Nữ du học sinh mắc COVID-19 được cách ly ngay khi nhập cảnh
Bản tin 18h ngày 6/10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là nữ du học sinh trở về từ Anh được cách ly ngay. Việt Nam hiện có 1.098 bệnh nhân.
Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 18h ngày 06/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.
- Tính từ 6h ngày 06/10- 18h ngày 06/10: ghi nhận 1 ca mắc mới là ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Đến chiều ngày 6/10, Việt Nam đã tròn 34 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.
Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã tròn 49 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Thông tin ca mắc mới: 01 ca mắc mới (BN1098): là ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Hải Dương. Cụ thể:
CA BỆNH 1098 (BN1098): nữ, 26 tuổi, có địa chỉ tại thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, là du học sinh.
Ngày 03/10/2020, bệnh nhân từ London nhập cảnh tại Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN0054, được chuyển đến cách ly tập trung ngay tại Trung đoàn 125, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Ngày 04/10/2020, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, đau họng. Kết quả xét nghiệm ngày 05/10/2020 tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương và ngày 06/10/2020 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đều dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị tiếp tục kiên định các biện pháp chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với nhiệm vụ chính là tập trung ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài.
Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt trường hợp nhập cảnh trái phép; rà soát, quản lý trường hợp nhập cảnh là chuyên gia theo Công văn số 4995/BYT-DP ngày 21/9/2020 về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam của Bộ Y tế.
Đồng thời, việc kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, khai báo y tế bắt buộc thực hiện nghiêm; khuyến cáo sử dụng ứng dụng khai báo, truy vết; phân luồng người nhập cảnh ngay tại cửa khẩu, vận chuyển an toàn về địa điểm cách ly, đặc biệt lưu ý người nhập cảnh từ chuyến bay thương mại. Các hình thức cách ly theo hướng dẫn của ngành Y tế tiếp tục được quản lý chặt, không để xảy ra lây nhiễm trong cơ sở cách ly tập trung và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Hà Nội mới., trang 1).
Phổ cập “vũ khí” vaccine để chiến đấu chống đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-10 không chỉ khiến hàng chục triệu người nhiễm bệnh, hơn 1 triệu người trên thế giới tử vong mà còn tàn phá nặng nề nền kinh tế toàn cầu. Việc sớm tiêm rộng rãi vaccine phòng ngừa Covid-19 cho người dân các nước nghèo được xem là giúp phổ cập thứ “vũ khí” hữu hiệu nhất chiến đấu chống đại dịch này. Phổ cập và đồng đều vaccine chống đại dịch
Tại phiên thảo luận chung ngày 5-10 của Ủy ban Các vấn đề kinh tế, tài chính trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc với chủ đề “Xây dựng lại tốt đẹp hơn sau đại dịch Covid-19: Bảo đảm nền kinh tế toàn cầu công bằng hơn, xã hội hòa hợp hơn và phát triển bền vững hơn”, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Lưu Chấn Dân đã nhấn mạnh tới các mục tiêu phát triển toàn cầu cần đạt được sau đại dịch Covid-19 gồm giảm nghèo, giảm bất bình đẳng xã hội, kích thích kinh tế xanh, tránh khủng hoảng nợ cho nước nghèo và đưa doanh nghiệp tư nhân vào cuộc. Trong khi đó, đại diện các nhóm nước nhận định, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh nhất tới các nước nghèo và cho rằng suy giảm kinh tế dẫn tới bất bình đẳng, rối loạn xã hội.
Với cương vị Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại New York 2020, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã thay mặt các nước ASEAN phát biểu về phương hướng ứng phó với đại dịch Covid-19 và các biện pháp thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn. Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, cần tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế; thúc đẩy tiếp cận phổ cập và đồng đều vaccine chống dịch; chú trọng chăm sóc các đối tượng yếu thế trong xã hội; chú trọng chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.
Những tiếng nói kêu gọi phổ cập vaccine phòng ngừa Covid-19 vang lên trên diễn đàn tổ chức lớn nhất toàn cầu trong bối cảnh đại dịch này tàn phá nặng nề không chỉ sức khỏe, tính mạng con người mà còn làm đảo lộn đời sống kinh tế-xã hội trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo. Thống kê mới nhất tính tới ngày 6-10 cho thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến gần 36 triệu người nhiễm bệnh, cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người.
Đại dịch Covid-19 cũng tàn phá nặng nề nền kinh tế toàn cầu, nhất là nhóm nước dễ bị tổn thương như các nước nghèo, đang phát triển. Theo kết quả những cuộc thăm dò trên thế giới, đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm này đã tác động nghiêm trọng hơn đến người dân ở các nước nghèo hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có.
Kết quả thăm dò đã cho thấy rõ có khác biệt đáng chú ý giữa các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, nhóm gồm 37 quốc gia giàu có và phát triển nhất thế giới) và các nước không phải là thành viên OECD. Theo đó, 69% người dân ở các nước không thuộc OECD bị ảnh hưởng thu nhập bởi đại dịch Covid, so với 45% người sống ở các nước OECD. Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy, những người ở châu Mỹ Latin, châu Á và châu Phi có xu hướng nói rằng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã có tác động đáng kể đến họ hơn là với những người sống ở châu Âu và Bắc Mỹ. Những người dân ở các quốc gia Kenya (91%), Thái Lan (81%), Nigeria (80%), Nam Phi (77%), Indonesia (76%)… đã bị ảnh hưởng về tài chính.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo, đại dịch Covid-19 có nguy cơ đẩy khoảng 150 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2021 và những tác động tiêu cực đối với con người sẽ còn kéo dài nhiều thập kỷ nữa. Ông David
Malpass cho rằng, việc tiếp cận vaccine phòng ngừa Covid-19 một cách “rộng rãi, nhanh chóng với giá hợp lý” sẽ là trọng tâm của công tác khôi phục kinh tế toàn cầu.
Vaccine phải đến được với người nghèo
Cho dù hiện nay vaccine phòng ngừa Covid-19 vẫn đang được khẩn trương nghiên cứu, sản xuất và phải chờ tới cuối năm 2021 mới có thể sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Thế nhưng, đó vẫn là thứ “vũ khí” hữu hiệu nhất để “chiến đấu” chống lại đại dịch Covid-19 và chỉ có khi nào vaccine được sử dụng phổ cập trên toàn cầu thì thế giới mới đẩy lùi được đại dịch và đưa mọi hoạt động kinh tế-xã hội về trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, ngay từ lúc này thì thế giới đã phải lo lắng về việc tiếp cận vaccine phòng ngừa Covid-19 khi chúng được sản xuất và đưa vào sử dụng rộng rãi. Trở ngại quan trọng nhất vào lúc này là kinh phí để nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine. Hiện, các hãng dược phẩm trên thế giới cam kết, đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 10 tỷ liều vaccine phòng ngừa Covid-19. Thế nhưng, các chuyên gia lo ngại số lượng vaccine trên thực tế ít hơn nhiều và điều quan trọng là các quốc gia giàu có, người giàu gom hết trước dẫn tới cuộc khủng hoảng do thiếu vaccine cho các nước và người nghèo.
Thông tin trên tạp chí khoa học Nature cho biết, chính quyền các nước như Mỹ, Anh, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã đặt hàng mua dự trữ tới hơn 2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19. Mỹ đã chi khoảng 6 tỷ USD để bảo đảm có gần 1 tỷ liều trong 6 loại vaccine tiềm năng nhất đang phát triển và thậm chí đặt hàng để có thể mua thêm 1 tỷ liều nữa trong khi số dân của Mỹ chỉ hơn 300 triệu người. Cũng so về dân số, Anh là quốc gia muốn mua dự trữ 335 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, tức 5 liều cho mỗi đầu người. Các thành viên EU và Nhật Bản cũng đặt mua hàng trăm triệu liều.
Việc các nước giàu thu gom vacine phòng ngừa Covid-19 đã gây ra những lo ngại sâu sắc trên toàn cầu, và những lo ngại đó là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào các cuộc khủng hoảng dịch bệnh, y tế từng xảy ra trước đây. Năm 1996, phương pháp điều trị bệnh nhân HIV bằng thuốc kháng virus ARV được xem là biện pháp hữu hiệu phòng chống “căn bệnh thế kỷ” nhưng chủ yếu danh cho các quốc gia phương Tây và phải 5 năm sau mới “tới lượt” các nước đang phát triển, nước nghèo. Hay gần đây, trong dịch virus cúm A năm 2009, các nước công nghiệp phát triển ban đầu cũng tuyên bố họ phải kiếm đủ vaccine cho dân họ trước rồi mới cung ứng 10% kho dự trữ cho các quốc gia khác.
Nhằm tránh cuộc khủng hoảng khi có vaccine phòng ngừa Covid-19, đảm bảo để các quốc gia đang phát triển và các nước nghèo có thể sớm tiếp cận nhất có thể, Ban giám đốc WB ngày 29-9 vừa qua cho biết, đang xem xét gói trợ giúp 12 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo mua và phân phát vaccine ngừa bệnh Covid-19, Thể chế tài chính đa phương này cũng đã thực hiện nhiều chương trình ứng phó khẩn cấp tại 111 quốc gia. Trong trường hợp được thông qua, số tiền 12 tỷ USD sẽ được dành cho các nước có thu nhập trung bình và thấp với thời gian giải ngân trong vòng 12-18 tháng.
Một loại vaccine an toàn và hiệu quả ngừa Covid-19 và nhất là mọi quốc gia, người dân trên thế giới đều có thể tiếp cận được là biện pháp quan trọng nhất để thế giới có thể mở cửa trở lại một cách an toàn. Mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu sẽ không thể phục hồi đầy đủ cho đến khi mọi người đều được phổ cập tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, thứ “vũ khí” để họ cảm thấy có thể sống, hòa nhập xã hội, làm việc và đi lại một cách tự tin. (An ninh Thủ đô, trang 17).
162 trường hợp F1 liên quan ca người Nhật dương tính với Covid -19
Ngày 6-10, lãnh đạo Sở Y tế TP Hải Phòng cho biết đơn vị vừa nhận được văn bản của Công ty K.C.V.N. thông báo về việc một trường hợp người Nhật nghi mắc COVID-19.
Cụ thể, trường hợp nghi mắc là anh T.K. (33 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) làm việc tại Công ty K.C.V.N., huyện Thủy Nguyên, hiện anh T.K. đang sinh sống tại quận Lê Chân.
Trước đó, anh T.K. sang Việt Nam làm việc từ ngày 26-6-2018, đến ngày 5-10-2020 bay về Nhật Bản trên chuyến bay Asianna Airline OZ 112, hạ cánh đến Osaka Nhật Bản lúc 10h10 cùng ngày.
Theo thông tin từ anh T.K., sau khi hạ cánh xuống sân bay Osaka, được xét nghiệm bằng phương pháp PCR đã cho kết quả dương tính với COVID-19.
Được biết, trước đó khi ở Hải Phòng, anh T.K. cũng không đi du lịch ở đâu ngoài việc hằng ngày đi xe buýt cùng với 13 người và lái xe của Công ty T.T. từ nơi ở đến nơi làm việc.
Trước khi về Nhật, anh T.K. đã tổ chức buổi liên hoan chia tay đồng nghiệp.
Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp này, Sở Y tế Hải Phòng đã khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch. Qua rà soát nhanh, đã xác định được 162 trường hợp F1, hiện đang được cách ly tại nhà.
Đã lấy 125 mẫu xét nghiệm gửi về Trung tâm Y tế dự phòng thành phố làm xét nghiệm. Trung tâm y tế các quận, huyện đang tiếp tục điều tra, rà soát các trường hợp F2.
Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo phun khử khuẩn nơi làm việc và nơi cư trú của anh T.K, phong tỏa toàn bộ tầng 5 khách sạn Roygent Parks thuộc quận Lê Chân gồm 13 phòng, phun thuốc khử trùng tiêu độc tại tầng 5 và khu vực lễ tân của khách sạn. Cách ly 6 người là lễ tân, nhân viên phục vụ phòng tại khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm lần 2.
Sở Y tế đang đề nghị Công ty K.C.V.N. tiếp tục trao đổi với anh T.K. ở Nhật Bản để có thông tin về kết quả xét nghiệm những lần tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và người tiếp xúc với người tiếp xúc gần bệnh nhân (F1, F2) để lấy mẫu, thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe, cách ly y tế phù hợp. (Tuổi trẻ, trang 4).
Nguy cơ xuất hiện làn sóng Covid-19 mới: Thế giới nỗ lực để tránh kịch bản xấu
Ngày 5-10, Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cảnh báo, thế giới đang bước vào một giai đoạn khó khăn khi dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng. Nhiều ý kiến cho rằng, các nước trên thế giới phải nỗ lực triển khai những biện pháp cấp thiết để tránh nguy cơ xuất hiện một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.
Theo tính toán của WHO, cứ trung bình khoảng 3-4 ngày lại có thêm 1 triệu người mắc Covid-19. Các điểm bùng phát dịch đang gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới. Pháp, Anh chưa giảm được số ca mắc theo ngày. Czech - quốc gia thành công trong việc kiểm soát làn sóng dịch thứ nhất, cũng đang chật vật khi số bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh.
Tình hình dịch bệnh xấu đi tại châu Âu đặt ra câu hỏi rằng, dường như đã có một khâu nào đó “lệch nhịp” trong toàn bộ quy trình bảo đảm an toàn khi các nước mở cửa trở lại. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo, diễn biến dịch bệnh trước mắt tại Lục địa già đang “rất nghiêm trọng”. Còn Giám đốc khẩn cấp của WHO tại châu Âu Dorit Nitzan gọi đây là “lời cảnh tỉnh” khi người dân các quốc gia châu lục này thời gian qua dần lơ là, thiếu cảnh giác trước dịch bệnh. Lãnh đạo các nước châu Âu cũng liên tục bày tỏ lo ngại rằng, các bệnh viện sẽ đối mặt với nguy cơ quá tải trong những tháng tới.
Tương tự châu Âu, dịch bệnh tại Mỹ và nhiều quốc gia khác tại châu Mỹ cũng đang có xu hướng tăng mạnh trở lại như thời kỳ đỉnh dịch vào tháng 3-2020. Hiện, 9 bang của Mỹ đang ghi nhận mức tăng kỷ lục các ca mắc Covid-19 trong 7 ngày qua, chủ yếu tập trung ở miền Tây và Trung Tây, nơi thời tiết lạnh buộc nhiều hoạt động phải thực hiện trong nhà. Trong khi đó, Mỹ Latinh đang được cho là nơi khó kiểm soát dịch bệnh nhất khi chiếm tới 33,8% số ca tử vong và 27% số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên toàn cầu. 5 quốc gia của khu vực này, gồm Brazil, Colombia, Peru, Mexico, Argentina nằm trong số 10 nước có số ca lây nhiễm cao nhất thế giới.
Tại châu Á, dù số ca mắc mới Covid-19 ở Ấn Độ, nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nặng nề thứ hai thế giới, đã giảm nhẹ song vẫn duy trì ở mức trên 74.000 người/ngày. Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Philippines cũng ghi nhận trên 3.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Những con số nói trên là lời cảnh tỉnh về làn sóng dịch bệnh mới nếu các quốc gia không đưa ra biện pháp cấp thiết để ngăn chặn đà lây lan đang có xu hướng tăng nhanh. Theo thống kê của các nhà khoa học, mốc 500.000 ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận sau hơn 6 tháng dịch bùng phát. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, thêm 500.000 bệnh nhân nữa đã ra đi trong làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Theo ông M.Ryan, trong bối cảnh các nước phải chọn giải pháp nới lỏng dần các biện pháp hạn chế để khôi phục nền kinh tế, chỉ có duy trì và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, thế giới mới có thể tránh được kịch bản tồi tệ. Đó là số người nhiễm Covid-19 tăng đột biến dẫn tới số ca tử vong có thể lên tới mốc 2 triệu trường hợp.
Trên thực tế, khi nhiều nước gỡ bỏ phong tỏa, tốc độ lây nhiễm đã tăng nhanh trở lại do các hoạt động gặp gỡ, tụ tập đông người, du lịch… bùng nổ. Trong khi đó, nhiều người không tuân thủ các biện pháp phòng dịch cơ bản, như: Đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên sát khuẩn tay và bảo đảm giãn cách. Hậu quả khôn lường là làn sóng dịch thứ hai bùng phát chỉ khoảng 3 tháng sau làn sóng thứ nhất và gây tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều. Bởi vậy, việc nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trước hết để tự bảo vệ mình, từ đó đóng góp cho sự an toàn của cộng đồng.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. (Hà Nội mới, trang 8).