

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 cho biết, hiện BV có trên 700 người phải chạy thận nhân tạo, trong đó người ở độ tuổi 18-30 chiếm hơn 30%. 

Còn tại BV Đại học Y Dược TPHCM, từ khi triển khai chạy thận nhân tạo vào đầu tháng 5-2019, đến nay đã tiếp nhận hơn 300 lượt chạy thận nhân tạo, chủ yếu là các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng, tổn thương nhiều cơ quan cùng lúc. Trong đó, tỷ lệ người từ 30 tuổi trở xuống chiếm khoảng 40%.

Thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Khoa nội thận - Thận nhân tạo (BV Đại học Y Dược TPHCM), cho biết người trẻ mắc bệnh về thận chủ yếu do di truyền, tiếp xúc với chất độc, dùng thuốc không rõ nguồn gốc, mắc các bệnh lý miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, hoặc các bệnh cầu thận nguyên phát…

Bên cạnh đó, lối sống và thói quen sinh hoạt của người trẻ tuổi cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về thận. Để tránh phải chạy thận nhân tạo, nếu chưa mắc bệnh thận, cần có lối sống lành mạnh; tránh các bệnh chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng acid uric; phải dùng thuốc đúng chỉ định, không lạm dụng thuốc giảm đau; uống nhiều nước; tầm soát bệnh thận (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Cả nước đã ghi nhận 15 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước đã ghi nhận gần 125.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 15 trường hợp tử vong tại các tỉnh, thành phố, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Quảng Bình, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh và Bạc Liêu.

So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,3 lần, số tử vong tăng 6 trường hợp. Các tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao, dẫn đầu là Khánh Hòa, tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh… Hà Nội hiện xếp thứ 24 trong danh sách các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao trên cả nước.

Ngày 5-8, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ của giai đoạn 5 năm (từ năm 2014-2018), nhưng dịch bệnh đang tiếp tục có xu hướng gia tăng. Riêng trong tuần từ ngày 29-7 đến 4-8, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 248 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.852 trường hợp mắc sốt xuất huyết, hiện gần 90% ca bệnh đã khỏi, còn 213 trường hợp đang điều trị; chưa ghi nhận ca bệnh tử vong (Hà Nội mới, trang 1). 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang